Lưu Quang Vũ – Chim sâm cầm không chết*

Phạm Phú Phong

Tên thật cũng là bút danh, sinh ngày 17.4.1948 tại Gia Điền, Thiệu Cơ, Hạ Hòa, Phú Thọ. Quê gốc ở Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Con trai của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh, nguyên là nữ sinh Trường Trung học Đồng Khánh, Huế. 1949-1953, sống cùng với gia đình tại chiến khu Việt Bắc. 1954, về Hà Nội, tiếp tục đi học. 1965, xung phong gia nhập quân đội, thuộc quân chủng Phòng không không quân. 1966, những bài thơ đầu tay in trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Văn nghệ quân đội… 1970, xuất ngũ, làm nhiều nghề kiếm sống, và vẽ tranh, viết báo, làm thơ… Từ tháng 8.1979 cho đến khi mất, làm phóng viên tạp chí Sân khấu. Mất ngày 29.8.1988, cùng với vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai út Lưu Quỳnh Thơ, trong một tai nạn giao thông.

Tác phẩm chính: Kịch, sân khấu: Đôi bạn quê hương (chèo, 1966), Sống mãi tuổi 17 (viết chung với Đào Duy Kỳ và Phạm Thị Thành, 1979), T.15 về đâu (1980), Nàng Si-ta, Mùa hạ cuối cùng, Cô gái đội mũ nồi xám, Người con gái trở về (còn có tên Trời xanh trên mái phố), Những ngày đang sống (1981), Thủ phạm là ai?, Cây ngọc lan của Huyền, Hoa xuyến chi (1982), Nữ ký giả, Dạ khúc tình yêu, Ngôi sao màu lá xanh (chèo, còn có tên Giòng máu trắng), Vách đá nóng bỏng (1983), Hẹn ngày trở lại, Nguồn sáng trong đời, Bên sông Thu Bồn, Tôi và chúng ta, Đường bay, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Người tốt nhà số 5, Ngọc Hân công chúa, Người bạn già (1984), Lời nói dối cuối cùng (còn có tên Cuội và Bờm), Đất sống của người, Vi khuẩn Han-xen (còn có tên Hạnh phúc của người bất hạnh), Đôi dòng sữa mẹ (còn có tên Hai giọt máu), Ông vua hóa hổ (1985), Khoảnh khắc và vô tận, Tin ở hoa hồng, Nếu anh không đốt lửa, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Muối mặn của đời em, Đam San, Chết cho điều chưa có (1986), Quyền được hạnh phúc, Đôi đũa Kim Giao (1987), Ông không phải bố tôi, Linh hồn của đá, Bệnh sĩ, Lời thề thứ chín, Trái tim trong trắng (còn có tên Vụ án hai ngàn ngày), Điều không thể mất (1988), Chim Sâm cầm không chết (đang viết dở); Kịch ngắn: Juy-li-ét không trẻ mãi (1983), Sống giả chết giả (1987), Con tò he, Tẩy, bút chì và thước kẻ, Ngọn gió vô hình, Đoàn thanh tra tới, Câu chuyện chiều cuối năm (1988), Tuyển tập kịch Lưu Quang Vũ (1994), Lưu Quang Vũ – tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh (2003), Hồn Trương Ba da hàng thịt (tuyển kịch, 2013); Thơ: Hương cây – Bếp lửa (in chung với Bằng Việt, 1968), Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993), Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (1994), Lưu Quang Vũ – thơ và đời (1997), Gửi tới các anh (1998), Lưu Quang Vũ – thơ với tuổi thơ (2002), Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (2010); Văn xuôi, chân dung nghệ sĩ và di cảo: Mùa hè đang đến (truyện ngắn,1983), Người kép đóng hổ (truyện ngắn, 1983), Một vùng mặt trận (truyện vừa, in chung với Thế Long, 1984), 15 truyện ngắn Lưu Quang Vũ (2000), Diễn viên và sân khấu (chân dung diễn viên, viết chung với Xuân Quỳnh và Vương Trí Nhàn, 1979), Di cảo (nhật ký, thơ, 2008), Di cảo (nhật ký, thơ, 2018).

Khác với nhiều tác giả, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình (1948-1988), Lưu Quang Vũ chỉ có hai mươi năm (1968-1988) sớm có vé trên chuyến tàu văn chương nghệ thuật, trong đó có mười năm thăm dò, trăn trở, thử giọng, tìm đường và mười năm thăng hoa, bùng nổ, nhưng đã để lại một sự nghiệp đồ sộ không thua kém bất kỳ tượng đài văn học nào, kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Là con người không chỉ tài hoa mà còn đa tài, ông thành công với nhiều loại thể như thơ, trường ca, truyện ngắn, truyện vừa,… nổi bật nhất là kịch bản sân khấu. Và ông đã khẳng định được mình là kịch tác gia lớn nhất trong lịch sử sân khấu Việt Nam. Ở cả ba thể văn thành công nhất của ông là thơ, truyện ngắn và kịch bản sân khấu, ông đều là người đi trước cuộc đổi mới văn chương, trong đó có cả những bài thơ ông viết trong những tháng năm lận đận của cuộc đời, cứ viết ra mà không in được, chỉ để nhằm thể hiện bản năng sáng tạo của một thi nhân. Sự đổi mới trong văn chương Lưu Quang Vũ thể hiện chủ yếu là ở đổi mới cách nhìn trong cảm quan hiện thực. Sự ra đi đột ngột như là một định mệnh khi ông còn đang viết dở kịch bản Chim Sâm cầm không chết, như là một tiên cảm thể hiện bản chất của phạm trù thẩm mỹ về cái bi: sự tổn thất mất mát không phải là mất hẳn, mà là nhằm để khẳng định những gì đã đề ra vẫn còn tồn tại. Ông ra đi nhưng sự nghiệp lớn lao của ông còn mãi. Có chút dở dang là nhằm chờ đợi người đến sau đi tiếp…

1. Lưu Quang Vũ – thơ văn

Sinh thời Lưu Quang Vũ chỉ mới in phần Hương cây (Hương cây – Bếp lửa, chung với Bằng Việt, Nxb Văn học, 1968), khi ông còn là lính binh chủng phòng không không quân. Và, ngay từ thi phẩm đầu tay của chàng trai vừa chớm bước vào ngưỡng cửa tuổi đôi mươi này, đã thu hút độc giả, nhất là giới trẻ, đã được sự quan tâm của hai nhà phê bình thơ danh tiếng nhất thời bấy giờ là Hoài Thanh và Lê Đình Kỵ. Trước đó vài năm, khi những bài thơ đầu tay xuất hiện trên các báo, (sau đó in trong Hương cây – Bếp lửa), Hoài Thanh đã đã có bài viết với sự dự cảm một cách xác tín, khi cho rằng đây là “một cây bút trẻ nhiều triển vọng”; còn Lê Đình Kỵ khi tập thơ ra mắt, nhà phê bình đã tìm thấy trong “thơ Lưu Quang Vũ có một điệu tâm hồn riêng”. Nhưng rồi bão tố cuộc đời thổi tung tất cả: xuất ngũ, lập gia đình, thất nghiệp, phải kiếm sống bằng nhiều công việc mà có khi không có tên gọi là nghề gì, rồi tan vỡ hạnh phúc… Có thể nói, tuy xuất ngũ nhưng cuộc chiến cuộc đời Lưu Quang Vũ chưa hề chấm dứt. Trước khúc quành lận đận của cuộc đời, ông vẫn có thơ, nhưng phần lớn là không in được, vào cái thời mà người ta không chấp nhận được nỗi buồn, bởi lẽ “thơ hay đời loạn chẳng đâu dùng” (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn). Rồi mười năm cuối đời là sự lao động cật lực, đưa đến sự bùng nổ về kịch bản sân khấu. Những thi phẩm đặc sắc khẳng định cho “một điệu tâm hồn riêng” của Lưu Quang Vũ như Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993), Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (2010)… đều được công bố sau khi ông đã qua đời.

Nơi xuất phát ban đầu bộc lộ dấu ấn tài hoa, cảm xúc nồng nàn về thiên nhiên cây cỏ, thấm đẫm mùi vị sinh thái như có cả “một vùng trời vĩnh viễn ướp hương hoa” (Lại nghĩ về Paustovski – Bằng Việt) của một chàng trai mới lớn, với tất cả sự trong sáng, trinh nguyên, Lưu Quang Vũ không chỉ mơ hồ cảm nhận, mà còn bằng độ tinh nhạy của trực giác trực cảm, có thể nhìn thấy sự vật, nghe được âm thanh, nếm được hương vị của đất trời, hoa trái ngọt ngào:

Thoảng mùi hoa thiên lý của nhà ai

Một tiếng chim khuya gọi mùa vải đỏ

Nghe đất thở luống cày hồn hậu lạ

Ta nuốn thành hạt cốm uống sương đêm

Đúng như tên gọi là Hương cây, không cần phải gọi tên các địa danh như sông Thương, sông Thao, Chu Hưng,… chỉ cần nghe được mùi vị ngào ngạt của các loại hương hoa, cây trái, sông nước, trăng sao cũng có thể nhận ra từng vùng quê trung du của đồng bằng Bắc bộ:

Đêm nay lại hành quân qua phố huyện

Một vầng trăng bạc, mấy chòm sao

Phố nhỏ nằm ven bờ cát sông Thao

Đêm nghe rì rầm nước chảy

(Phố huyện, 1966)

