Với Nguyễn Đức Tùng, thơ văn-kể như một thử nghiệm chuyển hóa thơ Việt? (kỳ 2)

Đỗ Quyên

334908816_2219473591572452_109401116[3]

5. Các đặc điểm như là rào chắn thơ Nguyễn Đức Tùng tới bạn đọc

Khá nhiều. Với chúng tôi rào chắn đến từ: chất văn dễ lấn chất thơ; khó gợi tính nhạc/nhịp điệu do thiếu âm vần[31]; không tự nhiên về cấu tứ, gần với ngụ ngôn; cú pháp quá khoa học như robot; không hợp với thơ tình yêu (trong các bài xuất sắc và hay nêu trên không bài nào về luyến ái nam nữ, phần lớn về thời cuộc); v.v. và nhất là thi pháp[32] pha tạp, chưa nhuyễn.

Có hai phe rõ rệt.

Phe cách tân đông đảo ra phết (mà kẻ viết bài này là một), có lập luận khoa học, so sánh khuynh hướng, có khát vọng khách quan, nhưng vẫn chưa đủ trọng lượng để khen chê, bình giá cho xứng; cũng bởi phê bình chưa tài bằng tình – đa phần là bạn bè văn hữu của tác giả nên khó tạo công bằng trong con mắt các độc giả khó tánh. Mới nhất, lời bình của nhà thơ Nguyễn Hàn Chung: “Thơ Nguyễn Đức Tùng dẫn dắt người đọc tiếp nhận một gu thẩm mỹ mới mà nếu ai quen với sự lĩnh hội và lí giải truyền thống sẽ khó mà nhập vào sự tương tác giữa tự nhiên và hiện đại trong thơ anh. Mình rất ngưỡng mộ nghệ thuật miêu tả biểu hiện cộng với diễn xướng tạo ra những liên tưởng bất ngờ thú vị. Khi tiên phong phá bỏ những chuẩn mực quy phạm nhà thơ đã hiển lộ cho chúng ta sự khoái cảm của trò chơi ngôn ngữ. Xin được kính nhi viễn chi vậy.”[33]

Phe bảo thủ: cũng xôm tụ, hiếm thấy thành bài viết mà thường chỉ bắn ra các còm; trong đó chỉn chu về hình thức, lề lối về học thuật, thẳng băng về độ “truy sát” hơn cả đến từ bài của Trần Văn Tích (Mời xem Phụ lục 2 với các trích dẫn đáng lưu tâm.)

Chưa, và hy vọng không phải là không, thấy Nguyễn Đức Tùng, như là người viết thơ quan tâm các dòng “ngoài lề” ở thơ Bắc Mỹ. Anh vẫn trong-ngoài với các thơ “quậy” ở trong-ngoài Việt Nam, đôi khi tham gia tuyển tập, diễn đàn; song hình như có khoảng cách tâm lý nào đó. Không kể ở vai trò phê bình, loại thơ như của Đinh Linh – người cùng với Thường Quán/Nguyễn Tiên Hoàng là hai người thơ thuần Việt hy hữu nhập vào nền thơ bản địa – anh có lần ngỏ ý ứ chịu. Về thơ Tân hình thức Việt cũng na ná thế, với bạn tôi. Một tay bút độc lập có thể quay lưng với các cách viết khác. Nhiều khi có ích. Một nhà sáng tạo khuynh hướng thường cực đoan hơn thế, nhưng phải là siêu cực đoan – “người quay đi đầu luôn ngoảnh lại” – để biết hướng của mình ở đâu trong bốn phương tám hướng thiên hạ. Không là thị hiếu, không là tri thức, không là tài năng. Vâng, là một cái gì tôi gọi cho ra vẻ khoa học: tâm lý. Theo tôi, đây là thử thách không chỉ cho nhà thơ Nguyễn Đức Tùng mà cả nhà phê bình cùng tên.

Bài viết này chỉ bàn tới phẩm chất sáng tác nơi anh – người cần “làm chủ bản thân” khiến riêng chúng tôi luôn kỳ vọng một thực thể văn học đã thành hình cùng không ít nhà thơ khác, đó là “trường phái thơ văn-kể Việt”.

Nói chung, một trường phái văn nghệ có nhiều nhận dạng: yêu cầu của thời đại, thời cuộc; thúc đẩy của văn hóa, xã hội; sự giao lưu với môi trường mới và khác; thời gian thử thách; số lượng tác giả, chất lượng và ảnh hưởng sáng tác của một hay một vài tác giả như là thủ lĩnh; phản ứng của độc giả; sự tự do và dân chủ trong sáng tạo cá nhân và diễn đàn công cộng; v.v.

Vấn đề trường phái văn học là lớn, khó và vẫn xa lạ với phương cách viết và đọc văn chương Việt, chúng tôi cũng từng công bố một số tìm hiểu trong thơ[34].

