Lê Đạt

Thái Kế Toại trích tuyển tư liệu

 

Thưa anh em bạn bè,

Tôi không muốn viết lại tư liệu mà chỉ muốn trích lại dù rằng phần tư liệu chiếm nhiều trang. Được đọc văn phong của chính các tác giả Nhân văn – Giai phẩm thì vẫn thích hơn. Và một lý do nữa là những văn bản đó rất khó tìm đọc vì nhiều lý do trong đó có bức tường lửa, vì thế tôi để nó hơi dài. Mong mọi người lượng thứ cho.

Thái Kế Toại

 

image

Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, sinh ngày 10/09/1929 tại xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, mất ngày 21/4/2008 tại Hà Nội. Cha là Đào Công Đệ (mất năm 1975), quê phường Á Lữ, xã Mỹ Lộc, Phủ Lạng Giang (Bắc Giang), làm việc trong sở hoả xa Vân Nam tại Yên Bái, gặp mẹ ông là Nguyễn Thị Sen (mất năm 1982), người làng Đình Bảng, Bắc Ninh, theo gia đình lên Yên Bái buôn bán.

Lê Đạt học tiểu học ở Yên Bái; năm 1941, 12 tuổi lên Hà Nội, học trường Bưởi. Kháng chiến bùng nổ, trở về quê cha, tiếp tục trung học tại Á Lữ.

Ông tham gia cách mạng ngay sau khi cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Gần như trong suốt quá trình hoạt động ông đều công tác ở ngành Tuyên huấn, sau trực tiếp theo dõi phong trào văn nghệ, văn hóa và giáo dục. Vì vậy ông có dịp tiếp xúc với gần như tất cả giới văn nghệ Cách mạng Việt Nam. Hòa bình lập lại năm 1954, ông về Hà Nội làm biên tập viên, bí thư chi bộ của báo Văn nghệ, rồi được học lớp tiếp quản để về tiếp quản khu 300 ngày ở Quảng Ninh, trước khi Nhân văn – Giai phẩm bùng nổ. Ông là một trong những người khởi xướng, tổ chức và thực hiện các ấn phẩm quan trọng Giai phẩm và Nhân văn.

Sau vụ Nhân văn – Giai phẩm ông được chuyển sang làm ở Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam để không cho tiếp xúc với việc làm báo nữa, trước khi bị khai trừ đảng vào tháng 7 năm 1957. Một năm sau, sau khi dự lớp “đấu tranh tư tưởng” tại Thái Hà Ấp, vào tháng 8 năm 1958, ông chính thức bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn ba năm và đình chỉ xuất bản trong thời hạn ba năm. Thực tế hình phạt ba năm đã kéo dài 30 năm, cho đến năm 1988, khi ông được phục hồi tư cách hội viên Hội Nhà văn và quyền xuất bản.

Năm 2007, cùng với ba nhà thơ khác của Phòng trào Nhân văn – Giai phẩm là Trần Dần, Phùng Quán và Hoàng Cầm, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Như vậy chỉ còn Hoàng Cầm và Lê Đạt nhận giải thưởng khi còn sống.

Ông mất ngày 21 tháng 4 năm 2008 tại Hà Nội.

Tác phẩm của Lê Đạt:

Cửa hàng Lê Đạt (trường ca, 1959)

36 bài thơ tình (thơ, in chung với Dương Tường, 1990)

Thơ Lê Đạt, Sao Mai (chung với Sao Mai, 1991)

Bóng chữ (thơ, 1994), 95 bài thơ

Hèn đại nhân (tập truyện, 1994)

Trường ca Bác (thơ, 1997)

Ngó lời (thơ, 1997), 241 bài thơ

Từ tình Epphen (thơ, 1998)

Truyện cổ tích viết lại (truyện ngắn Lê Đạt – Lê Minh Hà, 2006)

Mi là người bình thường (tập truyện, 2007)

U75 Từ tình (thơ và đoản ngôn, 2007), 88 bài

Đối thoại với đời và thơ (tiểu luận và đoản ngôn, 2008)

Đường chữ (thơ, tiểu luận, đoản ngôn, 2009). Đây là tuyển tập thơ của Lê Đạt gồm cả những bài viết trong thời kỳ Nhân văn.

Nhân vật đặc biệt

Hoàng Cầm cho biết: Năm 1948, mười chín tuổi, Lê Đạt đã là bí thư văn nghệ của Trường Chinh. Điều này dường như Lê Đạt không muốn nhắc đến.

Hoàng Cầm viết: “Đầu năm 1949, anh Lê Đạt, phái viên của Tổng bí thư Trường Chinh từ ban tuyên huấn được cử sang Hội Văn nghệ làm trợ lý cho ông Tố Hữu.” (Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi trong tôi – Nguyễn Đình Thi ngoài tôi, Hồi kí, Talawas).

Năm 1949, khi ông Trường Chinh cử anh sang làm trợ lý cả chính trị và chuyên môn cho ông Tố Hữu, ông ấy có dặn hai điều:

– Thứ nhất, trình độ văn hóa của anh Lành (tức Tố Hữu) có hạn, lãnh đạo anh em văn nghệ mà trình độ thấp thì bất lợi, vậy anh phải giúp cho anh ấy nâng cao trình độ văn hóa lên.

– Thứ hai, anh Lành là người tính nết arrogant, kiêu căng, hợm mình lại khinh người, mà trong văn nghệ có những cây đa cây đề như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ… tất cả họ tập trung về theo kháng chiến, thì phải khéo léo lắm, nếu làm mất lòng họ, họ bỏ về tề là một thất bại lớn.

Lê Đạt xử sự rất khéo, với tính kiêu căng của ông Tố Hữu thì việc gì muốn làm, anh cũng bảo là do chỉ thị của ông Trường Chinh, vì thế năm 1949, anh tổ chức được ba cuộc hội thảo quan trọng tranh luận về thơ, nhạc, kịch. Làm cho không khí văn nghệ lúc bấy giờ sống động hẳn lên, có thảo luận trong sinh hoạt hàng ngày của anh em văn nghệ.

Lê Đạt theo Quốc dân đảng trong bao lâu? Có thể từ 1945 đến 1948 (16 đến 19 tuổi), rồi được “giác ngộ” theo Việt Minh. Nhờ tài năng, người thanh niên này được đưa vào Tuyên huấn Trung ương, làm bí thư của Trường Chinh.

Trong bản bản “thú tội” của Lê Đạt ở Thái Hà, có một câu quan trọng: “Đảng đối với tôi có rất nhiều ân huệ, kéo tôi ra khỏi bàn tay phản động của bọn Quốc Dân Đảng, cho tôi công tác gần các đồng chí lãnh tụ, cho tôi đi thực tế để cải tạo, nâng đỡ những sáng tác của tôi, đến khi va chạm vào quyền lợi cá nhân, tôi trở mặt tấn công vào Đảng, nhẩy sang trận địa của giai cấp tư sản phản động và làm người phát ngôn của chúng” (Văn nghệ số 12, tháng 5/58, trang 80).

Vẫn theo Hoàng Cầm, năm 1949, khi Tố Hữu phụ trách toàn bộ văn nghệ kháng chiến, Trường Chinh cử Lê Đạt làm trợ lý cho Tố Hữu. Sự bổ nhiệm này cho thấy: lãnh đạo đã nhìn thấy ở Lê Đạt khả năng chiến lược và chính trị cao.

Lê Đạt và Hồ Chí Minh

Thụy Khuê cho rằng trái với Nguyễn Hữu Đang, dứt khoát xác định trách nhiệm của Hồ Chí Minh trong việc đàn áp NVGP, Lê Đạt có một thái độ gần như băn khoăn, khó hiểu. 

Trong buổi nói chuyện với ông (ghi âm ngày 13-04-1999), ở đoạn cuối, TK có hỏi ông về Hồ Chí Minh. Khi phát thanh trên RFI, năm 2004, Lê Đạt đồng ý là nên cắt bỏ. Nay đã có khoảng cách thời gian, xin ghi lại hai câu đã bị cắt bỏ này, như một tư liệu, giải thích thái độ của Lê Đạt đối với vị lãnh tụ đương thời.

T. K: Chính ở trong mouvement của các anh cũng có điều khó hiểu: Ngay từ ban đầu, các anh đã phê bình tập thơ Tố Hữu, chỉ trích tập thơ đó là thần tượng hóa cụ Hồ, và toàn bộ tinh thần NVGP đều chống lại sự thần tượng lãnh tụ. Nhưng trong thâm tâm các anh, ít nhất ba người Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, đều thấm nhuần Tây học, mà vẫn có sự thần tượng hóa cụ Hồ, có phải như thế không? Điều này làm cho người ta khó hiểu.

L. Đ: Dĩ nhiên chị ạ. Mình có thể phê phán người khác [nhưng mình vẫn phạm sự] thần tượng hóa, là tất nhiên. Nhưng khi tôi viết tôi không thần tượng hóa nữa. Tôi rất chú ý đến việc ấy, nhưng chắc là trong ngóc ngách tâm hồn tôi, chắc còn có nhiều chỗ vẫn thần tượng hóa.

T. K.: Trong thâm tâm các anh vẫn coi cụ Hồ là “thần tượng”. Nhưng cụ Hồ lại chủ trương điều mà các anh chống lại, đó là sự toàn trị, và cấm đoán cái mà các anh đòi hỏi, đó là tự do tư tưởng. Mình không thể nào tranh đấu với một thần tượng mà mình tôn thờ và đòi lật đổ sự độc tôn thần tượng đó. Đấy là cái điểm mâu thuẫn, không thể giải thích được trong lập luận của các anh? 

L. Đ.: “Tôi không bao giờ coi cụ Hồ là đại diện tự do và dân chủ cho đất nước Việt Nam. Tôi thần tượng là thần tượng ở những khía cạnh khác. Chị nên thông cảm với tôi. Thần tượng trên mọi phương diện thì tôi không bao giờ có, không bao giờ tôi nghĩ cụ Hồ là thần tượng của tự do dân chủ trên đất nước Việt Nam. Không có. Trong khi tôi đấu tranh thì có nghĩa là tôi đấu tranh cả với cụ Hồ. Nhưng một góc của tâm hồn tôi… Đó là bi kịch của tôi. Điều đó chị thông cảm cho tôi”.

Ngoài micro, tôi nói đùa: “Cụ Hồ đã làm các anh điêu đứng suốt đời mà anh vẫn còn bênh được thì lạ quá!”. Lê Đạt cười: “Thì mình cũng phải tin là còn có một người tử tế, chứ nếu cả nước đều một bọn vứt đi thì làm sao sống nổi!”

Lê Đạt có viết một bài trường ca Bác (một phần trích in trong Văn học VN sau cách mạng tháng Tám, nxb Văn Học Hà Nội 1992). Đây là bài thơ ca tụng, với những tình cảm chung chung, không bộc lộ được cái cảm xúc chân thực (nếu có) phát xuất tự đáy lòng:

“Trong lặng im trắng /mênh mông / mỗi tấc lòng

Ta càng nghe rất rõ / cái thủa Ba Đình

Di chúc / bác mở tay / mở bay / trang rộng” (sđd, trang 132)

Thơ ca tụng bác Hồ, thời kỳ đầu kháng chiến, hầu như ai cũng làm, kể cả Vũ Hoàng Chương. Nhưng không hiểu sao, Lê Đạt lại làm bài Bác ở thời điểm khá trễ này? Đào Phương Liên cho biết, khi “Ông” mất, bố mẹ để tang “Ông”. Phong Lê trong bài “Có một trường ca về Hồ Chí Minh…” cho biết trường ca này viết năm 1970 để kỷ niệm ngày giỗ đầu của HCM, nhưng cũng phải 20 năm sau, mới được in (Nhà xuất bản Thanh Niên, 1990) nhân ngày kỷ niệm 100 năm sinh HCM.

Như vậy bài thơ Bác có thể đã làm sau khi Hồ Chí Minh mất, như một lời tạ ơn chăng?

Kết thúc lớp Thái Hà, Tố Hữu đã có lời đe Lê Đạt: “Tội của anh cũng nặng như tội Nguyễn Hữu Ðang. Lẽ ra anh cũng bị đi tù. Nhưng mà Ðảng vì nghĩ đến anh, chiếu cố đến anh còn trẻ, có khả năng và còn có thể giúp ích được cho đời nữa nên Ðảng khoan hồng với anh thôi chứ anh-đừng-nên-nghĩ-rằng-anh-tội-nhẹ!” Ðó là lời dặn dò của Tố Hữu với tôi trước khi tôi về”. (Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI)

Đảng, trong lời Tố Hữu, là Bác?  “Tội” của Lê Đạt nếu truy kỹ, nặng hơn “tội” Nguyễn Hữu Đang, vì những câu thơ của Lê Đạt viết về chế độ cộng sản sẽ không bao giờ xóa được trong lòng ký ức dân tộc. Nhưng Lê Đạt không bị đi tù. Phải chăng Lê Đạt đã cảm nhận được sự “khoan hồng” ở Bác, đối với một nhà thơ có tài? Và đó chính là bi kịch của ông? Tạm hiểu bài thơ Bác và tình cảm “khoan hồng” của Lê Đạt đối với Bác, nằm trong bối cảnh như thế.

Hoặc cũng có thể, ở những nghệ sĩ như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, luôn luôn có một con người ngây thơ, lãng mạn, trữ tình, khi nhìn vị lãnh tụ. Trong khi ở những nhà trí thức như Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang… Sự phán xét lãnh tụ sáng suốt, rạch ròi hơn, vì họ không lãng mạn mà nghiêng về lý trí, tinh thần.

Chuyện lấy vợ

Lê Đạt kết duyên với cô Nguyện, cán bộ cốt cán, nhưng không hợp, chỉ sống chung một thời gian ngắn, rồi chia tay (khoảng 1955).

Một thời gian sau, Lê Đạt yêu Thúy Thúy (Nguyễn Thị Thúy), nghệ sĩ đang lên của đoàn Kịch Trung Ương. Năm 1956, hai người sống chung. Việc “bỏ người vợ cốt cán”, để lấy vợ nghệ sĩ, đã gây cho Lê Đạt và Thúy Thúy, không ít khó khăn, cả hai đều bị kiểm thảo.

Trần Dần ghi lại sự việc này trong nhật ký những ngày từ 23 đến 27/9/1955 như sau:

“Phê phán Lê Đạt:

Đồng chí định bỏ vợ lấy Thúy là bỏ cục vàng lấy cục đất. Còn gì quý hơn là người làm việc cho Đảng? Đi CCRĐ [cải cách ruộng đất] bao nhiêu đợt rồi. Thành phần nông dân cốt cán. Đồng chí còn muốn gì? Không yêu nhân dân thì yêu ai? Chỉ có kẻ thù mới không yêu nhân dân thôi chứ!

Kể xấu Thuý. Con lính đế quốc. Nhăng nhít nọ kia bao nhiêu vụ rồi.

Tôi không thể đồng ý đề nghị của đồng chí. Không bao giờ Đảng đồng ý những cái sai.

Đồng chí lắm lý luận lắm, đao to búa lớn, vợ đồng chí hiền lành, đồng chí có đem lý luận đàn áp, dù vợ đồng chí có bằng lòng ly dị, Đảng cũng không đồng ý vì biết chắc chắn rằng đó chỉ là vì bị đồng chí đàn áp, bằng lòng mồm chứ không bằng lòng thực” (trích Trần Dần ghi, Phạm Thị Hoài biên soạn, Văn Nghệ, 2001, trang 87). Tình cảnh này đã được Lê Đạt thuật lại trong bài “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” với hai câu thơ “để đời”:

Đem bục công an đặt giữa tim người.

Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước

Lời thơ phát xuất từ chuyện cá nhân, nhưng đã nói lên bi kịch của tất cả những người muốn sống tự do trong tình yêu, nhưng bị đảng trực tiếp ngăn cản.

Lê Đạt kể:

“Vợ tôi, không phải vì những lời khuyên can hay khóc lóc của Thúy (tên vợ tôi), vì Thúy có biết gì về dự định ấy của tôi đâu. Để các bạn hiểu rõ thêm, tôi xin phép được nói đôi điều về vợ tôi. Gia đình Thuý là một gia đình nông dân nghèo, mẹ, bị chồng bỏ theo vợ lẽ, phải lần mò lên tận Thái Nguyên (thuở đó Thái Nguyên là xa lắm) cùng với đàn con nhỏ khai hoang kiếm sống. Vợ tôi phải ăn mày cửa Phật một thời gian khá dài.