Bão tố cuộc đời ập đến, dồn dập và lao đao, cảm quan và lý tưởng thẩm mỹ thay đổi, Lưu Quang Vũ cảm thấy bế tắc, mặc cảm lạc loài, lạc điệu xâm chiếm tâm hồn. Dù không cô đơn nhưng luôn cô độc, không ai hiểu thấu cho mình: “Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn/ Như một tấm gương chẳng biết soi gì/ Một đáy giếng cạn khô một hốc mắt đen sì/ Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng/ Thành phố đầy bụi bặm/ Những mặt người lì nhẵn chen nhau/ Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu” (Có những lúc). Hơi thở ấm áp của cuộc đời, khoảng xanh biết của mây trời, sự lung linh reo vui của màu nắng,… bỗng trở nên lạnh lẽo, âm u, người buồn cảnh vật cũng phải buồn theo: “Thành phố thời anh 17 tuổi/ Viển vông, cay đắng, u buồn”. Đọc lại nhật ký in trong Di cảo, ta thấy chính cái năm 17 tuổi đó, Lưu Quang Vũ học xong chương trình phổ thông và viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội với bao nhiêu hoài bão: “Đời người ta tốt đẹp không phải là sống được nhiều năm mà là làm được nhiều việc” (tr. 50), và “Vấn đề là trong cái cuộc đời nhỏ bé của anh, anh đã để lại cái gì” (tr. 108). Một thanh niên yêu nước, mới 17 tuổi đã xung phong nhập ngũ, lại có cái nhìn về cuộc chiến với tất cả nỗi đau đớn, hoang mang: “Những chiếc xe tăng đi qua/ Những khẩu súng đi qua/ Những người lính đi qua/ Chẳng có gì cùng ta ở lại” (Mặt trời trong nước lạnh). Không nói hẳn ra, nhưng Nguyễn Đăng Điệp có lý khi nhận ra cảm thức cô đơn và phi lý khi so sánh cái nhìn về cuộc chiến của Lưu Quang Vũ và Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh: “Sự khác nhau giữa hai cây bút này là ở chỗ, điểm nhìn của Lưu Quang Vũ là điểm nhìn hiện tại, khi cuộc chiến tranh đang diễn ra, điểm nhìn của Bảo Ninh là khi cuộc chiến đã khép lại. Một bên là tiên cảm, băn khoăn, một bên là “nghiền ngẫm”, miêu tả, diễn giải chiều sâu. Cả hai cây bút này, tuy thời điểm khác nhau, nhưng cái nhìn của họ thực chất là suy tư về thân phận, một vấn đề cốt yếu của triết học nhân sinh hiện đại”. Với bản lĩnh của một thanh niên sống có lý tưởng, có tình yêu cuộc sống và quê hương đất nước, những nông nổi của tuổi trẻ trước những va chạm khắc nghiệt của đời sống là những bài học cuộc đời không dễ vượt qua, kéo dài nhiều năm, khi đau khổ đã đi đến tột cùng, cũng là lúc ông nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống, bằng sự giúp đỡ về tinh thần của người thân, của bạn bè, của tình yêu mới với nhà thơ Xuân Quỳnh – một tri âm tri kỷ không dễ mấy ai có được trong cuộc đời – và nhất là bằng chính ý chí, nghị lực và bản lĩnh của một thi nhân, một người thường trực có tấm lòng thiết tha đối với nhân dân và đất nước. Quá trình nhận thức lại là một nỗ lực vượt thoát, chuyển đổi cái nhìn của Lưu Quang Vũ thể hiện từ cảm hứng về đất nước, về nhân dân như Việt Nam ơi, Tiếng Việt, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Người cùng tôi,… trong đó có trường ca Đất nước đàn bầu được tạp chí Văn nghệ quân đội trao tặng thưởng năm 1984.

Văn hóa dân tộc Việt không phải là văn hóa tư tưởng, thể hiện qua những tuyên ngôn xa vời, mà là văn hóa ứng xử, văn hóa hành động thể hiện rõ nhất ở lòng yêu nước. Nói đến văn hóa Việt Nam trước tiên phải là văn hóa yêu nước. Trên bước đường trưởng thành của mỗi một con người nhằm khai mở nhân tâm trước tiên là tập nói, sau đó là tập viết. Không hiểu sao gần đây có những “học giả” lâu nay chẳng biết viết bằng thứ chữ gì, lại cùng nhau phản đối một trong những người góp phần làm ra chữ quốc ngữ! “Thử ngẫm lại, có dân tộc nào như dân tộc ta bị cả ngàn năm phong kiến phương Bắc thống trị, gần một thế kỷ bị phương Tây đô hộ, mà tiếng nói của dân tộc luôn được giữ gìn và phát triển”. Mẫu số chung của những người có tầm văn hóa đạt đến ngưỡng là những người yêu nước bắt đầu từ tiếng nói, chữ viết: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn…” (Phạm Quỳnh), “Nước ta mai sau hay hay dở cũng là nhờ ở chữ quốc ngữ” (Nguyễn Văn Vĩnh), “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…” (Phạm Duy)… đến Lưu Quang Vũ thì tiếng nói và chữ viết đã tích hợp, tiếp biến và hiệu ứng với nhau một cách toàn vẹn tự nhiên như những gì đẹp đẽ, gần gũi, thân thương nhất, làm lay động tâm hồn người đọc: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặng sao mờ/ Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”. Bài thơ được sáng tác theo thể thơ tám chữ, một chuỗi liền mạch cảm xúc tuôn trào đến mười lăm khổ thơ, mỗi khổ là một cung bậc tình cảm thể hiện những gì nồng nàn và tha thiết nhất của tác giả đối với “tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt”:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn tối sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cầu tre

(…)

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá, môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình

(Tiếng Việt)

Có khá nhiều thơ viết về đất nước, về Tổ quốc và phải thừa nhận đều là những bài hay. Với Nguyễn Đình Thi đầy chất sử thi, đó là “Đất nước của những người không bao giờ chịu khuất”, với Nguyễn Khoa Điềm thì gắn liền với những trầm tích văn hóa – dân gian “Đất nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn”, với Trần Vàng Sao thì dung dị, gần gũi, thân thương “tôi yêu đất nước này như thế/ như yêu cây cỏ trong vườn”, với Chế Lan Viên thì hồ hởi phấn khởi, như hát như ca “Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng!”… Lưu Quang Vũ cũng có một dáng hình riêng/ một cái nhìn đổi mới về một đất nước trong gian lao, khốn khó nhưng đó lại là phần gắn bó máu thịt, sống còn của thi nhân:

Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui

Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất

Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát

Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người

(…)

Tôi làm sao sống được nếu xa Người

Như giọt nước bấu vào ngọn cỏ

Như châu chấu ôm ghì bông lúa

Người đẩy tôi ra tôi lại bám lấy Người

Không vì thế mà Người khinh tôi chứ

Việt Nam ơi

Không vì tôi đau khổ rã rời

Mà Người ghét bỏ?

Xin Người đừng nhìn tôi như kẻ lạ

Xin Người đừng ghẻ lạnh Việt Nam ơi

Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người

(Việt Nam ơi)

Nhà thơ nói nhiều đến đất nước, tình yêu, gió, mây trắng… người đọc dễ hình dung rằng những suy tư nặng đầy nỗi lo, nỗi đau về đất nước ấy, không thể trì níu được vóc dáng con người cương nghị, lúc nào cũng ngước nhìn lên khoảng không bao la, nơi ấy có một cõi “Thơ tôi là mây trắng của đời tôi” như ông từng khẳng định. Cái nhìn mới của ông về đất nước là nhìn trực diện vào thực trạng, chấp nhận những khổ đau, nghèo đói, thậm chí có cả những dối lừa, tủi nhục, lầm than trong nô lệ, nhưng vẫn hiên ngang bất khuất, không hề bi lụy, bi quan: “Đất tả tơi trong định mệnh đói nghèo/ Trong độc ác, dối lừa, trong sĩ nhục/ Người nô lệ da vàng bất khuất/ Vươn giữa trời thơm ngát tấm lòng son/ Tóc phơ phơ bạc trắng sợi đau buồn…” (Đất nước đàn bầu). Những trầm tư dường như miên man và riết róng về đất nước như một chất keo kết dính tâm hồn thi nhân với thiên nhiên cây cỏ, sông rạch, ruộng vườn, tạo nên sức nặng cho từng con chữ, thấm đẫm nỗi suy tư, trong cả niềm mơ ước bình dị, cụ thể, gần gũi như chính cuộc đời thực: “Ước chi được hóa thành mây trắng/ Để ôm trọn vẹn nước non này/ Để sưởi ấm những đỉnh đèo buốt giá/ Để mát rượi những mái nhà nắng lửa/ Để luôn luôn được trở lại với đời” (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi). Đọc những câu thơ mà nghe như gió thổi, đính cài theo bao ước mơ, mong mỏi, trong lòng như đang cuồn cuộn một màu mây…

