Khái quát về “Phác thảo một triết học cho lịch sử thế giới” của giáo sư Nguyễn Hữu Liêm

Lê Giang Trần

Bìa Phác Thảo... by Khánh Trường

Tư tưởng con người tạo nên thế giới − và chính nó cũng là một thế giới riêng. Con người luôn tò mò về vũ trụ, nhà khoa học vũ trụ Nguyễn Xuân Thuận gọi là “khát vọng tới cái vô hạn.” Tư tưởng con người theo phóng tưởng tiên khởi, lúc nền khoa học về vũ trụ chưa vững vàng, ở buổi bình minh, loài người tạo ra vũ trụ thần thoại; để từ đó cho đến thế kỷ 20, Big Bang được xem là một thuyết thành lập vũ trụ ngày càng được các khoa học gia tin vào, hay nói cách khác, nó chưa bị một lý thuyết mới mẻ nào đánh đổ, nhất là còn nói lên rằng vũ trụ giãn nở hay mở rộng, có thể đến vô tận. Trịnh Xuân Thuận qua lời nói đầu của quyển “Giai Điệu Bí Ẩn” của ông, đã cho biết một số khái lược như thế.

Mang việc con người khao khát khám phá vũ trụ vô tận để thấy trí óc con người theo dòng lịch sử tiến hóa nhân loại cũng từng bước bước lên những bậc thang tư tưởng cao hơn. Đó là tham vọng của loài người, và đó cũng là sự huyền nhiệm bí mật của từng bước tiến hóa về con người, để đến ngày hôm nay, loài người có một lịch sử thăng hoa, văn minh, và chưa dừng lại.

Đầu tiên, tư tưởng tạo thành triết học, rồi từ triết học chuyển biến thành khoa học; có nghĩa là, từ phạm trù trừu tượng họ đi đến thời kỳ chế tạo ra những cơ năng, cơ giới hiện thực, bằng khoa học thực nghiệm, điển hình như con tàu vũ trụ, tín hiệu truyền xuyên không gian, máy vi tính dữ liệu hóa mọi thứ và giải quyết mọi chuyện, v.v. Tất cả sự phát minh tân tiến trong mục đích nhằm đưa con người vượt lên hay đạt được một tầm cỡ “siêu nhân” có phép thuật, làm những việc mà tốc độ ánh sáng của Einstein đưa ra đã lỗi thời. Hãy chờ xem.

*

“Phác Thảo Một Triết Học Cho Lịch Sử Thế Giới” của Giáo Sư Triết gia  Nguyễn Hữu Liêm là một quyển sách “Triết Luận.” Quyển sách này chủ yếu sử dụng hai loại ngôn từ: ngôn ngữ triết học và chữ nghĩa trí thức, đòi hỏi một trình độ tương hợp, và là loại sách đọc để nghiền ngẫm. Những ngôn từ ẩn dụ trừu tượng bên cạnh chữ nghĩa giáo khoa chuyên môn dùng diễn tả những sự kiện phức tạp, có những tầm vóc lịch sử, nhân văn, đạo lý chen kẽ, cần phải hết sức tập trung để hiểu điều tác giả muốn diễn bày.

Ngoài ra, có những trích dẫn về kinh điển đạo Phật, về triết lý của nhiều triết gia, kể cả những công trình về khoa học, về vũ trụ, cũng được nêu lên minh chứng cho điều tác giả diễn luận. Vì thế, không cần thiết phải mượn thêm những kiến thức rườm rà để làm dáng cho bài viết giới thiệu khái quát về tác phẩm này, vì tự nó đã thừa hay ho lý thú; hay nói cách khác, là một bức tranh không còn chấm phá thêm đường nét hoặc màu sắc nào nữa.

Những câu hỏi căn bản mang tính triết lý như nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc con người, từng một thời thuộc lãnh vực của triết học. Ngày nay thuộc về mảnh đất của các nhà khoa học thực nghiệm. Sau khi khoa học lượng tử Quantum xuất hiện ngày càng trở nên một “công án” thú vị đối với khoa học, Stephen Hawking dựa trên thuyết này, nói rằng, “chúng ta tạo nên lịch sử bằng cách quan sát nó, chứ không phải lịch sử tạo nên chúng ta.” Ông còn giải thích thêm, “chính chúng ta là sản phẩm của những dao động lượng tử trong giai đoạn sơ khai của vũ trụ.” Điều này còn mang ý nghĩa đặt câu hỏi về “thực tại loài người” nếu không muốn nói tất cả sinh vật. Nghi vấn này cho Hawking đưa ra một lý thuyết “mô hình độc lập,” muốn nói rằng “thực tại” như là kết quả khả thể tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng tìm được.”Và trong lời mở đầu, Hawking kết luận rằng, “Triết học đã không theo kịp với khoa học tân tiến, các khoa học gia đã ttrở thành những người cầm đuốc khám phá trong tiến trình đi tìm kiến thức.”[trích dẫn từ “The Grand Design” của Stephen Hawking]

Quyển triết luận này, tác giả phát thảo về những bước đi của lịch sử nhân loại để tiến đến nền văn minh như ngày nay, trải qua 5 thời tính, hay giai đoạn, quan trọng, được chia làm 5 phần theo thứ tự:

Phần 1: Phác thảo khá dài để người đọc nắm vững những mấu chốt tác giả sẽ khai triển tiếp tục. Tập trung về “Ngã,” từ tiểu Ngã của con người cho đến cái TA tuyệt đối và vĩnh hằng. Người có công lột trần cái Ngã là đức Phật Thích Ca, và ngài đưa ra thuyết “vô ngã,” luận giải rằng cái Ngã của con người là cái không có thật, con người đừng chấp vào cái “Tôi” đó, như thế mới có thể tu tập đạt đến “giác ngộ.” Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý, tác giả tập trung vào thế giới con người, nên những Ngã thể mang tính triết lý được xem là những nhân vật liên hệ theo chiều dọc, cái TA lớn phóng chiếu xuống cái Ta trung gian đến ta nhỏ con người, và con người sẽ thăng tiến trải qua những thời điểm, khác biệt tùy thuộc vào không gian/thời gian của họ; do vậy con người sẽ có những chênh lệch về văn minh và nhân trí, điều này tùy thuộc vào “Ý Chí Đang Là” hành hoạt vươn lên “Ý Chí Sẽ Là.”

Giáo sư Triết gia Nguyễn Hữu Liêm luận giải gọn ở đoạn số 9 của chương 1: “9 – Ngã và Thân xác, qua năng động Dục thức, là sự thay thế, bù trừ (substitution) cho cái Ta vừa đánh thức. Khi Ta chưa trưởng thành, chưa đủ năng lực tự chủ, chưa vun đắp được cá thể tính (individuality) thì Dục thân và tự-Ngã trở nên thực tại cho Ta. Cái Ta ở giai thời này bắt đầu kinh nghiệm qua sự đến và đi của Thời trong hư không của Không gian. Đây là lúc mà Sinh, Tử bắt đầu.”

Trích thêm một đoạn để bổ túc:“12 – Tuy nhiên, tự-Ngã là ngoại hình, là hư tưởng của Ta. Nhưng không có Ngã thì không có Ta trên trục Không/Thời. Ngã là hiện thân của Ta vào Sử tính – một tiến trình hiến thân (kenosis) của Ta vào võng lưới Không/Thời và vật thể như là một sai lầm, một sự vong thân, một sa đọa, sa ngã, để cho ta biết Chân lý là gì. Không có Ta thì không có Ngã. Tự-Ngã, do đó, chính là chiếc bóng của Ta, bước vào Lịch sử như là một tha hóa, đảo nghịch Chân lý để biến Khổ Đau thành Hạnh Phước. Ta đến với Sử tính như là một sai lầm để từ sai lầm mà Ý thức tự-Ngã được chuyển hóa. Mọi Ý thức về Ta, ở giai Thời này, đều là của sai lạc. Trong võng lưới sai lạc trùng trùng nhân duyên của tự-Ngã, Ta nhận ra Chân lý của Ta. Ngã chính là Chân lý của Ta bằng con đường sai lầm của nó.”

