“Âm thanh và tưởng tượng” (1)

Văn Việt: Văn Việt nhận được sách “Âm thanh và tưởng tượng” (NXB Đại học Vinh 2015), tập hợp trên 20 tiểu luận về thơ Việt Nam hiện đại của TS Lê Hồ Quang. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số bài trong sách, mở đầu là bài tựa sách và tiểu luận về thơ Thi Hoàng.

clip_image002

 

Thơ là sự thăng hoa của trí tưởng tượng

(Bài tựa sách “Âm thanh của tưởng tượng” của Lê Hồ Quang)

Lưu Khánh Thơ

Trước thực tế sáng tác và xuất bản thơ phong phú, đa dạng như hiện nay, công việc của người phê bình thơ trở nên rất cần thiết và vô cùng nặng nề. Không ít người thừa nhận sự thật: Phê bình thơ bây giờ rất khó. Ít có những nhà phê bình chuyên tâm với thơ. Ngay cả nhà phê bình “gạo cội” Vương Trí Nhàn cũng đưa ra một cách giải thích mà tôi thấy tương đối tiêu biểu cho suy nghĩ của những người trong cuộc: “Gần đây, tôi ngại đọc thơ hẳn đi, văn xuôi hấp dẫn tôi hơn, đúng hơn đến với văn xuôi, tôi không phải ngại ngần e dè như đến với thơ. Đọc thơ sao khó khăn thế! Cầm tập thơ rất mỏng trên tay, nhiều khi cứ thấy ngại, và đọc xong, đầu óc mung lung, khó lòng nói một cách dứt khoát là hay hay dở” (“Tâm sự một người viết phê bình”, báo Văn nghệ, số 37/1985).

Đó là trong giới phê bình, còn sáng tác thì sao? Nhà thơ Wislawa Szymborska – giải Nobel Văn học năm 1996, trong bài Đêm tác giả, đã miêu tả một buổi đọc thơ ở Ba Lan như sau:

Trong căn phòng có mười hai người/ Một nửa đến vì mưa rơi/ Một nửa là thân quyến/ Đã tới lúc chúng ta phải bắt đầu câu chuyện/ Thơ ơi (Tạ Minh Châu dịch).

Tình hình có bi đát quá chăng? Nhưng bạn đọc ơi, xin chớ nản lòng. May sao trong hoàn cảnh như thế, vẫn có những kẻ nặng lòng say đắm với thơ, với những giá trị thi ca đích thực. Và bằng chứng sinh động là cuốn phê bình thơ Việt Nam hiện đại Âm thanh của tưởng tượng mà chúng ta đang có trên tay.

Lấy nhan đề bài viết về thơ Nguyễn Quang Thiều đặt tên cho cuốn sách phê bình đầu tay của mình, phải chăng Lê Hồ Quang đã xác tín một quan niệm: về sâu xa, thơ là tiếng nói của mơ mộng, tưởng tượng, một cách hình dung khác, diễn đạt khác về hiện thực. Và phê bình về thơ cũng là bắt đầu một sự tưởng tượng khác, hình dung khác của người viết về văn bản và hình tượng, về thế giới thơ… Có thể nói, suy nghĩ này đã chi phối khá nhất quán trong tập sách, tuy ở mỗi bài viết, tác giả lại có hướng tiếp cận và những điểm nhấn độc đáo khác nhau.

Các bài nghiên cứu, phê bình thơ Việt Nam hiện đại của Lê Hồ Quang kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy lý luận sắc sảo và năng lực thẩm bình tinh tế. Chị viết trong tâm thế của một người phê bình chuyên nghiệp có cái nhìn khách quan khoa học cùng sự đồng cảm, tri âm sâu sắc của người nghệ sĩ (xin được “bật mí” Hồ Quang cũng là tác giả thơ có tiếng của xứ Nghệ. Chị làm thơ từ thuở sinh viên, trước khi trở thành cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Vinh). Cái nền lý luận của một Tiến sĩ Văn học đã tạo bệ đỡ khá chắc chắn để trên đó cảm xúc bay bổng dẫn dụ người đọc.

