Học ngữ pháp để làm gì?

Hồ Hải Thụy

Ngữ pháp và NGỮ PHÁP

Trẻ lên ba tuổi, ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, đều đã có “đủ lời” để hiểu và diễn đạt mọi nhu cầu của cuộc sống. Nghĩa là chúng đã nắm vững các quy tắc hoạt động của ngôn ngữ mẹ đẻ, hay nói cách khác, đã nghe hiểu và nói đúng ngữ pháp.

Cái ngữ pháp cha sinh mẹ đẻ này được “ngấm” một cách tự nhiên, không phải vất vả học tập (xuống dưới, xin lưu ý rằng cái ngữ pháp này sẽ được ghi bằng chữ thường ngữ pháp, để phân biệt với cái thứ ngữ pháp do một số nhà học giả biên soạn ra, thường in thành sách, dành cho người ta phải học mới biết được, mà sẽ được ghi bằng chữ hoa NGỮ PHÁP).

Người biết nói một thứ tiếng chưa chắc đã hiểu về thứ tiếng đó, và ngược lại. Em bé Việt lên ba nói đủ chuyện bằng tiếng Việt. Em biết nói tiếng Việt hơn bất kỳ người nước ngoài nào dù học tiếng Việt đến 5-7 năm; nhưng em không hiểu tí gì về tiếng Việt (có bao nhiêu từ loại, động từ dùng làm gì, phó từ đi với cái gì, thậm chí nói động từ, phó từ, em cũng chẳng hiểu đó là cái gì). Ngược lại, có thể có người nước ngoài thao thao bất tuyệt về các thứ cơ chế vận hành của tiếng Việt mà không biết nói tiếng Việt (hoặc nói rất kém); anh ta hiểu về tiếng Việt, nhưng không biết nói. Vậy là em bé Việt chỉ nắm vững ngữ pháp, còn nhà nghiên cứu ngôn ngữ học (người nước ngoài hay người trong nước) thì nắm vững NGỮ PHÁP.

Cũng vậy, mặc dầu còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng các nhà khoa học tạm cho rằng loài người biết nóitừ khoảng 100.000 năm nay. Vậy mà cũng mới chỉ khoảng 5000 năm trước đây, người Babylon mới biết đến đôi chút về miêu tả ngôn ngữ, và chính thức được công nhận như một NGỮ PHÁP thực thụ thì mới chỉ có từ thế kỷ 6-5 trước Công nguyên. Vậy là trong khoảng 95.000 năm, loài người vẫn giao tiếp với nhau không có NGỮ PHÁP.

Các tác giả, nhà văn, nhà báo … của chúng ta học NGỮ PHÁP ở đâu?

Lớp các tác giả trẻ hiện nay được học NGỮ PHÁP khá nhiều ở trường phổ thông 12 năm, trong môn gọi là Tiếng Việt. Lớp cha anh họ – thế hệ trường phổ thông 10 năm, và trước đó là 9 năm – hầu như chỉ được học tiếng Việt qua các bài học Trích giảng văn học. Ngược dòng lịch sử chút nữa, có lớp tác giả nhận được học vấn ở loại trường gọi là Pháp-Việt trước Cách mạng Tháng Tám 1945; ở đây, tiếng Việt, cùng với chữ Nho, được học như một thứ ngoại ngữ, ngang hàng với tiếng Anh, tiếng Đức, với số tiết học rất ít ỏi. Song ở đây, họ lại được người ta dạy cho ngữ pháp tiếng Pháp rất kỹ (để ra đời lại sáng tác bằng tiếng Việt!). Qua một thời kỳ chuyển tiếp ngắn ngủi – thời kỳ của những tác giả vừa có Nho học vừa bắt đầu thông thạo tiếng Pháp – trở về trước, là lớp tác giả chủ yếu sáng tác bằng chữ Hán, học sách kinh điển Hán. Trong số sách vở Hán học này, chưa bao giờ thấy một thứ NGỮ PHÁP có hệ thống như người ta thường quan niệm ngày nay, ngoại trừ một số cuốn sách nghiên cứu về cách dùng hư từ, mà những cuốn này lại cũng rất ít được lưu hành ở ta.

