Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (40)

Thụy Khuê

Việt Nam Quốc Dân Đảng

Ngày mồng một Tết Canh Ngọ (30-1-1930) mật thám Pháp đến khám nhà Trần Khánh Giư lùng bắt C., Trưởng ban ám sát của Việt Nam Quốc Dân Đảng[1]. C. mà Khái Hưng nhắc đến ở đây, chắc là Lê Hữu Cảnh, thành phần cốt yếu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Trưởng ban ám sát. Sau vụ khởi nghiã Yên Bái, các lãnh tụ chết cả, Lê Hữu Cảnh sẽ lên nắm quyền lãnh đạo, tổ chức lại đảng.

28 số báo Chính Nghiã, ra từ tháng 5-1946, đến tháng 12-1946, tờ báo cuối cùng của Khái Hưng, số nào cũng có bài của Nhượng Tống.

Ngày 17-6-1957, kỷ niệm Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên đoạn đầu đài, Nhất Linh khai sinh tờ Văn Hoá Ngày Nay số 1, ở Sài Gòn.

Những sự kiện này gắn bó với nhau, như một kết hợp và nối dài giữa hai tổ chức cách mạng chống Pháp, có nguồn gốc văn chương, với những người cầm đầu: Nguyễn Thái Học-Nhượng Tống, lớp sóng trước, Nhất Linh-Khái Hưng-Hoàng Đạo, lớp sóng sau.

Khái Hưng-Nhượng Tống, hai nhà văn lớn, có chung nhau nhiều điểm: cùng học chữ nho từ nhỏ, cùng có đức độ, tính yêu đời, cùng thấm nhuần sâu sắc hai nguồn văn hoá Đông Tây, và cùng chung nhau cái chết bi đát nhất trong lịch sử văn học nước ta.

Vì vậy, khi tìm hiểu hoạt động của Tự Lực văn đoàn, chúng ta không thể không biết gì về Việt Nam Quốc Dân Đảng, phong trào cách mạng đi trước mà Nhượng Tống đóng vai chủ chốt bên cạnh đảng trưởng Nguyễn Thái Học, và cũng là người sống sót kể lại lịch sử đảng, vẽ chân dung các đồng chí âm thầm không tên tuổi, đã hy sinh cho tổ quốc.

Mặt khác, lý thuyết chính trị của Hoàng Đạo, mà chúng tôi đã trình bày trong các chương trước, tương đồng với lý thuyết chính trị của Nhượng Tống, chứng tỏ họ cùng chung một đường lối đấu tranh và tổ chức một chính thể dân chủ, sau khi giành được độc lập.

Mối liên kết chặt chẽ giữa văn hoá và cách mạng của hai tổ chức này chính còn là nền tảng phát triển văn học Việt Nam trong thế kỷ XX, vai trò của Tự Lực văn đoàn, ta đã biết, riêng vai trò của Nhượng Tống, hầu như không mấy ai biết đến.

Khi Việt Nam Quốc Dân Đảng quyết định Tổng khởi nghiã, các nhà phân tích lịch sử thường chỉ trích mấy nhược điểm: Không chuẩn bị, không có lý thuyết rõ ràng, bạo động và thất bại. Nhưng họ không hiểu tình trạng này: Việt Nam Quốc Dân Đảng lúc đó mới ở chặng đường đầu, đang cổ động để thành lập các chi bộ trên toàn lãnh thổ. Việc ám sát Bazin khiến nhà đương cuộc Pháp truy lùng để đập tan tổ chức của họ, vì vậy họ phải Tổng khởi nghĩa ngay để gây tiếng vang, nếu không sẽ bị tiêu diệt, dù biết rằng khởi động là chết và họ đã chọn cái chết. Lúc đó, họ chưa đủ lực lượng để đứng lên "đánh đuổi ngoại xâm", làm sao có thể nói đến giai đoạn sau cùng là xây dựng đất nước theo chế độ dân chủ xã hội như Nhượng Tống chủ trương? Chương trình này sẽ được Hoàng Đạo nối tiếp trình bày trên báo Ngày Nay.

Tuy nhiên, Nhượng Tống đã bắt đầu làm, bằng cách dịch sách, đầu tiên là sách của Tôn Dật Tiên, sau đến sách Montesquieu, J. J. Rousseau, nhưng hai loại sách sau này chưa kịp in thì Nhượng Tống đã bị bắt (năm 1929), khi được thả ra năm 1933, mọi chuyện tan vỡ hết rồi.

Sự gắn bó giữa Nhượng Tống với đảng trưởng Nguyễn Thái Học như có gì mầu nhiệm, bởi một nhà thơ, nhà văn, dịch giả, sử gia như Nhượng Tống tại sao lại gần cận, yêu thương, thâm hiểu một lãnh tụ có những quyết định "sắt máu" như Nguyễn Thái Học?

Chương này được soạn trong chủ đích tìm hiểu hành trình cuộc cách mạng Yên Bái, tại sao Nguyễn Thái Học trở thành nguồn sáng cho các phong trào đi sau, như Đại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Tam, đầu năm 1944, sẽ sát nhập vào, để trở thành Việt Nam Quốc Dân Đảng?

Chương này sẽ chia làm hai phần:

– Phần thứ nhất viết về Nhượng Tống, nhà văn, nhà cách mạng, lý thuyết gia của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

– Phần thứ hai viết về Việt Nam Quốc Dân Đảng.

I- Nhượng Tống (1906-1949)

clip_image002

Nhượng Tống

Tiểu sử

Những chi tiết về gia cảnh Nhượng Tống, chúng tôi dựa theo tiểu thuyết tự truyện Lan Hữu, có thể có sai lệch chút ít về thứ tự thời gian, vì tiểu thuyết không cần chính xác lắm, nhưng có lẽ vẫn là những điều đáng tin cậy hơn cả về Nhượng Tống.

Nhượng Tống tên thật là Hoàng Phạm Trân, người làng Đô Hoàng, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Cha ông là Hoàng Hồ, cử nhân Hán học[2].

Năm 5 tuổi, phải xa mẹ về ở với ông ngoại để học chữ nho. Ông ngoại, đậu thủ khoa trường Nam Định năm 17 tuổi, làm quan nhưng từ chức từ ngày còn trẻ. Nhà ông ngoại có vườn hoa lớn, ông yêu hoa, yêu văn thơ, truyền cho cháu tinh hoa chữ nghiã và tư tưởng. Ở nhà ông, Nhượng Tống đọc văn, thơ, tiểu thuyết, yêu hoa, yêu thơ Đỗ Phủ từ thuở ấy. Năm Ất Mão [1915], khoa thi hương cuối cùng ở Bắc, Nhượng Tống 9 tuổi, cha mẹ muốn cho con học quốc ngữ và chữ Pháp, nhưng ông ngoại còn sống, không thể được. Năm 14 tuổi, ông ngoại qua đời, mới được trở về với cha mẹ, học chữ quốc ngữ và chữ Pháp ở trường tỉnh Thái Bình. Phải cố gắng hết mình để bắt kịp sự chậm trễ. Năm 16 tuổi, cha qua đời, lên Hà Nội học, thi trượt vào trường Bảo Hộ, phải học tư. Mẹ bị người anh tranh hết gia tài cha để lại, gia đình trở nên quẫn bách. Năm 17 tuổi [1923], Nhượng Tống phải nghỉ học, đi làm nuôi mẹ và các em, mỗi tháng kiếm được 20 đồng. Bài viết đầu tiên là một bài "đại luận" được đăng trên tờ Khai Hoá, khoảng 1922, với cái tựa "Tết nhất đã đến sau lưng", đại ý phản đối tục ăn Tết.

Khoảng 1924, Nhượng Tống viết cho Thực Nghiệp dân báo, kết thân với anh em Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên); cuối năm 1926, cùng nhau thành lập Nam Đồng Thư Xã, viết, in những sách ái quốc, và bắt đầu phổ biến tư tưởng Tam dân của Tôn Dật Tiên. Đây là lần đầu lý thuyết Tam dân được dịch và phổ biến tại Việt Nam vì theo Hoàng Đạo, tư tưởng Tôn Dật Tiên chỉ được tập hợp và in thành sách khoảng 1925.

Năm 1927, Nhượng Tống gặp Nguyễn Thái Học. Thành lập hạt nhân đầu tiên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, gồm 5 người: Nhượng Tống, Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch và Nguyễn Thái Học. Lúc đó Nhượng Tống 21 tuổi, Nguyễn Thái Học, 25.

Ngày 25-12-1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời.

Năm 1928, ông chủ Thực Nghiệp dân báo là Lê Thành Vị, tạo ra sưu tập Vạn Quyển Thư Lâu, in những sách của Nhượng Tống, Dật Công (Phạm Tuấn Lâm) và Mộng Tiên (Phạm Tuấn Tài). Lê Thành Vị gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng và trở thành nhà kinh tài, giúp đỡ đảng rất nhiều.

Sau vụ ám sát Bazin, tháng 3 năm 1929, Nhượng Tống bị bắt ở Huế, đưa về Hà Nội.

Ngày 2-7-1929, ra tòa cùng các đồng chí, bị kết án 5 năm khổ sai, 5 năm biệt xứ, đày Côn Đảo.

Ngày 20-4-1933, được vua Bảo Đại ân xá, trở về, nhưng vẫn phải biệt xứ 5 năm.

Sau khi ra tù, các bạn chết gần hết, sống sót một mình, lòng u uẩn như có niềm "hối hận" về sự "sống còn, sống thừa" của mình, Nhượng Tống đã xây dựng nên sự nghiệp văn học thượng thừa: dịch giả hàng đầu, sử gia đầu tiên dịch Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và viết hai cuốn sử quan trọng: Nguyễn Thái HọcĐảng Tân Việt.

Theo một tài liệu, ông làm thầy lang, bán thuốc Bắc tại chợ Thành Cách, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Hết hạn biệt xứ, ông trở về Hà Nội, sinh sống bằng nghề viết văn.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp; ngày 17-4-1945, chính phủ Trần Trọng Kim ra đời.

Việt Nam Quốc Dân Đảng hoạt động công khai trở lại, Nhượng Tống tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm ngày Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ lên đoạn đầu đài (17-6-45) tại Hà Nội, với tác phẩm Nguyễn Thái Học.

Tháng 5 năm 1946, Khái Hưng lập báo Chính Nghiã, Nhượng Tống viết chân dung hơn 20 liệt sĩ, hầu như vô danh, đã hy sinh vì tổ quốc; kiện toàn bộ sách lịch sử chi tiết về ba năm hiện hữu của phong trào khởi nghiã hùng tráng và bi thương nhất trong lịch sử nước ta.

Nhượng Tống bị ám sát ngày 20-8-1949[3].

Tác phẩm

Chúng tôi tạm ghi dưới đây danh sách tác phẩm của Nhượng Tống, chép theo bản quảng cáo các sách đã in, trên bìa sau của sách đã xuất bản, chắc còn thiếu nhiều, mong sẽ được quý vị thức giả bổ sung:

1- Thời kỳ Nam Đồng Thư Xã, (1927)

Gương Thiếu Niên, I, II, III, IV, Nam Đồng Thư Xã.

Sóng Hồ Ba Bể, không đề tên tác giả.

Tân Hán thứ I, II, III, không đề tên tác giả.

Gương thành bại (Sách này bị cấm, không được bán ở Bắc Kỳ) [viết về Phan Châu Trinh].

Trưng Vương, I và II, Nam Đồng Thư Xã, 1927.

Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên, của Dật Công và Nhượng Tống, Nam Đồng Thư Xã, in lần thứ hai, Kim Khuê ấn quán, 1927.

Dân tộc chủ nghiã của Tôn Dật Tiên, Nhượng Tống dịch.

Dân quyền chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên, Nhượng Tống biên dịch.

Dân sinh chủ nghiã của Tôn Dật Tiên Nhượng Tống biên dịch.

Sách của Nam Đồng Thư Xã, có cuốn không đề tên tác giả, có lẽ là cả ba người: Dật Công Mộng Tiên và Nhượng Tống cùng viết.

2- Thời kỳ Vạn Quyển Thư Lâu (1928)

Nhượng Tống cộng tác với Thực Nghiệp dân báo. Ông Lê Thành Vị, chủ nhiệm, ở số 12, phố Langisquet, chủ trương sưu tập Vạn Quyển Thư Lâu, xuất bản những sách sau đây của Nhượng Tống:

Bả phồn hoa, tiểu thuyết, ba tập, Nhượng Tống dịch, 1928, nhà in Thực nghiệp Mai Du Lân.

Dưới hoa (tức Ngọc lê hồn, văn bản đầu tiên của Tuyết hồng lệ sử), I, II, III, IV, in năm 1928, cuốn V, in năm 1929, của Từ Trẩm Á, Nhượng Tống dịch, Vạn Quyển Thư Lâu in tại nhà Thụy Ký. Tuyết hồng lệ sử đã được Mai Khê dịch in trên Nam Phong từ số 77 (tháng 11-1923) đến số 84 (tháng 10-1924).