Do đây là bài giới thiệu, chỉ vắn tắt ở những tiêu đề, giới hạn trích đoạn, không đi sâu vào nội dung toàn phần. Phần 1 được chia làm 9 chương:

1. Khi cái Ta thức tỉnh 2. Bước vào hiện tượng con người 3. Vòng tròn chuyển hóa từ Ta 4. Khi TA trở nên Sử tính – nhân loại tìm ra cá nhân tính 5. Khi Ta trở thành cái ta thiên nhiên: Ngã tướng dân tộc Ấn Độ 6. Khi Ta trở thành cái ta thiên nhiên: Ngã tướng dân tộc Ấn Độ 7. Khi Lý tính là Nguyên lý hướng đạo: Socrates 8. Khi cơ năng Ngã thể chủ quan đi tìm Đại thể tính 9. Khi Lý tính tiếm ngôi Đại thể.

Kết luận ngắn gọn cuối cùng ở câu số 244 của chương 9 / Phần 1 để dẫn sang Chương 2, từ cái “Tôi” con người sẽ bước lên nấc thang cao hơn kế đó là “Chúng Tôi” mà tiêu biểu là sự hiện thân của Chúa Jesus hay Thiên Chúa Giáo ở phương trời Tây Âu:“Cái gì sẽ đến thì phải đến như là một Thời lý phải được hiện thân, một Thời Ý phải trở nên thực tại. Xuất hiện cuối chân trời Ngã thức, cơ năng Tự-Ý thức mới đang xuất hiện: Thiên Chúa giáo.”

*

Phần 2: CHÚNG TA. Thời quán này được tác giả giải thích ngắn gọn, xin trích đoạn ở số 250/chương 10: “Năng lực Thời tính này là Chúa Jesus. Chúa Jesus là Ta – hiện thân của năng lực Đạo lý mới, liên thông giữa TA với ta. Từ TA (Chúa Trời) sang Ta (Jesus, con Một của Chúa Trời) đến ta (con người) là sự kiến lập một Trinity mới, một hệ Tam ngôi Nhất thể: TA-Ta-ta.”

Và trích đoạn ở cuối câu 251/chương 10 để rõ hơn: “Chúa Jesus kiến tạo chiếc cầu liên thông giữa TA và ta – tức là một năng lý quan hệ giữa Trời và người, giữa Đại thể với cá thể. Đây là Thời quán chuyển hóa cho năng thức Ngã thể từ một vị trí cô độc sang với một thể trạng liên đới mang nội dung cộng đồng: Chúng Ta – The WE.”

Được tiếp tục bằng các chương: 1.Sự thể chưa hoàn tất của cái ta Hy Lạp và La Mã 2.Chân lý là Liên đới 3.Chúa Jesus là Hoàng tử Hòa bình? 4.Hãy tỉnh thức – Quán tưởng là chìa khóa 5.Ý nghĩa về sự Đóng đinh – Crucification – Chúa Jesus trên Thập tự giá 6.Tại sao Ngã thể Tây Âu trưởng thành hơn? 7.Khi bản năng Thân xác chuyển hóa thành Ý chí tôn giáo 8.Khi Chúa Jesus là người tình 9.Thiên Chúa giáo hoàn tất Đạo lý nhà Phật 10.Thiên Chúa giáo hoán chuyển và khai mở Ngã thể 11.Giáo hội La Mã – Chúng Ta thay mặt TA và đại diện cho ta 12.Văn minh Chúng-Ta của Tây phương từ Thiên Chúa giáo 13.Khi biện minh Dân chủ đại diện khởi sinh 14.Kẻ ăn ngon với kẻ ngủ ngon: Tin lành và Công giáo 15.Sự thoái hóa tôn giáo theo truyền thống Abrahamic.

Những Đạo lý ở Ấn Độ và Trung Hoa thất bại trong việc thúc đẩy sự tiến hóa của con người ở hai thổ ngơi ấy, như tác giả trình bày: “Tại sao Ấn giáo, đạo Phật và Khổng và Lão đã không thúc đẩy cơ năng Tiến hóa trên cơ bản Ngã thể cho con người Á Đông như là Tây Âu đã? Câu trả lời ngắn gọn: Vì các cơ năng Đạo lý Á Đông chỉ chú trọng đến đời sống Tinh thần trên bình diện Ý niệm Tuyệt đối và trừu tượng đã đánh mất yếu tố Trung giải qua Sử tính bằng sinh nghiệm thế gian. Có nghĩa là Đạo lý Á Đông thiếu vắng tính Thực tại – Actuality – qua quy trình thử thách và sinh nghiệm với thế gian. Con người và Văn minh Tây Âu là môt hiện tượng trễ hơn so với Á Đông – như là đứa trẻ sinh sau đẻ muộn nhưng thừa hưởng được gia sản tích lũy từ các nền Văn minh trước nó, cho nên đứa trẻ trưởng thành và khôn ngoan thông minh hơn, Ngã thể vững vàng hơn.”

Tác giả phiên giải thêm, trích đoạn ở số 326/chương 18: “Tức là, nhìn từ mọi góc độ phiên giải hiện tượng Chúa Jesus, từ Đạo lý Chân Tâm mà nhà Phật đã khai mở, hay là triết học về Ái dục, như Hegel và Kojeve đưa ra, thì hiện tượng khai sáng con đường Tinh thần của Thiên Chúa giáo đã đóng vai trò tối quan yếu và quyết định cho Thời quán tiến hóa trong Sử tính nhân loại.”

Sau khi Chúa Jesus chết trên Thánh giá, qua Thánh Peter, Giáo hội được thành hình để đáp ứng cho con người, thời đại của Giáo sĩ lên ngôi, “CHÚNG TA” bắt đầu thực hiện vai trò của Ngã thể này, nó hoàn mãn sau khi (trích đoạn ở số 341/chương 20): “Sắc lịnh Milan năm 313 ban hành bởi hai hoàng đế La Mã là Constantine và Licinius, chấm dứt việc cấm đạo và cho phép tín hữu Thiên Chúa tự do truyền đạo và hành đạo – không những thế, Constantine sau đó đã thiết lập Thiên Chúa giáo là quốc giáo cho Đế quốc La Mã.”Tuy hoàn mãn nhưng không hoàn hảo, tác giả chỉ ra, bởi vì:

“349 – Ở Thời quán này, cái ta Ngã thể dung chứa hai năng động logic: Một là logic của trái Tim qua định chế Giáo hội, hai là logic Lý tính qua thể chế Đế quốc. Hai năng động này thường đi ngược lại và mâu thuẫn lẫn nhau khi Đức tin vào Chúa Jesus từ phép Nhiệm mầu mà Ngài đã chứng minh – bằng thông điệp Yêu thương, Nhún nhường, Khiêm cung, Yêu người như yêu ta – không thể được áp dụng trong một thực trạng Quyền lực và Chính trị mà Chiến thắng là Chân lý vốn được nuôi dưỡng bằng Ý chí chinh phục qua sức mạnh Quân sự, Bạo lực và Tổ chức.” [chương 20]

Tòa Thánh La Mã cuối cùng không làm được phép mầu như Chúa Jesus, đồng thời sự bành trướng quyền lực của giáo hội, cả hai đã làm cho con người nảy sinh ra một khả thể tự-do-mới. Những trích đoạn được đưa ra khá nhiều ở hai Phần đầu này để chấm dứt quyền lực của tôn giáo đã trải qua một lịch sử khá dài sau vũ trụ thần thoại đã bị xóa sổ. Neitzch tuyên ngôn rằng “Thượng Đế đã chết,” bước sang thời đại con người muốn chính họ có thể tạo nên “phép mầu,” là điều Stephen Hawking cho là thời đại huy hoàng của thế giới khoa học gia, và đây là một hành trình “trở về.” Tác giả luận ở câu số 258/chương 22: “258 – Có nghĩa rằng, từ bản sắc quyền lực bành trướng và áp chế của cơ năng Giáo hội mà Sử tính Ngã thức vô tình bước vào con lộ mới cho khả thể Tự do trên biện chứng Tự-Ý thức mới…”

Sau giai đoạn Tòa Thánh là sự ra đời của đạo Tin Lành, tác giả nhận định đây là một “thử thách cho Ý chí Tự do từ cái ta đạo Công giáo sang cái ta Tin lành, và những phân nhánh của Nó trong dòng Sử tính Tây Âu.” Ông giải thích thêm nơi chương 24 cuối cùng, đoạn số 275:

“275 – Sự xuất hiện phong trào Tin lành từ Martin Luther mang bản sắc Giáng sinh của Chúa Jesus trên bình diện tác động Tỉnh thức. Mỗi hiện tượng đóng chức năng Sử tính, thay đổi và hoán chuyển Thiết yếu tính cho Ý thức Tự do tùy theo căn cơ, nhu cầu, và điều kiện nhân sinh ở mỗi Thời đại. Cái Nhiệm mầu từ hành trạng khai đạo của Chúa Jesus nay là một Ý chí tôn giáo phản kháng một thực trạng định chế, nhân danh tính Nhiệm mầu đó. Cái ta Tin lành khởi động báo hiệu một Thời quán Ngã thức mới, về một nền tảng Chúng-Ta-mới, nhằm thay thế và chuyển hóa cái Chúng-Ta-cũ từ hơn 15 thế kỷ trước.”