Nhà mẹ vợ tôi là cơ sở cách mạng, hai anh của Thuý một người làm bí thư chi bộ xã, một người đi bộ đội. Hồi cải cách mẹ vợ tôi bị quy là gián điệp và anh cả bị quy là Quốc Dân Đảng chờ đem ra xử bắn. Thuý đương được ở Đoàn Kịch Trung Ương, lúc nào cũng nơm nớp bị đưa về xã để đấu tố. Thì vừa lúc sửa sai bắt đầu – cả nhà may mắn thoát nạn, và Thuý trở thành nữ diễn viên trẻ xuất sắc nhất của Đoàn kịch nói Trung Ương.

Xem Thuý diễn “Chiến thắng Nghĩa Lộ” và “Hàng ngũ Hoà Bình” Nguyễn Huy Tưởng đã bốc đồng nói với tôi: “Cô Thuý đúng là một tài năng!”. Vừa hết hạn của mẹ và anh, thì Thuý lại lâm vào hạn của chồng. Khi ấy, Thuý mới 18 tuổi. Ngày nào cũng có những cán bộ tốt bụng đến vạch rõ “bộ mặt phản động của Lê Đạt” và khuyên cô cắt đứt với tôi.

Người ta luôn lục ba lô của cô để xem có chứa chấp tài liệu phản động gì không… Các anh của Thuý cũng khuyên cô nên cắt đứt… Chỉ có bà mẹ là không nói gì, thỉnh thoảng bà chỉ nói nhỏ nhẻ một câu: “Con người không nên ăn ở thất đức”. Bà cũng chỉ dám nói khẽ vậy thôi. Người ta đã vẽ ra trước mắt Thuý một tương lai tươi sáng như thế nào nếu Thuý cắt đứt với tôi và ngày nào cô cũng “được kiểm thảo” để phân rõ đúng sai. Nhưng Thuý nhất định không chịu chỉ vì một lý do: “Tôi thấy anh Lê Đạt không giống những lời các anh nói”. Và lập tức cô không được làm diễn viên nữa, bị đẩy xuống làm phục trang và bị đối xử như một con chiên ghẻ.’

Lê Đạt kể lại: “Khi ấy, Thúy mới 18 tuổi. Ngày nào cũng có những cán bộ tốt bụng đến vạch rõ “bộ mặt phản động của Lê Đạt và khuyên cô cắt đứt với tôi […] Cô không được làm diễn viên nữa, bị đẩy xuống làm phục trang và bị đối xử như một con chiên ghẻ. Có một điều chắc chắn là không có vợ tôi, thì tôi đã thân tàn ma dại rồi. Tôi đã làm lỡ cuộc đời nghệ thuật của cô và cô vì tôi mà mắc bệnh suy nhược thần kinh cho đến bây giờ. […] Được phục hồi, tôi còn nhúc nhắc sáng tác được, nhưng Thúy thì được gì ngoài chứng bệnh suy nhược thần kinh, tê buốt khắp mặt đến mức nhiều khi không thể hé miệng được” (Nghe Lê Đạt kể chuyện mình, Phạm Tường Vân, bài dã dẫn).

Bài thơ Nhân câu chuyện mấy người tự tử, gây sóng gió suốt thời kỳ Nhân văn, và ghi lại trong ký ức người đọc sự phản kháng sâu sắc của nhà thơ đối với một thể chế khống chế tự do tình cảm, tự do luyến ái, can thiệp vào đời tư của con người, khởi đi từ những sự kiện có thật trong đời Lê Đạt.

Bi kịch gia đình Nhân văn, được Lê Đạt ghi lại thành thơ, như một lời tạ lỗi vợ con, như một ân hận, suốt đời, nhưng bài thơ cũng lại vượt khỏi khuôn khổ gia đình để nói lên nghịch cảnh chung của tất cả những người vợ Nhân văn, Lê Đạt đã khắc chân dung họ vào văn học sử.

Vợ Nhân Văn 

Lịch sử quýt làm cam chịu

Xin lỗi em / những đêm Nguyễn Bỉnh Khiêm (1) trằn trọc

Anh Thái Hà (2) chưa về / và em khóc

Xin lỗi em / những lời khuyên “cắt đứt”

Vạ gì đeo hai tiếng “liên quan”

Những buổi sớm / muốn chui đầu xuống đất

Mặt trời soi ngày kiểm thảo bắt đầu

Xin lỗi em / tiếng oan vợ thằng phản động

Lý lịch ba đời mấy đứa con thơ

Xin lỗi em / tuổi ước mơ không được sống

Những giấc ngủ / chưa một lần tròn mộng

Chung thân tâm thần / trọng tội đa mang

Đời sau ơi! / May còn đoái đến tôi

Hãy trả giùm tôi món nợ

Người vợ nhỏ / vừa thoát tuổi khăn quàng đỏ

Đã chụp mũ chồng / lưng thập tự Sói ăn

Và Đức Phật / duyệt xuất biên vào Tĩnh thổ

Xin độ trì / những Thị Kính-vợ-Nhân Văn.

Chú thích (của tác giả):

1- Vợ tác giả là diễn viên Kịch nói ở nhà tập thể đoàn Kịch phố Nguyễn Bỉnh Khiêm

2- Thái Hà ấp: nơi tổ chức cuộc đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm

Con Nhân văn

Đào Phương Liên, con gái Lê Đạt nhà biên kịch điện ảnh, đã ghi lại bối cảnh gia đình, nhân ngày giỗ đầu của cha. Bài văn khơi động một cảnh sống mà người ngoại cuộc không thể hình dung nổi, chúng tôi xin trích lại ở đây: 

“… Suốt tuổi thơ, con luôn trăn trở mãi trong lòng câu hỏi Bố là ai? […]

Nhưng con không dám hỏi Bố vì sao sau những buổi vui vẻ ấy, Mẹ lại lo lắng nhắc Bố: “Ông đừng có nói to, cười lớn như thế!”. Bố thế nào cũng nổi cáu, quặc lại: “Tôi có làm gì khuất tất đâu mà không được cười to, nói to?” Con đã bênh Bố vì nghĩ đó không phải là một tội nhưng lại thầm thắc mắc: “Vì sao nhỉ? Hay cười nói to thế là không lịch sự?”

Rồi một hôm Mẹ đi làm về, nhỏ to thì thầm: “Bà vợ ông Văn Cao dặn tôi nhắc ông vẫn có người theo dõi đấy. Ông phải cẩn thận. Đừng có cười to, nói to. Người ta để ý đấy!’’Con đã quá quen với lời nhắc nhở đó, giờ chỉ còn mỗi bận tâm:“Văn Cao nào nhỉ? Làm sao mà Bố quen được với tác giả TIẾN QUÂN CA cơ chứ?”

Trên chiếc thùng gỗ tạp mà bề mặt xù xì dăm gỗ, chỉ rộng bằng tờ báo, kê dưới chiếc cửa sổ có chấn song nhỏ xíu của căn gác 3 như chuồng chim cu nhà ta, bố úp đáy làm bàn ngổn ngang giấy tờ, sách báo, Bố ngồi bệt dưới sàn, hý hoáy viết rồi gạch xóa. Bố là nhà thơ, nhà văn ư? Con thoáng nghĩ đến cái nghề cao siêu đó. Con lén tìm đọc. Con chỉ thấy vài chữ nguệch ngoạc bên lề những mẩu báo, bên lề những bài kiểm tra của con hay ở mặt sau những tờ giấy đen xì nổi gai: “chi chi…chành chành, rồng rắn lên mây, cái đanh thổi lửa”(Mà mỗi khi con hỏi bố tìm gì vì thấy bố hoảng hốt, cáu gắt loạn lên thì bố chỉ im im rồi thở dài. Bố đâu biết mẹ con con khi lau dọn tưởng là rác vứt đi rồi!). Con vội gạt đi ngay vì nhà mình không có một quyển truyện, một quyển thơ nào. […]

Và con lại trăn trở với câu hỏi: Bố là ai? Làm nghề gì? […]

Cho đến tận năm 1975, năm lớp 10 cuối cấp, một cậu bạn cùng phố, học từ thời vỡ lòng với con, con một cán bộ miền Nam tập kết cấp cỡ, đến lớp bô bô: “Bố cái Liên là phản động chúng mày ạ”. Con nghe máu nóng bốc rát mặt nhưng cúi mặt vờ không nghe thấy. Một cậu bạn kế bên đế thêm: “Bố nó sỏ nhầm giầy à?” Lúc đó, con chỉ muốn độn thổ vì sợ.

Về nhà, con len lén để ý xem Bố có đúng là “phản động” không? Con không dám hỏi vì sợ… đúng??? Vì sợ… đụng phải nỗi đau cần phải che dấu của Bố dù con không hề tin!

Con đã tự trấn an mình bằng những kiến thức thu nạp được qua biết bao chuyện công an bắt gián điệp những tối thứ bẩy, qua những câu chuyện trong các tạp chí QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, qua những nhân vật phản diện xấu xa trong các tác phẩm văn học. Con vừa là công an theo dõi Bố, vừa là luật sư phản biện, bảo vệ Bố. Con chịu khó lục tìm mọi chứng cớ có lợi cho Bố. […] Con tự lý giải: Nếu Bố là “phản động” thì Bố đã không khóc ngày Bác Hồ mất! Nếu Bố “phản động” thì đã không có thẻ thương binh! (Lúc đó con không biết đó là thẻ Bố được tặng?) […]

Rồi con không được xét vào Đoàn dù lần kết nạp nào con cũng được giới thiệu, […] Rồi con làm hồ sơ thi đại học, anh con bác hàng xóm cười khẩy: “Rồi em cũng như tụi anh thôi. Có giỏi mấy cũng chẳng vào được đại học. Cùng lắm là Sư phạm. Mà mày chưa Đoàn viên thì đừng mơ!” Đem thắc mắc đó về hỏi, Bố cười gạt đi: “Làm gì có chuyện đó. Con cứ thi đi. Mà Bố thấy Sư phạm cũng tốt”. Bố chợt trầm ngâm: “Chắc không có chuyện gì đâu. Bút danh của Bố là Lê Đạt cơ mà. Có phải Đào Công Đạt đâu mà lo?”. Rồi Bố lo lắng hỏi lại: “Thế có thật không phải Đoàn viên thì không được vào Sư phạm không con?”. Và bố lại tất tả dắt xe đi…

Cho đến lúc ấy con mới được nghe từ Bố cái bút danh Lê Đạt nhưng quả thật không gây ấn tượng gì với con vì con chưa bao giờ nghe tới phong trào NVGP.

Và Bố không biết đâu, ngay những ngày đầu của năm thứ nhất Sư phạm ngoại ngữ, trong một giờ văn học sử Pháp, thầy giáo không biết sao lại nhắc đến “bọn Nhân văn Trần Dần, Lê Đạt” với những câu “bôi xấu chế độ”.

“Ta đi không thấy phố thấy phường

Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ”

Của bác Trần Dần

Và của Bố:

“Đặt bục công an giữa trái tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi theo chế độ”.

Con đã cúi gằm mặt, người nổi gai vì ngỡ cả hội trường dồn mắt nhìn mình. Dẫu trong lòng con vang lên “nếu thế thì sai quá còn gì” dù con không biết những câu sau.

Cho tới ngày Bố đi xa, cô chủ nhiệm của con mới móm mém: “tao đến khổ vì chuyện vào Đoàn của mày”. Con thật thà: “vì em chưa xứng đáng”. Cô vỗ vai: “vì cái lý lịch”

(trích Bố ơi, những câu chuyện của con… của Đào Phương Liên, in trên Tuổi trẻ cuối tuần, 12/4/2009)

Và đây là câu trả lời của Đào Công Uẩn trước linh cữu Lê Đạt, có đại diện của chính quyền: Cha chúng tôi là một người luôn sống và trả giá “cho một đất nước độc lập, tự do, một nền văn học nghệ thuật độc lập, tự do”.

Chuyện bắt vợ “Nhân Văn” bỏ chồng không chỉ xảy ra với riêng Lê Đạt.

Hoàng Cầm kể:

Sau NVGP, ở những nơi có vợ “Nhân văn” làm việc, đều được người ta vận động chi bộ, nếu là Đảng viên hoặc Công đoàn; nếu ngoài đảng, cho người đó bỏ chồng. Lập luận đưa ra: NVGP có tư tưởng cực kỳ xấu, phản Đảng, mà sống với người chồng như thế thì không thể hạnh phúc được.

Ví dụ, bà Nhất là vợ ông Trần Đức Thảo, dạy trường Cao đẳng Sư phạm. Hai người lấy nhau lâu rồi nhưng không có con. Thì Chi bộ Đại học vận động bà Nhất phải làm đơn ly dị, vì chồng có tư tưởng xấu, chống tổ quốc, chống Đảng. Chuyện đến tai ông Phạm Văn Đồng, ông Đồng mời bà Nhất lên vì ông rất kính trọng ông Trần Đức Thảo, can gián đại ý: “Việc anh Thảo tham gia NVGP, nếu ta gọi là sai lầm thì đó cũng chỉ là cái sai lầm nhất thời, nếu chị lấy cái cớ đó để ly dị, tôi e rằng nó xấu hổ cho người trí thức lắm”. Quả nhiên bà Nhất về có rút cái đơn ly dị đi. Và Chi bộ cũng biết ý kiến ông Đồng như thế, nên nó đình lại 5 năm, rồi sau nó làm lại, thủ tục rất nhanh, ông Đồng không biết, lần này ly dị thật. Đấy là chuyện họ ép bà Nhất.

Còn chuyện tôi với bà Lê Hoàng Yến thì như thế này: khoảng năm 1959, sau khi thi hành kỷ luật, tôi đi lao động ở Thái Bình về, bà Yến kể: Một buổi sáng, anh thư ký công đoàn ở bệnh viện Việt Đức, ông Giám đốc và một người nữa, đến nói chuyện với tôi, đề nghị tôi bỏ chồng: “Chồng chị là NVGP, tội nặng đấy, tư tưởng chống Đảng là xấu lắm, như ở bên Trung Quốc thì người ta đã bắn bỏ rồi, bên ta nhờ có cụ Hồ bao giờ cũng khoan hồng…”. Bà ấy trả lời: “Báo ‘Nhân Văn’ thì tôi cũng chả đọc, mà có đọc tôi cũng chả hiểu họ viết gì, mà cho là phản động. Bây giờ các anh lại bảo ‘Nhân Văn’ là xấu, tôi cũng chả hiểu xấu là thế nào, mà đến nỗi phải bỏ chồng. Thôi xin các anh miễn cho tôi nghe cái chuyện ấy”. Rồi họ ra về. Mấy hôm sau họ lại đến nữa, lần này thì bà ấy đuổi thẳng: “Nếu các anh đến thăm tôi về chuyện bệnh viện Việt Đức thì mời các anh vào, còn nói chuyện như lần trước thì mời các anh về, tôi chả nghe cái chuyện ấy nữa đâu.”

Sang đến chuyện nhà thơ Lê Hoàng Yến. Anh Yến có viết bài phê bình thơ Tố Hữu năm 1955, đăng báo trước bài của tôi, và sau đó anh tham gia NVGP. Năm 1959, anh ấy phải đi lao động ở Phú Thọ, vợ là chị Thao, Xuân Thao gì đấy, vẫn ở Hà Nội, chị tuy năm con nhưng còn đẹp lắm. Anh Lê Hoàng Yến trước kia là Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Nam, nhưng anh mê kịch, bỏ ngành công an về làm sân khấu. Anh có uy tín vì am hiểu sân khấu lắm, anh đọc nhiều kịch nước ngoài. Sau “Nhân Văn” anh cũng bị phê phán nặng, nhưng kỷ luật thì giống tôi, nghĩa là chỉ bị khai trừ một năm.

Anh là đảng viên, thì cái tổ Đảng bên Sân khấu của anh nó đến vận động bà Thao bỏ chồng. Bà Thao đã 5 con nhưng còn xuân sắc lắm, hơ hớ như độ đôi mươi. Chúng nó vận động thế nào mà bà Thao sốt sắng viết đơn đệ toà ngay. Người ta mời anh Lê Hoàng Yến từ Phú Thọ về ra toà để ly dị. Buổi đầu còn hòa giải. Anh Yến bảo “Tôi hoàn toàn không biết có lỗi gì, tôi yêu quý vợ tôi lắm và tôi luôn luôn giữ đủ bổn phận với gia đình, không hiểu sao vợ tôi lại có đơn này”. Toà hỏi chị Thao thì chị trả lời: “Anh Yến từ trước đến giờ quả thực không có lỗi gì, trước kia anh còn làm đến Trưởng ty Công an, nhưng không ngờ anh ấy lại tham gia vào cái bọn khốn nạn NVGP. Nhờ ơn Đảng nuôi dậy suốt đời các anh được hiểu biết, được sáng tác, như anh Hoàng Cầm viết được ‘Bên kia sông Đuống’, anh Trần Dần viết ‘Người người lớp lớp’, anh Văn Cao cũng thế… Vậy mà chỉ vài năm nay, không biết các anh ăn phải cái bả gì, người ta bảo là cái bả tiền nong, gái đẹp, khiến các anh đi vào con đường xấu xa phá hoại, chống Đảng, vì thế sống với anh, tôi mất hết hạnh phúc, tôi làm cái đơn này, mong toà giải quyết ngay cho, sớm ngày nào hay ngày ấy!”.

