Nhớ lại một chuyến đi

Lại Nguyên Ân

(Rút từ facebook của Nguyễn Hồng Kiên*)

Chuyến đi ấy cách nay đã dăm năm, vậy mà ngay khi trở về, tôi đã tự hứa là rồi sẽ phải viết ra kể lại. Khởi nguồn cho chuyến đi ấy có lẽ là tại thư viện! Vâng, chính tại thư viện, tôi và các bạn trẻ ấy gặp nhau. Mục đích tìm đọc thì khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở sách báo Việt cũ. Ai cũng phải tìm, phải đọc, phải ghi chép, và nhất là phải chụp lại để lưu vào những bộ tư liệu cần của mỗi người.

Rồi một hôm, một bạn trong số họ hỏi tôi: – Chú có biết một vài điểm di tích lịch sử hay văn hóa nào ở tỉnh Thái Nguyên? – Ồ, Thái Nguyên thì biết chứ. Ba trong số bốn năm đại học chú theo trường sơ tán trên ấy, lại cũng có vài bạn văn hiện sống và làm việc trên ấy, có thể liên lạc nhờ họ giúp… – Vâng, vậy thì tốt. Thật ra bọn cháu định đến một điểm, nhưng sợ tìm không ra, nên muốn dự phòng một vài điểm khác… Hẹn trước với nhau như thế, nhưng phải vài ba tuần sau mới thực hiện chuyến đi. Sáng hôm ấy, chỉ khi xe đã từ Hà Nội nhằm hướng Thái Nguyên, tôi mới nhận ra, trên xe chỉ có tôi và anh lái xe là người Việt, còn lại đều là người nước ngoài, là Tây, hầu hết là Mỹ! Tất cả đều nói được tiếng Việt, trừ một người. Một bạn giới thiệu với tôi: Thầy F. (không nhớ tên nên tôi tạm ghi thế) là giáo sư sử, chuyên nghiên cứu các nước xã hội chủ nghĩa, lần này đến Việt Nam là lần đầu. Thầy từng kể bọn cháu một kỷ niệm: hồi còn nước CHDC Đức, thầy đến đấy, được vào hỏi chuyện một vị chức sắc to lắm, không trong ban bí thư thì cũng trong trung ương. Rất hay là được bố trí gặp ngay khi vừa đến, nhưng vì lệch múi giờ, chuyến đi lại dài, sau vài câu sơ kiến, thầy phải nói thực: tôi vừa qua chuyến bay dài, mệt quá, xin phép được chợp mắt nửa giờ trên cái divan này rồi sau đó sẽ tiếp tục làm việc với ông. Vị chủ nhà kia tất nhiên đồng ý!

Ngồi trên xe rồi, tôi mới thật rõ về cái điểm các bạn này muốn đến hôm nay: nền cũ nhà bà địa chủ Nguyễn Thị Năm ở đâu đó gần thị xã Thái Nguyên! Hóa ra hầu hết các bạn này đều là những nhà “Việt Nam học” tương lai, vì đều đang theo đuổi những luận văn, luận án về Việt Nam. Sự kiện cải cách ruộng đất thì sẽ chỉ có trong luận án của vài bạn ngồi đây thôi, nhưng một địa danh gắn với tên tuổi Nguyễn Thị Năm thì tất cả đều muốn biết.

clip_image001

CHÈ BÚP “1 TÔM 2 LÁ”

Phải nhận rằng hầu hết các bạn này đều thạo tiếng Việt, có một bạn nói với âm sắc hệt người Thái Bình, khiến tôi cứ thỉnh thoảng lại ngoảnh ra sau nhìn để xem có phải còn một người Việt nào nữa trên xe hay không. Lúc xe đến quãng Phổ Yên, hầu như các bạn trên xe đều thốt lên: “Chè búp, chè búp là gì nhỉ?” Hóa ra hai bên đường có rất nhiều biển quảng cáo, hầu hết đều có chữ “chè búp”. Tôi phải giải nghĩa: chè búp tức là những ngọn chè (tea) được hái theo quy tắc “một tôm hai lá”, một ngọn và hai lá mọc đối nhau, không hái dài hơn, để đảm bảo chất lượng chè (trà, tea) sau khi đã rang, sấy khô.