*

Phần 3: NÓ – IT – Khi Chân lý là Ngoại thân

*Chương 25: Ngoại thân hóa của Ta: Từ TA đến CHÚNG TA đến NÓ *Chương 26:Chân lý là Khách quan – The “IT” *Chương 27:Khi Nghi lễ là tất cả *Chương 28:Khởi đi từ Copernicus *Chương 29:Đi tìm sự Sống qua cái Chết *Chương 30: Khách thể tính trên cơ năng Tiến hóa *Chương 31:Khách quan tính của NÓ qua đo lường *Chương 32: Khi Khoa học gia là con Đường, là Chân lý, là sự Sống *Chương 33: Hiện đại tính – Modernity – Cơn say Khoa học Thực nghiệm *Chương 34: Sự suy thoái từ cõi Thời tính xuống bình diện Không gian *Chương 35: NÓ và Kỹ thuật *Chương 36: Khi Kỹ thuật suy thoái *Chương 37: Khi Ngã thể trở nên máy móc *Chương 38: Ái dục Máy móc và Cứu cánh Vô-Ngã *Chương 39: Giữa Thực và Ảo: Ứng nghiệm Ý chí Vô Ngã và Tính Không *Chương 40: Nguồn mạch Tri thức Hoàn vũ *Chương 41: Con người chỉ là một Cỗ máy Thụ động *Chương 42: Tiền bạc, Hiện kim và Ý chí Tự do *Chương 43: Ta đã chinh phục Thế gian *Chương 44: Khi Tiền bạc là Vũ khí Trừu tượng thay thế Vũ khí Sát thương *Chương 45: Ta khoái lạc nên ta Hiện hữu *Chương 46: Đạo lý đồng tiền và Tín dụng cá nhân.

Phần 3 này, tác giả luận giải về “IT” ở chương 26, đoạn số 285: “285 – Từ TA, qua Ta, qua Chúng-Ta, nay năng thức Tự do qua chiếc thuyền Ngã thể cá nhân đi vào cõi NÓ – “IT” – khi Ý chí Tự do bước vào bình diện Tự-Ý thức mới, duy Khách quan, vào Thời quán tất cả năng lực Nội tính Chủ quan từ nay được Khách thể hóa tuyệt đối vào bình diện Hiện tượng và Vật thể qua khung thức Không/Thời…”  Ở chương 27, đoạn số 303, ông cho rằng, “Góc độ NÓ của Khoa học thực nghiệm là một Thời quán Tiến hóa tích cực và quan yếu cho hành trình Trở về Chân Tâm trên chuyến tàu Ngã thể cá nhân nơi cái ta Trần thế.”

Và, 308: “Thánh linh từ cõi Trời nay được trao vào tay con người, và khả thể Trung giải giữa Người với Trời nay nằm trong tay Khoa học gia qua năng lực Trí Tuệ Khoa học Thực nghiệm. Cái Đúng là Chân Lý Khách quan – the IT – sẽ là Nhân chứng cho cái Đẹp – the I – và cái Tốt – the WE. Tức là cái Chết hiện thân qua cõi thuần Vật thể – tảng đá Peter – sẽ là cơ sở nền móng chống đỡ cho cả cơ đồ Thế gian đang bước sang Thời quán Tiến hóa mới.”

Chương 33 luận về “hiện đại tính” như sau:“331 – Ở Thời quán NÓ, chức năng Khoa học Thực nghiệm là hiện thân của Thượng đế ở cõi Vật chất, nhằm đem sự Sống vào cõi Chết – hay gần như Chết – của những gì vẫn ở thể trạng duy Tiềm năng đang chờ bàn tay và khối óc con người đánh thức. Đạo lý đánh thức Tiềm năng cho cõi Vật thể và Thiên nhiên là bản sắc của Thời quán Hiện đại – khi mà Chân lý đang được giao hoán vào bình diện Khách quan Thực nghiệm.” …

Trong chương 38 ngay đầu đã nói tới cuộc cách mạng về thông tin, tất cả đều được ghi chép lưu giữ qua máy điện toán, gọi là DATA, dữ liệu. Nó làm thay đổi mọi sinh hoạt của xã hội con người, đến độ đã có nhiều quyển sách viết về nó, như quyển “Big Data” (2013) của 2 tác giả viết chung, Viktor Mayer-Schlönberger và Kenneth Cukier, chú thêm dưới tựa chính: “cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tư duy.” Trong phần mở đầu quyển sách đã lưu ý rằng, “số lượng dự liệu trong thế giới đang tăng rất nhanh, vượt sức không chỉ những chiếc máy tính mà cả trí tưởng tượng của chúng ta.” Dữ liệu đã trở thành một cơ sở của quyền lực. Nguyễn Hữu Liêm cũng nêu lên điều này: “357 – Điều ngoạn mục nhất trong cõi Kỹ thuật, nhất là với nền văn minh Điện toán, mà ở đó, dữ kiện – data – là Chân lý, là động năng Ái dục.” [trích đoạn) và ở số 360, trích đoạn: “Càng ngày Kỹ thuật càng tối tân, càng vô hình, càng hiệu năng, trong sứ mệnh thỏa mãn Ái dục Ngã thức, thì Kỹ thuật càng trở nên một sức mạnh khống chế và kiểm soát mọi khuôn mặt Hiện hữu. Càng giao hữu với máy móc, Ngã thức càng về gần con số Không để bị trôi theo dòng chuyển động Vô thức của Thời đại.”

Chương 39 đoạn 362 đưa ra một phát biểu của: “Paul Tipler, trong tác phẩm về vật lý học nổi tiếng, The Physics of Immortality (Vật lý học về tính Bất tử), (1994), đã định nghĩa sự Sống (life) bằng Khái niệm “sinh thể” (living being) rằng, Một sinh thể là bất cứ đơn thể nào vốn ấn ký tín hiệu, để từ đó ấn ký tín hiệu này được tồn giữ bởi sự đãi lọc tự nhiên. Do đó, ‘đời sống’ là một thể thức vận hành tín hiệu, và đầu óc nhân loại – và linh hồn con người – là một chương liệu điện toán rất phức tạp.”