Chị cùng em, không rõ tác giả, Nhượng Tống dịch, Vạn Quyển Thư Lâu, 1928, Thanh Niên ấn quán in. Đây là loại nghiã hiệp tiểu thuyết, tác phẩm viết về cộng đồng người Anh ở Phi Châu. Trong sách này quảng cáo sắp xuất bản:

Vạn Pháp Tinh Lý (Esprit des lois) của Montesquieu, Nhượng Tống biên dịch.

Vạn quốc Thiển sử. Hai cuốn sách này chưa thấy in ra, có lẽ vì sau đó Nhượng Tống bị bắt, bản thảo bị thất lạc?

Tháng 3-1929, Nhượng Tống bị bắt, bị đi tù đến 20-4-1933 được trả tự do.

3- Sau khi đi tù trở về (từ 1934 đến 1945)

Mưa gió vườn hồng, Nhượng Tống viết xong từ 1928, in trong sách Mùa Xuân, xuất bản ngày 1-2-1934.

Cô hàng hoa, tiểu thuyết của Nhượng Tống, nxb Nhật Nam Thư Xã in, 1934. Sách đề viết xong từ tháng 12-1928.

Đời trong ngục: Hoả Lò, Côn Đảo, Hòn Cau, Nxb Văn Hóa Mới, Hà Nội, 1935.

Lan Hữu, tiểu thuyết tự truyện, nhà in Lê Cường, 1940, Hà Nội.

Sử ký, Tư Mã Thiên, dịch, Tân Việt, 1944 (Tân Việt là nhà xuất bản của ông Lê Văn Văng).

Ly Tao, Khuất Nguyên, dịch, 1944 (in lại trong Khuất Nguyên, Sở từ, Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm dịch, nxb Văn Học, Hà Nội, 1974).

Thơ Đỗ Phủ, dịch, Tân Việt, Hà Nội, 1944.

Mái tây (Tây Sương ký) Vương Phủ Thực, dịch, Tân Việt, Hà Nội, 1944.

Liêu trai chí dị, một phần in trên báo, chưa in thành sách.

Hỗ trợ thảo luận, tác giả xuất bản, 1945, Tân Việt phát hành. Tập tiểu luận này viết trong lúc thế chiến đang khốc liệt. Tư tưởng chống chiến tranh, lấy lý thuyết hỗ trợ làm căn bản cho cuộc sống văn hoá, xã hội, lịch sử, luân lý, pháp luật. Viết xong đêm 6 tháng 9 năm Quý Vị 1943, trên Phong Mãn Lâu.

Nam Hoa Kinh, Trang Tử, Nhượng Tống dịch, Tân Việt, 1945.

Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần, dịch, 1945.

Đạo đức kinh, Lão Tử, dịch, 1945.

Tân Việt cách mạng đảng, Việt Nam Thư Xã, 1945.

Nguyễn Thái Học (1902-1930), Việt Nam Thư Xã, Cơ quan truyên truyền Trung Ương của Việt Nam Quốc Dân Hội xuất bản, 1945.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ký Mạc Bảo Thần, dịch, Tân Việt, Hà Nội, 1945.

Lam Sơn thực lục, Nguyễn Trãi, ký Mạc Bảo Thần, dịch, Tân Việt, 1945.

Kinh Thư, Khổng Tử, Nhượng Tống dịch, Tân Việt, Sài Gòn, 1963.

Dưới đây là những bài viết trên Chính Nghiã:

Ký Con, hiện thân của kỷ luật đảng, Chính Nghiã số 1 (20-5-46), ký T.

Câu chuyện tríết lý để đi đến chủ nghiã "Lẽ Sống còn" trong vũ trụ, Chính Nghiã số 1 (20-5-46) ký T.

Phạm Hồng Thái và Tâm Tâm Xã, Chính Nghiã sổ 2 (27-5-46) và số 3 (3-6-46)

Cụ Lê Cần, Chính Nghiã số 4 (10-6-46) và số 5 (17-6-46), ký N.T.

Hồ Văn Mịch Chính Nghiã số 6 (24-6-46) và số 7 (1-7-46) ký T.

Thơ Mộng Tiên (Phạm Tuấn Tài), V. sao lục, Chính Nghiã số 7 (1-7-46).

Phó Đức Chính, Chính Nghiã số 8 (8-7-46), ký N.T.

Bài thơ duy nhất của cụ Tôn Văn, Chính Nghiã số 8 (8-7-46), ký T.

Trần Quang Riệu, Chính Nghiã số 9 (29-7-46), số 10 (5-8-46), ký T.

Bà Chánh Toại, Chính Nghiã số 11 (12-8-46), ký T.

Bà Ký Tường, Chính Nghiã số 12 (19-8-46) ký T.

Nguyễn V. Nho, Chính Nghiã số 13 (26-8-46) ký T.

Hoàng Văn Tùng và Nguyễn Văn Viên, Chính Nghiã số 14 (2-9-46), ký T.

Nguyễn Bá Tâm, Chính Nghiã số 15 (9-9-46), ký T.

Lê Hữu Cảnh, Chính Nghiã số 16 (16-9-46) và số 17 (23-9-46), ký T.

Tô Thúc Di, Chính Nghiã số 18 (30-9-46), ký T.

Hải Kình, Chính Nghiã số 19 (7-10-46), ký T.

Ngô Hải Hoàng, Chính Nghiã số 20 (21-10-46), ký T.

Nguyễn V. Viên, Chính Nghiã số 21 (28-10-46), ký B.

Đội Lãng, Chính Nghiã số 22 (4-11-46) bị kiểm duyệt gần hết, ký B.

Cụ Mai, Chính Nghiã, số 23 (11-11-46) ký B.

Cao Thắng, Chính nghiã số 24 (18-11-46) ký R.

Thủ Khoa Nghiã, Chính Nghiã số 25 (25-11-46), không ký tên.

Phạm Văn Nghị, Chính Nghiã số 28 (16-12-46), ký B.

Tồn nghi: bài Chủ nghiã tam dân và bài Ba mặt của cách mạng, và những bài thơ ái quốc ký tên Nam Dân, trên Chính Nghiã, có phải của Nhượng Tống chăng?

Bài Trần Quang Riệu, trong chương 80 Quan Thánh 2, chúng tôi tưởng là của Khái Hưng, nay xin đính chính: của Nhượng Tống.

Những sách của Nhượng Tống do Tân Việt in, được ông Lê Văn Văng tái bản nhiều lần tại miền Nam trước 1975. Sách Nguyễn Thái Học (1902-1930) được Nhã Nam tái bản năm 2014 tại Hà Nội.

*

Nhượng Tống là nhà văn kỳ cựu, dịch giả hàng đầu. Ngoài những tuyệt tác trong văn chương, lịch sử, triết học Trung Quốc: Sử ký, thơ Khuất Nguyên, thơ Đỗ Phủ, Mái tây, Nam Hoa Kinh, Đạo Đức Kinh, Kinh Thư, v.v. đã được ông dịch sang tiếng Việt, ông còn là người đầu tiên dịch Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và viết hai cuốn sử về hai phong trào chống Pháp hiện đại: Tân Việt Cách Mạng ĐảngViệt Nam Quốc Dân Đảng, và ông còn là một tiểu thuyết gia.

Tiểu thuyết

Hiện giờ chúng ta chỉ biết có ba cuốn tiểu thuyết tình cảm của Nhượng Tống:

Mưa gió vườn hồng, viết xong từ 1928, in trong sách Mùa Xuân, xuất bản ngày 1-2-1934. Chúng tôi chưa được đọc.

Cô hàng hoa, tiểu thuyết, nxb Nhật Nam Thư Xã, 1934. Sách đề viết xong từ tháng 12-1928. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ hai. Cuốn này có nhiều chỗ còn vụng về, nhưng đã cho thấy tâm hồn của nhà văn, một tâm hồn đa sầu đa cảm, từ bé đã sống trong bối cảnh thơ mộng tuyệt vời: vườn hoa và sắc trắng trong hoa mà ông ngoại yêu và trồng. Ông ngoại tập cho yêu hoa yêu thơ. Khi dịch Ngọc lê hồn của Từ Trẩm Á, lối văn chương và thi tứ trong sách có nhiều chỗ rất giống trăng, hoa của ông ngoại. Rồi gia đình sa sút sau khi cha mất, phải bỏ học đi làm nuôi mẹ và em. Cả ba bối cảnh này đã khiến Nhượng Tống tạo nên nhân vật Thu Nguyệt, người con gái quê làng Yên Phụ, bên bờ hồ Lãng Bạc, cha chết vị bệnh dịch, gia đình tan tác, bị tình phụ, phải học nghề trồng hoa, rồi yêu hoa, lấy hoa làm lẽ sống, thương yêu săn sóc hoa như người tình. Nhưng sau vài năm mưa gió, mất mùa, hoa cũng không nuôi sống được gia đình nữa, Thu Nguyệt phải chuyển sang học làm hoa giả, thành công, trở nên giàu có, giúp hai người bạn gái đang gặp cảnh khốn cùng, cùng nhau học nghề dệt vải, mở nhà máy dệt.

Thu Nguyệt chính là Nhượng Tống. Sự quật khởi của Thu Nguyệt cũng là sự quật khởi của Nhượng Tống, tất cả sự tự học ở đây, là cuộc đời Nhượng Tống.

Lan Hữu, tiểu thuyết tự truyện, tựa của Lưu Trọng Lư (bị kiểm duyệt nhiều): Ngọc yêu hai cô gái một lúc: Lan và Hữu. Ngọc yêu Hữu, anh em cháu cô cháu cậu, và Lan bạn chung của hai người. Ngọc 16 tuổi, Lan và Hữu khoảng 14.

Vì Nhượng Tống dịch Hồng Lâu Mộng, nên Ngọc làm ta nghĩ đến chuyện Giả Bảo Ngọc yêu Lâm Đại Ngọc, hai anh em con cô con cậu trong Hồng Lâu Mộng. Nhưng sự giống nhau dừng lại ở đấy.

Tác phẩm đánh đổ tất cả những lý thuyết về tiểu thuyết hiện đại: như không viết theo lối kể chuyện, không viết theo lối lãng mạn, nữa. Ngọc lê hồn của Từ Trẩm Á, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách lỗi thời rồi. Vậy mà Lan Hữu, chịu ảnh hưởng của Từ Trẩm Á, lại không lỗi thời một tí nào: bởi nó được viết một cách tự nhiên, bằng lối kể chuyện có duyên, tuyệt vời. Bây giờ, đọc lại Từ Trẩm Á hay Hoàng Ngọc Phách, ta thấy lỗi thời thật, vì họ làm văn, còn Nhượng Tống không làm văn, Nhượng Tống viết thẳng ý mình ra chữ.

Điểm thứ nhì: sự thành thật ít thấy ở một nhà văn. Có thể ông bịa chuyện mình yêu hai cô một lúc, nhưng sự thành thật của ông trong cảm xúc, trong cách mô tả, làm ta quyến luyến, rồi yêu quý, rồi thán phục. Nội cảnh đi chùa Hương là đã chết người rồi: ta quen với cảnh chùa Hương đẹp như chốn non bồng, như thơ Nguyễn Nhược Pháp, nay Nhượng Tống nói toẹt ra là vào đến Thiên Trù đã thấy mùi khai thối nặng nề, sản phẩm quốc hồn quốc tuý… vào tới chùa trong, thơm hơn, lại sặc mùi khói hương ngạt thở, ấy vậy mà cái anh chàng Ngọc vẫn… mê đắm hai cô em đi cùng mới tuyệt. Nhượng Tống đã viết lại đời mình từ tuổi thơ đến trưởng thành trong môi trường xã hội trong sạch và cao thượng. Được đào tạo trong môi trường đó, nên con người ấy, mới yêu nước như thế, yêu người như thế, và hy sinh cho dân tộc như thế, đến thế. Tuyệt nhiên không một chút hận thù. Lan Hữu, gói trọn tâm hồn cao thượng, của những người như Nhượng Tống, cũng như Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, đối với quê hương đất nước này, và giải thích tại sao họ đã dựng nên được một nền văn hoá chung cho dân tộc.

Về loạt sách lịch sử, chúng tôi kê khai dưới đây ba tác phẩm có liên hệ trực tiếp với chủ đề Việt Nam Quốc Dân Đảng.

1- Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên

Ba cuốn về chủ nghiã tam dân của Tôn Dật Tiên do Nhượng Tống dịch, tôi không tìm thấy, có thể đã bị tịch thu hoặc bán hết. Thư viện Pháp chỉ còn lại cuốn Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên viết chung với Dật Công.