Chủ đề lớn thứ hai trong thơ Lưu Quang Vũ là thơ viết về tình yêu, là lời tuyên ngôn “Anh yêu em và anh tồn tại” nhưng nó chỉ trong trẻo, lãng mạn lúc ban đầu khi nhà thơ trẻ mới phát hiện ra Vườn trong phố: “Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh/ Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật/ Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất/ Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về”. Nơi ấy nhanh chóng bị thổi tung bởi cơn lốc cuộc đời, sau đó vẫn yêu để tồn tại nhưng đã nhuốm đầy tâm trạng thế sự, cho đến khi riết róng, rực lửa đầy từng trải khi tìm được “địa đàng” đích thực của đời người. Trôi nhanh qua cái “Mối tình đầu tóc dại tuổi mười lăm”, cả những đắm đuối, ngọt ngào cũng nhanh chóng nhạt phai, khi thực tế phủ phàng diễn ra trước cuộc chia tay:

Hai ta không đi một ngả đường dài

Không chung khổ đau, không cùng nhịp thở

Những gì em cần, anh chẳng có

Em không màng những ngọn gió anh trao

Chiếc cốc tan, không thể khác đâu em

Anh nào muốn nói những lời độc ác

Như dao cắt lòng anh như giấy nát

Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu

(Từ biệt)

Từ thái độ, tấm lòng… đến câu chữ đều đẹp mà buồn, và lóng lánh vài tia sáng nhỏ, mãnh, sang trọng một cách mơ hồ của sự kiêu kỳ, chịu đựng. Nhà thơ chấp nhận sự đỗ vỡ trong hôn nhân với cái nhìn bao dung, độ lượng đầy tình thương và thấm đẫm tính nhân văn, một thái độ nhận lãnh trách nhiệm về mình, không đỗ thừa mà nhận lỗi một cách chua xót ngay cả lúc Nói với con cuối năm: “Con ơi con hãy tha thứ cho cha/ Cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được/ Đời cha nắng gắt/ Mẹ con cần mật ngọt của đông vui/ Con khôn lớn trên đời/ Hãy yêu thương mẹ/ Và hãy hiểu cho cha”. Đó là lời giãi bày của một người đàn ông, một người cha đầy trách nhiệm vì đã không mang đến hạnh phúc trọn vẹn cho người phụ nữ mình từng yêu thương và đứa con bé bỏng.

Khi Lưu Quang Vũ tìm được người phụ nữ của đời mình, cũng từ đó con đường văn nghiệp của ông tìm được lối mở hanh thông. Trong giới văn chương nghệ thuật, có không ít những mối tình kỳ lạ, những tri kỷ tri âm có thể tạo điều kiện cho sự nghiệp sáng tạo thăng hoa, thì có lẽ mối tình Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh là mối tình đẹp nhất. Đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để nói về mối “lương duyên kỳ ngộ” giữa hai người. Tình cảm của họ vượt lên trên cả tình cảm vợ chồng trong gia đình, mà còn là hai người bạn đồng hành, cùng nương tựa vào nhau, bổ sung cho nhau để hướng tới một chân trời cao vọng của sự nghiệp sáng tạo. Chính Lưu Quang Vũ cũng đã từng tỏ lòng biết ơn một cách chân thành và cảm động khi khắc họa chân dung người mình yêu quý:

Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài

Chỉ một người ở lại với anh thôi

Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi

Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới

Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương

Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn

Anh lạc bước, em đưa anh trở lại

Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi

Em là sớm mai, là tuổi trẻ của anh

Khi những điều giả dối vây quanh

Bàn tay ấy chở che và gìn giữ

Biết ơn em, em từ miền gió cát

Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng

(Và anh tồn tại)

Thơ Lưu Quang Vũ không có câu chuyện mạch lạc, nhưng yếu tố tự sự xuất hiện hòa quyện với cảm xúc trữ tình, tạo cho mạch thơ phát triển nhanh và nồng nàn thi cảm, nhất là ở những bài thơ trữ tình. Đó là lối tự sự một cách ẩn dụ của dòng cảm xúc với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, đan cài, liên kết với nhau thành một chỉnh thể, có sự bổ sung ý tứ cho nhau một cách tự nhiên thoải mái của câu thơ tự do. Ông không quá chú tâm đến vần điệu, số câu, số chữ, hoặc ve vuốt câu thơ một cách cầu kỳ mà chủ yếu là trau chuốt dòng cảm xúc, thể hiện những tình cảm chân thành khi tạo dựng thế giới hình tượng thơ trở thành những sinh thể nghệ thuật sống động. Có những đoạn, những câu thơ làm lung lạc tâm hồn người đọc, được viết ra một cách dễ dàng, như giọng nói đời thường, nhưng lại là giọng điệu tâm hồn mới lạ của thi nhân. Những bài thơ hay in đậm dấu ấn của cái nhìn mở đường cho tâm thức đổi mới văn học như Việt Nam ơi, Nói với mình và các bạn, Mặt trời trong nước lạnh, Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn

Có lẽ, do thơ và kịch quá nổi bật nên rất ít người quan tâm đến văn xuôi, nhất là truyện ngắn. Nếu có quan tâm, cũng chỉ chú ý đến nhật ký trong các Di cảo hoặc quan hệ “cầu nối” của truyện ngắn đối với thơ và kịch. Thật ra, nếu đọc kỹ truyện ngắn của Lưu Quang Vũ sẽ thấy liên quan rất nhiều đến kịch, nhất là ở ngôn ngữ và tính cách của nhân vật. Tinh cách nhân vật ở cả hai thể văn này của ông đều là những con người khác – từ quan niệm, lối sống, cách nghĩ, cách hành xử,… đến cả về ngôn từ. Những con người đầy cá tính được đặc tả đậm nét về cả ngoại hình, nội tâm và hành động như nhân vật tôi (Người chiếu đèn), Lán, Hân (Hoa xuyến chi), Oanh (Tiếng hát), Hiến (Mùa hè đang đến), Y (Anh Y), Bân (Con người nhũn nhặn),… chỉ nhìn qua, cũng có thể nhận ra họ đều là những tính cách của sân khấu kịch, có đầy đủ phẩm chất của những nhân vật kịch hoàn chỉnh, lúc nào cũng ươm đầy những mầm mống của mâu thuẫn, xung đột, đang đi lại, nói cười một cách sống động trên sân khấu cuộc đời và trong nghệ thuật. Những mẩu đối thoại giữa người bố nuôi của Mai với Hiến (Mùa hè đang đến), Hoài Vọng với bốn ông bạn già hưu trí (Bạn già), Hân và Kim Yến (Hoa xuyến chi),… là ngôn ngữ của thoại kịch, nó rất gần với giọng điệu của những Hoàng Việt, Thanh (Tôi và chúng ta), Trương Ba và con trai (Hồn Trương Ba, da hàng thịt) hoặc những Cúc, Hạnh, Hiến, Đôn, Xuyên, Tạ (Lời thề thứ chín) và nhiều nhân vật khác nữa. Hãy nghe đoạn đối thoại giữa người cha nuôi của Mai với Hiến, chồng Mai (Mùa hè đang đến), “một thiên tài không được công nhận”, một kiến trúc sư suốt đời ôm ấp những ảo tưởng sẽ sáng tạo những công trình hoành tráng cho tương lai, từ cách suy nghĩ, lập luận đến giọng điệu đều đầy tính kịch: “Cậu cho rằng những người sống năm mươi năm sau người ta ngô ngọng cả hay sao mà không lo được đời người ta, phải nhờ tới cậu? Không! Nếu chẳng có ích gì cho bây giờ thì cũng chẳng có ích cho mai sau, chẳng có ích cho bao giờ hết! Nếu cậu không nghĩ khác, sống khác đi, thì cậu chỉ là một con số không, một kẻ thất bại muôn thuở…” Hoặc đoạn ông Đinh Tường kể lại lời người vợ sắp cưới của Hoài Vọng (Bạn già) triết lý về tuổi tác của đời người: “Cô ấy bảo không được xúc phạm đến tuổi già, tuổi trẻ mà xấu xa, vô dụng thì cũng chẳng hơn gì thanh gỗ mục. Ai cũng từng qua tuổi trẻ, ai cũng phải tới tuổi già. Vấn đề không phải trẻ hay già mà là xấu hay tốt, thấp kém hay cao đẹp, có ích hay không có ích…” (tr. 29)… Rõ ràng đây là giọng điệu của kịch, cách diễn ngôn của sân khấu kịch nói. Những suy tư, lập luận và lý lẽ sắc sảo, mang màu sắc triết lý và đầy sức thuyết phục về những vấn đề nóng hổi của đời sống xã hội của hệ thống nhân vật trong những truyện ngắn này, kéo văn chương của Lưu Quang Vũ đến gần với Nguyễn Khải ở những tác phẩm mà nhà văn tài danh này viết vào thời sau chiến tranh.