Chương 42 nhấn mạnh về mãnh lực kim tiền: tiền bạc. Đồng tiền không phải là “phấn thổ” như bị người ta nói xấu về nó; người ta cũng huênh hoang về nó, “có tiền mua tiên cũng được.” Hãy nghe tác giả luận ngay đầu chương, đoạn số 372:

“Cõi tiền bạc – một Hiện tượng Nhân văn được kiến lập bởi cái ta Ngã thể từ năng động Tự-Ý thức. Jacob Needleman trong cuốn Money and the Meaning of Life viết, “Nếu bạn muốn đo lường chính xác một ai, hãy quan sát người ấy đương đầu với tính dục, thời gian, và tiền bạc… Bởi vì tiền bạc nay đóng vai trò một quyền lực vô tiền khoáng hậu đối với đời sống khách quan và nội tâm; bất cứ nỗ lực tìm hiểu về chính mình hay sự chuyển hóa Ngã thể, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu ý nghĩa mà tiền bạc đem đến cho chúng ta… Ở thời đại hôm nay, vấn đề tiền bạc phải được coi là một vấn đề của Ý thức, một vấn nạn về Hữu Thể của con người trên thế gian… Mối liên hệ giữa ta với đồng tiền có thể là một khí cụ quan yếu cho khả năng tự hiểu biết về chính mình.” [trích đoạn]

Chương 43, trích thêm ở đoạn số 376: “… Ngày nay, Máu của Chúa là Tiền bạc – một hóa thân của tính năng Thánh linh vào cuộc sống hằng ngày, kẻ nào uống được máu Tiền bạc thì được hưởng Quyền năng và Phép lạ của Chúa trong cuộc sống. Vì Tiền bạc là máu huyết Thánh linh nên ta không nên coi thường và cũng không sợ hãi vì thiếu thốn nó. Ai cũng biết rằng, để làm ra đồng Tiền không phải dễ dàng. Chỉ những ai có đủ năng lực Trí tuệ, Ý chí và Tài năng mới có thể trở nên giàu có về Tiền bạc.”

Chương 44, đoạn đầu số 378 bàn về vũ khí tiền bạc, rằng, “378 – Trong cõi NÓ, sức mạnh Vật chất kiểm soát diễn đàn Chuyển hóa khi vở kịch Đại thể đang chuyển sang màn mới, mà trong đó, cơ năng Ngã thể bị lôi cuốn và giao hoán toàn diện vào Khách thể tính. Cái Không-là-ta chính là ta, và một trong những bản sắc Ngoại thân đó là Tiền bạc. Bây giờ, ta bị cai trị một cách khắt khe bởi cái mà Needleman gọi là “tính chuyên chế của tiền bạc” – the tyrany of money – khi nó trở nên một Thực tại Tối hậu cho bản sắc Ngã thức của ta.”

Chương 45 luận đến khoái lạc thân xác, “ta khoái lạc nên ta hiện hữu.” Ái dục là một vấn đề trầm trọng đưa đến nguy hại đã được đức Phật lưu ý con người, vì ngài từng là một hoàng tử nếm trải không biết bao nhiêu cuộc truy hoa trụy lạc trong nội cung. Nhục dục được liệt kê là một trong “tứ khoái” của con người.

Chương 46 trở lại nói thêm về Dữ Liệu, trích đoạn số 391: “Trong cõi hiện thực của điện toán, data biến hiện theo năng thức Ngã thể, tiết lộ Ái dục và khao khát Tự do và Hạnh phúc Cá nhân theo thể tướng Khách quan ngoại tại. Tất cả mọi Tín hiệu được phối trí thành Tin liệu hay Kiến thức, đều là những phương trình tập hợp vô vàn Biến số của Ý thức – consciousness – mà mọi bình diện Ý thức đều là Tự-Ý thức. Giàu có, phú cường cho Cá nhân hay Quốc gia hôm nay đến từ kho tàng Tín hiệu vốn vô tận, và hoàn toàn Trừu tượng, và tất cả dữ liệu từ kho báu Tin tức này đều nằm trên mây – cloud computing.” Ông nói thêm ở đoạn số 392: “…ta ký thác sự Thật về ta qua Tín liệu và Dữ kiện vào cõi Kỹ năng Điện toán, để ta chia sẻ Kho báu trần gian vô tận đang được cất giữ trên không trung, trên cõi Mây bất định, mà ta có thể lấy ra bất cứ ở đâu và nơi nào để hưởng thụ Kho báu đó. Chìa khóa kho tàng là vài Tín hiệu biểu tượng mà ta nắm giữ – the passcode – nay là Căn cước tính cho Ngã thể.”

*

Phần 4: CHÚNG NÓ

Chương 47: Khi Phủ định Nội tại được Khách thể hóa.- Tác giả luận ở đoạn số 402 ngay đầu chương, rằng, “cái ta Ngã thể được trải nghiệm qua cõi thuần Vật chất, Khoa học Thực nghiệm và Kỹ thuật. Nay ta đã hoàn tất phần lớn Dự án Chuyển hóa năng thức Tự do qua thể trạng Ngoại thân trên Biện chứng Vật chất mà ngày nay Kỹ thuật và nền Công nghệ Thông tin Số đã biến Căn cước tính Cá nhân thành Trừu tượng qua bình diện Dữ kiện Điện toán. Cá nhân, từ đó, đánh mất định tính Ngã thể…” Và ở đoạn số 405, đưa ra  lưu ý: “Mỗi Ngã thể bao gồm nhiều năng lực Ý chí khác nhau, cùng tranh giành một lãnh thổ căn-cước-tính mà ở mỗi Thời điểm khác nhau tùy theo điều kiện cơ thân, tâm lý, hay ngoại cảnh, mà năng lức Ý chí này, thay vì Ý chí kia, sẽ làm chủ tình hình.”

Ngã thể ta phủ nhận ta bằng cách phóng chiếu ra ngoài một thể tính ngoại thân, gọi là khách-thể-hóa và đặt tên cho khách thể này là “chúng-nó,” đoạn số 409 sau khi đại ý như vậy, giải thích, “để ta trao cho Chúng-Nó một căn cước tính trên khả thể định danh là một năng lực Phản đề với ta, nhằm minh xác rằng cái còn lại của ta mới là sự Thật, là Chân Lý Căn nguyên. Đây là bước khởi đầu của Thời quán CHÚNG NÓ – một giai đoạn Tiến hóa kế tiếp sau khi năng lực NÓ của Khoa học Thực nghiệm và Văn minh Vật chất Kỹ thuật đã vắt cạn hết khả thể tiềm năng trong Thời Tính liên hệ.” Từ đây phát sinh ra “ý thức chính trị,” là thể trạng tha hóa từ Ngã thức. Đông phương phủ định thế gian, đi tìm giải thoát tuyệt đối; Tây Âu đi trên con đường thực dụng, chấp nhận thực tại trần thế, trở thành những quốc gia văn minh tiên tiến.

Chương 48: Biện minh Chính trị, Ý niệm Dân chủ, Ý thức Công dân.- Thế kỷ 17, ý niệm chính trị biến thành hiện thực, “cái ta cá nhân nay hợp đồng với Tha nhân để kiến tạo cái Ta Tập thể – tức là Đạo lý Giải thoát nay là Thiết yếu tính Giải phóng, chức năng Cứu rỗi nơi Chúa Jesus nay được trao qua tay Chính quyền Trung ương. Tức là Chủ quyền Quốc gia là cái Ta trên cán cân Trung giải giữa TA và ta, điều mà Chúa Jesus và Giáo hội La Mã đã không còn mang chất men Thiết yếu hiệu năng cho Thực tại Trần gian ở Thời quán này.”  Cái ta tập thể là quốc gia, là công dân; nên có những cái gọi là chính trị dân chủ, khế ước công dân, nguyên lý chủ quyền quốc gia, quốc dân, công quyền, quốc thể, tự do chính trị, công lý pháp chế ,v.v. Cây Thánh giá mới là Quốc Gia, Lòng Ái Quốc sẽ đổ máu chết trên thập tự này, gọi là “hy sinh vì tổ quốc.” tác giả kết luận ở đoạn số 425: “tiến trình Chính trị hóa Đức tin Tôn giáo bằng định chế Quốc gia đã hoàn tất cơ sự Tiến hóa đầy ngoạn mục cho Sử tính nhân loại – như là một Câu chuyện Lớn nhiều tập về một Huyền thoại làm Người đầy thử thách và trắc trở.”

Chương 49: Khi Ý Dân là Ý Trời.- Trong đoạn số 426 đầu chương nói rằng, “Ở Thời quán Chuyển hóa Ý thức Chính trị như ở thế kỷ 17, quan điểm của Hobbes xuất hiện như một sự trỗi dậy của năng lực Tự-Ý thức mới, một ý lực vươn lên từ những cánh tay Ngã thể trung bình và thường nhật, đưa cao lên và chỉ thẳng về phía Thiên đường nói với Trời và Chúa rằng, “Thế còn ta thì sao?” Và ông Trời biết lắng nghe…” “Đây là lúc châm ngôn Chính trị Trung Hoa, “Ý dân là ý Trời” được Ứng nghiệm trên cán cân Thực tại Quyền lực.”

