Một nét đẹp cần khai thác thêm khi dạy học thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám

Lê Hồ Quang

1. Nói về thơ Huy Cận, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã nhận xét: “Có người sẽ bảo thơ Huy Cận già. Già vì buồn, già vì hay kể lể những chuyện xưa. Nhưng trong đời người ta có tuổi nào hay buồn hơn tuổi hai mươi. Còn có tuổi nào hay vẩn vơ hơn. Tôi thấy thơ Huy Cận trẻ lắm” [7;128]. Nhận xét ấy thực chính xác, nó chỉ rõ điểm cốt yếu của tiếng thơ Huy Cận – ấy là tiếng thơ của một con người “trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng”[1]. Ta cũng có thể diễn đạt sự “trẻ lắm” ấy theo cách khác, đó là tươi mới trong xúc cảm và hiện đại trong thi pháp. Sự xác lập vị trí nhanh chóng và vững bền của Huy Cận trong phong trào Thơ Mới chắc chắn xuất phát từ chính sự trẻ trung, hiện đại này. Nhưng theo quan sát cá nhân tôi, ở trường phổ thông, khi nói đến thơ Huy Cận ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, cụ thể là trong tậpLửa thiêng, người ta thường quan tâm chú ý và đề cao phần “già” (nỗi sầu nhân thế – vũ trụ, vẻ đẹp cổ điển, tính chất tượng trưng, phổ quát…) hơn là phần “trẻ” (sự mới mẻ, hiện đại, thanh tân)[2]. Điều này càng được nhấn mạnh khi trong chương trình Ngữ văn THPT hiện hành, Huy Cận được dạy học cùng (và thường được đặt trong mối liên hệ so sánh, đối chiếu) với Xuân Diệu, người bạn thơ thân thiết của ông, cũng là một tác gia hàng đầu thời Thơ Mới. Đành rằng, việc định danh thơ Huy Cận thời Lửa thiêng bằng các định ngữ như “hàm súc, giàu suy tưởng, triết lý”, “cái tôi cô đơn trước thiên nhiên”, “vẻ đẹp cổ điển”, “họa điệu giữa hồn người và tạo vật”, “lòng yêu nước thầm kín thiết tha”, “sầu nhân thế” [3] là hoàn toàn đúng (và những đặc điểm này thể hiện rất rõ qua Tràng giang, bài thơ được chọn dạy học trong chương trình Ngữ văn THPT hiện hành). Nhưng thơ Huy Cận thời kỳ này không chỉ có vậy. Nhiều bài trongLửa thiêng rất tươi mới và giàu xúc cảm cá thể, chỉ có điều chưa đến được với rộng rãi bạn đọc. Điều này khiến nhiều độc giả trẻ trong nhà trường thường có ấn tượng không đầy đủ, nếu không nói là khá phiến diện về thơ Huy Cận. Do đó, họ chủ yếu đọc/ nghĩ về ông như một tác giả thơ tuy giàu triết lý, có vẻ đẹp cổ điển và tao nhã nhưng khá xa cách với tuổi trẻ.

Vì những lẽ trên, tôi nghĩ rất cần nói thêm về nét đẹp thanh xuân, tươi mới trong Lửa thiêng của Huy Cận. Không phải để phủ nhận những giá trị thẩm mỹ đã được khẳng định từ trước đến nay, mà để bổ sung và nhấn mạnh thêm tính phong phú của những giá trị ấy trong thơ Huy Cận. Và cũng là để khẳng định thêm rằng Huy Cận không chỉ là một nhà Thơ mới giàu tính cổ điển, ông cũng chính là nhà thơ của tuổi trẻ và tình yêu. Thơ ông không chỉ tao nhã, mực thước mà còn rất trẻ trung, hiện đại; không chỉ hài hòa, điêu luyện mà còn đầy xúc cảm, được thể hiện qua một bút pháp mới mẻ, giàu cá tính. Sức hấp dẫn của thơ Huy Cận đối với độc giả, một phần không nhỏ, bắt nguồn từ đây.