Thêm lần nữa diễn lại vài ý quan yếu:

Nếu không kể tư trào Thơ mới như một chuyển động văn hóa trong toàn xã hội, đến nay thi ca Việt hiện đại chỉ có năm nhóm, trường phái văn học tạo dựng hoặc liên quan thi pháp: Xuân thu nhã tập với Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh; Nhóm thơ Bình Định/ trường thơ Loạn với Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên; Nhóm Dạ đài với Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch; Thơ Tân hình thức Việt với Khế Iêm, Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường và nhiều tác giả khác; và Nhóm Mở miệng với Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy và Nguyễn Quán. Không kể Nhóm thơ Bình Định, bốn nhóm phái kia đều cao vọng, ít nhiều thực hiện được sự ra khỏi thi pháp Thơ mới.

Cuộc cách mạng lần thứ nhất với thi pháp Thơ mới 1932-1941 đã lật lịch sử thơ Việt sang “chương hai”, từ quan niệm mỹ học và tư duy nghệ thuật thời trung đại sang hiện đại, tiếp thụ và song hành thơ thế giới. Tới nay, có thể xem cuộc cách mạng lần thứ hai đã trôi qua dai dẳng với nhiều giai đoạn qua ba mốc văn học sử: Nhóm Sáng tạo với đại biểu Thanh Tâm Tuyền 1955-1962; Nhóm Nhân văn – Giai phẩm với đại biểu Trần Dần; và cao trào sáng tác hậu hiện đại những năm đầu thế kỷ 21 cho đến nay với nhiều đại biểu, chủ yếu là Nhóm thơ Tân hình thức Việt và Nhóm Mở miệng. Nói riêng về cá nhân tác gia có tác phẩm tạo ảnh hưởng với thành tựu, thể nghiệm hoặc dang dở, chúng ta thấy trên bảng giá trị cải cách và cách tân thơ Việt về thi pháp có bốn vị: Nguyễn Đình Thi (1946), Thanh Tâm Tuyền (1955), Trần Dần (1963), và Nguyễn Quang Thiều (1992).

Có thể xem hành trình sáng tác theo bốn bậc thang “đẳng thức thơ”:

1. Cách mạng (Cải cách) thơ = Văn hóa (Thẩm mỹ) mới + Chủ nghĩa (Triết thuyết) mới

2. Cách tân (Tiên phong, mở đường) thơ = Thi pháp (Khuynh hướng) mới

3. Đổi mới thơ = Bút pháp mới

4. Sáng tạo thơ = Phong cách (Thủ pháp) mới

Cải cách thơ Việt duy nhất sau thơ Mới là dòng thơ Tân hình thức Việt với thi pháp hoàn toàn mới sinh ra từ văn hóa mới, thời đại mới qua một chủ nghĩa, triết thuyết mới. Đó là một “cuộc cách mạng nhỏ”; trong khi bốn tác giả nêu trên thuộc về cách tân – ở đấy thi pháp mới được triển khai từ khuynh hướng văn học mới có tính thời cuộc nhất định, tức là trong giới hạn không gian địa lý hoặc thời hạn của thể chế, xã hội.

Giả như thể thơ văn-kể kiểu Nguyễn Đức Tùng mà thành công, hoặc thể nghiệm tạo ảnh hưởng, thì giá trị chuyển hóa thơ Việt của nó – xét về định vị – trên cách tân và sau cải cách[35]. Dẫu hiếm hoi cũng không dễ định danh những tác gia thi ca Việt hiện đại/đương đại đã thành tựu ở giá trị chuyển hóa thơ; Đặng Đình Hưng ắt là một trong số đó. Trần Dần, với chúng tôi, có lẽ vẫn còn là thể nghiệm dang dở ở đôi tác phẩm, giữa chuyển hóa cải cách (trong Jờ Joạcx, Thơ không lời – Mây không lời / Thơ – họa).

Trong bản đồ thơ Việt cũng như thơ thế giới, những kiểu thơ như thế hơn hẳn một ốc đảo tùy ảnh hưởng có được – đấy là một vương quốc Monaco xinh đẹp (dù nhỏ bé hàng thứ hai mà mật độ dân cư cao nhất trái đất), một tiểu bang viễn dương Hawaii của Hoa Kỳ, một đặc khu Hongkong của Trung Hoa… Thơ văn-kể thay đổi quan niệm thi ca trên nền các tiêu chuẩn cũ. Nó vừa phá vừa xây. Các nhà thơ khác, ngay khi hiểu nó cũng khó áp dụng cho “quốc gia thơ” của mình, nếu không là “thi sĩ kinh bang tế thế” tầm vóc Đặng Tiểu Bình từng tạo ra “Singapore nhỏ” trong một Trung Quốc hiện tại.

