Những sai lầm thường gặp về Petrus Trương Vĩnh Ký

Winston Phan Đào Nguyên

PHẦN 1

GIỚI THIỆU

Xin tự giới thiệu tôi là một cựu học sinh trường Petrus Ký. Tôi thi đậu vô trường này năm 1974, và chỉ học được một năm thì trường bị đổi tên thành Lê Hồng Phong.

Có lẽ cũng như phần lớn các bạn cùng khóa, tôi thi vô trường Petrus Ký vì đó là trường giỏi nhất và gần nhà nhất, chứ thật tình thì tôi không biết gì nhiều về ông Petrus Ký. Có thể nói rằng trước năm 2017 thì tôi chỉ “nghe tiếng” ông Petrus Ký, còn thật sự thì tôi chưa được đọc những gì Petrus Ký viết. Và có lẽ cũng như nhiều người trong cử tọa ngày hôm nay, tác phẩm duy nhất của Petrus Ký mà tôi đã đọc là chuyện cười về bài “Thơ Con Cóc”, với tựa đề “Ba Anh Dốt Làm Thơ” trong cuốn “Chuyện Đời Xưa”.

Đầu năm 2017, khi có sự kiện cuốn sách “Petrus Ký – Nỗi Oan Thế Kỷ” của Nguyễn Đình Đầu bị cấm lưu hành ở Việt Nam thì tôi mới hiếu kỳ tìm mua cuốn sách đó và bắt đầu đọc những tác phẩm của Petrus Ký cũng như về Petrus Ký. Sau khi đọc những tác phẩm này, tôi nhận thấy có quá nhiều sự hiểu lầm hay đúng hơn là hiểu sai về nhân vật này.

Do đó, trong buổi hội thảo hôm nay, tôi xin phép được trình bày với quí vị những sự sai lầm thường gặp về Petrus Ký hiện nay, theo cái nhìn của tôi, một người mới bắt đầu nghiên cứu về Petrus Ký. Để cho dễ hiểu và dễ nhớ, tôi xin chia những sai lầm thường gặp về Petrus Ký ra làm hai loại.

Loại thứ nhất là loại sai lầm không cố ý (unintentional). Loại sai lầm không cố ý này ại có thể được chia ra thành hai nhóm nhỏ là: 1) do thói quen hay 2) do bất cẩn.

Loại thứ hai là loại sai lầm do có cố ý (intentional). Loại sai lầm cố ý này lại cũng có thể được chia ra thành hai nhóm nhỏ là: 1) do cố ý muốn biện hộ cho ông Petrus Ký, nhưng lại bằng định kiến của mình, và 2) do cố ý muốn kết tội ông Petrus Ký, bằng cách sửa đổi tài liệu để gán cho ông làm những việc mà ông không hề làm.

Theo đó, trong buổi thuyết trình hôm nay, tôi xin trình bày 4 trường hợp tiêu biểu cho 4 sự sai lầm thường gặp về Petrus Ký hiện nay. Để dễ theo dõi, tôi sẽ trình bày mỗi trường hợp sai lầm nói trên theo thứ tự như sau:

1) xuất xứ của sự sai lầm (where);

2) sự sai lầm đó sai như thế nào (how);

3) tại sao lại có sự sai lầm đó (why);

4) thật sự ông Petrus Ký nghĩ gì so với sự sai lầm đó (what).

PHẦN 2

THẢO LUẬN

I. Loại Sai Lầm Không Cố Ý

A. Do Thói Quen: Pétrus Thay Vì Petrus

1. Xuất Xứ

Thí dụ đầu tiên về loại sai lầm không cố ý, và chính xác hơn, bởi thói quen, là sự kiện viết và nói tên ông Petrus Ký với dấu sắc (l’accent aigu) trên chữ e, thành ra Pétrus Ký. Sự sai lầm này xuất hiện khắp nơi hiện nay, và với tất cả người Việt, dù ở hải ngoại hay ở Việt Nam. Theo phỏng đoán của tôi, có lẽ tên ông Petrus Ký bị viết sai thành Pétrus đến 50% trong mọi trường hợp. Còn việc phát âm sai thì gần như 100%, và đương nhiên trong số đó có cả tôi.

2. Sai Như Thế Nào

Nhưng cách viết hay gọi với dấu sắc đó là sai. Vì cái tên Petrus của ông Trương Vĩnh Ký là một chữ Latin. Đó là tên của thánh Phê-rô trong tiếng Việt (do gọi theo tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là Pedro) hay Peter trong tiếng Anh, Pierre trong tiếng Pháp. Chữ Petrus tiếng Latin này không có dấu sắc, và theo cách phát âm của tiếng Latin thì nó gần như cách phát âm bằng tiếng Việt, là Petrus, với “e” và “u”, chứ không phải Pétrus, với “ê” và “uy” như trong cách phát âm bằng tiếng Pháp.

3. Tại Sao Lại Có Sai Lầm Này

Nhưng ngày nay, chúng ta thường phát âm và viết sai như vậy là vì đã quá quen với cách phát âm và viết sai theo người Pháp, là Pétrus. Người Pháp, vì lý do nào đó, đã sửa chữ Petrus trong tiếng Latin ra thành Pétrus, và phát âm theo kiểu Pháp. Người Pháp cũng đã luôn luôn viết và gọi ông Petrus Ký là “Pétrus Ky”, thậm chí ngay từ khi họ bắt đầu chiếm miền Nam. Rồi mãi sau này, khi đặt tên cho ngôi trường mới xây vào năm 1927-1928, họ cũng đã cố tình gọi là Pétrus Ky, chứ không bao giờ chịu viết cho đúng tên ông là Petrus Ký.

Vì lý do đó, tất cả mọi người Việt đều trở thành quá quen thuộc với chữ Pétrus có dấu sắc. Ngay cả sau năm 1954, khi trường được chính thức đổi tên thành “Petrus Trương Vĩnh Ký”, không có dấu sắc, thì do sự quen thuộc đó, rất nhiều người cho đến hiện nay vẫn còn viết là trường Pétrus Ký với dấu sắc (l’accent aigu). Và như đã nói, hầu như tất cả mọi người đều phát âm theo giọng Pháp.

4. Nhưng Thật Sự Petrus Ký Nghĩ Gì

Trong khi đó, ông Petrus Ký, mặc dù làm việc với người Pháp, nhưng trong suốt đời ông, khi viết trong thư từ, hay in trong sách vở, ông đều để tên ông rất rõ ràng là Petrus – không có dấu sắc. Cộng với sự kiện Petrus Ký đã nhiều lần từ chối không vào dân Pháp và luôn luôn mặc quần áo Việt, có thể thấy rằng ý ông không muốn làm một người Pháp với cái tên “Pháp”.

Do đó, nếu vì thói quen gọi theo tên trường Pétrus Ký từ thời Pháp thuộc mà ngày nay ta hay gọi ông là Pétrus Ký, điều này có lẽ chấp nhận được. Nhưng khi viết thì phải viết cho đúng là Petrus, thay vì Pétrus theo tiếng Pháp.