Đọc những dòng đầu bài "Mấy lời của kẻ biên tập" là ta rõ ngay chủ đích của sách này và có lẽ là chủ đích chung của loạt sách Nam Đồng Thư Xã:

"Còn khổ gì bằng cái khổ của người mất nước! Còn nhục gì bằng cái nhục mất nước! Còn đau đớn gì bằng cái đau đớn mất nước! Dân Trung Hoa, cuối thế kỷ vừa qua, mang cái khổ ấy, đeo cái nhục ấy, chịu cái đau đớn ấy. May có người anh hùng đứng dậy, quét thét gió mây, phá tung lưới cũi (…) Ấy là ai? Ấy là ai? Hỏi bốn vạn vạn người Tầu, tất họ đồng thanh mà đáp Tôn Trung Sơn tiên sinh vậy…"

Dưới ký:

Hà Nội ngày 12 Novembre 1926

Dật Công và Nhượng Tống

Cùng viết tại Nam Đồng Thư Xã

Sách này chia làm hai phần: Phần đầu viết tiểu sử đầy đủ và chi tiết của Tôn Dật Tiên. Phần sau giới thiệu học thuyết Tam dân của Tôn Dật Tiên.

Qua tác phẩm này, Nhượng Tống và Dật Công, đã coi Tôn Dật Tiên là "minh chủ" cho lập thuyết cách mạng đánh đuổi ngoại xâm của họ.

2- Tân Việt cách mạng đảng do Việt Nam Thư Xã ấn hành năm 1945.

Trong bài Tựa, Nhượng Tống cho biết sở dĩ ông soạn sách này vì: Louis Marty, Giám đốc Ty Mật Thám chính trị của Phủ Toàn quyền, lượm lặt những tờ khai của thám tử và của các nhà cách mạng bị bắt, viết và xuất bản một bộ sách gồm 5 cuốn nhan đề "Góp vào lịch sử chính trị vận động ở Đông Pháp" để lưu hành trong nội bộ. Vì chính biến 9-3-45 (Nhật đảo chính Pháp) sách này bị tung ra ngoài, nên ông đã dùng làm tư liệu để viết Tân Việt cách mạng đảng.

Sau đây là đoạn kết của bài Tựa:

"Ngày nay, thời thay, thế đổi, chuyện các đảng cách mạng hồi trước, chẳng phải là những điều bí mật mà chúng ta cần phải biết ngậm mồm.

Các bạn bên Tân Việt, như ông Tôn Quang Phiệt, ông Đào Duy Anh, v.v. hãy nên lên tiếng chỉ bảo tôi về những chỗ sách tôi còn thiếu sót và lầm lạc.

Tôi xin đặt đây lời cám ơn trước.

Sau lễ kỷ niệm Nguyễn Thái Học một ngày.

Tại phòng Tuyên Truyền Trung Ương

Nhượng Tống"

Sau khi Phan Bội Châu bị bắt đưa về Huế và Phan Châu Trinh qua đời, ở trong nước, ngoài Việt Nam Quốc Dân Đảng, còn ba chính đảng khác:

– Nam Kỳ Công hội, ở trong Nam.

– Tân Việt Cách Mạng Đảng, ở miền Trung, gọi tắt là Tân Việt.

– Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, ở Bắc, nhưng Tổng bộ đặt ở Quảng Châu, gọi tắt là Thanh Niên.

Nhượng Tống vào sách bằng lời thơ bất khuất của Phan Châu Trinh:

Xích tay ra khỏi kinh thành!

Nghêu ngao hát lớn, lưỡi mình còn đây!

Dân tàn, nước mất nỗi này,

Làm trai sao lại sợ đày Côn Lôn!

Tân Việt cách mạng đảng là cuốn sách viết về đảng cách mạng đầu tiên, manh nha trong nhà tù Côn Đảo, do các cụ nhà nho lập ra đặt tên là Hội Phục Việt, khoảng 1917. Qua nhiều bôn ba, thăng trầm, mới tiến tới sự thành lập một chính đảng.

Năm 1924, cụ Lê Huân thuyết phục được một số thanh niên tây học, giải thích cho họ chương trình của Hội Phục Việt đã lập từ nhiều năm trước tại Côn Đảo, nhưng hoạt động chưa thành.

Ngày 14-7-1925, Lê Huân, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn và Tôn Quang Phiệt, bốn người họp nhau ở đỉnh núi Núi Con Mèo, tuyên thệ trung thành với đảng Phục Việt[4]. Nhưng về cách tranh đấu thì chưa thoả thuận, một bên chủ trương võ lực, một bên chủ trương Pháp-Việt đề huề. Sau thêm Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Lê Duy Điếm. Điếm làm trung gian với anh em ở Tàu và Xiêm. Phục Việt đổi tên là Hưng Nam rồi Tân Việt.

Tân Việt phân chia thành hai nhóm: quốc gia và cộng sản. Nhóm quốc gia phân tán, rồi bị bắt, nhóm cộng sản liên kết với nhóm Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội, Tổng bộ ở Quảng Châu. Đảng Tân Việt tan. Đảng Thanh Niên trở thành đảng Cộng Sản Việt Nam, năm 1928; rồi Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1929.

Có lẽ đây là cuốn sử đầu tiên viết rõ về nguồn gốc các đảng phái cách mạng hiện đại, dưới ngòi bút của Nhượng Tống.

3- Đời trong ngục: Hoả Lò, Côn Đảo, Hòn Cau,[5] viết xong ở Phú Khê ngày 1-12-1934, là cuốn hồi ký viết về những ngày Nhượng Tống bị bắt, tại nhà in Đắc Lập, ở Huế, khoảng tháng 3-1929, rồi bị dẫn ra Bắc, giam vào Hoả Lò Hà Nội. Với lối tự thuật duyên dáng và hào hứng, tác giả kể lại chi tiết mọi việc từ khi bị bắt đến lúc vào tù, các cuộc thẩm vấn, cách sinh hoạt trong tù. Đặc biệt nhất là đoạn viết về Hội đồng Đề hình ở Hoả Lò Hà Nội, Nhượng Tống cho biết Hội đồng Đề hình, lúc đó chỉ có… một người:

"Tôi giơ "áo mới" của tôi cho coi. Nhân đó tôi nhận được số tù của tôi là 7578. Bạn lại hỏi:

– Anh đã qua C.C. chưa?

– C.C. là cái gì?

– Là Hội đồng Đề hình (Commission criminelle).

Tôi thuật lại những lần bị hỏi cho nghe. Bạn nói:

– Ấy ở trên gác là Hội đồng Đề hình mà người cao tuổi là "Cậu Cả" đấy!

– Cậu Cả là thế nào?

– Là ông chủ tịch Hội đồng Đề hình.

– Chủ tịch lại hỏi cung? Tôi tưởng đó là việc của người dự thẩm?

– Toà án này là toà án đặc biệt. Một cái đặc biệt của nó là hỏi cung, định án, quyền về cả một người." [6]

II- Việt Nam Quốc Dân Đảng

Phần thứ hai này được soạn, phần lớn dựa theo tài liệu chính là cuốn Nguyễn Thái Học (1902-1930) của Nhượng Tống. Tác phẩm được viết để kịp in ra mắt ngày 17 tháng 6 [1945], ngày kỷ niệm 15 năm Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên đoạn đầu đài. Việt Nam Quốc Dân Đảng làm lễ truy điệu lớn ở Hà Nội và các nơi khác, dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, do Nhượng Tống đứng ra tổ chức.

Ngoài ra còn cuốn Lịch sử đấu tranh cận đại 1927-1954, Việt Nam Quốc Dân Đảng của Hoàng Văn Đào, xuất bản lần đầu năm 1964, tại Sài Gòn, tiếp nối sách của Nhượng Tống: phần đầu dựa hoàn toàn trên cuốn Nguyễn Thái Học, được bổ sung thêm những tư liệu khác; phần sau, do Hoàng Văn Đào sưu tầm và thực hiện, viết về Việt Nam Quốc Dân Đảng từ khi Nguyễn Thái Học qua đời cho tới năm 1954. Hoàng Văn Đào thuộc nhóm cách mạng Thanh Hoá, ông gia nhập đảng từ tháng 10-1927[7].

Ở đây, chúng tôi ưu tiên sách của Nhượng Tống, bởi ngoài phương diện văn bản gốc, còn là sản phẩm của một nhà văn, phản ảnh được không khí thời đó và chứa đựng mối thâm tình của người bạn đã ở bên Nguyễn Thái Học từ những ngày đầu.

Tập tài liệu thứ ba là Phụ Nữ Tân Văn từ số 41 (27-2-30) đến số 59 (13-7-30)[8] cho ta những tin tức đương thời, nhất là về phiên toà xử Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí và cuộc hành hình sau đó. Phụ Nữ Tân Văn, chép lại thông tin của báo Pháp được phép có mặt, riêng vụ hành hình có lẽ chính phóng viên Phụ Nữ Tân Văn cũng tham dự; vì họ là nhà báo, không ở trong đảng, nên có thể có cái nhìn khách quan hơn những điều Nhượng Tống ghi chép theo lời các đồng chí kể lại sau này.

clip_image004

Nguyễn Thái Học là cuốn lịch sử Việt Nam Quốc Dân Đảng, viết để kỷ niệm ngày giỗ thứ 15 của Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí. Trong bài tựa, chỉ với mấy dòng ngắn ngủi, Nhượng Tống đã nói rõ sự không biết gì của chúng ta về Nguyễn Thái Học, vì phần lớn chúng ta chỉ biết mỗi một câu của Nguyễn Thái Học: không thành công thì thành nhân, tức là một khẩu hiệu mà thôi. Nhượng Tống viết:

"…những nhà văn Nhật Bản, khi họ viết cuốn "An-Nam Lê-Minh ký" hay "Nam phương dân tộc vận động sử"… người ta đã vì công lý, vì nhân đạo mà nói nhiều về Nguyễn Thái Học.

Vậy mà quốc dân ta, các đồng bào của Anh, đối với thân thế Anh, nhiều người mong được biết qua loa mà không thể được!

Bao nhiêu là đợi trông!

Bao nhiêu là tủi nhục!

Cho nên trong lúc này, là lúc có thể được, tôi cần phải viết ngay cho Anh một cuốn tiểu sử.

Tôi tự nhận đó là một nghiã vụ.(…)

Bởi vậy, tôi đã cố lục lọi sách, báo cùng trí nhớ, để viết nên cuốn sách nhỏ này.

Tôi rất mừng rỡ đã cho xuất bản kịp trước ngày 17 tháng sáu…

Ngày mà Tỉnh đảng bộ Yên Báy đã xây xong mộ Anh và lập cho Anh cùng các đồng chí hy sinh vì Đảng một đài kỷ niệm.

Ngày mà các đồng bào đã công khai làm lễ truy điệu Anh ở khắp mọi nơi.

Anh Học!

Hãy đem tinh thần bất tử mà lĩnh đạo cho Quốc dân trên con đường tranh đấu lấy một địa vị ở dưới ánh mặt trời!

Các anh em!

Hãy giúp thêm tôi về tài liệu để lần xuất bản sau, cuốn tiểu sử này có thể thêm đầy đủ.

Ngày 28 tháng 5 năm đầu Độc Lập

Nhượng Tống

Viết ở phòng Tuyên Truyền của Trung Ương Đảng Bộ[9]

clip_image006

Nguyễn Thái Học

Chân dung Nguyễn Thái Học (1902-1930)

Theo Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học trên giấy tờ nhà trường ghi sinh ngày 1-12-1904, nhưng thực tuổi Quý Mão (1902), chưa biết rõ ngày sinh, tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Cha là Nguyễn Văn Hách, làm chánh tổng. Mẹ là bà Nguyễn Thị Quỳnh, buôn vải.

Nguyễn Thái Học là anh cả, có một em gái Nguyễn Thị Hiền và ba em trai: Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Văn Ny (hay Nỉ, theo Hoàng Văn Đào).

Vẽ lại dung mạo Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống viết:

"Anh người tầm thước, cao độ một công xích sáu mươi phân (Hoàng Văn Đào ghi: 1mét 65), trán hói, tóc thưa, đôi mắt thông minh, da ngăm đen, môi giầy, hàm răng vổ, miệng lúc nào cũng tươi. Cằm nở. Đặt lưng nằm là ngủ được ngay. Ngủ bao giờ cũng nằm sấp, hai bàn chân quặt lại trên mông. Ăn trầu, hút thuốc lào, nói thường ngọng vần L, tư đức tốt, học hành chăm chỉ, nhưng vào loại trung bình.

Ban đầu học học chữ Hán, sau học chữ Pháp ở trường tỉnh Vĩnh Yên. Tốt nghiệp rồi ra học trường sư phạm ở Hà Nội. Sau lại vào trường Cao đẳng Thương mại. Thời học sinh, bạn thân nhất và đồng chí là Hồ Văn Mịch, một trong những người sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, năm 1929, Mịch bị bắt, bị đi đầy, mất ở Côn Lôn năm 1930"[10].