Vì vậy, điều cần khẳng định là, đặc sắc nhất trong truyện ngắn của Lưu Quang Vũ chính là hệ thống nhân vật. Ông quan tâm đến nhân vật hơn là cốt truyện. Hầu như truyện của ông không có gì để kể. Chỉ thông qua một vài sự kiện, kết hợp với một vài tình tiết đáng lưu ý, tác giả chăm chú miêu tả những tính cách, những con người có cá tính độc đáo, như đã từng gặp đâu đó trong đời, mỗi người mỗi khác. Dường như tác giả nghĩ/ hình dung ra nhân vật trước khi tìm ra cốt truyện. Chỉ nhìn vào phần lớn các tiêu đề truyện ngắn cũng có thể nhận ra, trước khi tạo ra những chỉnh thể nghệ thuật, nhân vật trung tâm đã trở thành một sinh thể nghệ thuật trong tâm thức tác giả: Anh Thình, Anh Y, Đứa con, Bạn già, Nhà thơ, Những người bạn, Người đưa thư, Người chiếu đèn, Người kép đóng hổ, Con người nhũn nhặn, Một đêm của giáo sư Tường… toàn là những con người. Đó là những con người có độ dư về phẩm chất làm người, được tác giả sử dụng phương thức tổng hợp tái tạo thành hệ thống hình tượng, vừa là nhân vật trung tâm, vừa là nhân vật chính của từng tác phẩm, được khắc họa sắc nét, như người ta vẫn gọi là các “tính cách điển hình”, có sức sống lâu bền trong tâm tưởng người đọc. Một Anh Thình “cứ ám ảnh trong tôi mãi, hình ảnh một con người khao khát vươn tới một cái gì cao hơn, đẹp hơn chính bản thân mình nhưng không được hoàn cảnh và sức lực cho phép” (tr. 43); hay một Anh Y suốt một đời từng trải, tưởng như cái gì cũng biết nhưng hóa ra chẳng biết gì, “anh lọc lõi, khôn ngoan là thế, vậy mà sự khôn ngoan ấy vẫn chẳng giúp gì được anh. Sắp cuối cuộc đời rồi, anh vẫn không làm được gì, chẳng có một thành quả nào, gần như không có nghề ngỗng gì, trước sau anh vẫn chỉ là người vô tích sự” (tr. 127)… Điều cần lưu ý là Lưu Quang Vũ là người luôn có cái nhìn yêu thương, ấm áp đối với con người. Truyện ngắn của ông không có người xấu, không có ai xấu xét về bản chất, chỉ có quan niệm, cách nhìn, suy nghĩ lệch lạc đưa đến hành động/ việc làm xấu, trong đó có cả những hiểu lầm, dẫn đến những hệ lụy gây tác hại xấu cho cuộc sống con người. Đôi khi nhân vật phát ngôn một cách trần trụi, tàn nhẫn, nhưng từ trong bản chất, mỗi con người đều ấm nóng chủ nghĩa nhân văn, nhìn ở phương diện quan niệm nghệ thuật về con người, truyện ngắn của ông rất gần với các tác giả như Thạch Lam, Võ Hồng, Phan Du…

Khi giải thích về hai thể văn thành công nổi bật của Lưu Quang Vũ, có ý kiến cho rằng: “Về bản chất, thơ và kịch tuy khác nhau về cách biểu đạt cuộc sống, nhưng sâu xa, nó có điểm gần. Thơ là loại hình nghiêng về ẩn dụ, là tiếng nói nội tâm. Kịch là ngón chơi trực diện thông qua xung đột. Nhưng điểm chung giữa chúng là độ nén và cao trào. Chính điểm gặp thể loại này đã giúp cho Lưu Quang Vũ thành danh trong cả hai thể loại tưởng như rất xa nhau về logic hình thức. Khác với hai thể loại trên, văn xuôi, theo lời Roman Jakobson, là nghệ thuật hoán dụ. Lưu Quang Vũ không mạnh về hoán dụ, ông mạnh hơn hẳn về ẩn dụ và cao trào”. Tất nhiên, điều này đã từng được Lưu Quang Vũ trình bày trên tạp chí Văn nghệ quân đội khoảng sáu tháng trước ngày ông mất: “Có lẽ thơ và kịch gần nhau hơn là thơ với văn xuôi. Đều là hai thể loại lớn và khó của văn học, thơ và kịch đều là sự sống và thế giới bên trong của con người ở dạng tinh chất, cô đọng và mãnh liệt nhất, đối với tôi, kịch cũng là một thứ thơ được trình bày trong không gian và thời gian kỳ diệu của sân khấu, thông qua diễn xuất của diễn viên. Kịch – đó là thơ của thời hiện đại, của đời sống công nghiệp của nền văn minh nghe nhìn của bầu không khí dân chủ của đô thị, đám đông và của tuổi trẻ”. Nếu đúng như vậy thì đây là giai đoạn vận động của thể loại theo một chu trình vòng tròn khép kín. Bởi lẽ, thơ và sân khấu có thể là hai loại hình ra đời sớm nhất, khởi nguyên có tính chất “nhất nguyên”. Từ thời cổ đại, người ta làm thơ ra là để ngâm/ đọc/ biểu diễn trước đám đông, trên sân khấu. Và, một trong những thể kịch ra đời sớm nhất và có sức sống tương đối lâu bền, có sức thu hút khán giả từ lâu là kịch thơ. Rất nhiều nhà thơ, nhất là phong trào thơ mới, đã định vị cho tên tuổi của mình trong lịch sử văn học, trong đó một phần nhờ có kịch thơ: Hàn Mặc Tử với Quần tiên hội; Yến Lan và Nguyễn Bính với Bóng giai nhân; Vũ Hoàng Chương với Trương Chi, Vân Muội, Hồng Diệp; Hoàng Cầm với Hận Nam quan, Tương lai, Kiều Loan; Trần Huyền Trân với Lên đường, Hoàng Văn Thụ; Trần Mai Ninh với Hai con sâu,… Ngay cả với nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận – vừa là người cha, vừa là truyền nhân quan trọng trong sự nghiệp của Lưu Quang Vũ, ngoài 5 tập thơ, 5 kịch bản chèo, 3 kịch bản kịch nói, còn thành danh với 8 vở kịch thơ: Yên Ly (1942), Lê Lai đổi áo (1943), Phương Tri thôn (1944), Người Hoa Lư (1945), Kiều Công Tiễn (1945), Nữ hoàng Ba Tư (1945), Quán Thăng Long (1946), Hạt muối trăm năm (1980). Và, nên nhớ là Lưu Quang Vũ đến với sân khấu đầu tiên là sân khấu chèo, với vở Đôi bạn quê hương (1966), sao lại không tiếp tục đi theo nghệ thuật chèo hoặc kịch thơ như các bậc tiền nhân và đấng sinh thành mà lại chuyển sang kịch nói, hay là thoại kịch, như cách gọi ban đầu? Phải chăng điều ấy có mạch nguồn từ truyện ngắn? Nhận định tác phẩm, mỗi ngưới có một chủ ý riêng và dù muốn hay không, cũng có ít nhiều chủ quan, nhưng không thể không công nhận rằng, nếu không có gần ba mươi truyện ngắn nối mạch, “lót đường”, chắc chắn không có những thành công vang dội về kịch bản sân khấu! Không lý gì, một người đã từng có ngót nghét hàng nghìn trang tiểu thuyết viết về chiến tranh, nhưng nổi bật hơn là những truyện ngắn đặc sắc viết vào thời hậu chiến là Nguyễn Minh Châu, khi đọc truyện ngắn Anh Thình vào thời người ta đang tán dương kịch bản của Vũ, đã phải trầm trồ tiên liệu một cách tiếc nuối rằng: “Nếu một lúc nào đó, anh bỏ kịch và thơ, đi hẳn vào văn xuôi, chắc là anh vẫn giữ được cái ngòi bút chừng mực dung dị, và những truyện ngắn của anh chắc chắn sẽ có sức nặng hơn nhiều, và giới văn xuôi lại như giới kịch bây giờ, cứ ngớ ra mà nhìn anh tung hoành…”

2. Lưu Quang Vũ – kịch

Là con nhà nòi, sinh ra và lớn lên dưới ánh đèn sân khấu, Lưu Quang Vũ là người am hiểu đến tường tận mọi thành tố của nghệ thuật sân khấu, từ đạo diễn, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng… trước khi trở thành một người sáng tạo kịch bản văn học tài năng. Như một bản năng tất yếu, sân khấu đã ngấm vào máu, luân lưu trong huyết quản từ khi ông còn nhỏ với những đêm theo cha xem dựng vở, biết hết những công việc bếp núc của loại hình nghệ thuật tổng hợp này. Trong một truyện ngắn xuất sắc của mình, ông đã kể lại công việc của một Người chiếu đèn, với ý thức rất rõ là ánh đèn là một thành tố hữu cơ, tất yếu cấu thành nghệ thuật sân khấu: “Ánh sáng của những pha đèn đủ loại làm thành một bộ phận không thiếu được của hình thể và linh hồn vở diễn. Cùng với trang trí, ánh sáng diễn tả không gian, thời gian của màn kịch: một sớm trong mát, một buổi trưa oi bức, một đêm trăng, một buổi chiều sắp tắt nắng… Ánh sáng tạo không khí, diễn tả nội dung, chủ đề màn kịch: tươi mát hay dữ dội, êm ả hay rực rỡ, buồn thảm hay tươi vui. Ánh sáng câm lặng, nhưng nó như biết cất lên tiếng nói. Nó sáng bừng lên với âm nhạc. Nó tạo chiều sâu, khoảng rộng cho sân khấu. Nó giúp vào diễn xuất của diễn viên, lướt theo những bước chân hồi hộp, đặc tả một vầng trán suy nghĩ, một khuôn mặt chờ đợi, làm thành một khoảng sáng cho một nhân vật độc thoại, phân biệt nhân vật nào đang sống, nhân vật nào hiện lên từ hồi ức… Mọi cử động diễn xuất, mọi đồ vật trên sân khấu đều chỉ nổi rõ lên được nhờ ánh sáng. Sân khấu là nghệ thuật ánh sáng…” (tr. 213). Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá cao nhiệt huyết, tài năng của Lưu Quang Vũ dành cho nghệ thuật sân khấu, với tính hiện đại, tính thời sự, tính phản biện và nồng nàn hơi thở dự báo những vấn đề xã hội nóng bỏng, coi ông như một trong những người tiên phong tích cực đóng góp vào lộ trình đổi mới nghệ thuật sân khấu. Kịch của ông đã, đang và sẽ tiếp tục song hành cùng đất nước, nhân dân, còn có sức sống lâu bền, lay động và thức tỉnh những phẩm chất tốt đẹp cho con người và xã hội.