Đó là một thí dụ tiêu biểu cho loại sai lầm không cố ý, bởi thói quen lâu năm.

B. Do Bất Cẩn: “Bất” Khả Vô Danh Vị Và “Chun” Vô Phòng

1. Xuất Xứ

Thí dụ thứ hai của loại sai lầm không cố ý, mà chính xác hơn, do bất cẩn, là trường hợp không đọc được hay không hiểu được những gì ông Petrus Ký viết. Điển hình là một lá thư ông Petrus Ký viết cho con cháu vào năm 1872 để dạy dỗ họ về cách sống trên đời. Lá thư này đã được wikipedia chép lại như sau: “Người đời sanh ký tử quy, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, hể nhập thế cuộc BẤT khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã, mới CHUN vô phòng được…”

2. Sai Như Thế Nào

Đoạn văn trên đây sai vì không có ý nghĩa. Trước nhất, tại sao hễ nhập thế cuộc thì “bất khả vô danh vị”, tức là không thể không có chức phận? Kế đến, tại sao ông Petrus Ký đang dạy con cháu với những câu chữ nho, lại thình lình chuyển qua “chun vô phòng” một cách rất là kì cục? Tóm lại, đọc theo kiểu viết như trên, thì câu văn này hoàn toàn không có ý nghĩa.

3. Tại Sao Lại Có Sai Lầm Này

Nhưng nếu chỉ cần nhìn kỹ, ta có thể thấy ngay rằng sự sai lầm này là do bất cẩn vì không đọc kỹ mà ra. Trước hết, chữ mà wikipedia đọc ra là “bất” trong “bất khả vô danh vị” đó chính nó là chữ “biết”. Kế đến, chữ mà wikipedia viết ra “chun” đó, chính nó là chữ “chưn”, đã được viết theo giọng người Nam của ông Petrus Ký cho chữ “chân”, có nghĩa là thật, như trong “chân thật”.

clip_image002

4. Nhưng Thật Sự Petrus Ký Nghĩ Gì

Như vậy, nếu đọc kỹ, câu văn trên của Petrus Ký đúng ra phải là:

“Người đời sinh kí tử quy; đàng đi nước bước vắn-vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, hễ nhập thế cuộc BIẾT khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã, mới CHƯN vô phòng được…”

Và như vậy thì câu này mới có nghĩa, là: cuộc đời con người ta rất ngắn ngủi, sống gởi chết về, nhưng nếu đã dấn thân vào thế cuộc, dù biết rằng có thể sẽ không có chức phận chi, thì cũng phải làm phận sự của mình cho xong đã, rồi mới thật sự “vô phòng” được, tức là không phải phòng ngừa, lo ngại gì nữa.

Chứ còn câu này không thể nào có nghĩa như wikipedia đã chép, là khi nhập thế cuộc thì không thể không có danh vị, và một khi làm xong vai tuồng của mình rồi, thì được quyền chun vô phòng!

Đó là thí dụ tiêu biểu cho sự sai lầm không cố ý, nhưng do bất cẩn mà ra. Sự sai lầm này cùng với sai lầm do thói quen nói trên là hai thí dụ tiêu biểu cho loại sai lầm không cố ý.

Trong khi đó, loại sai lầm thứ hai là loại sai lầm cố ý, hoặc do muốn biện hộ, hoặc do muốn kết tội ông Petrus Ký.

II. Loại Sai Lầm Cố Ý

A. Muốn Biện Hộ Cho Petrus Ký: “Ở Với Họ Mà Không Theo Họ”

1. Xuất Xứ

Thí dụ điển hình nhất cho loại sai lầm cố ý do muốn biện hộ cho Petrus Ký, nhưng lại theo định kiến của mình, là một “câu” (tạm gọi là câu vì thật sự nó chỉ là một nhóm chữ) đã được gắn liền với cái tên Petrus Ký trong gần sáu mươi năm qua, câu “Ở với họ mà không theo họ”.

Câu “Ở với họ mà không theo họ” này xuất hiện lần đầu vào năm 1958 trong tác phẩm “Trương Vĩnh Ký, 1837-1898” của Khổng Xuân Thu. Khổng Xuân Thu đã dịch câu này từ một lá thư bằng tiếng Latin mà ông Petrus Ký gửi cho một người bạn của ông ở Pháp là bác sĩ Alexis Chavanne, vào năm 1887. Ông Chavanne là một trong số nhiều người bạn trong giới trí thức Pháp mà Petrus Ký đã làm quen khi đi theo phái đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp năm 1863. Trong chuyến đi này, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi có vài tháng, Petrus Ký đã tạo nên mối giao tình thân mật với những những nhà trí thức hàng đầu ở Pháp, và đã giữ mối liên lạc với họ qua thư từ bằng tiếng Latin đến mấy chục năm sau. Chính trong những lá thư đó, ông Petrus Ký đã đem tâm sự ra thố lộ.

Trong lá thư tháng 10 năm 1887, ông đã viết cho bác sĩ Chavanne như sau:

“… Unum et unicum quaero, esse scilicet posse utilem, quamvis dicendum sit: Sic vos non vobis … Haec est mea sors et consolatio.”

Và tác giả Khổng Xuân Thu đã dịch ra như vầy: “Điều duy nhất và đơn độc (về chính trị) mà tôi tìm kiếm, là có ích đúng như câu châm ngôn La tinh: Sic vos non vobis (Ở với họ mà không theo họ). Đó là định mệnh của tôi và điều tự nhủ chính bản thân tôi.”

Như đã nói, câu dịch này được gắn liền với Petrus Ký trong suốt 60 năm nay. Hoàn toàn không có ai nêu lên câu hỏi hay thắc mắc gì với nó. Hơn thế nữa, những người ủng hộ ông Petrus Ký luôn luôn đem câu này ra để biện minh cho sự hợp tác với chính phủ Pháp của ông.

2. Sai Như Thế Nào

Nhưng tác giả Khổng Xuân Thu đã hoàn toàn sai khi dịch “sic vos non vobis” thành ra “Ở với họ mà không theo họ”, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng của câu văn nói trên.

Trong một bài viết về Petrus Ký vào tháng 4 năm 2017 với tựa đề Minh Oan Cho Petrus Trương Vĩnh Ký Về Câu “Ở Với Họ Mà Không Theo Họ[1], tôi đã giải thích rất cặn kẽ về vấn đề này. Câu “sic vos non vobis” thật ra có nguồn gốc từ những vần thơ của thi hào Virgil. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì “sic” có nghĩa là “như vậy”, “vos” là các anh, “non” là không, “vobis” là “cho các anh”. Toàn thể câu văn, do đó, có nghĩa đen“như vậy, các anh, không phải cho các anh….”

