Thomas Stearns Eliot, nhà cách tân thơ đầu thế kỷ XX (kỳ 3)

Howard Gardner

Hoàng Hưng dịch

File:The Wasteland.djvu

Bìa The Watse Land, bản in đầu tiên năm 1922.

NHỮNG TÁC PHẨM MỞ RỘNG VÀ TIẾNG TĂM NGÀY CÀNG TĂNG

Mặc dù Eliot phải vật lộn để đủ sống, làm thơ tương đối ít, và đi qua một cuộc hôn nhân đau khổ khác thường với rất ít tưởng thưởng, nghề nghiệp văn chương của anh bắt đầu đơm hoa. Với sự trợ giúp đáng kể của Pound, Eliot đã có thể xuất bản nhiều tác phẩm của mình. Tập Prufrock and Other Observations – Prufrock và những quan sát khác được xuất bản vào tháng 6 năm 1917 ở Anh và ba năm sau ở Hoa Kỳ. Eliot xuất hiện như một nhà văn, nhà phê bình và nhà thơ trên những tập san hàng đầu của Anh và Hoa Kỳ thời đó, như Poetry [Thơ], Dial, Nation [Quốc gia]. Một cuốn sách phê bình có ảnh hưởng, The Sacred Wood [Rừng thiêng] được xuất bản vào năm 1920. Vào đầu thập kỷ 1920, mới bước vào độ tuổi ba mươi, Eliot đã được thừa nhận là một trong những gương mặt văn chương ở cả hai bờ Đại Tây Dương, được tôn kính (và đôi khi sợ hãi) vì những tài năng văn chương ghê gớm của ông và quyền lực ngày càng lớn trong thế giới xuất bản.

Chắc chắn tư cách thành viên của Pound (và tiếp đó là của Eliot) trong giới văn chương hàng đầu đã thúc đẩy nghề nghiệp của Eliot tiến xa hơn. Eliot ít nhất cũng là một du khách bạn bè trong nhóm Bloomsbury, nhóm văn chương và trí thức có ảnh hưởng trong đó có các nhà văn như E.M. Forster, Lytton Strachey, và Virginia Woolf. Đặc biệt, ông đã khám phá ra rằng mình có sự gần gũi về con người và nghề nghiệp với Woolf. Việc thực sự có một thế hệ trẻ người Anh ra mặt trận, và nhiều người trong số tài năng nhất không bao giờ trở lại, đã tạo ra một khoảng trống về lĩnh vực văn hoá, mà những người nước ngoài như Pound và Eliot có mặt và chắc chắn là hăm hở lấp đầy.

Dẫu sao, thành công của Eliot cũng đòi hỏi sự cố gắng của bản thân tác giả. Thư từ của ông được công bố gần đây cho thấy rõ rằng Eliot ngay từ đầu đã quan tâm đến việc bảo đảm cho tác phẩm của mình được thừa nhận. Chàng Eliot một thời e thẹn đã có được sự mạnh dạn và uy quyền. Ông thận trọng vun trồng những nhà bảo trợ có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ như Schofield Thayer ở tờ Dial, nhà bảo trợ giàu có Isabella Stewart Gardner ở Boston, nhà xuất bản quan trọng ở New York Alfred Knopf, và John Quinn, người đại diện xuất bản trung thành của mình. Ở nước Anh, ông hành động một cách cẩn trọng để luôn thân thiện với Richard Aldington, Bruce Richmond, và những gương mặt văn chương hàng đầu. Ông giữ một mức độ tôn kính hay quyền uy thích đáng với từng người trong số ấy, sẵn sàng điều chỉnh khi cần đối với từng lá thư, cuộc gặp, và năm này qua năm khác.

Trong một lá thư dài, có nội dung chỉ đạo đáng kinh ngạc, viết cho người em trai, ông dạy Henry Eliot cách thức tiếp xúc với những người có ảnh hưởng ở Boston và New York, những báo chí phải tới thăm, những sự giới thiệu phải có, v.v. Eliot khuyên em mình “bảo đảm có những lời giới thiệu với các biên tập viên từ những người có vị trí xã hội cao hơn họ”. Ông thể hiện ham muốn “được các tạp chí kể trên biết đến tên một cách đích danh… và có được sự kết nối vững bền, như [được đặt] viết một “lá thư Anh quốc” hay bàn luận về một đề tài đang sôi nổi về nước Pháp”.