Qua mọi thời đại, dù có hay không được học cái NGỮ PHÁP tiếng Việt (và tiếng Hán), các tác giả của chúng ta vẫn sáng tác, vẫn để lại tác phẩm cho đời. Phải chăng họ dùng NGỮ PHÁP tiếng Hán? (Làm gì có!) Hay họ dùng NGỮ PHÁP tiếng Pháp? (Liệu có thể thế được chăng?). Gần đây, một hiện tượng cũng đáng lưu ý là một số tác giả sáng tác bằng tiếng Việt ở nước ngoài không hề được học NGỮ PHÁP tiếng Việt ở đâu, vì họ lớn lên và đi học ở trường nước ngoài ngay từ mẫu giáo vỡ lòng.

Ở đâu có NGỮ PHÁP, ở đâu không có?

Ở phương Đông, có hai nền văn minh cổ đại vĩ đại nhất là văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa. Trong khi Ấn Độ có NGỮ PHÁP ngay từ thế kỷ 5-6 trCN. thì Trung Quốc mãi đến cuối thế kỷ 19 mới có một cuốn NGỮ PHÁP ra đời (mà lại là mô phỏng của phương Tây). Nếu tin ở cái tiên đề được nhiều người tin, cho là: có nhu cầu tất có sản phẩm (hoặc có sản phẩm là do có nhu cầu), thì phải chăng có thể nghĩ rằng: nền văn minh Ấn Độ có nhu cầu một thứ NGỮ PHÁP, còn nền văn minh Trung Hoa thì không có nhu cầu ấy, cho nên mới không có cái sản phẩm ấy. Điều này chính Francisco de Pina (1585-1625), nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, người thông thạo các thứ tiếng Hán, Nhật, và là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ[1] cũng đã có lúc phải thừa nhận

Ở Ấn Độ, nhà ngữ pháp học nổi tiếng Panini (≈ 520 – ≈ 460 trCN.) đã biên soạn một cuốn NGỮ PHÁP cho tiếng Phạn (Sanskrit). Ông đã phân biệt thứ ngôn ngữ trong kinh kệ với thứ ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Ông đưa ra khoảng 4000 quy tắc miêu tả được rất rõ ràng tiếng Phạn thời đó. Xuất phát từ khoảng 1700 yếu tố cơ bản trong tiếng Phạn như danh từ, động từ, nguyên âm, phụ âm, ông bắt đầu xếp loại chúng, khảo sát cách chúng kết hợp với nhau thành từ ghép, thành câu như thế nào. Điều kỳ lạ là chỉ với một số quy tắc hữu hạn, Panini đã miêu tả được toàn bộ một thứ ngữ pháp theo cách rất gần gũi với lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại. NGỮ PHÁP của Panini được các nhà ngôn ngữ học ngày nay đánh giá là một trong những thành tựu trí tuệ lớn nhất của loài người, ở chỗ nó có thể được coi như một hệ thống NGỮ PHÁP và tính toán phổ quát, là tiền đề cho cái khung lôgic của máy tính điện tử hiện đại. Có người đã gọi đó là cỗ máy Panini – một mô hình cho hệ thống điện toán mạnh nhất. NGỮ PHÁP Panini mãi đến năm 1887 mới được phương Tây biết đến qua một bản dịch tiếng Đức, nghĩa là phương Tây biết đến nó sau cả các ngữ pháp Ai Cập, Hi Lạp, La Mã.

