Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 144): Nguyên Nhi – Mạn ngược

Nguyên Nhi sinh 1950 và mất ngày 18 tháng 10 năm 2013 tại Dallas-Texas, tên thật là Nguyễn Văn Nhiều, nguyên Hải quân Trung úy VNCH đã từng theo học khóa huấn luyện OCS Trần Hưng Ðạo tại Hoa Kỳ và tham gia trận chiến bảo vệ Hoàng Sa trên khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư. Nguyên Nhi còn là phu quân nhà văn Phạm Chi Lan (1961-2009), sáng lập kiêm Chủ biên tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, tạp chí Internet đầu tiên của người Việt tỵ nạn.

clip_image002

Tôi thường gọi con bé khoảng tám giờ sáng. Tám giờ sáng bên này, mùa này, là chín giờ tối bên đó. Hai chị em nó vừa xong cơm nước, sửa soạn đi ngủ. Và thường thì bao giờ con bé cũng bắt điện thoại.

“Chiều qua ba đã được thư con. Ba thích lắm! Con viết thư hay quá! Mà hình hai chị em cũng đẹp nữa”

“Vậy hả ba?” Con bé cười. “Con chụp ở một công viên cạnh viện, hôm đi tiếp huyết tháng rồi đấy! Lần đầu tiên trong đời con được chụp hình, vui quá ba ạ.”

Tôi thích nghe giọng cười con bé. Trong veo. Như tiếng nước róc rách con bé cho tôi nghe một lần qua điện thoại, khi bọn trẻ nô đùa bên giòng suối. Thư con bé, “Thế đấy ba ạ! Niềm vui của con từ con đường làng, từ dòng suối mát, từ mái nhà tranh… Giờ đây con đã có một cửa hàng nho nhỏ, ngày ngày con và chị buôn bán các thứ lặt vặt, nói chuyện với khách mua mà trong lòng đầy niềm vui vì con nghĩ ít ra thì con cũng có thể giúp ích được cho mọi người và không còn là một cô bé yếu ớt, bệnh tật, vô tích sự như trước kia nữa…”

Tôi yêu giọng cười hai đứa bé. Nhìn chung, quanh tôi thiếu nụ cười. Nhiều khi ngay cả nụ cười xã giao. Tôi cũng vậy, đã góp phần làm cho xã hội này thêm phần ảm đạm. Thế giới đã không có đủ tiếng cười, nhất là những tiếng cười hồn nhiên thơ dại. Đã dứt chuyện lùm xùm về ngày tận thế, có người đang bàn về một niên đại mới Mayan. Tôi thường gọi cho hai con bé lúc lười nhác, dợm khởi đầu cho một ngày làm việc vẩn vơ, chỉ để hình dung ra sự ngây thơ của một nền văn minh mới tượng hình. Tôi yêu những giọng cười non trẻ.

“Thế hôm nay hai con định làm gì?”

“Chiều nay con nấu cơm lam ba ạ. Mai tụi con lại lên viện rồi! Mang đặc sản cơm lam đãi người trong viện. Tết mà ba! A… Con chúc Tết ba.”

0O0

Lại một năm nữa qua. Tôi vẫn loay quay với nỗi buồn sâu kín, loanh quanh với quyển tiểu thuyết chưa định hình. Và có thể không thành hình. Buổi sáng đầu xuân không dủ ấm cho một vòng tản bộ dưói những hàng cây vừa đâm búp lá. Buổi tối không đủ lạnh để dốt lên bếp sưởi. Phố có đông hơn. Người có vui hơn. Nhưng tôi đố có tiếng vui như tiếng cười con bé.

Mùa xuân, có cơn bão sớm đánh tan tác mấy vạt hoa vừa chớm nụ. Tôi và những ngày ảm đạm và nỗi lo lắng vẩn vơ về những điều có thể không bao giờ xảy ra. Vẫn tẩn mẫn cố nối kết những hình ảnh rời rạc và tách rời những ý tưởng nhập nhằng. Đôi khi, xen vào là những buổi chuyện trò đốp chát với một nhân vật hư ảo nào đó. Khi ấy, những hình ảnh khói sương thoắt biến thoắt hiện, tôi cố chộp lấy như người mộng du, rồi lần nào thì hình ảnh tôi tưởng lưu giữ được bỗng tan loãng khói sương. Có lúc, lúc tôi vừa nhặt cây đàn thùng dưới sàn nhà, sắp buông vài nốt nhạc buồn, thì những hình ảnh ấy lại chập chờn hiện lên, giễu cợt.