Eliot cũng có thể phân tích theo cảm tính vị trí của mình; trong một lá thư gửi ông thầy già dạy triết của mình là J.H. Woods, ông tuyên bố:

Chỉ có hai cách làm cho một nhà văn trở nên quan trọng – viết một lượng tác phẩm lớn, và làm cho chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi, hai là viết rất ít… Tôi viết rất ít và sẽ không trở nên quan trọng hơn bằng cách gia tăng sản lượng… Tiếng tăm của tôi ở London được xây dựng trên một tập thơ nhỏ… Điều duy nhất quan trọng là mỗi tác phẩm phải hoàn hảo trong loại của nó, để cho mỗi cái là một sự kiện. Còn với Hoa Kỳ: ở đây [nước Anh], tôi là một người quan trọng hơn nhiều so với ở quê nhà… Do đó, nếu ta phải kiếm sống, thì cái nghề an toàn nhất là cái nghề xa cách nhất với nghệ thuật.

Và xin lỗi người đại diện xuất bản Quinn vì một tập sách kết hợp văn xuôi với phê bình, ông nói: “Đây là lúc tôi có một cuốn sách ở Hoa Kỳ và đây là cách duy nhất để có được nó”.

Các thành viên gia đình và các cố vấn có ảnh hưởng thường chỉ cho nhà sáng tạo trẻ những kỹ thuật có thể giúp họ tạo ảnh hưởng với trường. Eliot rõ ràng đã lấy những sách lược từ người mẹ, bà đã từ lâu toan tính thay mặt đứa con có thiên bẩm của mình thao túng sàn diễn, và từ Pound, người đã thân thuộc địa bàn văn chương Anh-Mỹ. Tuy thế, Eliot vẫn là một nhà hoạch định bậc thầy cho nghề nghiệp của chính mình. Thực vậy, có lẽ vì đã học được từ những sai lầm của người khác, nên ông ít tỏ ra hăng hái ở chốn công cộng hơn Pound và ít khăng khăng hơn bà mẹ trong những mối quan hệ riêng tư. Từ lúc chuyển đến thường trú ở nước Anh vào năm 1914, cho đến khi đã trở thành một danh nhân văn học quốc tế được xác định vào thập niên 1930, Eliot cực kỳ có kế hoạch và suy nghĩ kỹ về mỗi bước chuyển trong nghề nghiệp.

Trong khi vẫn còn hơi e thẹn, cứng ngắc, và khó chịu với bản thân, Eliot đã gây ấn tượng xuất sắc với những cá nhân có quyền lực và ảnh hưởng nhất mà mình gặp: sự duyên dáng, dè dặt, kiến thức bách khoa (mà anh thể hiện nó một cách nhẹ nhàng), chút hài hước, và hơi hướm bên lề lưu liên của anh, tất cả đã giúp anh làm vừa lòng người khác. Hình ảnh hấp dẫn của anh trước công chúng không gây khó chịu; và trong khi không có sức mê hoặc một cách lộ liễu, có lẽ Eliot có được đức tính quan trọng là làm cho những cá nhân có quyền lực muốn đến giúp đỡ mình. Ngay cả khi sách của anh nhận được những bài phê bình ít tích cực và không bán chạy, chúng vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ với các thủ lãnh trí thức của nước Anh; cuối cùng thì tình trạng tranh tối tranh sáng có tính tích cực này chứng tỏ là một bước ngoặt.

