Nguyên Ngọc
.
Laurent Binet, ở “l’Obs”, tháng 7, 2015. (©Eric Garault / Pascoandco pour L’OBS)
Ngày 26 tháng ba 1980, Roland Barthes, nhà ký hiệu học và lý luận văn học nổi tiếng, tác giả những cuốn sách đã trở thành kinh điển như “Hệ huyền thoại”, “Độ không của lối viết” …, bị một chiếc xe tải nhỏ tông ngã trên phố Rue des écoles, giữa Paris. Một tháng sau ông qua đời. Một tai nạn. Nhưng … nếu không phải là tai nạn? Mà là một tội ác, một âm mưu sâu xa và bí hiểm? Nghi phạm rất có thể nằm trong số những người gần gũi với ông về nghề nghiệp, những nhà ký hiệu học, ngôn ngữ học, cũng nổi tiếng như ông hoặc chỉ kém ông đôi chút, nhất là đám thuộc cái gọi là “trường phái lý thuyết Pháp” lừng danh (The French Theory), những Gilles Deuleuze, Louis Althusser, Bernard-Henri Lévy, Philippe Sollers, Umberto Eco…, vẫn thường tụ tập ở Collège de France[1], Cà phê Flore[2], cùng cái hội cánh tả ở trung tâm Đại học Vincennes[3]…, thậm chí không loại trừ Tổng thống Pháp đương thời François Mitterrand?
Cuốn tiểu thuyết của Laurent Binet, mở đầu bằng một nghi vấn hoang tưởng như vậy, lại có cái tên lạ “Chức năng thứ bảy của ngôn ngữ”, đã được trao Giải Tiểu thuyết của FNAC vào đầu tháng 9 vừa qua, mở đầu mùa giải văn học Pháp sôi nổi năm 2015.
FNAC là hệ thống lớn các cửa hàng chuyên bán vật phẩm văn hóa, đặc biệt là sách, rải khắp nước Pháp. Họ có một giải thưởng văn học, và Giải Tiểu thuyết FNAC năm nay, cũng như mọi năm, do 400 nhà sách và 400 độc giả bầu chọn, đã quyết đinh tôn vinh một cuốn sách nghe có vẻ rất trinh thám như thế. Nhân vật được Laurent Binet giao nhiệm vụ điều tra vụ án ít ai ngờ này là viên cẩm Jacques Bayard, mà ký hiệu học đối với anh ta xem ra còn bí hiểm hơn cả chữ Tàu. Hỗ trợ cho anh giữa cái đám rối bù những “khoa học luận” và “trục cú pháp” xa lạ, là một giáo sư ngôn ngữ học trẻ, Simon Herzog. Rất nhanh chóng, cặp đôi lẻ bộ ấy đã lần ra đường dây của một tổ chức bí mật, tên là Câu lạc bộ Logos, chuyên về các vụ đấu đá tu từ học… Nhưng tại sao lại “Chức năng thứ bảy của ngôn ngữ”? Chả là đang có chuyện khám phá ra một chức năng mới của ngôn ngữ, có tính vạn năng, lại rất nguy hiểm, ngoài sáu chức năng kinh điển đã được người cha của ngôn ngữ học hiện đại Roman Jakobson xác định: “chức năng thứ bảy” cho phép thuyết phục được bất cứ ai làm bất cứ điều gì trong bất cứ tình huống nào”. Đấy là động cơ chính của tội ác. Vậy thì phải rà hết tất cả các nghi phạm, bất kể là ai, từ Foucault đến Derrida, từ Deleuze đến Philippe Sollers và Julia Kristeva, trong khi François Mitterrand đang chuẩn bị đẩy Giscard d’Estaing ra khỏi điện Élysée …
Bottom of Form
Tất nhiên, đây là chuyện đùa. Trên báo Le Nouvel Observateur ngày 1/9/2015, Grégoire Leménager viết:
“Nếu Binet gán những chuyện kỳ cục nực cười như vậy cho các thần tượng của Trường phái Lý thuyết Pháp, thì trước hết là nhằm đùa nghịch và mua vui cho độc giả. Và có thể nói, để làm cho được việc đó, ông không từ bất cứ điều gì. (Có những người [còn sống] đã cảm thấy bị tổn thương và tức giận, phản đối).
