Đọc ĐĨ THÚI (*) của Nguyễn Viện

Mạc Vấn

Trong phần giới thiệu ngắn gọn, Phạm Thị Hoài viết: “Bạn có thể thích hay ghét, rất thích hay rất ghét, khen hay chê tác phẩm Phản Kiều, hay Tân Đoạn trường tân thanh này, nhưng tôi tin rằng bạn sẽ không thể dửng dưng với nó”.

Tôi không phải là người thuộc fan hay antifan, nhưng phải nói là tôi không thể dửng dưng.

Trước hết vì cái tên Nguyễn Viện. Ông là một nhà văn tôi cho là thuộc nhóm lạc lõng. Cách viết của ông khiến cho những người đọc “định hướng Khổng tử” và nhất là “định hướng xã hội chủ nghĩa” đều dị ứng.

Ông là nhà văn trên mạng, cũng có thể hiểu là “liều mạng”. Một nhà văn húc đầu vào những vấn nạn bùng nhùng của đất nước, trước những đống đá chực ném vào mình và trước còng số 8, nếu không liều mạng thì là gì?

Cũng có thể bảo rằng ông là nhà văn cách mạng vì đã dám bước qua những định kiến đúc sẵn, những lối mòn xưa cũ, dám đi theo lề của mình chứ không theo lề của những con cừu.

Nhưng dù gì thì cũng có thể khẳng định rằng, ông rất Nguyễn Viện, nghĩa là rất dũng cảm.

Tôi không cho rằng ông xúc phạm một bậc danh nhân văn hóa thế giới, là cụ Nguyễn Du, khi hình thành tiểu thuyết Đĩ Thúi với những nhân vật đình đám trong Đoạn Trường tân thanh.

Cụ Nguyễn đã đem tâm tình để viết lại Kiều, là cái bóng chiếu rọi của chính thân phận mình.

Nguyễn Viện cũng đem tâm tình nhưng không phải để soi chiếu cái thân phận sâu kiến của ông mà để nói đến một thời mà, theo Nguyễn Viện thì thúi hoắc như cái mùi trong l…của một con đĩ. (Tôi không can đảm như ông nên không dám dùng một từ mà ông thường dùng thoải mái)

Tôi cho rằng cách gọi “tân đoạn trường tân thanh” của cô Hoài là chưa nêu bật được cái thâm ý của Nguyễn Viện. Vì ở đây chẳng có tiếng kêu đứt ruột nào được làm mới lần nữa cả, mà chỉ có tiếng chửi. Trong một bài thơ đăng trên Tiền Vệ, ông viết:

“Tôi chửi thề mỗi khi viết / Cho dù đó là một câu thơ trong suốt…”

Vì sao một nhà văn lại cứ phải chửi thề như thế?

Ấy là vì cái mùi đĩ trong thời đại của ông, cũng là thời đại của chúng ta.

Đó là cũng là lý do thứ hai khiến tôi không thể dửng dưng.

Thì cứ cho là ông đang viết ”phản Kiều”. Vậy thử xem nàng Kiều của ông hiển hiện như thế nào?

Nàng đi xuyên suốt dòng lịch sử từ những kỹ viện đầu tiên do Quản Trọng, Tể tướng nước Tề sáng lập khoảng 2700 năm trước đến các khu đèn đỏ đương đại.”

Nàng là một cô gái xinh đẹp. Nhưng xinh đẹp và e lệ thì cũng đến lúc phải đi tiểu. Tiết tháng ba ở rừng biên cương mát mẻ và phong quang, vì thế nàng đã phải đi hơi xa để tìm một chỗ kín đáo. Kiều Nhi nhìn thấy một gò đất. Và nàng ngồi xuống. Cỏ vàng hiu hiu…”

(Có lẽ ông đang diễn nôm theo cách Nguyễn Viện mấy câu thơ của Nguyễn Du:

“Sè sè nấm đất bên đàng

“Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”- trong Nam đọc là xè xè)

Vậy thì, từ cái sự vụ “đến lúc phải đi tiểu” gặp Đạm Tiên, nàng đã trở nên dày dạn, bản lĩnh hơn, nên khi đứng trước một “bạn dân” chẳng những nàng đã không rét run, mà còn tỏ ra kiêu hãnh tự tin, ăn nói có vẻ đĩnh đạc cứ như một bậc đàn chị.

Hãy nghe nàng đối đáp ở đồn công an.

Nàng nói: “Tôi lúc nào cũng chỉ muốn sướng. Vì thế, chẳng có lý do gì tôi lại phải chịu khổ khi ở trong tù. Khi chấp pháp kêu tôi lên làm việc, tôi đã rất nghiêm chỉnh khai báo tất cả những gì cán bộ muốn tôi khai báo. Tôi chẳng có gì phải che giấu, nhưng tôi cũng không dành cho cán bộ cái quyền giáo dục tôi.