The Waste Land: Bối cảnh và sáng tác

Ngay từ năm 1914, Eliot đã bắt đầu lao động cho “một bài thơ dài”, và anh tiếp tục thu thập các mảnh nhỏ cho nó trong suốt nhiều năm sau. Không rõ là Eliot đã tìm xong đề tài hay cấu trúc chưa, nhưng chắc chắn anh muốn nó là một tuyên ngôn quan trọng “định nghĩa” về thời đại của mình, cũng như một mô tả thuộc loại hành trình tâm linh mà anh và mẹ anh đã từ lâu bị mê hoặc. Có nhiều sự khởi đầu sai lầm rồi bị bỏ rơi, cũng như những dấu hiệu ban đầu hiệu nghiệm hơn như trong một bài thơ Pháp tên là “Dans le restaurant” [Trong tiệm ăn]. Vào đầu năm 1921 Eliot có thể trưng ra bốn phần của bài thơ, tên là “He Do the Police in Different Voices” (Anh ta làm cảnh sát với những giọng khác nhau)[1], với người bạn và cộng sự Wyndham Lewis. Anh viết cho người đại diện xuất bản Quinn rằng mình muốn hoàn tất bài thơ vào tháng sáu, nhưng những vấn đề gia đình đã xen vào.

Có hai nhân tố đã giúp thúc đẩy một cách khác nhau việc sáng tác bài thơ, cuối cùng nó trở thành The Waste Land. Thứ nhất, nhân tố tích cực là việc Eliot đọc cuốn sách của Jessie L. Weston về truyền thuyết Chén Thánh, From Ritual to Romance (Từ Nghi lễ tới Truyện truyền kỳ). Ý niệm về một cuộc truy tìm bắt đầu trong hoài nghi và tàn phá đã nằm trong tâm trí Eliot từ lâu, nhưng sự mô tả phong phú của Weston về những cuộc truy tìm và đề tài thần bí từ những nền văn hoá khác nhau đã cung cấp một phương tiện chuyển tải hấp dẫn mạnh mẽ cho những ý niệm còn tản mác của Eliot. Thứ hai, nhân tố thoạt mang tính ngăn trở là sức khoẻ suy giảm nhanh chóng của Eliot.

Vào tháng 9 năm 1921, những sức ép về đời tư cộng với những sức ép về nghề nghiệp đã đưa Eliot đến gần kề sự suy sụp thần kinh nghiêm trọng. Một bác sĩ khuyên ông nghỉ ngơi hoàn toàn, và Eliot đã ra đi, thoạt tiên tới Margate trên bờ biển Kent, rồi tới Lausanne Thuỵ Sĩ. Trong chuyến đi ba tháng gần như một mình, Eliot viết xong phác thảo bài thơ, giờ đây dài tới khoảng 1000 dòng.

Trong khi các học giả vẫn tranh cãi về chuyện tiến trình sáng tác của The Waste Land, thì có một điểm đã rõ ràng: Eliot đưa bản thảo cho Pound vào khoảng cuối năm 1921, và Pound biên tập nó một cách nghiêm khắc. Bản thảo được ghi chú bề bộn này là vật mà Eliot tặng cho Quinn như món qùa tạ ơn và chính là bản được tìm thấy lại nhiều thập kỷ về sau. Các học giả về Eliot giờ đây đã nghiên cứu kỹ lưỡng những chỗ xem lại mà Pound đề xuất, cũng như những chỗ xem lại của Vivien Eliot và của bản thân Eliot, và tiến trình sáng tác bài thơ giờ đây được hiểu cặn kẽ như bất kỳ tác phẩm văn học nào khác của TK 20.

Qua năm tháng, và đặc biệt vào những tháng cuối năm 1921, Eliot đã viết ra một loạt đoạn hay chương hồi bao quát nhiều tình huống rộng rãi: đời sống của tầng lớp dưới ở London đương thời; những màn kinh điển dính líu đến những tính cách thần bí; mô tả những cảnh thiên nhiên về mùa đông, xương xẩu, hoang mạc, và những yếu tố khơi gợi khác; những cuộc chuyện trò bằng nhiều thứ tiếng; những dòng và mảnh từ văn chương cao cấp (Shakespeare, Dante, Baudelaire); giễu nhại các tác giả được đánh giá cao (Pope); những tụng ca; những lời giảng cháy bỏng; những chuyện kể của thuỷ thủ; và những câu văn tiếng Phạn. Phẩm chất nhất thời của “Prufrock” và “Portrait” đã được cải tiến rất nhiều. Giờ đây ta đứng trước một ngôn ngữ không chỉ xuất phát từ một người trung niên có phần ngơ ngác mà cũng từ một mớ giọng nói phản ánh ý thức của những diễn viên và sự vật cất lên từ khoảng thời gian và không gian hết sức mở rộng.