2. Như phần lớn các tác giả Thơ Mới, Huy Cận viết Lửa thiêng khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhãn quan thơ của Huy Cận là nhãn quan của một con người trẻ tuổi, tài hoa và nhạy cảm. Nhãn quan này chi phối trên nhiều phương diện thơ ông, từ hình tượng cái tôi, đến không gian, thời gian được mô tả, tái hiện. Trong Thơ Mới, có lẽ Huy Cận là người viết nhiều nhất về cái trẻ – tươi – non của tuổi hoa niên trong đời người.

Bởi vậy, cũng thật dễ hiểu khi cái tôi trữ tình trong thơ ông được khắc họa chủ yếu qua phương diện tâm hồn, tấm lòng (nghĩa là phương diện tinh thần, xúc cảm), mà lại là lòng mới nở, lòng mới mẻ, lòng trai thơm ngát, lòng trai mở cánh yêu, lòng hoan lạc, lòng mê say, lòng non dại… Mơ, mộng, do đó, trở thành một dấu hiệu thẩm mỹ nổi bật để nhận diện chân dung đích thực của cái tôi này: Yêu giữa đời mà hồn ở trong / Tình rộng quá, đời không biên giới nữa (Tình tự); Dịu dàng áo trắng trong như suối/ Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay (Áo trắng); Bàn tay vơ vẩn đưa trang sách/ Mộng tưởng phiêu lưu bức địa đồ (Học sinh); Lòng anh mở với quạt này/ Trăm con chim mộng về bay đầu giường (Ngậm ngùi); Tương tư hướng lạc, phương mờ/ Trở nghiêng gối mộng hững hờ nằm nghe (Buồn đêm mưa); Mà nếu không yêu mà thừa yêu mến/ Cứ thả mộng cho lòng tôi ghé bến (Cầu khẩn)… Hình ảnh “Chàng trai gối mộng trên trang sách”, do đó, có thể xem là một hình ảnh mô tả đời sống học sinh giàu thi tính của Huy Cận, đồng thời cũng gợi ra một bối cảnh học đường hiện đại, đã rất khác so với thời trước đó.

Không gian của của tuổi hoa niên trong thơ Huy Cận, bị chi phối bởi nhãn quan lãng mạn, nhất định phải là không gian của hương thơm và sắc màu. Có sắc màu thực: “Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương”; Có màu sắc mộng ảo: Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong. Và rộng hơn, mộng và thực giao hòa trong “màu tươi” sự sống: “Bắt gặp màu tươi lên rún rẩy/ Trong cành hoa trẻ cổ chim non”. Và hương thơm. Rất nhiều hương thơm. Là hương thực, của “Luống đất thơm hương mùa mới dậy”, của “hoa lá nở chuông rền giọng thắm”; của “xuân trải lụa muôn tờ lá non”, của “lá thơm như thể da người, lá thơm”… Nhưng hương thơm ấy, xét đến cùng, cũng là hương lòng, hương tình, khởi tỏa từ trong những hồn thanh tân: “Thơm tho quá, lòng ơi, vườn mới xới”. Từ những chi tiết, hình ảnh cụ thể, tươi tắn, nhà thơ đã đẩy tới sự hình dung bao quát về Đời như một “cõi biếc” ở đó, Thơ, Nhạc, Cái Đẹp, Tình yêu quyện vào nhau, khăng khít không rời: Chở hồn lên tận chơi vơi/ Trăm chèo của Nhạc muôn lời của Thơ (Trông lên).

3. Với Huy Cận, vẻ đẹp thanh xuân của con người tập trung ở lứa tuổi hoa niên. Không gian của lứa tuổi ấy là không gian học đường, của sách vở, sân trường, ngói nâu, tường trắng, cửa gương với tiếng học bài và những rung động dịu nhẹ, trắng trong, thầm kín thuở đầu đời.

