Niềm day dứt của một nguyện ước

Nguyễn Hồng Anh

 

NGUYỆN ƯỚC

(Ý Nhi)

 

Ra đi

như con thuyền rời bến khi ngày vừa rạng           

sóng khẽ chạm vào doi cát lời từ biệt

 

như chiếc lá còn xanh rời bỏ nhánh cành              

dấu vết mơ hồ trên cội rễ

 

như bông lan tím sẫm

nhạt dần                                                                         

rồi một ngày khép lại tựa chiếc kén cũ xưa

 

Ra đi

như chiếc bình sứ lộng lẫy trong tủ kính sáng đèn

âm thầm vỡ rạn                              

 

như bài thơ hay trên trang báo bị xé                      

buồn tủi

hân hoan                                                                        

bay những cánh bướm cuối ngày hè       

 

như chiếc nhẫn của lời hẹn ước               

tuột khỏi vòng tay                                                       

lẩn mình cùng sỏi đá                                                   

 

Ra đi

như người đàn bà                                                        

đi khỏi mối tình của mình.

“Nguyện ước” là một bài thơ lạ bởi tiêu đề. Mới dừng lại ở hai từ “nguyện ước”, người đọc chờ đợi một niềm vui, sự tích cực, giá trị hạnh phúc nào đó sẽ được nhân vật trữ tình hé lộ, đơn giản vì có ai lại ước mong điều ngược lại bao giờ. Nhưng những hình ảnh hiện lên tuần tự trái ngược hoàn toàn với tầm đón đợi nơi người đọc: sóng và cát từ biệt, lá lìa cành, hoa khép cánh, chiếc bình sứ vỡ, bài thơ bị xé khỏi trang báo, chiếc nhẫn thất lạc, và người đàn bà chia tay cuộc tình.

Chậm rãi đọc lại từng dòng, thấy bài thơ chia thành ba đoản khúc, mỗi đoạn bắt đầu bằng hành động “ra đi”. Hoá ra, điều ước thành tâm (thành tâm đến mức nguyện xin) của nhân vật trữ tình là được ra đi, nhưng không phải là đi trong hân hoan vì đã có một đích đến, càng không phải là đi để trở về. Những hình ảnh liệt kê ở trên chỉ dẫn đến một kết quả: ra đi là làm cuộc chia lìa, là bỏ lại quá khứ sau lưng, là vĩnh viễn.

Là vĩnh viễn, vì trong những hình ảnh gợi liên tưởng này, hầu hết đều diễn tả thời gian một đi không trở lại, không thể hoàn nguyên: từ lá xa cành đến bình vỡ rạn… Duy chỉ có sóng sẽ mãi “chạm” vào doi cát đến muôn đời, nhưng nói như Heraclitus (“không ai tắm hai lần trên một dòng sông”), làm gì có hai lần lớp sóng giống nhau và cũng không có cùng một doi cát với tỉ lệ lớp trầm tích được bồi đắp qua từng giờ từng phút. Thời gian, vì vậy, là yếu tố chìa khoá để kết nối ý tứ toàn bài: chung cục đều dẫn đến tận tuyệt. Nhận diện ban đầu này khiến “nguyện ước” trở thành một cái gì đau xót ẩn hiện!

Thời gian có khi bước đều đặn như một sinh hoạt thường ngày khi con thuyền rời bến, có khi như hụt mất vài nhịp khi trái với quy luật sinh diệt vì lá xanh mà đã sớm “rời bỏ nhánh cành”, có khi từ từ tàn dần trên màu tím phai nhạt của bông hoa cho đến ngày khép cánh vì mùa qua.

Thời gian cũng có khi đột ngột bên ngoài như một ngày nọ nhìn vào tủ kính thấy chiếc bình rạn vỡ, nhưng thực ra bên trong đã dần dần hư hoại cùng tháng năm. Hai đối cực ấy lần nữa lặp lại nơi nỗi buồn tủi khi bài thơ bị xé lìa khỏi trang báo đã liền chuyển hoá sang niềm hân hoan khi từng mẩu thơ vụn tung lên thành “những cánh bướm cuối ngày hè”. Tinh tế hơn, mà cũng bi kịch hơn, sự đối nghịch ấy hiện lên ở hình ảnh chiếc nhẫn rơi lẩn vào sỏi đá: nhẫn là giao ước trăm năm của nhân sinh, lại đã biến mất, tan vào cái trăm năm đời đá sỏi – giữa hai cái “trăm năm” ấy, trăm năm nào còn, trăm năm nào mất, trăm năm nào nuốt lấy trăm năm nào, chắc cũng không cần phải nói ra. Dẫu sao, trong tất cả những đối cực này vẫn ánh lên cái đẹp của thời gian: cái đẹp của sự biến mất vô tăm tích sau khi đã tồn tại một thời rực rỡ huy hoàng.

Chiếc nhẫn rơi gắn liền với hình ảnh người đàn bà ở đoản khúc cuối: “như người đàn bà/ đi khỏi mối tình của mình”. Đến đây, câu thơ có hai cách đọc, mà chọn cách đọc nào thì sẽ quyết định giọng điệu của toàn bài thơ. Nếu nghĩ rằng rời bỏ một cuộc tình với người đàn bà là dễ dàng, thì quy chiếu lại những hình ảnh thơ trên, từ sóng từ biệt, hoa rơi, bình vỡ… đều là sự chia lìa đúng theo nhịp thời gian “dần dần”, “quen thuộc” đến thanh thản. Bằng nghĩ ngược lại, người đàn bà nào chẳng xót xa khi bước qua một mối tình, thì cái nhịp thời gian “đột ngột”, “đối cực” bỗng chốc nổi dậy thành giọng đau thương. Có lẽ chỉ có bậc chứng ngộ mới nhìn hoa rơi nước chảy mà hiểu lẽ vô thường để thấy lòng vẫn thảnh thơi, còn nhìn chung chốn nhân sinh này, những chia li đổ vỡ dù có lặp lại hàng vạn lần vẫn không làm sao quen được.

Đến đây khi đọc trở lại tiêu đề, bài thơ dần trở nên sáng rõ. Vì là “nguyện ước”, nên cách đọc thứ nhất vừa nói ở trên bỗng chốc tan biến. Cũng dễ hiểu thôi, nếu thanh thản giản đơn thì cần gì ước nguyện? Vậy chỉ còn lại cách đọc thứ hai, là nỗi buồn thương, vì điều nguyện xin chỉ mới tồn tại trong tâm tưởng; và càng khẩn thiết, nghĩa là càng khó đạt được. Hoá ra những hình ảnh so sánh ở trên chỉ là để mở ra nguyên do thực sự của lời nguyện nơi đoản khúc cuối: người đàn bà muốn ra đi khỏi cuộc tình của mình. Dù đoản khúc này cũng bắt đầu bằng một chữ “như” đầy gián cách giữa nhân vật trữ tình và “người đàn bà”, nhưng sức nặng của tâm tình đó đã tự tiết lộ đó là cùng một chủ thể, cùng một ước nguyện. Chính trong sự dịu dàng, “có vẻ” thanh thản của giọng thơ lại tồn tại niềm day dứt khôn tả của một nguyện ước (có lẽ) không bao giờ đạt được.

 

Sài Gòn, 27/1/2023

Comments are closed.