Trong khi có những đoạn có sức khơi gợi rất cao và đầy đặn, có sức mạnh không thể chối cãi, thì bản thảo gốc vẫn quá tải. Thay vì thể hiện một cảm nhận về những vũ trụ khác nhau nói trên, phiên bản đầu tiên lại khiến người đọc nhớ đến những thất bại của chúng và đưa người đọc trở đi trở lại từng cái. Có nhiều sự bất định, lặp lại, và đơn điệu: quá nhiều giọng và quá ít nghĩa lý cho sự chỉ huy, kiểm soát bao trùm và từng chỗ. Công khó của Pound là ở việc cắt gọt những đoạn thừa lời đã kéo bài thơ theo nhiều hướng phân tán và việc làm cho những vần thơ còn lại thêm sắc sảo bằng cách gạch bỏ những từ ngữ không cần thiết hay gây hiểu nhầm, cũng như huỷ bỏ nhiều hàng rào và những âm điệu mâu thuẫn. Ông không thương tiếc vứt bỏ những toan tính giễu nhại cố ý hay vô tình của Eliot, vì thấy phần lớn là thấp kém và không cần thiết, và cũng xoá bỏ hay thách thức những mệnh đề ông thấy rõ là chứa đựng tinh thần ghét phụ nữ [myoginist], bài Do Thái hay nếu không thế thì lại thể hiện sự kỳ quặc của con người tác giả. Ông khuyên tác giả xuất bản những bài thơ đã nhập sâu trong tổng thể riêng rẽ với những bài thơ mới thêm vào. Ông giúp nâng cao các phẩm chất âm nhạc của tác phẩm, cả về nhịp của các dòng thơ riêng rẽ cũng như trong các đề tài và tiết tấu chung của nó. Cùng lúc, ông giữ nguyên những đề tài quan trọng và vấn đề bao trùm của chủ đề, giới hạn những cố gắng của mình trong việc làm cho rõ, tăng cường và truyền đạt chính xác thông điệp gần như hoàn toàn vô vọng của Eliot.

Chính Pound tự gọi mình là “bà đỡ”; Eliot thì gọi Pound là il miglio fabbro – người thợ mỹ nghệ thiện nghệ hơn. Kết quả là một bài thơ sắc sảo, cô đúc hơn nhiều và nói đúng cái phải nói. Mỗi đoạn thơ đều được phát biểu một cách trực tiếp hơn, trong khi những đường dẫn thực sự giữa năm đoạn của bản cuối cùng giờ đây được để ngỏ cho người đọc tạo dựng.

Những thay đổi mà Vivien Eliot đề nghị, tuy ít hơn nhiều, nhưng đã bổ sung rất đẹp cho những đề nghị của Pound. Có một thính giác tuyệt vời về các dòng thơ chuyên biệt, cũng như một kỹ năng đáng ganh tỵ trong việc giễu nhại lời ăn tiếng nói của người London thường ngày, Vivien ca tụng những vần thơ hay nhất, cải thiện vài dòng đã có, và gợi ý vài dòng thơ mới hàm xúc – chẳng hạn “nếu không thích nó thì anh có thể cặp kè với nó” và “Cưới nhau làm gì nếu anh không muốn có con”.

Sẽ có thể là đơn giản hoá và sai lạc khi tuyên bố rằng Pound cho lời khuyên về văn chương trong khi Vivien Eliot thì nâng đỡ về tình cảm. Thực ra, cả hai người dường như đã đóng cả hai vai trò. Nhờ có hợp lực của cả hai người biên tập tài năng, Eliot đã nhận được sự giúp đỡ về cả tổng thể bài thơ và về việc chọn từ ngữ cho những dòng thơ chuyên biệt.

Bản thân Eliot cũng biên tập đáng kể cho bài thơ, về cả những vấn đề cấu trúc lẫn những vấn đề của từng dòng thơ. Ông không phải lúc nào cũng nghe theo gợi ý của Pound, và một số nhà bình luận cảm thấy rằng nếu như ông ít nghe theo những gợi ý ấy hơn thì có lẽ sẽ tốt hơn. Nhưng ít ai tranh cãi rằng bài thơ chung cuộc về tổng thể thì hay hơn bản thảo gốc; nếu phải lựa chọn một cách nghiêm khắc, thì sẽ tốt hơn cho Eliot nếu chấp nhận mọi gợi ý của Pound hơn là chối bỏ tất cả.