Chương 50: Một bản sắc Mầu nhiệm mới.- Phần 4 đáng được đọc cẩn thận vì triết gia tác giả sẽ dẫn đến chủ nghĩa Cộng Sản và đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, ông sẽ có những luận cứ lý thú bằng ngôn ngữ triết lý. Bắt đầu lóe lên trong đoạn số 432:

“Cái ta Ngã thể Việt dù rất thông minh nhưng bản sắc Ý chí Tự do và mức độ trưởng thành về Nhân cách và Hữu thể – Being – của họ vẫn còn trong thể trạng niên thiếu, chưa trưởng thành, còn ngây ngô và đầy hoang tưởng của một kẻ thiếu niên ở khoảng lứa tuổi 15, 16. Chính vì thế, để kiến tạo một Quốc thể Pháp trị với một cấu trúc Xã hội Dân sự trưởng thành thì dân Việt đang cần một Phép Lạ mới. Đó là sự Lớn dậy và Trưởng thành của cái ta Ngã thức, của Nhân cách và Ý chí Tự do nơi cá nhân con người Việt Nam, nhằm giúp cho thể tính Huyền nhiệm Lý tính có thể Hiện thực hóa Cứu cánh Chính trị Công dân vào Thực tại Thời tính.”

Sự chưa trưởng thành của dân tộc Việt đã được triết gia Nguyễn Hữu Liêm luận bàn chi tiết và sâu sắc trong quyển “Sử Tính và Ý Thức” có tựa nhỏ kèm theo, “Một Triết Học cho Sử Việt” của ông xuất bản năm 2016, là một tác phẩm được bàn luận nhiều sôi nổi, và nhanh chóng bán sạch ở các nhà sách. Độc giả có thể mua trên mạng Amazon.

Dưới đây là những trích đoạn ngắn thú vị trong các chương, nhưng không tiêu biểu toàn ý của chương đó (kể cả những trích đoạn từ đầu).

Chương 51: Cái ta Chính trị.-Trích đoạn số 452: “Khi ta dấn thân vào con đường lý tưởng Chính trị, ta quy nạp giá trị Thời tính về cho năng lực Ý chí của ta, để ta hành động từ chọn lựa. Mỗi tác hành từ Ý chí Lý tưởng sẽ là Chân lý và Đạo đức cho mình và là viên gạch cho cấu trúc Luân thường Đại thể… Chỉ có cái ta dấn thân cho Lý tưởng Cách mạngChính trị thì ta mới tham dự vào dòng chảy Sử tính vốn định nghĩa cho cấu trúc Thời Ý về cái Sẽ-Phải-Là.”

Chương 52: Ý thức hệ là Thần học mới.- Trích đoạn số 455: “… nay ta là Công dân, là con Một của Quốc gia, sẵn sàng chịu đóng đinh trên Thánh giá Ái quốc nhằm cứu chuộc đồng bào ra khỏi họa mất nước. Ta yêu nước nên ta Hiện hữu. Tiếng chuông Tỉnh thức của Cách mạng và Chiến tranh nay là cơ năng Tiến hóa phổ quát cho Thời quán Chúng-Nó đang ở trên đỉnh cao Thực tại.”

Chương 53: Khi Ý thức Sử tính là Ý chí Sử lý.- Trích đoạn “468 – Khi Tư duy Ngã thức cá nhân chuyển hướng từ khung thức Không gian sang Phạm trù Thời tính, thì Ý thức Sử tính chuyển hóa sang Ý chí Sử lý. Trên bình diện Siêu hình học, đây là Thời quán khi Bản thể luận – ontology –trở nên Cứu cánh Giải thoát luận – soteriology.”

Chương 54: Ngả rẽ Duy Tâm và Duy Vật.-“485 – Theo Hegel thì tất cả Triết học đều mang bản chất duy Tâm. Duy Tâm có nghĩa rằng cái Ý niệm Hữu hạn không là gì hơn một Thời quán mà Chân lý nằm nơi sự thể Chuyển động tới, và cùng với Tha nhân. Khi ta nói cái Hữu hạn là Ý niệm, thì nó là duy Tâm.” …

Chương 55: Khi Duy Tâm xúc phạm Vọng Tâm thế tục.-Trích đoạn số 486: “… khi Siêu hình học Hegel phác họa một bản sắc Chân lý mang tác động Phủ định đối với cái ta Ngã thể Đang-Là cho một Cứu cánh ở cái Chưa-Là thì nó sẽ phải xúc phạm chính ta – vốn trong Vô minh và Ngã mạn tự cho mình là Chân lý Thường hằng và vững chắc. Đó là bi kịch làm Người với một Ngã thức chưa được khai sáng và chưa trưởng thành.”

Chương 56: Praxis và Duy vật Biện chứng.- “491 – Marxism là một Thời quán Tự-Ý thức mới trong tiến trình Biện chứng Hegel, trên đó mỗi góc độ Bóng tối từ Ý thức cần phải được phơi bày.Với Duy vật Biện chứng, thay vì Marx lật ngược Duy tâm luận của Hegel, như chúng ta vẫn thường nghe đến, trong thực chất, Triết học Marx chỉ là một sự nối tiếp trên cơ sở logic mà Triết học Trí năng của Hegel đã vạch ra.” …

Trích đoạn số 495: “Marx tin rằng con người có thể “rút ngắn cơn chuyển bụng đầy khổ đau” của Nhân loại trên cơ sở Sử định luận nếu Biện chứng Sử tính được trừ bỏ đi cái “duy tâm huyền hoặc.”Marx muốn đập phá tất cả, dẹp tan những thế lực “phản động” để rồi, “chính ta sẽ giẫm lên đống gạch vụn như là một Thượng Ðế mới”.”

Trích đoạn số 497: “… Huyền nhiệm Siêu hình nay trở thành sức mạnh Tổ chức, Ý thức Giai cấp, và tình đoàn kết để kết thành một Linh hồn duy nhất – đó là Đảng Cộng sản. Giáo hội Thiên Chúa của tín đồ nay là Đảng của người chiến sĩ Vô sản.” …

Chương 57: Duy Tâm hơn duy Tâm – Một Giáo hội mới cho Ngã thức.- Trích đoạn số 504: “… Duy Tâm hay Duy Vật cũng chỉ là Khái niệm về Bản sắc Thực tại. Khi lấy Lý tưởng Vật chất làm kim chỉ nam cho Hành động, người chiến sĩ Cộng sản đã trở nên một thể loại tín đồ duy Tâm hơn là các Triết gia duy Tâm thuở trước. Khi các nhà duy Tâm truyền thống quan niệm về Nguyên lý Bản thể cho Vũ trụ và Thế gian, họ không hoàn toàn bị lèo lái bởi lý tưởng hay quan điểm về Nguyên lý đó. Trong khi các chiến sĩ duy Vật thì bị lôi cuốn toàn triệt và hy sinh thân mạng và đời sống cho khối Khái niệm duy Vật mà ta được trao cho.” …

“507 – Bản sắc cơ sở của định chế Đảng Cộng sản và Giáo hội Thiên Chúa là sự kiến lập một Linh hồn Tập thể nhằm lèo lái Linh hồn Cá nhân – khi cái ta Ngã thể đang còn non trẻ, chưa trưởng thành, đầy Vô minh và Vọng tưởng…”

Trích đoạn số 508: “… Và chức sắc Giáo quyền trong Giáo hội như Giáo hoàng, Hồng y, Linh mục, thì nay là Tổng bí thư, Ủy viên, Chính ủy, Cán bộ. Định chế hàng Dọc của Giáo hội là chiều thẳng đứng biểu tượng Thánh giá vươn cao lên tới cõi Trời, thì nay nó là sơ đồ tố chức cho Đảng với huy hiệu Búa Liềm tượng trưng cho sức mạnh lao động trên trần thế này.” …

Chương 58: Cho một Ý thức Vô sản và Lao động mới.- Trích đoạn số 512: “Ngã thể Vô sản phủ nhận Thiết yếu tính Vật chất cho Ngã thể bằng cách từ chối Tư sản và chức năng Chủ nhân, nó chỉ có thể phủ nhận bằng Ý thức và khẩu hiệu, trong khi trên thực tế, từ tổ chức Đảng cho đến từng đồng chí Cộng sản, vẫn là chủ nhânde facto rất nhiều tài sản, nhất là bất động sản. Vì thế, ta chỉ là Vô sản như là một bình diện duy Ý chí, còn thực tại thì ta không thể phủ nhận yếu tố Chủ nhân được. Vậy nên, theo Cutrofello thì mỗi chiến sĩ Vô sản là một Ngã thể in bad faithđầy giả dối với chính mình và Xã hội.”