Tuy nhiên, “Chức thứ năng bảy” không hẳn chỉ là một kiểu bỡn dai thô lậu của kẻ tàn tật chậm tiến. Trước hết vì (trong khi điểm lại đời sống trí thức Pháp thông qua những khuôn mặt tiêu biểu nhất của nó) Binet đã nêu bật lên, theo lối rất nực cười của ông, một số những vấn đề lớn [của xã hội Pháp] những năm 1960 -1970 mà từ sau đó người ta có phần muốn quên đi: [vấn đề] quan hệ giữa tri thức và quyền lực, liên hệ giữa tu từ và chính trị, sức mạnh của những kẻ khéo mồm vốn rất giỏi trong nghệ thuật khiến cho chúng ta ngỡ bọn khốn nạn là người tốt (và ngược lại).
Lại nữa, bởi vì đối mặt với bọn dẻo mồm thuộc mọi kiểu tay sai, các bài học của Barthes ở đây rõ ràng là một ứng cứu: không phải ngẫu nhiên mà nhân vật chính của tiểu thuyết là một nhà ký hiệu học trẻ, có khả năng đọc rõ tính cách của một con người bằng cách chăm chú xem xét các chi tiết trong diễn ngôn và trong giọng điệu của anh ta. Tóm lại, “Chức năng thứ bảy” cũng là một gợi ý cần giải mã cặn kẽ (mọi lời nói).
Cuối cùng, bởi vì Binet, lặng lẽ, đã cho trượt đi thật xa những mối quan hệ thông thường giữa hư cấu và sự thật: trong khi bao nhiêu nhà văn khác bảo rằng họ nói sự thật, tuyệt chỉ có sự thật, toàn bộ sự thật, thì ông trưng cái mũi đỏ của ông ra đấy, nhắc chúng ta rằng ông làm trò hề, và lặp lại với ta, như Barthes đã nói ít lâu trước khi qua đời, rằng dẫu thế nào đi nữa “bao giờ ta cũng thất bại khi nói về những gì ta yêu””.
Nói thêm:
Nhiều tờ báo lớn của Pháp đã tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí cho là bất công, khi không thấy tên của Laurent Binet trong danh sách các ứng viên của giải Goncourt danh giá nhất năm nay.
Năm 2012 ông đã đoạt giải Goncourt dành cho tác phẩm đầu tay, với tiểu thuyết “HHhH”.
[1] Collège de France là một cơ sở giáo dục và nghiên cứu lớn và mở, nằm ở khu la-tinh, thuộc Quận 5, Paris, dạy những lớp cao cấp về khoa học, văn học và nghệ thuật, không cấp bằng, miễn phí và người học chỉ cần ghi danh. Là một địa chỉ văn hóa và giáo dục tiêu biểu của nước Pháp. Được bổ nhiệm Giáo sư ở Collège de France là vinh dự lớn nhất trong nền đại học Pháp.
[2] Flore: Tên một quán cà phê ở khu Saint Germain des Prés, nơi lui tới của các nhà văn, nghệ sĩ và trí thức nổi tiếng. Hiện có một Giải thưởng văn học hằng năm mang tên là Giải Flore.
[3] Vincennes: Trung tâm Đại học Vincennes, là một cơ sở đại học lớn, ra đời từ năm 1969 (sau sự kiện có tính chất nổi loạn đòi tự do của Phong trào sinh viên tháng Năm 1968). Làm việc ở đây có những nhà triết học, xã hội học, toán học,… tên tuổi như François Châtelet, Gilles Deleuze, Jean-François Lyotard, Dario Fo, Michel Foucault, Alain Badiou, Jean Bouvier, Yves Lacoste, Claude Chevalley, Jacques Lacan …