Tiến trình sáng tác The Waste Land cho ta một ví dụ xuất sắc về vai trò không thể thiếu mà những người khác có thể đóng trong sự ra đời một kiệt tác sáng tạo. Trong thời gian viết, Eliot đang ở vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Đời sống riêng của ông bất hạnh, và ông vẫn thiếu tự tin về chỗ đứng của mình trong thế giới văn chương. Ông làm ra một bản thảo ngổn ngang đầy hứa hẹn nhưng khó cho người đọc tiêu thụ. Eliot may mắn có hai người mà ông cảm thấy thân gần, lại có thể làm việc với ông, và cũng may mắn là ông có thể tiếp nhận một cách xây dựng sự phê bình của họ.

Giống như mọi người sáng tạo khác trong một sự khai phá quan trọng, Eliot cố gắng sản sinh một hệ thống biểu tượng hay ngôn ngữ mới, một giọng thơ có thể thể hiện được, một mặt là những tình cảm tuyệt vọng của đích thân ông, mặt khác là sự suy vi của văn minh châu Âu. Những mảnh khác nhau mà ông đưa ra qua năm tháng giống như những phác hoạ riêng rẽ có trước bức Les demoiselles và bức Guernica, cũng như những trích đoạn ngắn và những bài dân ca sau đó được nhập vào Le sacre Les noces của Stravinsky. Hai nhà phê bình được chọn lựa của Eliot nhận ra rằng ông đã tìm thấy giọng điệu thích hợp và những cách thức thích hợp để hoàn thành mục đích của mình, cho nên đừng tìm cách phê phán về thiết kế và thông điệp của The Waste Land sau khi nó đã định hình. Đúng hơn, giống như các bậc cha mẹ tìm cách giúp đứa con nhỏ của mình truyền đạt ý nghĩ của nó một cách hữu hiệu, các bà đỡ của Eliot tỉa bỏ những ngôn từ thừa thãi để cho số khán giả đông đảo nhất có thể bắt được giọng điệu và tình cảm chủ đạo của nó. Một lần nữa, như ta đã thấy với Einstein, Freud, Picasso và Stravinsky, một người sáng tạo trên ngưỡng cửa của những thành tựu hấp dẫn nhất, đã hưởng lợi từ những mối kết giao thân thiết, gần như từ cha mẹ hay anh chị em ruột, cho đến những người mà mình thân kính.

Ý NGHĨA CỦA THÀNH TỰU

Ít tác phẩm thơ trong lịch sử đã được thừa nhận là quan trọng một cách nhanh chóng như thế, như một cống hiến mang tính cách mạng đối với văn học cũng như một chữ ký tinh thần của một thế hệ. Dù cho một Eliot về sau già hơn và sùng đạo ra mặt có giảm bớt tham vọng của bài thơ, nói rằng nó là “một lời cằn nhằn riêng tư và hoàn toàn vớ vẩn về cuộc đời…, một mẩu càu nhàu có nhịp điệu”, nó đã có ý nghĩa rất nhiều đối với một thế hệ người đọc Âu Mỹ.

Eliot thể hiện được qua ngôn từ và hình thức sự khó ở đang lan rộng, buổi tận thế của nền văn minh châu Âu từng có lúc dường như toàn vẹn và thống nhất, nhưng giờ đây dường như ngày càng phân mảnh, bất định và thậm chí cùn mòn. Eliot đã hoàn tất thông điệp này một cách gần như gián tiếp, thông điệp đã được đưa ra rõ ràng trong cuốn Decline of the West – Sự suy vi của phương Tây của Oswald Spengler chỉ vài năm trước. Không có chỗ nào trong bài thơ nói rõ đến văn minh phương Tây, sự phân rã của con người, hay sự suy vi hay vắng mặt của các giá trị. (Pound đã bảo Eliot không sử dụng một lời đề từ của Joseph Conrad trong đó một nhân vật lên tiếng về những tình cảm tuyệt vọng của mình). Thay vì thế, cảm nhận này được chuyển tải qua những chân dung sống động – chẳng hạn, việc làm tình hờ hững giữa ả đánh máy chữ và cậu thư ký công ty mua bán nhà đất; việc sử dụng những hình ảnh từ văn học kinh điển như Phlebas, con người từng có lúc đẹp trai, và nhà tiên tri Tiresias lưỡng tính đã chịu mọi khổ nạn; sự tương phản ngấm ngầm giữa phương Tây suy sụp, không còn màu mỡ với một phương Đông khôn ngoan và bình yên hơn, đã được tiêu biểu bằng bản tam ca huyền bí “Shantihs” cuối cùng, lấy từ kinh Upanishad, gợi lên “sự yên bình với hiểu biết từ quá khứ”.