Chương 60: Cám dỗ Tự do và cá nhân Việt.- Trích đoạn số 527: “Khi nấc thang Tiến hóa cho cả dân tộc Việt chỉ ở vào tuổi mười lăm mười sáu, dù có nhân danh giá trị nào thì tác hành đều chỉ đưa đến những hệ quả tiêu cực sai lầm. Hãy đừng trách cứ ai, hệ phái nào, tổ chức hay phong trào nào, đã đưa dân tộc Việt Nam vào những sai lầm và khủng hoảng tệ hại. Tất cả là kết quả thiết yếu từ một tầm mức Lương tâm và Tánh khí còn non trẻ của con người Việt Nam – cho dù trên bình diện trí thức, học vấn, chức vụ, từ Tôn giáo đến Chính trị, Công quyền, Giáo dục, Khoa bảng, đến Văn học, Nghệ thuật, họ có đạt được đỉnh cao Lý trí bao nhiêu, hầu hết vẫn đều là những Nhân cách Thiếu niên còn nặng bản sắc bồng bột chưa chín chắn nơi năng thức Ngã thể – the immature Egos.”

Chương 61: Ngày tàn của Chính trị Ý thức hệ.- Trích đoạn số 530: “Tùy vào chất liệu củi rơm mà bản sắc nhiên liệu cho ngọn lửa Cách mạng và Chính trị được tạo thành.Nhiệt lượng Chính trị Vô sản, từ đó, mang phẩm chất thấp kém, duy vật thể, thô bạo và cuồng nhiệt, để rồi nó chỉ nấu được một nồi cơm sống sượng, nửa cháy nửa hư.”

Trích đoạn số 531: “Khổ hạnh của Thiên Chúa giáo và Cách mạng Cộng sản cuối cùng lại bị con khủng long Tính dục và Tham lam Vật chất cuốn chặt và nuốt chửng…đảng viên Cộng sản, khởi đi từ Ý chí Vô sản và hy sinh cho Lý tưởng Cách mạng, cho Chân lý Tập thể, nhưng khi đã nắm được quyền lực, họ bị rơi vào vòng tham ái Vật chất, tài sản, kinh tế đầy thối nát.”

Có thể được xem như kết luận của phần 4 qua câu nói ngắn gọn trích trong đoạn số 537: “Thời quán Chính trị Chúng Nó – the THEY – là một Hiện tượng Ý chí duy Lý tưởng, mà trong đó, ước vọng Tự do như một niềm Cám dỗ lớn, thay thế cho hấp lực Vật chấtDục tính của hai Thời quán tiền nhiệm. Hữu thể và Chân lý mà cái ta Ngã thức tiếp dẫn và nhận diện từ những bước chân Thởi tính chỉ là những tuồng biến hóa từ ánh sáng Huyền nhiệm trong Chân Thức.”

Và bổ túc bằng đoạn số 541 kết chương đóng lại phần 4, trích đoạn: “541 – Đây là bước đi Chuyển tiếp sang Thời quán Hậu Chính trị, Hậu Sử tính, Hậu Khoa học. Khi mà cái ta Ngã thể không còn tin vào Thiên Chúa và tuyên bố Ngài đã chết, khi mà Chân lý khoa học chỉ còn được coi là gốc rễ cho Tha hóa và Bất an, khi mà Lý tưởng Chính trị và Ý thức hệ bị buông bỏ, và nay chỉ còn là một cơn say hang-over sau đêm liên hoan tiệc mừng chiến thắng của phe Tư bản, Tư sản.”

Phần 5 – TA trở về TA

Phần 5 là phần cuối quyển triết luận này, dành lại cho độc giả nghiền ngẫm nên chỉ trích dẫn vài đoạn tiêu biểu. Chỉ bàn sơ qua về tiêu đề “TA trở về TA.” Chữ TA lớn này mang ý nghĩa ĐẠI BẢN THỂ chứ không phải tiểu ngã “ta” của con người, nên phải hiểu theo điệu triết lý là trả TA về lại TA, hay là cái đại ngã quy phục về đại ngã, sau khi nó đã đi XUỐNG theo chiều dọc cây Thánh giá; hoặc đã đi MỘT VÒNG theo chiều xoay của chữ VẠN được Phật giáo xem như LOGOS của đức Phật (như chúng ta thấy vẽ chữ vạn trên ngực hoặc trên trán ở tranh-tượng Phật). Thiền tông có câu nói, “ban đầu THẤY sông không là sông, núi không là núi; cuối cùng thì sông là sông, núi là núi.” Câu này nếu chú ý chữ THẤY, có nghĩa là nhãn thức cho ý thức cảm nhận rồi ý thức lục tìm trong tàng thức những dữ liệu lưu trữ, và từ những dữ kiện tương hợp sẽ cho ý thức quyết định sự định hình của vật thể mà nhãn thức thu hình, bấy giờ gọi tên nó là cái gì. Duy Thức học nói rằng cái đó chỉ do tâm phóng chiếu. Thiền tông nói rằng, sau khi đạt đến giai đoạn cuối của thiền quán thì nhận ra mọi vật như thị như nhiên, sông núi bấy giờ là sông núi, cái ngã đã không còn để chen vào làm việc phân định.

Như đã nói, triết luận này có 3 đại danh từ TA – Ta – ta, được xem là 3 nhân vật chính: TA là Đại Bản Thể của vũ trụ huyền nhiệm vô hình; Ta tiêu biểu như Đức Phật Thích Ca và đức Chúa Jesus hiện thân vào thế giới con người để cứu độ chúng sanh, là hai sứ giả từ thế giới huyền nhiệm xuống trần gian. Đức Phật giới thiệu về mìnhngay lúc ra đời bước đi trên 7 đóa sen, một ngón tay chỉ trời, một ngón tay chỉ đất, bảo rằng “trên trời dưới đất chỉ duy nhất một vị là ta.” Đức Jesus xưng là con của Chúa Trời. Nên hiểu Chúa Trời không đơn giản là một vị Thượng Đế như người Trung Hoa dựng lên một ông Vua ở trên Trời, mà đó là TA Đại Thể Vũ Trụ sinh ra mọi vật thể trong một không gian vô cùng tận.

Vũ Trụ sau khi được con người dựng lên là thế giới của thần linh, đã được dựa vào toán học đưa ra nghi vấn vũ trụ định hình hay giãn nở hay co lại? Sau đócòn lập thuyết có vũ trụ song song. Để thuyết CÁNH BƯỚM là một lý thuyết về hỗn độn, hiệu ứng con bướm khi vỗ cánh, toán học không gian buộc phải chấp nhận thêm một chiều không gian mới thì mới có thể giải bài toán này. Cũng vậy, lý thuyết DÂY của khoa học vũ trụ cũng đòi hỏi phải chấp nhận thêm một chiều không gian để lý giải được nó. Dường như đã tăng lên đến 16 chiều không gian để giải đáp cho những bài toán muốn khám phá vũ trụ vô biên. Hiện nay, “Dark Material’” tạm gọi là chất liệu vô hình, là thứ không nhìn thấy nhưng nằm chèn giữa và bao trùm tất cả những vật thể hữu hình, chúng chiếm đến 70% trên tổng số; chúng là một thể loại vật chất bí mật mà các khoa học gia vũ trụ đang ra công khám phá. Nếu không có sự chèn nêm của loại vật chất ẩn hình này thì mọi vật thể trong vũ trụ sẽ không cân bằng yên vị, kể cả to lớn như một ngân hà.

