Trần Dần làm chữ “Trên quả đất mùa”

Lê Hồ Quang

Ngay từ 20 tuổi, khi đặt bút viết Bản tuyên ngôn tượng trưng (1946), Trần Dần đã nói tới nỗi “chán ngắt cái thi ca nông hẹp” [1], và “thói xấu của phần đông người đọc thơ là tìm nghĩa, trước khi tìm cảm giác” [2]. Ông kêu gọi đổi mới thơ bằng ngôn ngữ tượng trưng, “tân kì”, “mang bao ý nghĩa âm u và khác lạ” [3].

Sau sự cố Nhân Văn Giai Phẩm, cách tân thơ trở thành mục đích, đồng thời, là lối thoát tinh thần với Trần Dần. Ông tuyên bố: “tôi thích viết cái chưa biết, mặc các ông viết cái đã biết… cái chưa biết – cái khó – thậm chí cái bất khả thu hút và đắm đuổi tôi” (Sổ bụi 1988). Thậm chí, cực đoan hơn, ông viết: “Nói tao biết mày VIẾT thế nào – tao sẽ nói mày SỐNG – CHẾT ra sao” (Sổ bụi 1986). Viết là hành động “phá hoại” nhằm tìm kiếm “cái chưa biết”. Viết là tự do, nhưng “Tự do là vi phạm chứ không tuân theo tất yếu” (Sổ bụi, vở bụi 1987). Đó là hành động “đạp đổ chân trời? xổng xích các chân mây” nhằm giải phóng con người khỏi ngục thất tinh thần và thể xác.

Chối bỏ thứ ngôn ngữ thơ nệ thực, vị lợi trực tiếp, Trần Dần ráo riết tìm kiếm một ngôn ngữ thơ mang tinh thần, tư tưởng mới. Những tìm tòi về Chữ của ông bắt đầu từ những năm 60 của thế kỉ trước, đến giờ vẫn gây ra ở phần lớn độc giả phản ứng tương tự như khi họ tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật hiện đại. (Về điều này, ta có thể mượn cách nói của Cynthia Freeland, trong cuốn sách nổi tiếng của bà, để diễn tả: Thế mà là Thơ ư?!)   

Điều này xuất phát từ quan niệm của Trần Dần. Ông viết: “Một VIẾT dãi dàu sinh ra một ĐỌC dãi dàu. Thơ cổ lai đặt ở tứ lạ – lời hay – hình ảnh đẹp – âm điệu ru hồn. Tôi giản dị đồng nhất THƠ vào CHỮ” (Sổ bụi 1988). Trong quan niệm truyền thống, CHỮ (nói rộng ra là ngôn ngữ, hình thức) chỉ là công cụ, phương tiện để chuyển tải nghĩa. Trong mối quan hệ với nghĩa, CHỮ chỉ giữ vị trí thứ yếu. Điều này kéo theo thói quen khi đọc văn bản, độc giả thường quan tâm tới tìm nghĩa mà bỏ qua CHỮ. Bằng phát ngôn và hoạt động thực hành thơ, Trần Dần (và một số tác giả như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường… ) muốn xác định lại vị trí quan trọng của CHỮ trong mối quan hệ giữa CHỮ và NGHĨA. Bản thân CHỮ là một cấu trúc tự trị, độc lập. Bên cạnh chức năng chuyên chở các lớp nghĩa giao tiếp thực dụng, CHỮ hoàn toàn có khả năng tạo sinh nghĩa mới, ngoài nghĩa từ điển, nghĩa tiêu dùng. Bởi vậy, theo nhà thơ, viết tức là “tôi để con CHỮ – tự mình làm NGHĨA”. Như vậy, nghĩa không phải là cái sẵn có hay được mặc định. Nghĩa chỉ có thể phát sinh từ cấu trúc CHỮ tương ứng: Biển giấu sâu – trời giấu rộng – chữ giấu nghĩa (Sổ thơ 1976). Tất nhiên, cái quyết định tính thơ, giá trị thơ không nằm ở các biện pháp tu từ cụ thể mà nằm trong chiến lược tư duy của nghệ sĩ. 

“Làm thơ là làm CHỮ” không dừng lại ở cách nói gây sốc. Nó là quan điểm sáng tạo sẽ được Trần Dần quán triệt trong thực hành thơ. Điều này không chỉ nhằm mục đích “gây hấn” với những quan điểm thẩm mĩ truyền thống, những thiết chế quyền lực văn hóa, văn học thủ cựu. Nó là một nhu cầu tự thân, nhằm đổi mới nhãn quan, tư duy về ngôn ngữ, hình thức, rộng ra là về bản chất thơ (điều đã được bàn tới trong nhiều công trình nghiên cứu lí thuyết về ngôn ngữ và thơ ca đầu thế kỉ XX trên thế giới), từ đó, đổi mới cách nghĩ, cách viết.