Anh Lê Hoàng Yến thuật lại với tôi như thế, bà ấy cứ một giọng chắc nịch, anh đi từ chỗ ngạc nhiên, đến chỗ buồn, buồn lắm, anh không hiểu sao vợ mình lại thay đổi nhanh chóng như thế. Tôi buồn quá, tôi nói như van vỉ vợ tôi: “Thôi em hãy nghĩ đến hạnh phúc của năm đứa con, nếu như tôi có lỗi gì thì tôi cũng đã vui vẻ đi lao động cải tạo để xây dựng lại cho tốt, xin Thao rút cái đơn đó đi, nghĩ đến tương lai các con mà rút đơn đi”. Chị Thao vẫn một mực khăng khăng: “Chính vì tôi nghĩ đến tương lai các con, không muốn chúng nhiễm tư tưởng độc hại NVGP của bố nó, trở thành những phần tử xấu xa của xã hội mà tôi phải ly dị!”.

Sau đó toà giải tán, hẹn nửa tháng nữa gặp lại. Trước khi về Phú Thọ, anh Yến xin với cô ấy: “Anh muốn gặp em để nói chuyện một tý”, cô ấy trả lời: “Chả có gì mà phải gặp, tôi đã nói hết ở toà rồi, anh ‘Nhân Văn’ là khốn nạn lắm, tôi không thể sống được với anh nữa”. Lần hòa giải thứ nhì cũng vậy, bà ấy vẫn một giọng.

Đến phiên toà chính thức, đông người xem, tôi cũng đến. Chị Thao lên nói một cách oai phong lẫm liệt, đanh thép và rất ác: “Tôi với anh Yến lấy nhau có 5 mặt con, không có chuyện gì, nhưng gần đây, tư tưởng chồng tôi thay đổi một cách rất rõ rệt, trước kia là người tốt, công tác, tư tưởng, lập trường rất rõ ràng, nhưng từ khi anh ấy tham gia nhóm phá hoại NVGP, có tư tưởng cực kỳ xấu, phản Đảng, phản nhân dân, tôi nghĩ nếu tôi còn tiếp tục sống với anh ấy nữa thì đời tôi chỉ là đống bùn hôi thối…”.

Vụ phê bình tập thơ Việt Bắc

Trong bài trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê nhà nghiên cứu văn học tại Pháp, Lê Đạt nói:

LÐ: Lúc đó tôi đang học lớp tiếp quản để về tiếp quản khu 300 ngày ở Quảng Ninh. Trần Dần có nói với tôi rằng: “Thôi cậu đến “viện trợ” cho mình một tí, vì trong quân đội nó trật tự lắm. Hôm này có các ông quan to thì chắc là mọi người không dám phát biểu”. Trần Dần cũng biết tính tôi là khi tôi nói thì tôi cũng không sợ gì ai cả. Hôm đến, tôi đã thấy ông Nguyễn Chí Thanh ngồi đấy rồi. Hoàng Yến lên nói về thơ Tố Hữu và bảo rằng thơ Tố Hữu bây giờ “nhỏ” hơn thơ Tố Hữu thời trước, thì đó cũng là một cách nói thôi. Sau đó, khi anh Thanh lên diễn đàn thì tôi thấy không khí im lặng cả, không ai nói gì nữa. Trần Dần đá chân tôi bảo: “Thôi, thế cậu lên đi.” Tôi lên nói một bài về thơ Tố Hữu và tôi có nhắc đến sự sùng bái chủ tịch Hồ Chí Minh của Tố Hữu. Cuộc trao đổi ấy rất vui vẻ rồi ông Thanh cũng không nói gì nữa. Căn cứ trên cuộc thảo luận ấy thì anh em thấy là có thể có đủ bài để viết trên tạp chí Văn Nghệ mà lúc đó tôi là thường trực. Sau đó tôi có lên trình bày với anh Tố Hữu về tờ báo Văn Nghệ.

Ðã lâu lắm rồi anh em không gặp nhau. Phải nói rằng, tôi quan hệ với anh Tố Hữu từ thời kháng chiến, quan hệ rất tốt, nhưng mà từ hòa bình thì có hơi xa nhau. Lần này, sau khi nói chuyện một lúc, anh Tố Hữu có nói với tôi: “Ông vốn là người nhậy cảm mà tôi thấy có tập Việt Bắc mà ông không cho phê bình thì như thế là độ này Lê Ðạt nhạy cảm hơi kém rồi.” Lúc ấy, trong túi tôi đã có bài Hoàng Yến phê bình Việt Bắc, tôi chỉ cười, không nói gì cả và tôi nghĩ bụng: Vâng, chắc anh sẽ xem được một loạt những bài phê bình Việt Bắc nhưng có lẽ ngoài ý muốn của anh! Sau đó ra về tôi in bài của Hoàng Yến và tiếp đó là một loạt những bài phê bình Việt Bắc. Thì tôi chắc là việc đó gây cho anh Tố Hữu nhiều bực tức lắm, tại vì các lời phê bình ấy thường thường là chê, mà ở nước Việt Nam người ta chưa quen chê anh Tố Hữu bao giờ cả. Về vụ phê bình Việt Bắc thì tôi được sự ủng hộ của anh Nguyễn Hữu Ðang vì Ðang lúc ấy đang ở trong tòa soạn báo Văn Nghệ với tôi. Vụ Việt Bắc ấy kéo dài độ hơn một tháng, sau mọi người thấy là nên thôi, tại vì ông Lành cũng không chịu thua mà chúng tôi cũng không thắng, nhưng chắc là thơ ông Lành bắt đầu bị đặt vấn đề. Từ đó quan hệ của tôi với anh Lành hình như hơi khó khăn hơn.

Thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm

Hoàng Cầm kể về những quan hệ ban đầu hình thành Giai phẩm Mùa Xuân:

Khoảng 1952, 53, tôi có đọc mấy bài thơ ngắn của anh, như bài “Lúa Bác Hồ” gì đó, đăng trên báo “Nhân Dân”, thấy thơ anh rất mới, khác hẳn thơ tôi. Anh không làm theo vần điệu cũ, thơ anh bám sát đời sống hàng ngày, mà chữ rất mới. Tôi thấy Lê Đạt tính nết trẻ trung nhưng học vấn uyên bác. Anh làm việc trên Tuyên huấn từ đầu, ở Tuyên huấn có đủ loại sách báo, anh lại chịu học, chịu đọc, thơ tượng trưng, siêu thực của Pháp, anh hiểu sâu sắc lắm.

Cuối năm 1954, chúng tôi gặp lại nhau ở Hà Nội. Lê Đạt còn rất trẻ anh vừa ly dị cô vợ cốt cán, lấy trong Cải cách Ruộng đất, đang yêu Thúy Thúy trong đoàn kịch “Thế Lữ”.

Lúc bấy giờ chúng tôi thân nhau lắm. Từ đầu năm 1955, thường hẹn nhau, khoảng bốn rưỡi, năm giờ chiều ở quán trà Phúc Châu của người Tàu, ở Hàng Giầy: Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm… ta gọi là bộ ngũ. Quán này khi có khách đến thì đem ra một cái khay, với phích nước sôi và một ấm có sẵn trà. Chúng tôi tha hồ uống, có khi pha đến nước thứ 6, thứ 7, đến nước chủ nhật, loãng toẹt ra rồi. Nhiều hôm gọi đến ấm thứ nhì, thứ ba. Bàn toàn chuyện thơ văn, khuyến khích nhau viết, Lê Đạt, Trần Dần đọc nhiều, biết nhiều lý luận về thơ, các nhà thơ hiện đại Pháp, Tử Phác nói chuyện âm nhạc mới… Thỉnh thoảng Phùng Quán cũng ghé qua nghe các ông anh nói chuyện thi ca: Thơ Đông phương, thơ Tây phương. Lê Đạt, Trần Dần, đọc nhiều, rồi họ nói lại thành ra mình học thêm được. Tiếng Pháp tôi chẳng kém gì các ông ấy nhưng tôi lười lý luận. Đọc thơ tượng trưng của Pháp, có chỗ tôi không hiểu, hỏi: “Bài này nó hay ở chỗ nào? Tao dốt lắm”. Thì Lê Đạt lại thân mật giảng cho tôi rất kỹ, tôi quý anh ở chỗ đó.

Cuối năm 1955, lúc ấy Trần Dần, Tử Phác còn đang đi học tập Cải cách Ruộng đất ở Yên Viên; gần Tết, Lê Đạt bảo tôi: “Mày có nhiều bài không? Tết có gởi bài cho báo nào không? Các báo thì đông lắm, nhưng thơ mới kiểu chúng mình thì chưa chắc nó đã đăng đâu, hay ta soạn ra một tập, gọi là tác phẩm mới gì đó, giao cho Thầy Bảo (tiếng lóng của chúng tôi, nghĩa là in tự do, không qua kiểm duyệt)”. Lúc đó vẫn còn vài nhà in sách báo tư nhân như nhà xuất bản Xây Dựng, nhà Minh Đức. “Tao vẫn còn giữ cái bài ‘Nhất định thắng’ của thằng Trần Dần, mày đi thúc đẩy Văn Cao, nó còn nhiều tiềm năng lắm, chỉ có mày bằng vai vế, mới thúc đẩy được nó, tao còn nhỏ, mà lại chưa có sự nghiệp gì, nói nó mắng cho”.

Thì tôi nghe lời Lê Đạt đến thúc đẩy Văn Cao. Lúc ấy Văn Cao không sáng tác nhạc nữa, anh đang mê vẽ, Lê Đạt giục tôi xuống nhà anh, Văn Cao hứa: “Được, rồi tao sẽ có bài”. – “Liệu mấy ngày, một tuần nhé?” – “Ừ, được, ít nhất tao có một bài, hào hứng lên là có hai”. Thế là có bài “Anh có nghe chăng?” của Văn Cao trong “Giai phẩm Mùa xuân”.

Lời Hoàng Cầm trong băng ghi âm, cho thấy sinh hoạt vô tư và tự do của nhóm “Giai phẩm Mùa xuân” lúc ấy, cùng sự hình thành cuốn giai phẩm đầu tiên và vai trò của Lê Đạt.

Việc Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang hoạt động trong báo “Văn Nghệ”, đã được đề cập ở trên, ở đây chỉ nhắc lại lời Hoàng Cầm: “Anh Lê Đạt lúc đó làm Bí thư Chi bộ của báo ‘Văn Nghệ’, anh là người của Tuyên huấn gởi sang như một nhân viên nhưng thực sự là để lãnh đạo tờ báo vì anh ấy là Bí thư Chi bộ”.

“Tôi là một học sinh yêu nước cho nên khi Cách Mạng thành công thì tôi tham gia Cách Mạng ngay. Từ khi tham gia Cách Mạng, hầu như tôi đều hoạt động ở ngành Tuyên huấn, rồi sau này lên làm việc ở Tuyên huấn Trung ương (ngày nay là Uỷ ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương) trực tiếp theo dõi phong trào văn nghệ, văn hóa và giáo dục. Vì thế, tôi có nhiều điều kiện để tiếp xúc với tất cả anh em văn nghệ, từ lãnh đạo đến những anh em bình thường. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về phong trào văn nghệ vì xưa nay tôi vẫn là người thích làm thơ. Năm 50, khi ở chiến dịch Lào Cai, tôi có dịp gặp một nhà thơ mà tôi chưa biết mặt, nhưng biết tên từ lâu, đó là anh Trần Dần. […]. Khi gặp Trần Dần ở Lào Cai, chúng tôi đã bàn rất nhiều về thơ ca Việt Nam, và đi đến một nhất trí như thế này: anh Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng, nhưng thi pháp của anh ấy, căn bản vẫn chưa ra khỏi thi pháp thời kỳ thơ mới năm 1930, và tôi với Trần Dần nghĩ rằng: chính mình phải làm một cái gì để đổi mới nền thi ca Việt Nam. Ðó là từ năm 1950. Ðến năm 1954, khi hòa bình trở lại, chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội, lại bàn tiếp giấc mộng thơ mới đó. Khi ấy, Trần Dần đã viết xong”Người người lớp lớp” và đang gặp khó khăn trong quân đội, về vấn đề các văn nghệ sĩ trong quân đội đấu tranh đòi có một kỷ luật sống, cho thích hợp với thời kỳ hòa bình. Lúc đó, Trần Dần cũng bị o ép rất ghê, anh Dần có bàn với tôi rằng: “Có lẽ ta nên tổ chức một buổi phê bình thơ Việt Bắc”. Tôi hoan nghênh lắm. Vì vậy, Trần Dần tổ chức một cuộc phê bình thơ Tố Hữu ở trong quân đội.[…]. Hoàng Yến lên nói về thơ Tố Hữu và bảo rằng thơ Tố Hữu bây giờ “nhỏ” hơn thơ Tố Hữu thời trước […]. Tôi lên nói một bài về thơ Tố Hữu và tôi có nhắc đến sự sùng bái chủ tịch Hồ Chí Minh của Tố Hữu […] Sau đó ra về tôi in bài của Hoàng Yến và tiếp đó là một loạt những bài phê bình Việt Bắc. Thì tôi chắc là việc đó gây cho anh Tố Hữu nhiều bực tức lắm, tại vì các lời phê bình ấy thường thường là chê, mà ở nước Việt Nam thì người ta chưa quen chê anh Tố Hữu bao giờ cả. Về vụ phê bình Việt Bắc thì tôi được sự ủng hộ của anh Nguyễn Hữu Ðang vì Ðang lúc ấy đang ở trong tòa soạn báo Văn Nghệ với tôi […].

Khi Trần Dần được ra, thì chúng tôi mới nghĩ đến chuyện này: bây giờ làm sao mà in được một tập thơ, trái với nguyên tắc lúc bấy giờ – nguyên tắc bấy giờ là tất cả các bài đều bị kiểm duyệt. Tôi chủ trương tập này phải là một tập tự do sáng tác hoàn toàn, tức là mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm về bài của mình và không có kiểm duyệt gì cả. Tôi có bàn với Dần, Cầm, với Văn Cao, Tử Phác và mấy anh hội họa nữa là Sỹ Ngọc và Nguyễn Sáng (phát biểu của Lê Đạt trên RFI, tháng 5, năm 2004).

Là câu thơ của tôi mà sau này cụ Phan Khôi cụ đã bình luận. Sau này tôi sẽ nói về chuyện đó. Nhưng mà đồng thời dông bão cũng đã bắt đầu thấy xuất hiện ở trên vòm trời rồi. Hôm tôi đến Hội, tôi gặp cụ Phan Khôi. Cụ Phan Khôi bảo: “Này, gay go đấy nhé!” Tôi bảo: “Cái gì mà gay go hở cụ?”

– Hôm nọ Tố Hữu đến đây phê phán Giai Phẩm Mùa Xuân nặng lắm và nói rằng: “Lũ này là lũ phản động”, thì tôi có nói rằng: “Phản động hay không phản động chưa biết, cứ biết rằng người ta nói mình không bằng lòng thì mình viết, rồi để cho người ta trả lời”, thì Tố Hữu nói ngay rằng: “Thừa giấy cho chúng nó viết à?” Phan Khôi không nói gì nữa. Phan Khôi bảo tôi: “Cẩn thận!”

Tôi nghỉ ăn Tết xong, mùng 5 Tết tôi lên gặp Tố Hữu. Lên, thì lúc ấy Tố Hữu ở trên gác, một anh chánh văn phòng xuống gặp tôi, nói rằng: “Anh đợi một lúc, anh Tố Hữu sẽ xuống!” Tôi phải nhắc lại với chị một lần nữa: Tôi là người trong suốt thời kháng chiến ở Tuyên Huấn, cho nên tôi về Tuyên Huấn như là tôi về nhà tôi vậy. Nhưng mà tôi thấy sao hôm nay về nhà mình, ngạc nhiên lắm, cái nhà không phải là nhà mình nữa, trông nó lạnh lùng mà nó khác hẳn rồi. Trong lúc ngồi ghế đợi, tôi thấy quyển Giai Phẩm Mùa Xuân để trên bàn, bài Nhất định thắng của Trần Dần với rất nhiều câu hỏi của anh Lành – Tố Hữu – đánh bằng bút bi đỏ, ở chung quanh. Nói ghê lắm. Còn bài Mới của tôi, thì bên cạnh câu: Bay cho cao, bay cho xa, anh Tố Hữu có đề câu hỏi: Bay đi đâu? Có phải bay vào miền Nam không? Tôi thấy tình hình gay go rồi: Mình làm chuyện sáng tác nhưng tự nhiên các ông ấy lại gắn vào cái chính trị, ngoài ý muốn của mình. Nhưng lúc ấy tôi chưa sợ. Tôi không có lý do gì mà sợ cả. Tôi vẫn tin ở sự trong sáng của mình và lúc ấy tôi vẫn tin vào sự trong sáng của Ðảng.