Ta-Phật đưa ra thuyết vô ngã. Ngài cấm tuyệt đối đệ tử đắc đạo của ngài không được dùng đến phép mầu, ngoại trừ dùng để thu phục hàng quỷ thần quay về Phật đạo, ví dụ như con khỉ Tề Thiên Đại Thánh v.v. Ngã con người là một “hiện tượng” do trí óc lấy 5 hiệu năng của tai, mắt, mũi, thân, ý mà thành lập làm cái tôi chủ thể. Nên Phật nói hiện tượng cái tôi là cái không thật. Điều này đối với đại đa số ngã thể thấp kém hay chưa trưởng thành, khi cái tôi của họ bị phủ nhận thì họ “đi chỗ khác chơi.” Đây là điều mà trong luận quyển này nói rằng là yếu tố làm cho Ấn giáo và Phật giáo thất bại. Thời tính của Ta ở phương Đông dừng lại vì nó không đáp ứng cho sự tiến hóa ngã thể của con người ở Đông phương.

Ta-Chúa bên phương trời Tây, tiếp nối và hoàn tất đạo lý của đức Phật, đó là thời tính CHÚNG TA, tạo được kết nối Thiên Chúa với con người, vì là con Chúa Trời xuống thế nên được nhìn là một trung gian hay trung giải, qua phép lạ ngài thực hiện; và vì thế tạo được một đức tin tuyệt đối về một thiên đàng đón mình sau khi mình đã sống thiện lành, đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa, linh hồn sẽ được rước về nơi thiên đàng của Chúa.Nhưng rồi quyền lực tôn giáo của Tòa Thánh La Mã đã làm cho cái ngã của con người thất vọng, vì nó trở thành một đế chế cai trị, dựng lên đội quân Thánh giá với danh xưng hiệp sĩ, đã gây chiến tranh đổ máu không ít. Chờ mãi, nhưng chẳng thấy đức Giáo Hoàng đại diện cho Thiên Chúa thể hiện một phép mầu nào cả!!

Con người luôn muốn bước lên bậc thang cao hơn, giống như bắc thang leo lên trời để thành người trời. Con người đã không còn có ngưởi trung gian mang phép lạ hay phép nhiệm mầu đến giúp đỡ nữa, Agency của thượng đế đã đóng cửa. Ở đầu phần 5, chương 62 luận khi tôn giáo huyền thoại tàn lụi, tác giả đưa ra luận định của Hegel viết trong Hiện Tượng Luận, trích đoạn ở số 543 về nỗi thất vọng bi đát của tự-ngã:

Khi Ý thức đã đánh mất sự chắc mãn về chính mình và tất cả những gì về nó, ngay cả về sự công nhận cho điều mất mát này, hay là về cảm nhận trong năng thức tự-Ngã – cả về tinh hoa cũng như về chính mình, và điều đó là niềm cay đắng cho Ngã thức được biểu hiện trong câu nói, “Chúa Trời đã chết.”Trong điều kiện quyền hạn và luật pháp, từ đó, thế giới luân thường bị tiêu vong, thể loại tôn giáo này được bước qua trong tâm trạng Bi hài – Comedy.Tâm thức bất hạnh này, một linh hồn tuyệt vọng, chỉ là sự công nhận về sự thể mất mát này.” …

Một linh hồn tuyệt vọng, bởi vì với điều kiện của địa cầu, của thân xác con người, ngoại trừ một thiểu số rất hiếm hoi tu hành đắc đạo hay giác ngộ, đạt được một bản thể không còn bị giới hạn trong ba chiều không gian tù túng của địa cầu, như Milarepa chẳng hạn, điều khiển được đất, nước, lửa, gió, gọi là tứ đại, những nguyên tố chính yếu tạo thành sự sống trong cơ thể con người nói riêng, nên ông chui vào đá, hóa thành cây bông v.v. một cách tự tại. Con người không thể ngang nhiên mà được như Milarepa. Nói theo nguyên lý vật lý, cái gì nhỏ thì chui qua cái lớn được, thí dụ tia X-Ray xuyên qua da thịt, tia hồng ngoại tuyến xuyên qua màn đen đêm tối; nói theo lý của lượng tử quantum thì hạt này vừa là sóng vừa là vật chất, có có không không, nó chỉ xuất hiện khi có đối tượng muốn quan sát nó và nó biến mất thành làn sóng vô hình khi không có đòi hỏi.

Điều trên được Nguyễn Hữu Liêm luận trong đoạn số 547: “Từ bình diện Cá nhân, sẽ không có một tầm Chân lý Tuyệt đối – mà tất cả là một khuôn mặt hiện bày của Chân Thức qua sự đãi lọc Nhận thức bởi võng lưới Tri thức liên đới. Con Người nào thì sự Thật đó; Dân tộc nào, Thời đại nào, thì Chân lý đó. Khi Ngã thức được khai sáng bởi Lý tính và năng lực Tự-Ý thức từ Chân Tâm thì Thần đế Ngoại thân – Thiên Chúa, Phật Tổ – càng về gần với ta và hiện thân trong ta, để chính ta là điều Ứng nghiệm tràn đầy cho Chân lý Hiện Hữu. Qua Sử tính của năng lực Tự-Ý thức từ Chủ quan đến Khách quan, Lịch sử Thế giới như một tập sách dày ghi chép những bước thăng trầm trên Hành trình Trở Về của TA qua Ta – tức là con đường để ta trở nên Thượng đế khi Thần đế Ngoại thân Khách quan đã bị khai tử.”

Con người xa xưa đã tưởng tượng chuyện bay lên tầng trời và lặn xuống tận đáy biển. Con người thời đại ngày nay qua văn minh mà họ tạo ra được, tưởng tượng xa hơn, phi thuyền không gian du hành trong vũ trụ bao la, con tàu thì nhanh hơn tốc độ ánh sáng và có thể mượn đường hầm huyền động (black hole) để đi đến một ngân hà xa xăm nào đó, chỉ cần bấm tọa độ đến, dễ giống như dùng máy dẫn đường của google. Vậy mà có khi phi hành đoàn phải chui vào chiếc hòm ngủ đông, vì hành trình ấy thí dụ phải trải qua 70 năm thế gian.

Do điều kiện Không/Thời mà thế giới con người có nhiều vùng văn minh cao hay thấp, ngay cả còn những bộ lạc sống man khai trong rừng già Amazon. Ở bậc thang của con người văn minh như Âu Mỹ hiện tại, người ta vẫn mơ mộng đến một đời sống cao hơn nữa, văn minh hơn nữa, những phim giả tượng ngoài vũ trụ vẫn chưa thỏa mãn, đã giả tưởng đến mức độ con người đứng vào một phòng điện thoại, chỉ cần bấm tọa độ xong nhấn OK thì nháy mắt đã đứng giữa quảng trường ở thành phố hoa lệ Nữu Ước hay Ba Lê!!

Sự phóng tưởng của con người không phải không có lý do. Rõ ràng là Phật đã hóa sinh làm con người, đã kể ngài trải qua biết bao tiền kiếp, ở thế giới này, ở thế giới nọ, nghĩa là có rất nhiều chiều không gian, trong đó có nhiều quốc độ và NGƯỜI ở đó hưởng thụ theo điều kiện của quốc độ đó, có chiều dài đời sống khác nhau hoặc bất tử. Bất tử là một vấn nạn của con người, từ xa xưa người ở nước Tàu đã đi tìm loại thần dược trường sinh bất tử. Tần Thủy Hoàng cũng muốn trường sinh. Ngày nay, qua phim giả tưởng, dù con người bước vào cái hòm để trở thành sóng rồi tụ các nguyên tố đất nước lửa gió lại để trở lại nguyên vẹn hình người không suy suyển chi. Hay như Phim Avata, ngủ rồi thoát linh hồn nhập vào một thân xác nào đó chờ nhập hồn vào là sống dậy. Đó cũng chỉ là những mơ mộng LỚN mà thôi. Vì rõ ràng là những phi hành gia khi không mặc bộ đồ bảo hộ, không khí trong chiếc tàu phải hoàn hảo đúng áp xuất ở địa cầu có sức hút của quả đất và sức đè của khí quyển, là điều kiện cho cơ thể cân bằng và quân bình. Và con người trong những phi thuyền vượt vũ trụ ấy cũng vì thế mà già chết bình thường như ở địa cầu, ngoại trừ họ được CLONE, nghĩa là copy một hiện trạng thân thể chưa chết hoàn toàn rồi dùng kỹ thuật STAMP tế bào, để tạo ra phó bản y chang cái con người nguyên bản.