Còn nghĩa bóng hay nghĩa thông dụng ngày nay của câu này là “nhưng không phải cho tôi”, hay “nhưng không phải cho mình”. Cách dùng nghĩa bóng này là cách dùng phổ biến nhất, tới nổi The Bank of England đã dùng nó như là phương châm phục vụ cho khách hàng của họ, như có thể thấy trong hình sau đây.

clip_image004

Do đó, toàn thể câu văn mà Petrus Ký viết trong lá thư cho Chavanne đúng ra phải được dịch như vầy:

“Điều duy nhất mà tôi theo đuổi là làm sao thành có ích, tuy phải nói thêm rằng: (ích lợi đó) không phải cho tôi. Đó là số phần và là niềm an ủi của tôi.”

Chứ câu sic vos non vobis này hoàn toàn không có chút gì có thể gọi là dính líu đến câu dịch ra tiếng Việt “ở với họ mà không theo họ” hồi 60 năm trước của tác giả Khổng Xuân Thu. Vì nó không có “họ”, không có “ở”, mà cũng chẳng có “theo”, và nhất là nó chẳng có gì dính líu tới chính trị, như Khổng Xuân Thu đã thêm vào câu văn.

3. Tại Sao Lại Có Sai Lầm Này

Nhưng tại sao lại có thể có một sự hiểu lầm hay hiểu sai khác xa với nghĩa thật của nó như vậy, và tại sao câu dịch đó lại được phổ biến với mức độ như vậy? Theo tôi, đó là vì từ người dịch là Khổng Xuân Thu, cho đến những người dùng câu dịch này, tất cả đều cố ý muốn biện hộ cho Petrus Ký về việc ông đã cộng tác với người Pháp. Nhưng họ lại biện hộ bằng định kiến của họ. Và cái định kiến này là sự đồng hóa Petrus Ký với Tôn Thọ Tường, hay sự suy nghĩ rằng Petrus Ký và Tôn Thọ Tường có cùng hoàn cảnh và tâm trạng của một người theo Pháp. Do đó, nếu Tôn Thọ Tường đã có một lời tự bào chữa rất hay cho mình, thì Petrus Ký cũng phải có một lời bào chữa giống như vậy.

a. Vì Cho Rằng Petrus Ký Cùng Hoàn Cảnh Với Tôn Thọ Tường

Tôn Thọ Tường là một nhà nho thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc ở đất Nam Kỳ thời nhà Nguyễn. Ông nội của ông đã từng theo vua Gia Long qua Bangkok, và được liệt vào những người thuộc hàng đệ nhất công thần. Tôn Thọ Tường cũng là một thi sĩ tài hoa bậc nhất ở Nam Kỳ. Thế nhưng con đường công danh của ông không được suôn sẻ lắm. Và khi Pháp đánh chiếm miền Nam thì ông là một trong những nho sĩ đầu tiên của triều Nguyễn nhận lời ra hợp tác với Pháp.

Rất nhiều người đã cho rằng Petrus Ký có hoàn cảnh giống như Tôn Thọ Tường. Vì Tôn Thọ Tường và Petrus Ký là hai người cùng thời ở Nam Kỳ, cùng ra làm việc cho Pháp sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, cùng theo phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp năm 1863, và cùng làm tờ Gia Định Báo. Do đó, những người cố ý muốn biện hộ cho Petrus Ký đã đồng hóa tâm trạng của hai nhân vật này.

b. Câu Tự Bào Chữa Của Tôn Thọ Tường Hay Nỗi Lòng Từ Thứ

Vì làm việc cho Pháp, ông Tôn Thọ Tường đã bị những bạn thân ngày xưa chê cười. Và ông đã làm nhiều bài thơ Đường Luật để biện minh cho sự hợp tác với Pháp của mình. Trong số đó, có một bài nổi bật nhất là bài “Từ Thứ Qui Tào”. Qua bài thơ này, Tôn Thọ Tường đã diễn tả nỗi lòng của Từ Thứ, mà cũng chính là lời bào chữa cho sự theo Tây của mình, như sau:

Hiếu đâu dám sánh kẻ cày voi

Muối xát lòng ai nấy mặn mòi

Ở Hán đã đành trang cội cả

Về Tào chi sá một cây còi

Chạnh lòng nhớ mẹ khôn nâng chén

Tấc dạ thương vua biếng dỡ roi

Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy

Thân này xin gác ngoại vòng thoi

Thời Tam Quốc bên Tàu, Từ Thứ là một mưu sĩ rất có tài của Lưu Bị. Biết ông là người giỏi, để ép ông về với mình, Tào Tháo đã bắt mẹ ông. Vì hiếu thảo, Từ Thứ phải chấp nhận về với Tào Tháo. Nhưng ông lại hứa với chủ cũ Lưu Bị (Hán) là mặc dù bị ép buộc phải về Tào Tháo (Ngụy) như vậy, ông sẽ không lập mưu hiến kế gì để giúp cho Tào Tháo. Và câu hứa đó, cũng là nỗi lòng của Từ Thứ, đã được Tôn Thọ Tường diễn tả rất tài tình, rất điêu luyện trong hai câu cuối của bài thơ:

Chẳng đặng khôn Lưu đành dại

Ngụy Thân này xin gác ngoại vòng thoi

Bài thơ này là một bài thơ rất nổi tiếng, vì nhiều lý do. Trước nhất, đó là một bài thơ rất hay. Thứ hai, đây là một bài thơ với những vần thuộc loại “tử vận”, là vần “voi, mòi, còi, roi, thoi”. Bộ vần này cực kỳ khó khăn cho những người muốn họa lại. Đến nỗi các thi sĩ thời đó đã đặt luôn cho năm chữ này là bộ “vần Từ Thứ”. Thứ ba, vì bài thơ này nói đến một điển tích trong truyện Tam Quốc Chí mà người Việt thời đó ai cũng biết và yêu thích. Cuối cùng, bài thơ này rất nổi tiếng vì nó đã nói lên tâm trạng của những người đã từng có liên quan với triều Nguyễn, mà bây giờ phải chấp nhận làm việc cho Pháp. Hay nói cách khác, đó chính là cái tâm trạng, cái nỗi lòng mà Tôn Thọ Tường đã nói lên cho hầu hết những nho sĩ đã từng làm việc cho triều Nguyễn mà sau này phải làm việc với Pháp.

Vì những lý do trên, đối với nhiều người, đó là một câu bào chữa hay nhất, khéo léo nhất. Nó đã tạo nên sự thông cảm, sự thương xót cho Tôn Thọ Tường bởi rất nhiều người, trong hơn trăm năm qua.

c. Tạo Ra Câu Tự Bào Chữa Của Petrus Ký Dựa Theo Nỗi Lòng Từ Thứ Của Tôn Thọ Tường

Rồi từ sự suy nghĩ rằng Petrus Ký là người có cùng hoàn cảnh và tâm trạng với Tôn Thọ Tường; và vì thán phục câu bào chữa khéo léo của Tôn Thọ Tường, những người muốn biện hộ cho Petrus Ký đều tin tưởng rằng Petrus Ký cũng đã diễn tả tâm tình của mình y như Tôn Thọ Tường vậy – bằng câu “Ở với họ mà không theo họ”, một câu đồng nghĩa với câu “Thân này xin gác ngoại vòng thoi” của Tôn Thọ Tường.