Giai Phẩm Mùa Xuân ra vào tháng giêng, tháng hai, thì như thế là vào khoảng cuối tháng hai tôi đã bị gọi lên Tuyên Huấn, chị thấy tác động nó rất nhanh. Lúc đó, anh Tố Hữu đi trên gác xuống, lần này anh Tố Hữu gặp tôi khác lắm, không chào hỏi gì cả. Và anh rút bao thuốc lá Trung Quốc trong túi ra, anh ấy hút mà không mời tôi.

Câu đầu tiên anh nói với tôi rất lạnh lùng: “Các anh muốn gì?”. Tôi hơi bực mình, tôi trả lời: “Chúng tôi chẳng muốn gì cả, chúng tôi chỉ muốn làm văn nghệ. Anh Tố Hữu này, chúng ta vẫn còn là đồng chí với nhau, cho nên anh không thể xử sự với tôi như người ngoài được. Có gì anh cứ nói một cách bình tĩnh.” Lúc ấy anh Tố Hữu nghĩ thế nào, mới rút một điếu thuốc lá mời tôi và chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Câu đầu tiên mà anh Tố Hữu nói là: “Tôi rất lo cho tương lai chính trị của anh. Anh thì còn là người ở trong nội bộ, còn Trần Dần hỏng rồi. Chúng tôi đã có tài liệu rằng Trần Dần là có bàn tay của địch dúng vào. Vì anh còn là người của nội bộ cho nên chúng tôi mời anh đến đây kiểm điểm. Anh phải ở lại đây 15 ngày để kiểm điểm và để thấy rõ bộ mặt phản động của Trần Dần.”

Thế là tôi ở lại đấy ăn cái Tết kiểm thảo 15 hôm. Tôi không phải làm việc gì cả, tức là theo cái cách ở Việt Nam người ta làm, anh cứ ngồi đấy “suy nghĩ” về những lỗi lầm của anh. Anh viết về những sai sót của anh. Lẽ dĩ nhiên, lúc đó anh Lành cũng không gây áp lực gì nhiều lắm đối với tôi. Tôi có nói với anh Lành thế này: “Tôi không thể căn cứ vào tác phẩm của anh Dần mà đi đến kết luận anh ấy là phản động được. Dù anh có kéo dài nửa tháng hay một tháng cũng thế thôi: Không thể căn cứ vào tác phẩm của ai mà kết tội người ta là phản động được. Phản động là thuộc phạm vi của công an”. Trong 15 ngày thì có một cuộc hội nghị rất lớn, hầu hết các nhân vật sừng sỏ nhất của Tuyên Huấn, nào là anh Kỉnh này, Kỉnh là trung ương ủy viên và là phó ban Tuyên Huấn, Nguyễn Chương này. Nguyễn Chương, anh em quen gọi là Xứ Chương, là một cán bộ kỳ cựu sừng sỏ về lý luận – sau này cuộc tranh luận giữa Xứ Chương và Nguyễn Hữu Đang trên báo được rất nhiều độc giả lưu ý. Cả thiếu tướng Lê Chưởng, … nhiều, nhiều lắm. Cuộc họp rất to, mà ở bên này chỉ có tôi thôi – cười. Một người thì không thể nào cãi lại được tất cả mọi người. Nhưng tôi cãi được một điểm duy nhất mà tôi có thể cãi lại, và tôi cho là đúng, đó là: “Tôi không thể nào căn cứ vào một văn bản mà kết luận một người là phản động được. Lúc đó anh Tố Hữu nói: “Thôi được rồi, để anh suy nghĩ thêm, nhưng tổ chức đã có tài liệu.” Thì tôi nói: “Tổ chức đã có tài liệu thì tôi còn phải kiểm điểm gì nữa.”

Tóm lại, cuộc đấu tranh rất căng thẳng. Sau đó, tôi được thả về vì đến đấy coi như đã xong và anh Dần cũng đã bị bắt rồi. Tức là cùng lúc tôi bị gọi lên kiểm điểm ở Tuyên huấn thì anh Dần bị bắt ở chỗ Cải Cách Ruộng Đất. Trần Dần bị bắt cùng với Tử Phác, trong khi hai người đang đi thực tế học tập về chính sách Cải Cách Ruộng Đất. Ba hôm sau, anh Dần cứa cổ tự tử, người ta buộc phải giải quyết vấn đề tức là cho anh Dần ra bệnh viện để chạy chữa và khuyên anh ấy không nên làm như thế. Vì vậy trong hình của Trần Dần trên báo Nhân Văn, Nguyễn Sáng có vẽ một vết sẹo ở cổ, chính là cái vết tự tử bằng mince lame trong cuộc bị bắt ấy. Rồi Giai Phẩm Mùa Xuân bị tịch thu và tự nhiên người ta gọi chúng tôi là nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân.

Nội dung báo Nhân Văn

Đến giữa năm 1956, ở Trung Quốc có phát động phong trào Trăm hoa đua nở, việc sáng tác ở Việt Nam vì thế cũng được nới lỏng. Giai phẩm Mùa xuân được tái bản, tiếp đó là xuất bản tiếp Giai phẩm Mùa thuGiai phẩm Mùa đông. Tiếp nữa, Nguyễn Hữu Đang, người cùng làm với Lê Đạt tại báo Văn nghệ, muốn hợp tác cùng nhóm Giai phẩm mùa thu để ra một tờ báo, tờ Nhân Văn vì thế mà ra đời. Lê Đạt có nói sau khi ra Giai phẩm Mùa xuân đã khá mệt mỏi, lại mới lập gia đình nên ông muốn rút, nhưng phong trào lúc này đã phát triển tương đối mạnh, người gửi tiền về ủng hộ khá nhiều, một mình Hoàng Cầm và Nguyễn Hữu Đang sợ quán xuyến không nổi nên mọi người vẫn mời Lê Đạt vào báo, cho dù ông vẫn giữ công tác tại báo Văn nghệ trong thời gian đó. Vì vẫn là đảng viên nên ông không thể đứng ra làm Tổng thư ký của báo Nhân văn được, Nguyễn Hữu Đang cũng không muốn nhận nên mới đưa ra ý kiến mời cụ Phan Khôi vào vị trí nào, dù thực ra, làm việc chính ở tờ báo vẫn là hai người trên.

“Tháng 5 năm 1956, thì ở Việt Nam cũng bắt đầu có cuộc học tập văn nghệ về vấn đề dân chủ. Trong cuộc học tập này, anh em phê phán văn nghệ rất nhiều, trong đó nổi bật lên vai trò của anh Nguyễn Hữu Ðang. Và tôi phải nói về anh Ðang như thế này: Anh Ðang là người hoạt động lâu năm ở trong Ðảng, nhưng đã từ lâu – hình như có cái gì không bằng lòng mà trong danh từ của chúng tôi người ta thường gọi là “bất mãn” – anh không hoạt động nữa. Lúc bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng có đón anh ấy ra để làm báo Văn Nghệ, cùng với tôi. Trong buổi học tập văn nghệ đó, anh Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi -Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ- Ðang nói rằng: “Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm”. Ðó là lời nói của Ðang như thế. […]. Ðang nói với tôi: “Thế nào cũng phải ra báo và ra báo thì chắc là tụi mày phải làm thôi.” Vì tình hình Trung Quốc họ làm như thế, cho nên ở Việt Nam cũng có cởi mở hơn về vấn đề dân chủ, tháng 9 năm 1956, cho tái bản Giai Phẩm Mùa Xuân. Như thế bước đầu, có thể gọi là một thắng lợi. Và trong tình hình sôi sục như thế Ðang có đề nghị ra một tờ báo, tờ báo này chính là tờ Nhân Văn. Tờ Nhân Văn thì không do tôi đặt tên, điều đó chắc là rõ ràng rồi. Và khi Giai Phẩm Mùa Xuân được tái bản thì lập tức nó đẻ ra một loạt những giai phẩm khác: Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Ðông và bên phiá sinh viên, là tờ Ðất Mới. Tức là lúc đó tự nó hình thành một phong trào rộng lớn của trí thức miền Bắc: Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Ðông, Ðất Mới…[…].Cái đó không phải bàn bạc gì với nhau, nhưng tự nhiên nó hình thành một phong trào đòi hỏi dân chủ và cách tân văn hóa ở miền Bắc, tập trung chung quanh Giai Phẩm Mùa Xuân và nhóm Ðại Học do anh Ðào Duy Anh, anh Trương Tửu, anh Thảo […] Vì người ta tôn trọng Giai Phẩm Mùa Xuân mà thực tế cũng là thế, nên người ta vẫn cho rằng, chính cái gốc của tất cả những giai phẩm này cũng như của Ðất Mới là Giai Phẩm Mùa Xuân. (phát biểu của Lê Đạt trên RFI, tháng 5, năm 2004).

Ba “điểm nóng” trong tờ Nhân Văn số 1: Bức tranh Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần với vết sẹo ở cổ, bài “Con người Trần Dần” của Hoàng Cầm và bài thơ dài “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” của Lê Ðạt đăng trọn một trang báo lớn. Ðó là ba yếu tố sau này trở thành biểu tượng của Nhân Văn số 1. Một mặt khác, Nhân Văn còn có những bài xã luận chính trị, đòi hỏi tự do dân chủ, ký tên Người Quan Sát. Vậy Người Quan Sát là ai? Nguyễn Hữu Ðang và Lê Ðạt là hai thành viên của Nhân Văn bị buộc tội nặng nhất, trong một bản cáo trạng, người ta xác định Lê Ðạt: “Là một người chủ chốt của báo Nhân Văn, tham mưu cho cả tờ báo, tự tay sửa chữa nhiều bài, đả kích chế độ ta rất là cay độc”. Nhà thơ Lê Ðạt sẽ nói rõ vai trò của ông và ông Nguyễn Hữu Ðang trong tờ Nhân Văn và lý do nào đã khiến Nhân Văn bị đóng cửa.

– TK: Thưa anh, khi báo Nhân Văn số 1 ra đời thì dư luận công chúng đã đón nhận nó như thế nào?

– LĐ: Ðời tôi chưa bao giờ tôi thấy một tờ báo được hoan nghênh như thế. Tức là khi số 1 Nhân Văn in xong, được đưa từ nhà in Xuân Thu đến Nhà Hát Lớn – vào khoảng độ gần 2 cây số, thì có khi người bán báo phải đi đi về về đến 10 lần để lấy báo, tại vì hết ngay và người ta chen ra đường mua; thậm chí người ta đưa tiền ra mà không ai lấy tiền trả lại cả! Lúc đó tôi đứng đấy tôi nhìn thì mới thấy đúng là “ngày hội của quần chúng”. Đúng là ngày hội của quần chúng thật, tức là: không thể đi được! Bản thân tôi, tôi cũng không đi được. Cứ ra thì người ta lấy hết báo, lại vào, cứ liên tục như thế mà chẳng phải quảng cáo gì cả. Sau khi báo Nhân Văn số 1 ra rồi, đi đâu tôi cũng thấy người ta nhắc lại hai câu thơ của tôi:

Ðem bục công an đặt giữa trái tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi

                theo đúng luật đi đường nhà nước

Nhất là sinh viên ủng hộ rất nhiều. Nhân Văn số 1 lập tức là phải in lại sau đâu có một hai ngày gì đó. Hình như báo nhà nước lúc đó cũng chưa có chuẩn bị đối phó trước một hiện tượng đột ngột như thế, sau này, sự đối phó đến sau, lúc đó tất cả các báo, nhất là báo Nhân Dân, thường xuyên phản pháo. Trên báo Nhân Dân đã đành, còn các đoàn thể khác cũng đều học tập vấn đề Nhân Văn. Nhưng vì lúc đó tình hình bên Trung Quốc vẫn chưa có gì thay đổi cả, vẫn “trăm hoa đua nở”, vẫn “trăm nhà đua tiếng” thành ra ở Việt Nam, người ta vẫn vừa nghe ngóng, lại cũng thấy rằng bên Trung Quốc chưa động tĩnh gì cho nên họ vẫn để cho Nhân Văn ra tiếp.

Đoạn mở đầu Nhân câu chuyện mấy người tự tử:

Báo Nhân dân số 822

Có đăng tin mấy người tự tử

Vì câu chuyện tình duyên dang dở

Trưa mùa hè nóng nung như lửa

Tôi ngồi làm thơ

Vừa giận vừa thương những người xấu số

Chân chưa đi hết đường đời

Đã vội nằm dưới mộ.

Chết là hết

Hết đau hết khổ

Nhưng cũng là hết vầng trăng soi sáng trên đầu

Hết những bàn tay e ấp tìm nhau…

…Anh công an nơi ngã tư đường phố

Chỉ đường cho

xe chạy

xe dừng

Rất cần cho luật giao thông

Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi

Theo luật lệ đi đường nhà nước

Có thể gây nhiều đau xót

ngoài đời”

….

Cửa hàng Lê Đạt

Theo Thụy Khuê, Lê Đạt kể:

Ðến tháng 7/1957 tôi viết một bài thơ dài tên là Cửa hàng Lê Ðạt, giữa lúc cao trào Cải Tạo Tư Sản đang lên ở miền Bắc [báo Nhân văn số 6 đang in thì bị đình chỉ ngày 15-12-1956. Như vậy thì bài Cửa hàng Lê Đạt phải viết trước đó, tức là trong năm 1956 chứ không phải viết năm 1957 – Thái Kế Toại]. Bài Cửa hàng Lê Ðạt chưa in thì đã có nhiều người đồn lắm rồi, đi đâu người ta cũng xì xào: “Lê Ðạt nó sắp sửa nổ một trái bom”. Lúc ấy, đang in ở nhà Xuân Thu thì tôi thấy Việt Dung – là một cán bộ của sở Văn Hóa – bảo tôi:

– Sao lúc nào cậu cũng lôi thôi thế!

– Cái gì mà lôi thôi?

– Nó cấm rồi?

– Cấm cái gì?

– Thế cậu không biết à? Nó biểu tình rồi. Nó ngừng không in quyển của cậu nữa.

Tôi chạy xuống thấy bản thảo người ta cũng đã lấy đi rồi, gỡ hết cả chữ, không còn gì nữa. Tức là khi đang in sous presse, thì người ta vận động công nhân – chả biết có vận động không – tự nhiên thấy công nhân đứng lên phản đối, ngừng, không in nữa, và nói rằng: “Tác phẩm này đi ngược với quyền lợi của công nhân!”

Sau cái bài Cửa hàng Lê Ðạt ấy, người ta vu tôi là gì? Là giữa cao trào Cải Tạo Tư Sản mà Lê Ðạt viết bài Cửa hàng Lê Ðạt là tiếp tay với bọn tư sản. Lập tức người ta triệu tập tôi đến hội nghị chi bộ. Lúc này tôi chính thức bị khai trừ khỏi Ðảng Cộng Sản Việt nam, tức là vào khoảng tháng 7 năm 1957.

Sở dĩ tôi phải nói rõ chỗ đó vì thế này: Đợt đấu tranh Thái Hà có hai lớp. Theo thói thường của Ðảng, bao giờ họ cũng tổ chức hai lớp: Một lớp vào tháng hai, năm 1958, để chuẩn bị cho các đảng viên. Và lớp thứ hai, tháng ba, năm 1958 cho tất cả mọi người. Thái Hà là chỗ gần lăng ông Hoàng Cao Khải, đó là trường công đoàn và ở đó người ta tổ chức một lớp đấu tranh ghê gớm nhất đối với NVGP. Sau này mọi người đều nhắc đến nó và gọi là lớp Thái Hà.

Một đoạn bài Cửa hàng Lê Đạt:

Quý khách qua phố Trần Hưng Đạo

Hãy dừng chân / mấy phút / tham quan

Cửa hàng Lê Đạt.

1.

Lê Đạt nào?

Có phải Lê Đạt / của Những người tự tử / của Những cái bình vôi

Chán thơ thẩn rồi sao / mà lại về mở hiệu

Hay vợ đau, con yếu / Làm thơ không đủ tiền

Hay bị phê bình / kiểm thảo

Giờ như chim phải tên / Động thấy cây cong / là sợ

Hay thơ tồi không người tiêu thụ

Phải bán Ki-lô

….