Đến Thái Nguyên, đã có một bạn trong giới đại học ở đây ra đón. Cả bọn đi ăn trưa và chờ, vì theo hẹn, 2 giờ chiều mới có thể gặp người hứa sẽ chỉ đường. Đúng giờ hẹn, hai chiếc xe của bọn tôi dừng tại một mặt phố, rồi xuống xe đi vào một căn nhà rộng, – nhà “thầy Tiến”, một giảng viên đại học, như bạn ở Thái Nguyên ra đón bọn tôi đã giới thiệu. Sau khi pha trà mời khách một lượt, “thầy Tiến” mới lên tiếng, và lời đầu tiên là ông yêu cầu tất cả mọi người tắt tất cả các dụng cụ ghi âm nếu có mang theo. Mươi phút để ai nấy tự rà soát. Rồi “thầy Tiến” mới vào chuyện. Ông nói, ngay sau khi ra trường về dạy ở đây, ông đã tập trung nghiên cứu về cải cách ruộng đất; đã có một vài cuốn sách của ông được in ở nhà xuất bản trung ương. Tuy vậy, ông nói, nghiên cứu để biết để nắm được các sự việc là một chuyện, còn nói ra viết ra đến đâu là một chuyện khác. Tốt nhất, theo ông, “trên” cho nói đến đâu mình viết và nói đến đó. Về vụ bà Nguyễn Thị Năm, ông nói một số báo chí đương thời đã thuật buổi xử án. Riêng ông, khi ấy còn nhỏ. Ông chỉ được tiếp cận vụ việc với tư cách người nghiên cứu. Ông nhắc đến những quyết định mới nhất của chính quyền công nhận bà Năm là “địa chủ kháng chiến”. Rồi ông kể ông được chứng kiến và tham gia cuộc bốc mộ bà Năm, khoảng 1997 (?). Sau hơn 40 năm việc ấy mới được tiến hành, nên ban đầu phải tìm kiếm để xác định lại nơi chôn sau vụ xử bắn.

clip_image002

Ông kể ấn tượng đậm nhất của ông là giữa đám xương cốt sót lại còn có hai vật đáng nhớ nữa: chiếc đầu đạn và chiếc vòng tay. Một đầu đạn vẫn nằm trong cơ thể nạn nhân sau khi bị bắn. Chiếc vòng tay màu xanh ngọc, chắc hẳn bà Năm khi bị bắn vẫn còn đeo trên cổ tay. Ông cũng nhớ hình ảnh bát hương bốc cháy bùng bùng, khiến những người dự đám bốc mộ thêm chút thảng thốt bất ngờ, đang khóc bỗng khóc to hơn.

Khoảng ba giờ chiều, chúng tôi lại lên xe, “thầy Tiến” ngồi chiếc xe nhỏ của anh bạn Thái Nguyên. Chúng tôi qua cầu Gia Bẩy, sang Đồng Bẩm. Qua những cánh đồng bằng phẳng trồng rau, xe chúng tôi rẽ trái vào một con đường nhỏ rồi dừng lại ở bãi đỗ xe cạnh một ngôi đền hay chùa gì đó.

clip_image003

Ông Tiến tìm hỏi một vài người địa phương. Rồi người ta chỉ chúng tôi leo lên một khu đất nom giống một quả đồi nhỏ.

Qua những thửa đất nhỏ đã rào lại để làm vườn, qua một chiếc giếng cạnh nhà một hộ dân, theo bậc gạch leo lên, rồi qua những bức tường ngăn tuy xây chưa lâu nhưng đã không còn mái che, mà người ta giải thích là những chuồng dê chuồng bò của những hộ chăn nuôi đã dựng lên sử dụng ít lâu rồi bỏ đi từ dăm bảy năm trước, chúng tôi theo người đưa đường rẽ lá rẽ cành chui vào trong một lùm tre gai.

clip_image004

clip_image005

Người ta chỉ cho chúng tôi, dưới lùm tre ấy vẫn còn nhìn thấy một mạch gạch xây cuốn nó là tầng hầm ngôi nhà mà bà Năm mua lại từ chủ đồn điền cũ, dùng làm nhà ở chính của gia đình bà. Người ta bảo tầng hầm ấy dài trên chục thước, từng cất trữ hàng tấn lương thực để cung cấp cho hàng tiểu đoàn bộ đội chủ lực. Người ta nói, tầng hầm này là dấu tích duy nhất còn sót lại đến nay của ngôi nhà hai tầng thời ấy là to lớn nhất vùng, “đại bản doanh” của đồn điền Cát Hanh Long. Trên 40 năm đã đi qua, cuộc đời bãi bể nương dâu, giờ đây trên nền ngôi nhà đã mọc lên mấy bụi tre gai um tùm tăm tối mà nếu không có người chỉ dẫn, rất khó để biết cái vết tích sót lại nằm sát bên gốc bụi tre gai kia.

clip_image006

Trời chiều cuối thu ở vùng núi, ánh sáng yếu đi rất rõ. “Tay máy” nào cũng chợt kêu thiếu sáng khi bấm vội xem lại vội các kiểu ảnh mình vừa chụp.