Tôi nói với cán bộ: “Sự thật về em rất đơn giản, khi bị bắt em không làm đĩ, mặc dù em có làm tình. Còn lý do vì sao em làm tình cũng rất đơn giản, vì em thích. Anh có muốn làm tình với em không?” Rồi tôi cởi nút áo khoe vú. Tôi nói: “Vú em đẹp. Cho anh nhìn miễn phí.”

Cán bộ hét lên: “Cô kia! Đây là phòng làm việc.”

Tôi bảo: “Phòng làm việc thì làm tình cũng đâu có sao.” Rồi tôi cười: “Em không tố cáo anh đâu. Em thích vui. Anh cứ vui đi, chẳng việc gì phải tự làm khó mình. Nếu anh không dám làm thì cứ nhìn cũng không sao. Em đẹp mà, phải không?” Anh cán bộ hỏi: “Cô muốn gì?”

Tôi nói: “Em nói rồi. Em muốn vui.” Rồi tôi nựng vú tôi, nói: “Anh cứ tự nhiên, em không la làng đâu.”

Đến đàn chị là Đạm Tiên thì lại càng siêu hơn. Hãy nghe Đạm Tiên nói với Từ Hải:

Để phù hợp với bản chất của anh, anh không thể bó thân mãi trong cái đảng ẩm ương ấy, vào Hội Bạch Mi với chúng em, anh tha hồ tung hoành. Sự nghiệp của anh sẽ bền vững muôn đời cùng với sự bất biến của đĩ nghiệp chúng em.”

Từ Hải trừng mắt hỏi: “Sao lại gọi là ẩm ương?”

Đạm Tiên nói: “Một cái đảng độc tôn, độc tài toàn trị, nhưng lại lãnh đạo tập thể. Không ai chịu trách nhiệm. Cứ một thằng làm thì hai thằng phá, bọn ngu dốt còn lại thì ỡm ờ ăn theo. Vì thế đảng của anh suốt bao năm nay chỉ biết loay hoay tự sướng, vơ vét và làm khổ nhân dân.”

Từ Hải hỏi: “Cô không sợ bạo chúa à?”

Đạm Tiên nói: “Bạo chúa mà được việc thì vẫn còn hơn cái lũ ham hố quyền lực mà không biết làm gì ngoài việc bắt nạt dân chúng. Em nói cho anh biết nhé, không phải chỉ có Đảng của Hồ Tôn Hiến mới theo đuổi quyền lực. Bọn đĩ điếm chúng em cũng muốn thực thi công lý theo cái cách phổ quát nhất, anh cứ nhìn kỹ xem.”

Từ Hải cười lớn: “Công lý ở chỗ nào?”

Đạm Tiên: “Ăn bánh phải trả tiền. Có phải là công lý không?”

Từ Hải đáp: “Phải.”

Đạm Tiên: “Bọn anh vơ vét của nhân dân, có đền bù gì xứng đáng?”

Từ Hải: “Em không thấy đất nước tiến bộ à?”

Đạm Tiên: “Anh so sánh với cái gì?”

Từ Hải: “Hôm qua.”

Đạm Tiên: “Thối. Các anh chỉ so sánh theo chiều dọc mà không so sánh theo chiều ngang.”

Từ Hải: “Dù sao vẫn là tiến bộ.”

Đạm Tiên: “Có rất nhiều cái thụt lùi đấy. Cần em chứng minh không?”

Từ Hải im lặng.

Thế đấy! Không chỉ có một Mã Kiều Nhi mà còn rất nhiều Mã Kiều Nhi. Không chỉ có một Vương Thúy Kiều, mà rất nhiều Vương Thúy Kiều. Không chỉ có một ma đĩ Đạm Tiên mà rất nhiều ma đĩ Đạm Tiên. Trong một đất nước “thanh bình, bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”, một đất nước “tốt gấp triệu lần bọn tư bản rẫy chết” không có khu đèn đỏ nhưng chỗ nào cũng có đĩ. Từ gốc cây bên đường, cho đến nhà hàng, đến dinh phủ chúa, từ đĩ thúi năm chục, một trăm đến đĩ siêu sạch vài chục triệu một phùa.

Vậy nên, đặt tên cái tiểu thuyết này là “Đĩ thúi”, đâu có sai!

Nhưng cái thúi của bọn đĩ dầu sao cũng còn bịt mũi mà chịu được, vì ít ra anh cũng còn thấy sướng chút chút (theo Nguyễn Viện thì sướng cái con c.) Chứ với bọn ma cô thì chịu hết xiết.