Diện quan sát của Lê Hồ Quang có trường khá rộng, từ các tác giả trong phong trào Thơ mới đến thơ đương đại. Tuy số lượng tác giả được lựa chọn không nhiều (khoảng 20 người), nhưng đều là những gương mặt tiêu biểu, có phong cách riêng đáng chú ý của từng thời kỳ. Mỗi người một vẻ, họ đã góp phần làm nên diện mạo thơ Việt trong thế kỷ qua. Từ Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Lê Văn Ngăn, Ý Nhi,… cho tới các nhà thơ thế hệ sau này như Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh…, họ đều được phân tích, lý giải dưới khá nhiều góc độ. Từ bề mặt văn bản, Lê Hồ Quang đã đi sâu khám phá những tương quan đối lập ngầm ẩn trong tác phẩm. Chị có ý thức vận dụng kết hợp nhiều thao tác nghiên cứu để khảo sát đối tượng. Đối với các nhà thơ trẻ, chị nhấn mạnh: việc cách tân trong quan niệm tất yếu dẫn đến cách tân trong thi pháp. Điều đó chi phối cách tổ chức ngôn ngữ, cách xây dựng hệ thống biểu tượng…, những yếu tố làm nên sắc thái thẩm mỹ đặc thù của thơ ca đương đại.

Trong cuốn sách này, bằng tình yêu và niềm đam mê với những giá trị thơ ca của đất nước, Lê Hồ Quang đã dắt bạn đọc đi theo cùng trò chuyện, suy nghĩ và cả… tưởng tượng nữa, theo cách riêng của mình, về một số gương mặt thi nhân. Phát hiện ra giọng điệu riêng, phong cách riêng – tức là cái tinh tuý, cái đặc sắc của mỗi nhà thơ, để không lẫn với ai – đó là mục tiêu của phê bình thơ. Lê Hồ Quang đã ít nhiều làm được điều này. Và cái quan trọng hơn là chị đã cho chúng ta cảm nhận được sự quyến rũ của thơ ca với tư cách là sự thăng hoa đặc biệt của trí tưởng tượng.

Hà Nội, 21/8/2015

PGS.TS. Lưu Khánh Thơ

Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Chất thơ trong

“những con chữ bị sặc trên mặt giấy”

(Đọc Tuyển trường ca và thơ Thi Hoàng,

Nxb Hội Nhà văn, 2010)

Lê Hồ Quang

X

uất hiện trong giai đoạn cuối của thời kì chống Mỹ nhưng Thi Hoàng chỉ thực sự gây chú ý trên văn đàn bởi những tác phẩm viết sau thời Đổi mới với những tìm tòi, cách tân thi pháp khá táo bạo. Kể từ đây, ông dường như đã dứt khoát từ bỏ cách viết mượt mà, truyền cảm truyền thống để đến với một một kiểu viết lạ, đầy những nghịch âm suồng sã, đôi khi khá rối rắm, mà như chính tác giả tự giễu – kiểu viết của “những con chữ bị sặc trên mặt giấy”. Với điều đó, rõ ràng ông đã chấp nhận dấn thân vào một lộ trình đầy gập ghềnh, bất trắc và ở đấy, việc tìm kiếm cái mới thường không song hành với những đánh giá thuận chiều về giá trị. Tuy nhiên, Thi Hoàng là một trong số ít những tác giả đổi mới đã nhận được từ nhiều phía người đọc sự đánh giá khá cao. Thơ ông được ghi nhận bởi nhiều giải thưởng mà trong đó đáng kể nhất là Giải thưởng Hội nhà văn (1996, cho tác phẩm Gọi nhau qua vách núi) và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007, cho nhóm tác phẩm Nhịp sóng, Ba phần tư trái đất, Gọi nhau qua vách núi, Bóng ai gió tạt). Vì sao những tìm tòi này lại nhận được sự đánh giá như vậy? Đâu là ý nghĩa thật sự của những tìm tòi, cách tân thơ này?… Đó là những câu hỏi mà tác giả bài viết này muốn tìm hiểu sâu hơn từ trường hợp Thi Hoàng.

