Đỗ Hồng Ngọc – Cuộc đời đầy kinh ngạc

Nguyễn Đức Tùng

clip_image002

Thơ làm chúng ta gần lại với nhau. Cảm hứng thơ ca của Đỗ Hồng Ngọc sinh ra từ sự hồn nhiên, thản nhiên, có phần phóng túng, nhờ thế anh gần với người đọc. Dù nghề nghiệp hoặc thói quen làm cho một người trở nên chừng mực và nghiêm cẩn đến đâu, khi làm thơ, người ấy buộc phải buông thả. Trong giây phút buông thả ấy, các giác quan tăng cường cảm xúc, thiết lập sự thân mật giữa người quan sát và sự vật, giữa người nói và người nghe. Vì thơ là các quan hệ bên trong, cái toàn thể, cái hiện tại. Một nhà thơ đến với người đọc với tất cả ngôn ngữ của chị ấy, anh ấy, tất cả quá khứ, khuyết điểm và ưu điểm, lòng thương xót, mang theo tất cả những thứ ấy, trọn vẹn, đến với chúng ta.

 

Sóng

Quằn quại

Thét gào

 

Không nhớ

Mình

Là nước

Thơ Đỗ Hồng Ngọc là tiếng kêu ngạc nhiên  trước cuộc đời, trước hạnh phúc và đau khổ, trước giản dị tầm thường và phép lạ. Đó là tiếng kêu nghệ thuật, nên được nén lại, kiểm soát. Thơ anh là hiện hữu, cái bây giờ, sự dừng lại của khoảnh khắc. Đỗ Hồng Ngọc chỉ ra cho tôi thấy một khoảnh khắc, làm tôi dừng lại bên anh, tiếp tục nhìn thấy nó lâu dài. Thơ anh là một hình thức của chú ý. Sự tập trung chú ý tạo ra tác phẩm sáng tạo. Nhờ lắng nghe mà anh nhìn ra cội rễ của tồn tại. Nhờ tập trung, chú ý đến các chi tiết mà thơ Đỗ Hồng Ngọc tạo nên sự thân mật giữa người viết và người đọc. Sự thân mật trong thơ là khoảng cách, khoảng cách ấy càng gần, sự tin tưởng lẫn nhau càng tăng lên.

Hội An còn ngái ngủ

Mái chùa ôm vầng trăng

Giật mình nghe tiếng chổi

Gà gáy vàng trong sương

Thơ trữ tình, vì vậy, không phải là lời kêu gọi, bản tuyên bố, mà là lời tâm sự, lời kể bên ngọn lửa ấm, sự im lặng khi câu chuyện ấy được kể xong. Thơ anh đầy chú ý lắng nghe. Mặc dù anh không thiên về sự mô tả chi tiết, vốn cũng không phải là điểm mạnh của thơ Việt, anh đến gần sự vật bằng quan sát và linh cảm. Bài thơ “Đinh Cường vẽ Nguyễn Xuân Hoàng” là một bài thơ lạ, gần chất văn xuôi, ít sử dụng tu từ, giọng điệu ngang tàng. Thơ chống lại sự tiếp nhận tự động mà ta thường gặp trong ngôn ngữ nói hằng ngày, nó không ngừng thiết lập tình trạng tỉnh thức bằng sự ngạc nhiên: hình ảnh mới, các ý tưởng bất ngờ, cách sắp xếp lại các chữ. Đám đông độc giả có khuynh hướng chống lại sự làm mới của nhà thơ. Một người làm thơ yếu bóng vía có thể bị khuất phục dễ dàng bởi thẩm mỹ của đám đông, thói quen suy nghĩ của họ.

ôi trời ông Đinh Cường

vẽ Nguyễn Xuân Hoàng thời 60’ Đàlạt

rõ ra là một cô gái

dịu dàng hơn cả dịu dàng

 

cái thời 60’ Đàlạt

ai ngờ Nguyễn Xuân Hoàng mà rất gái

quá dễ thương

làm mê mẩn Đinh Cường

và, có thể… nhiều người khác nữa

Một nhà thơ có bản lãnh thản nhiên sử dụng các hình ảnh, lối nói của mình với tính cách độc đáo. Trong tiếng Anh có một khái niệm khó dịch là originality, có nghĩa là nguồn gốc, bản sắc, tính độc đáo riêng biệt. Tôi nghĩ thơ Đỗ Hồng Ngọc có tính chất ấy.