Tựu trường là một bài thơ xuất sắc của Huy Cận về đề tài tuổi học trò. Ngôn ngữ thơ tự nhiên, trong trẻo, diễn tả trọn vẹn cái cảm giác “giờ nao nức của một thời trẻ dại”. Không cầu kỳ, trau chuốt “dụng chữ”, Tựu trường tự nó có những điểm rất khác biệt với Tràng giang, Ngậm ngùi, Vạn lý tình, Đẹp xưa…, nghĩa là những bài đạt đến độ điêu luyện cổ điển, vốn được xem là tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận từ trước đến nay. Tựu trường là một bản hòa sắc giản đơn mà rực rỡ giữa “linh hồn bằng ngọc” của “những chàng trai mười lăm tuổi” và những sắc màu nguyên bản của không gian: “quần áo trắng”, “ngói nâu, tường trắng”. Cả một hệ thống tính từ dày đặc được huy động để diễn tả cái nao nức, non tơ, trong trẻo trong những rung động tâm hồn: nao nức, trẻ dại, non dại, mới mẻ, ngập ngừng, run run, rụt rè, ấm áp, xôn xao, tin cậy, thơm ngát… Cảm giác về sự tươi mới, thanh tân xuyên suốt Tựu trường:

– Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ

– Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp

– Đêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn

Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát

Vật dụng học trò được mô tả trong Tựu trường rất thú vị, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh chiếc “rương nhỏ nhỏ”. Là một bài thơ mang đậm tính lãng mạn, nhưng chi tiết chiếc rương này lại rất hiện thực. Nó gợi dậy những ký ức học trò, những ngày trọ học, đánh dấu bước tự lập đầu tiên của tuổi thiếu niên. Cái rương, do vậy, không chỉ cất giữ vật dụng sinh hoạt cá nhân, nó cất giữ cả linh hồn thời hoa mộng với biết bao nỗi xôn xao thầm lặng ở trong rương. Cái hay của bài thơ này, dẫu vậy, không nằm trong những câu thơ lẻ, hay những chi tiết ấn tượng mà nằm trong “trường không khí” “nao nức” “xôn xao” của buổi tựu trường, cũng là của tuổi học sinh thần tiên, mà nhà thơ đã biến thành không gian của cõi “Đào viên”.

Cũng chính ở Tựu trường, tiếng lòng “trẻ dại” ấy đã được chuyển tải bằng một bút pháp mới mẻ mà vẫn hết sức tự nhiên. Bài thơ mở đầu có vẻ đột ngột bằng một câu cảm thán: Giờ nao nức của một thời trẻ dại! Tiếp đó là lời kêu gọi cũng xao xuyến, bồi hồi không kém: Hỡi ngói nâu, tường trắng, cửa gương!Phá bỏ sự ngay ngắn, đối xứng, nhịp nhàng, những câu thơ không ngắt dòng theo khuôn khổ định sẵn mà ngắt theo nhịp nói, cũng là nhịp lòng cần thổ lộ, giãi bày, tạo nên sự “vắt dòng” hồn nhiên, tươi tắn:

Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường

Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc

Sắp hạnh phúc như chương trình lớp học

Buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên

Trong sân trường tưởng dạo giữa Đào viên

Rõ ràng, đây là một thứ ngôn ngữ, hình ảnh khá “mộc”, rất khác với thứ ngôn ngữ, hình ảnh trong những bài thơ như Tràng giang, Đẹp xưa… đã nhắc đến ở trên. Nhưng tôi lại thấy thú vị chính ở những “câu thơ điệu nói” này. Nó cho thấy một Huy Cận trẻ trung “đúng tuổi”, “đúng giọng”. Nó cũng cho thấy nét đẹp mộc mạc tươi trẻ của hồn người.