Nếu nhìn trên phương diện đề tài, rõ ràng sau 1986, đường biên “hiện thực phản ánh” trong thơ Thi Hoàng đã được nới rộng. Bên cạnh những đề tài sử thi quen thuộc, giờ đây đã xuất hiện những đề tài mới, nghiêng về thế sự, đời tư. Nhưng điều đáng nói hơn là những thay đổi trong cách xử lí, khai thác đề tài. Thay cho hình thức trữ tình trực tiếp, giờ đây, ông ưa cách trình bày theo lối luận đề. Ông muốn nhận thức, lý giải về chiến tranh, sự hy sinh của những người lính, thiên nhiên hay mặt trái đời sống đô thị thời hiện đại v.v. trong những ý nghĩa nhân sinh phổ quát của nó, một điều ít được chú ý trong thơ trước đó. Thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc gia tăng tính triết luận vào thơ thôi thì chưa đủ tạo nên sức hút riêng của ngòi bút Thi Hoàng, bởi đây cũng là một đặc điểm trong thơ nhiều tác giả cùng thời với ông, như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Ý Nhi… Cái đáng chú ý trong thơ Thi Hoàng thời kì này là óc liên tưởng phóng túng và giọng điệu phản tỉnh sắc sảo hài hước về đời sống. Điều này khiến sự vật và con người hiện lên trong những hình dung thật khác, thậm chí trái ngược và đầy bất ngờ, nó tạo nên những “cú sốc” nhận thức và, quan trọng hơn, “mời gọi” một thái độ tiếp nhận mới. Đi cùng điều đó là một kiểu tổ chức ngôn từ và hình tượng khá đặc thù. Sự chuyển động, dang dở, không ngưng kết của đời sống được chuyển tải vào thơ Thi Hoàng qua một hình thức kết cấu nhìn chung khá dàn trải, lỏng lẻo. Mạch thơ thường xuyên bị “tạt ngang” bởi những liên tưởng, so sánh, những câu hỏi tu từ, những lời tán thán… Hãy lấy tác phẩm Gọi nhau qua vách núi làm ví dụ. Phần một của trường ca này đặt ra vấn đề sự hy sinh của những người lính cách mạng và ý nghĩa lớn lao của sự hy sinh ấy. Đây là một chủ đề quen thuộc của nền thơ Cách mạng. Tuy nhiên, thay cho cách trình bày trực tiếp và giản lược để dễ dàng thể hiện chủ đề, tác giả đã chọn lối viết lấy mạch liên tưởng phóng túng làm điểm tựa để từ đó không ngừng triển khai, mở rộng những ý tưởng suy ngẫm, liên hệ, tưởng tượng nhiều khi rất xa, rất ngẫu hứng. Sự thay đổi liên tục điểm nhìn và đối tượng trữ tình (người lính, bông hoa, con nghé, em, bạn…) tạo ra sự ngắt mạch liên tục và đột ngột trong ngôn từ, giọng điệu và người đọc rất dễ lạc lối trong “mê cung” của những câu hỏi, những lời cảm thán, những độc thoại nội tâm hay những lời trữ tình ngoại đề dường như chẳng mấy ăn nhập.

Dễ dàng nhận thấy rằng cách làm “nhiễu” mạch cảm hứng chủ đạo này quả đã “gây khó” cho sự tiếp nhận của độc giả. Vấn đề đây có phải là “lỗi trình bày” hay là một sự phá cách cố ý trong bút pháp của nhà thơ? Tôi nghiêng về ý trả lời thứ hai. Trên thực tế, những sáng tác của Thi Hoàng thời kì chống Mỹ thường được viết với một hình thức khá nghiêm ngắn, chặt chẽ và tôi nghĩ việc lựa chọn cách trình bày chủ đề sao cho tập trung và sáng rõ có lẽ không phải là điều quá khó đối với một “tay nghề” như ông. Thực ra, đây là điểm cho thấy khá rõ sự đổi mới trong quan niệm sáng tạo của tác giả. Ông luôn muốn nhận thức đời sống trong chính sự bề bộn đa chiều và đầy nghịch lí của nó. Do đó hình thức thơ nói chung, kết cấu của một bài thơ nói riêng cũng cần giãn nở, biến đổi linh hoạt tối đa, sao cho nó có thể dung chứa và lột tả được sát đúng nhất cái bản chất phức tạp của đời sống. Cách tổ chức hình tượng này, do đó, thường gây ra hiệu ứng kép. Trước tiên, nó có thể khiến độc giả lúng túng, thậm chí khó chịu trước lối dẫn dắt “vòng vo” của tác giả. Song nếu vượt qua ngưỡng tâm lí ban đầu, họ sẽ nhận ra cái hình thức có vẻ khác thường ấy hoàn toàn tương thích với cái hiện thực đời sống phồn tạp được diễn tả. Rõ ràng đây là một cách tổ chức tác phẩm có dụng ý. Ta cũng sẽ thấy đặc điểm kết cấu này trong nhiều tác phẩm của Thi Hoàng, chẳng hạn Bóng ai gió tạt, Ngưỡng mộ hoa sen, Những ý tưởng bị gán ghép, Chú chim sâu bé nhỏ, Cộng sinh, Theo đuổi tự nhiên