Đêm trên biển Lagi

tặng NNI

Sóng cuốn từng luồng trăng lại trăng

Đêm Hòn Bà dỗ giấc ai nằm

Phẳng lì bãi cát buồn hiu ngóng

Cao vút hàng dương quạnh quẽ trông

 

Đá cũ mòn rêu hoài đá Ngảnh

Nguồn xưa cạn nước vẫn Nguồn Chung

Về đâu mái tóc xanh ngày ấy

Câu hỏi ngàn năm có chạnh lòng?

Thơ cổ điển nhưng không cũ. Không có một bài thơ nào tồn tại độc lập. Dù được viết bởi ý định nào của tác giả, bài thơ là một giao điểm của đời sống và trí tưởng tượng, hiện tại và hoài niệm, cá nhân và cộng đồng, những quan hệ liên văn bản. Ngôn ngữ của thơ dù được viết dễ hiểu cách nào đều không thể đoán được, vì vậy người đọc cần chú ý đến mỗi chữ, mỗi âm.

Một trong những công việc của thơ là làm thay đổi đời sống thực, chuyển hóa nó, khiến cho chúng ta có thể nhìn thấy đời sống của chúng ta dưới một cách nhìn khác, trong một màu sắc khác. Mặt trời mỗi ngày một trở lại, không thay đổi, nhưng thơ làm cho mặt trời mới lại mỗi ngày. Điều đó cũng đúng cho khuôn mặt người yêu dấu: thơ làm cho nó mới hơn.

ngoài cái chợ ồn ào

mấy dãy phố thời trang dị hợm

quán ăn đầy ngõ hẻm

vài ngôi chùa trang nghiêm

và mấy trại hòm

Tập “Thơ ngắn Đỗ Nghê” đúng như tên gọi của nó, chứa những bài thơ ngắn, đôi khi như haiku. Xét về phương diện thể loại, thơ ngắn tự do là trường hợp cần chú ý. Trong những bài thơ ấy còn có câu chuyện kể. Anh là người kể chuyện thú vị, không nhiều lời. Những câu chuyện của anh gồm quan sát tinh tế, các ký ức mà dường như ai cũng có, câu chuyện đời thường, bằng một cách nào đó chúng đã đi vào thơ anh, chiếu sáng từ góc tối: sự rung động ban đầu, niềm thương xót đối với một người, sự suy nghĩ lúc ta dừng lại, sự hối hận, sự hài lòng. Làm công việc y khoa, chắc tác giả phải đối diện với nhiều cái chết, sự mất mát, thương đau. Tôi ngạc nhiên thấy anh ít viết về điều ấy, cái chết, cái mất, vết thương. Tôi nghĩ là người Việt đã đau khổ quá nhiều vì những thứ ấy, ở mức cá nhân và ở mức tập thể. Nhưng đó có thể là một chọn lựa có ý thức, cũng có thể chỉ là vấn đề cảm hứng, bạn không chọn đề tài, chúng tự chọn lấy tiếng nói. Các chi tiết cụ thể, góc nhìn, sự liên tưởng là quan trọng đối với việc đọc thơ Đỗ Hồng Ngọc. Anh có lối nói nồng nàn, say đắm, hài hước, bất ngờ:

Anh hôn đằng sau

Anh hôn đằng trước

Anh hôn phía dưới

Anh hôn phía trên

Chiếc áo của em

Thật dí dỏm, duyên dáng. Thời kỳ nào thì thơ cũng là sự trộn lẫn giữa cái mới và cái cũ, kế thừa những giá trị trong quá khứ và nói tiếng nói hôm nay. Nhà thơ Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc, có lẽ không phải là người có ý định làm mới ngôn ngữ nhưng việc anh viết từ sớm và viết liên tục chứng tỏ anh tha thiết với thơ cũng như nhiều nhà thơ khác. Thơ tạo ra một không khí riêng biệt, có phần thân mật, riêng tư, nhưng góp phần làm phong phú tiếng nói hôm nay. Mỗi nhà thơ có cách ghi nhận và phản ứng đối với đời sống khác nhau. Trong khi giọng điệu của thơ mỗi ngày một thay đổi, ngôn ngữ cũng thay đổi, thì anh vẫn giữ được tiếng nói riêng mình, chung thủy với bản tính của mình, không chịu ảnh hưởng của người khác, nhưng cũng không cũ kỹ. Thực ra, Đỗ Hồng Ngọc sống cùng thời với rất nhiều sự kiện, tỏ ra quan tâm đến đời sống văn hóa xã hội. Trong thơ cũng vậy, tôi nhìn thấy ở đó nhiều khoảnh khắc khác nhau của đời sống, công việc chuyên môn, chia ly và đoàn tụ, mất mát và hân hưởng, tình yêu và sự tha thứ. Tôi không nhìn thấy ở đó những sự kiện lớn, chiến tranh và hòa bình, các vấn đề chính trị hay dân tộc gay gắt, vì vậy thơ anh đối với tôi có tính riêng tư, thân mật, trầm lặng. Đó là một loại thơ trữ tình cá nhân, với giọng điệu êm ả, cái nhìn nhân hậu đối với cuộc đời. Tôi tin rằng ngoài đời, anh cũng thế, một người hiền lành, sâu sắc, có cá tính nhưng từ chối tham gia các cuộc tranh cãi. Anh chứng tỏ lối viết điềm đạm, chắc tay, nhưng lại phóng khoáng, và đôi khi bất cần. Làm được vậy, thật khó.

Ơi những con đường ta đã đi

Gia Long, Đồng Khánh mượt xuân thì

Chân run rẩy cát bờ Thương Chánh

Gió ở đâu về thơm bước khuya

Thơ anh có tính âm nhạc. Trong những bài thơ ngắn ấy, tính âm nhạc tinh tế hơn, nhưng nếu bạn đọc một cách đầy chú ý, chúng cũng thể hiện trong những bài thơ không có vần. Cái nhìn của Đỗ Hồng Ngọc là cái nhìn có tính quan sát của một thầy thuốc, tuy vậy, anh không hề nhầm lẫn giữa thơ và các bài báo khoa học, như một số người có thể nhầm lẫn. Anh không mang những kiến thức uyên thâm của mình vào thơ, theo nghĩa sống sượng mà chúng nằm bên dưới các chữ tinh khôi, lành lặn, và đôi khi siêu thực. Cũng vậy thơ thiền của anh nhẹ nhàng, ngẫu hứng, không có ý răn dạy, khuyên bảo, không sử dụng nhiều từ ngữ Phật pháp. Sự tưởng tượng của Đỗ Hồng Ngọc là những liên kết có tính nhảy vọt từ truyền thống đến hiện đại, sự liên kết hình ảnh qua các thời gian khác nhau, nhưng thường anh vẫn trở về với hiện tại của đời sống.

Thư Cho Bé Sơ Sinh

Khi em cất tiếng khóc chào đời

Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười

Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc

Trong cùng một cảnh ngộ nghe em!

Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu

Nói là để ngừa đau mắt

Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực

Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen.

Khi anh cắt rún cho em

Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé

Vì từ nay em đã phải cô đơn

Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ.

Em là gái là trai anh chẳng quan tâm

Nhưng khi em biết thẹn thùng

Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm

Khi tình yêu tìm đến!

Anh đã không quên buộc étiquette vào tay em

Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy

Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn

Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu!

Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh

Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa

Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang

Với những danh từ đao to búa lớn

Để bịp lừa để đổ máu đó em

Thôi trân trọng chào em

Mời em nhập cuộc

Chúng mình cùng chung

Số phận…

Con người…

Cuộc trò chuyện tưởng tượng, riêng tư, bình đẳng, nhưng gởi gắm nhiều suy nghĩ về xã hội, chiến tranh, đất nước, phận người. Đó là một bài thơ trữ tình-thế sự. Những suy tư của anh chuyển hóa thành xúc cảm. Một xúc cảm mạnh, nhưng được kiềm chế trong lời đối thoại-độc thoại.

