Hậu hiện đại – định kiến, lỗi quan sát và nhận định (Ba phản biện xung quanh hậu hiện đại)

Inrasara

[1] Định kiến

Giáo sư Mai Quốc Liên, nhà phê bình đồng thời là giảng viên Đại học Sư phạm lâu năm, tổng biên tập đặc san Hồn Việt, trong bài “Một vài nhận thức về lí luận văn nghệ hiện thời”, đăng báo Văn nghệ, 22-4-2006, khẳng định rằng:

“Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây […]. Theo một bài báo của một GS Mỹ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách. Còn ở ta nó là một món hàng mới…”.

Ở một buổi nói chuyện với sinh viên, tôi đọc hai lần đoạn văn, và hỏi:

– Các bạn có thấy trục trặc gì ở đây không?

Vài cánh tay giơ lên, rằng tác phẩm hậu hiện đại không ế, rằng phong trào vẫn đang thịnh hành ở Tây phương. Tôi viết nó lên bảng, nhấn vào câu thứ hai: “Theo một bài báo của một GS Mỹ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách.”

– Tôi không hỏi về thông tin hay kiến thức mà về thao tác.

Im lặng. Tôi tiếp:

– Các bạn thấy đó, một câu mà phạm đến ba lỗi. Này nhé…

“Bài báo” là bài báo nào, không thấy ông giáo sư Việt Nam trưng ra. “Một GS Mỹ” ấy tên gì, càng không. Cả chuyện sách Hậu hiện đại lẫn Tân hình thức mà cả năm mới có một người tìm mua, đâu là thống kê?

Kết. Đây là câu hỏi cốt tử: Lẽ nào nghe GS Mỹ nói là giáo sư Việt tin ngay!

Vị giáo sư Việt phán khơi khơi vậy thôi, mà báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam không cần đặt câu hỏi, vô tư đăng. Ế là phải!

[2] Lỗi quan sát

Ở bài “Một số lý thuyết ngoại nhập và văn học Việt Nam gần đây” (Vanvn.net, 3-8-2016), Nguyễn Hòa viết:

“… năm 2004, trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa, dịch giả kể trên nói: “tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”, nhưng 12 năm đã qua vẫn chưa thấy lối viết hậu hiện đại “trở nên phổ biến ở Việt Nam”, phải chăng “chẳng bao lâu nữa” cũng chỉ là thời hạn tù mù? Thiển nghĩ, đưa ra một luận điểm “cấp tiến, hữu nghĩa” nhưng quá lâu chưa được kiểm chứng, thì cũng nên kiểm tra lại ý kiến của mình!”

Không kể lỗi khiếm danh, Nguyễn Hòa phản biện nhưng không nêu "dịch giả kể trên" là ai, dù ai cũng biết đích thị đó là luận điểm của Hoàng Ngọc-Tuấn (Thể thao & Văn hóa, 6-1-2004).

Ba điểm “mù” của Nguyễn Hòa:

Nhận định của Hoàng Ngọc-Tuấn là một dự cảm chuẩn.

Nếu chỉ đọc báo Văn nghệ, tạp chí Nhà Văn, hay tạp chí văn nghệ các tỉnh, và báo chính thống các loài, nhận định trên có vẻ không sai. Thế nhưng tinh thần hậu hiện đại là phi tâm hóa, nơi đó đại bộ phận sáng tác hậu hiện đại nằm ở “ngoại vi”: Văn chương mạng, văn học vỉa hè, tác phẩm in ngoài luồng…

12 năm, xuất hiện hơn trăm tác giả hậu hiện đại ở cả phía chính thống lẫn ngoại vi thuộc ba “thế hệ” khác nhau, thì “lối viết hậu hiện đại trở nên phổ biến ở Việt Nam” là một thực tế chớ còn gì.

Không nhận ra chúng mới là mù: mù quan sát. Khoảng thời gian này, sáng tác hậu hiện đại ở Việt Nam nở rộ, tác phẩm Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại do Lotus Media – Hoa Kỳ in năm 2019, minh chứng cho luận điểm này.

Kết. Còn có đọc, mà thấy chúng không là văn chương, là mù kiểu khác: mù lí thuyết. Từ mù lí thuyết dẫn đến mù thẩm định vì không thể biết đâu là tác phẩm hậu hiện đại hay hay dở ở đâu.

[3] Nhận định lệch

Nhà phê bình Thụy Khuê – Pháp nhận xét về tiếp nhận hậu hiện đại.

“Chưa kể, chúng ta còn có thói quen không tiếp cận thẳng tác phẩm, mà thường đọc qua nhà nghiên cứu này nhà phê bình kia của phương Tây, mà những “ông phương Tây” được chọn nhiều khi lại không phải là chuyên gia về vấn đề đó, hoặc có những sai lầm trầm trọng. Trường hợp lý thuyết hậu hiện đại mà tôi viết trong sách là một ví dụ sống động về sự “tam sao thất bản” này. Người Mỹ đã hiểu sai khi tiếp cận hậu hiện đại của Pháp, và họ mang cái sai đó về bên kia châu lục, người Nga lấy lại cái sai đó của Mỹ, và cuối cùng người Việt lại lấy cái sai đó từ Nga, cộng với việc dịch thuật không chuẩn, thành ra méo mó hết cả.”

(“Nhà phê bình Thụy Khuê: Phê bình văn học thế kỷ XX là cuốn sách quan trọng nhất trong đời tôi”, Diệu Thủy thực hiện tháng 1-2018, Vanviet.info đăng).

Ba lỗi chính:

Nhìn hậu hiện đại theo lịch trình đơn giản từ Pháp sang Mỹ đến Nga qua người Việt là lối nhìn tuyến tính, ngay cách nhìn này đã phi hậu hiện đại rồi.

Hậu hiện đại được cho là khởi đầu từ Pháp, nhưng là cảm thức mang tính toàn cầu thế nên nó phát triển mỗi nơi mỗi khác. Gọi nhiều chủ nghĩa hậu hiện đại là vậy. Chớ chỉ biết học thuộc lòng Pháp để áp dụng, thì còn gì là hậu hiện đại!

Mạng Tiền Vệ từ 2002 đã mở chuyên mục về hậu hiện đại, là trang [đậm sáng tác, thuyết lý, phê bình] uy tín nhất về trào lưu này, bạn đọc có thể tham khảo ở đây:

tienve.org/home/activities/viewTopics.do?action=listtopic&artTopicId=5

Ở Việt Nam, từ đầu thế kỉ XXI đến nay, có ít nhất mươi nhà viết về hậu hiện đại. Họ uống nước tận nguồn chứ không học từ “những ‘ông phương Tây’ được chọn nhiều khi lại không phải là chuyên gia”, hay đi “lấy cái sai đó từ Nga”.

Ngay đất Sài Gòn, ba người viết nhiều về hậu hiện đại là Bùi Văn Nam Sơn, Nhật Chiêu và Inrasara, không ai học cái sai về hậu hiện đại từ Nga cả!

Kết.

Đưa ra vài khuôn mặt không “tiêu biểu” để nhận định sự tiếp nhận hậu hiện đại ở Việt Nam, thì chính nhận định này tự mình thể hiện sự thiếu tiêu biểu. Nữa, khi cả quyết về điều bạn không thực sự rành, người ta sẽ nghi ngờ cả mấy điều mà bạn [có vẻ] biết.

Comments are closed.