Mùa Sạch (1964) được xem là “bước ngoặt đánh dấu một độ chín mới trong phong cách đa bội Trần Dần” [4], thể hiện một “mô thức tạo nghĩa” độc đáo, mô phỏng cấu trúc basso ostinato (bè trầm trì tục) trong âm nhạc. Theo Dương Tường, Mùa Sạch “được tạo dựng theo cấu trúc của nhạc giao hưởng. Một tổ khúc giao hưởng lấy bốn từ trong – sạch – sáng – mùa làm chủ đề chính (leitmotiv) được phát triển thành nhiều biến tấu, tạo một nền âm – chữ siêu ngữ nghĩa, thường trực và da diết” [5]. Nó là kết quả của một ý tưởng sáng tạo lâu dài, được tác giả ấp ủ, nghiền ngẫm, lên kế hoạch từ trước, chứ không phải “bùng nổ” một cách bất ngờ, ngẫu nhiên, theo xúc cảm thuần túy (như cách nghĩ phổ biến về hoạt động sáng tạo thơ). Ý tưởng đó được Trần Dần thực hành một cách triệt để trong cấu trúc và ngôn ngữ tác phẩm.

Trích đoạn Trên quả đất mùa cho thấy khá rõ tính áp đặt hình thức trong cấu trúc văn bản và tham vọng “biến tấu chữ, biến tấu âm”, từ đó để “biến tấu nghĩa” của tác giả. Văn bản được cấu trúc dựa trên nguyên tắc lặp lại và biến đổi. Với Trần Dần, điệp không chỉ là biện pháp tu từ. Nó là một chiến lược hình thức, được thực hiện xuyên suốt văn bản, ở nhiều đơn vị (chữ, âm thanh, nhịp điệu…) và trên nhiều cấp độ (câu, đoạn, văn bản). Ví dụ, điệp từ: Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa/ Miền miền sầm uất thị thành mùa/ Bộ hành như giáo mác tủa mùa/ Tàu mùa tấp nập còi mùaĐiệp cú pháp: Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa; Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa… Mùa là từ khóa của văn bản. Nó cũng là đơn vị “chủ âm” kết nối các yếu tố khác trong văn bản thành chỉnh thể. Mùa xuất hiện dày đặc trong văn bản, có khi được sử dụng như danh từ (mùa cau, mùa na, mùa sen, mùa than…); có khi được sử dụng như tính từ, bổ sung ý nghĩa cho danh từ đứng trước (quả đất mùa, mặt trời mùa…). Đồng thời, mùa đứng cuối tất cả các dòng thơ, đảm nhận chức năng gieo vần. Điệu này tạo nên sự lặp lại có chủ ý về âm thanh, nhịp điệu. Với cấu trúc trùng điệp này, Trên quả đất mùa đã gợi ra một thứ nhạc tính đặc biệt, có tính tự thân, khác hẳn nhạc tính của thơ lãng mạn.  

Sử dụng mùa như một yếu tố chủ âm, bất biến, Trần Dần đồng thời cũng sử dụng thủ pháp liên tưởng, liệt kê – trong mối quan hệ quy chiếu với mùa – nhằm tạo ra những “biến tấu” hình ảnh, ngôn ngữ thơ đáng chú ý. Tuy nhiên, trong chuỗi liên tưởng như là bất tận và ngẫu nhiên ấy, chỉ số ít là quen thuộc. Còn phần lớn, giữa mùa và các trạng thái, hình ảnh, sự vật được nói đến không có mối liên hệ tất yếu nào. Chúng chỉ “bật ra” nhờ áp lực của hệ thống liên tưởng, chẳng hạn: quả đất mùa, ngã ba mùa, tuổi mùa, gió mùa, gặt mùa, cày mùa, gieo mùa… Sự “lắp ghép” này dẫn đến những cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh khác thường: Tôi nhất thích (chứ không phải tôi thích nhất) công tác ở quả đất mùa/ Miền miền sầm uất thị thành mùa/ Bộ hành như giáo mác tủa mùa/ Tàu mùa tấp nập còi mùa/ Trong mát mặt trời mùa; Giọt điện mùa lẩy bẩy đèn mùa/ Đồng hồ mùa trôi chảy tuổi mùa/ Gặp gỡ mùa rong ruổi ngã ba mùa; Khi búa mùa chi chát xưởng mùa/ Liềm mùa dột doạt gặt mùa/ Bút mùa xột xoạt tình mùa/ Khói mùa trong lửa bếp mùa/ Đạn mùa chăm chỉ lũy mùa/ Cơm trắng nuột bàn mùa; Nơi bắc cầu mùa/ Nơi ngâm hạt mùa/ Nơi chăn tằm mùa/ Nơi bửa núi mùa/ Nơi vượt biển mùa…