Nhiều người than phiền rằng thơ Việt đã kết thúc. Đọc một người như Đỗ Hồng Ngọc, lặng lẽ viết, tôi tin thơ vẫn sống, vì nó là linh hồn của ngôn ngữ hôm nay. Thơ là tiếng nói riêng tư của tác giả, nhưng cũng là sự trao đổi trò chuyện giữa người viết và người đọc, lời tâm sự, sự tranh luận, quà tặng. Thơ giữ lại cho chúng ta những di sản của một thời đại, đời sống tinh thần, các giá trị văn hóa. Thơ Đỗ Hồng Ngọc là cuốn nhật ký về những năm tháng mà anh đã sống, trong một ngôn ngữ sống động như hơi thở, như đời sống thật ngoài kia. Thơ anh làm cho sự hiện hữu con người trở nên rõ rệt trước sự bôi xóa của thời gian. Tôi tin rằng một số bài thơ xuất sắc sẽ ở lại lâu dài trong lòng người đọc, chúng không chỉ là bức tranh của đời sống hôm nay, mà còn là sự cần thiết. Đôi khi anh cũng không tránh khỏi sự dễ dãi, và có những bài thơ hoặc câu thơ lặp lại một hình ảnh nào đó, hay mang dấu ấn, của người xưa:

Về thăm quê

Lâu không về thăm quê

Những người xưa biền biệt

Lũ trẻ lớn lên

Ngơ ngác

“Ủa, chú là ai?

Làm sao chú biết…?”

Thơ anh là sự kết hợp tự sự và trữ tình. Câu chuyện làm tăng sự hiểu biết của chúng ta đối với người khác, về những tương tác giữa người và người, cho người đọc nhìn thấy một thế giới, cho phép họ đi xuyên qua đám đông, ghi nhớ, kể lại, trong khi đó thơ trữ tình tập trung vào một tình huống, nén chặt nó lại trong thời gian, làm bộc lộ các xúc cảm về nó, nhờ vậy đọc thơ anh vừa thấy được một thế giới mà chúng ta đang trải qua, vừa là những giây phút bồn chồn của đời sống.

Chỉ quanh quẩn đâu đây

Cuộc đời đầy sinh bệnh lão tử

Lòng yêu đời trong anh thật lớn, cái nhìn thanh thản đầy chất triết lý cũng sâu đậm. Thơ Đỗ Hồng Ngọc thường ở thể tự do, các ý tưởng được nén lại trong một thứ ngôn ngữ khá là phóng túng:

Còn nhớ không

Căn nhà ốm nhom khu Bàn cờ

Bạn từng trú mấy hôm

Đi coi mắt vợ

Tôi cũng rành khu Bàn Cờ. Tôi quen một thiếu nữ ở đó. Tôi thường chở nàng đi ăn trong một quán hủ tiếu đâu đó, không còn nhớ, chỉ nhớ tôi không thích hủ tiếu mà lại thích mì xào giòn, nhưng câu thơ của anh làm tôi nghĩ ngợi.

Thơ mang cho người đọc sự tự do để nhìn thấy thế giới, để đáp ứng, để sửa lỗi, để cầu nguyện. Thơ Đỗ Nghê không có những tham vọng lớn lao, anh không đề cập đến các vấn đề thời sự, những đề tài nóng bỏng, đó là một loại thơ cá nhân, riêng tư và âu yếm, và suy nghĩ. Thơ anh giản dị nhưng không hoàn toàn dễ hiểu, vì anh đang cố gắng nói một điều gì không thể nói được. Đọc thơ anh cũng phải đọc giữa các hàng chữ. Thơ là xúc cảm nhưng thơ cũng là phân tích.

ngày đó mới thôi…

bọn mình rớt mồng tơi,

dĩa bánh cuốn ly café đã khó

tôi nằm chờ giải ngũ

bạn trốn trại về…

 

khu mình chẳng có gì vui…

ngoài mấy nhà bảo sanh

một nhà thương thí

phòng mạch bác sĩ

văn phòng luật sư…

nhà thuốc tây thuốc bắc

 

khu mình chẳng có gì vui

ngoài cái chợ ồn ào

mấy dãy phố thời trang dị hợm

quán ăn đầy ngõ hẻm

vài ngôi chùa trang nghiêm

và mấy trại hòm…

 

