Linh mục Louis Đoan và Sấm Truyền Ca

 Đào Quang Toản

 

Chúng tôi viết bài này về linh mục Louis Đoan (1608-1678). Bài gồm ba phần: phần đầu là tiểu sử của nhân vật, phần hai là một vài nhận định về tác phẩm Sấm Truyền Ca mà linh mục Louis Đoan vẫn được coi là tác giả và phần ba là một sử liệu chưa được đề cập đến.

 

1. Tiểu sử

Louis Đoan là vị linh mục thứ tư của Giáo phận Đàng Trong[1]. Tên tuổi của ngài chỉ xuất hiện vào năm 1675 trong các thư từ hay tường thuật của các thừa sai người Pháp lúc đó.

Lần đầu tiên ngài được nhắc đến là trong Nhật Ký ngày 22/11/1675 của Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong, như sau:

“Một thầy giảng thông thái mà chúng tôi dự định cho chịu chức linh mục, đã hoàn tất việc viết một thánh lễ De Beata sang chữ Hán, để học cách phát âm tốt hơn.”[2]

Lúc này, Đức cha Lambert de la Motte đang ở Hội An, trong chuyến viếng thăm Đàng Trong lần thứ hai của ngài (từ ngày 06/09/1675 tới ngày 22/04/1676). Và “một thầy giảng thông thái” ở đây là thầy Louis Đoan. Nhưng tại sao lại có chuyện phải phiên âm bản văn thánh lễ tiếng Latinh bằng chữ Hán như vậy? Đây là lý do lịch sử:

Năm 1659, Tòa Thánh sai ba giám mục người Pháp sang Đông Nam Á với nhiệm vụ lập hàng giáo sĩ bản xứ. Từ đó, một vấn đề quan trọng đặt ra là việc cử hành thánh lễ và các bí tích bằng tiếng Latinh, mà người xứ Á Đông không quen và cũng không dễ học tiếng Latinh. Sau cùng, Tòa Thánh giải quyết vấn đề bằng cách ban đặc ân cho các giám mục được truyền chức linh mục cho người bản xứ chỉ cần họ đọc được tiếng Latinh mà không cần phải hiểu[3]. Các linh mục đầu tiên của Việt Nam đều được thụ phong theo đặc ân vừa nói, trong đó có linh mục Louis Đoan.

Thầy giảng Louis Đoan được cha Jean de Courtaulin chuẩn bị cho chịu chức linh mục, trong đó có việc tập luyện phát âm các lời kinh tiếng Latinh để có thể cử hành các bí tích và nhất là thánh lễ. Nhật Ký ngày 30/12/1675 của Đức cha Lambert de la Motte ghi rằng:

“Chúng tôi đã sai Thầy Louis Đoan, thầy giảng kỳ cựu và là một trong các người thông thái nhất của vương quốc [Đàng Trong] đến với cha De Courtaulin để cha này chỉ dạy chữ nghĩa của chúng tôi, với ông Đôminicô, thầy giảng xứ Bàu Nghệ, và chuẩn bị họ chịu chức thánh.”[4]

Sau khi chịu các chức nhỏ, chức phụ phó tế và chức phó tế, ngày 21/03/1676 tại Hội An[5], thầy Louis Đoan lãnh nhận chức linh mục từ tay Đức cha Lambert de la Motte. Nhật Ký của vị giám mục lưu lại rằng:

“Chúng tôi đã truyền chức linh mục cho ông Louis Đoan với nhiều gương sáng.”[6]

Lúc này, linh mục Louis Đoan đã 68 tuổi.

Phải 5 tháng rưỡi sau, cha Louis Đoan mới cử hành thánh lễ đầu tiên. Chuyện này do cha Courtaulin thuật lại như sau:

“Ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, cha Louis dâng thánh lễ đầu tiên tại Ca Chàm trong nhà người con trai út của cha [son cadet[7]], trang hoàng rực rỡ, với sự hiện diện của khoảng 500 giáo hữu là những người ưu tú tại toàn tỉnh này. Trước mặt những người đó, sau phần biếu quà cáp, chúng tôi mở lá thư Đức Giáo Hoàng Clêmentê X gửi tất cả các Kitô hữu vương quốc này và đọc thư bằng tiếng Đàng Trong”[8].