Xem tác phẩm là sự hiện thực hóa ý đồ sáng tạo, ráo riết đẩy đến cùng ý tưởng sáng tạo, nhiều khi Trần Dần đã thực thi hành động viết một cách cực đoan và duy ý chí. Tuy nhiên, khi nhìn Trên trái đất mùa trong tư cách sản phẩm đã hoàn tất, ta sẽ thấy mùa, với những kết hợp trùng điệp của nó, là một yếu tố hữu cơ trong cấu trúc văn bản. Không chỉ là chữ tối quan trọng của văn bản, nó là một phương thức làm chữtạo nghĩa theo kiểu Trần Dần. Nếu cắt bỏ hết chữ mùa, văn bản vẫn đảm bảo lớp nghĩa bề mặt. Nhưng nó sẽ mất đi vô số cảm giác, liên tưởng được gợi ra. Chẳng hạn tính chất trẻ trung, tình tứ trong câu thơ này: Ngực mùa len lụa phố mùi mùa… Mùa, trong vô số liên tưởng và kết hợp của nó, đi cùng số lượng lớn từ láy tượng thanh, tượng hình giàu tính biểu cảm: chi chít/ ve vẩy/ ngoe nguẩy; chi chát/ dột doạt/ xột xoạt, lịch kịch/ rục rịch/ rộn rịch, lục xục/ lục bục/ lục tục… Chúng tạo nên lớp “nghĩa cảm giác” song song với lớp “nghĩa hình ảnh”. Áp lực của khung cấu trúc xoay quanh chữ mùa, cùng với lớp từ ngữ tập trung biểu thị cảm giác và trạng thái động, đã làm dậy lên ấn tượng về một “mùa trái đất” bát ngát càn khôn trong bao la trí tưởng…

Chủ trương một diễn ngôn thơ mới, Trần Dần không ngại “trưng dụng” ngay cả loại ngôn ngữ quen thuộc của thơ kháng chiến: công tác, búa, xưởng, liềm, đạn, nông trường, công trường, lâm trường, nhân dân, dân quân, xuất binh… Xem chúng như một loại vật liệu, ông nhấc chúng lên, ngắm nghía, cấu tạo lại, và cuối cùng, đặt chúng trong tổ chức văn bản, tạo nên một mùa chữ mới: công tác mùa, búa mùa, xưởng mùa, liềm mùa, đạn mùa, nông trường mùa, công trường mùa, lâm trường mùa, nhân dân mùa, dân quân mùa…, Đó là một cách “chơi với chữ” của Trần Dần – “sinh sự chữ” để từ đó “sự sinh nghĩa”. Những nghĩa mới tươi tắn, “trong vắt”, giống như nhộng thoát thai từ vỏ kén cứng mốc, vỗ cánh thành bướm rực rỡ. Mùa, với sự lặp lại liên tục của nó, về mặt ý nghĩa, nhấn mạnh, tô đậm tính chất sinh nở, phồn thực, tình tứ của bức tranh trái đất, rộng hơn, là cả vũ trụ đang lúc vào mùa; về mặt thanh điệu, mùa góp phần tạo nên sự mê hoặc của không – thời gian Trên quả đất mùa:

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa

Tôi công tác trong vắt kể cả những ngày thâm đông

                     dựng may lạo xạo nội thành mùa

Tôi nhìn trong vắt ở cả những phía thất bát mùa

Những phía xục bùn mùa…

Có thể nói, Trần Dần đã sử dụng mùa như chìa khóa để thử nghiệm những khả năng cấu tạo và phát nghĩa độc đáo của chữ, của ngôn ngữ thơ. Mùa là nguyên liệu, đồng thời là nguyên tắc, phương thức cấu tạo nên ngôn ngữ và hình tượng Trên quả đất mùa.