Phản đối nền văn minh kĩ trị và khao khát “nương theo tự nhiên” là một chủ đề lớn trong nghệ thuật thời hiện đại, khi mà cảm giác nóng, phẳng, chật dường như vây phủ cả hành tinh và đời sống mỗi cá nhân. Dù sống ở một thành phố không lớn nhưng đời sống đô thị hiện đại với mặt trái phi nhân tính của nó cũng đã trở thành một chủ đề khá “nóng” trong thơ Thi Hoàng. Điều này trước hết xuất phát từ ý thức mở rộng phản ánh các vấn đề của đời sống môi sinh hiện đại trong thơ, một biểu hiện cụ thể của tinh thần công dân của tác giả. Nhưng đồng thời, nó cũng cho thấy khá rõ nỗ lực của nhà thơ trong việc “cập nhật” những thông tin thời đại cần thiết nhằm làm mới cách viết.

Từ góc nhìn này, ta dễ dàng nhận thấy sự phân cực trong thế giới thơ Thi Hoàng. Đó là sự phân cực giữa Tự nhiên và Nhân tạo và nhìn rộng ra là sự đối lập của nhân tính/ phi nhân, thiên nhiên/ máy móc, đẹp/ xấu, trẻ thơ/ người lớn… Một đời sống duy lí, trơ lì, trống rỗng, bị phi nhân hóa hiện hình qua những biểu tượng đáng sợ:

– Gió mây chờn vờn nôn mửa thốc tháo

Mắt ti hí mặt trời nhìn đứt cuống họng

Tiếng kêu ném đá vào ruột gan

(Tiếp cận 1)

– Căn phòng bị xé toang hoa ở trên bàn lẫn vào bóng đêm tụ máu

Ngửi mùi tóc cháy, mùi xăng

Nghe ở chân đêm có tiếng cười gằn

(Đêm ở Phủ Lý)

Ta càng thấy rõ điều này trong chùm Tiếp cận 1, 2, 3. Cái mới ở những bài thơ này, nói theo cách của chính tác giả, là trong ý tưởng “tiếp cận” thế giới văn minh đồ hộp. Bài thơ như lời lẩm nhẩm của một kẻ tự kỉ ám thị. Đời sống được “lộn trái” qua cái nhìn lạ lùng của nhà thơ, nó bộc lộ tất cả sự trắng trợn, vô nhân và “buồn nôn” của nó. Phải nói rằng đây là một cách viết gây ấn tượng mạnh với người đọc. Chính sự xô đẩy phóng túng của óc liên tưởng – vốn là thế mạnh của Thi Hoàng – đã khiến bài thơ trông giống như một tập hợp lát cắt hình ảnh liên hệ, so sánh khá ngẫu nhiên và lỏng lẻo. Nhưng phải chăng đó cũng là điều mà Thi Hoàng muốn diễn đạt, qua hình thức ấy, bản chất “xộc xệch”, phi lí và bất toàn của chính đời sống này?

Như một tất yếu dễ hiểu, theo đuổi tự nhiên sẽ là một tư tưởng thẩm mĩ quan trọng trong thơ Thi Hoàng. Với ông, sự hồn nhiên, “vô vi” chính là bản chất của Tự nhiên, của cái Đẹp đích thực: Hoa sen không định thơm/ Không định thơm thì mới thơm như thế (Ngưỡng mộ hoa sen). Do đó, những hình ảnh của tự nhiên luôn xuất hiện như biểu tượng của sự đẹp đẽ, cao thượng và thanh sạch. Dù tính tượng trưng là rất rõ, nhưng những hình ảnh ấy không bị “ép khô” bởi những ý niệm, chúng hiện diện trong thơ Thi Hoàng như những sinh thể đầy cảm giác và tràn trề một thứ năng lượng thiên nhiên vĩnh cửu. Đặc biệt, nhà thơ nói nhiều đến vẻ đẹp của những “khoảng không im lặng”.Với ông: Bởi yên tĩnh cũng là sạch sẽ/ Trong cánh bướm vô ngôn/ Trong chiếc lá không lời (Lang thang trong rừng Cúc Phương)… Chính sự “vô ngôn” của thiên nhiên ấy mới là thứ âm thanh vi diệu nhất, bởi nó đã lắng lọc tất cả các tạp chất xã hội, nó là tiếng nói nguyên sơ của bản thể vũ trụ. Quan niệm này của ông gợi nhớ đến quan niệm “ngôn vô ngôn”, “thính hồ vô thanh” trong quan niệm của người xưa. Chẳng phải trong Tỳ Bà hành, Bạch Cư Dị cũng viết: Thử thì vô thanh thắng hữu thanh đó sao? Cũng từ đây, trong thơ Thi Hoàng, ta nhận ra một tư thế thẩm mĩ khá “cổ điển”: Thịt da nhòa vào im ắng/ Khoảng không gõ cùng kêu mà (Tiếng trưa)… Nó thể hiện cái khao khát hướng tới một đời sống khác, ở đó con người có thể đạt tới trạng thái cân bằng và hài hòa tuyệt đối với thiên nhiên, cũng là sự hài hòa với bản thể vũ trụ.