Nhưng người Trung Hoa thì lại đã dịch các tác phẩm bằng tiếng Phạn rất sớm. Năm 629 ở Trung Quốc thời nhà Đường, Trần Vĩ (tức là pháp sư Huyền Trang, tức là Đường Tam Tạng, còn gọi là Đường Tăng, 600-664) lên đường sang Ấn Độ và lưu lại đó 17 năm để học kinh Phật và đăng đàn diễn thuyết tranh luận về triết học (như truyền thống thời đó ở Ấn Độ). Trong hai mươi năm từ 645 là năm về nước cho đến 664 là năm qua đời, Huyền Trang đã vừa tự dịch vừa chỉ đạo dịch được 75 bộ kinh bằng chữ Phạn, gồm 1335 quyển. Huyền Trang (cùng rất nhiều người giúp việc ông – những nhà sư đã được đào tạo về tiếng Phạn ở Ấn Độ – trong một cái tổ chức dịch thuật rất vĩ đại) đã biết rất rõ về con người Panini cũng như cái NGỮ PHÁP Panini từ thời ấy[2]. Cùng thời với Huyền Trang, còn có một số nhà sư khác (như Bất Không, Nghĩa Tịnh, Siksananda – người Khotan) cũng đã từng du học nhiều năm ở Ấn Độ và dịch nhiều kinh chữ Phạn sang tiếng Hán. Và chính Huyền Trang lại cũng đã từng dịch ngược Lão Tử sang tiếng Phạn. Từ những kinh nghiệm dịch thuật của mình, Huyền Trang đã phát triển một lý thuyết phiên dịch khá sâu sắc được giới dịch thuật Trung Quốc ngày nay gọi là người sáng lập ra “thời kỳ dịch thuật mới”.

Có thể đặt câu hỏi: Vì sao người Trung Hoa học tập triết học Ấn Độ (chủ yếu lúc đó là Phật giáo) thông qua ngôn ngữ Phạn một cách rầm rộ như vậy mà lại không học tập kinh nghiệm rất thành công của NGỮ PHÁP Panini để áp dụng vào tiếng Hán, biên soạn một thứ NGỮ PHÁP kiểu Panini? Phải đến hơn 12 thế kỷ sau, vào năm 1898 mới có một người Trung Quốc có Tây học soạn ra một cuốn NGỮ PHÁP cho tiếng Hán[3]. Đó là cuốn Mã thị văn thông (có nghĩa là “Cuốn sách dạy cách viết văn cho thông của ông họ Mã) của Mã Kiến Trung (1844-1900). Mã đã dựa nhiều vào bộ NGỮ PHÁP tổng quát và duy lý (còn gọi là NGỮ PHÁP Port-Royal) của Arnault và Lancelot (1660). Mặc dầu có cách nhìn rất tinh tế đối với tiếng Hán, song Mã chịu ảnh hưởng quá nhiều của hệ thống miêu tả ngữ pháp phương Tây, nên cuốn sách của ông không gây được ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. [Cũng nên nhớ rằng, trước cuốn này đến 247 năm, đã từng có một cuốn cũng được gọi là NGỮ PHÁP cho tiếng Việt (viết bằng tiếng Latin) do Alexandre de Rhodes biên soạn, nhưng xếp trong cuốn Từ điển Việt Bồ La của ông với nhan đề Khái luận về tiếng An Nam hay tiếng Đàng Ngoài.]