Một nghịch lý là dù khi bắt đầu sáng tác, các tác giả Thơ Mới phần lớn đều ở tuổi hoa niên, song mảng thơ nói về đề tài học trò trong Thơ mới không nhiều. Ngoài Huy Cận và Xuân Diệu, ta có thể tìm thấy thêm một số ít bài như Quyển vở nháp, Chủ nhật, Những ngày nghỉ học, Trường xưa của Tế Hanh, Nghỉ hècủa Xuân Tâm… Về đề tài này, những bài đáng chú ý của Xuân Diệu là Giới thiệu, Trò chuyện với thơ thơ, Lưu học sinh… Tuy nhiên, tuổi học trò dường như không phải đích chính trong cảm hứng thơ Xuân Diệu, ông quan tâm đến những tình cảm luyến ái đắm đuối hơn là vẻ đẹp tự thân của tuổi học trò. Huy Cận thì khác. Tuổi học trò với ông dường như mang chứa một thứ ánh sáng và niềm vui đặc biệt khác lạ. Đời học sinh, trong mắt ông, được mô tả với rất nhiều tâm tình trìu mến. Và trong những tâm tư bẽn lẽn kín đáo của tuổi học trò, ông nhìn thấy ở đó vẻ đẹp ban sơ, trinh bạch trong tâm hồn con người và đời sống vũ trụ, lúc khởi thủy. Và do vậy, dù số lượng không nhiều, song những bài thơ viết về tuổi học trò của ông luôn toát lên vẻ đẹp và sức sống riêng.

Đương nhiên, khi nói về tuổi thanh xuân, nói về tiếng lòng “mới nở”, không thể không nói đến đề tài tình yêu lứa đôi. Tôi muốn dùng chính tên một bài thơ của Huy Cận – Áo trắng, để khái quát về chủ đề tình yêu trong thơ ông thời Lửa thiêng, một tình yêu đơn sơ, trắng trong, gắn liền những “xôn xao thầm lặng” của “thời trẻ dại”. Tình yêu đầu đời ấy đã được diễn tả hết sức tinh tế trong nhiều bài thơ, tiêu biểu là Áo trắng:

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong

Hôm xưa em đến, mắt như lòng,

Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,

Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;

Em xinh đôi má nắng hoe tròn,

Em lùa gió biếc vào trong tóc

Thổi lại phòng anh cả núi non.

Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời

Hồn em anh thở ở trong hơi.

Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,

Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.

Đôi lứa thần tiên suốt một ngày,

Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.

Dịu dàng áo trắng trong như suối

Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.

                        (Áo trắng)

Nếu trong thơ Hàn Mặc Tử, hình ảnh áo trắng gợi nên biết bao cách biệt và nỗi xót xa (Áo em trắng quá, nhìn không ra), thì trong thơ Huy Cận, nó đã trở thành biểu tượng cho sự gặp gỡ và hòa hợp (Dịu dàng áo trắng trong như suối – Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay). Nếu với Hàn Mặc Tử, Em chỉ đến trong mộng, thì với Huy Cận, Em đã đến trong đời. Nhưng sự xuất hiện của Em luôn được tác giả “mộng hóa”. Ông đồng nhất Em với Áo trắng. Áo trắng trở thành một biểu tượng trùng khít với Em, với sự đơn sơ và trong trắng của tâm hồn. Ông còn siêu nhiên hóa sự xuất hiện của Em bằng một loạt ẩn dụ: Nở bừng ánh sáng, gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng; khiến Em hiện ra với tư thế thánh nữ: Em ban hạnh phúc chứa đầy tay. Và ông còn đặt Em trong độ lùi thời gian, nhằm tạo ra độ mờ nhòe cần thiết cho hình tượng: Hôm xưa em đến… Cách mô tả vẻ đẹp thể chất của con người ở đây nhằm gây ấn tượng về sự hoàn mĩ, chứ không nhằm khêu gợi những rung động nhục thể. Chính vì vậy, dù có nhắc đến những môtíp như tay, má, môi, ngực… nhưng Huy Cận luôn trung thành với cái ngưỡng cảm xúc thẩm mĩ của mình. Hoặc ông chọn những thi liệu ít nhiều đã quen thuộc trong thơ xưa, gợi nhiều ý nghĩa tượng trưng, ước lệ (đôi mắt, nụ cười) hoặc sử dụng những cách diễn tả riêng nhằm mục đích “tinh thần hóa” vẻ đẹp vật chất của con người.