Cấu trúc văn bản theo một dự phóng hình thức như Trần Dần đã làm quả là một sự lạc bước rất xa quỹ đạo văn học cùng thời, vốn trọng nội dung hơn hình thức, trọng nghĩa hơn chữ, trọng sản phẩm hơn tư duy nghệ sĩ. (Đó là lí do Nguyễn Như Huy xem Mùa Sạch của Trần Dần “là một tác phẩm trọn vẹn nhất của Nghệ Thuật Ý Niệm” [6]). Bằng cách đi vào những thực hành thơ vượt ngưỡng viết và đọc thông thường, Trần Dần muốn đập vỡ thói quen tư duy và “tính tự động” của cảm thụ, để nhận ra những khả thể tồn tại khác của ngôn ngữ. Và của thơ, đúng như nhận định của Viktor Shklovski: “Thủ pháp của nghệ thuật là thủ pháp biệt hóa các sự vật và là thủ pháp tạo ra một hình thức khó hơn, làm cho sự cảm thụ trở nên khó hơn và dài hơn, vì quá trình cảm thụ trong nghệ thuật mang tính mục đích tự thân" [7].

Có thể nói, nếu thơ kháng chiến nhắc ta chú ý đến hiện thực đời sống bên ngoài, của cộng đồng sử thi, thì Trần Dần nhắc ta chú ý đến một hiện thực khác, bên trong, mang tính cá nhân – hiện thực “sáng tạo chữ” của nghệ sĩ. Mối quan hệ liên loại hình văn học – âm nhạc – hội họa trong Mùa Sạch thể hiện kiểu tư duy phức hợp độc đáo của Trần Dần. Nó khá gần gũi với tư duy nghệ thuật hậu hiện đại, với xu hướng các loại hình nghệ thuật xâm nhập vào nhau, phá vỡ các vách ngăn loại/ thể loại mang tính định mệnh.

Trần Dần đã đẩy hiện thực chữ lên mức độ trừu tượng cao nhất, khiến ta có lúc có cảm tưởng đó chỉ là một trò chơi ngôn ngữ xa lạ, khép kín. Tuy vậy, theo một số công trình nghiên cứu, Mùa Sạch cắm rễ khá sâu trong mạch ngầm truyền thống. Những phân tích thuyết phục của Trần Ngọc Hiếu đã chứng minh Mùa Sạch là sự “biến hóa trên mô thức đồng dao” của người Việt, thể hiện “một kiểu tư duy về văn bản thơ, lấy ngôn từ làm trung tâm, đặt logic của thanh, của vần, của nhịp lên trước logic của ngữ nghĩa, cú pháp” [8]. Trường hợp Trần Dần, một lần nữa, khẳng định quy luật kế thừa và tiếp biến, cách tân trong sáng tạo.  

Có thể nói, xét cả về hoàn cảnh thực tế lẫn về phương diện tâm lí sáng tạo, với Trần Dần, thơ là một lựa chọn không thể khác. Nó là cách để ông sống, ngay cả khi “mỗi nhà thơ mang một địa ngục”. Nó là cách để ông bay, ngay cả khi “không có chân trời”:

Tôi khóc những chân trời không có người bay

Lại khóc những người bay không có chân trời

(Thơ mini 1988)

Với quan niệm “tôi giản dị đồng nhất THƠ vào CHỮ”, Trần Dần đã “rủ”/ buộc cả người đọc cùng ông “đi vào cửa khó”. “Cửa khó”, với Trần Dần, vừa là bản chất của thơ, là đặc thù của lao động nghệ thuật, một thách thức cần vượt qua, đồng thời là nguồn khoái thú vô biên kích thích cảm hứng sáng tạo. Trên quả đất mùa chính là một thách thức, một lời mời gọi vào cuộc chữ độc đáo và ý nghĩa của Trần Dần.  

                    Vinh, 31/5/2021


[1] Trần Dần (2008), Thơ, Nxb Đà Nẵng, tr. 54.

[2] Sách trên, tr. 58.

[3] Sách trên, tr. 56.

[4] Sách trên, tr. 151.

[5] Sách trên, tr. 151 -152.

[6] Sách trên, tr. 161 – 167.

[7] Nhiều tác giả (2001), Nghệ thuật như là thủ pháp (Lí thuyết chủ nghĩa hình thức Nga), Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 150.

[8] Trần Ngọc Hiếu (2012), Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội, tr. 140.