Với tư cách linh mục, cha Louis Đoan chỉ phục vụ Giáo phận được hơn hai năm thì từ trần vào tháng 6 năm 1678. Cha Courtaulin phúc trình ngắn gọn rằng “vào tháng 6, cha Louis người Đàng Trong đã từ trần vì một cơn đau bụng”[9].

Một thừa sai khác có mặt tại Đàng Trong vào lúc đó và rất có thể đã chứng kiến lễ chịu chức linh mục của cha Louis Đoan là cha Bénigne Vachet. Cha Vachet có nói đến cha Louis Đoan. Lần đầu trong một lá thư gửi về Chủng viện Paris, đề ngày 20/10/1677:

“Chuyến đi cuối cùng của Đức cha là trong tỉnh Quảng Nghĩa […]. Trở về từ sứ vụ đó, Đức cha Bêryte truyền chức linh mục cho thầy Louis Đoan, một trong các thầy giảng kỳ cựu nhất và là nho sĩ của vương quốc”.[10]

Lần thứ hai cha Vachet nhắc tới cha Louis Đoan trong chuyện Công đồng Hội An II như sau:

“Tôi đem theo tôi cha Louis, vị thông thái nhất trong các linh mục bản xứ của chúng tôi, và người ta có thể mạnh dạn thêm rằng là người thông thái nhất trong toàn xứ Đàng Trong, bởi vì ngài đã được xem như vậy trước khi chịu chức linh mục.”[11]

Ở đây thì rõ ràng là cha Vachet viết không cẩn thận, sai sự thực, như cha vẫn thường hay vấp phạm[12]. Tại vì Công đồng Hội An II do Đức cha Mahot và Đức cha Laneau chủ tọa diễn ra vào năm 1682, trong khi cha Louis Đoan đã từ trần từ năm 1678 rồi.

Tóm lại, chúng ta chỉ biết được rất ít về linh mục Louis Đoan. Bài viết này đóng góp một vài chi tiết mới về tiểu sử của ngài, tìm ra được trong tập Nhật Ký 1674-1678 của Đức cha Lambert de la Motte, lưu giữ tại thư khố của Hội Thừa Sai Paris: AMEP, volume 877, p. 531-616[13]. Tuy nhiên, vài chi tiết này buộc chúng ta phải đặt lại vấn đề ai là tác giả tập Sấm Truyền Ca.

2. Sấm Truyền Ca

Theo các nhà nghiên cứu văn học, linh mục Louis Đoan là tác giả tập Sấm Truyền Ca[14]. Có lẽ ý kiến của các học giả này đã căn cứ theo chứng từ của quý ông Phan Văn Cận (viết ra năm 1820), Trần Hớn Xuyên (năm 1910), Paulus Tạo (?) và Nguyễn Văn Nhạn (năm 1956)[15].

So với những hiểu biết hiện nay, đã có nhiều sai lầm về lịch sử trong các chứng từ vừa nêu trên. Ví dụ:

– Cha Louis Đoan chịu chức linh mục năm 1676 chứ không phải năm 1672.

– Cũng không chịu chức chung với cha Manuel Bổn. Vì cha Manuel Bổn chịu chức tại Xiêm La khoảng đầu năm 1673, rồi về Đàng Trong cùng với cha Vachet.[16]

– Ông Phan Văn Cận nói “bị nhiều thầy cả Tây hồi đó không ưng vì nó lai sách đạo Nho và đạo Phật…[17]. Hay ông Nguyễn Văn Trung: “Các linh mục Pháp thời đó không nhìn nhận là đúng với Kinh thánh của đạo, nên cấm bổn đạo đọc vì là sách dị đoan[18]. Hay ông Nguyễn Văn Nhạn: “Bổn “Sấm truyền ca” của ngài đã bị các linh mục ngoại quốc thời đó chống đối, viện lẽ đã pha trộn nhiều tư tưởng ngoại giáo[19]. Quý ông đã nói thế, nhưng quý ông lại không hề đưa ra một bằng chứng chính xác nào. Do vậy, lời quý ông có vẻ hơi hồ đồ, không nghiêm túc lắm.