Trung Quốc là một “cường quốc” ngôn ngữ học từ thời cổ đại, với rất nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc về chữ viết, về ngữ âm, về ngữ nghĩa, biên soạn rất nhiều từ điển đủ các loại. Sự vắng bóng của một thứ NGỮ PHÁP trong tiếng Hán cho đến trước năm 1898 phải chăng có thể giải thích theo nhà ngữ pháp học Trung Quốc Phó Đông Hoa[4] khi ông này cho rằng mặc dầu Trung Hoa cổ đại không có NGỮ PHÁP, song các nhà học giả Trung Quốc hoàn toàn nắm vững hệ thống ngôn ngữ của họ, chứng cớ là họ đã có những chú giải hết sức tinh tế về ngôn ngữ rải rác ở nhiều tác phẩm như Nhĩ nhã (tk3 trcCN.), Phương ngôn (tk 1), Thuyết văn giải tự (tk 2), Thích danh (khoảng năm 200), Ngọc thiên (547-549), Thiết vận(601), Quảng vận (1008), Trung nguyên âm vận (1324), Khang Hy tự điển (1716), vv… Có thể liên tưởng đến cách học tiếng Việt của các lứa học sinh trường phổ thông 9-10 năm, khi chỉ được học Trích giảng văn học mà vẫn học được cách viết tiếng Việt không đến mức tệ hại hơn các lứa học sinh trường phổ thông 12 năm được học NGỮ PHÁP khá đầy đủ mà vẫn bị nhiều người quan tâm “kêu ca”.

Nếu trong cả một lịch sử ba bốn mươi thế kỷ, tiếng Hán vẫn phát triển bình thường mà không cần có NGỮ PHÁP, phải chăng đó chính là cái trực giác của Galilei “tự nhiên là hoàn thiện” (nature is perfect), cái trực giác mà ngày nay các khoa học hiện đại đang muốn tìm cách chứng minh.

Thiếu ở nơi cần

Nếu cho tôi chọn dạy tiếng Việt cho người Anh hay dạy tiếng Anh cho người Việt, chắc chắn tôi sẽ xin chọn dạy tiếng Anh. Nghe có vẻ nghịch lý? Tôi là người Việt, chắc chắn tiếng Việt tôi phải giỏi hơn tiếng Anh. Đúng vậy. Nhưng những nghiên cứu về tiếng Việt lại đang còn quá ít ỏi. Mỗi khi học viên hỏi thầy điều gì đó, có khi thầy bí, vì vấn đề chưa được nghiên cứu, về nhà có tra hết tủ sách cũng chưa thấy có ai nói đến. Có lần, học viên hỏi tôi về những từ nào đi sau “tệ”, và những từ nào đi sau “nạn”, lại có lần có học viên hỏi tôi về những từ ngữ có giá trị zêrô như kiểu “sự nghiệp giáo dục” chỉ dịch thành “education” (sự nghiệp=zêrô, nghĩa là không có giá trị gì khi phiên dịch), rồi thì “sự”, “việc”, “cuộc”, … đen “nhẻm”, “thui”, “xì”, “kịt”, “nhánh”, … Khi dạy tiếng Anh, ít khi tôi bị bí, vì về nhà tra cứu tài liệu tham khảo, thế nào cũng đã từng có người nghiên cứu qua rồi.

Tình trạng nghiên cứu chưa được đầy đủ này không chỉ thấy rõ trong khi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, mà còn thấy rất rõ trong những yêu cầu của công nghệ thông tin đối với nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam, trong đó có NGỮ PHÁP. Từ lâu, phần lớn các nghiên cứu đều dựa trên chữ viết, văn bản. Từ khi công nghệ thông tin phát triển, càng ngày người ta càng ý thức được rằng ngôn ngữ tự nhiên nhất chính là ngôn ngữ nói. Khi đặt bút viết, rồi … đánh máy, rồi in ra, đã có bao nhiêu bàn tay người can thiệp làm cho mất tự nhiên rồi. Thực chất tiếng Việt hằng ngày như mọi người nói là như thế nào? Nó có đúng như những gì người ta đã dựa trên sách báo để mô tả nó không?