Cả nước nghèo tần tảo nuôi nhau

Đủ sống làm thơ / thế là tốt lắm

Nếu không có mấy ông phê bình

Mác xít thiên binh / Duy vật chi hồ giả giã

Nhai chữ mòn răng / chưa vỡ sự đời

Mấy chữ i- tờ lòng người / không biết

Ngắt ngọn bao nhiêu suy nghĩ /tìm tòi

Ra chữ nghĩa / nhiều khi / cũng giết người

Có những ngày chán nản / Tôi muốn đi thật xa

Không muốn nhìn / không muốn nghe / không muốn viết

Có những ngày / tôi chỉ còn muốn chết

Nhưng thương vợ / thương con / yêu tiếng Việt

Tôi không đành đi

Quê lạnh thân cò lặn lội

….

Tôi không định mở cửa hàng phở chó

Nhưng sáng tác cho đời thêm vài thứ phở

Chẳng là nên hay sao

Chẳng hơn ngồi nhai đi nhai lại

Mấy vần thơ thịt rừ

Bã nát từ thời cà cộ.

Một tý anh / một tý em

Tý ty nhiệm vụ / tý ty căm thù

Tý ty diễm huyền / tý ty mông vú

Đổ làm mấy chục thùng thơ

Bùi Thị Xuân (1) / nếu không còn hàng phở

Đời sẽ buồn biết đến bao nhiêu

Như Hồ Gươm không người làm xiếc

Như Hồ Tây vắng bánh tôm

Ta sẽ mất rất nhiều Hà Nội

Nước béo / mỡ gầu / tôm tươi / thơ mới

Áo nắng tuổi cờ thu chín tới Thủ đô

…..

Tôi sẽ chụm thơ tôi thành ngọn lửa

Sấy lại tâm hồn mưa phùn

Trên đường mưu sinh trường kỳ mệt mỏi

Tôi sẽ tiếp máu thơ nóng hổi

Lên dây cót lại trái tim

Bước túc tắc / phố xanh mùa tíc tắc

7.

Để tạo dựng một cửa hàng nho nhỏ

Tôi đã đổi những ngày hớn hở / mười tám đôi mươi

Những má gọi / những vườn cười chín tới

Tôi đã sống những ngày lầm lũi

Quên ngủ quên ăn

Tôi đã chịu đau thương bất công hắt hủi

Tuổi thơ làm hại tuổi trời (2)….

Tôi vẫn đi / như cung mệnh / sao Đà la đầy dọa

Cho đến lúc / trí trá / cường quyền / đểu giả

Không còn hành hạ con người

Sao ta chưa khai thác cung trăng / thành chỗ ở

Sao mới sáu bảy mươi / đời đã vội về già

Đến bao giờ mới có những thiếu nhi trăm tuổi

Ngậm ngùi thương ông Bành tổ chết non

Những bà mẹ vừa sinh con vừa hát

Chữ tự do mùa thật hạt bát cười

HẬU TỪ

Đầu phố Lãn Ông / có cửa hàng tạp vặt

Đăng ký số 4210 / đứng tên Lê Đạt

Nhớ xưa ba mươi năm

Cửa hàng quan niêm phong (3)

Bút độc quân ông Lành tẩy uế

(3) Bài thơ “Cửa hàng Lê Đạt” được sáng tác năm 1957, thời điểm Hà Nội gay gắt cải tạo tư sản.

Bài thơ đương ấn loát thì thợ nhà in Xuân Thu đình công ngừng máy, cho rằng bài thơ đi ngược lại quyền lợi giai cấp công nhân và bản thảo cũng bị mất luôn.

Sau khi tác giả được phục hồi, tháng 3-1989, Bộ Nội vụ có nhã ý trả lại một bản đánh máy (mất một số trang).

Những đoạn thất lạc được tác giả ghi lại theo trí nhớ, hoặc cực chẳng đã viết mấy dòng bổ sung cố gắng duy trì mạch thơ.

Và thêm đoạn Hậu từ

Ông Lành là một trong nhiều biệt danh của nhà thơ Tố Hữu, phụ trách tư tưởng thời bấy giờ.

Về chuyện trả lại bản thảo Cửa hàng Lê Đạt: trong một lần gặp Lê Đạt với không khí thân tình sau khi giải tỏa Nhân văn Giai Phẩm ông đề nghị tôi nếu có cho ông xin lại bản thảo bài Cửa hàng Lê Đạt đã bị mất. Tôi tra lại hồ sơ của ông, đúng là còn bản thảo viết tay đã cũ nát nhưng bài thơ đã được đánh giá nguy hiểm như là một cái đinh trong báo Nhân văn số 6. Dù mọi người chưa đọc nhưng cái tên Cửa hàng Lê Đạt này đã nhiều năm ám ảnh nhiều người như là một con ngáo ộp. Sau khi suy nghĩ kỹ thấy bài thơ không phản động như người ta quy kết, tôi đề nghị ông Cục trưởng của tôi cho đánh máy lại bài thơ và trao lại cho nhà thơ Lê Đạt. Ông Cục trưởng Nguyễn Trọng Tháp một anh hùng của ngành công an đã từng chỉ huy đánh bắt nhiều toán biệt kích của Mỹ và Sài Gòn ở Lai Châu trong chiến tranh chống Mỹ mới về Bộ, chưa thạo lắm về văn học nghệ thuật nhưng rất tin tưởng tôi đã đồng ý với quyết định này. Bản đánh máy trao lại cho nhà thơ Lê Đạt đầy đủ và dài hơn, nhiều phân đoạn hơn so với bản sửa chữa sau này chứ không phải là bị mất vài đoạn. Tôi nghĩ là do nhà thơ đã sửa lại hoặc bị thất lạc, hoặc nhầm lẫn.

Đấu tố và ấn tượng kinh hoàng ở Thái Hà

Báo Nhân Văn ra được 5 số thì bị đình bản.

Đấy là vào cuối năm 1956, nhưng đời sống của các nhân vật vẫn chưa bị ảnh hưởng lắm, Hoàng Cầm khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam vào đầu năm 1957 vẫn được bầu vào ban chấp hành và giữ chức phó giám đốc nhà xuất bản của Hội. Lê Đạt chỉ phải thuyên chuyển công tác từ báo Văn nghệ sang làm ở ban đối ngoại của Hội Nhà văn, và bị cho ra khỏi đảng vào tháng 7 năm 1957 khi đang chuẩn bị cho phát hành tập thơ Cửa hàng Lê Đạt giữa lúc đấu tranh chống tư sản sục sôi nhất.

Đến đầu năm 1958, sau khi hoạt động của nhóm Nhân văn Giai phẩm đã chính thức chấm dứt được hơn một năm, thì ở Trung Quốc có vụ đấu tranh gay gắt chống phái hữu khuynh, Trăm hoa đua nở chấm dứt. Việt Nam có cử Huy Cận và một người nữa sang quan sát học tập. Khi về ban Tuyên Huấn có tổ chức hai lớp học tập “đấu tranh tư tưởng” tại Thái Hà Ấp. Một lớp dành cho Đảng viên vào tháng 2, những người tham gia Nhân văn-Giai phẩm có Đặng Đình Hưng và Văn Cao tham dự khóa học này. Lớp thứ hai được tổ chức vào tháng 3, dành cho tất cả mọi người, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, v.v. có đến họp. Trong vòng một tháng, như Lê Đạt kể thì lớp học này thực chất là một cuộc đấu tố những người trong Nhân văn-Giai phẩm.

LÐ: Khi tôi đến, anh Tố Hữu nói ngay thế này: “Các anh làm thì sai rất nhiều, nhưng mà Ðảng thấy các anh còn trẻ và đều là những người kháng chiến cả cho nên Ðảng vẫn tin rằng các anh còn ở lại được hàng ngũ của kháng chiến. Nhưng ở lại hay không ở lại là tùy các anh. Ðảng lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng các anh có muốn ở lại hay không mà thôi”. Tôi chưa thấy một cuộc họp nào gay gắt như thế. Ðây không phải là một cuộc học tập mà là một cuộc đấu tranh, nó khác hẳn các cuộc học tập khác.

Trong những ngày đầu, người ta vạch tất cả “những tội” của những người trong NVGP, ai nhớ được gì thì nói ra…, nó như là một cái tụi… tố cáo nhau – cười! Tôi kể với chị, ví dụ một chuyện: Trong một bữa ăn uống ở cuối Tết, tính Tử Phác vẫn hay gây gỗ với người này người khác, thì tôi mới nói rằng: “Thôi, năm mới, mẹo mới.” Thế là người ta cũng mang ra cái hội nghị ấy, người ta bảo: “Năm mới, mẹo mới là cái gì? Mẹo mới chỉ là mẹo chống Ðảng chứ gì, thì phải nói ra!” – cười. Cho nên mọi việc phức tạp vô cùng, nó gây một không khí rất căng thẳng. Nó không còn là một cuộc học tập nữa cho nên phải gọi là cuộc đấu tranh. Trong khi “học” như thế thì công an đi ra đi vào rất nhiều, mà đi một cách rõ ràng cho mình trông thấy chứ không phải người ta kín đáo gì!

Sau khi tất cả mọi người đều đã “phát hiện các tội” của Nhân Văn xong rồi, thì mới đến lượt Nhân Văn, từng người một, nhận tội. Lúc đó người ta cũng nói một cách lịch sự là tự kiểm điểm thôi. Tôi nói như thế này là để chị thấy tình hình găng như thế nào. Tức là một hôm Sỹ Ngọc đi với Nguyễn Huy Tưởng, Sỹ Ngọc nói rằng: “Như thế này tức là mình lỗi lầm nhiều quá, chắc là mình cũng không trở lại hoạt động văn nghệ được nữa đâu!” Thì Nguyễn Huy Tưởng -vốn là người tốt- anh ấy nói: “Không! Ðấu tranh có gì sai thì ta sửa, còn anh em vẫn là anh em, nghệ thuật vẫn là nghệ thuật chứ!” Thì Nguyễn Khải đứng lên, Nguyễn Khải phản đối, Nguyễn Khải nói: “Tôi thấy quan điểm của đồng chí Nguyễn Huy Tưởng rất mơ hồ, đây không phải là cuộc đấu tranh giữa anh em nội bộ, đây là cuộc đấu tranh giữa ta và địch”.

Hay là một buổi khác, vừa lên lớp thì anh Võ Hồng Cương là một người trong học ủy, lên nói rằng: “Tôi phải báo cho các đồng chí biết một tin rất mừng là hôm qua đồng chí Tám Danh -đồng chí Tám Danh là một đồng chí nghệ nhân ở miền Nam- trước thái độ ngoan cố của Lê Ðạt, tức quá, đã vác búa đi tìm để đánh. Nhưng may mà học ủy phát hiện kịp thời nên đã ngăn chặn kịp thời cái hành động đó”.

Đấy, không khí luôn luôn bị hun nóng như thế. Nhưng chúng tôi ở đó, thì… mình nghĩ mãi cũng chẳng thấy thêm được cái tội gì cả – cười! Bi kịch của chúng tôi lúc bấy giờ là như thế này: Không phải sợ -sợ thì chưa chắc đã sợ, lẽ dĩ nhiên là trong chúng tôi cũng có anh sợ, ví dụ như anh Hoàng Cầm chẳng hạn, anh ấy rất sợ, nhưng tôi, tôi chưa nghĩ đến chuyện sợ- tôi nghĩ bây giờ họ “đòi hỏi” nhiều quá mình chưa nghĩ ra cái tội nào to để cho họ có thể bằng lòng được. Mà nếu họ không bằng lòng thì không biết họ kéo mình đến bao giờ, chỗ đó là cái lo nhất của tôi. Vì kiểm điểm lại thì tôi thấy mình không có tội gì ghê gớm, có tính chất… “hấp dẫn”cười, để họ không thể nào tha thứ cho mình được cả.

Không khí rất căng thẳng, tôi nói thế này để chị biết nó căng thẳng như thế nào: Văn Cao đã đi lớp trước rồi, lớp cho đảng viên hồi tháng 2, thì sau đó, họ cũng kéo tất cả trở lại lớp sau để đánh tiếp. Tôi xin nhắc lại: tức là trong lớp trước, họ học tập đảng viên phát hiện quần chúng, để họ đánh; nhưng bây giờ, ở lớp thứ hai này: quần chúng lại phát hiện trở lại, để nếu đảng viên có gì, họ lôi ra đánh tiếp luôn, chị có rõ ý tôi không? Thế thì tôi thấy Văn Cao -hôm ấy trời nóng- Văn Cao mặc áo sơ mi to phồng thế mà sau khi nó tố những khuyết điểm của Văn Cao, tôi thấy cái áo sơ mi cứ dính dần, dính dần, dính dần… nó toát hết cả mồ hôi, nó dính như một cái áo lót cơ mà… Ðấy, chị thấy không khí căng thẳng như thế nào.

– TK: Rút cục anh đã nhận những tội gì để cho họ bằng lòng?

– LÐ: Tức là như thế này: Bây giờ anh làm trong tổ, tổ thông qua bài khai của anh. Bài của anh lại phải đưa ra hội trường, hội trường thông qua thì anh mới được xong. Nếu không thì anh cứ việc tiếp tục lại. Coi như xong, nhưng chưa thành khẩn, thì lại phải viết tiếp. Mình cứ phải viết tiếp, viết tiếp… mãi, mà mình chỉ có từng ấy ý thì làm sao viết thêm được mãi! Sau đó, chắc là Dần nó cũng đồng ý với tôi -lúc ấy, anh em không trao đổi được với nhau, nó theo dõi ghê lắm- là mình cứ nhận phắt cái tội “cướp cờ của ông Tố Hữu” cho xong đi, chắc là nó cũng thông qua thôi. Khi tôi nhận đến chỗ ấy thì mọi người bảo: “Lê Ðạt còn ngoan cố nhiều nhưng cũng được cái tương đối “thành khẩn”cười. Thế là họ cho tôi nghỉ!

Trong lúc kiểm thảo như thế, thì người ta loan tin, người ta nói rằng: “Công an đã bắt Nguyễn Hữu Ðang!” Cái anh Ðang này cũng là người hoạt động mà sao dại dột thế! Ông ấy lại nhờ người mang một lá thư về Hải Phòng để bố trí cho ông ấy vào Nam. Cái thằng dại dột quá! Thế là nó bắt được cái thư ấy. Vì chính người đưa thư ấy là người của công an. Thế là họ đồn ầm lên: “Sự liên hệ giữa Nhân Văn và bọn Mỹ Diệm là đã rõ ràng rồi. Nguyễn Hữu Ðang trong lúc không còn đường thoát nữa, liên lạc với trong ấy và chúng ta đã bắt được Nguyễn Hữu Ðang rồi, bắt vào ngày bao nhiêu, bao nhiêu”… Tất cả mọi người vỗ tay hoan hô, hoan hô… Tức là một sức ép rất ghê gớm, chị ạ.

Những tuần trước thì tuần nào cũng được về nhà, nhưng đến tuần cuối cùng thì không được về nhà nữa, tức là làm liên tục, ai làm xong mới được về nhà. Tôi và Dần rồi cũng làm xong cả. Trên đường ra về, anh Tố Hữu có đợi tôi ở cửa, lúc bấy giờ đã lạnh lùng lắm rồi. Anh Tố Hữu có nói với tôi thế này: “Tội của anh cũng nặng như tội Nguyễn Hữu Ðang. Lẽ ra anh cũng bị đi tù. Nhưng mà Ðảng vì nghĩ đến anh, chiếu cố đến anh còn trẻ, có khả năng và còn có thể giúp ích được cho đời nữa nên Ðảng khoan hồng với anh thôi chứ anh-đừng-nên-nghĩ-rằng-anh-tội-nhẹ!”

Ðó là lời dặn dò của Tố Hữu với tôi trước khi tôi về.

Lê Đạt cũng xác nhận vai trò chủ chốt của mình trong bài tự kiểm thảo: “Tôi tham gia Nhân Văn với ý thức là người lãnh đạo lý luận của tờ báo vì tôi cho tôi vững vàng hơn Nguyễn Hữu Đang. Ban biên tập lúc đó gồm có 4 người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và tôi. Để tấn công quan điểm vô sản chuyên chính của Đảng, tôi vận động Thanh Châu viết bài Mậu Dịch, tôi góp ý, vẽ tranh một người đẽo chân cho vừa giày mậu dịch. […] Nhân Văn bị đóng cửa nhưng tư tưởng Nhân Văn, tư tưởng chống đối vẫn chưa hết. Sau một thời gian các báo ngớt đánh, tình hình trở lại bình thường, chúng tôi lại vẫn gặp nhau đả kích Đảng, cho là độc đoán”. (trích lời “tự thú” của Lê Đạt, Văn Ngệ số 12, tháng 5/1958).

– TK: Tóm lại cuộc đấu tranh như vậy kéo dài trong bao lâu?

– LÐ: Một tháng.