– Điều ông Paulus Tạo nói “chỉ có linh mục Louis Ðoan được phong chức tại đất nước An Nam trước nhứt ở Cacham (Kẻ chàm) Quảng Ngãi, nhằm ngày lễ sinh nhựt Ðức Mẹ năm 1676[20] là sai lầm.

– Ông Nguyễn Văn Nhạn nói rằng: “Ngài là nhà thông Hán học, gia nhập đạo Công giáo lúc thiếu thời và tình nguyện làm thầy giảng buổi sơ khai Công giáo ở Ðàng Trong. Ngài viết nhiều tập thơ về giáo lý, giúp bổn đạo dễ bề học hỏi[21]. Chúng ta có thấy ngay rằng ông Nhạn nói theo trí tưởng tượng và tình cảm đạo đức cá nhân hơn là theo hiểu biết sự thật khách quan.

– Ông Paulus Tạo giả thuyết rằng: “Có thể Sấm truyền ca được viết trong thời gian người làm thầy giảng đến cuối năm 1670 mới hoàn thành[22]. Hay ông Nguyễn Văn Nhạn rằng: “Theo truyền khẩu, bổn “Sấm truyền ca” này do linh mục Louis Ðoan (thầy cả Lữ Y Ðoan) viết ra lối năm 1670[23]. Tất cả đây chỉ là một giả thuyết không có cơ sở đáng tin cậy nào.

Trước những sai lầm khá nặng và suy diễn mơ hồ như vậy, người ta sẽ phải nghi ngờ các chứng từ trên. Nhưng điều khiến chúng tôi nghi vấn nhất là điều sau:

Linh mục Louis Đoan không biết tiếng Latinh thì làm sao vào thời đó lại hiểu được Ngũ Thư trong Thánh Kinh Cựu Ước, tức các sách Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số và Đệ Nhị Luật?

Linh mục Louis Đoan không biết tiếng Latinh là điều Đức cha Lambert de la Motte đã cho biết trong những trang Nhật Ký của ngài được trích dẫn trên đây:

– Trước ngày chịu chức, thầy Louis Đoan đã phiên âm toàn bộ bản văn của thánh lễ gọi là De Beata sang tiếng Hán để phát âm đúng hơn.

– Khi chuẩn bị chịu chức linh mục, cha Courtaulin đã giúp thầy hiểu ít nữa là các dạng mẫu tự A, B, C của người Tây phương, cụ thể là chữ Latinh, mà lúc đó là ngôn ngữ bắt buộc của các nghi lễ trong Giáo hội Công giáo.

– Sau khi chịu chức, tân linh mục còn phải chuẩn bị thêm 5 tháng rưỡi nữa mới có thể cử hành thánh lễ “mở tay” của mình.

– Năm 1687, cha Courtaulin đến Rôma[24] và tường trình lên Thánh bộ Truyền bá Đức tin về bốn linh mục người Việt đầu tiên của Đàng Trong[25] rằng: “Vì muốn bắt chước chúng tôi [các thừa sai Pháp] mà đọc rành mạch các lời trong kinh nguyện Thánh Thể và các bản kinh khác, các cha [người Đàng Trong] đã bỏ ra gần hai giờ đồng hồ để dâng thánh lễ. Giáo dân, vì chán nản và bận rộn công việc thường nhật rất nặng nề của họ, đã bỏ đi trước khi lễ kết thúc. Rồi muốn làm vừa lòng giáo dân của mình, các cha quyết định đọc các kinh mau hơn. Và thế là cả tôi lẫn các cha người Âu khác không thể nào hiểu lấy được một lời. Chúng tôi còn sợ rằng các cha ấy đã bỏ đi quá phân nửa phần kinh nguyện Thánh Thể.”[26]

Linh mục Louis Đoan không biết tiếng Latinh. Và chúng ta nghĩ rằng ngài cũng không biết một thứ tiếng Tây phương nào khác, như tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay tiếng Pháp. Nói thế, vì vào thời điểm đó, ngoài bản dịch Latinh là bộ Vulgata, Thánh Kinh Cựu Ước cũng đã được dịch sang một số tiếng Tây phương, cụ thể là tiếng Pháp với bộ Thánh Kinh của Jean de Rély (năm 1487) đã được ấn hành nhiều lần[27].