Tiếp xúc với thực tế ngôn ngữ sinh động của các diễn đàn (forum), của những trang chat trên Internet mới càng thấy rõ một điều là cái NGỮ PHÁP được học trong nhà trường có vai trò như thế nào đến người sử dụng tiếng Việt thông thường. Con em Việt kiều học ở các trường phổ thông ở nhiều nước trên thế giới, không được học NGỮ PHÁP tiếng Việt; vậy mà khi chat hay tham gia thảo luận trên diễn đàn, họ không hề sử dụng sai tiếng Việt. Hãy xem họ viết: “Sao U nóng dzị?” (Sao bạn nóng tính như vậy?), “Thánh kiều bro!” (Cám ơn Anh!), “Tăng cù lão!” (Cám ơn ông bạn thân nhé!), “níu như mà bài báo hông ziếc kèm tiếng Anh tui xin chịu chết vì cái cách zịt kiểu nì” (nếu như bài báo không viết kèm tiếng Anh, tôi xin chịu chết vì cái cách viết kiểu này), “Zị là xong rùi, cho coi dzí!” (Vậy là xong rồi, cho xem với!), “Cùng đi chung dzí nhau rồi mua mấy cái vác dzìa bển là xài được huh!?” (Cùng đi chung với nhau rồi mua mấy cái vác về bên ấy là xài được hử!?), “Thí cái company này của VNese muốn share dzí bà con thui” (Thấy cái công ty này của người Việt muốn chia sẻ với bà con thôi), “Tui tiếng Diệt hông ràng, có hình minh họa hông?” (Tôi tiếng Việt không rành, có hình minh họa không?), “Tui cũng giống lão đó, không hỉu cho lắm, nếu có hình minh họa chắc dễ hỉu hơn ha …” (Tôi cũng giống cậu đó, không hiểu cho lắm, nếu có hình minh họa, chắc dễ hiểu hơn à…), vv… Xem thế thì thấy rằng, tuy những người này không được học NGỮ PHÁP tiếng Việt như học sinh phổ thông trong nước, song họ vẫn nắm vững ngữ pháp đến mức “cao tay ấn” có thể điều khiển “âm binh” từ ngữ, câu cú (bóp méo lời nói vì mục đích vui đùa) một cách thoải mái như vậy. Ai đã từng học một thứ ngoại ngữ nào đó hãy thử tưởng tượng xem mình dám bóp méo thứ tiếng mình học đến mức nào để vẫn vui nhộn được mà vẫn không vượt ra khỏi phạm vi của cái có thể hiểu nhau được (chủ yếu là cái ngữ pháp).

Hơn nữa, con người sẽ vươn tới chỗ giao tiếp với máy tính bằng lời chứkhông chỉ bằng mấy ngón tay đánh vào bàn phím lạch cạch chậm rề. Việc chuẩn bị nghiên cứu NGỮ PHÁP khẩu ngữ đã làm được bao nhiêu?

Internet càng phát triển, người ta càng thấy tiếng Anh không phải độc tôn. Công việc dùng máy tính để biên dịch – dịch viết (và tham vọng là cả phiên dịch – dịch nói nữa) đang được rất nhiều quốc gia tiến hành nghiên cứu và đã cho một số kết quả đầy hứa hẹn ban đầu. Công việc này chủ yếu nhắm vào việc phân tích (như trong trường hợp của chúng ta là) tiếng Việt để dịch được sang một thứ tiếng được chọn làm trung gian (phần lớn các nước đều chọn tiếng Anh, nhưng cũng không nhất thiết phải như vậy), và tổng hợp tiếng Việt từ thứ tiếng trung gian được chọn. Tóm lại nghĩa là dịch ngược (đòi hỏi phân tích) và dịch xuôi (đòi hỏi tổng hợp). Việc phân tích tiếng Việt đã được nghiên cứu tương đối nhiều, tuy còn xa mới đạt yêu cầu; nhưng việc tổng hợp tiếng Việt thì chưa được nghiên cứu bao nhiêu.