– TK: Và trong suốt một tháng ấy là cứ ngày nào, ngày nào cũng…

– LÐ: … lên phát hiện tội. Cứ phát hiện tội, tức là mình có gì thì mình báo cáo; còn người ta, người ta phát hiện tội của mình. Nó là một thứ đấu tranh đấy mà. Ðấu tranh rất gay gắt. Và lẽ dĩ nhiên, nói là cả lớp, nhưng người ta chỉ tập trung vào một vài người thôi, trong số đó có tôi cho nên vất vả lắm.

– TK: Cái cách “phát hiện” ấy như thế nào? Tất cả mọi người đều viết ra giấy hay là … có nói miệng nữa?

– LÐ: Không! Không! Tất cả mọi người đều đứng lên phát hiện chứ. Phát hiện thì có thư ký ghi hết và bản thân mình cũng phải ghi. Rồi sau căn cứ trên cái phát hiện của người ta, mình về tổ, mình phát hiện cái khuyết điểm của mình, cái tội của mình và sau đó mình phải làm bài kiểm điểm rất dài về toàn bộ thời gian mà mình tham gia Nhân Văn. Người ta phát hiện, thế còn mình không được nói nữa. Ðông Tây người ta phát hiện ầm ầm, ầm ầm, làm sao mà mình có quyền, nhất là không được cãi gì. Tôi nói một ví dụ, xin lỗi chị, ví dụ như là có một anh – bây giờ tôi không muốn nói tên  lên phát hiện tôi: “Lê Ðạt là một tên rất phản động, buổi sáng nào anh ta cũng đến cơ quan, rồi anh ta xé báo Nhân Dân anh ta đi vệ sinh”cười. Tôi không thể nói rằng: “Bấy giờ tôi không có giấy – thời ấy chưa có giấy toa-lét  thì tôi phải…”cười. Thế là mọi người “Ðả đảo! Ðả đảo!” Nó cũng kỳ. Mà chị còn lạ gì tôi nữa, tôi vốn là người, không phải là người can đảm gì nhưng trong tôi vốn là người hài hước – cười vì tôi hay cười, và vì cái cười của tôi cho nên người ta hay ghét lắm. Người ta vẫn cho tôi là người ngoan cố, cho nên người ta sai người đi đánh là vì thế – cười.

– TK: Thưa anh, trong không khí đấu tranh gay gắt như thế có ai bênh anh không?

– LÐ: Tôi vẫn quý trọng Nguyễn Huy Tưởng. Tôi nhắc lại, tháng ba (tức là sau Tết) năm 58 thì có lớp đấu tranh Thái Hà, thì mùng ba Tết năm ấy, tôi có hẹn lên ăn cơm ở nhà Tô Hoài, trên Bưởi. Lên thì lúc đó thì đã gay go lắm, tôi có gặp Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Bổng. Bổng lúc đó mặt đã lạnh lùng. Bổng tham gia ban lãnh đạo. Mà ăn uống với nhau thì lúc đó đã làng tàng lắm rồi, chị bảo không khí lúc đó thì còn ăn uống gì nữa, mặc dầu Tô Hoài cũng làm cho ra vẻ. Thì Tưởng có nói một câu mà tôi rất cảm động, trên đường về, Tưởng nói rằng: “Tôi thấy các ông lý luận buồn cười. Các ông lý luận thế nào chứ moa không thể tin thằng Lê Ðạt nó phản động được. Nó ở với moa bao nhiêu lâu, moa còn lạ gì nó nữa, bây giờ các ông có lý luận thế nào moa cũng không thể tin là thằng Lê Ðạt nó phản động được!” Tôi thấy riêng về Tưởng: một là, tư tưởng Tưởng rất tốt. Hai là, sau trận NVGP, Tưởng tỉnh ngộ ra nhiều lắm. “Một thằng như thế mà anh làm sao bảo nó phản động được!” Tưởng nói như thế ngay mặt Nguyễn Văn Bổng. Và Nguyễn Văn Bổng là người trong ban lãnh đạo lớp học tập ấy. Nhất là nói lúc bấy giờ rất nguy hiểm. Ðó là con người Nguyễn Huy Tưởng mà tôi rất quý.

– TK: Sau lớp đấu tranh Thái Hà, thì tâm trạng của anh như thế nào? Nếu phải làm lại thì anh có dám làm NVGP nữa không?

– LÐ: Xong, tức là người ta xác định được như thế là chúng tôi đều là những người có tội cả. Và như thế nghĩa là ở trên báo Nhân Dân, đăng tải trên một tirage rất rộng khắp nước, ở đâu người ta cũng nói đến Trần Dần – Lê Ðạt là hai tên thơ phản động nhất nước. Như thế tự nhiên nó gây một áp lực rất ghê đối với gia đình tôi, đối với bản thân tôi. Tôi phải nói, lúc ấy, ngay ông già tôi cũng khuyên: “Con không nên về nhà nữa”. Còn vợ tôi thì rất lo. Trong những buổi đấu tranh cuối cùng ấy, lúc nào thấy tôi không về, luôn luôn sợ là tôi bị bắt rồi. Chị không thể tưởng tượng được không khí căng thẳng như thế nào. Nhưng lúc đó, nói tôi sợ thì cũng không đúng, mà nói tôi không sợ thì cũng không đúng. Vì tôi nghĩ trong thâm tâm là mình cũng chẳng làm gì có tội cả. Vả lại lúc đó tôi cũng chưa nghĩ được, chưa nghiên cứu được tất cả những vụ xử án ghê gớm của Ðảng như sau này tôi nghiên cứu, cho nên lắm lúc tôi cứ tự hỏi rằng: “Nếu mà mình nghiên cứu trước, thì không biết mình có dám làm Nhân Văn không?” Chắc là tôi cũng vẫn sẽ làm, nhưng chắc là mình làm cẩn thận hơn. Chắc là có. Tại vì lúc ấy tôi nghĩ rằng mình chẳng làm gì bậy cả. Nếu không có gì bậy, mà một cái Đảng là Đảng tử tế, mà lại bắt những người không làm bậy, thì không bao giờ tôi nghĩ lại có chuyện xẩy ra như thế cả. Mãi sau này, có thời gian, tôi mới nghiên cứu tất cả những vụ án xử ở bên Liên Xô và cả mọi thứ, và khi tôi có kinh nghiệm, thì lúc đó đã xong rồi, tôi đã làm rồi. Nhưng mà tôi chắc là nếu lúc đầu tôi biết chuyện sẽ xẩy ra như thế, thì tôi cũng sợ nhiều hơn và chắc tôi sẽ làm một cách cẩn thận hơn.

Sau Thái Hà, Lê Đạt còn tiếp tục bị nhiều đòn đánh dồn dập nữa trên báo chí. Điển hình nhất là đòn của Xuân Diệu:

Xuân Diệu buộc tội: “Đã rõ rệt như ban ngày, tập Giai phẩm mùa xuân 1956 phất lá cờ đầu tiên chống Đảng, chống chế độ, và Lê Đạt là nhà lý luận trong đó. Lê Đạt mở đầu Giai phẩm với cái tuyên ngôn: “Trích thơ gửi người yêu” […] và bài thơ tuyên ngôn thứ hai “Mới” đăng trong Giai phẩm […] Lê Đạt là một người chủ chốt của báo Nhân Văn, tham mưu cho cả tờ báo, tự tay sửa chữa nhiều bài đả kích chế độ ta rất cay độc […]  Cùng với Nguyễn Hữu Đang làm bộ óc của báo Nhân Văn, đứng làm “nhà lý luận” của bọn chống Chế độ […] Sau khi báo Nhân Văn bị cấm, Lê Đạt liên lạc cấu kết với Thụy An, Lê Đạt đóng vai trò quan trọng trong việc lũng đoạn Hội Nhà Văn, Lê Đạt tích cực dùng ngòi bút viết lối văn hai mặt; Lê Đạt luôn luôn giữ một cương vị đứng chủ trường phái; mãi đến trong lớp học văn nghệ lần thứ hai (tháng 3 và 4/1958) vẫn còn tìm cách quay quắt. Cho nên, xét Lê Đạt, ta phải nhìn thấy cho hết, rằng Lê Đạt chống đối ta, phá hoại ta từ trong bản chất giai cấp thù địch” (trích bài “Những biến hoá của chủ nghĩa cá nhân tư sản trong thơ Lê Đạt”, (Văn Nghệ số 13 tháng 6/58, in lại trong tập Dao có mài mới sắc của Xuân Diệu, 1963, các trang 86, 87, 89 và 95).

Tập Bài thơ trên ghế đá, theo Xuân Diệu “dưới sự lũng đoạn của Hoàng Cầm” nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in tập thơ này năm 57, sau khi Nhân Văn bị đóng cửa.

Vẫn theo Xuân Diệu, thì tác phẩm này “là cả một hệ thống có ý thức phá hoại tinh thần từ đầu chí cuối”, “anh ta [Lê Đạt] vẫn cứ “đầu thai nhầm chế độ”, bài “Đu” là “một sự khiêu khích”. Bài “Gia đình”, với những câu như: “Nhiều dự định sa lầy trong đống tã”, “tình yêu bị những cái hàng ngày bóp cổ”, “Lê Đạt đưa những xót xa đau đớn ra và cho nó thắng trận”. Bài thơ trên ghế đá đầy một điệu hưởng lạc, chết lịm trong tình yêu”, và vẫn theo Xuân Diệu, trong bản đánh máy đưa cho nhà xuất bản còn có bài “Trong hầm bí mật”, nhưng không in, bài này rất tiêu biểu cho cái triết lý “máu, sướng và chết” của Lê Đạt”. Xuân Diệu viết tiếp: “Bài thơ trên ghế đá “còn có dã tâm đả kích Đảng. Cho Đảng là phao phí nhân tài (Con búp bê, Tình người), ví Đảng như một anh thợ cầu già chưa vợ, bác rất nhiều cầu, xây dựng kinh tế được nhiều đấy, nhưng chưa bắc qua được một lòng người”.

“Hàng triệu lòng người đã nhờ Đảng mà tái sinh, yêu Đảng sâu sắc, nhưng cố nhiên lòng của bọn Nhân văn- Giai Phẩm thì chỉ có bọn tư sản phản động mới bắc được cầu”.

(Xuân Diệu, Những biến hoá của chủ nghĩa cá nhân trong thơ Lê Đạt, Văn Nghệ số 13, tháng 6/58).

Nhờ bài đả kích của Xuân Hoàng, chúng ta biết thêm nội dung bài Đụng long mạch, in trên Tự do diễn đàn, tháng12/56, báo bị cấm:

“Trong bài thơ “Đụng long mạch” […] Lê Đạt dựng lên khung cảnh một địa phương đang bị hạn hán, có cán bộ về khuyên đào giếng nhưng vì sợ bị “đụng long mạch” nên các cụ nhất định không nghe. Sau có vợ chồng anh Ân đêm về bí mật bàn với nhau nên lén lút đem cuốc ra vườn đào giếng, đến sáng hôm sau bà con thức dậy thấy “mạch nước đùn lên nước phun loang loáng”, và từ đấy cả làng noi gương vợ chồng anh đào giếng chống hạn khắp nơi.

[…] Lê Đạt hết lời khen ngợi vợ chồng Ân – những “anh hùng” trong câu chuyện qua cái nhìn của Lê Đạt đã “dám cả gan đánh bốc với những già nua cũ kỹ của cuộc đời”. Lê Đạt đã kêu ầm lên một cách hậm hực rằng:

“Những con người ụ

Ềng ra cản đường”

Và Lê Đạt hô hào:

” Cần biết bao nhiêu

Những cái đầu táo bạo

Dám nghĩ, dám làm

Không nô lệ chung quanh”

[…] Còn đây là cái nhìn của Lê Đạt về Đảng. Đó là:

…”lưng con rồng,

Ai đào giếng đụng vào long mạch

Thì phải tội mù hai con mắt

Cả nhà hộc máu chết tươi”

Và nhay đi nhay lại cái ý đó một cách dọa dẫm:

“Long mạch này mà đứt

Cả nhà không thoát một người”

hoặc:

“Long mạch hôm nay rung chuyển

Phen này rồi chết cả nhà”

(Thực chất tư tưởng chống đảng trong thơ Lê Đạt, Xuân Hoàng, Văn nghệ số 11, tháng 4/1958, trang 71- 78)

Ở bài này Xuân Hoàng có sự nhầm lẫn. Bài Đụng long mạch in ở tập Cửa biển, xuất bản 10-1956. Còn tập san Tự do diễn đàn có bài Vài ý nghĩ sau khi đọc bài thơ Động Long Mạch của Hoàng Cầm. Tập san này dự định xuất bản tháng 12-1956 nhưng bị tịch thu ngay không ra được.

Hậu Nhân Văn

TK: Sau đó các anh bị kỷ luật như thế nào ạ?

– LÐ: Sau đó thì mọi người được về, và lẽ dĩ nhiên anh Tố Hữu trong bản tổng kết nói là: “Chúng ta đã thắng lợi. Hơn 100 anh em đi thì được 100 anh em về. Ðảng như thế vẫn bao dung cho tất cả”. Tiếp đó, theo quyết định của Hội Nhà Văn tôi bị khai trừ ba năm. Nặng nhất có tôi, anh Trần Dần, anh Ðặng Ðình Hưng, anh Tử Phác. Anh Cầm thì bị hai năm, anh Phùng Quán một năm. Lúc đó mình cũng rất ngây thơ, phải nói như thế. Mình tin là sau ba năm thì mình sẽ trở về với văn nghệ, và tôi tin là với khả năng của mình, mình có thể đuổi lại được thời kỳ đã mất, cũng chẳng đáng bao lâu. Tôi, với Trần Dần, Tử Phác về trại Chí Linh, nơi đồng bào khu V ra ngoài này tập kết, khai hoang ở Chí Linh. Anh tổ trưởng là bố của Ý Nhi: anh Hoàng Châu Ký. Ðầu tiền, họ không nhận, họ nói rằng: “Chúng tôi ra ngoài này là để đấu tranh cho thống nhất chứ có phải đi giữ tù đâu!” Thế là ở trên tổ chức lại phải cử người về nói rằng: “Không! Ðây cũng là những đồng chí mình, do lập trường không vững thành ra Ðảng vẫn muốn cải tạo, thấy đây tổ chức tốt thì về”. Và tôi về thì tôi bị -nói như thời ấy là tôi được- được lao động một cách vất vả ngay, tức là đi chăn bò, đi khai hoang, làm tất cả mọi thứ lao động mình chưa quen, chưa quen tí nào cả. Thời ấy tôi còn trẻ lắm, tôi mới 26, 27 tuổi thôi, thành ra tôi cũng không sợ gì những thứ lao động vất vả ấy cả. Tôi chăn bò rất khá. Hình như là nông trường thấy tôi có “năng khiếu” cho nên họ cứ để tôi chăn bò mãi. Tôi có thể chăn được 30 con bò cơ mà.

Nhưng lúc đó thì tất cả đất nước đối với tôi đã khác rồi. Tôi không còn là người công dân bình thường của đất nước Việt Nam nữa vì đi đâu người ta cũng nói đến Trần Dần – Lê Ðạt như hai kẻ phản động. Vợ tôi thì rất khổ. Theo lời vợ tôi kể lại, sáng nào dậy cũng chỉ muốn chui xuống đất thôi, vì bắt đầu dậy là bắt đầu học tập về Trần Dần – Lê Ðạt rồi. Vợ tôi làm việc ở cơ quan, mà ở tập thể lúc nào người ta cũng nói đến Trần Dần – Lê Ðạt, ý của cơ quan là muốn vợ tôi phải bỏ tôi. Tôi phải nói với chị thế này: Vợ tôi là diễn viên xuất sắc nhất của Ðoàn Kịch Nói Cách Mạng của Trung Ương. Vợ tôi là Nguyễn Thị Thúy, mà người ta vẫn gọi một cách văn chương là Thúy Thúy. Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng… tất cả những đạo diễn xuất sắc đều khen vợ tôi ghê lắm. Tưởng thì bốc lắm, Tưởng nói là: “Cô ấy đúng là một tài năng”. Cho nên vợ tôi rất khổ. Ngày nào cũng phải kiểm điểm và thỉnh thoảng họ đến lục ba-lô xem có giấy tờ gì của Lê Ðạt còn giấu ở đấy không. Vợ tôi lúc ấy còn trẻ lắm, mới 18, 19 tuổi ấy mà. Anh của cô ấy là một thiếu tá, mà lần nào đến thăm em cũng cho liên lạc đến chứ không dám bước chân vào nhà tôi! Tức là nó ở trong một sự cô đơn hoàn toàn, mà chắc là tôi thì còn chịu đựng được chứ vợ tôi -tôi chắc bây giờ hỏi nó về NVGP thì nó cũng chẳng biết là cái gì- cái tai vạ ụp xuống đầu nó nặng quá, lúc ấy mới chưa 20 tuổi và đang bắt đầu vào cái nghiệp sân khấu. Như thế riêng tôi, tôi đã làm hỏng sự nghiệp sân khấu của vợ tôi.