Vậy, bằng cách nào linh mục Louis Đoan hiểu được bộ Ngũ Thư trong Thánh Kinh Cựu Ước để có thể soạn ra tập Sấm Truyền Ca?

3. Một sử liệu

Trong lịch sử Giáo phận Đàng Trong, có một sử liệu nhắc tới Sấm Truyền Ca mà hình như chưa có tác giả Việt Nam nào nói đến. Đó là một lá thư của Đức cha Alexandre de Alexandris, tu sĩ dòng Barnabite, người Ý, Đại diện Tông tòa Đàng Trong từ năm 1728 tới năm 1738[28].

Trước tiên, phải nói rằng trong suốt 10 năm điều hành Giáo phận Đàng Trong, Đức cha Alexandris luôn có thái độ nghi kỵ và ác cảm một cách khó hiểu đối với các thừa sai người Pháp. Trong tập Ký Sự riêng, thừa sai De La Court[29] thuật rằng:

“Đức cha cấm tất cả các sách do những thừa sai Pháp soạn ra như là bị nghi ngờ lạc giáo và ngài ra lệnh đốt đi hay mang đến cho ngài […]. Và mặc dù những sách đó đã được các giám mục tiền nhiệm của ngài chứng thực và chính ngài cũng không bao giờ đọc, ngài đã sai đốt đi nhiều”.[30]

Ngày 22/08/1731, trong một lá thư gửi thừa sai Gouge[31], Đức cha Alexandris ra lệnh mà không cần giải thích:

“Tôi biết cha và các giáo dân đang có tại nhà mình quyển sách Thánh Kinh được dịch sang tiếng Việt, tục gọi là Sấm Truyền, và nhiều tập sách cũng như các kinh cầu do Đức cha Carôlô [Labbé][32] soạn ra. Do vậy, cha hãy lo liệu, sớm nhất có thể, thu hồi lại tất cả các sách đó, sách Thánh Kinh và các kinh, và hãy gửi đến cho tôi, hay để tại nhà cha Valêriô [Rist][33] là quyền đại diện của tôi, tại vì tôi sẽ cấm những thứ đó trong những ngày sắp tới. Sẽ không được phép đọc các sách đó nữa và cha sẽ thông báo khắp nơi rằng chỉ được đọc các kinh cũ mà thôi.”[34].

Đó là lần đầu tiên tựa sách Sấm Truyền được nêu ra trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, 53 năm sau ngày linh mục Louis Đoan mất.

Và trước câu nói “… quyển sách Thánh Kinh được dịch sang tiếng Việt, tục gọi là Sấm Truyền, và nhiều tập sách cũng như các kinh cầu do Đức cha Carôlô soạn ra”[35], giới nghiên cứu văn học ắt phải đặt lại vấn đề.

Sách Sấm Truyền nói ở đây có phải do Đức cha Carôlô Labbé soạn ra không? Hay một ai khác? Hay đây là một công việc tập thể giữa các thừa sai Pháp và các linh mục Việt lúc đó? Bởi vì, đoạn thư nói trên không cho chúng ta biết do ai mà “quyển sách Thánh Kinh được dịch sang tiếng Việt, tục gọi là Sấm Truyền”.

Và Đức cha Carôlô Labbé là ai?