“Anh nhất định không về lại quê nhà?”

“Tôi không có, không còn cái mà anh gọi là chốn quê nhà”

“Tôi không nghĩ là anh nói nghiêm chỉnh. Anh vẫn còn quan tâm nhiều đến những gì đang xảy ra bên đó mà.”

“Rất nghiêm chỉnh, tôi chỉ quan tâm đến những gì trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của những người thân yêu của tôi bên đó. Tôi còn nhiều người thân yêu bên đó.”

“Vậy cũng tốt. Chính những điều đó sẽ giúp ký ức và tình yêu anh sống lại”

“Anh tưởng vây sao? Anh muốn nói đến tình yêu gì? Tình quê? Một tuổi thơ nhọc nhằn, một thanh xuân đổ máu vào cuộc chiến khởi xướng từ các anh, tháng ngày tù đày khi tàn cuộc, những năm dài bị hất ra bên lề xã hội, rồi một khuya lầm lũi ra đi như trốn chạy, dè chừng cả bóng lá, chỉ sợ một tên chó đẻ bá vơ nào đó ngáng chân… Anh tưởng tôi hào hứng với những điều ấy lắm à?”

“Anh… cay đắng quá! Điều đó không giúp anh vượt qua mâu thuẫn trong chính anh. Không ai quên được quá khứ bản thân mình. Ít ra anh cũng đã nửa đời… bên đó.”

“Có thể anh đúng. Vậy, tôi cố quên và không bao giờ có mặc cảm tội lỗi về sự bạc bẻo của mình. Anh đừng dẫn dắt ký ức tôi đến tình hoài hương, lòng ái quốc nhé… Tôi chỉ còn những người thân yêu bên đó…”

0O0

Tôi biết hai con bé, tình cờ, qua một phóng sự trên một đài phát thanh Việt ngữ bên này. Nhờ người nữ phóng viên, tôi liên lạc được với hai đứa bé “bé như hai que kẹo”, và rất nhanh, sau vài lần nói chuyện, chúng tôi xem nhau như nghĩa bố con. Hai con bé gọi tôi là “ba” như người Nam Kỳ vẫn hay gọi, và khi nói chuyện với hai đứa, tôi cố tìm ra nhiều tiếng Bắc Kỳ. Hai đứa bé người dân tổc miền núi này giỏi tiếng kinh, tiếng Việt hơn tôi tưởng. Giỏi hơn nhiều người viết ở nước ngoài! Nhiều lúc tôi phát khóc khi nhìn ảnh hai que kẹo. Que chị, hăm bốn, chỉ cao tới vai que em, mười lăm. Mà que em cũng chỉ cao ngang đầu ngọn lau đồng. Chúng dựng tay thành hình mẫu tự V. Ai dạy hai que kẹo miền núi này thế hả? Bàn tay hai que kẹo cũng có biểu tượng V. Các con tôi chiến thắng điều gì? Đã nhiều năm, mỗi một tháng mười ngày nằm viện, tiếp máu, thải sắt, hai mươi ngày về núi với lỉnh kỉnh thuốc men, chúng chiến thắng điều gì?

“Con biết tụi con không thể sống như một người bình thường ba ạ. Con không thể lập gia đình và bệnh không thể nào trị dứt. Đời sống tụi con không dài…”

“Này này, không nên, không được nghĩ thế! Mọi sự rồi sẽ tốt đẹp! Lúc nào cũng phải vui con nhé”

Tôi vẫn thế, vẫn như thiên hạ, hay khuyên nhủ người khác làm những điều mình không thể.

“Vâng… lúc nào con cũng có chuyện vui ba ạ. Và lúc nào con cũng cố làm người chung quanh vui. Ba không phải lo, không có gì quật ngã được con ba ạ.”