Thành tựu của Eliot gây ấn tượng mạnh về một khía cạnh khác. Bài thơ khó đọc và khó chịu, đầy những dòng thơ chỉ người có học là có thể hiểu và những ám dụ mà ngay cả những cước chú dài dòng cũng không đủ làm sáng tỏ. Thế nhưng, thay vì đánh đố hay làm người đọc mất hứng – và ở đây tôi đặc biệt nói những người đọc trẻ – thì cái phẩm chất bí hiểm và tối tăm của The Waste Land lại dường như góp phần vào hiệu quả của bài thơ và đưa người đọc vượt qua sự hấp dẫn của vẻ làm dáng hiển nhiên khi đọc một tài liệu có chiều sâu rõ rệt như thế. Eliot có phần thành công trong việc chuyển tải thông điệp của bài thơ ngay cả khi những dòng thơ riêng rẽ và những phần riêng biệt có vẻ vô nghĩa. Khi ta đọc đi đọc lại bài thơ – và, giống như những tác phẩm hiện đại khác, nó đòi hỏi và thưởng thưởng việc đọc lại – những đoạn riêng rẽ có thể không trở nên trong sáng, nhưng tâm trạng bi ai của Eliot thì xuyên suốt với niềm tin và sức mạnh rõ rệt hơn. Ở chỗ này, lần nữa, ta lập tức nghĩ đến những sự tương tự với Les demoiselles Guernica, Le sacre Les noces.

Các phản ứng với The Waste Land

Những bài báo điểm bình về The Waste Land tích cực hơn rất nhiều so với những gì mà những tác phẩm mang tính thời đại tương đương, chẳng hạn như Le sacre của Stravinsky hay Les demoiselles của Picasso, đã nhận được. Chắc chắn cũng có những phản ứng tiêu cực. Nhà thơ Amy Lowell gọi nó là “một mẩu mề heo [nguyên tác: “tripe” nghĩa là lớp niêm mạc dạ dày súc vật – ND]”, nhà thơ Williams Carlos Williams than rằng “tôi cảm thấy ngay lập tức nó đưa mình ngược về 20 năm trước”, và tờ báo Manchester Guardian thì nói về “quá nhiều giấy lộn”. Nhưng phần lớn những cây bút bình luận trên báo đều có cái nhìn tích cực hoàn toàn hoặc dè dặt. Conrad Aiken nói đến “một loạt bức tranh xuất sắc, ngắn ngọn, rời rạc hay có liên quan mờ nhạt, qua đó một ý thức trút hết những nội dung đặc trưng của nó”; Edmund Wilson tuyên bố rằng nó “nâng cao và tàn phá cả một thế hệ”; Karl Schapiro gọi nó là “bài thơ quan trọng nhất của TK 20”. Và tờ Times Literay Supplement – Phụ trương Văn học của báo Times tuyên bố vào ngày 26 tháng 10 năm 1922: “Chúng ta có ở đây bề rộng, chiều sâu, và sự diễn đạt đẹp đẽ. Còn cần gì thêm nữa cho một bài thơ lớn?”