Bây giờ thì lại càng có nhiều công việc phải làm. Công nghệ 4.0 đòi hỏi trí tuệ nhân tạo. Mà trí tuệ nhân tạo chỉ có thể có nếu máy học được như người. Máy học gì? Học các dữ liệu (data). Ngoài các dữ liệu âm thanh, hình ảnh, thì dữ liệu ngôn ngữ (nói và viết) chiếm một dung lượng cực kỳ lớn. Làm sao xử lý được vấn đề này là một công việc cần thiết hơn rất nhiều so với việc dồn sức vào dạy những chuyện ngữ pháp vô bổ cho học sinh.

Tóm lại, có thể thấy công cuộc nghiên cứu tiếng Việt còn có khá nhiều khoảng trống chưa được lấp.

Thừa ở nơi không cần đến

Trong khi đó, thì với một số kiến thức thu lượm được chưa bao nhiêu trong việc phân tích tiếng Việt như trên đã nói, đã có khá nhiều công sức của nhiều nhà nghiên cứu tiếng Việt được dồn vào việc cung cấp cho hàng chục triệu học sinh phổ thông nhiều điều có lẽ đáng ra chưa cần phải học đến thế. Có cần phải dạy cho học sinh tiểu học biết các đại từ chỉ ngôi trong tiếng Việt không? Mà thật ra tiếng Việt có ngôi không, khi mà tao ăn, mày ăn, chúng nó ăn, vv… đều chỉ là ăn, chứ không phân biệt mange, manges, mangent (cả ba từ này đều đọc là “măng-giơ” nhưng phải viết khác nhau) như trong tiếng Pháp? Phải chăng chỉ khi nói khác viết, người ta mới cần đến cái thứ NGỮ PHÁP như vẫn thường hiểu. Trong tiếng Pháp, cùng đọc là [i-lơ măng-giơ], người học phải được người ta dạy cho biết là nếu số nhiều thì phải viết ils mangent, còn số ít thì il mange. Không được học NGỮ PHÁP sẽ không viết đúng. Trong tiếng Việt, có cần phải dạy cho người ta cách dùng các động từ , , bị, được, vv… thì mới nói đúng được tiếng Việt không? Có cần dạy là không được đặt từ chỉ số lượng trước danh từ riêng, như không được nói: ba Sông Hồng, bốn tỉnh Thái Bình không? Nếu không dạy những điều (vô ích!?, thậm chí làm cho người ta buồn cười) đó, liệu người ta có nói và viết sai tiếng Việt không?

Chỉ trong cấp tiểu học, các em đã phải tiêu hóa một đống khái niệm như: chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, định ngữ, trạng ngữ, hô ngữ; danh từ chung, danh từ riêng, danh từ cụ thể, danh từ trừu tượng, đại từ chỉ ngôi, đại từ xưng hô, động từ nội động, động từ ngoại động, tính từ, số từ, phó từ, phó danh từ, phó động từ, phó tính từ, phó số từ, liên từ, giới từ, từ cảm, từ hô gọi, từ đáp lời, từ cảm thán, từ làm dấu hiệu cho mục đích và thái độ; câu đơn, câu đơn bình thường, câu đơn rút gọn, câu đơn đặc biệt, câu ghép, câu ghép bình thường, câu ghép rút gọn, câu ghép đặc biệt, câu ghép không có từ chỉ quan hệ, câu ghép có một từ chỉ quan hệ, câu ghép có cặp từ chỉ quan hệ, câu ghép đẳng lập, câu ghép chính-phụ, câu kể (câu tường thuật), câu hỏi (câu nghi vấn), câu cầu khiến (câu mệnh lệnh), câu cảm (câu cảm thán), câu hội thoại (câu đối thoại), vv…những thuật ngữ mà người lớn nghe cũng thấy … chóng mặt! Lên trung học cơ sở còn thêm: từ đơn, từ ghép, từ ghép đẳng lập, từ ghép chính phụ, từ láy, từ láy toàn bộ, từ láy bộ phận, từ tượng thanh, từ tượng hình, từ đồng âm, từ toàn dân, từ địa phương, từ thuần Việt, từ mượn, từ Hán-Việt; danh từ loại thể, danh từ đơn vị, danh từ chất liệu, đại từ phiếm chỉ, đại từ chỉ định, định từ; đề ngữ; hiển ngôn, hàm ngôn; phép nối, phép lặp, phép thế, phép liên tưởng, phép nghịch đối, phép trật tự tuyến tính, vv… Một số cha mẹ học sinh hỏi nhau: có phải con em họ được đào tạo để trở thành nhà chuyên môn ngôn ngữ học?