Bởi hai câu này có ý nghĩa giống y như nhau. Nếu như Tôn Thọ Tường có “Lưu” và “Ngụy” thì Petrus Ký có “ta” và “họ”. Nếu Tôn Thọ Tường “ở” với Ngụy thì Petrus Ký “ở” với họ, và nếu Tôn hứa là “dại Ngụy” hay “ngoại vòng thoi”, thì Petrus Ký phải nói là … “không theo họ”.

4. Nhưng Thật Sự Petrus Ký Nghĩ Gì

a. Không Phải Lời Bào Chữa Mà Là Lời Tâm Sự: Hoàn Cảnh Khác Tôn Thọ Tường

Thế nhưng, như tôi có chứng minh trong bài viết Minh Oan Cho Petrus Trương Vĩnh Ký, thì chẳng những Petrus Ký không hề có ý đó, mà những gì ông nói, những gì ông tin tưởng vào, hoàn toàn trái ngược lại với cái “nỗi lòng Từ Thứ” hay cái “mặc cảm Tôn Thọ Tường” mà tôi vừa nói trên.

Đó là vì Petrus Ký có một quá khứ, một hoàn cảnh, và một tâm trạng hoàn toàn khác hẳn với Tôn Thọ Tường. Ông là một đứa trẻ mồ côi cha được nuôi dạy bởi những trường dòng đạo Thiên Chúa từ nhỏ tới lớn. Ông rời Việt Nam từ lúc 9, 10 tuổi và chỉ trở lại khi ông 21 tuổi. Tức là ông chưa bao giờ được hưởng ân huệ của nhà Nguyễn như Tôn Thọ Tường, để có cái mặc cảm phản bội. Ngược lại, suốt tuổi trẻ của ông, ông đã là một loại tội phạm trên đất nước của ông, vì lý do tôn giáo.

Do đó, Petrus Ký không hề có cái mặc cảm phản bội của Tôn Thọ Tường và của Từ Thứ, nên phải cần bào chữa. Nếu Tôn cần phải tự bào chữa cho việc theo Tây của mình với các bạn cũ, thì Petrus Ký qua câu sic vos non vobis chỉ là đang tâm sự với một người bạn về một vấn đề khác.

b. Rộng Hơn Về Cấu Trúc Xã Hội: Xã Hội Và Phần Tử Chứ Không Phải Họ Và Ta.

Và những gì Petrus Ký viết – khi tâm sự với những người bạn Pháp của ông bằng tiếng Latin – cho ta thấy cái nhìn về cấu trúc xã hội của Petrus Ký rộng hơn của Tôn Thọ Tường và Khổng Xuân Thu rất nhiều. Như ông đã nói qua câu “sic vos non vobis” và trong các lá thư khác, với Petrus Ký, không có họ, không có ta, mà chỉ có “xã hội” và “phần tử”. Xã hội đó là một xã hội chung của cả nhân loại (societatem humanam universalem), và xã hội đó gồm có những phần tử (societati cujus membra sunt) trong đó tạo thành.

c. Khác Hơn Về Quan Hệ Xã Hội: Bình Đẳng Và Vai Trò Chứ Không Phải Ở Và Phải Theo Vua (Trung Quân)

Cái nhìn về mối quan hệ xã hội của Petrus Ký cũng rất khác với cái nhìn về quan hệ xã hội của Tôn Thọ Tường và Khổng Xuân Thu. Trong xã hội của Petrus Ký, có người sang, có kẻ hèn, nhưng ai cũng có một vai trò riêng trong xã hội đó. Ngược lại, mối quan hệ xã hội của Tôn Thọ Tường là sự trung quân, là một mối quan hệ theo chiều dọc. Do đó, nếu quan hệ xã hội theo cách nhìn của Petrus Ký là bình đẳng hơn – theo tây phương – thì quan hệ xã hội của Tôn là sự trung thành theo đạo thần tử vua tôi – của đông phương.

d. Cao Hơn Về Trách Nhiệm Xã Hội: Làm Tròn Vai Trò, Làm Điều Ích Lợi Cho Người Khác Chứ Không Phải Không Theo Họ

Sau cùng, về trách nhiệm xã hội, theo Petrus Ký thì dù cho sang hèn (danh vị – vô danh vị), mỗi người đều phải làm tròn vai trò của mình trong xã hội. Và cái vai trò mà ông đã tự chọn, là làm ích lợi cho người khác, chứ không phải cho ông (sic vos non vobis).

Trong khi đó, Tôn Thọ Tường đã hành động ngược lại với cái trách nhiệm trung quân của một nho sĩ, bằng cách “dại Ngụy” hay “ngoại vòng thoi”, còn Khổng Xuân Thu thì “không theo họ”.

Cho nên có thể nói rằng tinh thần trách nhiệm xã hội của Petrus Ký cao hơn câu “Ở với họ mà không theo họ” rất nhiều.

Và tóm lại, qua câu “sic vos non vobis”, tâm trạng của Petrus Ký là tâm trạng của một người tự coi mình chỉ là một phần tử trong xã hội, và có một vai trò phải làm tròn – đó là tạo cho xã hội tốt đẹp hơn, chứ không phải để tạo lợi ích cho bản thân mình.

Cái tư tưởng này rộng hơn, khác hơn, và cao hơn cái tư tưởng tự bào chữa “Ở với họ mà không theo họ”, rất nhiều.

B. Muốn Kết Tội Petrus Ký – Lá Thư Petrus Key

Bây giờ tôi xin nói đến loại sai lầm sau cùng. Đó là loại sai lầm do cố ý muốn kết tội Petrus Ký, và bằng cách sửa đổi tài liệu để đạt được mục đích nói trên.

Tiêu biểu cho loại sai lầm này là một lá thư được cho là viết bởi Petrus Ký vào năm 1859 nhằm kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh Việt Nam để giải thoát cho các tín đồ Thiên Chúa Giáo người Việt đang bị giam cầm. Vì lá thư được ký tên là “Petrus Key”, nên tôi xin gọi nó là “lá thư Petrus Key”. 2

Trước khi đi vào nội dung lá thư Petrus Key, tôi xin được giải thích về bối cảnh lịch sử của Việt Nam trong thời gian của lá thư này, để quí vị dễ dàng theo dõi.

1. Xuất Xứ

a. Bối Cảnh Lịch Sử

Tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng. Tháng 2 năm 1859, họ chuyển hướng vào Nam và chiếm Sài Gòn vào ngày 18 tháng 2 năm 1859. Trong thời gian giữa hai cuộc tấn công này, nhà Nguyễn đã ráo riết lùng bắt những giáo sĩ và giáo dân người Việt, vì sợ rằng họ sẽ làm nội ứng cho quân Pháp.

Trong khoảng thời gian đó, ông Petrus Ký trở về Việt Nam vào năm 1858, sau nhiều năm học làm linh mục ở Đại Chủng Viện Penang tại Mã Lai. Rồi trong khi đang dạy học tại Cái Nhum thì Petrus Ký may mắn chạy thoát khỏi một cuộc lùng bắt giáo dân của nhà Nguyễn vào ngày 9 tháng 12 năm 1858. Ngay sau đó, ông phải chạy trốn lên Sài Gòn tị nạn.