Khi soi chiếu vào đời sống xã hội, cái Đẹp tuyệt đối ấy được thể hiện tập trung ở hình tượng Trẻ thơ. Với Thi Hoàng, cái “tuổi thơ u ơ”, “tuổi thơ đờm dãi” có một sức mạnh ngang với “thánh thần” và chỉ nó mới có đủ sức mạnh cứu rỗi tâm hồn những “người lớn” đã bị tha hóa bởi đời sống “văn minh kim khí” lạnh lẽo và thực dụng. Trong thơ ông, ta bắt gặp những lời tụng ca ngây ngất về con trẻ: Người lớn sinh trẻ con ra/ Vì thế họ được cứu chuộc/ Với sự xanh tươi mặt đất/ Và sự trong lành khí trời (Gọi nhau qua vách núi)… Thơ Thi Hoàng viết về trẻ con khá nhiều và đặc biệt tình cảm là những bài ông viết về con gái. Những trải nghiệm sâu sắc trong tư cách người cha ấy khiến ý tưởng trẻ thơ – biểu tượng củacái Đẹp trong thơ ông thoát khỏi cái vỏ ý niệm mòn sáo để cất lên những tiếng nói tự nhiên tràn đầy nhân tính. Trò chuyện với con gáimang hình thức một cuộc đối thoại ngẫu hứng giữa hai cha con. Sự song hành giữa những lời nói ngây thơ của đứa con và những câu trả lời xen lẫn sự ngẫm nghĩ vừa trìu mến vừa hài hước của người cha đem lại cho bài thơ một sắc thái đời thường giản dị nhưng cũng rất mới, rất hiện đại.

Thói quen ngẫm nghĩ về đời sống trong chiều sâu của nó, như một tất yếu, sẽ dẫn đến nhu cầu tìm kiếm thế giới tâm linh siêu hình tồn tại “bên kia” đời sống thực tại. Tuy nhiên, không bằng lòng dừng lại ở một sự mô tả và lí giải giản đơn, Thi Hoàng luôn tự mình đặt ra những câu hỏi đầy cắc cớ, oái ăm, nhằm kích thích và gợi mở nhận thức sâu hơn từ những nghịch lí của tồn tại:

Trước khi gõ thì tiếng chuông ở đâu

Trước kia hồn ta ở thịt xương nào?

Hỏi vậy vào một sớm mùa thu nghe sao mà văng vẳng

Nắng rươm rướm chiết ra từ tiếng vọng…

Trước khi ngủ thì giấc mơ ở đâu?

Ngọn lửa là cái ác hay cái đẹp?

Câu hỏi ngậm trong miệng mà ngẫm

Mắt cứ việc mở to

Để câu hỏi kia thành viên kẹo trong mồm

(Cộng sinh)