Nếu lấy thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới văn học (1986), thì hầu như toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của Lưu Quang Vũ đều ra đời trước thời kỳ đổi mới, ngoại trừ 9 vở kịch dài và 7 vở kịch ngắn ông sáng tác vào thời gian gần hai năm cuối đời. Nhưng, như đã nói, thơ thì không được công bố, truyện ngắn thì quá khiêm tốn về số lượng, còn kịch thì được công diễn nhưng không còn là đối tượng khám phá của các nhà phê bình văn học. Có lẽ vì vậy mà lâu nay khi đánh giá về văn học đổi mới (chứ không phải sân khấu) người ta chỉ nhắc đến Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh, Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Thanh Thảo, Nguyễn Duy,… chứ hầu như không có ai nhắc đến Lưu Quang Vũ. Chính văn chương Lưu Quang Vũ, sau thơ và truyện ngắn, hàng loạt kịch bản văn học của ông đã mở đầu cho ý thức dân chủ, nhận diện và phát ngôn về sự thật trong tâm thức sáng tạo và nhận thức xã hội. Ít nhất, từ góc độ kịch bản văn học, cần phải khẳng định Lưu Quang Vũ là người đầu tiên mở đường và đạt nhiều thành tựu trong đổi mới. Khi nhìn nhận Truy vấn và đối thoại như là bản chất của nghệ thuật: trường hợp Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Tôi nghĩ, khi lần theo những dấu mốc thời gian và đọc những đối thoại này, chắc chắn các nhà viết lịch sử văn học Việt Nam đương đại sẽ phải đính chính lại nhiều chi tiết, trong đó có việc phải thừa nhận Lưu Quang Vũ thuộc số những người mở đường cho đổi mới văn học và xác lập văn học đổi mới về sau”.

Cần nhắc lại, trong Điếu văn (Ngô Thảo soạn) do NSND, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Dương Ngọc Đức đọc trong lễ tang ngày 31.8.1988 có nhấn mạnh rằng: “Tám năm qua (1980-1988) Lưu Quang Vũ đã làm nên một việc phi thường đối với người sáng tác, càng đặc biệt hơn trong giới viết kịch nước ta. Cùng với mấy tập truyện và tập thơ, anh đã viết được 50 vở kịch, trong đó có 39 vở được nhiều đoàn từ Bắc chí Nam cùng đưa lên khấu qua các kịch chủng khác nhau. Trên bản đồ địa lý đất nước, hiếm có một tỉnh nào có các đơn vị nghệ thuật mà chưa từng dàn dựng một vài vở của Lưu Quang Vũ. Thế mạnh của một người làm thơ, viết văn, làm báo nhanh nhạy đã được anh huy động khi sáng tác kịch bản. Biết bao đoàn đã được cứu sống nhờ dàn dựng những tiết mục ăn khách của Vũ. Có thể nói, Lưu Quang Vũ đã tạo dựng được cả một nền sân khấu mới mẻ, có sức hấp dẫn bằng hàng loạt vở đầy hơi thở hiện đại. Nhắc đến sự khởi sắc của sân khấu mấy năm qua, bộ môn nghệ thuật đi đầu trong khuynh hướng đấu tranh cho quá trình dân chủ hóa xã hội, chúng ta sẽ nhớ đến Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Nguồn sáng trong đời, Người tốt nhà số 5, Người trong cõi nhớ, Bên sông Thu Bồn, Đôi dòng sữa mẹ, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, và gần đây là Hồn Trương Ba da hàng thịt, Ông không phải bố tôi, Bệnh sĩ… Hiếm có một tác giả đương đại nào có ảnh hưởng sâu rộng đến sân khấu cả nước như Lưu Quang Vũ. Sự phong phú của đề tài, sự giàu có màu sắc của nhân vật và tư tưởng chủ đề, đã làm cho Lưu Quang Vũ thành một tác giả nhận được nhiều đơn đặt hàng nhất… Những người viết lịch sử sân khấu mai sau, khi nhắc đến hoạt động sân khấu thập kỷ 80 này, nhất định sẽ phải xếp Lưu Quang Vũ vào loại tác giả có vị trí quan trọng nhất, cả về số lượng và chất lượng. Chúng tôi hình dung Lưu Quang Vũ như một người lao động lực lưỡng gồng trên đôi vai rộng khỏe của mình chương trình, tiết mục hằng bốn năm mươi đoàn, nghĩa là xấp xỉ 1/3 số đơn vị sân khấu trong cả nước. Kịch, cái phần tinh anh nhất trong sáng tác của Lưu Quang Vũ chắc chắn còn có sức sống lâu bền”. Đặc biệt, kịch của Lưu Quang Vũ không chỉ có nhiều vở tham gia cùng một đợt hội diễn đạt được nhiều huy chương cao quý (1985, có 8 vở tham gia hội diễn thì có 6 vở được huy chương vàng, 2 vở được huy chương bạc) mà còn có nhiều đoàn, nhiều “kịch chủng khác nhau” như kịch nói, cải lương, chèo, dân ca dàn dựng trong cùng một đợt hội diễn (Đôi dòng sữa mẹ có đến 16 đoàn dựng trong năm 1985; Nàng Si-ta (viết chung với Lưu Quang Thuận) có đến 14 đoàn dựng trong năm 1981; Nguồn sáng trong đời có 7 đoàn dựng trong năm 1984; Lời nói dối cuối cùng có 7 đoàn dựng trong năm 1985…). Và, ông là tác giả duy nhất trong lịch sử sân khấu nước ta được tổ chức hội diễn dành riêng cho một tác giả: Liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 25 ngày mất năm 2013.

Có thể nhận ra kịch Lưu Quang Vũ về đề tài không có gì mới, nhưng nhận thức hoàn toàn mới, đưa đến cách nhìn nhận vấn đề, cảm thức sáng tạo được soi chiếu dưới góc nhìn đổi mới, trong đó nổi bật nhất là những tác phẩm viết lại chuyện cổ tích, lịch sử, hoặc chuyển thể từ các tác phẩm văn học… nhưng được tác giả tập trung vào chủ đề về những giá trị triết lý nhân sinh từ những câu chuyện lịch sử – dân gian, hoặc những vấn đề thời sự xã hội nóng hổi, đòi hỏi phải có sự đổi thay. Nhiều kịch bản mang giá trị nghệ thuật độc đáo và tính chính luận sâu sắc được sự quan tâm của các nhà chuyên môn, các đoàn nghệ thuật và công chúng như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nàng Si-ta, Nguồn sáng trong đời, Tôi và chúng ta, Ông không phải là bố tôi, Bệnh sĩ, Người tốt nhà số 5, Ông vua hóa hổ, Lời thề thứ chín, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Dạ khúc tình yêu, Điều không thể mất, Người trong cõi nhớ, Khoảnh khắc và vô tận, Nếu anh không đốt lửa

Cuộc sống của đất nước sau 1975 ngổn ngang trăm mối. Tưởng đã kết thúc cuộc chiến tranh khốc liệt rồi, ai ngở lại buộc phải bước vào hai cuộc chiến mới, liên tiếp và gối đầu nhau ở biên giới hai đầu đất nước. Là người từng tham chiến và rất nhạy cảm với những tồn tại của cuộc sống, Lưu Quang Vũ dường như nhìn ở đâu cũng thấy có vấn đề nảy sinh, và liên tục xảy ra, cần phải quan tâm. Người tốt nhà số 5 kể về cuộc sống bình thường ở một khu tập thể. Đó cho lối sống biệt lập tiêu biểu, các cư dân mặc nhiên chấp nhận kiểu quan hệ đèn nhà ai nhà ấy rạng như một quy ước tự nhiên. Bỗng xuất hiện một chàng trai mới đến ở, đưa một lối sống mới đến: thân thiện chào mời, giúp đỡ mọi người, lại còn xen vào can thiệp những bất công vô lý… Sống với người quá tốt thì thật là khó chịu. Cả khu tập thể, nhân danh nhiều thứ, bày mưu tính kế, đồng lòng tìm cách đuổi anh ta đi, để trả lại nếp sống “yên bình” cố hữu cho mọi người. Nhưng khi anh ta đi rồi, mới lộ ra cái khoảng trống mà anh ta để lại: quan hệ chân tình, hơi ấm tình người mà anh mang đi đã đánh thức những phẩm chất thiên lương trong mọi người, phát sáng ý thức mới mẻ về lối sống mà lâu nay mọi người để vụt trôi theo một quán tính tự nhiên. Chuyện quá giản đơn nhưng tính luận đề hết sức sâu sắc: đuổi được một người tốt ra khỏi một môi trường xấu, bởi vì anh ta không đủ xấu để sống hòa hợp với mình và mình cũng không đủ tốt để sống với anh ta, tưởng đâu là thắng lợi, ai ngờ lại thấy những gì anh ta có lại thiết thân với cuộc sống biết dường nào. Cao hơn ý nghĩa nhân văn về lẽ sống, ý nghĩa thời sự của nó còn nhắc nhở bao nhiêu con người sống có nhiều biểu hiện xấu lại cứ đổ lỗi cho môi trường/ hoàn cảnh. Những phát hiện mang tính luận đề về các quan niệm và ứng xử trong cuộc sống đời thường của Lưu Quang Vũ còn thể hiện trong nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau như Ông không phải là bố tôi, Bệnh sĩ, Mùa hạ cuối cùng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy

Câu chuyện dân gian hồn này xác kia cứ tưởng như chuyện khôi hài, nhưng Lưu Quang Vũ đã tìm thấy ở đó những triết lý nhân sinh sâu sắc qua sự chuyển hóa tinh tế các tính cách nhân vật để tạo nên Hồn Trương Ba da hàng thịt – một vở diễn không chỉ được đánh giá cao trong nước mà còn ở nước ngoài, khi biểu diễn ở Liên xô và Mỹ. Tính chính luận bắt đầu từ việc Thiên đình sửa sai sự tắc trách của nhân viên của mình, bắt nhầm linh hồn người chưa đến ngày phải chết, bằng cách cho hồn người chết oan nhập vào xác của người khác. Hai người lại sống ở hai hoàn cảnh/ môi trường khác nhau: hồn của người trí thức quanh năm thanh bạch với thư phòng, vườn tược nhập vào xác một anh hàng thịt kềnh càng, thô bạo, trẻ trung đầy sức sống. Bi kịch diễn ra dai dẳng là hồn muốn giữ mình không để xác làm hư hỏng, nhưng cũng có những lúc lao đao. Người vui nhất có lẽ là anh con trai của Trương Ba, thấy cha mình khỏe mạnh và thay đổi tính nết, phù hợp và có khả năng trở thành trợ thủ cho cuộc sống thương trường mà anh đang phất. Chị vợ anh hàng thịt cảm thấy hạnh phúc vì người chồng vũ phu của mình, giờ đã trở nên nho nhã, hiền lành. Buồn khổ nhất là người vợ luống tuổi của Trương Ba và đứa cháu nội thấy đó không phải ông mình mà là ông hàng thịt. Cuối cùng, chính Trương Ba đi đến quyết định thà rằng mình chịu chết: “Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ! Vì người thân của tôi sẽ còn khổ vì tôi! Còn lấy cái lý lẽ gì khuyên thằng con tôi đi vào con đường ngay thẳng được? Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai? Họa chăng chỉ có lão Lý trưởng và đám Trương tuần hỉ hả thu lợi lộc! Đúng, chỉ bọn khốn kiếp là lợi lộc”. Thói quan liêu, vô trách nhiệm của Bắc Đẩu, Nam Tào đã tước đi mạng sống của người dân vô tội, dẫn đến sự sửa sai chắp vá của Đế Thích gây ra biết bao hệ lụy, và mọi sự giả dối đều đem đến những hậu quả khó lường. Chính sự xuống cấp về đạo đức, giáo dục, văn hóa, những nền tảng cơ bản của xã hội đều bắt nguồn từ việc không chịu thuận theo quy luật của tự nhiên, chà đạp lên những giá trị đích thực. Mọi sửa sai, lấp liếm cho qua chuyện; mọi chắp vá, gán ghép vội vàng dễ tạo ra những sản phẩm dị hợm, sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải.

Cuộc đấu tranh thật – giả, tốt – xấu, thiện – ác… còn trở đi trở lại trong kịch của Lưu Quang Vũ ở nhiều vở khác nhưng mục tiêu là để làm nền cho một chủ đề mang tính chính luận và thời sự nóng hổi xuất hiện vào đêm trước của công cuộc đổi mới. Ngay từ năm 1985, Vũ đã đưa lên sân khấu của đoàn kịch Hà Nội, hai đoàn cải lương Thái Bình và Kiên Giang Tôi và chúng ta, vở kịch phơi bày cuộc đấu tranh giữa cũ và mới, giữa cung cách làm ăn quan liêu bao cấp đầy giả dối và cơ chế quản lý năng động, thúc đẩy năng lực sản xuất một cách thực sự, như chính lời nhân vật Bộ trưởng khái quát vào gần cuối vở kịch: “Bao cấp chính là sự không tin vào con người, những chủ thể sáng tạo. Và tác hại của hệ thống quan liêu bao cấp của cơ chế cũ không phải chỉ làm cho năng suất kém, đời sống thấp mà tác hại đáng sợ hơn là làm sa sút phẩm chất con người, làm hư hỏng con người, phá hoại những mối quan hệ giữa người với người, dung túng cho thói quan liêu ích kỷ, hèn nhát, ỷ lại, tối tăm, ngu muội, phải chống lại nguy cơ đó”. Nguồn sáng trong đời là tuyên ngôn về công cuộc đổi mới, buộc con người nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Cùng thời điểm, Nguyễn Minh Châu có truyện ngắn viết về cùng chủ đề này là Bức tranh, kể về người họa sĩ đi cắt tóc, nhìn gương mặt mình trong gương nhận ra sự thật, thì Lưu Quang Vũ có Nguồn sáng trong đời cũng nói về họa sĩ, nhưng lại là người họa sĩ thương binh bị mù, đang đấu tranh trong nội tâm giữa mù mà nổi tiếng hay là sáng mắt mà trở nên tầm thừng, bởi lẽ “nào ai biết họ ca ngợi nghị lực sống, nghị lực và lòng say mê sáng tạo của tác giả hay đánh giá tài năng được thể hiện trong những tác phẩm đó? Đối với con người, mù lòa mà được ngợi ca, được sống trong ảo tưởng rằng mình có tài năng, rằng mình có khả năng sáng tạo, có khi dễ sống hơn là khi mắt sáng mà nhận ra mình bất tài, để làm nghệ thuật thực sự thì mình còn thiếu nhiều, và mất đi cái vòng hào quang của lòng khâm phục những chiến công quá khứ mà lâu nay quen được vây bọc”. Ông vua hóa hổ nhắc nhở về triết lý về chữ nghiệp của nhà Phật: lấy oán báo oán sẽ không không tránh khỏi nghiệp báo về sau… Thậm chí không dừng ở mức triết lý suông, theo chuyên gia về sân khấu, nhà phê bình Ngô Thảo vấn đề này còn xuất phát từ thực tiễn cuộc đời mà tác giả từng trải nghiệm: “Sau mấy cuộc chiến tranh đất nước vừa trải qua, là người từng tham gia trực tiếp, nhiều năm chịu đựng những di họa của chiến tranh, tác giả thấm thía một thực tế: để có thể tham gia chiến đấu và giành chiến thắng, lòng thù hận phải được phát động và biến thành muôn vàn mưu kế để đánh bại kẻ thù, để tiêu diệt được nhiều nhất sinh lực địch. Lý lẽ của chiến tranh là phải tiêu diệt kẻ thù trước khi nó tiêu diệt mình. Nhưng một khi chiến tranh đã đi qua, dù thắng hay thua, để có thể chung tay xây dựng một đất nước, thì không thể chỉ riêng bên thua cuộc mà ngay cả bên thắng cuộc cũng phải tự thay đổi. Nhưng đây không phải là một quá trình dễ dàng, ngay cả khi có ý thức. Cái lốt hổ mà Từ Đạo Hạnh mang khi đã lên làm vua, nhắc nhở người chiến thắng khi cầm quyền, để cầm quyền, anh đã dùng rất nhiều thủ đoạn, phép thuật quái dị, nếu không biết tự gột rửa, hoàn lương, thì sớm muộn chân dung thật của anh cũng sẽ hiện ra”.

Lưu Quang Vũ là người biết soi tìm từ cái bình thường phát hiện ra cái bất thường luôn ủ chứa kịch tính, tức là mầm mống của mâu thuẫn, xung đột. Không chỉ xung đột giữa tính cách và hoàn cảnh, giữa hàn cảnh và hoàn cảnh, giữa tính cách và tính cách, mà còn xung đột giữa hai tính cách trong một con người – một kiểu biến hóa của nghệ thuật phân thân đặc sắc như Trương Ba (Hồn Trương Ba da hàng thịt), hoặc xung đột trong chính đời sống nội tâm của một con người như nhân vật họa sĩ (Nguồn sáng trong đời), thậm chí, có cả xung đột trong một tính cách chưa toàn vẹn, khi một con người tốt bỗng tha hóa một cách thảm hại, trở nên quan liêu xa rời đời sống của nhân dân như ông Hà (Lời thề thứ chín)… Ngay trong diễn ngôn của truyện ngắn hay phát ngôn của nhân vật trên sân khấu đã thể hiện lối suy nghĩ/ tư duy khác người, dễ dẫn đến những mâu thuẫn trong chính nội tâm của từng con người/ nhân vật. Tập trung chủ yếu vào mối quan hệ giữa các phạm trù tốt – xấu, tiến bộ – bảo thủ, nhân tính – phi nhân, xét về mặt đạo đức; đẹp – xấu, cao cả – thấp hèn, bi – hài, xét về mặt mỹ học, đưa đến những triết lý nhân sinh sâu sắc. Chính nhờ thế, không gian sân khấu của Lưu Quang Vũ không chỉ thể hiện giá trị nội dung mỹ cảm mà còn đặc sắc về cấu trúc nghệ thuật; không chỉ thể hiện những giá trị thẩm mỹ độc đáo, ý nghĩa nhân sinh cao cả, mà cao hơn là lẽ sống, là tình yêu đối với con người.