Về phần quân Pháp, sau khi chiếm được Sài Gòn thì người chỉ huy là Phó Đô Đốc Rigault de Genouilly cho đốt thành Gia Định và rút đại quân về mặt trận Đà Nẵng, để lại một số quân vài trăm người ở Sài Gòn dưới sự chỉ huy của Hải Quân Trung Tá Jean Bernard Jauréguiberry. Ông này làm chỉ huy quân Pháp tại Sài Gòn trong thời gian một năm, từ tháng 4 năm 1858 cho đến tháng 4 năm 1859.

Và sử gia tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu tức nhà văn Nguyên Vũ đã tìm ra “lá thư Petrus Key” [2] trong thùng hồ sơ về Jauréguiberry trong thời gian này, tại Văn Khố Bộ Hải Quân Pháp ở Paris, vào năm 1996.

b. Quá Trình Công Bố Lá Thư Petrus Key Của Nguyên Vũ – Cố Tình Không Công Bố Nguyên Văn

Sau đó, trong suốt hai mươi năm, qua nhiều bài viết trong sách báo, bắt đầu từ cuốn “Paris, Xuân 1996” cho đến bài viết sau cùng là bài “Vài Khám Phá Mới Về Petrus Key” trên trang báo mạng Hợp Lưu năm 2011, ông Nguyên Vũ đã dùng lá thư Petrus Key để kết tội Petrus Ký là đã kêu gọi quân Pháp đánh Việt Nam, đã tự tiến thân với Pháp qua lá thư, và do đó, đã “góp phần cho cuộc xâm lăng của Pháp” vào Việt Nam.

Thế nhưng, mặc dù tự nhận là người đã tìm ra lá thư, và qua đó, khẳng định rằng Petrus Ký chính là tác giả, ông Nguyên Vũ lại cố tình không công bố nguyên bản lá thư Petrus Key. Thay vào đó, cái mà ông cung cấp, theo cách ông gọi, là một “phóng ảnh” của “phần nào” lá thư Petrus Key, như sau:

clip_image006

Như có thể thấy, cái mà ông Nguyên Vũ gọi là “phóng ảnh” của “phần nào” lá thư đó, chỉ là một bản photocopy của vài dòng chữ bị chụp chồng lên bởi một tài liệu khác, và cuối cùng là chữ ký Petrus Key. Không ai đọc nỗi những dòng chữ trong cái “phóng ảnh” này.

Rồi sau đó, vào năm 2011, ông Nguyên Vũ mới cung cấp một bản dịch của toàn bộ lá thư Petrus Key trong tờ Hợp Lưu, như đã nói trên.

Chứ ông không bao giờ đưa ra một bản sao hay ảnh chụp của lá thư Petrus Key. Khi được hỏi tại sao, thì ông giải thích rằng cái “phóng ảnh” là đủ rồi, vì ông là một nhà nghiên cứu có rất nhiều tài liệu, nên không thể nào công bố “tất cả các tài liệu” được.

Còn khi có người viết thư riêng để xin ông một copy của lá thư Petrus Key thì ông từ chối, với lý do ông là một sử gia, và do đó có cái “moral obligations” không thể tiết lộ tài liệu này ra cho những người không phải trong nghề được.

Cuối cùng, ông cho rằng nếu một người “trí thức lương thiện” nào đó muốn kiểm chứng thì hãy nhờ người quen qua Paris mà chụp ảnh lá thư. Rất may mắn cho tôi, một người cháu của ông Petrus Ký là ông Gilbert Trương Vĩnh Tống đã làm dùm điều đó. Dưới đây là trang đầu và trang cuối của lá thư:

clip_image007

clip_image008

2. Sai Như Thế Nào

Sau khi có được lá thư Petrus Key, tôi đã đọc đi đọc lại rất kỹ và có dịch lại nguyên văn lá thư. Đây là một lá thư dài 4 trang, do một người ký tên Petrus Key và tự xưng là một người đại diện cho các giáo dân người An Nam, kêu gọi vị chỉ huy quân Pháp hãy tiến đánh quan quân nhà Nguyễn để giải thoát cho các giáo dân đang bị giam cầm. Lá thư diễn tả những nỗi khổ sở mà những giáo dân đang trải qua, cũng như tình trạng yếu ớt của quân Nguyễn. Quan trọng hơn cả, lá thư cho biết là người viết thư đã dùng “nhiều ngựa và nhiều người” cho cuộc hành trình để tìm đến vị chỉ huy, nhưng chỉ đi được ¾ đoạn đường thì phải ngừng lại, và vì vậy ông ta (Petrus Key) phải viết lá thư này để cầu cứu.

Do đó, có hai điểm chính của lá thư Petrus Key mà tôi xin quí vị lưu ý: Thứ nhất, quan điểm hay mục đích của tác giả lá thư là cực lực kêu gọi quân Pháp hãy đánh quân Nguyễn để giải thoát cho các giáo dân. Thứ hai, tác giả mô tả những sự gian khổ trong cuộc hành trình bằng đường bộ của mình khi trốn thoát quan quân nhà Nguyễn để tìm đến người chỉ huy quân Pháp.

Nếu như điểm thứ nhất của lá thư là hợp lý vì quả tình trong thời gian đó nhà Nguyễn đang giam cầm và giết hại rất nhiều giáo dân Việt, thì điểm thứ hai của nội dung lá thư, về cuộc hành trình trốn thoát, lại hoàn toàn vô lý, vì những điều sau đây:

Trước hết, khi diễn tả lại cuộc hành trình đi tìm vị chỉ huy tức Grand Chef, Petrus Key nói rằng ông ta đã phải dùng nhiều ngựa và nhiều người, trong khi ta biết rằng phương tiện di chuyển duy nhất lúc đó mà Petrus Ký có thể dùng là bằng ghe thuyền, trên sông rạch miền Nam.

Kế đến, Petrus Key đã dùng những hình ảnh hoàn toàn Tây Phương trong thư, như thung lũng, núi non, đàn sói, bầy cừu, ghềnh đá, vực thẳm… để diễn tả xứ Nam Kỳ. Mà chúng ta chắc ai cũng biết rằng những thứ đó không có ở Nam Kỳ, nhất là không thể nào có trên đường từ Cái Nhum lên Sài Gòn.

Sau cùng, tác giả Petrus Key nói rằng những giáo dân đang bị giam trong một tòa thành, hay “citadelle” ở gần cầu Tham Lương (chữ Luong không bỏ dấu). Trong khi đó, như ta biết, thì ở cả xứ Sài Gòn thời gian này không có tòa thành nào, bởi thành Gia Định đã bị Pháp đốt vào ngày 8 tháng 3 năm 1859.