Tôi đã tưởng tôi cho hai con bé những điều chúng cần, không ngờ tôi lại nhận, lại học nhiều từ chúng. Nhưng tôi không thực hành được gì. Tôi thấy chung quanh tôi không còn chuyện vui. Tôi không có chuyện vui. Và trong những tiệc rượu tàn tôi thường làm mọi người khó chịu. Tôi cục cằn, khiếm nhã, nhiều khi chỉ muốn cắm cái răng đau của mình vào quai hàm người khác. Tôi quên nhiều chuyện, những chuyện đáng nhớ để đau, những khoảnh khắc khắc khoải của chính đời mình.

Con bé nhá, tôi gọi lại. Bài bản quen thuộc chỉ để con bé không phải trả cước điện thoại. Không có tiếng “chào ba” thường lệ.

“Happy birthday to you…”

“Hí hi, ai dạy con bài hát ấy, hử hử hử?”

“Con tự học mấy ngày nằm viện đấy chứ ạ. Con nhớ sinh nhật ba mà”

À… thì ra con tôi có nhớ những điều tôi quên. Vậy mà tôi lại nhớ những tranh luận vớ vẩn loanh quanh với những kẻ vô hình…

0O0

“Hình như… không thấy anh ký tên vào những Thỉnh nguyện thư, Kiến nghị…”

“Trời đất! Đừng giỡn mặt cha nội! Tôi chả thèm xin xỏ ai điều gì. Kiến nghị gì? Thỉnh nguyện điều gì? Thỉnh nguyện ai? Ai ban? Ai cho?”

“Thẳng thắn với nhau nhá! Tôi nghĩ các anh, ở bên này, cần đóng góp vào sự thay đổi của đất nước. Đất nước cần đi lên và chúng ta cần…”

“Thế thì ‘thẳng thắn với nhau nhá’! Có phải những tháng năm chúng tôi xả thân, cố ngăn chận cái tai họa nhãn tiền là cái chủ nghĩa chết tiệt của các anh thì các anh hăm hở vào bưng, các anh kiên cường xẻ dọc Trường sơn? Các anh nã đạn vào đầu chúng tôi để gầy dựng cái chế độ đốn mạt đó. Giờ chế độ đó ức hiếp, trấn áp ngược lại các anh, các anh phải tự lo thân chứ! Này nhé, cái chế độ chó đẻ ngày nay là sản phẩm của các anh, bây giờ nuốt không trôi thì chính các anh phải ném nó vào xó rác! Các anh đã dựng nên cái chế độ khát quyền khát tiền đó, đã tạo ra cái xã hội thiếu ăn thiếu tình đó, trách nhiệm là của các anh, tội phạm là các anh. Các anh nên tự xử trước khi chúng tôi dây vào. Thế dân Nga, dân Đông Âu, họ dâng thỉnh nguyện thư, kiến nghị… lên ai?”

“Anh …khá gay go… Anh thiếu sự tha thứ…”

“Tôi không cao ngạo, cho rằng mình có quyền tha thứ một ai đó. Nhưng nếu anh nghĩ rằng lịch sử sẽ tha thứ cho các anh nhờ việc các anh dồn nổ lực vào các bản kiến nghị, thỉnh nguyện, yêu cầu… thì chỉ là các anh tự dỗ lương tâm mình đấy thôi.”

“Anh khắc nghiệt! Điều đó không giúp anh giảm huyết áp!”

“Tôi không hay chống đối những kẻ tôi khinh. Cố mà dẹp cái đống thối tha mà các anh thải ra đó đi. Xưa các anh thề đổ máu để gầy dựng nó thì xem chừng bây giờ các anh lại không dám đổ máu để dọn dẹp nó.”

“Tưởng anh chỉ cay đắng, hơn thế, anh cay độc. Nếu nắm quyền lực, anh sẽ là một tên độc tài.”