Về nguồn gốc tư tưởng cách mạng của Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống kể lại:

"Có lần tôi hỏi anh Học:

– Tư tưởng cách mạng của mày nẩy ra từ hồi nào?

Anh đáp:

– Từ độ năm lên mười tuổi! Hồi ấy tao còn học chữ Nho ở nhà quê. Xong buổi học lại đi chăn trâu, và nhiều hôm chăn sang đến đồng làng bên cạnh. Làng ấy (?) [làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường] là quê ông Đội Cấn[11].

Ông Cấn chết đi, còn để lại mẹ già. Bà cụ thương con quá, hoá như kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao là bà cụ lại ôm choàng lấy vừa khóc vừa nói: "Các cậu! Các cậu! Làm thế nào báo được thù cho con tôi!" Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ là lòng lại bồi hồi! Rồi nghĩ chỉ có giết được Tây mới trả hộ được thù cho con bà cụ! Ầy, tư tưởng cách mạng nẩy ra ở trong óc tao từ đấy!

Thì ra môt bà cụ dở người mà đúc được hai đứa con anh hùng sắt máu! Một đứa con ruột thịt là nhà chỉ huy việc đánh Thái Nguyên! Một đứa con tinh thần là người tạo nhân cuộc khởi nghiã Yên Báy. Trước sau hơn mười năm, hai đứa con bà đã làm vẻ vang cho cả một dân tộc."[12]

Nhưng phải đợi đến khi có tiếng bom Phạm Hồng Thái ở Sa Diện (1924), Pháp mới phái toàn quyền Varenne (1925-1927) sang, chủ trương Pháp-Việt đề huề. Lúc đó, Nguyễn Thái Học đang học trường Cao đẳng, xin vào yết kiến Toàn quyền Varenne, đưa ra một chương trình cải cách, được tiếp đãi niềm nở, nhưng khi ra về, ông bị mật thám khám mình và dọa nạt. Ông gửi thêm một thư điều trần nữa, cũng không được trả lời. Rồi Varenne bỏ về Pháp, Pasquier lên thay. Tháng 6 năm 1927, Nguyễn Thái Học gửi cho Pasquier một bản điều trần, và xin viên Thống sứ ra một tờ báo tên là Nam Thanh, mục đích nâng cao trình độ thanh niên, cũng không được phép.

Lúc đó Nguyễn Thái Học đã giao du thân mật lắm với Nam Đồng Thư Xã "một tụi có tư tưởng bài Pháp".

Nam Đồng Thư Xã

Nam Đồng Thư Xã được lập nên cuối năm 1926, là hạt nhân đầu tiên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nam Đồng Thư Xã quy tụ ba nhà văn: hai anh em nhà giáo Phạm Tuấn Lâm tức Dật Công, Phạm Tuấn Tài tức Mộng Tiên, và Nhượng Tống tức Hoàng Phạm Trân. Qua tác phẩm, Mộng Tiên và Dật Công thuộc lớp nhà văn "cổ điển", còn chịu ảnh hưởng khá sâu của Từ Trẩm Á. Nhượng Tống tài hoa và viết mới hơn, ông còn là nhà thơ và dịch giả kỳ tài.

"Thư xã ở số 6 đường 96; bờ hồ Trúc Bạch, gần đối diện với chùa Châu Long [Nay là số 129 phố Trúc Bạch Hà Nội]. Nó là một nhà xuất bản do tôi và hai anh Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên) lập nên vào cuối năm 1926. Nguyên hồi ấy, phong trào chính trị đang bừng bốc. Tuy vậy trình độ trí thức của dân mình còn thấp kém quá! Đại đa số người dân không có một chút gì là công dân giáo dục. Chúng tôi lập ra thư xã là mong làm việc ấy. Nghiã là dạy cho người ta biết thương đồng bào, biết yêu tổ quốc, biết thế nào là quyền lợi và nghiã vụ của một người công dân (…) có đôi chút thường thức về chính trị, kinh tế học, xã hội hoc, các hiến pháp; các chủ nghiã"[13]

Ông còn cho biết: Sách chúng tôi bán rất rẻ, mỗi cuốn chỉ một, hai hào. Mới đầu in những bài bị kiểm duyệt trên báo, vì lúc đó sách chưa bị kiểm duyệt, nhưng một năm sau thì mật thám biết, thế là sách cũng bị kiểm duyệt như báo.

Nhưng Nam Đồng Thư Xã cũng chỉ hoạt động được một năm. Mật thám để ý theo dõi, Phạm Tuấn Tài, bị trúng lưới, bị đổi đi Tuyên Quang dạy học, từ trước ngày thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (25-12-1927).

"Sau khi anh Tài đổi đi Tuyên Quang, vào khoảng đầu năm 1928, Nam Đồng thư xã đã tự đóng cửa, vì không còn xuất bản được cuốn sách nào nữa. Tên chánh mật thám Hà Nội đã bảo tôi:

– Anh đừng ra sách nữa. Ra cuốn nào, chúng tôi sẽ tịch thu cuốn ấy. Anh chẳng những mất công viết, còn mất cả tiền in!

Vậy, Thư xã chỉ còn là chỗ ở của anh Học, để anh em các nơi về tạm trú hay họp hội đồng!"[14]

Các sách của Nam Đồng Thư Xã có lẽ đã thất lạc gần hết, chúng tôi chỉ tìm thấy trong Thư Viện Pháp cuốn Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên, in lần thứ hai, tại Kim Khuê ấn quán.

Trước khi Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời

Từ đây xuống dưới, chúng tôi theo sát ý Nhượng Tống trong cuốn Nguyễn Thái Học, nhưng rút gọn lại, cốt giữ ý, đoạn nào trích nguyên văn sẽ in nghiêng.

Có hai việc đáng ghi:

Việc Hải Phòng: Tháng 8, năm 1927, xẩy ra việc Việt Hoa xung đột ở Hải Phòng, người Việt đánh người Tàu. Người ta cho rằng Pháp thuê du côn đánh người Tàu để chính phủ Tàu không giúp đỡ cách mạng Việt Nam nữa. Việt Nam Thanh Niên Đồng Chí Hội liền giải truyền đơn nói rõ sự tình và kêu gọi người Việt đừng rơi vào bẫy này. Ngày 24-8-27, Nguyễn Thái Học và Phạm Tuấn Tài xuống Hải Phòng xem cho rõ sự việc, ngày 26 về lại Hà Nội. Ngày 28-8-27, mật thám đến khám Nam Đồng Thư Xã, bắt Phạm Tuấn Tài (theo lời tố cáo của Phạm Văn Bổng, nhà văn, y sĩ, quen Phạm Tấn Tài, nhưng không biết Nguyễn Thái Học). Sau phải thả ra vì việc rải truyền đơn xẩy ra đêm 22-8-27, Phạm Tuấn Tài chưa xuống Hải Phòng. Phạm Tuấn Tài lúc đó đang dạy học tại trường Đỗ Hữu Vị, mấy tháng sau bị đổi lên Tuyên Quang. Nam Đồng Thư Xã phải đóng cửa một phần cũng vì việc này. Năm 1929, Phạm Tuấn Tài bị bắt cùng với các bạn, bị đi tù Côn Đảo, vì săn sóc Hồ Văn Mịch bị lao, nên bị lây, được tha về, ít lâu sau qua đời.

Việc Bắc Ninh: Lúc đó, có nhiều nhóm cách mạng nổi lên ở khắp nơi.

Nhóm Bắc Ninh, Đáp Cầu, đứng đầu là Quản Trạc, quyết định "khởi nghiã" rồi đánh lên Hà Nội, gửi "sứ giả" đến cầu viện nhóm Nam Đồng Thư Xã. Nhượng Tống cố gắng khuyên giải, rằng lực lượng còn yếu lắm, khởi nghiã là chết, nhưng họ không nghe. Khổ nhất là khi họp bàn thì anh em Nam Đồng Thư Xã cũng đồng ý ủng hộ nhóm Bắc Ninh. Nhượng Tống và Vũ Hiển ngăn thế nào cũng không được, Nhượng Tống đành phải nhận viết tờ Hịch.

"Mấy hôm sau, anh Hiển bảo tôi:

– Anh có biết không? Anh em bên Bắc [Ninh] yêu cầu giết anh và tôi trước khi khởi sự Hà Nội".

Nhưng rất may là "việc lớn" không thành, các "anh hùng" Bắc Ninh không kịp "khởi nghiã", nên hai người thoát chết.

Hai việc trên đây xẩy ra, trước khi thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng.[15]

Cuốn Nhượng Tống của Yên Ba do Nhã Nam in năm 2020, có chép lại đoạn này, nhưng bị nhiều người hiểu lầm, sự hiểu lầm lan nhanh trên internet, được ghi: "Trước khi Việt Nam Quốc Dân Đảng khởi sự bằng cuộc khởi nghiã Yên Bái, đã có dự định thủ tiêu Nhượng Tống và Vũ Hiển".

Xin nhắc lại: việc "định thủ tiêu" này do nhóm bạo động ở Bắc Ninh tính làm, trước khi Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập.

Sau này, khi Việt Nam Quốc Dân Đảng quyết định Tổng khởi nghiã, thì Nhượng Tống đã ở tù Côn Đảo gần một năm rồi.

Sự thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Anh Học đang học trong trường Cao đẳng, chúng tôi thường tổ chức các việc như làm lễ truy điệu cụ Phan Tây Hồ, cụ Lương Văn Can, dạy chữ quốc ngữ cho anh em lao động.

Đến giữa năm 1927, chúng tôi quyết định đi vào con đường cách mạng và cuối năm 1927, anh Học và anh Mịch lên ở hẳn với chúng tôi, tại Nam Đồng Thư Xã.

Mới đầu tôi định tranh đấu bất bạo động, nói với anh Học mình nên lập hội cho những người bồi bếp thợ thuyền, tức là những người cộng tác với Pháp, và bầu người tâm huyết cầm đầu, họ sẽ hướng dẫn anh em. Tôi gọi chương trình đó là "chương trình sáu năm". Các hội viên buôn bán sẽ để dành tiền trong sáu năm… Và sau sáu năm sẽ đủ tiền nuôi mình và gia đình trong sáu tháng… Rồi chúng tôi sẽ yêu cầu người Pháp cho tự trị… Dĩ nhiên là họ không cho. Khi ấy tất cả anh em sẽ tổng bãi công trong sáu tháng!

Chúng tôi đi cổ động, nhiều người hưởng hứng, lập được những hội đầu tiên ở nhà giây thép Hà Nội, nhà máy sợi Nam Định. Nhưng một hôm ba anh Học, Mịch, Tài, họp lại, anh Học bảo tôi:

"Mày phải biết: người Pháp đem sắt, đem máu mà cướp tự do của dân tộc mày! Giờ mày muốn cướp lại cái tự do ấy, lại cũng phải bằng sắt, bằng máu mới được chứ! Mày nghe mồm cái lão già Cam Địa [Ghandi], chực hoà bình cách mạng! Nhưng thử hỏi cái lão già ấy đã làm được việc gì cho dân tộc Ấn Độ chưa?" [16]

Rồi anh Mịch phụ họa, anh Tài bồi thêm: "Mày là đứa chỉ sống ở trong mộng và trong sách, đã biết đời là cái quái gì! Phải theo chúng tao! Nghiã vụ một đứa em nhỏ là phải thế!"

Tôi phải nghe theo. Chúng tôi bèn lập một đảng bí mật cách mạng. "Anh Học đi rủ anh em quen anh ở Hà Nội được hơn mười người, liền tổ chức nên "đệ nhất chi bộ"". [Đệ nhất chi bộ chính là Chi bộ Nam Đồng Thư Xã.]

Rồi anh Học đem ý định của chúng tôi tuyên truyền khắp Bắc Kỳ, đi đâu cũng được hưởng ứng.[17]

Lúc đó, ngoài đảng Tân Việt Cách Mạng ở Trung Kỳ, và Thanh Niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu, thì ở các tỉnh các nhóm, các hội mọc lên nhan nhản, như nhóm Hoàng Văn Tùng ở Thanh Hoá, nhóm Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Ninh, nhóm Nguyễn Khắc Nhu ở Bắc Giang… Chúng tôi quy tụ lại, chọn lễ giáng sinh năm 1927 (25-12-27) làm ngày khai hội ở làng Thể Giao, Hà Nội [tại nhà Lê Thành Vị]. Nửa chừng vì có động nên phải dời về Nam Đồng Thư Xã. Trong kỳ hội này có đủ mặt đại diện ở các tỉnh[18].