Do đó, qua những điều vô lý nói trên trong cách tác giả lá thư Petrus Ký diễn tả về cuộc hành trình trốn thoát, ta có thể thấy ngay rằng tác giả lá thư nhất quyết không phải là một người Việt, và chắc chắn không phải là một người Việt ở miền Tây xứ Nam Kỳ như ông Petrus Ký. Và do đó, có thể thấy rằng việc khẳng định Petrus Ký là tác giả lá thư Petrus Key là một sự sai lầm.

3. Tại Sao Lại Có Sai Lầm Này

Nhưng tại sao ta lại có sự sai lầm mang tên lá thư Petrus Key? Câu trả lời ngắn gọn là do công sức sáng tạo của nhà văn Nguyên Vũ tức sử gia tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, qua hai việc: thứ nhất là ông ta đã cố tình dịch sai lá thư Petrus Key; và thứ hai là ông ta đã cố tình tạo ra những chi tiết không có trong lá thư. Hai việc này cho thấy rõ ràng sự cố ý muốn kết tội Petrus Ký của nhà văn Nguyên Vũ.

a. Cố Ý Dịch Sai

i. Dịch Sai Những Chi Tiết Về Hành Trình Của Petrus Key

Trước nhất, vì thấy ra những điều rất vô lý trong lá thư Petrus Key về cuộc hành trình trốn thoát ở Nam Kỳ, mà một người như Petrus Ký chắc chắn không thể nào mắc phải, nên ông Nguyên Vũ đã cố ý dịch sai những chi tiết về hành trình của Petrus Key, để phù hợp với kết luận của ông, rằng Petrus Ký chính là tác giả lá thư Petrus Key.

Điển hình là theo nguyên văn trong thư bằng tiếng Pháp thì tác giả Petrus Key viết là trên con đường tìm đến Grand Chef, ông ta đã phải vượt qua “những khu rừng, những cách đồng, những ngọn núi, những thung lũng” (les forêts, les champs, les montagnes, les vallées). Thế nhưng ông Nguyên Vũ đã dịch “les montagnes” thành ra “đồi núi”“les vallées” thành ra “bình nguyên”. Đó là vì, như quí vị cũng biết, miền Nam, nhất là miền Tây Nam Kỳ, không làm gì có những ngọn núi và những thung lũng như tác giả Petrus Key viết. Và chắc chắn là ông Nguyên Vũ cũng biết vậy, nên ông ta đã dịch “les montagnes” thành “đồi núi”, bởi đồi thì thấp hơn núi, và “les vallées” ra thành “bình nguyên”, cho hợp với địa lý Nam Kỳ.

ii. Dịch Sai Để Sửa Đổi Quan Điểm Của Petrus Key Về Cuộc Xâm Lăng Của Pháp

Nhưng quan trọng hơn nữa là việc ông Nguyên Vũ đã cố tình dịch sai để sửa đổi quan điểm của Petrus Key. Nếu như trong nguyên văn lá thư, tác giả Petrus Key chỉ lấy danh nghĩa là một người đại diện cho các giáo dân Việt kêu cứu với quân Pháp hãy giải phóng họ mà thôi, thì ông Nguyên Vũ lại cố tình dịch sai lá thư, để cho thấy rằng Petrus Ký, tức Petrus Key (theo ông Nguyên Vũ), đã tự nhận mình là người cùng phe với quân xâm lược Pháp.

Và việc dịch sai một cách cố ý đó đã được ông Nguyên Vũ làm đến ba lần, khi dịch lá thư Petrus Key.

Trong thư, tác giả Petrus Key đã viết với vị trí của một người đại diện cho các giáo dân An Nam ở một bên để nói chuyện với viên chỉ huy và các sĩ quan Pháp ở phía bên kia, tức là hai bên rõ rệt.

Trước nhất, trong đoạn văn dưới đây ở đầu thư, Petrus Key đã viết rất rõ là ông ta yêu cầu quân Pháp hay “các ngài” (vous) hãy đánh đuổi “kẻ thù của chúng tôi” (nos ennemis) như sau:

Nhưng tôi đến như là người biện hộ cho những giáo dân Thiên Chúa Giáo để đưa đến các ngài những lời thỉnh cầu của chúng tôi; tôi đến để kể cho các ngài nghe về những tai ương mà chúng tôi phải trải qua dưới bạo quyền chuyên chế của các quan lại, bởi vì các ngài là những người trả thù cho sự tự do của chúng tôi, các ngài là những sứ thần của Chúa mà, trong ý định thiêng liêng của Người, đã chọn, để mang chúng tôi ra khỏi bàn tay của những kẻ thù của chúng tôi (của chúng ta – theo Nguyên Vũ).”

Nhưng qua ngòi bút dịch thuật của ông Nguyên Vũ thì ở câu chót, “kẻ thù của chúng tôi” lại được dịch thành “kẻ thù của chúng ta”. Và phải đọc bằng nguyên văn cả đoạn văn trên, thì mới thấy được sự sửa đổi gượng ép này.

Lần thứ hai, sự sửa đổi gượng ép cũng rất rõ ràng, vì trong cả đoạn văn toàn nói về “chúng tôi”, chỉ có kẻ thù là bị đổi thành “chúng ta”, như sau:

Chúng tôi đang bị đe dọa với cái chết, nếu các ngài không sớm đuổi sạch những kẻ thù của chúng tôi (của chúng ta – theo Nguyên Vũ). Đó là cuộc đời hiểm nghèo mà chúng tôi đang sống; tinh thần của chúng tôi trôi nổi vô định, sự sợ hãi và lo lắng làm phân hủy và tan rã chúng tôi.”

Nếu như trong hai lần trên, khi dịch “kẻ thù của chúng tôi” thành “kẻ thù của chúng ta”, tuy là hoàn toàn sai với ý nghĩa trong câu, nhưng ít ra ông Nguyên Vũ còn dựa theo chữ “nos” tức là “our”.

Còn ở lần thứ ba, trong khi tác giả lá thư Petrus Key viết rõ ràng là “kẻ thù của các ngài” (vos ennemis), thì ông Nguyên Vũ cũng lại biến nó luôn thành”kẻ thù của chúng ta” như hai lần trên:

Một quân đội rất đông đang bao vây các ngài, điều đó là thật; nhưng các ngài sẽ làm cho chúng bỏ chạy không khó khăn; bởi sự sợ hãi đã chiếm ngự những kẻ thù của các ngài (của chúng ta – theo Nguyên Vũ) và đè chúng xuống dưới ách nặng của nó.”

b. Cố Ý Tạo Ra Những Chi Tiết Quanh Lá Thư

Hình như cảm thấy sửa đổi nội dung lá thư Petrus Key để kết tội Petrus Ký là chưa đủ, ông Nguyên Vũ còn cố ý tạo ra những chi tiết hoàn toàn không có trong lá thư Petrus Key như sau:

i. Petrus Key Là Tên Đầu Tiên Của Petrus Ký

Trước nhất, vì không thể chứng minh được rằng Petrus Ký đã có lúc nào trong đời tự xưng là Petrus Key, nên ông Nguyên Vũ bèn chứng minh ngược lại – bằng cách cho rằng cái tên đầu tiên khi lọt lòng mẹ của Petrus Ký thật ra chính là Petrus Key, rồi sau này ông ta mới tự Việt hóa cái tên mình bằng cách sửa ra thành “Ký”, và cộng thêm Trương Vĩnh vào!