Sự đồng nhất hồn người với những trạng thái tinh thần như “mới mẻ”, “trong trắng”, “thơm ngát”… cũng sẽ tạo nên một đặc tính trong thơ tình Huy Cận: trong sáng, nên thơ và thiên về những trạng thái rung động nhẹ nhàng của tâm hồn. Điều này ta cũng thấy trong những câu thơ tình rất đẹp của ông thuở thiếu thời:

– Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn

Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ

Một hôm trận gió tình yêu lại

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ

(Học sinh)

– Có chàng ngơ ngác tựa gà trống

E đến trăm năm còn trẻ thơ

Tám tuổi một chiều trong rạp xiếc

Yên nàng cưỡi ngựa uốn thân tơ

(Rạp xiếc)

– Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung

Có ai đàn lẻ để tơ chùng

Có ai tiễn biệt nơi xa ấy

Xui bước chân đây cũng ngại ngùng

(Nhớ hờ)

Rõ ràng, đấy là một nhãn quan tình yêu tuổi thiếu thời rất khác với Xuân Diệu, hay Hàn Mặc Tử hay Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính… của thời Thơ Mới. Và cũng rất khác với thơ Nguyên Sa hay Nguyễn Tất Nhiên về sau này. Nhưng không chỉ dừng lại ở mô tả tình yêu trong những trạng huống mang tính tượng trưng phổ quát, sự nhạy cảm cá nhân còn dẫn Huy Cận đi sâu hơn vào những trạng thái cảm xúc vi tế và lắng đọng nhất của tâm hồn. Đi giữa đường thơm là một ví dụ. Tình yêu ở đây được mô tả như một trạng thái tự lắng nghe, tự thẩm thấu của con người. Không gian ở đây được xác định bằng những chi tiết cụ thể: Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm/ Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm… Nhưng đó cũng là một không – thời gian của mơ mộng. Một không – thời gian của của “màu vĩnh viễn”, khi những đường ranh cụ thể của nó đã bị xóa nhòa bởi sự hòa hợp quấn quít giữa màu sắc, hương thơm và trí tưởng tượng:

Lên bề cao hay đi xuống bề sâu?

Không biết nữa. – Có chút gì làm ngợp

Trong không khí… hương với màu hòa hợp

Một buổi trưa không biết tự thời nào

Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao…

Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ

Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự

Buổi trưa này xưa kia ta đã đi

Phải cùng chăng? Lòng nhớ rõ làm chi!

Ở đây, cái tôi nhà thơ vừa là chủ thể đứng ra giãi bày cảm xúc, suy nghĩ, vừa là cái khách thể được mô tả, tái hiện qua/ trong con mắt chủ thể ấy. Điểm nhìn bắt đầu từ bên trong, mở ra với những sự kiện, hành động, cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trữ tình: Đường trong làng – người cùng tôi đi dạo – chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng… Tuy nhiên, thay vì những cảm xúc được tỏ lộ một cách mãnh liệt, ồn ào, ở đây ta sẽ thấy một đặc tính riêng trong cái nhìn của Huy Cận, ấy là cái nhìn ngẫm nghĩ, phân tách tự bên trong. Nhân vật trữ tình vừa nhập vai vào đối tượng mô tả (tôi) đồng thời, rất tự nhiên, tách ra khỏi chính mình để quan sát, và sự tự quan sát ấy chi phối rất rõ đến mọi hành động (chừng như hết sức nhỏ nhặt, không đáng kể) của anh ta:

Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình

Như sắp nói, nhưng mà không; – khóm trúc

Vừa động lá, ta nhận vào một lúc

Cả không gian hồn hậu rất thơm tho;

Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ…

Trong cảnh lặng, vẫn đưa mùi gió thoảng…

Trí bâng khuâng nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều:

“Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”.