“Nói thế bởi các anh đã quen với phong cách dân chủ của những nhà dân chủ đang ngồi trong Bộ Chính Trị…”

Thực ra tôi không thích chính trị và những gì dây mơ rễ má tới nó. Những đối đáp với những công thần bị thất sủng thường làm tôi đổ quạo. Mùa xuân tôi hay tản bộ dưới những búp lá long lanh màu nắng. Hoa dại vỡ đất và bầy bướm vỡ kén. Tôi kiêng chính trị. Nhất là chính trị nghiệp dư, an toàn sau những bàn giấy công chức. Khổ, thế giới lúc nào cũng cần những chính trị gia! Một minh quân? Tuyệt vời! Một tên độc tài? Tính sau! Không có chúng, thế gian này loạn bạo, chả kỷ cương gì. Mà thôi, những buổi sáng này tôi thường bứt rứt vì nhiều dự định trong ngày, thấy có quá nhiều việc cần làm, và nghĩ lại thấy không có việc nào đáng làm. Con suối khô cạn từ thuở nào tôi chửa về đây, chỉ róc rách tí những ngày mưa lũ. Thiên nhiên có làm lòng tôi dịu lại và ý nghĩ của tôi lại xoay về hai con bé “bé như hai que kẹo”.

0O0

Trong nhiều năm tôi không rứt ra khỏi thành phố mình đang sống lấy một ngày. Dù biết, đi, không bao giờ cùng. Dù biết, sống, không bao giờ đủ. Dù biết, yêu, không bao giờ đầy. Tự dỗ, nhiều khi tôi cho rằng mình đã lướt qua hết cung bậc bi khốc của một đời người. Chưa bao giờ tôi đặt để cho mình một sứ mệnh, một nghĩa vụ nào cả. Thì bây giờ, tôi chỉ muốn trôi đi…

“Thế hôm nay con định làm gì?”

“Con đang giặt ngoài suối, ba ạ. Hôm nay nắng suốt, suối mát lắm. Tí nữa chị và các bạn ra, tụi con tắm.”

“Thế trong suối… có cá chứ?”

“Có đấy, ba. Này, cá dày dày, cá diếc, cá sát, cá cờ, cá cụ, cá rô…”

“Tên lạ quá há, ba không biết mấy loại cá đó.”

Con bé lại cười. Tiếng cười trong veo như tiếng suối.

“Thì ba có phải người dân tộc miền núi con đâu! Có cả cua và ốc suối…”

“Thế miệt núi con… có hoa chứ?”

“Ô, mùa xuân rồi, hoa trắng núi rừng ba ạ.”

“Ba đoán nhé… hoa mua, hoa ban…”

“Không phải! Ở bản làng con người ta gọi là hoa… chó đẻ! Buồn cười quá, con không hiểu vì sao, nhưng người kinh gọi đó là hoa tàu nhật. Con cũng không hiểu vì sao lại là Tàu với Nhật. Thân hoa làm phân xanh được ba ạ, chỉ cần ném chúng xuống chân ruộng bậc thang.”

“Quê con đẹp nhỉ!”

“Con có làm thơ về quê con đấy ba ạ, đọc cho ba nghe nhé: Quê con đồi núi chập chùng/ Rừng xanh xanh ngắt một màu yêu thương/ Dòng kênh suối chảy rì rào/ Vờn quanh đàn cá bơi lội tung tăng…”

“Con giỏi lắm! Ai bày con làm thơ mà… hay thế?”

“Con tự học đấy ba ạ! Năm lớp tám con đoạt giải nhất đọc văn diễn cảm ở trường đấy. Sau đó thì con… nghỉ học luôn. Vì bệnh ấy đấy ba ạ. À… bệnh…, hai ngày nữa con với chị lại phải nhập viện nữa rồi. Hy vọng con xuất viện trước ngày lễ viếng tổ tiên dân tộc con. Rồi tới ngày lễ Cơm mới… Dân tộc con có nhiều ngày lễ trong năm ba ạ, cứ năm ngày là có chợ phiên. Con đi chợ phiên sớm để bổ hàng cho cửa hàng tí hon của mình…”

“A… bây giờ thì ba có việc, phải chạy ra phố tí đây.”

“Nhưng ba không đi uống rượu nhá! Con không muốn nghe ba bị bệnh. Ba phải giữ gìn sức khoẻ cho ba. Và cho cả tụi con nữa.”