Năm 1682, thừa sai Labbé tới Đàng Trong và cũng trong năm đó, Đức tân Giám mục Mahot đặt ngài làm quyền đại diện, phụ trách miền Bắc Giáo phận, từ Nước Mặn ra tới ranh giới xứ Đàng Ngoài. Sau khi Đức cha Mahot từ trần (+1684), ngài tiếp tục giữ quyền đại diện trong suốt hơn bảy năm trống tòa (1684-1691). Năm 1697, ngài về Pháp và trở lại Đàng Trong năm 1709 với tư cách Giám mục phó. Thừa sai Heutte làm chứng về Đức cha Labbé rằng: “Không bao giờ ngài bỏ sót một lễ Chúa Nhật, hay ngay cả một lễ trọng mà không dạy giáo lý hay giảng lễ. […] Ngài không bao giờ ban Phép Rửa tội hay Phép Thêm sức mà không chuẩn bị các tân tòng. […] Vào mọi lúc, khi giải tội và khi trao đổi riêng với các giáo hữu, ngài không bao giờ bỏ qua cơ hội để thực thi điều thánh Tông đồ đã nói: hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại [2 Tm 4, 2].”[36] Ngài từ trần tại tỉnh Phú Yên, ngày 24/03/1723, được tiếng là một vị thánh.[37]

Vào thời kỳ này, bốn linh mục người Việt là các cha Mátthêu (+1717), cha Phanxicô (?), cha Maurô Lộc (+1729) và cha Laurent Lâu (+1732). Giữa các ngài, cha Laurent Lâu là người thông thái, được khen là một trong các giáo sĩ học viên xuất sắc nhất tại Chủng viện Xiêm La[38], làm người thông dịch tiếng Anh cho chúa Nguyễn Phúc Chu[39], thông thạo tiếng Latinh[40] và ngày nay được ca tụng là “một danh nhân văn hóa”[41]. Không rõ các linh mục Việt này, cách riêng cha Laurent Lâu, có hợp tác với Đức cha Labbé trong việc soạn ra “Sấm Truyền, và nhiều tập sách cũng như các kinh cầu” nói trên không? Chúng ta cũng có thể dám nghĩ rằng cha Laurent Lâu là tác giả tập Sấm Truyền được nhắc đến trong lá thư của Đức cha Alexandris. Xét cho kỹ, giả thuyết này không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, chúng ta còn cần đến những tư liệu dẫn chứng có giá trị khoa học về điều này mà hy vọng một ngày nào đó, giới nghiên cứu sẽ khám phá ra.

*

Việc nghiên cứu trong mọi lãnh vực, về khoa học cũng như về văn hóa, là việc phát triển không ngừng. Đặc biệt nhờ những tiến bộ của kỹ thuật, cách riêng về công nghệ thông tin, chúng ta có thể tiếp cận được những dữ kiện mà các thế hệ trước đây chưa có may mắn này. Chuyện linh mục Louis Đoan và tác phẩm Sấm Truyền Ca là một trong các đề tài cho giới nghiên cứu văn học, lịch sử, tôn giáo, v.v. Khám phá ra sự thật là niềm vui của người nghiên cứu và là một đóng góp giúp việc tìm hiểu được xúc tiến thêm một cách vững vàng, hữu ích cho cộng đồng khoa học và văn hóa.


[1] Tại đây, chúng tôi gọi là Louis Đoan. Theo một lá thư Hán Nôm năm 1676 mà cha Adrien Launay xuất bản trong Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, Paris, Téqui, 1923, trang 195-196, tên vị linh mục này là Lui Đoán (xem Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, nxb Tôn Giáo, 2008, trang 221). Ngoài ra, có các tác giả Việt Nam gọi là Lữ Y Đoan (xem Hướng Đến 400 Năm Văn Học Công Giáo Việt Nam, Tủ sách Nước Mặn, Qui Nhơn, 2022).

[2] “Un savant catéchiste qu’on destine au sacerdoce a achevé d’écrire une messe De Beata en caractères chinois, pour en apprendre mieux la prononciation.” (Journal du 22/11/1675, AMEP, vol. 877, p. 571). (AMEP = Archives des Missions Étrangères de Paris).

[3] Quen gọi là “Đặc ân Alexandre VII”: “licet idioma latinum non intelligant, nihilominus dummodo illud legere norint”, (Đoản sắc Super cathedram ngày 09/09/1659: A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, p. 10).

[4] “On a envoyé Mr Louis Doüan, ancien catéchiste et un des plus savants du royaume à Mr de Courtaulin pour l’instruire avec Om Dominique, catéchiste de Bo Nghee à nos lettres et les préparer à l’ordination.” (Journal du 30/12/1675, AMEP, vol. 877, p. 576).