Không phải đã từng không có người đã có lúc gợi ý có thể tìm cách nào khác ngắn gọn hơn, trúng đích hơn cách dạy dàn trải môn ngữ pháp trong nhà trường hiện nay. “Tôi nghĩ môn ngữ pháp có ích đấy, nhưng lí thuyết quá, không thiết thực bằng chỉ cách cho thanh niên viết tiếng Việt ra sao cho sáng sủa, và trong mấy năm sau tôi lượm trên các sách báo ở Sài Gòn những câu tối tăm, viết không xuôi tìm ra nguyên nhân tại đâu, rồi đề nghị cách sửa, và nếu có thể được thì rút ra một vài qui tắc. Cuốn đó đã viết xong, nhan đề là Tôi tập viết tiếng Việt, nhưng vì chưa xuất bản[5], nên tôi để lại một chương sau sẽ xét tới.”[6]

Có một vấn đề có thể gây tranh luận: dạy sẵn các khái niệm về NGỮ PHÁP tiếng Việt cho học sinh phổ thông là cần thiết, cho dù chưa cần đến nhiều lắm cho việc nói, nghe, đọc, viết tiếng Việt, song sẽ là cơ sở để cho các em so sánh khi bước vào học một ngoại ngữ; mà thế giới ngày nay có xu thế song ngữ hoặc đa ngữ hơn là đơn ngữ. Song lật lại lịch sử thì cũng thấy, học sinh Việt Nam tại các trường Pháp-Việt thời Pháp thuộc có được học NGỮ PHÁP tiếng Việt đâu mà vẫn học tốt ngữ pháp tiếng Pháp.

Ấy là chưa nói đến một vấn đề cũng khá cơ bản còn tồn tại trong việc dạy và học ngoại ngữ (cũng lại vẫn chuyện NGỮ PHÁP). Học sinh phổ thông nói chung, và sinh viên các chuyên ngành không phải là ngôn ngữ học cần được học ngoại ngữ như thế nào? Đủ để giao tiếp (biết nói) bằng thứ ngoại ngữ ấy hay để có nhiều kiến thức về (hiểu về) thứ ngoại ngữ ấy. Hồi học sinh phổ thông còn học tiếng Nga, một hôm tôi nghe một cháu học sinh nói: “Y-a u-chê-ních pi-át-tơ-vơ clát-xa” (Tôi là học sinh lớp 5). Tôi hỏi nó: “Sao không nói pi-át-tưi clát-xơ mà lại nói pi-át-tơ-vơ clát-xa[7]?”, nó thản nhiên trả lời: “Phải nói thế, bác ạ”. Cứ theo phương pháp như vậy, học ngoại ngữ để biết đọc, nghe hiểu, lên đến đại học, cậu bé đọc tài liệu tham khảo về ngành chuyên môn hóa học của nó khá tốt, trao đổi với thày cô chuyên gia bằng tiếng Nga tạm được, trong khi rất nhiều bạn khác không làm được như vậy; song đến các bài kiểm tra ngữ pháp thì phần lớn, nó bị … thi lại, trong khi các bạn không nói được, không đọc tài liệu tham khảo được thì đạt, thậm chí được điểm cao môn tiếng Nga. Đào tạo người biết ngoại ngữ để đủ phục vụ cho chuyên môn của mình hay là đào tạo tất cả những người học ngoại ngữ thành chuyên gia về ngoại ngữ đó, với đủ thứ kiến thức về ngôn ngữ học, về NGỮ PHÁP, mà không nói được, không đọc được. Không ít người có trong tay bằng C với hàng bồ tri thức NGỮ PHÁP về tiếng Anh của 3 cuốn Streamline hay Headway mà vẫn không giao tiếp được bằng tiếng Anh. Dạy cho người ta biết nói ngoại ngữ hay hiểu về ngoại ngữ?