TRÊN QUẢ ĐẤT MÙA

Trần Dần

I

Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa

Miền miền sầm uất thị thành mùa

Bộ hành như giáo mác tủa mùa

Tàu mùa tấp nập còi mùa

Trong mát mặt trời mùa

Ngực mùa len lụa phố mùi mùa

Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa

Khi nốt chân mùa dày dạy gió mùa

Giọt điện mùa lẩy bẩy đèn mùa

Đồng hồ mùa trôi chảy tuổi mùa

Gặp gỡ mùa rong ruổi ngã ba mùa

Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa

Khi nụ cười mùa mát rượi phố mùa

Ngày nghỉ mùa chi chít gái trai mùa

Hoa viên mùa ve vẩy đùi mùa

Tăcxi mùa ngoe ngoảy chiều mùa

Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa

Khi búa mùa chi chát xưởng mùa

Liềm mùa dột doạt gặt mùa

Bút mùa xột xoạt tình mùa

Khói mùa trong lửa bếp mùa

Đạn mùa chăm chỉ luỹ mùa

Cơm trắng nuột bàn mùa

Biển mùa ngồn ngộn cá mùa

Bến mùa tua tủa thuyền mùa

Đi lại mùa loạt xoạt đường mùa

Khi điếu thuốc mùa châm cửa sổ mùa

Que diêm mùa xòe ngọn lửa mùa

Xoong chảo nồi niêu mùa lịch kịch buồng mùa

Cửa ngõ mùa rục rịch sao mùa

Nhân dân mùa rộn rịch miền mùa

Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa

II

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa

Bò mùa lúc nhúc nông trường mùa

Ga mùa lục xục tàu mùa

Chiều mùa lục bục sấm mùa

Tỉnh mùa lục tục gặt mùa

Mạ mùa gieo mùa

Sao mùa vằng vặc ngoại thành mùa

Xóm mùa lạc xạc cày mùa

Mùa Việt Nam trên quả đất mùa

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa

Nơi bắc cầu mùa

Nơi ngâm hạt mùa

Nơi chăm tằm mùa

Nơi bửa núi mùa

Nơi vượt biển mùa

Xào xạc gió mùa

Mùa Việt Nam trên quả đất mùa

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa

Mùa cau ỏn ẻn trầu mùa

Mùa duyên hò hẹn trăng mùa

Mùa na dụn dịn vườn mùa

Mùa sen trong vắt đầm mùa

Mùa Việt Nam trên quả đất mùa

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa

Mùa sao xủi bọt chiều mùa

Mùa tem nà nuột thư mùa

Mùa giao thông xoàn xoạt tàu mùa

Mùa len loạt xoạt nội thành mùa

Mùa Việt Nam trên quả đất mùa

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa

Mùa chim chim chíp tổ mùa

Mùa cưới xin bắc nhịp cầu mùa

Mùa dé xoan nhộn nhịp thuyền mùa

Mùa hội cấy thi chiêm chiếp mạ mùa

Mùa Việt Nam trên quả đất mùa

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam

Mùa phùn xột xệt công trường mùa

Mùa cưa sèn sẹt lâm trường mùa

Mùa luyện quân khin khít đạn mùa

Mùa quanh năm lẫm liệt gái trai mùa

Mùa Việt Nam trên quả đất mùa

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa

Mùa xây tới tấp gạch mùa

Mùa than tấp nập mỏ mùa

Mùa dân quân rồn rập bãi mùa

Mùa xuất binh sầm sập sấm mùa

Mùa Việt Nam trên quả đất mùa

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa

Tôi công tác trong vắt kể cả những ngày thâm đông

                     dựng may lạo xạo nội thành mùa

Tôi nhìn trong vắt ở cả những phía thất bát mùa

Những phía xục bùn mùa…

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa

Chúng tôi gieo hạt màu mùa

Chúng tôi bắt sâu mùa trùng mùa

Đuổi chim xít mùa

Mọi kẻ phá mùa

Chúng tôi cho chúng chiếc quan tài mùa!

Ấm lạnh cùng nhân dân năm lục địa mùa

Chúng tôi hồn hậu ngâm gieo cấy hái trên quả đất mùa

Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa

Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa [1]



[1] Trần Dần (2008), Thơ, Nxb Đà Nẵng.

[2] Sách trên, tr. 54.

[3] Sách trên, tr. 58.

[4] Sách trên, tr. 56.

[5] Trần Dần (2008), Thơ, Nxb Đà Nẵng, tr. 151.

[6] Trần Dần (2008), Thơ, Nxb Đà Nẵng, tr. 151 -152.

[7] Jonathan Culler (2020), Nhập môn lí thuyết văn học, Phạm Phương Chi dịch, Nxb Hội Nhà văn, tr.124

[8] Trần Dần (2008), Thơ, Nxb Đà Nẵng, tr. 161 – 167.

[9] Nhiều tác giả (2001), Nghệ thuật như là thủ pháp (Lí thuyết chủ nghĩa hình thức Nga), Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 150.

[10] Trần Ngọc Hiếu (2012), Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội, tr. 140.

Comments are closed.