Đứng bên trong bụi tre gai, tôi bỗng thấy đang can dự một không khí đặc biệt; mọi khuôn mặt đều quá ư chăm chú, nhìn, nghe, dường như muốn nhận ra một tín hiệu gì như là siêu thực tại. Lúc ấy, được lắng nghe duy nhất là hai người dẫn đường, một ông từ ngôi đền cạnh bãi để xe, và một bà là chủ căn nhà ở ngay trên đất tòa nhà cũ có cái giếng bọn tôi vừa đi qua.

clip_image007

Họ chỉ cho từng người chúng tôi nhìn thấy mạch gạch xây cuốn đã bị rêu bám đầy. Họ kể những mẩu chuyện họ nghe được, nào nhà bà Năm từng là nơi ăn ở đi lại của bao nhiêu ông gì ông gì to lắm, thế mà không hiểu vì sao đang là chủ tịch hội phụ nữ bà lại bị bắt bị đấu tố bị tù bị bắn. Nào là bà thiêng lắm, người ta thờ bà ở ngay đền Kim Sơn đây này.

clip_image008

− Nhà cháu hôm nào cũng xuống lễ bà, bà phù hộ cho, thỉnh thoảng cháu lại bán được một món kha khá. − Hóa ra, người chủ ngôi nhà có cái giếng bọn tôi vừa đi qua là một hộ chuyên trồng cây thuốc, phơi sơ sơ rồi bán cho những hãng chế biến Đông dược.

clip_image009

Xuống khỏi quả đồi là di tích nhà cũ bà Năm, bọn tôi mới để ý đến ngôi đền bên đường. Mấy chữ nho “Kim Sơn Từ” trên cổng vào cho thấy đây là đền, là miếu hơn là đình hay chùa. Tôi chợt nhớ ở ngoài đường cái, ngay lối rẽ vào đây có cái biển nhỏ rất dài treo cao. Một mảnh tôn rộng chỉ chừng 20 cm nhưng dài gần 1m, trên đề những chữ Việt như díu vào nhau: “Di tích Kim Sơn đình đền cây đa gốc sấu”! Hóa ra tấm biển ấy chỉ đường vào đây. Trùm lên ngôi đền là một cây sấu lâu năm, bóng tỏa rợp một vùng đất.

clip_image010

clip_image011

Theo lời dặn của người coi đền, bọn tôi chỉ chụp ảnh bên ngoài.

Sau khi cất máy ảnh, tôi đi vào bên trong. Khu nhà vệ sinh rất rộng bên trái ngôi đền cho thấy nó thường xuyên phục vụ khá nhiều người lui tới đây. Bên phải khu đất là ngôi đền, nhà gạch một tầng, có lẽ trước đây lợp ngói, nay thay bằng mái tôn. Phối trí bên trong theo kiểu “Tiền Phật hậu Mẫu”. Gian chính thờ Phật, nhưng bên phải có một gian rộng, nền gạch sạch sẽ, quanh tường để khá nhiều đồ mã, những ngựa giấy, những hình nhân “má điệp tóc mực tàu”… Tôi đoán nơi đây thỉnh thoảng thể nào cũng có những cuộc lên đồng hầu đồng. Đi vào gian sau thấy một bàn thờ mẫu, trong hộp kính là một tượng mẫu nhỏ thiếp vàng.

clip_image012

Chiều hôm ấy tôi ngồi hơi lâu với người thủ từ, tức là người đàn ông đã dẫn bọn tôi lên xem mạch gạch di tích tầng hầm nhà bà Năm dưới bụi tre gai. Hóa ra, ông thủ từ ngôi đền Kim Sơn này chính là cháu nội ông đội Hàm, người quản lý đồn điền Cát Hanh Long và cũng đã bị xử bắn cùng với bà Năm chủ đồn điền. Ông đội Hàm vốn là lính (đúng hơn, là hạ sĩ quan) bảo vệ sân bay Bạch Mai, đầu kháng chiến tản cư lên đây rồi vào làm quản lý đồn điền. Sau mọi tai ương, con cháu vẫn ở lại đất này.