KẾT LUẬN

Nếu như để có được những tác phẩm vĩ đại cũng như bình thường, các tác giả vĩ đại và tác giả bình thường có thể đã có lúc không cần – hoặc không được – học đến thứ NGỮ PHÁP như nhà trường đang dạy hiện nay; vậy thì để viết được những báo cáo, biên bản, nhật ký, công văn, … thông thường chỉ cần đạt mức “sạch nước cản”, học sinh có cần phải học thứ NGỮ PHÁP như hiện nay không? Bỏ môn Tiếng Việt, trở lại chỉ học Ngữ Văn như thời 9 năm hoặc 10 năm, kết hợp giảng dạy cách viết cho học sinh, lồng trong những bài giảng văn, học sinh sẽ dôi ra được một số thời gian đáng kể để dành cho những môn học hữu ích hơn như kiến thức y học để giữ gìn sức khỏe, võ tự vệ, bơi lội, vv…

Vấn đề đặt ra rất có thể dễ gây khó chịu, vì đụng đến một cái nếp, nhưng cũng không dễ phản bác hoặc giải đáp, nhất là giải quyết một cách thuyết phục.


[1] Alexandre de Rhodes chỉ là người thừa hưởng thành quả sau khi Pina bị chết đuối do cứu người ở ngoài khơi Đà Nẵng

[2] Trong cuốn Đại Đường tây vực ký, Quyển 2, Huyền Trang có ghi lại về Panini như sau, khi đi qua nơi sinh của Panini (ở gần Peshawar – Pakistan hiện nay): “Là nơi sinh của vị tiên Panini, người đã làm ra cuốn Thanh minh luận”. Thanh minh luận (còn gọi là Kinh Panini, hoặc Sách tám chương  – vì cuốn NGỮ PHÁP này gồm tám chương)chính là cuốn NGỮ PHÁP Panini vừa nói ở trên.

[3] Ra đời muộn hơn cuốn NGỮ PHÁP tiếng Việt của Trương Vĩnh Ký 31-34 năm, cuốn Abrégé de grammaire annamite, in thạch bản năm 1864, in typo năm 1867.

[4] Phó Đông Hoa, “Trung Quốc đích văn pháp lịch sử thể hệ”, trong Trần Vọng Đạo (chủ biên) (1940), Trung Quốc văn pháp cách tân luận tùng, tái bản 1987, Bắc Kinh, Thương vụ ấn thư quán.

[5] Năm 1990, Nhà xuất bản Long An đã in với nhan đề Chúng tôi tập viết tiếng Việt (chú thích của Ban biên tập cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê).

[6] Nguyễn Hiến Lê, Hồi kí, Nxb Văn học, 1993, tr.451. Nguyễn Hiến Lê là đồng tác giả (cùng với Trương Văn Chình) của một cuốn NGỮ PHÁP tiếng Việt khá nổi tiếng, cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (Đại học Huế – 1963), và là tác giả của cuốn Để hiểu văn phạm (Sài Gòn – 1952).

[7] pi-át-tưi clát-xơ lớp 5 (cách 1, chủ cách), còn pi-át-tơ-vơ clát-xa của lớp 5 (cách 2, sở hữu cách).

Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/hoc-ngu-phap-de-lam-gi?fbclid=IwAR1PUDZIdkHQpeF-A5vgP4NqAcYn_mqON12UhtjVg4ro6gjJxh4WoXE7CmM

Comments are closed.