Nếu tiếp tục và ngay cả chưa thành đạt đáng kể, thơ văn-kể kiểu Nguyễn Đức Tùng vẫn đang và sẽ góp phần tạo ra những chuyển động không thể cưỡng lại khi hiện đại hóa và thế giới hóa thi ca Việt.

Rất nhiều bài không đạt trong thơ này là không thể “cứu” nổi và chỉ cần chuyển qua phong cách khác lại tạm ổn.

Kể trên là “đại tự sự” về sự khó cho thi trình Nguyễn Đức Tùng. Thử xét các tiểu tiết… Cũng như với tuyệt đại đa số tác giả khác, tạng thơ ngắn Nguyễn Đức Tùng cùng chung thi phận với mọi loài thơ ngắn trên đời, mà haiku là ví dụ đồ sộ nhất: đến như haiku Nhật cũng phải đọc cả tá bài may ra mới biết mặt anh tài, kể cả Basho với Con ếch huyền thoại. Chúng tôi chưa thể tin có một phê bình gia nào nếu chưa biết bài thơ nói trên của Matsuo Basho vĩ đại mà vẫn bình cho đúng tâm tài của chính mình về kiệt tác đó! Đấy cũng còn là cái khó chung trong quan hệ tác giả và tác phẩm luôn xảy ra khi thẩm định thơ mà với văn xuôi hiếm gặp như vậy. Ở thơ ngắn, nan đề còn riết róng hơn. Tạo ra thi pháp thơ ngắn cỡ như Trần Dần và Phùng Cung khiến không ai có thể đọc nhầm, hỏi có mấy thi sĩ? Chưa đủ uy tín (lấy danh đè thơ!), sức hút thơ nội tại và do chọn hình thể thơ ngắn và rất ngắn, nên nếu chỉ qua một vài, thậm chí mươi sáng tác thì thơ Nguyễn Đức Tùng khó có thể được bình giá đúng tầm.

Thơ Bùi Giáng được đúc thành khối, một kiểu liên văn bản nội tại. Giống từng câu ca dao lục bát Việt chứa cả trời tâm sự, mỗi thi phẩm rất ngắn của Thi sĩ trung niên, có khi chỉ hai câu thơ và ngay cả ở những câu, bài không hay, cũng tỏa ra trường thơ Bùi Giáng. Ví như, bằng năm câu 6-8 ở bài Lời người điên, “người anh giai” tên Giáng ấy đã thay mặt tập thể đờn ông chúng ta có nhời với nửa kia của nhân loại: sau lời khuyên cực thô sơ và vô duyên (về ý, còn về nghệ thuật cũng tàm tạm) “Các em (…) Đừng nên uống rượu…” là lời vàng ý ngọc đậm đà nữ tính và mênh mang tình phu thê mà đến cụ Du tái sinh cũng chẳng thể xuống bút hay hơn: “Dịu dàng sống giữa gia đình/ Ngày ngày tháng tháng hậu tình năm năm.

Đến đây gặp bài toán đa phong cách. Nếu dùng chính xác một phong cách, cổ điển hay hiện đại, một tài thơ vẫn cho phép chỉ cần 3-4 bài, thậm chí một bài, tạo ra ảnh hưởng. Ngay cả với thơ ngắn[36].

Kiểu thơ Nguyễn Đức Tùng đến nay chưa sở hữu được hiện-tượng-một-bài. Với các bài đặc sắc nhất ở anh, một người viết hạng trung vẫn có thể “cầm nhầm” và một người phê bình hạng cao vẫn có thể phê nhầm. Bởi, trong mỗi sáng tác đó thường chưa trọn vẹn các tiêu chí của một phong cách. Cũng bởi, ngôn từ và cấu tứ vẻ ngoài rất giản đơn và căn bản. Còn nữa, mấu chốt: trộn các phong cách đã có để tìm một “thi pháp riêng”, tác giả rất dễ gặp sự cố mỗi khi có sự tham dự của các biểu hiện hậu hiện đại (Xem tiếp mục sau).

Tác giả này thường có những bài thơ lạ một cách oái oăm, người viết muốn gọi là loại thơ-đọc-một-lần.