ii. Lá Thư Petrus Key Được Viết Vào Tháng 3 Năm 1859

Kế đến, ông Nguyên Vũ tuyên bố là lá thư Petrus Key được “đề ngày cuối tháng 3 năm 1859”, mặc dù đây là một lá thư không có ngày tháng.

iii. Petrus Ký Đã Dùng Lá Thư Petrus Key Để Tự Tiến Thân

Quan trọng hơn cả, cho dù biết rằng lá thư chỉ có nội dung kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh quân Nguyễn để giải thoát cho các giáo dân người Việt đang bị giam cầm, ông Nguyên Vũ lại khẳng định rằng đây là lá thư mà ông Petrus Ký đã dùng để “tự tiến thân” với Pháp, và kết quả là nhờ lá thư này mà “từ ngày đó” ông đã được sung vào ban thông ngôn Việt của người Pháp.

Tóm lại, qua việc ông Nguyên Vũ đã cố tình không tiết lộ nguyên văn lá thư Petrus Key; cố tình dịch sai lá thư Petrus Key; và cố tình tạo ra những chi tiết chung quanh lá thư Petrus Key, ta có thể thấy mục đích của ông rất rõ ràng. Đó là cố ý kết tội Petrus Ký đã xin theo Pháp hay đã tự coi mình là cùng phe với Pháp, ngay từ khi họ mới bắt đầu xâm lăng Việt Nam, và do đó, đã “góp phần cho cuộc xâm lăng của Pháp”.

Và đó chính là lý do tại sao ta có sự sai lầm về lá thư Petrus Key trong suốt hai mươi năm qua.

4. Nhưng Thật Sự Petrus Ký Nghĩ Gì

Như đã trình bày vừa rồi, nếu không có ba sự cố tình nói trên của ông Nguyên Vũ, chắc không có ai nghĩ rằng Petrus Ký là tác giả lá thư Petrus Key, bởi những điều vô lý đầy trong đó. Thế nhưng, điều thú vị là ngay trong thời gian này, tức trong năm 1859, ông Petrus Ký lại có viết một lá thư bằng tiếng Latin. Trong lá thư đó, những gì ông viết hoàn toàn trái ngược với nội dung của lá thư Petrus Key. Chính từ lá thư này, ta có thể thấy được thật sự ông Petrus Ký đã nói gì và nghĩ gì, thay vì những sai lầm đã thấy trong lá thư Petrus Key.

a. Xuất Xứ Và Hai Điểm Chính Của Lá Thư Penang

Đó là một lá thư dài 13 trang viết bằng tiếng Latin của Petrus Ký gửi cho các bạn học của ông ở Đại Chủng Viện Penang vào ngày 4 tháng 2 năm 1859, tức là vào ngay khoảng thời gian của lá thư Petrus Key. Xin gọi nó là “lá thư Penang”.

Đây là trang bìa, trang đầu và trang cuối của lá thư:

clip_image009

clip_image010

clip_image011

Nếu chỉ cần so sánh hình thức của hai lá thư (Penang và Petrus Key) qua chữ viết và chữ ký mà thôi, ta cũng có thể thấy rõ ràng là lá thư Petrus Key không phải do Petrus Ký viết.

clip_image012

Qua nghiên cứu của tôi, hai lá thư này có những liên hệ đặc biệt, và tác giả lá thư Petrus Key đã mạo danh Petrus Ký để viết lá thư Petrus Key. Nhưng vì nội dung bài nói chuyện này là phân loại và giải thích những sai lầm về Petrus Ký, nên tôi xin không đi vào phần đi tìm tác giả lá thư Petrus Key. Nếu quí vị thấy thích, xin đọc bài viết của tôi về hai lá thư này (đã dẫn ở trên).

Về nội dung, phần lớn của lá thư Penang là kể cho các bạn của Petrus Ký ở Penang biết về cuộc bắt giam và tra tấn các nữ tu ở Cái Mơn của nhà Nguyễn ra sao.

Nhưng có một phần khác trong lá thư Penang nói đến hai điểm mà ta có thể dùng để đối chiếu với hai điểm chính của lá thư Petrus Key. Đó là quan điểm của Petrus Ký trước cuộc xâm lăng Việt Nam của quân Pháp, và cuộc hành trình trốn thoát của Petrus Ký lên Sài Gòn.

Lá thư Penang cho thấy rất rõ ràng là cả hai điểm trong thư hoàn toàn trái ngược với hai điểm đó trong lá thư Petrus Key.

b. So Sánh Nội Dung Lá Thư Penang Và Lá Thư Petrus Key Về Hành Trình Của Petrus Ký Từ Cái Nhum Lên Sài Gòn

Khác hẳn với lá thư Petrus Key – mà theo đó tác giả cho biết đã phải dùng nhiều người và nhiều ngựa trên đường bộ để tìm gặp Grand Chef ở Sài Gòn – trong lá thư Penang, Petrus Ký cho biết một cách gián tiếp là sau khi trốn thoát khỏi cuộc săn bắt của nhà Nguyễn tại Cái Nhum vào ngày 9 tháng 12 năm 1859, ông đã dùng đường thủy theo lộ trình từ Cái Nhum/Cái Mơn ở Vĩnh Long, đi ngang qua Ba Giồng ở Định Tường, và đến Chợ Quán ở Sài Gòn.

Vì trong lá thư Penang, ông Petrus Ký viết rằng: “tôi đã thấy những cuốn sách trôi trên mặt nước bởi bất cẩn và sợ hãi từ Chợ quán đến Ba giồng”.

Do đó, khi đối chiếu nội dung lá thư Penang với lá thư Petrus Key về cuộc hành trình trốn thoát của Petrus Ký, ta có thể thấy ngay rằng hai lá thư hoàn toàn trái ngược nhau. Hành trình của Petrus Ký rõ ràng là một hành trình có thật và hợp lý bằng ghe thuyền trên sông rạch miền Tây Nam Kỳ, thay vì cuộc hành trình không rõ ràng trên đường bộ bằng “nhiều người và nhiều ngựa” của Petrus Key.

c. So Sánh Nội Dung Lá Thư Penang Và Lá Thư Petrus Key Về Quan Điểm Của Petrus Ký Đối Với Sự Xâm Lăng Của Pháp Và Việc Bắt Đạo Của Nhà Nguyễn

i. Phản Đối Sự Can Thiệp Bằng Vũ Lực Của Pháp

Nhưng quan trọng hơn nữa, là quan điểm của Petrus Ký đối với sự xâm lăng của Pháp và việc bắt đạo của nhà Nguyễn. Nó hoàn toàn trái ngược lại với quan điểm của lá thư Petrus Key.