Từ khi xuất bản, The Waste Land đã được soi xét nhiều nhất trong mọi tác phẩm văn chương TK 20. Sự đa thanh của nó đã sinh ra vô số cách đọc và sự tranh cãi. Sự tranh cãi trong trường [giới văn chương] xoay quanh một số điểm. Mội số người nhìn bài thơ chủ yếu như một tuyên ngôn tuyệt vọng riêng tư, trong khi những người khác cảm thấy rằng nó cố gắng đạt đến sự biểu đạt phổ quát. Phần lớn nhìn nó như mang tính thể nghiệm cao độ và tiên phong, nhưng một ít người cảm thấy rằng nó lạc hậu một cách cố tình hay vô tình. Một điểm thường trở đi trở lại trong tranh luận liên quan đến một trong những đức tính của văn chương theo Aristotle – bài thơ có thống nhất một khối hay không. Người phê phán nặng nhất than phiền là nó rời rạc, chắp vá tình cờ hay vô nghĩa mà không có sự liên tục hay phương hướng. Đáp lại, một nhóm người bảo vệ tuyên bố rằng sự rời rạc thực ra chính là điểm mạnh của bài thơ: vì đời sống và sự cảm nhận hiện đại hỗn mang, nên một bài thơ chuyển tải một cách trung thành không khí ấy phải tự nó làm ví dụ cho sự vô trật tự. Những người bảo vệ khác tuyên bố dù sao cũng tìm thấy trật tự. Nhà phê bình I.A. Richards, một trong những người đọc sớm và suy nghĩ sâu sắc nhất, mô tả bài thơ là thống nhất về cảm xúc chứ không về logic, nó đạt hiệu quả bằng “âm nhạc của các ý tưởng”; ông nói về sự tương phản và tương tác của những hiệu ứng xúc cảm như sợi chỉ xuyên suốt. Theo Cleanth Brook, thì thái độ mỉa mai chủ đạo đã tạo nên tính nhất thể qua các trải nghiệm và các đoạn của bài thơ. Cũng có sự tranh luận nóng bỏng về giọng điệu: có nhiều hay một giọng điệu? Nếu như là một giọng, thì đó là giọng Eliot, một giọng thay mặt Eliot, giọng nhà hiền triết Tiresias, hay tinh thần châu Âu hiện đại? Với thời gian và những nghiên cứu tiếp tục, nhiều nhà văn đi đến chỗ tập chú vào những yếu tố tự truyện phản ánh một Eliot trầm cảm, bất lực và bên lề.

Dù được phản ứng ra sao, thì Eliot cũng đã trở thành một nhà thơ quan trọng, và The Waste Land rõ ràng là một tác phẩm ghê gớm, tuyên bố – có lẽ cũng thực hiện – tham vọng của tác giả về sự lớn lao của nó. Ngay cả một Eliot lúng túng vì không tự tin cũng dám nói rằng nó là “một tác phẩm tốt”, “tốt nhất mà tôi từng làm được”. Như với Le sacre, một nghệ sĩ còn trẻ tuổi đã xoay xở để thuyết phục trường [giới âm nhạc] rằng tác phẩm mới nhất của mình đánh dấu một tuyệt đỉnh, một thời khắc quyết định trong sự phát triển của chính mình, trong sự phát triển của những nhạc sĩ cùng thời, và, có lẽ, trong sự tiến triển của lĩnh vực. Không chỉ có việc bài thơ có được tầm quan trọng trong tâm trí Eliot và ông đã nghĩ tốt về nó, mà vấn đề là ông đã thành công trong việc chuyển tải cảm nhận về sự đặc biệt này tới người khác. Vượt lên trên mọi giá trị nội tại của nó, độ dài, khuôn khổ, và ngay cả sự tự phụ và tự đắc trong cách giới thiệu, tất cả hợp sức để làm cho nó thành một tác phẩm quyết định trong con mắt tác giả và công chúng của ông.