Đây là Thúc Sinh và Từ Hải:

Từ Hải hỏi Thúc Sinh: “Làm thế nào để sửa sai?”

Thúc Sinh nói: “Có hai cách. Một là ra khỏi Đảng. Hai là xóa bỏ Đảng.”

Từ Hải lắc đầu. Ý nghĩ ấy chưa bao giờ có trong đầu chàng.

Từ Hải hỏi: “Không có cách thứ ba sao?”

Thúc Sinh nói: “Tất cả các cách còn lại đều vô ích.”

Từ Hải hỏi tiếp: “Anh chọn cách nào?”

Thúc Sinh nói: “Không chọn cách nào cả.”

Từ Hải hỏi mà dường như không nhắm vào ai: “Vậy thì chúng ta đang vui chơi, hay làm cách mạng?”

Thúc Sinh cười, nói: “Chúng ta đang kiếm ăn.”

Và đây là Hồ Tôn Hiến:

Hồ Tôn Hiến hỏi Thúc Sinh: “Làm thế nào thoát được việc luận tội của lịch sử?”

Thúc Sinh bảo: “Thì cứ bỏ tù lịch sử.”

Hồ Tôn Hiến lại hỏi: “Làm sao bỏ tù được lịch sử?”

Thúc Sinh cười bảo: “Cũng đơn giản thôi, hãy bỏ tù mấy thằng viết sử. Chúng là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo ngoài lề, các nhân sĩ, trí thức phản kháng…”

Hồ Tôn Hiến nói: “Bọn chúng đông như ruồi. Bắt đứa này nó đẻ ra đứa khác.”

Thúc Sinh bảo: “Phải chuyên chính thôi đồng chí ạ.”

Qua đó chúng ta thấy Thúc Sinh trở thành quân sư quạt mo, Từ Hải tầm thường hèn nhát. Hồ Tôn Hiến hiểm độc, tàn bạo. Còn Sở Khanh thì:

Hồ Tôn Hiến hỏi: “Anh biết việc tôi cần chứ?”

Sở Khanh nhanh nhẩu: “Tìm cho ngài một cô gái?”

Hồ Tôn Hiến hỏi như không nghe Sở Khanh nói gì: “Anh vẫn còn khả năng lừa tình chứ?”

Sở Khanh: “Vâng, đấy là nghề của tôi.”

Hồ Tôn Hiến nói: “Tôi muốn anh lừa cả bầy cừu.”

Sở Khanh: “Thưa được ạ. Nhưng tôi cần chính danh.”

Hồ Tôn Hiến nói: “Thúc Sinh sẽ làm thủ tục cho anh.”

Một nhân vật khác cũng đình đám không kém, không thể thiếu trong thời đại của chúng ta. Đó là Mã Giám Sinh, một tay kết cấu cùng với Tú Bà, buôn người:

Trên danh thiếp của Mã Giám Sinh có hai chức danh: Giám đốc Công ty Xuất khẩu Lao động và Giám đốc Công ty Cung ứng Nhân sự và Dịch vụ gia đình.

Trên thực tế, Mã Giám Sinh chỉ làm cò cho Thúc Sinh trong vụ việc buôn người này. Hắn về các vùng nông thôn tuyển người và lấy tiền cò cả hai đầu…

Mã Giám Sinh nói với các anh giai và chị gái: “Chỉ cần 2000 đô thế chân, các bạn sẽ đến thiên đường.”

Nghèo không đủ ăn, nhưng bằng cách nào đó, họ cũng xoay sở được 2000 đô nộp mạng cho Mã Giám Sinh.

Đối với các cô gái muốn tìm chồng ngọai, Mã Giám Sinh tuyệt đối trung thành với cam kết “gìn giữ nguyên trạng” của các cô với khách hàng. Nhưng hắn tận dụng ưu thế của mình để kiểm tra “hàng” một cách thích đáng. Các ứng viên được yêu cầu phải tự lột truồng và trình diễn khả năng làm vợ.

Mã Giám Sinh cười: “Hãy nhớ điều này: Đểu cáng thì không ai bằng Mã Giám Sinh.”

Trên đây là những nét chính của những kẻ mà tác giả gọi là những hệ lụy của truyện Kiều. Bọn họ, là những nhân vật tiểu thuyết, cho dù có thể bị làm cho bầm dập nhưng vẫn không chết. Cùng với tác phẩm, từ năm Gia Tĩnh triều Minh, đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, chúng vẫn sống khỏe.