Trong khi lá thư Petrus Key kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh Việt Nam để giải phóng cho các giáo dân, thì Petrus Ký phản đối sự can thiệp bằng vũ lực này của Pháp. Trong lá thư Penang, ông đã viết rất rõ ràng quan điểm này như sau:

Từ ngày đoàn chiến thuyền Pháp tới Tourane (Đà Nẵng), đối với các giáo dân Thiên Chúa Giáo mà sự cứu giúp là cần thiết, thì thứ thuốc chữa này còn tệ hơn là chứng bệnh!

ii. Chấp Nhận Việc Bắt Đạo Là Ý Chúa, Lẽ Tuần Hoàn Và Chủ Trương Bất Bạo Động

Kế đến, quan điểm của Petrus Ký về việc bắt đạo như được diễn tả trong lá thư Penang cũng hoàn toàn trái ngược lại với thái độ của Petrus Key. Trong khi lá thư Petrus Key kể lể những sự khổ sở mà các giáo dân phải chịu dưới sự áp bức của nhà Nguyễn, và do đó Petrus Key phải đại diện họ mà kêu cứu với quân Pháp, thì Petrus Ký có một thái độ khác hẳn, nếu không muốn nói là đối nghịch.

Đối với Petrus Ký, đó là một sự thử thách của Thiên Chúa đã dành cho ông, và vì vậy ông sẵn sàng chấp nhận sự thử thách này. Đối với ông, ý muốn của Chúa mạnh hơn tất cả các thứ vũ khí trên đời, và do đó, ông không sợ hãi gì với sự bắt đạo của nhà Nguyễn. Ông cũng cho rằng mọi vật trên đời đều tuân theo lẽ tuần hoàn, sau những sự khó khăn sẽ là những gì tươi đẹp hơn. Đó là những gì ông viết trong lá thư Penang:

“Nhưng sau những đám mây là mặt trời, sau trận bão là sự tĩnh lặng, như những điều đối nghịch mà liên quan. Điều này không thể hiện hữu, nếu không có điều kia đi trước. Có lẽ Thiên Chúa muốn đặt chúng tôi trong hoàn cảnh này, để sự mong muốn quí giá đến với chúng tôi và để đánh tan sự hợm hĩnh của những kẻ tin vào vũ khí hơn là Thiên Chúa. Quả là họ nghĩ rằng vũ khí mạnh hơn ý của chúa toàn năng! (cả hai điều này đang đến với chúng tôi). Về phần tôi, tôi chờ đợi trong im lặng và không chắc chắn về kết quả của các sự kiện. Tôi biết rằng không ai có thể chống lại ý Chúa. Nếu ngài ra tay, có ai thay đổi được? … Tôi đặt tất cả vào ý Chúa và ngủ với cả hai mắt. Nếu ngài muốn cho chúng tôi sự bình yên ngày hôm nay, tôi sẽ đi vào khu vực bình yên đó và cám ơn ngài. Nếu ngài muốn trắc nghiệm chúng tôi qua những thử thách, tôi sẽ tự an ủi rằng chúng ta cần những thử thách đó trước khi lên được thiên đàng.”

Do đó, khi so sánh nội dung của hai lá thư Petrus Key và Penang về quan điểm đối với cuộc xâm lăng của Pháp, ta có thể thấy rõ ràng sự khác biệt hay đúng hơn là sự đối nghịch về tư tưởng của hai tác giả.

Nhưng xin quí vị lưu ý là ngoài hai quan điểm này, ta còn có thêm một quan điểm được sáng tạo bởi ông Nguyên Vũ. Do đó, có tới ba (3) quan điểm về cuộc xâm lăng của Pháp mà ta đã xem xét:

– Petrus Ký phản đối cuộc xâm lăng của Pháp, theo lá thư Penang.

– Petrus Key yêu cầu quân Pháp hãy tiến đánh để giải phóng cho ông ta, theo lá thư Petrus Key.

– Ông Nguyên Vũ sáng tạo thêm một bậc nữa, bằng cách sửa đổi ý tứ của lá thư Petrus Key, để cho thấy là Petrus Ký đã tự nhận mình là người cùng phe với Pháp. Và đó chính là thí dụ điển hình nhất về loại sai lầm do cố ý muốn kết tội ông Petrus Ký – bằng cách dịch sai và sửa đổi chi tiết của tài liệu.

PHẦN 3

KẾT LUẬN

Tóm lại, những sự sai lầm về Petrus Ký có thể chia ra thành hai loại lớn: không cố ý (unintentional)cố ý (intentional). Loại không cố ý lại có thể được chia ra thành hai nhóm nhỏ là do thói quen và do bất cẩn. Trong khi đó, loại cố ý có thể được chia làm hai nhóm nhỏ là do muốn biện hộ cho Petrus Ký bằng định kiến của mình và do muốn kết tội Petrus Ký bằng cách sửa đổi tài liệu.

Và mặc dù nhiều như vậy (đến có thể chia ra làm hai loại lớn và bốn loại nhỏ), theo thiển ý của tôi, tất cả những sai lầm về Petrus Ký thật sự đều do một lý do chính: đó là vì ông đã đi trước thời đại hàng chục năm hay hàng trăm năm, làm cho những người hậu sinh vẫn không hiểu nỗi ông.

Như ta thấy, ông Petrus Ký đã chỉ bộc lộ sự suy nghĩ của ông bằng tiếng Latin, vì ông đã học ngôn ngữ này từ nhỏ, và cũng có thể vì ở thời của ông, tiếng Việt hay tiếng Hán không đủ chữ để diễn tả những gì ông muốn nói. Mấy mươi năm trước, việc hiểu được tiếng Latin không phải dễ dàng, và do đó đã có những sai lầm về ông. Nhưng hiện giờ là năm 2018. Với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, với các tác phẩm và tài liệu của Petrus Ký có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, và với sự trợ giúp phiên dịch trên mạng, đã đến lúc ta cần tìm hiểu chính xác hơn về nhân vật có một không hai trong lịch sử Việt Nam này.

Xin cám ơn quí vị.

© 2018 by Winston Phan. All Rights Reserved

Nguồn: https://viet-studies.net/PhanDaoNguyen_SaiLamVeTruongVinhKy.pdf?fbclid=IwAR1XZZG_NfWU3pm76LGirzMk5V_GqS0P191D6BZZDS0UHM2u1XWmgKyE1Z4


[1] http://www.viet-studies.net/PhanDaoNguyen_PetrusKy.htm, hoặc

https://nghiencuulichsu.com/2017/04/13/minh-hoa-cho-petrus-truong-vinh-ky-ve-cau-o-voi-ho-ma-khong-theo-ho/

[2] Tôi có viết một bài viết khá dài về lá thư này với tựa đề: “Petrus Key và Petrus Ký- Chuyện một lá thư mạo danh Trương Vĩnh Ký vào thế kỷ 19”. Có thể đọc bài viết này tại đây: http://www.vietstudies.net/PhanDaoNguyen_ThuMaoDanhPetrusKy.pdf, hay: https://petruskyaus.net/petrus-key-va-petrus-ky-chuyen-mot-la-thu-mao-danh-winston-phan-dao-nguyen/

Comments are closed.