THÀNH TỰU ĐẶC BIỆT CỦA NHÀ THƠ

Theo tôi, The Waste Land, hơn bất kỳ tác phẩm thơ nào cùng thời đại, chuyển tải những giọng điệu và đề tài chiếm lĩnh ý thức của những người đồng thời trong giới văn chương. Với không đầy 500 dòng thơ, Eliot đã thành công trong việc chạm đến và đi vào một số lượng thế giới nhiều đến kinh ngạc. Mỗi dòng thơ và chắc chắn mỗi khổ thơ, đều mang nặng ý nghĩa và có thể tự thân khởi lên một bài thơ riêng rẽ về một chủ điểm riêng rẽ. Thiên tài này không chỉ chuyển đến người đọc một vũ trụ thơ (hay thực ra là nhiều vũ trụ thơ) mà còn cung cấp một số lượng đồ sộ những điểm vào cho khán giả. Vài đoạn thơ tung ra thứ ngôn ngữ nói, sự hí hoạ sống động, sự mô tả thiên nhiên bền vững, những hình ảnh thần bí, lời đáp sắc sảo, những cảnh tượng đô thị ảm đạm, những mẩu chuyện kể, một cuộc chơi âm thanh thuần tuý, những chớp hình đập vào mắt, và nhiều hơn thế. Giống như trong những kiệt tác đỉnh cao khác của kỷ nguyên hiện đại, như Ulysses hay À la recherche du temps perdu – Đi tìm thời gian đã mất, đám đề tài chồng lấn nhau xuất hiện lúc ban đầu rồi sau đó được phát triển theo cách này cách khác trong tác phẩm, cũng góp phần mạnh mẽ vào hiệu quả của tác phẩm. Giữa các đề tài trong The Waste Land, có những đề tài về sự phồn sinh và những lễ nghi sinh thực khác, ông Vua Ngư Phủ – Fisher King, cỗ bài Tarot, câu chuyện Chén Thánh, vẻ u ám của London với những cây cầu và nhà thờ cổ, cuộc tán phễu giữa tửu khách quán bar, cuộc chuyện trò nghe lỏm được giữa các thành viên của xã hội thượng lưu, những mong đợi hành lạc mà không có tình yêu, khả năng cứu chuộc, và những âm vang dụ khị của triết học hay tôn giáo phương Tây. Những mô típ có ý nghĩa này xuất hiện trong một bài thơ có những dòng thơ mạnh mẽ và những tuyên ngôn trần trụi, được chuyển tải chủ yếu trong hình thức câu thơ năm chân [pentameter] cổ điển. The Waste Land nổi lên như một chân dung đậm đặc và mạnh mẽ của giàn dài những tư tưởng chiếm lĩnh một tâm trí rối loạn sâu xa, thực vậy, tâm trí hiện đại. Và dẫu không phải là câu chuyện kể trực tiếp, nó đưa ra cùng lúc những cuộc tìm tòi đã cũ một cách khá thấu đáo, đủ cho người đọc cảm giác về một trải nghiệm hoàn hảo, chu toàn.

Cuối cùng, tôi muốn gợi ý rằng tâm trạng của bài thơ ăn nhập một cách chính xác với những tình cảm của dân chúng châu Âu khi kết thúc một cuộc chiến tranh kéo dài và phần lớn là chẳng ích gì – một thị ảnh mà Eliot đã tiên cảm khi bước đi qua các phố Boston hơn một thập niên trước. Giữa giới trẻ và giới trí thức – là mục đích của bài thơ này, trường của nó – có sự đồng thuận rằng chiến tranh đã không đem lại bao nhiêu và những trông đợi về một nền văn minh có sức sống, tiến bộ, thật mỏng manh và ngày càng giảm. Tôn giáo có vẻ già yếu, sự phi luân được chấp nhận, và những thành phố từng sống động giờ đây già yếu và rời rã; nhiều người trong số đó đi tìm những sản phẩm biểu đạt có thể thể hiện những tâm trạng thất vọng ấy. The Waste Land thành công hơn bất kỳ tác phẩm nào khác trong việc này; do đó, nó được dùng như một biểu hiệu cho cả một thế hệ những kẻ bị mất hết, “thế hệ lạc lối” (lost generation) của Gertrude Stein. Như nhà thơ C. Day Lewis đã nói: “[The Waste Land] cho ta một ấn tượng đích thực về não trạng của những người có học trong sự suy trầm về tâm lý diễn ra ngay sau chiến tranh”. Mặc các nhà phê bình văn học nói gì, những người đọc thông thường đã trở nên cái trường làm cho The Waste Land nổi tiếng.

[1] Một dòng trích dẫn từ “Our Mutual Friend” (Người bạn chung của chúng mình) của Charles Dickens.

Comments are closed.