Nỗ lực thức nhận về một đời sống khác, vô hình và bí ẩn, khiến thơ ông nhiều khi vang lên tiếng gọi như là siêu nhiên với những hình ảnh hư thực, lạ lùng: Anh gọi em từ bùn lầy cho tới nhụy hoa sen/ Gọi em trong lần vỏ cây sau mưa còn thẫm nước/ Anh gọi em trong tiếng kèn đám ma tiễn đưa người đã chết/ Tiếng kèn như những ngón tay khốn cùng sờ soạng trái tim anh (Thơ viết cho em)… Thi Hoàng cũng từng có lần nói tới cái khao khát “thiếp ngủ ở bên ngoài lí trí/ dạo chơi ven những khuôn thước dở hơi”. Và đôi khi trong thơ, ông đã chạm vào những cảm giác xuất thần thật lạ lùng: Có hồn ai đó bay về trời/ Mặt người cùng mặt nước bay hơi/ Dòng sông như chảy từ hương khói/ Ai đó gọi và mình vừa ơi (Chân dung âm bản)… Tuy nhiên, ngay ở những bài thơ đầy những hình ảnh mộng mị, huyễn hoặc này, vẫn thấy tính duy lí rất rõ. Có một cái nhìn chia tách giữa chủ thể và thế giới, con người đứng tách riêng ra, phân tích, nghiền ngẫm, cố gắng lí giải về cái thế giới như một thực thể tách rời, đối lập. Đấy là cái nhìn từ bên ngoài. Điều này Thi Hoàng có khác với các nhà thơ thế hệ sau, chẳng hạn Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương…, họ hòa nhập bản thể vào thế giới siêu nghiệm một cách khá tự nhiên, dễ dàng. Sự “nhất thể” là một trạng thái thường gặp trong thơ họ, chúng được trình bày như một trạng thái tự thân của thế giới. Trong thơ Thi Hoàng, tư cách con người công dân, thế sự đậm nét hơn nhiều so với con người tâm linh.

Cách khai thác đề tài hay kiểu tổ chức văn bản, như đã phân tích trên, cho thấy rõ nỗ lực tìm tòi đổi mới của Thi Hoàng. Nhưng ngôn ngữ và giọng điệu mới là điểm cách tân cần chú ý nhất trong thơ của tác giả này.

Giờ đây, nổi lên trong thơ Thi Hoàng là một thứ ngôn ngữ, giọng điệu không trau chuốt, màu mè, đầy những nghịch âm trục trặc suồng sã. Với tác giả này, “từ hệ trọng trở mình sang vô nghĩa” dường như là điều quá ư bình thường trong đời sống. Bởi vậy, thay cho cái nhìn “thiêng hóa”, “mĩ hóa” thường gặp trong thơ trước đây, trong thơ Thi Hoàng ta bắt gặp một cách nhìn và lối viết mang tính “giải thiêng” nhiều khi khá thẳng thừng, trần trụi. Tất nhiên, cách nói này có thể gây “dị ứng” với những độc giả quen đến với thơ như đến với một thế giới của sự trữ tình và thi vị. Nhưng theo tôi, đây chính điểm độc đáo của ngòi bút này. Xuất phát từ một cái nhìn đời sống mang tính hài hước và dân chủ, nó đem lại cùng với tiếng cười là những nhận thức mới, bất ngờ mà không kém phần sâu sắc về đời sống. Bàn về thơ ca chẳng hạn, trong khi người ta nói nhiều về những vai trò, sứ mệnh thi ca thiêng liêng và cao quý, thì Thi Hoàng ngược lại, ông viết “tỉnh bơ”:

Chữ nghĩa nhiều khi như con cá bị quăng trên mặt đất

Đôi mắt của con cá bị quăng lên giống như là cặp mắt của nhà thơ

(Gọi nhau qua vách núi)

Nhìn mình với tư cách nhà thơ, ông tự giễu:

Những con chữ bị sặc trên mặt giấy

Và nỗi đau như con vật được bù chì phổng phao béo ngậy

Được làm thịt được xào nấu cầu kì đặt lên bàn ăn

Quy nạp cuối cùng là bài tiết

(Những buổi chiều thế kỉ)

Thi Hoàng rất biết cách gây ấn tượng bằng những so sánh gai góc bất ngờ, những ví von mang tính thậm xưng, cách nói nhại, nói ngược thâm thúy, sắc sảo. Ông đặc biệt nhạy trong việc tìm ra những mối liên hệ giữa các sự vật, sự việc vốn trái ngược, đối nghịch như cái cao cả/ thấp hèn, vỏ ngoài/ bản chất, hồn/ xác, thật/ giả, xấu/ tốt… và qua một cách diễn đạt như đùa tếu, biến chúng thành những ý tưởng phản tỉnh đời sống nhọn sắc:

Giời ạ không gian không gian dối

Thời gian gian dối có thời thôi

Ai nấy khinh tôi còn có thể

Chính tôi khinh tôi thì thôi rồi

(Bóng tối dưới chân đèn)