Những cái gì chỉ đọc một lần dễ thuộc về bè lũ tin tức, nhật báo… Có lẽ những độc giả chưa thích – thậm chí ghét – thơ Nguyễn Đức Tùng bởi bị lâm cảnh này? Riêng chúng tôi thường phải quên những bài đó để khỏi hại các bài thơ cùng motif. Tính không lặp lại của thi ca là vậy. Hà khắc. Rất hà khắc. Có thể dở, thơ không được phép nhàm. Nhàm quá hóa nhảm, cho dù nội dung hay ho. (Cứ hỏi hai cái tai của các đức ông chồng là hiểu!) Bên cạnh cái nhàm, thơ ngắn dễ thành đồ giả. Thơ Nguyễn Đức Tùng thời 2010-2015 có lẽ đạt đỉnh và cũng khó thoát luật chung. Nhiều người còn bảo trong thi ca, tệ nhất là nhạt. Vâng, Nhạt là bởi Nhàm dan díu với Giả. Nói chung, với thơ ngắn của bất kỳ đấng bậc nào, ngu ý bần tăng là chớ nên đọc liền tù tì cả tá bài; dẫu là một tá “con ếch” thì già nửa sẽ biến thành chẫu chàng ễnh ương. Bên cạnh ca dao lục bát Việt, kẻ này vẫn chưa làm sao thích đến mức đọc nhiều một lúc hay đọc thường xuyên thơ haiku Nhật của các tác giả cụ thể. Biết là khập khễnh; một đằng sáng tác thơ của những cá nhân, một đằng công trình văn hóa chung từ bao đời; một đằng đồ lạ nhà người ta, một đằng gia bảo nhà mình. Ý là nói đến nghệ thuật thể loại của hai hình thức văn vần thường được coi là ngắn nhất thế giới. Ca dao lục bát Việt muôn năm!

Một điều kỳ khu khác nữa ở thi sĩ của chúng ta: kén chọn không gian và thời gian xuất hiện. Như một bấp bênh, nói lên phần nào sự chưa/không ổn định mỹ học mới cho thơ. Đọc và xuất bản thơ Nguyễn Đức Tùng, rất cần một nghệ thuật: có bài đi ở Viết & Đọc giữa Hà Thành thì ngon, chạy sang Da Màu bên Cali thấy làm sao ấy; và ngược lại.

Chúng tôi mạo muội có lời, với độc giả chưa quen và muốn thích thơ Nguyễn Đức Tùng, trong lần đầu nên đọc 4-5-6 bài là cùng, rồi… nghỉ giải lao; vài ngày sau đọc lại, đọc tiếp. Với các phê bình gia, các thi hữu: xin tùy nghi, đọc liền tới hết hay bỏ cách, nhưng hãy nghĩ về nó. Còn với bạn đọc không thích loại thơ này, mong hẹn ở một bài viết khác.

Cuối cùng, thử gán ghép một cặp đôi như vầy: thơ Nguyễn Đức Tùng và tiểu thuyết Thuận (Xem Phụ lục 3).

Người nam rất có tư duy thơ, người nữ rất có tư duy tiểu thuyết; trong khi phần đông tác giả Việt xưa nay ít nhiều đều có tư duy thơ (dù thơ Việt không là “thơ tư duy”) và hầu hết không có tư duy tiểu thuyết (tức là truyện Việt không là tiểu thuyết, theo quan niệm phương Tây).

Hai hệ quả từ đấy:

a. Giả sử Nguyễn Đức Tùng ngấm những Pushkin và Lermontov; Evtushenko Simonov, có thể trong lối viết thơ văn-kể của chàng những bài trữ tình sẽ thật hơn, những bài thời cuộc sẽ cận nhân tình hơn?

b. Các bài chưa đạt trong nội dung thời cuộc, chiến tranh, chính trị… là bởi nam thi sĩ chưa tới được câu-chuyện-con-người, mà chỉ muốn hoặc chỉ tới chuyện-người-Việt ở các chủ đề trên.

6. Quan hệ hiện đại và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Đức Tùng

Ở đây nói về hậu hiện đại để phân định trào lưu; không bình giá phẩm chất, so sánh cao thấp…

Là văn chương hiện đại chia sẻ một số cách thể hiện với xu thế hậu hiện đại, thơ Nguyễn Đức Tùng phá bỏ trung tâm này trong cao vọng xác lập trung tâm khác – trung tâm “lý tưởng hơn”, nếu không nói là không tưởng.

Trong khi hậu hiện đại phơi bày tất cả, giải thiêng như một hình thức phá bỏ bằng tâm thức, không qua hành động, không nhằm “xây” bất kỳ cái gì; giải-trung-tâm không chỉ phản đối trung tâm mà thực ra phản đối cái hiện hữu. Chẳng thể có cái hiện hữu nào làm hài lòng “quần chúng nhân dân” của hậu hiện đại. Giả như tất cả biến mất, chỉ còn chính mình, hậu hiện đại cũng giải tán nó luôn?!

Tinh thần của hậu hiện đại là hỗn loạn, hỗn loạn nữa, hỗn loạn mãi. Nhưng, nó lành, nhờ sự vô đích.