3. Lưu Quang Vũ – Di cảo

Theo Lưu Khánh Thơ, thì “Lưu Quang Vũ để lại một khối lượng di cảo khá lớn gồm: nhật ký, thư từ, sổ tay ghi chép, bản thảo đã hoàn thành hoặc còn dở dang…” , đã được gia đình cho công bố lần thứ nhất nhân kỷ niệm 20 năm mất (2008) và lần này, nhân kỷ 30 năm mất, gia đình tiếp tục cho công bố thêm một Di cảo (Nxb Trẻ, 2018) nữa với ước mong rằng: “Qua di cảo, tôi mong muốn bạn đọc sẽ có một cái nhìn đầy đủ hơn về con người anh, thấy vinh quang và cũng thấy cả những góc khuất, những cay đắng dằn vặt trong anh. Và qua đó cũng phần nào thấy được chân dung tinh thần của thế hệ anh – một thế hệ đã trải qua nhiều thử thách, nhiều va đập của chiến tranh và đời sống” (tr. 431). Sách dày 440 trang khổ lớn (15,5 x 23 cm), do Lưu Khánh Thơ tuyển chọn và có sự tham gia viết lời bình của Ngô Thị Kim Cúc. Ngoài Lời nói đầu của người làm sách và Thay lời bạt là cuộc trả lời phỏng vấn của Lưu Khánh Thơ với Ngô Thị Kim Cúc (có tiêu đề Đằng sau vinh quang là cay đắng), sách gồm có ba phần liên quan và hỗ trợ cho nhau một cách chặt chẽ nhằm khắc họa chân dung Lưu Quang Vũ khá rõ nét: nhật ký, thơ tuyển và các bài viết của bạn bè, các nhà nghiên cứu.

Phần 1: Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường (215 trang), trích nhật ký của chàng trai lớn trước tuổi trong vòng gần tròn ba năm (từ 21.2.1963 đến 8.10.1965), là từ năm lên học phổ thông cấp ba cho đến những tháng đầu trong quân đội. Có ngày chỉ viết một dòng, cũng có ngày viết đến vài ba trang sách, có thể biên tập, chỉnh sửa trở thành một tác phẩm tạp bút hoặc tản văn – những chỉnh thể nghệ thuật. Nhật ký là thể văn gần như sự thật “một trăm phần trăm” vì người viết chỉ hướng đến một độc giả duy nhất là chính mình. Người viết phải trung thực với chính mình. Chỉ có viết cho mình người viết mới có thể bộc lộ hết những tình cảm tự nhiên, cảm xúc thật từ lòng mình, với một cảm quan hiện thực xác thực, thông qua những sinh hoạt đời thường, trong các mối quan hệ gia đình và xã hội, cố nhiên không thể tránh khỏi những suy ngẫm về con người, cuộc đời, trong đó có cả cảm nghĩ về gia đình, người thân, bạn bè, trường lớp, quê hương, đất nước… những tình cảm ấy nồng nàn, cô đọng, trang nghiêm, già dặn vượt qua độ tuổi mới lớn, nhưng hết sức trong trẻo và nhiệt thành: “Bạn bè mình đã thôi học bay vào cuộc sống rồi. Chỉ có mình còn yên phận đi học thôi, chán quá! Trước mắt lại còn bao nhiêu công việc phải làm. Mình sẽ vào đời với công việc gì đây? Sẽ đem lại cho đời những gì? Liệu mình học nữa có lợi không? Hay là lao vào cuộc đời từ bây giờ? Hàng trăm câu hỏi làm mình rối như tơ vò. Mình thấy đi học nữa thật là phí quá. Phải làm việc từ bây giờ cơ! Đời người ta tốt đẹp không phải là vì sống nhiều năm mà là làm nhiều việc” (tr. 50). Xâu chuỗi các sự kiện về cuộc sống gia đình, nghe người cha là nhà thơ Lưu Quang Thuận kể về Hàn Mặc Tử, thăm lại làng quê nơi tản cư trong kháng chiến… bên cạnh những suy ngẫm trong lành, đẹp đẽ, sáng trong và thanh cao, vẫn có những bực nhọc, eo sèo cố hữu của đời sống như cuộc họp lớp “để giải quyết mâu thuẫn giữa đoàn viên và thanh niên. Chưa bao giờ mình dự một cuộc họp nào khốn nạn và trơ trẽn bằng. Cuộc đời hiện ra lúc nhúc, bẩn thỉu, đầy những chuyện nhỏ nhen ti tiện, đốn mạt, hèn kém, đểu giả” (tr.136). Có lẽ, chính vì thế mà sau này cả trong thơ, truyện ngắn và kịch của Lưu Quang Vũ đều có sự đa dạng về màu sắc thẩm mỹ, có cả khoảng sáng lẫn góc tối/ khuất, có cái đẹp và cái xấu, cái cao cả và thấp hèn, mà ngay từ khi 15 tuổi tác giả đã hoàn thành tập thơ 24 bài và bắt đầu viết các kịch ngắn rồi truyện ngắn cũng đều nằm trong sinh quyển ấy. Cũng như tâm trạng chung của thanh niên thời bấy giờ, thể hiện thấm đẫm trong các trang nhật ký là khát vọng cống hiến hết sức lực tuổi trẻ cho quê hương đất nước, nhật ký viết nhiều về hiện tình đất nước, về ước vọng thanh bình, lúc nào cũng có cái cảm giác “trong lòng rạo rực vô cùng. Đất nước ơi! Sao mà rung chuyển lòng ta: nước mắt và lửa cháy, lửa cháy, lửa cháy!” (tr. 31). Ngay cả đối với Đà Nẵng quê nội chưa một lần đến, cũng trở nên máu thịt hiện hữu trong Vũ qua người cha, qua tin báo trên đài, thành phố quê hương nhỏ nhoi như một tia nắng gầy trên trái đất kia cứ cựa quậy, rạo rực trong tâm hồn và nuôi lớn lên mỗi ngày: “Trưa, nghe đài báo tin về Đà Nẵng: nơi quê nội thân yêu ta chưa hề tới đang bị giày xéo vì giày đinh của quân thù, nơi ấy đang có những thằng giặc Mỹ! Ôi, Đà Nẵng. Tuy ta chưa về Đà Nẵng, nhưng gió biển, nắng biển, trời xanh Đà Nẵng đã ở trong tâm hồn ta, qua người bố Đà Nẵng của ta” (tr. 111-112).

Trong lời bình cho những trang nhật ký viết năm 1963, Ngô Thị Kim Cúc có lý khi cho rằng Lưu Quang Vũ là người “tiêu biểu cho một thế hệ đầy lý tưởng, trưởng thành rất sớm về nhận thức […]. Luôn tự chiêm nghiệm hồi tưởng về chính mình một cách nghiêm khắc theo cung cách một người già, nhưng là một người già mới 15 tuổi, bởi Lưu Quang Vũ chỉ tiên cảm chứ chưa có bao nhiêu từng trải. Náo nức trước cuộc đời. Đôi khi dằn vặt vì những nghĩ ngợi, những hành động có vẻ mâu thuẫn. Luôn rung động tinh tế trước cái đẹp, dù là cái đẹp từ đất trời, vạn vật hay vẻ nữ tính dịu dàng từ cô bạn gái” (tr. 14). Với những người cùng thế hệ sinh ra và lớn lên ở miền Nam, những Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý,… những người đã từng ít nhiều tiếp thu và chịu ảnh hưởng các trào lưu tư tưởng của phương Tây, trong đó thời thượng nhất là chủ nghĩa hiện sinh, với Lưu Quang Vũ, có lẽ thời điểm ấy, chưa có chứng cứ nào chứng minh một cách chắc chắn rằng, Vũ đã tiếp xúc với chủ nghĩa hiện sinh và không hoàn toàn giống, nhưng ở một phương diện nào đó, do tác tác động của một thực tế chiến tranh khốc liệt, những trằn trọc trong đêm mất ngủ của một chàng trai 17 tuổi, ít nhiều nhuốm màu hiện sinh, khi bỗng dưng nghĩ đến cái chết: “Tối, hỏng điện nên đi ngủ sớm. Nằm mà khó ngủ. Không hiểu sao lại nghĩ tới cái chết. Ừ, rất có thể sẽ có một điều vô lý gì đây tới cắt đứt cuộc đời ta. Cái chết – ta không sợ nó, nhưng nếu chết bây giờ thì uổng quá. Chưa làm được cái gì, ăn hại 17 năm, thế rồi chết ư! Thần chết ơi! Ta chẳng cần hưởng cuộc đời, rồi mỗi lần tăng thêm tuổi thọ lại ăn mừng như người xưa đâu. Độ 20 năm nữa, khi ta đã trả nợ xong, khi ta đã có thể coi là hoàn thành sự nghiệp đời ta, thì ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt. Đấy, chỉ tiêu của ta có ngắn ngủi không? 20 năm thôi mà/ Con người đã lo nghĩ nhiều về cái chết. Người ta muốn thọ lâu tăng thêm 5 năm, hay 10 năm tuổi thọ là mừng lắm. Nhưng mà dù có 100 năm tuổi đi chăng nữa thì 100 năm ấy so với thời gian vô tận của những thế kỷ đã qua và sẽ tới thì cũng không thấm vào đâu. Vậy cho nên, cuộc sống ngắn ngủi lắm, con người trôi qua cuộc đời rất ngắn, 10 năm sống thêm không phải là vấn đề chính. Vấn đề là trong cái cuộc đời nhỏ bé của anh, anh đã để lại cái gì? Sự nghiệp của anh sẽ là cái dây nối anh với thời gian, nếu không cuộc sống sẽ chỉ là một trò hề ngắn ngủi” (tr. 107-108). Cái phần tích cực nhất của hiện sinh là cảm quan hiện sinh một cách có ý thức. Cũng từ ý thức đó mà sinh ra hành động, mới 17 tuổi, Lưu Quang Vũ tìm mọi cách để gia nhập đội ngũ chiến đấu, trở thành người lính “sẽ làm việc, sẽ cống hiến, sẽ chiến đấu vì tất cả” (tr. 105). Và, ý nghĩ đó cũng là lời tiên cảm định mệnh cho sự ra đi đột ngột của Vũ hơn hai mươi năm sau.