Trỗi lên trong thơ của tác giả này là giọng đối thoại, tranh biện hài hước. Dường như ông luôn có cảm hứng tranh biện về bất cứ chủ đề nào: từ những vấn đề lớn lao nghiêm túc nhất như sự sống, sự sáng tạo, cho đến chuyện cống rãnh, rác rưởi… Cách trình bày quan niệm của ông cũng “không giống ai”: vừa có vẻ rất nghiêm trang, thành thực, lại vừa đượm vẻ ỡm ờ, bỡn cợt. Để nhấn mạnh ý nghĩa của lòng tốt và sự thành thực trong cuộc sống con người, ông không ngần ngại chơi trò… “đánh vần” trong thơ:

Hờ ay hay ngã hãy

Tờ ốt tốt sắc tốt

Vờ ơi với sắc với

Nhờ a nhau u nhau

HTVN… hãy tốt với nhau

Mặt rắn cửa chắc. Ấy là chuyện vặt

Trời xa mà gần ngay trên mí mắt

Gió thổi nước trôi thời thế xê dịch

Khoảng trống và nước lã mới là kinh

(Nhờ nhau)

Hình thức triết lí theo kiểu bông lơn hài hước này khá phổ biến trong thơ Thi Hoàng. Chúng vừa giúp ông chuyển tải hiệu quả những thông điệp xã hội cần thiết đồng thời cũng “giảm áp” tiếp nhận cho độc giả trước lượng thông tin chính luận nhiều khi khá dày trong thơ ông. Hơn thế, nó còn đem lại những hiệu ứng thẩm mĩ khá khác lạ và thú vị. Chẳng hạn trong Oản tù tì, ra…, sau một đoạn triết lí (cũng khá dài và phóng túng) về sự xô bồ, nghẹt thở, sự bức bối của giai đoạn giao thời của đất nước trước đổi mới (được ẩn dụ bằng hình tượng cơn mưa giông sấm chớp giật giằng xé toang quá khứ), ông “thốt” lên:

Ối giời ơi, thật là quái ác

Ối giời ơi, thật là cực nhọc

Ối giời ơi, thật là giắt hóc

Ối giời ơi, thật là ngu ngốc

Ối giời ơi, gặp ối giời ôi!

(Bóng ai gió tạt)

Đoạn thơ như là sự “bùng vỡ” của những dồn nén cảm xúc nội tại, giống như cái “van xả nhiệt”, nó hóa giải một cách khá hiệu quả sự căng cứng, “nghiêm trọng” của những chủ đề chính luận bằng tiếng cười trào lộng hả hê, dân giã. Tuy nhiên không phải lúc nào Thi Hoàng cũng tạo được sự ăn ý giữa một bên là ham muốn cắt nghĩa, lí giải về đời sống ở những nguyên nhân “bề sâu, bề xa” của nó – một cảm hứng nồng nhiệt trong sáng tác của ông, và cách nói của thơ ca. Bởi vậy, “giải pháp” giọng điệu cũng không thể cứu vãn nhà thơ, khi ông quá hào hứng trong việc trình bày những ý tưởng chính luận, đã để cho “ngôn ngữ nói” lấn át “ngôn ngữ thơ” (Lại theo đuổi tự nhiên là một bằng chứng).

Phải nói rằng Thi Hoàng là người có nhãn quan ngôn từ rất tinh nhạy và tài hoa. Ông đặc biệt chú ý đến những kĩ thuật “chế tác” ngôn ngữ, hình ảnh, nhằm biểu đạt sự vật trong những trạng thái chuyển động sắc nét nhất. Hãy nhớ lại câu thơ nổi tiếng của ông viết từ thời chống Mỹ: Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây thì biếc như vặn mình mà biếc… Giờ đây, cách nhìn sự vật trong những chuyển động, uốn vặn nội tại ấy càng được đẩy lên thành một nét thi pháp nổi bật. Thậm chí ta có thể nói đến một kiểu “tư duy giác quan” trong thơ của Thi Hoàng. Tồn tại trong thơ ông là một thế giới hình ảnh luôn “cựa quậy”, quẫy đạp, vặn xoắn trong những hoạt động, cảm giác mạnh mẽ đến bất thường. Đó là một thế giới mà cỏ “xanh như nấc lên từng nhịp”, nước “như băm như thái”, “như véo như tát”, sấm “lồng khồng rơi vỡ”, gió mây “chờn vờn nôn mửa thốc tháo”, mặt trời “nhìn đứt cuống họng”, “trăng sẩy thai”, chiếc lọ cổ “cất tiếng thở dài”, căn phòng “bị xé toang”, đồng hồ “lên cơn sài giật… Lăng kính ngôn ngữ lạ hóa này khiến sự vật không bị ép dẹt trên trang giấy mà luôn hiển hiện một sức sống dồi dào tự thân nào đó. Song những thông tin hình ảnh ấy cũng đầy ứ cảm giác bất ổn, hàm chứa một nguy cơ đổ vỡ từ bên trong đời sống và sự vật. Quả thực như nhiều người đã nhận xét, Thi Hoàng rất dụng công trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh. Nhiều khi ông không ngần ngại lắp ghép, uốn vặn ngôn từ một cách kì khu để gây ra một ấn tượng lạ lùng, độc đáo nhất. Tuy nhiên, cái đích nhà thơ hướng đến hoàn toàn không phải là một hệ thống ngôn từ mang giá trị tự thân: với ông, ngôn từ thực chất là phương tiện chứ không phải mục đích của sáng tạo.