Giống tinh thần truyền thống, thơ Nguyễn Đức Tùng ngăn nắp, có định hướng (dù ngầm), và có đích (ẩn hiện): làm đến cùng giúp con người, xã hội đẹp hơn theo lề lối thi nhân. Các nhà thơ hiện đại can thiệp cho đến khi nào nhân quần được tốt đẹp như ý của họ, trong khi thi sĩ cổ điển hướng tới một vài bản chất của loài người và nghệ thuật. Sáng tác hậu hiện đại thực sự chỉ mong là rác là cỏ, chỉ muốn làm đất chôn thơ. Các nhà hiện đại lại luôn bảo vệ thơ: họ lôi Nàng thơ bụi phủ từ các bảo tàng ra hè phố để dựng tượng đài. Thi cảm hậu hiện đại không coi thơ là gì, nhé! Họ và thơ của họ (nếu cứ bắt họ phải gọi đó là “thơ”) không có trách nhiệm tự thân. Cứ như thể mục đích duy nhất của họ là khiêu khích. Đó là các tay bút láu lỉnh: viết theo nhịp độ bị khiêu khích bởi độc giả. Vậy nên ngay từ năm đầu Mở miệng dễ dàng tạo tiếng tăm cùng tai tiếng. Cũng là nhờ xã hội và thi đàn Việt Nam khi đó quả thực đã có hoàn cảnh hậu hiện đại ở mức quốc tế. Nếu như không ai nhắc đến về mặt văn chương – từ khen đến chê, thậm chí “chửi”, “đánh” – các tác giả Mở miệng sẽ đành mở… giấy bút! Những hiệu ứng từ sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên”, cả trong lẫn ngoài văn bản của chính luận văn (chứ không phải ở các sáng tác của Mở miệng) càng khẳng định điều đó.

Mãi về sau, chúng tôi vẫn nhầm chất giễu hài trong thơ Nguyễn Đức Tùng thuộc về hậu hiện đại. Không, thơ của anh không phản biện theo kiểu trí thức bất tòng tâm, không chế nhạo như trạng, không giỡn cợt như hề với các hiện tượng xã hội và chính trị bề mặt. Nó bản chất, phê phán tận gốc, muốn cải tổ, muốn “cách mạng” bằng điệu cười rất khác biệt trong thơ Việt. Đó là một nhà hiện đại hóa thực sự và nghiêm chỉnh. Không hề không-làm-thơ như hầu hết các tay chơi hậu hiện đại. “Có văn có ích, có văn chơi.” (Tản Đà). Thơ Nguyễn Đức Tùng, loại thơ có ích. Ở các bài thành công mà đậm chất thời cuộc, “tính chiến đấu” cực siêu!

Đấy cũng là một ví dụ cho những điều mà chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa nhân văn làm mãi không hết trong gần hai thế kỷ qua. Họ nản. Hoặc nghỉ giữa chừng. Hoặc đùn nhường cho các nhà hậu hiện đại trong nửa thế kỷ qua.

Có chủ đích cao mà không trên cơ sở lý luận (như Khế Iêm bên thơ Tân hình thức Việt), Nguyễn Đức Tùng trình ra một thử nghiệm ngõ hầu chuyển hóa thơ Việt; nhưng vào lúc xã hội Việt ở thời kỳ văn hóa tiêu thụ và đa dạng, không còn quá trọng chữ nghĩa thơ thẩn. (Dù sao anh cũng chưa thiệt thòi như Dương Tường – người đề xuất, triển khai thể thơ-âm-bồi Việt tính và hiện đại, đáng được thử nghiệm đến cùng mà bị thời thế, và có lẽ cả ý chí cá nhân tác giả, làm trễ hụt.)

Nếu vào khoảng 25-30 năm trước, trước thời Mở miệng, loại thơ văn-kể theo hướng này có thể sẽ nổi trội ngay, ít ra về hình thức nghệ thuật và cảm thức sáng tác. Trong thời hậu-hậu hiện đại 6-N – nhộn nhịp nhí nhố nhập nhằng – cái mới, lạ và hay ít có cơ hội được tìm nhìn thật giả. Truyện Phạm Thị Hoài nếu lúc này mới hiển lộ cũng dễ bề “vô tăm tích”: gần đây nữ sĩ “tự thấy mình may mắn đã ra mắt ở một thời điểm mà văn chương còn quan yếu, có lẽ quan yếu hơn vai trò thật của nó.”[37]

Nhưng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lại khác: khả năng tạo sang chấn gần như chắc chắn, dù không hẳn đảo điên văn đàn, phát khùng văn giới như đã từng. Đó, một khối cô, đặc của chữ, nghĩa về Con-Người trăn trở bởi một người con trong lòng văn hóa Việt mang các dấu ấn văn chương Trung Hoa ở cả hai cực cao thượng và hèn hạ, phảng phất vẻ sang cả kiêu kiêu từ văn học Pháp và sự lãng mạn không thể cưỡng lại của tính cách Nga. Gần như văn Mạc Ngôn ở chỗ, văn Nguyễn Huy Thiệp có hiện thực được bày ra theo kiểu rất châu Á – điêu điêu, đại ngôn và mủi lòng. Trong văn tài truyện ngắn Việt ấy chẳng hề thấy sự trong trắng, thẳng thắn vừa đủ để mơ tưởng của dòng văn xuôi đương đại Bắc Mỹ mà rõ nhất là ở Raymond Carver (hoặc xa hơn, ở sự chính trị hóa qua bài Diễn văn chiến thắng của ngài Obama – Tân tổng thống Mỹ tái đắc cử 6/11/2012).