Mỗi đại biểu trình bày một bản dự thảo về chương trình, điều lệ của Đảng, riêng của nhóm mình. Chúng tôi làm việc hai đêm để đúc kết những ý kiến lại, thành một kỷ cương chung. Đảng lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng.

"Mục đích: Liên lạc tất cả các anh em đồng chí, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dùng vũ lực để lấy lại quyền Độc Lập cho nước Việt Nam".

Tổ chức: thành Chi bộ. Mỗi chi bộ nhiều nhất là mười chín người[19]. Mỗi chi bộ chia làm bốn ban: Tài chính, tuyên truyền, trinh thám và tổ chức.

Chương trình làm việc chia làm ba thời kỳ:

– Thời kỳ thứ nhất là dự bị, làm trong vòng bí mật.

– Thời kỳ thứ hai là phá hoại, tức là đánh đuổi quân thù.

– Thời kỳ thứ ba là kiến thiết: kiến thiết Việt Nam thành một nước cộng hoà, theo chính thể dân chủ trực tiếp.

Xét ra thì cách tổ chức của Đảng lúc ban đầu hoàn toàn theo lối dân chủ đại nghị. Nó rất giống với cách tổ chức của đảng Tân Việt Cách Mạng. Kỳ thực thì cả điều lệ lẫn chương trình, phần nhiều là châm chước theo đề nghị của anh Hoàng Văn Tùng, đại biểu Thanh Hoá. Anh Tùng vốn là bạn thân của anh Tôn Quang Phiệt, người bên Tân Việt."[20]

Bởi vì là đảng bí mật, nên tránh việc giấy tờ. Đảng viên không có danh sách. Họp không làm biên bản. Chương trình nghị sự làm xong đốt đi.

Tổng bộ đầu tiên

Nhượng Tống nhớ lại không khí cuộc họp khai sinh Việt Nam Quốc Dân Đảng ngày 25-12-1927 tại Nam Đồng Thư Xã:

"Một cuộc hội họp ngót bốn chục người mà cơ hồ nghe rõ cả tiếng con muỗi bay. Chúng tôi nói nhỏ mà anh em cũng đủ nghe. Anh Học lãnh chủ tịch, còn anh Đạt đứng giữ trật tự. Vẻ im lặng tôn nghiêm làm cho người ta nghĩ đến những việc thiêng liêng, cao cả. Tôi tưởng đâu như hết thảy các vị anh hùng cứu quốc, đương đứng ở trên đầu trên cổ mà chứng giám chúng tôi.

Do kỳ hội nghị ấy, bầu nên một Tổng bộ Lâm thời. Tổng bộ gồm có mươi lăm người: anh Học làm chủ tịch. Anh Nghiệp làm Phó chủ tịch. Ban Tuyên truyền thì tôi làm trưởng ban, anh cử nhân Lê Xuân Hy làm phó. Ngoại giao: anh Nguyễn Ngọc Sơn, anh Hồ Văn Mịch. Giám sát: anh Nguyễn Hữu Bạt, anh Hoành Trác. Tài chính: anh Đặng Đình Điển, anh Đoàn Mạnh Chế. Ám sát: anh Hoàng Văn Tùng. Tổ chức: anh Phó Đức Chính, anh Lê Văn Phúc. Ban binh vụ bấy giờ chưa đặt. Còn anh Phạm Tiềm, anh Trương Dân Bảo, nay tôi quên không rõ thuộc ban nào.

Anh Phạm Tuấn Tài sở dĩ không ở Tổng bộ là vì khi ấy anh đã phải dời đi dạy học ở Tuyên Quang."[21]

Xin nhắc lại danh sách này với họ tên đầy đủ, do Hoàng văn Đào bổ sung[22]

Tổng bộ đầu tiên được bầu ngày 25-12-27, tại Nam Đồng Thư Xã, gồm 15 người:

Chủ tịch: Nguyễn Thái Học

Phó Chủ tịch: Nguyễn Thế Nghiệp

Ban Tổ chức: Phó Đức Chính, Lê Văn Phúc

Ban Truyên truyền: Nhượng Tống, trưởng ban; Lê Xuân Hy, phó

Ban Ngoại giao: Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch

Ban Giám sát: Nguyễn Hữu Bạt, Hoàng Trác

Ban Tài chính: Đặng Đình Điển, Đoàn Mạnh Chế

Ban Trinh sát: Trương Dân Bảo, Phạm Tiểm

Ban Ám sát: Hoàng Văn Tùng

"Ban binh vụ khi ấy chưa đặt. Tuy vậy, anh Học đã bắt đầu chú ý đến anh em vũ trang, nhất là các hạ sĩ quan trẻ tuổi. Các chi bộ nhà binh ở Hà Nội, ở Chùa Thông, ở Sơn Tây, ở Hải Phòng, ở Yên Viên và ở các nơi khác, kế tiếp nhau thành lập. Và nhờ có các đồng chí ở trong quân đội, anh đã lấy được những địa đồ quân sự, những phương lược động binh và cấp báo của các bộ tham mưu.

Còn các chi bộ khác thì cơ hồ khắp các tỉnh Bắc kỳ, cho đến những nơi xa lánh như Lạng Sơn, Đồng Mỏ, Lào Kay, đâu đâu cũng có anh em đồng chí cả"[23]

Ở Trung kỳ, từ Vinh trở vào không có Quốc Dân Đảng, trừ cụ Phan Bội Châu nhận chức Chủ tịch danh dự. Phần lớn vào đảng Tân Việt hoặc Thanh Niên.

Chúng tôi điều đình hợp nhất với hai đảng ấy nhưng không thành. Ở Nam Kỳ anh Sơn và anh Mịch, hè 1928, vào truyên truyền lập được một tỉnh bộ và mấy chi bộ.

Ba kỳ họp bầu Tổng bộ:

Tổng bộ đầu tiên, bầu ngày 25-12-1927, chủ tịch Nguyễn Thái Học, phó chủ tịch Nguyễn Thế Nghiệp. Nhiệm kỳ làm việc trong sáu tháng.

Ngày 22 tháng 5 năm 1928, Tổng bộ họp ở Nam Đồng thư xã, quyết nghị phái ba đại biểu sang Xiêm: Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Phạm Tiềm để điều đình việc hợp nhất với đảng Thanh Niên. Việc thất bại. Mâu thuẫn chính ở chỗ Thanh Niên quyết định đặt Tổng bộ ở bên ngoài, còn Quốc Dân Đảng nhất định đặt Tổng bộ ở trong nước.[24]

– Tổng bộ thứ nhì họp ngày: 7-8-28, bầu Nguyễn Thái Học, chủ tịch.

Nguyễn Thế Nghiệp và Nhượng Tống rớt ra ngoài Tổng bộ. Nguyễn Thế Nghiệp vào Nam, xây dựng tổ chức trong Nam. Quyết định: Mời Phan Bội Châu làm chủ tịch danh dự. Quyên vốn anh em, mở khách sạn để kiếm tiền cho Đảng.

Tổng bộ thứ ba họp ngày 9-12-1928, Nguyễn Khắc Nhu làm chủ tịch, Nguyễn Thái Học phó chủ tịch. Quyết định tổ chức lại theo điều lệ mới gồm có hai Uỷ viên hội: Lập phápChấp hành. (Hành pháp?)

Bên Lập pháp, Nguyễn Khắc Nhu, hiệu Song Khê, tục gọi Xứ Nhu làm chủ tịch. Nguyễn Thái Học làm phó chủ tịch.

Bên Chấp hành: Nguyễn Thế Nghiệp đứng đầu.

Chương trình hành động, thêm một thời kỳ thứ tư là thời kỳ kiến thiết: Sau khi cách mạng thành công, đảng sẽ tổ chức một chính phủ cộng hoà, theo chủ nghĩa dân chủ xã hội.[25]

Vậy, sau đảng trưởng Nguyễn Thái Học, hai người quan trọng thứ nhì, là Nguyễn Khắc Nhu và Nguyễn Thế Nghiệp.

Sau vụ ám sát Bazin ngày 9-2-1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng bị truy nã gắt gao, một số lớn đảng viên bị bắt. Ba người sáng lập: Nhượng Tống, Phạm Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch và một lãnh đạo: Nguyễn Thế Nghiệp, bị bắt năm 1929.

Hồ Văn Mịch mất ở Côn Đảo năm 1930, vì bệnh lao. Phạm Tuấn Tài vì săn sóc Hồ Văn Mịch, lây bệnh lao, ra tù, vài năm sau qua đời.

Nguyễn Thế Nghiệp lập kế trốn thoát, sang Tàu tổ chức đưa quân từ Vân Nam về giúp cuộc Tổng khởi nghiã nhưng không kịp.

Đầu tháng 4-1929, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu bí mật triệu đại biểu toàn quốc tại Lạc Đạo, thuộc Bắc Ninh, chấn chỉnh và tổ chức lại đảng.

Tóm tắt lại:

– Ngày thành lập "Đệ nhất chi bộ" tức chi bộ Nam Đồng Thư Xã, giữa năm 1927, có 5 thanh niên: Nhượng Tống, Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch và Nguyễn Thái Học.

– Kỳ họp Tổng bộ đầu tiên, ngày 25-12-1927, có khoảng 200 người.

– Theo báo cáo của Marty: "Vào khoảng đầu năm 1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Bắc Kỳ có tới 120 tổ bộ. Ước chừng 1.500 đảng viên, trong số đó có 120 binh lính"[26]

– Theo Nhượng Tống, trước khi bị bại lộ, tổ chức Quốc Dân Đảng, kể cả đảng viên và đoàn viên ở Bắc kỳ lên tới 70.000 người. Theo Hoàng Văn Đào, có 1500 đảng viên.

Báo Hồn Cách Mạng và Việt Nam Khách Sạn

"Buổi họp Tổng bộ ngày 7-8-1928, quyết định mở một cơ quan kinh tài cho đảng. Với sự đóng góp của đảng viên và những người phò trợ, ngày 30-9-28, Khách Sạn Việt Nam, khai trương tại số 38 phố Hàng Bông Đệm, từ ông chủ [Lê Thành Vị] đến nhân viên, đầu bếp, đều là đảng viên, đoàn viên.

Khách sạn rất đông khách. Mật thám theo dõi rất sát, nhưng không bắt được chứng từ gì cả, vì "chúng tôi không dại gì mà họp đảng ở đấy". Họ bèn phao tin: "Khách Sạn Việt Nam là cơ quan kinh tài hội kín", khiến nhiều người sợ liên lụy không dám tới lui. Nhưng sau vụ Bazin bị ám sát ngày 17-2-29, mật thám mới tới bao vây Khách Sạn Việt Nam và bắt đóng cửa hẳn."

Chúng tôi làm một tờ báo lấy tên là Hồn Cách Mạng, là cơ quan của Đảng, in bằng thạch, phát ngầm trong các đồng chí. Anh Học làm chủ bút. Tôi được lệnh Đảng phải viết báo và viết luôn cả cuốn sách Cách mạng tiên thanh gồm mấy chục điều kể tội Chính phủ Pháp, in lậu và phát hành trong bóng tối. Toà báo ở đường Sơn Tây chỉ có một người độc nhất là "ông chủ nhà in": anh Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con. Không có máy móc gì cả. Theo nguyên tắc không được giữ giấy tờ, bài vở tôi đọc cho anh Nghiệp "viết". Toà soạn chỉ có một cái bàn, vừa là bàn viết lẫn… bàn nằm. Một tối làm việc trễ, đói quá, mà chung quanh không có hàng ăn chỉ có một tiệm thịt chó. "Thế rồi, hai chúng tôi ăn vã thịt chó chấm nước mắm! Mà ăn bốc, vì chúng tôi không có bát đũa gì…

Ăn xong, chúng tôi uống mấy ngụm nước máy rồi ôm nhau mà nằm. Suốt đêm, anh Nghiệp không nói câu gì. Đó là thói quen của anh. Vì thế, tôi thường vẫn gọi là "con người biết cười chứ không biết nói"! Tôi không ngờ con người ấy mà về sau đã làm nên những sự nghiệp kinh thần, khốc quỷ ở đời!"[27]

Phan Bội Châu

Chúng tôi tặng cụ chức chủ tịch danh dự và mong cụ giúp Đảng hai việc:

– Nhờ cụ với uy quyền và đạo đức, đứng ra thống nhất các đảng lại.

– Nhờ cụ giúp về mặt ngoại giao, vì cụ quen thân với các yếu nhân như Khuyển Dưỡng Nghị, Cung Kỳ Di Tảng ở Nhật, Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ ở Tàu.

"Vì vậy hôm mồng 2 tháng Mười 1928, Tổng bộ đã cử ông Đặng Đình Điển vào Huế, để đạo đạt ý kiến anh em với cụ.