[5] Cha Adrien Launay xuất bản trong Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, trang 197, rằng: “Au retour de cette mission [dans la province de Quang-nghia] Mgr de Bérithe ordonna prêtre Mr Louis Doan, l’un des plus anciens catéchistes et lettré du royaume.” Câu trên có nghĩa như sau: “Trở về từ sứ vụ đó [đã thực hiện trong tỉnh Quảng Nghĩa], Đức cha Bêryte truyền chức linh mục cho thầy Louis Đoan, một trong các thầy giảng kỳ cựu nhất và là nho sĩ của vương quốc”. Câu trên trích từ một lá thư của cha Vachet. Nhưng cha Vachet không nói rõ Đức cha Lambert từ Quảng Nghĩa trở về nơi nào. Và cha Vachet lại nói thiếu sót, vì sau khi từ Quảng Nghĩa trở lại Hội An (ngày 22/12/1675), Đức cha còn lên triều đình Huế một lần nữa (từ ngày 09/01 tới ngày 17/02/1676). Rời Huế, ngài về tới Hội An ngày 22/02.

[6] “On a ordonné prêtre Om Louis Doüan avec beaucoup d’édification.” (Journal du 21/03/1676, AMEP, vol. 877, p. 582).

[7] Chữ tiếng Pháp “cadet” vừa có nghĩa là con trai út, vừa có nghĩa là em trai út. Thực sự, chúng ta không có đủ sử liệu để biết cha Louis Đoan đã lập gia đình trước đó hay không. Câu tiếng Pháp của cha Courtaulin là “le Pere Louys celebra sa premiere messe a cachan dans la maison de son cadet”. Và mọi người Pháp đều hiểu chữ “son cadet” ở đây là “con trai út của ông ta”. Tuy nhiên, linh mục Nguyễn Hữu Trọng trong tác phẩm Les Origines du Clergé Vietnamien, xuất bản năm 1959 (Sài Gòn, Tinh Việt), đã tự ý thêm vào chữ “frère” (người em) mà không hề cho biết nguồn sử liệu hoặc lý lẽ nào (trang 220): “dans la maison de son frère cadet” (“trong nhà người em trai út của ngài”).

[8] AMEP, vol. 174, p. 176.

[9] AMEP, vol. 174, p. 305.

[10] AMEP, vol. 734, p. 258: “Le dernier voyage de Sa Grandeur fut en la province de Quannhiac, en partie pour y recevoir les vœux des filles de la Croix […]. Au retour de cette mission, Mgr de Bérithe ordonna prêtre Mr Louis Doan, l’un des plus anciens catéchistes et lettré du royaume.”

(Đoạn thư trên của cha Vachet được cha A. Launay cắt đôi và xuất bản tại hai nơi khác nhau trong Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, trang 198-199 và trang 197. Và khi xuất bản, cha A. Launay đã thêm vài chữ giải thích, đặt trong ngoặc đơn vuông: “Au retour de cette mission [dans la province de Quang-nghia] Mgr de Bérithe ordonna…”. Cách làm này của cha A. Launay có thể gây hiểu lầm rằng cha Louis Đoan được chịu chức linh mục tại Quảng Nghĩa).

[11] A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, trang 274.

[12] Cha A. Launay, sử gia nổi tiếng nhất của Hội Thừa Sai Paris, đã nhận xét rất đúng về cha Vachet rằng: “Cha Vachet đã soạn ra nhiều bài viết mà sự chính xác thì không phải là điều chủ yếu” (Mémorial, Paris, 1916, “Vachet, Bénigne”).

[13] Đức cha Lambert de la Motte nhắc tới Louis Đoan tất cả là 12 lần trong Nhật Ký của ngài: AMEP, vol. 877, p. 571, 573, 576 et 581.

[14] Xem Hướng Đến 400 Năm Văn Học Công Giáo Việt Nam, sđd, trang 291-390.

[15] Xem Nguyễn Văn Trung, “Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan” trong Hướng Đến 400 Năm Văn Học Công Giáo Việt Nam, sđd, trang 310-336).

[16] Xem A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, trang 121-123.