Ông kể lai lịch ngôi đền. Khi xưa có một cô gái tham gia nghĩa quân đánh phỉ Cờ Đen, bị chết trận ở vùng trên, mạn Bắc Cạn, xác trôi theo sông Cầu đến khoảng đoạn cầu Gia Bẩy bây giờ thì dạt vào bờ. Dân vớt lên chôn rồi lập đền thờ. Vì làm bằng tranh tre nên đền hay bị cháy, nhưng hễ cháy rồi người ta lại cất lại. Khi bà Nguyễn Thị Năm từ Hải Phòng lên đây mua lại đồn điền này, bà hỏi và biết lai lịch ngôi đền, bèn xuất tiền bảo người ta xây lại đền bằng gạch. Thế rồi, sau khi bà Năm bị kết án và bị xử bắn, người dân ngấm ngầm bảo nhau đem thờ bà Năm ở chính ngôi đền này.

* Bài của Lại Nguyên Ân nhưng đăng ở facebook của Nguyễn Hồng Kiên với lời chú: “Nhà cháu đăng lại, vì tác giả chưa biết cách chèn ảnh vào bài”

clip_image013

“Ông biết không – người coi đền bật mí với tôi – tượng mẫu thờ ở gian trong, được thuê tạc mới đây thôi, lấy theo di ảnh của chính bà Năm đấy!” Những năm ấy rất ít tài liệu về vụ việc này. Tôi hỏi các vị có ảnh từ nguồn nào. – “Ảnh in trong quyển sách về các doanh nhân, truyện về bà Năm do nhà văn Hoàng Hữu Các viết; sách ấy tôi để ở nhà, nếu để ở đây xin đem phô-tô biếu ngay bác một bản!”

Câu chuyện giữa chúng tôi bị dừng lại vì có người đến gặp người coi đền. Một bà trạc ngoài sau mươi đi với đứa cháu gái, chiếc xe nhà là xe Nhật màu đen, người lái chờ ngoài bãi để xe. Nói chuyện riêng với ông thủ từ một lát rồi bà ra ngồi bàn uống nước chỗ tôi. Nhà bà ở Hà Nội nhưng bà cũng có họ hàng ở Thái Nguyên. Bà nói dăm bữa nửa tháng bà thường qua lại đây cho thư thái. Kinh nghiệm cho tôi hay, những cuộc thăm viếng kiểu này thường là chuẩn bị cho các cuộc hầu đồng. Mà các ngôi đền được chọn để hầu đồng, thường được người trong giới con nhang đệ tử bảo nhau là nơi thiêng. “Bà linh thiêng, bà phù hộ cho ăn nên làm ra”, – như người trồng cây thuốc trên nền nhà chủ đồn điền cũ nói trên đồi ban nãy. Tôi bất ngờ nhận ra rằng, sau việc một nữ nghĩa quân chống phỉ được tích hợp vào “mẫu thượng ngàn”, bây giờ đến lượt “mẫu thượng ngàn” đang dần dần mang đậm gương mặt cụ thể của bà chủ đồn điền đã từng “vì làm phúc mà phải tội” kia.

clip_image014

Các bạn Mỹ đi cùng tôi có lẽ hơi ít quan tâm đến ngôi đền này và sự tích của nó. Cũng dễ hiểu thôi. Đối với các bạn ấy, điều đáng kể là được thấy, dù chỉ một mạch gạch là di tích liên quan đến một sự kiện lớn trong lịch sử một đất nước cụ thể. Đầu óc thực chứng của học trò Tây phương vốn bộc lộ khá rõ ở xu hướng đi đọc và tìm tài liệu ở các bạn. Riêng tôi, tôi đánh giá điều tôi biết về ngôi đền Kim Sơn là đáng giá không kém gì so với điều tôi biết về dấu tích nền đất cũ nhà chủ đồn điền Cát Hanh Long.

Đã dăm năm trôi qua kể từ chuyến đi ấy. Nghe nói một trong số các bạn cùng đi đã bảo vệ thành công một luận án tiến sĩ với đề tài Việt Nam học, đề cập một phương diện nào đấy của cuộc cải cách ruộng đất ở Bắc Việt Nam những năm đầu 1950s, sau đó bạn đã trở thành giảng viên đại học. Các bạn khác, có bạn tham gia những dự án nào đó, thỉnh thoảng vẫn đến Việt Nam. Rõ ràng các bạn ấy đều đã tấn tới. Tôi thì đã già thêm dăm tuổi. Nhưng trong đầu vẫn nhớ chuyến đi năm ấy.

17/9/2014 LẠI NGUYÊN ÂN

Comments are closed.