Hai ông già gặp nhau rất là vui vẻ. Cụ Phan xin nhận là đảng viên của Đảng và nói:

– "Tôi già yếu thật, nhưng nếu còn có thể giúp ích được việc gì cho Tổ quốc, thì tôi xin hết sức phục tòng mệnh lệnh của anh em!" (trang 50).

Ngày 9-12-28, trong kỳ hội nghị bầu Tổng bộ lần thứ ba, đảng định cử phái bộ ngoại giao sang Nhật và sang Tàu, nên cắt anh Học và tôi vào xin cụ viết cho mấy bức thư giới thiệu.

Vĩnh biệt Nguyễn Thái Học

"Được lệnh anh em cử, tôi hẹn với anh Học mồng bốn Tết năm Kỷ Tỵ (1929) sẽ gặp nhau ở Hà Nội, rồi sẽ vào Huế.

Khi tới Hà Nội, tôi được tin tên Ba-Gianh bị giết. Tôi đi tìm anh Học, mới biết đó là thủ đoạn của anh em trong ám sát đoàn. Tôi bảo anh Học:

– Nếu vậy thì một mình tôi đi Huế thôi. Mệnh lệnh Đảng, cố nhiên phải phục tòng. Thế nhưng một mình tôi đi cũng đủ. Vì rằng đi thì đi, chứ tôi chắc thế nào dọc đường cũng bị bắt. Thế nhưng tôi bị bắt thì được, chứ anh bị bắt thì không được! Đảng cần đến anh hơn tôi!

Anh Học cho là phải. Chúng tôi liền uống với nhau một bữa rượu tiễn hành. "Ai hay vĩnh quyết là ngày sinh ly".

Đêm hôm ấy, hai tôi đã cùng nhau chuyện trò, cười, khóc suốt đêm. Và từ đấy, tôi không còn được gặp Học ở trong đời nữa!"[28]

Gặp cụ Phan Bội Châu

"Khi tôi vào Huế, tìm vào đến nhà cụ Phan thì người nhà cho biết cụ ra chơi Cửa Thuận. Tôi vơ vẩn ở bờ sông Hương, ngóng thuyền cụ trở về. Ánh trăng soi sáng những bông lau, bông sậy nở dọc hai bờ sông cho tôi một cảm giác mơ hồ, bải hoải. Tôi làm một bài thơ, đề là "Qua Huế, thăm cụ Phan Sào Nam, không gặp, có cảm". Hôm sau tôi đã đem bài thơ ấy đưa trình cụ Phan:

Dịch nghĩa:

Tất tả đường trường dám quản công!

Thành xưa nhìn lại dục đau lòng!

Sống say, chết mộng người bao kiếp?

Biển đổi, dân thay đất mấy vòng!

Nhục rửa sạch đâu sông lộn sóng?

Uất còn chứa mãi gió gào thông!

Cuối trời đâu tá con người đẹp?

Thổn thức ngàn lau ánh nguyệt đồng!

Cụ gặp tôi, tỏ vẻ rất vui mừng.

Trò chuyện suốt một buổi trời, đức độ của cụ khiến lòng tôi chứa chan cảm động. Cảm động nhất là đến bữa ăn, trên mâm chỉ có một đĩa lòng lợn, một bát canh rau, và một phạng gạo bầu đỏ ối! Tôi cùng ngồi ăn với cụ để được nhiều thì giờ mà nói chuyện. Nói đến chuyện chia rẽ của các đảng trong nước, tôi thở dài:

– Khổ nhất là người ốm nằm đó mà các thày lang cứ cãi nhau mãi về y án!

Cụ khen câu nói hay mà hứa sẽ cố sức điều đình cho các đảng được mau hợp nhất. Về việc ngoại giao, cụ hẹn hôm sau đến cụ sẽ giao cho những bức thư cần cụ viết. Tiếng cụ to, sang sảng như vàng, đá. Và mỗi khi đắc ý, cụ lại tự xưng tên và nói một câu bằng chữ Nho…

Trời đã muộn, tôi cáo từ lui chân. Cụ tặng tôi cuốn "Việt Nam sử lược" của cụ viết bằng Hán văn, và vỗ vai tôi khi ra đến cổng ngoài:

– Thày tỏ ra người làm được việc. Châu kỳ vọng ở thày nhiều lắm!

Cố nhiên đó là một câu nói để khuyến khích. Nhưng tội nghiệp! Tôi biết làm thế nào cho khỏi phụ những tấm lòng cha, anh, thày, bạn mong chờ cho tôi!

Hôm sau tôi không được trở lại hầu cụ nữa, vì sở Mật thám Huế đã đón tôi về Bắc rồi!

Tôi kể thêm ra đây câu chuyện một năm sau, anh em trong đảng định đánh tháo đem cụ trốn ra ngoại quốc.

Ấy là năm 1930. Anh Song Khê [Nguyễn Khắc Nhu], đã viết thư cho người đem vào trình cụ. Nguyên hồi xưa, cụ là bạn thân với cụ Cử Nội Duệ, thày học anh Song Khê. Cái chí lớn của anh đã được lòng yêu của thày và của cả bạn thày. Cho nên được thư là cụ nhận ra ngay. Cụ rất mừng và rất vui lòng lại ra ngoại quốc để giúp việc ngoại giao cho Đảng. Về phần Đảng, định dùng năm chiếc ô tô để đón cụ từ Huế qua Nam-quan! Đi đến đâu, sẽ sắp người cắt đứt giây thép, giây nói, và chặt cây, xếp đá ngang các ngả đường phía sau. Như vậy, quân địch dù có dùng ô-tô để đuổi theo cũng không kịp.

Nhưng mưu đó đã không thành.

Và cụ đành ôm tấm lòng vì Đảng, vì Nước, uất ức ở dưới Suối Vàng!" [29]

Vụ ám sát Bazin và Đội Dương làm phản

Về vụ ám sát Bazin và hậu quả Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đàn áp nặng nề, dẫn đến Tổng khởi nghiã sớm hơn dự định, tôi đã viết trong chương: Hoàng Đạo vấn đề Cần lao, ở đây chỉ xin tóm tắt lại:

Vì Bazin, giám đốc sở mộ phu quá tàn ác, nên Nguyễn Văn Viên, ủy viên thành bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng, lãnh đạo các chi đoàn công nhân của các công ty, lên gặp Nguyễn Thái Học "yêu cầu Tổng Bộ cho thi hành việc giết tên trùm mua bán nô lệ Bazin, để trừ mối đại họa cho dân tộc". Nguyễn Thái Học trả lời: "[Lực lượng cách mạng hãy còn yếu] Nếu nay vội giết Bazin, tất nhiên chính quyền thực dân sẽ khủng bố dữ dội, mà đa số đồng chí trong cấp lãnh đạo của Đảng chúng ta phần đông có tên trong "Sổ Đen" của sở mật thám. Thực dân sẽ bắt hết, đảng sẽ tan, lợi ít mà hại nhiều."[30]

Tuy không được sự đồng ý của đảng trưởng, Nguyễn Văn Viên, do sự thôi thúc của phiá công nhân, vẫn tổ chức ám sát Bazin với Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung, ngày 9-2-1929, trước căn nhà số 110 phố Huế (chợ Hôm) Hà Nội[31]. Khi bị bắt ông tự nhận mình là thủ phạm, vào xà lim xé áo thắt cổ tự tử chết, không khai cho đồng bạn.[32]

Sau vụ ám sát Bazin, Việt Nam Quốc Dân Đảng bị truy nã khắp nơi. Theo Nhượng Tống, lệnh lùng bắt khởi đầu từ ngày 17-2-1929, chính quyền in hàng vạn tấm ảnh Nguyễn Thái Học truyền đi. Theo dự định, Nhượng Tống sẽ đi Huế với Nguyễn Thái Học, gặp Phan Bội Châu. Nhưng vì vụ Bazin, Nhượng Tống phải đi một mình, như trên đã nói.

Nhượng Tống bị bắt tại Huế, đầu tháng 3-1929. Ngày 2-7-29, ông bị đưa ra toà cùng các đồng chí. Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu bị xử 20 năm cấm cố vắng mặt.[33]

Vì vụ ám sát Bazin, đầu năm 1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thanh trừng khốc liệt, một phần đảng viên bị bắt, nhiều ổ khí giới bị phát giác.

Cuối năm 1929, lại một sự kiện tồi tệ nữa xẩy ra: Cha con Đội Dương (Phạm Thành Dương) làm phản. Đội Dương, giữ chức Trưởng ban Binh vụ. Chính cha con Dương báo cho sở mật thám địa chỉ các cơ quan chế tạo bom, các kho vũ khí; tố cáo những quân nhân làm nội ứng cho đảng trong các trại lính Pháp ở Hà Nội: hơn 200 đảng viên trong các trại binh bị bắt bớ, giáng chức hoặc đổi đi xa. Nghiã quân ở Hà Nội, lực lượng cơ sở, lớn nhất, tan rã hết.

Ngày 18-12-1929, Phạm Thành Dương dẫn Riner, thanh tra mật thám đến vây bắt ba lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính, ở nhà một đồng chí làng Võng La, cả ba trốn thoát.

Tổng khởi nghiã

Thấy tình thế càng ngày càng bất lợi, các ổ vũ khí bị khám phá, các đảng viên bí mật bị truy lùng. Tháng 5-1929, Nguyễn Thái Học triệu tập hội nghị, quyết định Tổng khởi nghiã gấp rút, trước khi lực lượng tan rã, nhưng chưa định ngày.

Ngày 26-1-1930, Nguyễn Thái Học triệu tập hội nghị, với khoảng 20 đại biểu, tại căn cứ Võng La, tuyên bố Tổng khởi nghiã ngày 10-2-1930, lý do: Nếu không hành động ngay, thì tổ chức sẽ tan rã. Hôm ấy, Nguyễn Thái Học đã nói câu lịch sử: "Không thành công thì thành nhân". Cuộc Tổng khởi nghĩa được toàn thể tán thành. Mọi người đều "chọn lấy cái chết", như lời Nhượng Tống về sau ghi lại.

Phân công:

Hưng Hoá, Lâm Thao: Nguyễn Khắc Nhu phụ trách.

Phú Thọ: Nguyễn Văn Toại (Đồ Thúy), Phạm Nhận (Đồ Điếc), Lê Xuân Huy, Bùi Xuân Mai.

Yên Bái: Thanh Giang và Nguyễn Nhật Thân. Nguyễn Thế Nghiệp sẽ đem quân từ Vân Nam về tiếp viện.

Sau Võng La, Nguyễn Thái Học trở xuống làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, triệu tập hội nghị khẩn cấp, phân công:

Sơn Tây: Phó Đức Chính.

Hải Dương: Trần Quang Diệu (Riệu)

Hải Phòng, Kiến An: Vũ Văn Giản, Nguyễn Văn Chấn, Phạm Văn Tình.

Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại: Nguyễn Thái Học

Hà Nội: Ký Con, chỉ huy đội cảm tử, làm công tác nghi binh để cầm chân quân Pháp và thức tỉnh đồng bào[34]

Nguyễn Khắc Nhu lập tức lên Yên Bái truyền lệnh Tổng khởi nghiã đêm 10-2-30: Cai Hoằng (Ngô Hải Hoằng) chỉ huy chiếm kho quân nhu, tiến đánh Đồn Cao, nhưng phi cơ Pháp, từ Hà Nội bay lên oanh tạc trúng bộ chỉ huy. Một giờ đêm 10-2-30, Nguyễn Khắc Nhu tấn công Hưng Hóa, Lâm Thao. Bị bắt. Tự tử. Ngô Hải Hoằng bị chém ngày 8-3-1930 tại Yên Bái cùng ba đồng chí.

Ngày 13-2, Phó Đức Chính, thu thập tàn quân Yên Bái tấn công Sơn Tây, bị bắt đưa về Hà Nội. Bị chém cùng với Nguyễn Thái Học và 11 đồng chí.

Nguyễn Thái Học bị bao vây ở Đáp Cầu, Phả Lại, không hành động được. Bị bắt ở Ấp Cổ Vịt ngày 20-2-1930, lên đoạn đầu đài cùng 12 đồng chí ngày 17-6-1930 tại Yên Bái.

Nguyễn Văn Toại (Đồ Thúy), Phạm Nhận (Đồ Điếc), Lê Xuân Huy, Bùi Xuân Mai, cả nhóm điều khiển Phú Thọ, lên máy chém ngày 22-11-1930 cùng với Trần Văn Hợp.

Ký Con (Đoàn Trần Nghiệp, 19 tuổi) chỉ huy đoàn quân cảm tử ở Hà Nội, bị chém đầu trước cửa Hoả Lỏa Hà Nội cuối năm 1930, cùng sáu đồng chí.