Chân đang bước bỗng e dè dừng lại

– Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại…

Từng phân cảnh thay đổi của không gian, cũng là phân cảnh – diễn tiến của xúc cảm. Ít nhất, ta thấy ở đây mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, cái tôi Huy Cận không ưa giãi bày, thổ lộ ồn ào mà ưa tự phân tích, cắt nghĩa nội tâm, cảm xúc. Thơ Huy Cận không thiếu cảm xúc, cá tính, chỉ là ông lựa chọn cách thể hiện cảm xúc, cá tính theo cách khác, so với những nhà thơ cùng thời, đặc biệt khác với Xuân Diệu. Nếu Xuân Diệu sôi nổi, nồng nhiệt thì ông tỉnh táo, tinh vi. Nêu Xuân Diệu ưa bộc lộ, giãi bày trực tiếp thì ông ưa mô tả và lặng lẽ suy ngẫm. Thứ hai, sự kết hợp, song hành giữa các yếu tố đối lập: cá biệt hóa – trừu tượng hóa; hiện tại hóa – vĩnh viễn hóa; cảm xúc hóa – lý trí hóa trong thơ Huy Cận, do đó, là một xu hướng phổ biến. Cũng ở ông, ta thấy khá rõ tính tiết chế trong việc biểu lộ xúc cảm cá nhân, do vậy, giọng trữ tình tươi tắn nhưng vẫn từ tốn, điềm đạm.

4. Dĩ nhiên, bên cạnh cái nhìn và giọng điệu tươi trong, “rún rẩy” về thế giới này, đã sớm trỗi lên trong Lửa thiêng, điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung chỉ ra, một cảm xúc và giọng điệu bi thương sầu muộn, chất chứa ngay trong bài đầu tiên, và sau đó là nhiều bài khác nữa:

– Hỡi Thượng đế! Tôi cúi đầu trả lại

Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang.

Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái!

Nhận tôi đi, dù địa ngục, thiên đường.

(Trình bày)

– Đêm mưa làm nhớ không gian

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…

Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn.

(Buồn đêm mưa)

– Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển,

Suốt một đời như núi đứng riêng tây,

Lòng chàng xưa chốn nọ với nơi này

Đây hay đó chỉ dựng chòi cô độc

(Mai sau)

Những chất liệu của đời sống thực đã được tái tạo lại trong tâm hồn thi sĩ rất mực nhạy cảm và tài hoa, người dễ dàng “tủi nắng sầu mưa/ Cùng đất nước và nặng buồn sông núi”, thành mối “sầu vạn kỷ” bao trùm vũ trụ và hồn người. Dĩ nhiên ta không nên quy chiếu nguyên nhân nỗi buồn sầu trong thơ một cách trực tiếp, đơn giản vào đời tư tác giả. Những tình cảm, cảm xúc trong thơ nói riêng, nghệ thuật nói chung không đơn thuần hình thành từ những lý do xã hội học. Nhà thơ đã chia sẻ điều này qua một số lần trao đổi, trò chuyện [4; 226-227]. Điều này cũng đã được nhiều nhà phê bình, nghiên cứu nói tới (Hoài Thanh, Xuân Diệu, Hà Minh Đức, Trần Khánh Thành, Đỗ Lai Thúy…). Sự thực buồn, sầu là một đối tượng phản ánh, cũng là một giá trị thẩm mỹ nổi bật trong thơ lãng mạn. Lưu Trọng Lư tuyên ngôn: Thuyền yêu không ghé bến sầu/ Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng. Chế Lan Viên tuyên bố: Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau. Nỗi buồn sầu trong thơ Vũ Hoàng Chương thê thiết não nề. Nỗi buồn sầu trong thơ Hàn Mặc Tử được đẩy đến mức “điên cuồng”, “tê điếng”. Buồn sầu, trong thơ Xuân Diệu cũng được nói đến khá thường xuyên, như một âm bản không thể tách rời lòng yêu đời vồ vập cuống quít, một thứ “đặc sản” của “ông hoàng thơ tình”.