Kỷ luật ba năm kéo dài 40 năm

Lịch sử phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, trong nhiều tuần qua lần đầu tiên được mở ngỏ trên làn sóng RFI, qua lời nhà thơ Lê Ðạt: Hôm nay, nhà thơ nói đến giai đoạn kỷ luật, giai đoạn bi kịch của đời ông, nhưng đồng thời cũng là bi kịch chung của một lớp người đã hệ lụy với Nhân Văn.

– TK: Thưa anh, sau khi bị kỷ luật, anh đã đi lao động với một tâm trạng như thế nào?

– LÐ: Lúc đầu mới đi thì mình cũng lao động, cũng hăm hở. Mình hăm hở vì chắc là hai năm thì xong. Thế nhưng mà hai năm rồi cũng không thấy ai nói gì về vấn đề đó cả và lại tiếp tục hai năm nữa rồi dần dần nó phai nhạt đi không ai nhắc đến chuyện đó nữa. Thì thời gian disponibilité -thời gian mà phải đi, lúc nào người ta gọi đi lao động cũng được- thời gian đó kéo dài 10 năm. Lẽ dĩ nhiên là trong 10 năm ấy, không phải lúc nào cũng đi. Người ta gọi đi, rồi người ta lại cho mình về; về rồi, họ lại kéo mình đi, nghĩa là trong 10 năm là thời gian mình phải dành cho việc đi lao động cải tạo. Thế còn sau này hết 10 năm thì ở nhà. Nhưng mà ở nhà thì… Tôi không ngờ nó kéo dài đến thế: cả thời kỳ đi lao động lẫn thời kỳ “cấm” là gần 40 năm chị ạ. Mình thấy nó đằng đẵng mà mình coi như là số mệnh thôi.

Lúc bấy giờ tôi mới càng ngày càng thấy đó là một sự ghê gớm. Tôi có viết trong bài bút ký “Vào 21” ấy, là mình chẳng biết mình là ai nữa. Mỗi người phải có cái vị trí trong xã hội, hoặc anh là địch thì địch hẳn đi, hoặc anh là ta thì ta hẳn đi. Nhưng tôi là tí ta, tí địch, tí cán bộ, tí tù, nó chẳng ra cái gì rõ ràng cả, mà tôi thấy nó gây nhiều ám ảnh ghê lắm chị ạ. Tôi thí dụ cái này để chị thấy: Khi nhà tôi về “biểu diễn”, gọi là biểu diễn thì lúc ấy nó không cho biểu diễn nữa rồi, thế nhưng cũng phải đi, mang theo hai đứa con nhỏ, một đứa đã lớn, một đứa mới đẻ. Ði thì, tôi có về Hải Phòng tôi thăm, mang chứng minh thư về, nhất định nó không cho vào khách sạn, nó bảo là: “Ông phải có giấy đi công tác thì mới được vào khách sạn”. Mình là cái thằng “phản động” thì còn “công tác” gì nữa? Mà, như thế là hai người phải ngồi ghế đá ở công viên giữa đêm khuya, lúc ấy tôi có làm một câu thơ:

Hai vợ chồng ghế đá trăng suông

cảng cấm còi tàu u ú

gió oà

đất nước mẹ mình hay mẹ ghẻ?

Tôi không hiểu cái đất nước ấy, nó đối với tôi như thế nào? Mẹ ghẻ hay mẹ đẻ? Mẹ đẻ thì không đối với con cái như thế! Sau đó tôi lại đi về. Thì thấy rằng nó dằng dai mà nó hành hạ mình suốt cuộc đời như thế nào. Hoặc ví dụ, trong tôi, có lúc cũng thành cái người như lên bệnh thần kinh ấy. Bởi vì, đi đâu, vào cái cơ quan nào nó cũng hỏi giấy. Thì công việc đầu tiên của cái anh Nhân Văn là phải chuẩn bị giấy tờ cho cẩn thận. Một hôm có ông dâu gia mời tôi đi ăn cưới. Đi tới nửa đường, tôi thấy mình quên không mang giấy cưới, lại quay về nhà lấy cái giấy cưới để nhỡ người ta có hỏi giấy tờ thì mình đưa cho nó… cho nó… đúng -cười- “thủ tục”. Như thế cái đó nó ảnh hưởng đến con người rất ghê gớm, và làm cho mình hèn hạ đi rất nhiều. Tôi không biết rằng những người cầm quyền ở đất nước Việt Nam có nghĩ đến việc ấy không? Có lẽ họ chỉ nghĩ mình không tù đầy, mình để cho họ tự do như thế, thì chắc là mình không xử sự tệ hại quá đối với họ. Nhưng mà họ không biết như thế là một sự rất tệ hại, họ làm hỏng một con người. Lúc bấy giờ, nếu tôi không có sự cưỡng lại thì tôi là một người vứt đi, thành một cái giẻ rách. Tôi cho cái việc giẻ-rách-hóa-con-người đó chính quyền phải chịu trách nhiệm.

– TK: Trong thời gian anh đi lao động như vậy, ở nhà chị và các cháu sống như thế nào?

– LÐ: Lẽ dĩ nhiên là người ta phải sống thôi, nếu người ta không muốn chết. Trong những thời gian như thế, vợ tôi vẫn đi làm, vẫn có một số tiền để nuôi con, hai là nhà nước vẫn trợ cấp cho tôi một số tiền tối thiểu để tôi có thể sống được, tức là sống một cách rất vất vả. Nhà tôi vẫn là công nhân viên nhà nước thì nó không có thể đuổi ra được. Nhưng mà nó không giao cho việc gì, tức là nó bắt chạy đạo cụ này, rồi lo những phục trang… mà những việc ấy, thời xưa vợ tôi không bao giờ phải làm cả. Thế còn vai nó không giao cho nữa, còn luôn luôn bị kiểm thảo lên, kiểm thảo xuống. Mà vợ tôi không quen, bây giờ vợ tôi bị suy nhược thần kinh rất nặng.

Chắc lúc nào có thì giờ tôi sẽ gửi chị một bài thơ mà tôi chưa muốn chị xem bây giờ, bài “Vợ Nhân Văn“, để chị biết cảnh sống lúc đó như thế nào. Lẽ dĩ nhiên là lúc ấy ở miền Bắc ai sống cũng khổ cả chứ không phải riêng tôi, nhưng mà, phải nói thế này, nó khổ quá, đến nỗi một hôm, có nhà thơ là một anh bộ đội, thấy tôi khổ quá, anh ấy mới bảo: “Tiền thì em không thể góp cho anh được, vậy em chạy cho anh một cái thẻ thương binh”. Có thẻ thương binh thời đó thì mua gì cũng được ưu tiên. Mà tôi mua cái thẻ thương binh ấy cũng chẳng để mua cái gì cả, tức là, lúc bấy giờ ở gần bờ sông, cách nhà tôi vào khoảng độ hai cây số, có một cơ sở công nhân, thường thường khi họ giết lợn… lòng họ ăn hết rồi, còn cái nước lòng họ bán ra; bán ra thì xếp hàng đông ghê lắm. Thế thì mình mua cái nước lòng ấy, mình về cho rau cỏ vào thì con cái nó ăn được. Sau cùng, tôi nghĩ rằng tôi cũng không dùng lậu cái thẻ thương binh ấy tại vì chính tôi cũng là một thương binh, tôi là thứ thương binh mà ta bắn thôi. Anh em cũng thương tôi, nhưng họ cũng nghèo lắm, chỉ có cách như thế này, tức là họ tìm những tài liệu cho mình dịch, dịch đủ các thứ tài liệu, tôi dịch cả về vật lý, về triết học, về cả tự động học nữa, vừa học, vừa dịch. Như thế là một năm dịch sáu tháng thì có thể sống được, tức là sống một cách vất vả.

– TK: Còn xã hội chung quanh, mọi người đối với anh như thế nào?

– LÐ: Xã hội thì nói chung là chẳng biết trong thâm tâm họ như thế nào. Tôi thấy anh Vũ Hoàng Chương, anh ấy nói là:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh

thì chắc là anh cũng chỉ nói văn chương thế thôi, chứ anh ấy chưa biết thực tế nó như thế nào là sự ruồng bỏ của xã hội. Mà trong một xã hội toàn trị, ai người ta cũng sợ liên quan với mình. Nói theo kiểu Việt Nam, người ta sợ lây hủi cả. Thế nên nhiều bạn bè tôi, tôi đi ở vỉa hè bên này, họ trông thấy từ xa, họ đổi sang vỉa hè bên kia. Bởi vậy tôi có nói rằng: Tôi cũng đổi vỉa hè và phấn đấu làm người mất tích.

Lúc đầu, thực ra tôi cũng chưa xác định được là mình đúng hay sai, tôi phải nói thật với chị như thế. Mình nghĩ không biết có phải do cái sai lầm của mình mà mình ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh thống nhất đất nước không? Mà những người miền Nam -tập kết ra Bắc- họ đối với mình, họ ghét như thế? Hai là, mình là một người yêu nước và là một người đi theo Cách Mạng thì mình làm thế là đúng hay sai? Những cái đó nó dằn vặt rất ghê. Mà bao quanh một áp lực rất ghê gớm: tức là không có nơi nào người ta nhận mình cả. Nghĩa là mình hình như là không có đất đứng ở chính cái xã hội đã đẻ ra mình. Bây giờ tôi nói với chị cái này nhé: Anh vào một cơ quan, vào cơ quan thì nhất định là có kẻ thường trực ở đấy. Thường trực hỏi chị: Anh vào có công tác gì? Lần trước tôi đã nói với chị đó:

Tôi mơ một giấc mơ đáng sợ,

Khu phố cả ngôi nhà tôi ở,

Mặt sắt chữ vàng nền đỏ

Không phận sự miễn vào.

Tôi cho cái đó là ghê gớm nhất mà tôi phải trải qua trong thời gian ấy. Nếu mình không cứng rắn thì tôi cũng trở thành người điên hoặc tự tử mà chết rồi. Chị có hỏi tôi nhiều lần là trong thời kỳ ấy, tôi có căm thù ai không? Thì sự căm thù trong tôi cũng không nhiều lắm nhưng sự-khinh-bỉ trong tôi rất nhiều. Mà tôi cho sự khinh bỉ ấy đã giúp tôi trải qua những năm tháng cay đắng nhất của đời tôi. Tại vì tôi thấy rằng mình chẳng làm gì sai cả mà sao xã hội đối với mình một cách tàn nhẫn thế! Như thế nhất định là hai bên phải có một bên sai, mà tôi cho rằng người đáng khinh bỉ không phải là tôi, thì tôi thấy mình phải làm gì chứ không thể không làm gì được, thế nên tôi cố sống như một người tử tế, học hành, tôi vẫn học hành một cách chăm chỉ, viết lách, làm tất cả mọi việc, mình không thể buông tuồng được. Mà tôi có một câu nói khá nổi tiếng, được nhiều người biết đến: Nếu xã hội không dùng mình thì, nhất là, mình phải dùng mình. Không việc gì mình phải lệ thuộc vào xã hội. Và tôi nhắc lại, tức là lúc đó cả nước đều khổ: Ví dụ một năm thì mới được một cái may-ô, và người ta đã có một câu rất mỉa mai: “Cho may-ô mới được phần may-ô”, ai cũng khổ cả, cho nên cái khổ vật chất ấy không đáng gì, mình vẫn xoay xở được, nhưng cái khổ về tinh thần thì cực kỳ. Cực kỳ.

– TK: Thưa anh, trong hoàn cảnh như vậy thì có thể nói là còn bạn nữa hay không?

– LÐ: À bạn, lúc đó mình phải xét lại nhiều thứ lắm chị ạ. Mình phải xét lại nhiều thứ lắm. Có những người bạn ngày trước, bây giờ người ta không gặp mình nữa. Như tôi đã nói với chị, ngay trong anh em, tình bạn cũng thay đổi rất nhiều rồi. Tại vì chị còn lạ gì nữa, trong một nhóm người làm việc chung với nhau, thì khi người ta áp dụng kỷ luật, người ta cũng phân hóa ra người kỷ luật nhiều, người kỷ luật ít, và tự nó, nó đẻ ra những cách xử đối khác nhau. Vì thế cho nên tôi không muốn đi vào chi tiết, nhưng tôi có thể nói với chị rằng ngay một người rất thân với tôi ngày xưa là anh Văn Cao, tôi cũng không biết rằng anh Văn Cao, trong thời gian sau này có còn là bạn của tôi nữa không. Ðấy là cái người gần tôi nhất.

– TK: Tại sao lại đến nỗi như thế? Anh có thể nói rõ hơn một chút không?

– LÐ: Anh Văn Cao thì anh ấy, một là, anh ấy không cùng lứa với chúng tôi, mặc dầu là bạn rất thân, nhưng anh ấy là lớp trước, và hai là, anh ấy lại là người có nhiều bài hát cách mạng và là tác giả Tiến Quân Ca, cho nên ý kiến của trên là vẫn giữ anh ấy lại. Cho nên anh Văn Cao vẫn ở trong Ðảng chứ có bị khai trừ đâu. Anh Văn Cao chưa bao giờ bị khai trừ cả. Thế, và cũng là đi lao động, anh Văn Cao đi lao động thì cũng đi với anh Tuân, anh Tưởng, đi với những người sang trọng cả, lên vùng Ðiện Biên Phủ; nhưng vì anh ấy bị chảy máu dạ dày, anh ấy về. Như thế là, ở trong người anh Văn Cao, anh ấy tự thấy mình được đối xử một cách đặc biệt và như thế trong anh em, nó có một sự phân hóa. Tôi không biết rằng anh Văn Cao có… nói không, hay là anh có khuyến khích cái việc nói không, nhưng mà trong một thời gian sau Nhân Văn, thì có những dư luận nói rằng ông Văn Cao không thân gì với ông Lê Ðạt, ông Trần Dần cả; hai ông Trần Dần và Lê Ðạt là bạ vào cái Tiến Quân Ca của ông ấy thôi. Thì cái đó làm tôi rất giận, tôi không muốn nói đến chuyện giữa cá nhân như thế nào, nhưng để chị thấy là không khí lúc bấy giờ nó không còn như ngày xưa nữa. Và có thể đó là một cuộc chia tay rất lâu dài. Thật buồn.

– TK: Thế còn anh Xuân Diệu? Vì lý do gì mà anh Xuân Diệu lại viết bài đánh anh một cách tàn tệ như thế?

– LÐ: À vâng, anh Xuân Diệu thì chuyện như thế này. Anh Xuân Diệu là người bao giờ cũng có ý làm trưởng môn một môn phái. Thế nhưng, anh ấy thấy rằng từ Cách Mạng trở ra thì vị trí anh ấy yếu lắm vì thơ anh ấy rất kém. Những bài Ngọn cờ tổ quốc với cái gì non sông ấy, thơ tồi quá. Mà trong những người chê anh ấy thì có tôi với Nguyễn Ðình Thi, cho nên anh ấy ghét tôi với Thi lắm. Anh ấy đã nói trong cái hội nghị ấy là: “Tôi cho việc không chơi với Lê Ðạt là một nguyên tắc”. Thế cho nên anh Diệu đối với tôi, anh ấy rất ghét. Nhưng mà anh ấy không thể ghét tôi được tại vì lúc ấy thì anh ấy là đảng viên mới, mà tôi lại là người chịu trách nhiệm theo dõi về văn hóa văn nghệ, cho nên đối với tôi, có ghét thì anh ấy cũng để trong bụng thôi. Tôi nói cho chị một chuyện này: Người ta bố trí cho anh Xuân Diệu ngay cạnh giường của tôi, nằm ngủ cùng với tôi để anh ấy “giúp đỡ xây dựng” tôi. Trong một buổi họp, anh Xuân Diệu đã nói như thế này cơ mà -để chị biết là nó tàn tệ như thế nào- anh ấy nói rằng: “Bây giờ tôi phải nói với các đồng chí rằng tội của tôi cũng không đáng bao nhiêu mà đêm nào tôi cũng trằn trọc không ngủ được. Nhưng tội Lê Ðạt nó tầy đình như thế mà tôi cứ thấy nó nằm xuống giường là nó ngủ ngay!”cười. Tôi thấy nhiều người phải quay mặt đi, chắc là hơi xấu hổ – cười. Ðấy, cái tình hình nó ghê gớm thế. Xuân Diệu, tại vì Xuân Diệu thấy ở tôi và Trần Dần là hai người cạnh tranh nhất trong vấn đề thơ, cho nên đặc biệt Xuân Diệu ghét Trần Dần và tôi, và đặc biệt ghét tôi nhất tại vì tính tôi là người hay nói mà tôi lại thân với Thi. Cho nên thái độ anh Xuân Diệu đối với tôi quá đáng, chắc cũng vì thế mà thôi.