Trần Quang Diệu (Riệu) diệt được Hoàng Gia Mô, ở Hải Dương, nhưng ngày 16-2- 1930 làng Cổ Am bị 57 trái bom tàn phá. Trần Quang Diệu bị chém ngày 23- 6-1931 ở Hải Dương cùng ba đồng chí.[35]

Vi Văn Định kiện toàn việc càn quét, Nhượng Tống viết:

"Ngay ngày 17-2-1930, tên Vi Văn Định, Tổng đốc Thái Bình đã về Phụ Dực, khám bên bờ sông, tìm ra một mớ khí giới và bắt 10 người – Còn Vĩnh Bảo vào tay tên Công sứ Hải Dương, thoạt đầu đã có đến hơn 30 người bị bắt"[36]

Theo Vũ Ngọc Phan, Hội Đồng Đề Hình trong ba năm, từ cuối năm 1929 đến năm 1933, đã kết án 1.100 người:

112 án tử hình.

229 án khổ sai chung thân, cấm cố.

250 án 20 năm khổ sai, cấm cố.

36 án 15 năm khổ sai, cấm cố.

25 án 10 năm khổ sai, cấm cố.

130 án từ 3 dến 5 nam khổ sai, cấm cố.

318 án tù 2 đến 4 năm tù[37].

Đoàn ám sát ở Hà Nội

Ngay từ lúc thành lập Đảng, chúng tôi dã chú ý đến địa điểm chiến lược đặc biệt của thủ đô Hà Nội: chiếm được Hà Nội là chiếm được tất cả!

"Cho nên ngay từ lúc mới lập Đảng, chúng tôi đã phải chú ý đặc biệt đến các địa điểm chiến lược, và phải cố công tuyên truyền vào đám các hạ sĩ quan ở trong thành cũ của vua Lê rồi. Thế lực của Đảng, ở Hà Nội, nhất là ở trong quân ngũ, có thể nói là hùng hậu gấp mấy chục lần ở mọi nơi. Nguyên chi bộ Tầu Bay, do anh Đội Môn (Trần Văn Môn) làm chi bộ trưởng, vừa cai, vừa đội, có đến hai mươi hai người! Còn ở hai trại thứ chín, thứ tư trong thành, cùng ở trại khố xanh, Đồn Thuỷ, không kể các binh đoàn, chỉ kể nguyên cai, đội, quản, chúng tôi đã có đến hơn hai trăm người là đồng chí. Nhưng sau việc mưu phản của Đội Dương, thì các đồng chí ấy, nếu không bị bắt khép tù, thì cũng bóc lon, cách chức, đưa lên các đồn lẻ ở Thượng du làm lính cả!"(…)

Cho nên, kể là lực lượng chân chính của cách mạng, sau ngày anh Học bị bắt hụt ở Võng La, sau ngày mấy nghìn bom ở Bạch Mai, ở Thái Hà bị móc mói, ở Hà Nội, Đảng chỉ còn có đoàn Ám sát là đáng kể thế thôi! "[38]

Ký Con

Đoàn ấy tuy chỉ huy là anh Song Khê [Nguyễn Khắc Nhu], song lãnh đạo chính là anh Đoàn Trần Nghiệp.

Anh Nghiệp năm ấy mười chín tuổi, quê quán làng Khúc Thuỷ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Ông thân sinh anh là Đoàn Văn Ba, bà là Đinh Thị Thuận, làm nghề hàng bạc, và nhà ngày ấy ở số 56 phố Hàng Bạc.

Hồi 1928, anh làm thuê ở hiệu buôn Godar và vào học sinh đoàn của Đảng. Giúp tôi, anh vẫn viết các sách vở tuyên truyền và in tờ bảo "Hồn cách mệnh".

Khi Đảng mở Việt Nam Khách sạn thì anh về làm thư ký coi kho ở đấy. Vì còn nhỏ nên mọi người gọi đùa là "cậu Ký Con". Cái tên Doãn, là tên trong Đảng của anh; Anh còn cái biệt hiệu nữa là Sĩ Hiệp, đặt ra từ lúc xung vào Ám sát đoàn.

Người anh dỏng cao, da trắng xanh, miệng luôn luôn như cười và hai môi đỏ như son. Mặt trái xoan, trán cao và hẹp, tỏ ra người thích thực hành. Mắt sáng và nhanh, có vẻ hiền lành hơn là dữ tợn. Trong các kỳ Hội đồng, tôi chưa từng thấy anh nói. Con người ấy, sống bên trong nhiều hơn là sống bên ngoài. Xin chớ ai lầm nhà hiệp sĩ của chúng ta là một kẻ "ăn thịt người không tanh". Đó là một người ôm một ý tưởng cao siêu không chịu nổi ở đời những cái gì là nhỏ nhen, là nhơ bẩn, là đê hèn, khốn nạn! (…)

Sau khi khách sạn đóng cửa, Anh bị bắt nhưng được tha ngay, vì những kẻ phản đảng không biết có Anh là đồng chí. Thả ra rồi, anh cùng anh Viễn, anh Viên, thường theo anh Học, anh Song Khê mà làm việc cho Đảng. Trước làm giao thông, sau sung vào làm Ám sát đoàn và làm trưởng Ám sát đoàn. Cái đoàn của anh chỉ huy kể ra nhiều lắm. Tuy vậy, nó là một cơ quan bí mật, trừ đoàn trưởng ra chẳng những người ngoài đoàn, mà đến người trong đoàn cũng không biết ai là ai nữa. Chúng ta chỉ có thể biết được tên các anh nghĩa hiệp ấy, khi chẳng may bị bắt, và bị giết! Nhưng trong đó đã lẩn quất biết bao nhiêu bậc chí nhân, thánh nhân như lời Trang tử dạy: "không cầu công, không cầu danh, vì không biết có mình"[39]

Sau khi Tổng bộ đã định kỳ khởi sự, Doãn được lệnh đúng ngày ấy Ám sát đoàn phải cắt đứt hết các giây thép, giây nói, và ném bom vào sở Mật thám, sở Cảnh sát, sở Sen đầm. Cơ quan của Đoàn khi ấy đặt ở 25 phố Hàng Giấy, tức là nhà ông Đào Tiến Tường. Đôi vợ chồng già này, tuy không vào Đảng, song ủng hộ Đảng rất nhiệt tâm. Nào bom, nào súng sáu, nào dao găm, bao nhiêu những của giết người ấy, bà cùng các cô con gái bà vẫn giấu giếm và coi giữ hộ các anh em chiến sĩ…

Sớm ngày mồng 10 tháng Hai, vì việc ném bom, Anh cho gọi tất cả năm người trong đoàn đến. Cả năm anh đều học trò trường Bách nghệ: Nguyễn Văn Liễn, Nguyên Duy Xứng, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Quang Triệu, và Nguyễn Bá Tâm. Lần lượt, lần lượt, anh giao cho mỗi anh bốn trái bom bọc gang, và dặn: Mỗi anh một nơi, đúng tám giờ tối, phải ném vào sở Sen đầm, sở Mật thám, nhà viên Chánh mật thám, và hai sở Cảnh sát: bóp hàng Trống và bóp hàng Đậu. Ném xong, về trình diện Anh biết.

Anh em vâng lời và mọi việc đã làm đúng theo mệnh lệnh. Chín giờ, anh Doãn cùng bọn đi cắt giây nói, giây thép về đầu tiên, rồi lục tục đến các anh ném bom về trả lệnh. Ông bà Đào Tiến Tường mừng quýnh, người lau cốc, người mở sâm banh, rót ra để khao cho các chiến sĩ và để mừng cho "Việt Nam Cách mệnh thành công!"

Trong khi tiếng cốc chạm, tiếng cười vang, mọi người chợt nhớ ra: "Quái lạ! Anh Nguyễn Bá Tâm đâu không thấy?"

Anh Tâm, khi ấy 18 tuổi, quê ở Phú Thọ, đã vì sự tình cờ mà bị thương [mất một bàn tay] và bị bắt, sau anh ra Côn Lôn (…)

"trải mười mấy năm trường, lăn lộn mãi trong đám bùn đời mà vẫn giữ được cái bản sắc là một người trong Ám sát đoàn: năm ngoái đây, chỉ một tay, anh đã bắn chết tên tri huyện sở tại là một tên có tiếng tham tàn. Bắn xong, Anh tươi cười để lính trói anh, và tươi cười bước lên máy chém.

Những anh ném bom với anh đêm ấy, cho đến cả anh Doãn, sau đều lục tục bị bắt và hy sinh vì nghĩa trước anh".[40]

Chính quyền thuộc địa in hàng vạn tấm hình và treo giải 5000 đồng cho ai bắt được Ký Con. Ký Con bị bắt vào trung tuần tháng 6-1930 ở Nam Định, bị chém đầu trước cửa Hoả Lò Hà Nội, cuối năm 1930, cùng với 6 đồng chí.

Báo chí ngoài Bắc lặng tiếng trước tình hình đẫm máu khắp nơi.

Nhưng Phụ Nữ Tân Văn ở trong Nam tường thuật.

Nhờ đó chúng ta có một số hình ảnh "trực tiếp" về những cảnh hùng tráng sau cùng.

Phụ Nữ Tân Văn và Việt Nam Quốc Dân Đảng

Ban đầu, Phụ Nữ Tân Văn dè dặt đăng tin với lời cảnh báo sau đây:

"Độc giả nên hiểu rằng, những khi có việc bối rối lớn như việc ở ngoài Bắc hiện giờ thì các báo – bất cứ là báo Tây hay báo ta, dầu mỏng tai, lanh mắt cho mấy; là thần là thánh đi nữa, cũng đều là theo tin tức của nhà nước cho biết mà thôi."[41]

Vậy nhà nước cung cấp tin như thế nào về vụ Yên Bái?

"Âm mưu cộng sản

Trước kia tưởng là cả hai cơ lính khố đỏ (tirailleurs) đóng ở Yên Bái, vì một chuyện bất bình gì đó mà nổi loạn, song sau, chánh phủ tra xét ra, thì chính là môt việc âm mưu cộng sản. Có chừng 60 đảng viên cộng sản âm mưu với mấy chục người lính trong trại đêm bữa 9 rạng ngày 10 Février lẻn vào trong trại mà xúi lính làm loạn. Xúi những người đồng chí thôi, còn lính nào không muốn làm sự nguy hiểm ấy thì bị bọn cộng sản hăm dọa, hoặc bị chúng nhốt vào một chỗ."[42]

Cùng cái đêm ấy ở Hưng Hoá

"…cùng một giờ ấy đêm ấy, ở Yên Bái thì lính khởi loạn, còn ở Hưng Hoá thì có đâu hai ba chục đảng viên cộng sản đến trước trại lính khố xanh, đọc bài hịch dụ lính làm hản. Lín trả lời bằng súng bắn ra. (…) Đôi bên đánh nhau. Nhiều nguòi trong đám khởi nghịch đó bị bắt và, cả nguòi đi đầu là Nguyễn Khắc Nhu cũng bị đạn chết. Người này chính là người đã bị Hội đồng Đề hình xử vắng mặt 20 năm cấm cố về vụ Việt Nam Quốc Dân Đảng"[43]

Nói chung, tin tức được nhà nước "cung cấp" đại loại lộn xộn như vậy. Nhưng có điểm này chắc không sai:

"Mỗi lần có việc rối loạn gì trong nước, thì chánh phủ đều phong cho một vị đại thần ta làm chức Khâm sai, đem lính đi đánh dẹp. Như hồi ông Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, thì nhà nước giao cho ông Nguyễn Thân đề binh đánh dẹp, hồi ông Đề Thám ở Bắc Giang, thì nhà nước cho ông Lê Hoan làm Khâm sai.

Lần này cũng vậy. Chánh phủ đã cử ông Vi Văn Định, Tổng đốc Thái Bình đem một đại đội binh mã, lo việc tuần tiễu và đánh dẹp quân nghịch."[44]

Xử án ở Yên Bái

Dưới đây, chúng tôi xin tóm tắt những lời của Phụ Nữ Tân Văn:

Ngày 27-3-1930, Hội đồng nhóm lần thứ hai.

Lần này, Hội đồng cũng nhóm trong trại lính ở Yên Bái. Phòng ấy chật chội, bị cáo ngồi cũng gần đầy. Hội đồng khai xử lúc 8 giờ sáng ngày 27 Mars. Cả thảy có 87 phạm nhân, chia ra như sau: 45 nguời lính, 37 người đàn ông, 1 người đàn bà là cô Bắc, em ruột cô giáo Giang, bạn và đồng chí của Nguyễn Thái Học.

"Cứ theo như các báo Tây ở ngoài Bắc gởi vào, thì Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính [21 tuổi] ra toà vẫn có thái độ bình tĩnh như thường, quan toà hỏi điều gì đều trả lời mạnh bạo hẳn hòi lắm.