Con bé thật khôn. Tôi không nhớ có lần nào tôi bảo con bé là tôi biết uống rượu.

“Không, ba chỉ uống ở nhà. Ba đếm mỗi ngày hai cốc. Một cốc buổi sáng mở ra ngày. Buổi tối một cốc khép lại đêm.”

“Ba thật… nghệ sĩ!”

Con bé lanh hơn tôi tưởng.

0O0

Nhưng tôi đã dối con bé. Tôi cố tình không kể những cốc rượu giữa ngày. Không đếm được! Biết thế là hỏng nhưng ở tuổi này, không còn nhiều thời gian để hư hỏng, phải tận dụng thôi. Nhất là vào những ngày xuân ảm đạm thế này, đất trời như cứ bưng mắt người ta, thiên hạ vui vầy sum họp gia đình, một mình mình trong nhà, đốt một ngọn nến, thắp một nén hương trầm để rồi… không uống rượu à?! Để phí một ngày à? Suy tưởng để không làm gì, thú lắm!

“Tôi đọc thấy bên anh đang công diễn vỡ nhạc kịch ‘Cô Sao’!”

“Vâng, đó là vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam. Đấy, anh quan tâm nhiều đến quê nhà đấy chứ!”

“Đã bảo tôi chỉ lưu ý đến những gì liên hệ mật thiết đến những người thân yêu của tôi bên đó. Cô Sao, người thiếu nữ dân tộc Thái xinh đẹp của các anh, ‘phải đối đầu với bao tai ương nghiệt ngã và bất công nơi núi rừng. Cô tham gia kháng chiến. Rồi cánh mạng thành công, cô góp phần hồi sinh vùng đất Tây Bắc huyền thoại’. Nổ chuyện đẹp đấy! Nhưng nếu Cô Sao ấy có thật và còn tồn tại trên cõi đời này, trong chế độ chết tiệt các anh, thì hôm nay đó là một bà lão lọm khọm trong hàng ngũ đám dân oan. Bà lếch thếch đi khắp các cơ quan để xin lại đất bị cướp nhằm xây dựng các công trình mà các anh gọi là khu đô thị sinh thái, khu du lịch… có sân golf, sòng bạc.”

“Anh lại lái câu chuyện sang một hướng khác!”

“Vẫn là câu chuyện cũ được viết tiếp đấy chứ! Nhưng thôi, uống rượu nhiều rồi, tôi cần đi nghỉ một tí đây.”

Mà không dễ ngủ! Tôi vô vọng tìm một thế nằm thoải mái. Cố liên kết những hình ảnh rời rạc và cố gở rối mớ ý tưởng nhập nhằng. Tôi bực dọc với nhiều việc ngày mai nên làm, nhưng, có thể rồi thấy chả việc nào đáng làm. Tôi ước, giá mà nằm mơ được một thoáng. Hình như lâu quá rồi tôi không được nằm mơ. Tôi biết phép lạ chỉ xảy ra trong giấc mơ. Tôi muốn mơ thấy hai đứa con tôi, hai đứa bé “bé như hai que kẹo” bình phục, khoẻ mạnh, an lành như tất cả mọi thiếu nữ bình thường khác trên đời. Rồi chúng có gia đình, con cái. Con cái chúng lại lớn lên trên đồi ngô, nương sắn, những mảnh ruộng bậc thang, những rừng hoa chó đẻ. Những trưa ấm áp như trưa mùa xuân này chúng ra suối đùa nước với đàn cá diếc, cá dày dày… Và các con tôi, cùng con cái chúng, không phải nhập vào hàng ngủ đám dân oan, lếch thếch khắp nơi, khiếu kiện đòi đất sống.

Rồi thì củng ngủ được! Nhưng trong giấc mơ tôi lại xuất hiện một ông già no rượu. Ông già cứ loay hoay với mớ bản thảo quyển tiểu thuyết phần chắc không chút cơ may được ra đời.

Nguyên Nhi

Đầu năm 2013

Nguồn: https://www.dutule.com/a4671/nguyen-nhi-man-nguoc

Comments are closed.