đâu có cần ra khỏi cổng thành

đâu có cần vượt sông anoma

chỉ quanh quẩn nơi đây

cũng đầy sanh bệnh lão tử…

 

ngày đó mới thôi,

căn nhà ốm nhom khu bàn cờ

bạn từng trú mấy hôm

đi coi mắt vợ…

rồi bảo sanh

rồi bệnh viện

rồi nursing home…

 

cuộc đời đầy kinh ngạc

phải không?

Đỗ Hồng Ngọc làm chủ giọng nói của mình, tiết kiệm chữ, chỉ nói vừa đủ, nhường lời cho sự hiểu biết và diễn dịch của người đọc. Thơ anh vì vậy khá kén người đọc. Thơ Việt Nam trong nửa thế kỷ qua viết về nhiều đề tài, nhưng giấu phía sau mình nó là chiến tranh, chia rẽ, bạo lực. Đó là một nền thơ đau khổ. Nhưng đó cũng là một nền thơ hướng tới tự do biểu hiện. Có một nỗi buồn mênh mông, kín đáo, trong thơ anh:

Mỗi năm

Mỗi người

Thêm một tuổi

Chỉ mình con

Mãi mãi

Tuổi đôi mươi

Vết thương khó nhận ra.  Trước khi đọc tập “Thơ ngắn”, tôi nghĩ rằng anh sẽ viết nhiều về công việc chuyên môn, nhưng không, anh dễ dàng tách ra khỏi công việc thực, tự cho phép mình hoàn toàn thuộc về thơ ca. Bởi vì thơ cũng như những hình thức văn chương khác, trước hết đến từ sự tưởng tượng. Sự tưởng tượng trong khi mang người đọc đi xa thì lại mang họ trở về, với cái nhìn mới mẻ. Thơ Đỗ Nghê, trong những bài xuất sắc nhất của anh, là những bài thơ có sức mạnh làm mới.

Có nhiều cách để làm mới. Có những người có ý định, với những tuyên ngôn, chủ trương, nhưng cũng có những người làm mới lặng lẽ bằng chính tác phẩm. Những bài thơ ngắn của anh là sự mô tả đời sống hàng ngày, những chi tiết bề ngoài có vẻ tầm thường, một kỷ niệm, với giọng điệu chừng mực, triết lý, hài hước.

Tìm kiếm

Anh không sống

Anh đợi sống

Anh để dành anh

Anh chắt mót em

Anh cắt xén niềm vui

Anh gặm nhấm nỗi buồn

Anh tìm kiếm

Một điều anh chẳng biết

Chính là bằng cái nhìn của tác giả mà thế giới trở nên thân mật hơn, gần gũi hơn, đầy chiêm nghiệm. Thơ trữ tình ngày càng được mang gần tới cuộc đời thường nhật, va chạm với những tình tiết và số phận nhỏ bé, đi tìm sự cao thượng trong những thấp kém, tính chất huyền bí của đời sống trong sự quen thuộc tầm thường. Thơ vì vậy ngày càng ngoại biên, địa phương, kỳ dị, thậm chí gồm những tiếng lóng. Không có gì là vĩnh cửu, không có một lý thuyết nào là chân lý cuối cùng, không một thần tượng nào là không sụp đổ, dù bạn đau khổ khi biết điều ấy và lắc đầu không tin, tôi vẫn chắc chắn với bạn như vậy, và đời sống trở nên sâu sắc hơn vì vậy, vì chúng ta đối diện với cái chết. Vì chúng ta yêu mến đời sống này, ca ngợi tính chất bình thường và bất thường của nó, chống lại cái vĩ đại và các đại tự sự bằng những quan tâm nhỏ nhặt, nhưng cần thiết, vừa thực vừa huyền ảo, chúng ta sống vì chúng ta nhớ lại, vì chúng ta loại bỏ và gột rửa, vì chúng ta nghĩ đến.

Comments are closed.