Nhưng nỗi buồn sầu đó không thể át được dòng mạch thanh xuân trong những câu chữ của Lửa thiêng. Sự thật là, xuyên qua những câu thơ viết về nỗi buồn của Huy Cận, ta vẫn nhận ra tấm lòng yêu đời mạnh mẽ, trong lành. Sự ngọt ngào trong trẻo của những tình cảm, xúc cảm tuổi hoa niên, hay lòng yêu đời thiết tha chan chứa khiến ông có thể nhìn ra được mạch sống ấp ủ trong vạn vật và sau này sẽ đẩy ông đi xa hơn đến với sự gần gũi nhân quần. Cái nhìn tươi tắn, lạc quan ấy xuất phát từ một “hồn trẻ mạnh” – cái tôi ở tuổi xuân thì của tác giả. Nó cũng được hỗ trợ bởi cảm quan thẩm mỹ của thời đại Thơ mới, khi ý thức cá nhân xuất hiện trong đời sống thị dân một cách công khai, và được xem như một giá trị trong sáng tạo nghệ thuật.

Sự kết hợp giữa tính chất cảm nghiệm trực tiếp với tính chất triết lý siêu hình đã tạo nên một cấu trúc thơ độc đáo, thể hiện ngay từ tên thi phẩm: Lửa thiêng. Nó vượt lên những kinh nghiệm cá nhân để khái quát về nhân quần và thế giới bằng thông qua/ bằng một nhãn quan vũ trụ mang tính siêu nghiệm. Điều này khiến thơ tình Huy Cận không dừng lại ở việc mô tả chính xác, tinh vi những cảm xúc đầu đời của cái tôi cá nhân (mặc dù đó cũng là một thành công đáng kể). Những tình cảm, cảm xúc ấy, trong thơ Huy Cận, như đã phân tích trên, luôn được nhìn nhận, mô tả trong sự suy tư có tính phổ quát về đời sống nhân thế, vũ trụ, vốn là những yếu tố có thể tạo nên một tầm vóc thẩm mỹ khác hẳn, so với kiểu thơ tình học trò thuần túy. Như vậy là, nằm trong chỉnh thể Lửa thiêng, những bài thơ tình của Huy Cận một mặt tạo nên vẻ đẹp tươi mới, đầy xúc cảm và thi vị, mặt khác, chúng cũng hoàn toàn thống nhất với mạch cảm hứng chung của toàn tập, khi những cảm xúc về tình yêu, về tuổi hoa niên hòa trộn với những ưu tư về đời sống nhân thế, về vũ trụ. Chúng tạo nên một sắc thái thẩm mỹ đặc thù trong sáng tác của ông giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.

5. Theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông mới [4], Huy Cận vẫn sẽ là một tác giả không thể thiếu trong chương trình môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần thiết phải bổ sung, mở rộng thêm trong cách nhìn, cách mô tả và lý giải về thơ ông. Đặt trong yêu cầu phát triển chương trình môn Ngữ văn, việc dạy học về tác giả này, một mặt, cần được nhìn rộng ra, trong sự mô tả bao quát hơn, đồng thời gần gũi hơn với năng lực và thị hiếu thẩm mỹ của học sinh phổ thông. Bên cạnh Tràng giang, ta rất nên mở rộng hướng dẫn học sinh tiếp cận với một số tác phẩm khác của Huy Cận, để hiểu hơn về ông, và quan trọng hơn, để học sinh nhận ra được cái lý do thật sự đã biến ông, cùng với người bạn thơ thân thiết của mình – Xuân Diệu, trở thành những ngôi sao sáng chói trên thi đàn Thơ Mới. Từ đó, để các em đón nhận ông không phải như một tác giả đã thuộc hàng cổ điển và xa lạ, mà là một đại diện đích thực của tâm hồn những con người trẻ tuổi.