Cũng như – và rõ ràng hơn về chính kiến – văn Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp, thơ Nguyễn Đức Tùng muốn thanh lọc, thậm chí thanh lý các nhức nhối trong xã hội và con người đương đại bằng một số phương cách nghệ thuật tựa hậu hiện đại qua tâm thức chủ thể trữ tình (nhân vật) hiện đại và chủ thể sáng tạo (tác giả) hiện đại[38].

Trong khi đó, thơ Bùi Giáng, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Hoàng Nam mà rõ nhất là Đỗ Kh., và văn Lê Anh Hoài, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương mà mạnh nhất là Đặng Thân là các kết quả hậu hiện đại của thi pháp, nếu quả có một cái gọi là “thi pháp hậu hiện đại”[39] phủ sóng mọi sáng tác có cùng tâm thức hậu hiện đại.

Thôi nào, ta dùng tam giác thơ Phấn-Thiều-Tùng dễ so đo hơn.

Mai Văn Phấn: một tác giả luôn cách tân nương theo mọi khuynh hướng và gần như nơi nào cũng thành công ở mức khả dĩ và khả ái; giai đoạn hậu hiện đại – đang rời bỏ chàng mươi năm nay – tuy không dài lắm đã có dấu ấn mạnh là tập Hôm sau đủ làm một bộ sưu tập điển hình trong cao trào văn chương hậu hiện đại Việt (Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Tắm đầu năm, Ghi ở Vạn Lý Trường Thành, Gió thổi, Sống hồn nhiên…)

Nguyễn Quang Thiều: không thiên vị trường phái quen thuộc nào và sở hữu một số thủ pháp hậu hiện đại bình đẳng với nhiều thủ pháp khác ở khoảng 15 bài thơ cuối tập Châu thổ, song sản phẩm thứ thiệt (và thứ dữ luôn!) hậu hiện đại là trường ca Lò mổ đã tham dự độc đáo vào xu hướng này, giống như những sáng tác “đổi gió” hậu hiện đại của một thi sĩ hiện đại tự hồn vía và thủy chung một thi pháp riêng biệt.

Nguyễn Đức Tùng: như đang bàn thảo.

Thử nghiệm Nguyễn Đức Tùng giống các thử nghiệm hậu hiện đại: đòi hỏi sự tự hủy cao, đặc biệt với các bài rất ngắn. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, thi sĩ phải qua chừng 20 bài để có vài bài đạt, mươi bài được gọi là thơ (trữ tình). Nhớ, gần như hàng tuần, vài ba ngày, vào nhiều năm thời 2000-2010s – thi sĩ lại “tra tấn” bạn bè qua sáng tác mới. (Đó phải là một người viết chịu để chúng bạn giày xéo đám con tinh thần lít nhít của mình – điều không nhiều kẻ làm thơ có. Với Quyên, hay-dở chuyện nhỏ, thi pháp cần mổ xẻ tới cùng; Phấn thì khác: khen là chính, nhưng các bản thảo của Tùng thường bị nhẹ nhàng thay bằng một phiên bản khác!)

Khác các thứ thơ hậu hiện đại thuộc về bản chất, loại sáng tác hiện đại phất phơ hậu hiện đại kiểu thơ Nguyễn Đức Tùng rất kén cái tục, chọn tiếng chửi. Để thực thi các ngôn từ ít văn hóa, nhà thơ phải “uốn lưỡi bảy lần” ngay trong những bài có chỉ ba bảy hai mốt âm tiết. Tác giả này không làm văn hóa, mà làm thơ. Chủ đích làm thơ thứ thiệt, trong khi các thi sĩ hậu hiện đại luôn hủy hoại thơ để phản ứng văn hóa. Thế nên trong thơ tạng này, những bài có cái tục dự phần hiếm khi thành quả.

Dù một số ít bài có biểu lộ suồng sã, tục tằn giông giống hậu hiện đại (“Hai chúng tôi đứng hồi lâu trước bức tường rêu phủ/ Dưới dòng chữ sơn đen nguệch ngoạc bằng tay/ Đ.M. đứa nào đứng đái ở đây – Bài Đi dạo với một nhà văn dưới ánh trăng), thơ Nguyễn Đức Tùng so với loại thơ “Chẹc… chẹc” của Nguyễn Đình Chính chưa thấm vào đâu về mức độ tục.