Phần 2, Những bông hoa không chết (145 trang) gồm 39 bài thơ, mà sinh thời Lưu Quang Vũ chưa đưa in, chưa/ không được in. Với Lưu Quang Vũ “lời nói thật cháy lòng như lửa” (Người báo hiệu), điều đó trở thành quan niệm nghệ thuật, thành tuyên ngôn trong tâm thức sáng tạo của anh. Giữa dòng chảy ào ạt của một âm hưởng sử thi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”, lại cất lên một giọng điệu dỏng dạt của một chàng trai mười bảy tuổi phơi bày bộ mặt dữ dội của chiến tranh, như một hồi chuông cảnh tỉnh con người, thì thật khó có tờ báo nào bấy giờ in cho:

17 tuổi lòng ai không hồi hộp

Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên

Tuổi thơ bỏ ta bay mất như chim

Tiếng bom nổ những khu nhà đổ sụp

Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông

Ta kịp biết gì đâu

Vừa hết trẻ con đã là người lính

Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng

Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu

Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh

Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết

Ta đã vượt bao đèo cao chót vót

Bao điều nhà trường chẳng dạy cho ta

Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ

Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng

Một thế hệ cứng như thỏi sắt

Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông

(Những bông hoa không chết)

Trong hồi ký, tác giả nhiều lần nhắc đến tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky, cũng thể hiện rõ rằng mình thuộc thế hệ “cứng như thỏi sắt”, thế hệ thanh niên lấy tác phẩm của nhà văn Nga làm sách “gối đầu giường”, nên tuy phơi bày bức tranh thật của chiến tranh, luôn bị ám ảnh bởi cái chết nhưng không hề bi lụy, bởi vì ngay khi phải nói Lời cuối, Lưu Quang Vũ cũng xác định: “Và nếu chết là mọi điều đều hết/ Hơi thở của em/ Như ngọn lửa phập phồng/ Như sắc cỏ không ngừng xanh trở lại/ Nối phút giây ngắn ngủi với vô cùng”… Ngay cả những bài thơ viết về tình yêu đôi lứa (Em, Dù cỏ lãng quên, Phút em đến…) cũng không thể tách rời tình yêu quê hương đất nước, không lẫn lộn mơ hồ mà tường minh như cùng một bản thể không hề cắt chia: “Tổ quốc là gì, nếu nơi đó không có người mình yêu dấu?/ Tình yêu là gì, nếu không vì nó ta yêu thêm Tổ quốc?” (Cho Quỳnh những ngày xa)…

Thơ di cảo, Lưu Quang Vũ viết nhiều về sông Hồng (Sông Hồng, Sông Hồng – hồi ức của một nghĩa binh già, Sông Hồng – năm mẹ sinh con, Sông Hồng – lời từ giã của Trung đoàn Thủ đô), rộng hơn, tác giả nói nhiều về Hà Nội – một Hà Nội đau thương trong chiến tranh (Khâm Thiên, Cơn bão, Ngoại ô,…), với một cái nhìn khác về cuộc chiến, một tấm lòng rộng rinh, lay động thể hiện tầm vóc văn hóa nhân văn:

lòng chỉ muốn yêu thương

mà cứ phải suốt đời căm hận […]

ta đã qua

bao phố làng đổ sụp

cổ nghẹn lòng thù hận

nhìn bao em bé mồ côi

mà sao chiều nay giết xong quân giặc

chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm

chỉ nỗi buồn trĩu nặng

dâng lên như đá trên mồ

(Những đứa trẻ buồn)

Đặc biệt, ở góc nhìn văn hóa nhân văn, trong cảm hứng chủ đạo của tác giả, hồn thơ ông luôn quyện chặt với cảm hứng sử thi, với những con người, những thời điểm lịch sử trọng đại của đất nước (Người báo hiệu, Năm 1954, Tháng 5.1975, Sông Hồng – hồi ức của một nghĩa binh già…), trong cách hình dung giả định thể hiện tấm lòng thấm đẫm tình yêu thương trân trọng cuộc sống của con người và đất nước non sông: “nếu trái đất này là một tổ quốc mênh mông/ mỗi nước sẽ là một cái làng/ trong làng nhỏ Việt Nam/ tôi đã sinh ra và đã yêu tất cả/ mọi phố phường trong làng xóm mọi dòng sông” (Những thành phố những xứ xa).

Phần 3, phụ lục – Người trong cõi nhớ (48 trang), trong hàng trăm bài viết về Lưu Quang Vũ chỉ chọn bốn bài của Bùi Vũ Minh, Anh Chi, Ngô Thảo và Phạm Xuân Nguyên. Là những người bạn cùng thời, là đồng nghiệp, nên bài viết của Bùi Vũ Minh, Anh Chi, Ngô Thảo ít nhiều có chất hồi ký, nhìn nhận giá trị đích thực, tâm sự về nghề cùng những hệ lụy của nó. Thật cảm động biết bao khi họa sĩ Bùi Vũ Minh kể lại chuyện Lưu Quang Vũ rủ Minh đến báo Văn nghệ nhận nhuận bút, nhưng thơ Vũ thời điểm ấy “người ta” có chịu in đâu! (tr. 383-384). Ngược lại, đến khi nổi tiếng trên kịch trường rồi, thì “Vũ buồn buồn nói với tôi: – Người ta trách mình là viết nhiều quá ông ạ. Thế chả lẽ mình cứ phải đợi các ông ấy hay sao? Có ông đến ba năm mới viết xong một vở, mình viết xong lại phải ngồi chờ các ông ấy rồi mới viết tiếp à?” (tr. 391). Nhà văn Anh Chi nhìn lại quá trình vận động của lý tưởng thẩm mỹ trong những chặng đường thơ của Lưu Quang Vũ và xác định rõ: “Thơ anh buồn, nhưng đều là thơ đích thực” (tr. 399). Ngô Thảo phân tích giá trị tư tưởng – nghệ thuật những vở kịch tài danh của Lưu Quang Vũ và chỉ ra rằng: “Vốn văn chương tích lũy do tự học những năm cơ nhỡ, lại được sống trong không khí hoạt động sân khấu từ nhỏ, Vũ bỗng lớn vượt lên thành một tác giả sân khấu có uy tín. Trong mười năm, Vũ đã viết được hơn 50 vở kịch, hầu hết đều đã được dàn dựng, mà không phải chỉ một đoàn, không phải chỉ một kịch chủng” (tr. 420).

Trẻ hơn, người thuộc thế hệ sau, cũng đã từng đi qua chiến tranh, là nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, thông qua việc nhận diện “cái nhìn cuộc chiến” của Lưu Quang Vũ, để chỉ ra sự chuyển động trong tâm thức sáng tạo. Trong những năm tháng khó khăn, lận đận, phải kiếm sống bằng nhiều nghề, Lưu Quang Vũ vẫn miệt mài sáng tạo và thừa nhận rằng: “Tôi biết thơ tôi họ chưa in được, nhưng tôi luôn luôn muốn làm thơ” (tr. 399). Vì vậy, theo Phạm Xuân Nguyên, “những bài thơ lạc được viết ra để bày tỏ một cách nhìn, một thái độ, biết là không thể đăng được nhưng không thể nào không viết ra” để đến hôm nay “chúng tập hợp thành một di cảo để khi đưa ra dưới ánh mặt trời phát lộ một điều là Lưu Quang Vũ đã thay đổi nhận thức và tình cảm của mình khi đi qua cuộc chiến” (tr. 425).

Lưu Quang Vũ là một nghệ sĩ đa tài. Theo danh mục tác phẩm, Lưu Quang Vũ có 54 vở kịch, 7 tập thơ (trong đó có một tập in chung với Bằng Việt), 4 tập truyện (trong đó có tập truyện vừa in chung với Thế Long). Nhưng đọc nhật ký trong Di cảo, còn thấy nhiều lần ông nói đến việc vẽ tranh, nhất là những năm tháng còn đi học. Có lẽ, không chỉ căn cứ vào số lượng thể loại và tác phẩm, mà nhìn vào bề sâu của chất lượng, Phan Ngọc mới khẳng định rằng: “Có một kịch pháp Lưu Quang Vũ mà cả Đông Nam Á có thể tiếp thu” và “Trong cái nhìn của tôi, Việt Nam có những nhà văn hóa lớn. Theo tôi nghĩ, Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch lớn nhất thế kỷ này của Việt Nam, là một nhà văn hóa”.

* Phạm Phú Phong. Đất Quảng – 25 nhà văn thế kỷ XX. NXB Đà Nẵng, 2022

Comments are closed.