Tóm lại, về phía cá nhân, tôi hoàn toàn đồng thuận với ý kiến đánh giá của các nhà nghiên cứu đi trước về giá trị và vẻ đẹp thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám, cụ thể trong tập Lửa thiêng. Tôi cũng hiểu rằng, với giới hạn chương trình phổ thông hiện nay, việc lựa chọn Tràng giang là có lý và những định danh về thơ Huy Cận thông qua Tràng giang, như đã nói trên, là có cơ sở. Vấn đề là, Huy Cận không chỉ có mỗi Tràng giang. Và học sinh phổ thông rất cần được mở rộng sự hiểu biết để có một vốn tri thức căn bản cũng như cách đọc hiệu quả hơn về tác giả này. Sự thực là thơ Huy Cận, chính ở phần ít được nói đến trong nhà trường ấy, lại hết sức gần gũi với lứa tuổi học trò, do đó, nó có khả năng nuôi dưỡng và làm nảy nở ở các em niềm vui thích tự nhiên với thơ ca, với văn học. Qua sự bồi đắp tự nhiên đó, ta có thể dần hình thành cho học sinh những tình cảm tốt đẹp cũng như năng lực cần thiết trong việc đọc thơ Huy Cận nói riêng, và xa hơn là đọc thơ hiện đại nói chung, một mục tiêu căn bản, thiết thực đang được đặt ra trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vinh, 30/5/2019

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Bộ giáo dục và Đào tạo, Phan Trọng Luận tổng chủ biên (2007), Ngữ văn 11, tập 2, Nxb Giáo dục.

2) Bộ giáo dục và Đào tạo, Trần Đình Sử tổng chủ biên (2007), Ngữ văn 11, nâng cao, tập 2, Nxb Giáo dục.

3) Huy Cận (2011), Huy Cận toàn tập, tập 1 (2011), Nxb Văn học.

4) Hà Minh Đức (2013), “Câu chuyện về Lửa thiêng của nhà thơ Huy Cận”, Một thế hệ vàng trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Thuận Hóa.

5) Nhiều tác giả (1999), Thơ mới 1932 – 1945, tác giả và tác phẩm, Lại Nguyên Ân tập hợp và biên tập, Nxb Hội Nhà văn.

6) Nhiều tác giả (2003), Huy Cận, về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục.

7) Hoài Thanh, Hoài Chân (1996) Thi nhân Việt Nam 1932 -1941, bản in lần thứ 12, Nxb Văn học.


[1] Cụm từ này trích trong Lời đưa duyên, lời tựa của Xuân Diệu viết cho tập Thơ thơ (1938) của ông. Tôi muốn dùng chính cách diễn đạt này để nhấn mạnh đặc tính trẻ trung trong thơ Huy Cận.

[2] Xin dẫn ra vài nhận định trong SGK Ngữ văn hiện hành. SGK Ngữ văn cơ bản, Nxb Giáo dục, 2007: “Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng, triết lý”, “Tràng giang là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Huy Cận. Theo tác giả, bài thơ này được viết vào mùa thu 1939 (in trong tập Lửa thiêng) và cảm xúc được khơi gợi từ cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước” (tr. 28); “Qua bài thơ mới mang vẻ đẹp cổ điển, Huy Cận đã bộc lộ nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha” (tr. 30); SGK Ngữ văn nâng cao, Nxb Giáo dục, 2007: Trong phần nêu kết quả cần đạt: “Cảm nhận được nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên mênh mông hiu quạnh, trong đó thấm đượm cả nỗi sầu nhân thế và tấm lòng yêu nước thầm kín của thi sĩ”, “Nhận ra được những vẻ đẹp cổ điển trong một bài thơ mới”; “Huy Cận luôn khao khát và lắng nghe sự hòa điệu giữa hồn người và tạo vật, giữa cá thể với nhân quần” (tr. 48).

[3] Xin xem thêm phần dẫn ở chú thích trang 1.

[4] Chương trình Giáo dục phổ thông sau 2019.

Nguồn: https://lehoquang1312.blogspot.com/2019/06/mot-net-ep-can-khai-thac-them-khi-day.html?spref=fb&fbclid=IwAR2PihPvkCkz-HvIUTmq6ZTmLwSwp_z2zAQTlMJE3Pdn4spUBkr4sP3QTAs

Comments are closed.