Thơ của người đầu hãn hữu văng những câu chửi rủa, các ý tục rất đắt như thể thi sĩ chuẩn bị để chửi từ trước (ví dụ vừa nêu), trong khi thơ của người sau lại như tiếp âm từ những bà bán cá tới các ông đồ hiện đại thất thế. Nhưng, hai tay thơ ấy có cách thô tục giống nhau mà mãi người viết mới nhận ra. Trước, xập xí xập ngầu tưởng kiểu Mở miệng. Không, nhị vị kể trên phải dùng ngôn ngữ không sạch sẽ lúc họ ở đỉnh cực đoan nhất của thơ hiện đại. Thời khắc mà lý tưởng thi ca chân-thiện-mỹ phải tử thủ, thì thi sĩ trở thành chiến sĩ với vũ khí tiếng Đan Mạch. Như thủ pháp phá để xây. Nguyễn Đình Chính tạo sốc một cách thẳng tưng, vì nhà thơ đã rửa vườn hoa thơ bằng những gánh phân bắc! (Mong cả nhà thứ lỗi!) Anh tin khát vọng tự do, lòng hướng thượng – dù thô bẩn về hình thức – sẽ sớm hóa thành những cơn mưa rào đầu mùa trả lại cho mặt đất vẻ đẹp tự nhiên và rực rỡ: những đóa hoa thơ.

Cũng có thể nói vậy với thơ Nguyễn Quốc Chánh. Hàng hàng lớp lớp chữ nghĩa thô bạo, tục tĩu với thái độ hằn học đều có địa chỉ của hệ giá trị: xác lập quan hệ thẩm mỹ khác của nhà thơ trước hiện thực xã hội. Chứ không là cái bất cần ở những Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh., Mở miệng, Đặng Thân… Cả “đám” giống nhau ở cung cách huỵch toẹt, dù hiện đại hay hậu hiện đại. Loạt tiểu luận chất lượng cao của Nhã Thuyên[40], mà sau trở thành một luận án nổi danh trong lịch sử giáo dục và học thuật Việt Nam, đã nói rõ tính văn hóa chính trị trong văn hóa của dòng thơ đó. Các nét nghệ thuật thi pháp cũng được nhà nghiên cứu để tâm, dù điều nói trên chưa lộ ra khi xem xét các tác giả Nguyễn Quốc Chánh, Mở miệng, Lê Thị Thấm Vân… Riêng về thơ Nguyễn Quốc Chánh, chúng tôi nhớ tới nhận định, khoảng 20 năm trước (từ Nguyễn Thanh Sơn?), về cái chậm lụt của một phong cách so với thơ thế giới, và là cái chậm lụt trên một nền thơ ít chuyển động – thơ Việt hiện đại. Quả thế. Nhưng các khuynh hướng thơ theo chủ nghĩa hiện đại từng nở rộ ở châu Âu, có lẽ vì không “biết chửi”, đã phải di cư sang Mỹ, nơi nhiều tự do hơn khiến thơ hiện đại “chửi như hát hay” ở cao trào hậu hiện đại?

Đến tập Thơ buổi sáng, xác suất gặp bài “hiện đại” và “bình thường” cao hơn rất nhiều bài dáng dấp “hậu hiện đại”.

Tạm ngưng mục “khó” này ở các nhận định của Thường Quán có thể tương đối phủ lên toàn thi tập: “(…) thơ Nguyễn Đức Tùng có lẽ đứng tách ra khỏi những người làm thơ cùng thời (…) đi, về phía một cộng đồng thơ, một dự phóng chung, một chân trời cho ta tin tưởng, một tin tưởng nhất định là thơ ca có diệu dụng của nó, thơ ca là cần thiết (…) Nguyễn Đức Tùng chọn lựa thơ như một thử nghiệm, và như một trị liệu pháp. (…) Anh có thể chưa pha chế trào lộng như ý muốn, anh có thể còn ao ước thơ mình có thêm chất humour.[41]

7. Tương lai của các loại hình nghệ thuật như thơ Nguyễn Đức Tùng

Nó phụ thuộc vào làn sóng hậu hiện đại khi nào tạm lắng xuống.