Và tôi phải nói với chị thế này, tức là sau khi Nhân Văn bị đánh rồi thì tất cả những người làm thơ năm 1930 tức là anh Huy Cận, anh Xuân Diệu và anh Chế Lan Viên tập trung xung quanh anh Tố Hữu và lúc bấy giờ rõ ràng là nền thơ Việt Nam hẫng một nhịp cầu và nó lại trở lại cái vai trò chế ngự của thơ mới năm 1930 mà chính anh Tố Hữu chủ xướng.

– TK: Anh vừa mới bảo là anh và anh Nguyễn Đình Thi thân nhau vậy mà sao anh Thi cũng đánh anh tàn bạo không kém gì Tố Hữu?

– LÐ: Thi là một người thân với tôi từ trước. Trong kháng chiến thì Thi không phải là người được trọng vọng gì. Tất cả mọi việc trong thời kháng chiến là quyền trong tay Nguyễn Huy Tưởng, Thi chỉ đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, Thi có quyền gì đâu! Thi một lần đã nói với tôi rằng: “Có lẽ sau này nó phải tìm những bản thảo của mình ở trong sọt rác để nó in”. Anh Tố Hữu cứ đưa anh Thi đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, coi như là cải tạo đó. Thế thì sau cái tố khổ trong quân đội, Nguyễn Đình Thi có viết một quyển gọi là Mẹ con đồng chí Chanh, một tập thơ lục bát về nỗi khổ sở của người nông dân. Hồi đó, tôi còn ở Tuyên Huấn, nhà anh Tố Hữu ở trên đồi cao, nhà tôi ở dưới.

Tôi thấy Tố Hữu có vẻ vui vẻ lắm, tay cầm một quyển sách nhỏ mà có nhiều khuyên tròn lắm, gặp tôi anh ấy nói: “Này, Lê Ðạt này, thằng Thi giờ nó tiến bộ lắm.” Tôi trông cái quyển ấy tôi biết ngay rồi, tại vì chữ Thi nó nhỏ như chữ đàn bà ấy mà khuyên tròn nhiều lắm. “Nó viết Mẹ con đồng chí Chanh tiến bộ lắm, ông xem xem, có gì ông chữa rồi ông đưa in.” Tôi lật qua xem, tôi thấy lục bát rất kém – cười. Tôi vẫn biết là Thi làm sao làm được lục bát. Từ thơ không vần chuyển sang lục bát khó khăn lắm. Tôi rất buồn. Tôi có nói lại với anh Tố Hữu: “Không, anh đã xem rồi tôi cứ đem đi in thôi.” Thế là từ đó Thi mới được ông Tố Hữu chú ý tới và sau đó Tố Hữu mới kéo Thi về đi với Karmel để quay phim, quay phim Việt Nam thắng lợi, phim Liên Xô. Sau đó, Thi mới được đi cùng với Karmel sang Liên Xô. Khi Thi đang ở Liên Xô thì ở nhà xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Vì anh Hoài Thanh anh ấy đánh kém quá, lúc bấy giờ Tố Hữu mới gọi Nguyễn Ðình Thi về.

Thi lúc đầu còn tử tế, gọi tôi đến. Buổi tối hôm đó, tôi còn nhớ, gọi đến Quán Sứ thì Thi nói rằng: “Tao với mày từ xưa vẫn là anh em mà bây giờ tao có nhiệm vụ là phải viết về mày. Tao thấy rằng lời nói đọi máu, tao thấy nó khó khăn quá thì tao định hỏi mày xem vấn đề thế nào?” Tôi trả lời Thi: “Không, vấn đề bây giờ nó đã đến thế này rồi, cậu muốn viết thế nào thì cậu viết. Mình cũng không có ý kiến gì cả!” Thế là mấy hôm sau tôi thấy bài của Nguyễn Ðình Thi, tôi thấy nó cũng chẳng viết gì hơn những người khác, mà nó chửi mình quá chó! – cười. Tôi thất vọng về cái anh này lắm. Cho đến bây giờ, cũng như phần lớn tất cả những người văn nghệ có lương tâm ở Việt Nam, đều nói rằng: “Thi đã bước lên lưng Nhân Văn Giai Phẩm mà làm tổng thư ký lâu năm của Hội Nhà Văn Việt Nam”. tôi-cũng-nghĩ-như-thế. Nhưng tôi vẫn ao ước gặp được những sự kiện rõ ràng chứng tỏ rằng mình lầm lẫn.

– TK: Theo anh ước lượng thì nạn nhân của vụ NVGP vào khoảng độ bao nhiêu người?

– LÐ: Lần trước chị có hỏi tôi rằng Nhân Văn có nhiều người bị ra tòa không? Lúc ấy tôi trả lời không nhiều, như thế là đúng. Tại vì không có nhiều người bị đưa ra tòa, bị lên án. Tức là bị kết án chính thức thì không nhiều, chỉ khoảng độ một chục người. Nhưng ở đất nước Việt Nam, những người đau khổ vì Nhân Văn chắc rất nhiều, không thể đếm xuể được. Những người ủng hộ, những sinh viên… đều là những phần tử ưu tú của đất nước hay là những cán bộ người ta cũng khao khát một tí dân chủ. Tất cả những ai, chỉ cần có một tờ Nhân Văn, đọc một tờ Nhân Văn hay là gửi tiền đến Nhân Văn, thì sau đó, khi Nhân Văn bị đánh rồi, thì người đó coi như bị vào sổ đen hết. Có thể là anh phải chuyển công tác, có thể anh phải đi lao động, tôi đã gặp rất nhiều sinh viên, những cô sinh viên trẻ, phải đi lao động rất lâu năm vì đã đọc Nhân Văn, thì cái số người ấy tôi không đếm xuể được. Nếu mà chị có làm chương trình lại thì chị phải tìm cách bổ sung số người ấy. Những người mà tôi nói đến, chỉ là những người chính thức thôi, còn bao nhiêu người vô danh, cái đau khổ vô danh cũng là đau khổ chứ, có phải chỉ cái đau khổ của những người có tên tuổi mới là đau khổ đâu? Tôi thì dĩ nhiên rồi, tại vì tôi có tên tuổi, nhưng chắc là tôi cũng không thể đau khổ bằng họ được. Chính bây giờ tôi cũng vẫn tự hỏi: “Không biết là đối với họ mình có tội gì không?” Đành rằng trong một cuộc đấu tranh cho cái mới, thì chúng ta mỗi người phải chịu một ít. Nhưng họ, đúng là họ không có ý thức gì cả, họ chỉ ham muốn, ham muốn tự do, mà ham muốn thì không có gì sai lầm; đọc một tờ báo, gửi một cái viện trợ… mà sau này nó kéo, nó kéo có khi cả một đời… Cho nên đến bây giờ tôi vẫn không biết là công mình nhiều hay tội mình nhiều và lúc nào tôi cũng nghĩ đến họ. Nếu chị có nói, có viết thì chị phải nói, viết rất nhiều đến những người ấy mà tôi cho là đông lắm, không thể đếm xuể được. Ở Việt Nam không có gì rõ ràng cả. Cái chữ rất neutre mà lại rất gay go, người ta gọi là liên quan. Liên quan là dính líu đấy thôi. Nhưng mà anh đã liên quan là anh… gay go lắm. Liên quan với Nhân Văn, liên quan với địa chủ, liên quan với tư sản… thì tất cả những người này cũng là một thứ liên quan mới; liên quan với Nhân Văn là khổ lắm, nhất là lớp sinh viên trẻ, đi lao động, đi cải tạo… mà có phải chỉ Hà Nội đâu, ở những các nơi, các tỉnh đều có người ủng hộ cả. Thì những người đó mình không bao giờ biết thân phận họ ra sao.

TK: Thưa anh, có thể nói sự thay đổi thi pháp của anh là kết quả của một hành trình dài, bắt đầu từ việc đọc sách ở thư viện thập niên 70. Vậy trước tiên xin anh kể lại việc đọc sách này.

– LÐ: Ðọc ở thư viện khó lắm chị ạ, thư viện khoa học xã hội nhiều sách hay nhưng chỉ dành riêng cho những người làm việc nhà nước, cán bộ nghiên cứu thôi. Tôi lúc ấy đã về hẳn rồi, tuy vẫn còn kỷ luật nhưng không phải cái mười năm lưu lạc giang hồ nữa. Tôi phải nói khéo với cơ quan cho tôi xin một cái giấy vào thư viện tôi đọc, tại vì đã lâu lắm rồi tôi không được đọc sách. Lúc đó cũng may rằng anh em Việt kiều ở Paris vừa biếu Việt Nam một loạt sách về hoạt động văn hóa những năm 50 của Pháp, tức là những năm sôi nổi nhất trong sinh hoạt trí tuệ Pháp, nào là phái cấu trúc, nào là phái phê bình mới, Roland Barthes… thì tôi phải cố gắng xin cái giấy phép. Xin cũng khó lắm chị ạ. Ðọc sách ở nước Việt Nam khó lắm chứ có phải dễ đâu. Ðáng nhẽ mọi người vào, là cứ xin giấy rồi vào thôi. Còn giấy tôi xin thì cũng phải độ bẩy hôm người ta mới trả lời là ông đọc được. Tôi đã được đọc sách và tôi cho đó là những ngày hạnh phúc nhất đời tôi.

Tôi đọc mười giờ một ngày: buổi sáng tôi ăn sớm rồi tôi đọc đến trưa, trưa xong tôi lại tiếp tục đọc đến chiều, về nhà tôi phải ăn cơm nguội cơ mà. Cho nên lúc đó ở Hà Nội nó đã đồn là ông Lê Ðạt giàu lắm vì lúc đó không ai ra thư viện đọc sách để học cả, mà người ta chỉ ra thư viện đọc sách để dịch. Một người suốt ngày ở thư viện là phải dịch được nhiều tiền lắm!

Tôi đọc lại những sách thuở nhỏ tôi đã đọc và tôi đọc cả những sách đang sôi nổi lúc bấy giờ ví dụ như về structuralisme (cấu trúc luận), về linguistique (ngôn ngữ học), về nouvelle poésie française (thơ mới của Pháp) v.v… Tôi cho đó là những năm tốt đẹp nhất của đời tôi, lâu lắm tôi mới được đọc như thế. Sau đó thì thư viện họ quen tôi và họ đối với tôi rất tử tế. Lúc ấy anh Thảo cũng ra, anh Trần Dần thì đâu người ta thuê anh ấy dịch Althusser, anh ấy cũng ra thư viện đó để dịch, thế là ba anh em lại gặp nhau và lúc đó ở Hà Nội người ta đã sơ tán cả rồi. Một hôm tôi đến mượn sách thì chị thủ thư rất buồn, bảo: “Bây giờ ban giám đốc vừa ra một cái lệnh bác không được đọc sách nước ngoài nữa, chỉ đọc sách tiếng Việt thôi”. Sau tôi mới hỏi ra thì là thế này: Người phụ trách thư viện là một ông thiếu tá vừa chuyển ngành, ông ấy nghĩ bụng là bây giờ mọi người đều đi sơ tán thì còn ai học hành gì nữa, chỉ thấy mấy anh NVGP trong này, chắc chúng nó bàn chuyện bậy bạ gì cho nên việc thứ nhất là: thôi, không cho chúng nó đọc nữa. Nhưng Thảo thì có cái giấy ở trên, đang nghiên cứu về hiện tượng học đó, thì anh ấy vẫn được đọc. Còn tôi không có giấy đặc biệt gì cả thì họ không cho tôi đọc tiếng Pháp nữa. Tôi phải rời thư viện ấy, sau khi tôi đã đọc coi như gần hết thư viện đó rồi, thì để chị biết là ở Việt Nam đọc sách cũng khó khăn lắm.

Đời chữ của Lê Đạt chia làm hai thời kỳ, dưới hai ngòi bút:

Nhà thơ thời thế, theo truyền thống Đỗ Phủ, ghi lại bộ mặt của xã hội toàn trị trên đất nước ta. Nhà thơ cách tân, theo truyền thống Mallarmé, mở một kỷ nguyên mới cho đường chữ.

Lê Đạt, nhà thơ thời thế, xác định tính chất cơ bản của lịch sử:

Lịch sử muôn đời duyệt lại

Không ai lừa được cuộc đời.

Lê Đạt, nhà thơ cách tân, gửi lại hậu thế những lời trăn trối cho tương lai:

Vũ trụ ơi / tha cho tôi

Tất cả những gì / thơ tôi chưa làm được

Khi tắt thở / mắt tôi đừng ai vuốt

Còn gì buồn hơn / màn đóng lại mục đời

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Ỳ như một chiếc bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại.

(Mới, Giai Phẩm mùa xuân)

Thơ Lê Đạt có những lời tiên tri:

Lịch sử muôn đời duyệt lại

Không ai lừa được cuộc đời.

(Nhân câu chuyện mấy người tự tử)

Mới! Mới!

Luôn luôn mới

Bay cho cao

Bay cho xa

Trên những vết già nua cũ kỹ

Trên lề đường han rỉ

Vượt ngày hôm nay

Vượt ngày mai, ngày kia

Vượt mãi…

(Mới)

Lê Đạt thất bại trong đấu tranh chính trị, nhưng ông đã thành công trong việc đổi mới thi ca. Sau hơn 30 năm cấm in, Lê Đạt được “phục hồi” năm 1988. Tập Bóng chữ (nxb Hội Nhà văn, 1994), tác phẩm đầu tiên xác định ông như một nhà thơ lớn, cùng với Thanh Tâm Tuyền, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, đã xây dựng nên nền thơ Việt Nam hiện đại.

TK: Xin anh một lời kết cho toàn bộ câu chuyện dài về NVGP của chúng ta.

– LÐ: Tôi muốn nói mấy điểm thế này chị ạ, chị thấy thời gian sống của Nhân Văn không lâu, chỉ có mấy tháng giời thôi, mà cũng chỉ có mấy số báo thôi, nhưng làm sao nó để lại một ảnh hưởng sâu đậm như thế? Làm sao chỉ có mấy người  lúc bắt đầu Giai Phẩm Mùa Xuân chỉ có mấy người  mà mấy người cũng rất trẻ, sau đó phong trào Nhân Văn trở thành một phong trào rộng lớn, một bên là phong trào sinh viên rất đông, hai là một số giáo sư đại học, tất cả hợp thành giới trí thức nói chung. Mà chẳng có bộ máy gì cả, chẳng có quyền lợi gì cả, không hứa hẹn gì cả, chẳng có huân chương cho ai cả, chỉ có một đám người như thế đứng lên, thì cái đó là điều làm cho mình phải suy nghĩ. Như thế mới thấy là cái khao khát của những người trí thức muốn đóng góp cho đất nước rất sâu sắc. Lúc bấy giờ mọi người đều đóng góp, có được tiền nong gì đâu, mà đóng góp lúc ấy rất nguy hiểm. Thì tôi thấy những người lãnh đạo nước Việt Nam phải lưu ý: Tại làm sao, thời ấy, một nhóm người rất nhỏ có thể huy động được nhiều trí thức như thế? Làm sao một bộ máy lớn như bộ máy nhà nước mà không huy động được trí thức trong vấn đề xây dựng đất nước, bây giờ? Nếu những người lãnh đạo đất nước bỏ tất cả những bực dọc, bỏ tất cả những định kiến đi, mà suy nghĩ về vấn đề NVGP, tôi chắc họ cũng học được rất nhiều, nhất là bây giờ người ta đang nói nhiều đến chất xám. Chất xám trở thành cái vốn rất lớn, nhưng sự huy động chất xám chưa được bao nhiêu cả. Thế mà làm sao thời kỳ Nhân Văn chỉ có một nhóm người, lại huy động được cái chất xám lớn lao như thế? Mà chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành một lực lượng thực sự. Nếu những người có thẩm quyền của nước Việt Nam bây giờ thực sự suy nghĩ về NVGP, để làm sao có thể huy động được giới trí thức lớn lao như vậy thì đất nước sẽ khá hơn nhiều.

Tại sao bây giờ tất cả những người ở trong nước lại tránh nói đến vấn đề NVGP? Nó là vấn đề lịch sử đã qua rồi. Chúng ta có thể rút kinh nghiệm cho những ngày tới. Tôi thấy việc ấy nên làm lắm. Không ai có thể tịch thu được lịch sử cả, tại vì lịch sử sống dài hơn một con người, lịch sử sống dài hơn một chế độ. Thà mình biết trước, mình làm cho nó thỏa đáng, có lịch sự bao nhiêu không? Bây giờ cứ để cho đến lúc mà… Thường thường khi người ta rút kinh nghiệm lịch sử thì bao giờ cũng quá muộn.

Tháng 1- 2024

Comments are closed.