Có thể nói, chưa bao giờ thơ Thi Hoàng xa lìa cái “cuống rốn” chủ đề nhân sinh, thế sự, mối quan tâm thường trực nối liền ông với đời sống. Thơ ông rất đậm đà tính luận đề và không ít chỗ những chủ đề chính luận được trình bày khá lộ liễu. Điều này có thể hiểu nếu ta nhìn từ quan niệm sáng tác của tác giả, một con người có vẻ ngoài lặng lẽ, “ẩn dật” song bên trong luôn nặng lòng với đời sống, luôn có nhu cầu bám sát và lí giải các vấn đề gai góc của hiện thực. Ta cũng có thể nhận ra ở đây dấu ấn đặc trưng của một thế hệ tác giả mà ý thức trách nhiệm công dân luôn được đặt lên hàng đầu cùng với trách nhiệm nghệ sĩ. Đi cùng sự “chung thủy” với các chủ đề chính sự, thế sự ấy (được chính ông mô tả một cách giễu cợt, tựa như “một gã đùa dai/ Cứ lén đến nằm ườn lên tác phẩm”) đồng thời là ý thức quyết liệt đổi mới cách viết. Đây chính là cái “động cơ đốt trong” tạo nên sức bền của ông trên lộ trình tìm tòi, bứt phá nghệ thuật. Có thể khẳng định, Thi Hoàng là một cây bút có tinh thần và nội lực đổi mới mạnh mẽ. Tuy nhiên về căn bản, quan niệm thơ của ông vẫn đi theo hướng kế thừa và phát triển, “làm mới” những giá trị truyền thống, chứ không phải theo tinh thần “nổi loạn” và “gây hấn” (thậm chí “đoạn tuyệt” với những quan niệm truyền thống, để tạo nên một sự thay đổi tự gốc rễ, như ở một số tác giả chủ trương cách tân thơ). Thậm chí ta vẫn có thể nhận thấy áp lực của kiểu tư duy “cổ điển” ngay trong những bứt phá của ông. Điểm hấp dẫn của thơ ông nằm trong cách viết mang đậm tính triết luận hài hước đi cùng thứ ngôn ngữ, giọng điệu tưng tửng đầy cá tính. Tuy vậy, phải chăng tác giả vẫn cần thêm nội lực để chuyển hóa những luận đề nhiều khi khá khô khan thành những hình tượng mang tính thơ hơn? Sự “uốn vặn” lắt léo ngôn từ là một đặc điểm thi pháp thú vị nhưng đồng thời cũng hàm ẩn nguy cơ bị đẩy thành thành một kĩ thuật quen tay và do đó có thể làm mất đi cái “công năng” thực sự của nó…

Quả thực cách tân thơ là một quá trình đầy khó khăn và thách thức, trước hết là đối với người cầm bút. Nhưng nhu cầu tinh thần của con người là một cái gì đó rất đa dạng và do đó, cái “thực đơn thi ca” luôn cần thiết phải được đổi mới và đa dạng hóa không ngừng. Với cái “vỏ ngoài” nhiều khi khá lạ lẫm của “những con chữ bị sặc trên mặt giấy”, trong sâu xa, thơ Thi Hoàng là tiếng nói của một Trái tim len lén đập/ Trước hoàng hôn hoang mang.

Vinh, 22/7/2012

Nguồn: sách “Âm thanh của tưởng tượng”, NXB Đại học Vinh, 2015.

Comments are closed.