Cũng như Kiều, không chỉ một mình nàng làm đĩ, mà từ tổ đĩ đến chắt chít muôn đời sau, vẫn cứ nằm dạng chân ra (theo cách nói của Nguyễn Viện) trước các nền văn minh và độc tài toàn trị. Bọn Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Từ Hải, Thúc Sinh cho đến Kim Trọng, Vương Quan vẫn như những bóng đen hắc ám, cứ mãi phủ bóng lên lịch sử của dân tộc.

Cho dù Hồ Tôn Hiến chết đi, thì vẫn còn những Hồ Tôn Hiến khác. Hay là một chính thể Hồ Tôn Hiến nhưng không có Hồ Tôn Hiến. Cái bóng ma toàn trị vẫn cứ ám vào từ thế hệ này đến thế hệ khác. Như bóng ma đĩ Đạm Tiên đã ám vào Thúy Kiều.

Phải nói, đọc được tiểu thuyết phản tiểu thuyết, phản hiện thực và phản lịch sử có tên gọi là Đĩ Thúi này rất chi là khó.

Khó vì các nhân vật, lúc thì như những người mà ta thấy chường mặt trên TV hay các cuộc tiếp xúc với cử tri, lúc thì như lũ chuột nghe tiếng mèo kêu liền chạy biến vào hang.

Thường, những nhân vật như thế này khiến người đọc hay liên tưởng đến thằng A, lão B, con C. Nhưng chính vì kỹ thuật biến không thành có, biến có thành không, nên tác giả không để ta đủ thời gian mà định hình một kẻ nào. Đây không phải là tiểu thuyết ám chỉ như đã từng một thời rộ lên ở Hà Nội.

Là tả thực mà không hẳn là thực. Là ảo mà cũng chưa hẳn là ảo. Là kết án nhưng không ra kết án. Là diễu nhại nhưng không phải lúc nào cũng diễu nhại. Và hẳn nhiên là tục nhưng không hẳn tục. Tác giả có vẻ như một nhà ảo thuật. Người xem biết là xạo đó nhưng vẫn cứ trố mắt ra mà xem. Có lẽ vì vậy, mà giữa Nguyễn xưa với Nguyễn nay, tuy hai mà một. Nếu biết Nguyễn nay đi chơi đĩ thì cũng đừng la toáng lên là xúc phạm đến Nguyễn xưa.

Một thời mà Sở Khanh làm chủ tịch hội Văn nghệ và các loại tương cận, thì tác giả không ngại ngần tuyên bố:

– Khi chính trị và văn học nghệ thuật ăn cánh với nhau, con người bị giết chết.

– Trong các chế độ độc tài, văn nghệ sĩ chính thống là kẻ đồng lõa với tội ác.

Đạm Tiên lại còn làm ra vẻ nghiêm trọng: “Trước sự thống khổ của con người, nhà văn không thể là kẻ vô tội.”

Đạm Tiên là con ma đĩ khôn ngoan nhất trong các con đĩ. Những phát biểu của nàng, vì thế, không đến nỗi thúi um như những gì bay ra từ giữa hai chân nàng. Vì thói quen nghề nghiệp, các nàng ưa nói tục, nhưng chưa hẳn những điều các nàng nói ra lại ngu si như những phát ngôn của các đại biểu quốc hội.

Hãy nghe Thúc Sinh, anh chàng sợ vợ nổi tiếng, may nhờ Hoạn Thư vượt biên, đã mạnh mẽ biện minh cho sự nói tục của các nàng:

“Một chế độ cai trị càng hà khắc thì sự tục tĩu trong ngôn ngữ càng phổ biến. Hiện tượng tục tĩu trong ngôn ngữ do đó là một biện chứng, nó thúc đẩy sự thay đổi, bởi chính nó là sự thay đổi. Một nhà nước suy đồi, ngôn ngữ không chỉ lươn lẹo mà còn rập khuôn”.

Vậy thì, chưa hẳn các nàng đã làm cho nhà nước thúi, mà chính nhà nước với những Hồ Tôn Hiến, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, ngay cả những kẻ một thời tỏ ra anh hùng như Từ Hải, hay lương thiện như Thúc Sinh, giờ trở nên đầu hàng thỏa hiệp, hay ranh ma lọc lừa… đã khiến cho thời đại, dù được đánh bóng với hai chữ vàng “quang vinh”, vẫn cứ thúi.

Tôi không rõ tác giả có cảm thán “bất tri tam bách dư niên hậu…” như cụ Nguyễn xưa hay không, nhưng tôi tin nhờ sự tiếp sức của ông, những nhân vật nói trên có thể còn sống mãi với vận mệnh của đất nước.

Thế thì, trong tính cách liều mạng của ông, cũng có cái hay. Phải vậy không?

23/5/2012

Mạc Vấn

(*) Một phần của bài viết này đã được đăng trên BBC:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2013/05/130528_nguyenvien_new_book.shtml

Comments are closed.