Nguyễn Thái Học nhận rằng mọi việc biến động là trách nhiệm ở mình hết: chính mình chỉ huy việc đánh Yên Bái và làm chủ tịch một kỳ hội đồng của đảng, nhóm ở Lạc Đạo.

Còn Phó Đức Chính cũng vậy, có nhận rằng là mình là Uỷ viên ở Tổng chi bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng cùng với Học và Nguyễn Khắc Nhu, tức Xứ Nhu, chủ trương mọi việc. Chính mình đi tuyên truyền cổ động ở các tỉnh và viết truyền đơn rải cho lính, khuyên họ cách mạng.

Trừ hai vị lãnh tụ và năm ba người đồng chí nữa là nhận tội phân minh, trả lời cứng cỏi, còn ngoài ra thì hấu hết các người bị cáo đều chối cãi việc mình, nói rằng bị đảng biến động hăm dọa mà theo, chớ bổn tâm không có ý làm phản.(…)

Sáng bữa thứ sáu 28 Mars, là ngày tuyên án. Hội đồng lại sai lính Tây áp dẫn phạm nhân ra, hỏi ai có điều gì khai nữa, đặng binh vực cho tội mình hay không.

Vửa dứt lời thì cô Bắc đứng dậy nói với hội đồng nên thả cô ra, vì cô chẳng có ý gì làm rối trật tự hết.

Còn Nguyễn Thái Học cũng đứng lên nhắc lại cho hội đồng biết rằng mình xin chịu trách nhiệm hết thảy những việc bối rối đã xảy ra ở Bắc Kỳ. Chính mình xúi giục cho người ta làm loạn; mình đáng tội chết, chiếu theo như luật Gia Long; nếu như Hội đồng có cần phải tru di cả tam tộc của mình thì mình cam tâm cùng chết cả với cha mẹ anh em vợ con, chớ không có điều gì hối hận cả. Chỉ xin Hội đồng có một điều là tha cho những kẻ khác, vì họ chỉ là những người theo mình mà thôi.

Hồi gần 10 giờ sáng hôm ấy, thì hội đồng tuyên án".

39 người tử hình, 33 người khổ sai chung thân; 9 người 20 năm khổ sai; 5 người tội đày; 1 người 5 năm tù.

Hết thảy những bị cáo đều xin chống án, chỉ trừ Phó Đức Chính nói rằng việc không thành đành chết mà thôi, còn chống án làm gì nữa.[45]

Sau khi bị kết án tử hình, Nguyễn Thái Học còn viết hai thư, một cho toàn quyền Đông Dương, một cho Hạ Nghị Viện Pháp, nói rõ lý do khởi nghiã, và yêu cầu họ chỉ xử tử mình và xin tha cho những người khác. Ông còn viết bản Chương trình hành động của Đảng, gửi lại cho các đồng chí.

Ba văn bản này đều in trong phần phụ lục sách Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống, từ trang 135 đến trang 147.

13 liệt sĩ đã lên đoạn đầu đài ngày 17-6-1930

clip_image008

Từ trái sang phải và từ trên xuống dưới:

Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tử Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Đào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Sứ, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên[46]

Hành hình

"Cả 13 nhà cách mạng vẫn bị giam ở Hà Nội, mãi tới tối hôm trước là 16 Juin, chánh phủ mới cho dẫn đi xe lửa riêng lên Yên Bái. Cái máy đoạn đầu cũng đi chuyến xe ấy. Lên tới nơi là một giờ sáng, đến 5 giờ phải ra pháp trường là miếng đất ở bên trại lính. Tình hình lúc xử như vầy:

Sáng sớm, lúc 5 giờ thiếu 15 phút, ông công sứ Yên Bái là de Bottini vào khám, đọc bức điện văn bên bộ cho các nhà cách mạng nghe, rồi có lính bưng cái điếu hút thuốc lào vào cho hút và rót đưa mỗi người một ly rượu rum cho uống để lấy can đảm; nhưng can đảm thì những nhà ấy đã có sẵn rồi, cần gì phải uống rượu!

Xong đó rồi lính mới dẫn ra pháp trường. Sự canh gác áp giải nghiêm ngặt thế nào khỏi phải nói. Lúc hành hình, mỗi khi lính dẫn một người tới máy thì ông công sứ de Bottini đưa lên; ông lên xuống 13 lần như thế, mỗi lần ông đều hỏi người bị xử: "Ông có điều gì muốn nói nữa không?" Cả 13 người đều lên máy chém. Một cách can đảm phi thường, chớ không có ý sợ hãi chút nào cả. Thứ nhứt là Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Học bị xử sau cùng càng tỏ ra can đảm hơn hết. Lúc lính dẫn Thái Học ra, Thái Học ngó những nguời đứng coi trên trái đồi gần đó mà chúm chiếm cười; lại muốn diễn thuyết chi đó nữa, nhưng bị lính cản đi, không cho nói.

Nguyễn Thái Học bị hành hình rồi thì cô Nguyễn Thị Giang cũng tự tử."[47]

clip_image010

Chữ ký Nguyễn Thái Học

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr

[1] Xem chương: 80 Quan Thánh, phần 2.

[2] Theo Lan Hữu: "thày tôi là một ông Cử", trích Lan Hữu, nhà in Lê Cường, 1940, Hà Nội, trang 106. Các chỗ khác ghi ông đậu tú tài.

[3] Theo Hoàng Văn Đào, người ám sát Nhượng Tống là Nguyễn Văn Kịch, người làng Mai Động, Quỳnh Lôi, ngoại thành Hà Nội, là biệt đội nội thành của CS (Hoàng Văn Đào, Lịch sử đấu tranh cận đại 1927-1954, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tân Việt tái bản kỳ 4, 2006, California, trang 404). Sách này sẽ gọi tắt là VNQDĐ.

[4] Nhượng Tống, Tân Việt cách mạng đảng, Việt Nam Thư Xã, 1945, trang 13.

[5] Đời trong ngục: Hoả Lò, Côn Đảo, Hòn Cau, Nxb Văn Hóa Mới, Hà Nội, in năm 1935. Thư viện Pháp chỉ có quyển đầu, mặc dù sách quảng cáo xem tiếp quyển 2, vậy có lẽ không in, hoặc bị thất lạc.

[6] Đời trong ngục: Hoả Lò, Côn Đảo, Hòn Cau, Văn Mới, 1935, trang 26-27.

[7] Theo Hoàng Văn Đào, VNQDĐ, trang 28.

[8] Trích trong sưu tập Phụ Nữ Tân Văn phấn son tô điểm sơn hà của Thiện Mộc Lan, Văn Hóa, Sài Gòn, 2004.

[9] Trích bài Tựa sách Nguyễn Thái Học (1902-1930), Việt Nam Thư Xã, 1945, trang V, VI. Bài tựa này là một bức thư gửi cho chiến hữu, ở dưới ký: Ngày 28 tháng 5 năm đầu Độc Lập, Nhượng Tống, Viết ở phòng tuyên truyền của Trung Ương Đảng bộ, như để chứng tỏ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hoạt động công khai trở lại.

[10] Nguyễn Thái Học, Việt Nam Thư Xã, trang 9- 10- 11.

[11] Khởi nghiã Thái Nguyên:

Đội Cấn (1881-1918), tên thật là Trịnh Văn Đạt, vào lính khố xanh thay anh là Trịnh Văn Cấn, lên tới chức đội. Đội Cấn tiếp xúc với Lương Ngọc Quyến (1885-1917) – con cụ Lương Văn Can, hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghiã Thục – thuộc Ban chấp hành Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu, đang bị tù ở Thái Nguyên.

Đêm 30 rạng ngày 31-8-1917, Thái Nguyên khởi nghiã, phá nhà tù, giải thoát Lương Ngọc Quyến và 240 tù nhân, tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng đế quốc, làm chủ Thái Nguyên được 5 ngày. Quân cách mạng lên tới 600. Ngày 5-9-1917, Pháp đem 2000 quân chiếm lại Thái Nguyên. Lương Ngọc Quyến bị thương nặng, nhờ Đội Cấn bắn vào mình. Đội Cấn rút quân về Tam Đảo. Ngày 11-1-1918, Pháp tấn công, nghiã quân bị tổn thất nặng nề, Đội Cấn bị thương nặng, bắn vào bụng tự sát.

[12] Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, Việt Nam Thư Xã, trang 12.

[13] Nguyễn Thái Học,Việt Nam Thư Xã, trang 16.

[14] Nguyễn Thái Học, Việt Nam Thư Xã, trang 37.

[15] Nguyễn Thái Học, trang 31-34.

[16] Nguyễn Thái Học, trang 19.

[17] Trong không đầy một tháng đã thành lập xong 18 chi bộ, trên 14 tỉnh Bắc kỳ và bắc Trung kỳ, số đảng viên lên đến trên 200 người (Hoàng Văn Đào, VNQDĐ, trang 28).

[18] Có 36 đại diện 14 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Kiến An, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thanh Hoá (Hoàng Văn Đào, VNQDĐ, trang 30).

[19] Vì theo pháp luật thời dó, hội họp quá mười chín người phải xin phép trước.

[20] Nguyễn Thái Học, trang 22-23-24.

[21] Nguyễn Thái Học, trang 35-36.

[22] Hoàng Văn Đào ghi theo tài liệu của cụ Lê Thành Vị (VNQDĐ, trang 35). Lê Thành Vị, là chủ nhiệm Thực Nghiệp dân báo, chủ trương sưu tập Vạn Quyển Thư Lâu, in sách Nhượng Tống, chúng tôi đã nói đến ở trên.

[23] Nguyễn Thái Học, trang 37.

[24] Nguyễn Thái Học, trang 39-40.

[25] Nguyễn Thái Học, trang 45-46.

[26] VNQDĐ, Huyền Hà dịch báo cáo của Marty, Ngày Nay kỷ nguyên mới số 4, 26-5-1945.

[27] Nguyễn Thái Học, trang 44.

[28] Nguyễn Thái Học, trang 52.

[29] Nguyễn Thái Học, trang 52- 54.

[30] Hoàng Văn Đào, VNQDĐ, trang 50.

[31] Hoàng Văn Đào, VNQDĐ, trang 48-53.

[32] Hoàng Văn Đào, VNQDĐ, trang 74-75. Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, trang 55-56.

[33] Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, trang 66-67.

Phong Hóa số 45 (5-5-33) đưa tin: "27 phạm nhân được ân xá về nước: Hôm 20/4, tầu Claude Chappe đã chở ở Tân Đảo về 27 chính trị phạm, nhân viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị toà án đại hình lần thứ nhất họp tại Hà Nội xử, để đưa về nguyên quán. Những phạm nhân này đều bị kết án tù năm năm; tính ra còn đến 11 tháng nữa mới hết hạn. Đó là nhờ Đức Hoàng Thượng ngài đã ra ân cho. Trong số đó có ông Hoàng Phạm Trân tự Nhượng Tống".

Vì bài báo viết nhầm Côn Đảo thành Tân Đảo, nên trong chương Hoàng Đạo vấn đề Cần lao, chúng tôi ghi chú là Nouvelle Calédonnie, nay xem trong hồi ký Đời trong ngục của Nhượng Tống, biết chắc ông bị đi tù ở Côn Đảo, vậy chúng tôi xin đính chính lại lỗi lầm trong chương Hoàng Đạo vấn đề Cần lao, và xin xác định lại: Nhượng Tống bị tù ở Côn Đảo từ 1929 đến 1933, thì được tha về cùng với 27 bạn đồng hành, tháng 4 năm 1933, nhờ vua Bảo Đại ân xá.

[34] Hoàng Văn Đào, VNQDĐ, trang 92-93.

[35] Những thông tin trong đoạn này viết theo Hoàng Văn Đào và Nhượng Tống trong hai cuốn Việt Nam Quốc Dân ĐảngNguyễn Thái Học.

[36] Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, trang 102.

[37] Vũ Ngọc Phan, Chính sách khai hoá bằng súng đạn, Ngày Nay Kỷ nguyên mới số 2 (12-5-45).

[38] Nguyễn Thái Học, trang 103, 104.

[39] Chú thích của Nhưọng Tống: Xem Trang Tử: Nam Hoa Kinh, Nhượng Tống dịch, Tân Việt xuất bản.

[40] Nguyễn Thái Học, trang 103-108.

[41] Phụ Nữ Tân Văn số 41, 27-2-30.

[42] Phụ Nữ Tân Văn số 41, 27-2-30.

[43] Phụ Nữ Tân Văn số 41, 27-2-30.

[44] Phụ Nữ Tân Văn số 41, 27-2-30.

[45] Phụ Nữ Tân Văn số 47, 10-4- 30.

[46] Tên các liệt sĩ được sửa lại theo bản in trong sách của Nhượng Tống và Hoàng Văn Đào.

[47] Phụ Nữ Tân Văn số 58, ngày 26-6-30.

Comments are closed.