Stamp là một khám phá mà ngành Y khoa hy vọng sẽ áp dụng làm cho con người cải lão hoàn đồng. Clone đã thực hiện thành công tạo ra phó bản một con trừu, nhưng nếu áp dụng để tạo ra phó bản con người thì bị “mặc cảm nhân tính” nên bị ngăn cấm không cho phép thí nghiệm; đây là do cái ngã-thể không chấp nhận khi biết hắn chỉ là một phó bản, nghĩa là một con người không được sinh ra từ con người, hay mặc dù qua sự cấy tinh và thụ tinh trong ống nghiệm. Một tâm lý như vậy có thể làm cho con người Clone có những hành động không thể lường, nên trong loại phim như Star War, người clone dùng làm binh lính hay nô lệ, và hắn chết chỉ như một phế vật vứt đi không thương tiếc.

Bỏ qua những con người đắc đạo đạt được phép thuật, con người vẫn có người “thiên tài” ở nhiều lãnh vực và họ là những người có bộ óc siêu phàm; ngoài ra, vẫn có những con người có những khả năng kỳ diệu và họ đang sống bình thường như mọi người. Những người đu dây hay làm xiếc làm chủ được lực cân bằng. Một gái trẻ Á đông ném bất cứ cái gì đến đâu, vào đâu, bất cứ góc độ nào, đều chính xác, được đưa lên Youtube v.v. Phim X-Men đưa ra những con người có những năng lực ngoại hạng, những con người này dùng ý lực để thực hành cái năng lựckỳ bí của họ. Như vậy, Ý-lực và Tâm-Lực là một năng lượng, và đó cũng là nghi vấn rằng, vũ trụ được thành hình bởi một ý lực huyền nhiệm. Khoa học vũ trụ muốn chứng minh rằng con người được tạo ra không phải là ngẫu nhiên: những hạt siêu vi xuất phát từ nhiều nơi trong vũ trụ, chúng bay về hướng trái đất đang hình thành, đến đúng thời quán thuận duyên, tùy theo chúng hấp thụ tứ đại mà trở thành một loại đơn bào rồi cùng một số nào đó tập hợp để định hình thành một loại DNA mà tạo thành sinh vật dưới nước hay trên đất hoặc trên không, trong số sinh vật tạo hóa tạo ra có loài người, và mặc dù dưới biển sâu đến nay vẫn có loài chỉ là một đơn tử, một tế bào. Nhưng con người vẫn loại bỏ huyền thoại từ khỉ thành người hay từ vật dưới biển lên đất hóa thành người. Còn thuyết con người có nguồn gốc đến từ một nơi nào ngoài vũ trụ thì chỉ là fiction giả tưởng, bởi vì cơ thể con người không thích hợp ở môi trường không có không khí và vô trọng lực và không thở trong nước.

Trong quyển sách này, ý-thức đang-là luôn muốn chuyển hóa thành ý-thức-sẽ-là, do đó con người có một lịch sử tiến hóa đến ngày hôm nay và chưa dừng lại. Sau khi mặt trăng được in dấu chân con người, con người nhắm đến Hỏa tinh. Neflix có phim tài liệu về NASA hiện nay đang huấn luyện những thiếu niên được tuyển chọn trong vòng 10 năm để trở thành những phi hành gia cung cấp cho chương trình khám phá Hỏa tinh. Do Mỹ đang nhắm tới hành tinh này, nhiều phim giả tưởng về Hỏa tinh được xây dựng thành một nơi sinh sống thứ hai cho con người. Việc tìm một hành tinh để di cư người địa cầu đến đó, vì có một nguyên nhân đáng lo ngại về vòm ozone bị rách nứt đáng lo ngại, bên cạnh là sự hủy hoại môi sinh và phá rừng, làm ô nhiễm biển, làm cho mỗi năm trái đất tăng nhiệt độ, thời tiết bất ổn, băng sơn ở Nam cực tan vỡ, con người làm cho trái đất mẹ rơi vào tình trạng báo động. Nguyên nhân xa thì con người đã tính được khi nào thì mặt trời tắt lửa. Kích thích viễn mộng thì con người có thể hưởng thọ lâu dài hơn nhiều con số 100 năm nếu sống và hấp thụ trong một môi trường nào đó ở một hành tinh nào đó.

Ở chương 64 của phần 5, với tiêu đề Công Việc Lớn, tác giả dẫn lời củaThomas Berry, trong tác phẩm quan trọng của ông, The Great Work, nói về công việc lớn của con người thời đại hôm nay, cũng là lời bổ túc cho những gì tản mạn ở trên:

Lịch sử được cai quản bởi những chuyển động tổng quan vốn mang đến ý nghĩa cho cuộc đời bằng sự nối kết và liên đới những nỗ lực con người với định mệnh lớn lao của Vũ trụ.Sáng tạo ra một chuyển động như thế có thể được gọi là Công Việc Lớn cho một dân tộc…Công Việc Lớn hiện nay, khi chúng ta đang đi vào thiên niên kỷ mới, là thực thi công tác chuyển hóa từ một giai đoạn bị nhân loại phá hủy trái Đất, đến một thời đại mới, khi hiện hữu của nhân loại sẽ là món quà dâng cho Địa cầu trong tình thế cùng hưởng lợi. Công Việc Lớn trước mắt chúng ta … không phải là một vai trò chúng ta chọn lựa. Nó là một chức phận đã được dành cho chúng ta, vượt qua mọi tham vấn với chúng ta. Tất cả chúng ta đều bị quẳng vào cuộc đời với thử thách và vai trò vượtqua khỏi chọn lựa cá nhân. Chúng ta đã khôngtự lựa chọn. Chúng ta đã được chọn lựa bởi một năng lực huyền nhiệm lớn lao vượt qua khỏi chúng ta cho công tác lịch sử này. Điều trân quý cho đời sống chúng ta, tuy nhiên, tùy thuộc vào thái độ chúng ta thông hiểu và tiếp nhận vai trò được giao phó trong Công Việc Lớn này.” (Tarnas, Ibid.)

Tôi xin dừng lại những tản mạn khái quát giới thiệu tác phẩm “Phác thảo một triết học cho lịch sử thế giới” của Giáo sư Triết gia Nguyễn Hữu Liêm. Quyển sách này là một “Công Việc Lớn” đối với ông; là một tác phẩm lớn đối với độc giả.

Riêng đối với người Việt chúng ta, nhất là những con người đã bước ra ngoài thế giới tự do, hấp thụ được nền văn minh phương Tây, ắt hẳn ai cũng mong mỏi nước Việt Nam quê cha đất mẹ của mình sớm trút bỏ được chiếc áo chủ nghĩa Cộng Sản ra khỏi thân hình mảnh mai của cô gái nước Việt Nam, vì tấm áo này đã mục nát không còn giá trị nào trong việc đưa người dân tiến lên hàng dân trí so với những quốc gia dân chủ tiên tiến; cũng như đảng Cộng Sản độc tôn giống như một thứ tôn giáo độc thần cũng đã không đủ sức đưa đất nước Việt từng được vinh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” phục hồi lại danh thơm, hoặc vươn lên ngang hàng với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á.

Đã 45 năm. Còn người Việt bỏ nước ra đi định cư ở một quốc gia khác, nghĩa là còn nói lên rằng người công dân nước Việt lo sợ sống dưới một chế độ cai trị đất nước một cách vô lương tâm. Con người Cộng Sản vô sản đi theo lý tưởng cách mạng nay đã biến thành kẻ hữu sản tột bực, với quyền lực trong tay, họ trở thành một giai cấp cai trị sắt máu và tham nhũng vô độ. Và để bảo vệ tài sản cùng quyền lực của họ, họ trở thành những con người vô nhân. Đáng khinh thay những gương mặt vênh váo. Đáng thương thay cho một đất nước như thế.

California,19 tháng 1, 2020

Comments are closed.