[17] Hướng Đến 400 Năm Văn Học Công Giáo Việt Nam, sđd, trang 311.

[18] Như trên, trang 312.

[19] Như trên, trang 314.

[20] Như trên, trang 312-213.

[21] Như trên, trang 314.

[22] Như trên, trang 313.

[23] Như trên, trang 314.

[24] Năm 1682, được sai sang Trung Hoa, cha Courtaulin rời Đàng Trong. Nhưng tại Macao, cha bị người Bồ Đào Nha bắt trả về Xiêm La. Sau vài năm ở Xiêm La, cha trở về Pháp, rồi năm 1685 thì xin ra khỏi Hội Thừa Sai Paris, làm cha chính xứ trong giáo phận Toulouse (Pháp). Năm 1687, cha tự ý sang Rôma (chứ không được các Đại diện Tông tòa phái đi).

[25] Bốn linh mục Đàng Trong mà cha Courtaulin biết là cha Giuse Trang (+1675), cha Luca Bền (+1684), cha Manuel Bổn (+1698) và cha Louis Đoan (+1678).

[26] François Bontinck, La lutte autour de la liturgie chinoise aux XVIIè et XVIIIè siècles, Louvain, Nauwelaerts, 1962, trang 242.

[27] Về việc in ấn tại Âu châu, chúng ta biết Johannes Gutenberg (1400-1468), người Đức, đã phát minh ra máy in vào năm 1450.

[28] Năm 1723, cha Alexandre de Alexandris tới Đàng Trong. Năm 1727, ngài trở thành giám mục phó của Đức cha Phanxicô Pérez, đại diện tông tòa Đàng Trong. Năm sau, Đức cha Pérez từ trần, ngài lên làm giám mục đại diện tông tòa Đàng Trong (xem A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, trang 595, chú thích 3).

[29] Cha Jean-Antoine de La Court đến Đàng Trong năm 1731. Năm 1735, cha phải về Rôma trình bày những khó khăn gặp phải với Đức cha Alexandris. Trở lại Đàng Trong, cha được chọn làm quyền đại diện. Năm 1746, cha từ trần tại Phủ Cam (Huế).

[30] A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome II, Paris, Téqui, 1924, trang 35.

[31] Charles Gouge tới Đàng Trong năm 1700, chịu chức linh mục từ tay Đức cha Pérez, qua đời tại tỉnh Khánh Hòa năm 1733, khoảng 80 tuổi.

[32] Đức cha Carôlô Labbé chịu chức giám mục tại Paris năm 1704, trở về tới Đàng Trong năm 1709, làm giám mục phó của Đức cha Pérez, phụ trách miền Nam giáo phận từ Qui Nhơn tới Đồng Nai. Qua đời tại Phú Yên năm 1723.

[33] Cha Valêriô Rist, tu sĩ dòng Phanxicô, người Đức, linh mục quyền đại diện, rồi giám mục phó của Đức cha Alexandris. Nhưng chưa đầy năm tháng sau khi chịu chức giám mục, Đức cha Rist qua đời tại Hội An, ngày 13/09/1737.

[34] Thư Đức cha Alexandris gửi cha Gouge (xem A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome II, sđd, 1924, trang 11).

[35] “Scio te, et Christianos habere apud se bibliam sacram lingua anamitica translatam, vulgo Sam Tluyen, et ubique dispersi sunt multi libri necnon oratione a D. Carolo compositae”.

[36] A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, trang 547.

[37] A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, trang 641-642.

[38] “un des plus capables de tous les ecclésiastiques qui eussent été élevés dans le séminaire de Siam” (A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, trang 355).

[39] Xem A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, trang 536.

[40] Xem A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, sđd, trang 355, 415-430 và 605.

[41] Xem Võ Đình Đệ, “Cha Laurent Emmanuel Huỳnh Văn Lâu, Linh mục Đàng Trong 1660-1732” trong https://gpquinhon.org/q/van-hoa/mot-danh-nhan-van-hoa-bi-lang-quen-4619.html; hay trong Nguyệt san Công giáo và Dân Tộc, số 320, tháng 11/2021, trang 97-111.

Comments are closed.