Toàn cầu hóa trong kinh tế đã kéo theo trong nghệ thuật, văn hóa, xã hội, chính trị; và là tác động chính khiến trào lưu hậu hiện đại bùng phát từ hơn 40 năm nay đến mức nhiều người nhầm tưởng đó là một phong cách ổn định, nhất quán, và sẽ đe dọa, nối tiếp các khuynh hướng chính tắc từng có trong lịch sử văn học nghệ thuật nhân loại. Tâm thức chung ở Việt Nam như một tâm thức đã từng của hậu hiện đại trên thế giới, theo chúng tôi hiểu, có lẽ chỉ còn tác động trong khoảng 10-15 năm nữa chăng? Khi toàn cầu hóa đạt tới các cực đại huy hoàng cũng như tệ hại, “làng thế giới” sẽ tạm thời giải tán. Nước nào lại về nước ấy, nhưng với các liên hệ được nâng cấp[42].

Các quan niệm căn bản, khoa học và nhân bản của những hình thái chủ nghĩa hiện đại (trong đó có chủ nghĩa nhân văn) rồi sẽ trở lại áp đảo như đã từng. Các khuynh hướng cực đoan của chủ nghĩa hiện đại sẽ có cơ hội nhận chân giá trị. Vàng thau sẽ có đủ diễn đàn phân định. Hàng chục phong cách hiện đại cũng không thể làm loạn xị ngầu văn hóa và văn học bằng vài ba cung cách hậu hiện đại. Trong gia đình hậu hiện đại, chỉ 2-3 đứa tuổi teen cũng náo hoạt hơn cả một tam đại đồng đường. Thi đàn rồi sẽ trở nên trật tự hơn hiện nay. Ít nhất trong nửa đầu thế kỷ 21 nhiều hình thái của chủ nghĩa hiện đại (một ví dụ khá rõ là trào lưu chủ nghĩa cổ điển tự nhiên – Frederick Turner, 1995) có thăng hoa theo nhiều dạng thức, nhất là trong thi ca, như đã từng trong lần đầu hiện diện ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20?

Thơ Nguyễn Đức Tùng, và các loại hình nghệ thuật tương tự, hãy “gắng sống đến bình minh”!

8. Những lời tạm kết

* Đây là bài phê bình theo kiểu tùy luận[43] được bổ sung, san định và cập nhật từ một bản thảo nhân dịp báo Nghệ thuật mới (Hà Nội, 11/2012) chọn thơ Nguyễn Đức Tùng làm chủ điểm chính. Ở tập Thơ buổi sáng già nửa số bài thuộc về sáng tác trong giai đoạn hiện tại của tác giả mà hầu hết ra ngoài “thi pháp” thơ văn-kể và chúng tôi chưa có cơ hội tìm hiểu kỹ[44]. Bởi thế xin tạm đặt những bài thơ đó xa phạm vi của nghiên cứu. Như lời khất của người bình thơ, và mong kéo theo lời hẹn của nhà thơ…

* Trong một tâm thức hiện đại (cùng vài thể hiện hậu hiện đại) riêng biệt và khéo léo nương theo thơ đương đại Hoa Kỳ-Canada để chuyên chở tâm tư cá nhân chủ yếu về con người và xã hội Việt Nam, kiểu thơ thể nghiệm này đi tìm khuynh hướng trên cách tân sau cải cách, tham vọng chuyển hóa thơ Việt khi hình thành một cách viết kỳ khôi ở thể thơ[45] văn-kể.

Bằng phong cách dung hòa ba yếu tố (tính thời cuộc/luận đề; sự phân tâm; và giọng hài hước) thơ văn-kể kiểu Nguyễn Đức Tùng gần tới giới hạn cuối của thơ tự do không âm vần, không nhịp điệu qua từ ngữ.

Đây cũng là kết quả từ sự song hành hai dòng văn hóa Đông-Tây, cạnh tranh giữa hai nhân sinh quan và bất ổn trong hai hình thức văn-thơ.

Hạn chế của lối thơ này là khó cảm thụ thi ca bởi chất văn dễ lấn tính thơ; thi pháp pha tạp khó nhuyễn; dễ lấn sang ngụ ngôn; gò bó về cấu tứ; cú pháp khô cứng; khó hợp với thơ tình đôi lứa… Thử nghiệm như thế giống các thử nghiệm hậu hiện đại: mang sự tự hủy cao trong từng sáng tác độc lập.

Chúng tôi cho rằng, tác giả tỏ ra đã làm xong phần sáng tạo của một người viết. Việc còn lại thuộc về dư luận tiếp nhận cùng khả năng tạo thành một “trường phái” thi ca có lý luận ổn thỏa; và quan trọng là gây ảnh hưởng tới các nhà thơ khác, ít nhất về cách viết.

* Đấy còn là một nhân vật rất quan trọng trong Dòng thơ cần giải thích giá trị một hướng tiếp cận mà bản thân người viết vẫn đang theo đuổi trên một lối nẻo riêng để tìm hiểu thơ Việt hiện đại và đương đại.

* Như vậy, với một tuyển chọn sau bốn thập niên dung dăng – khi thanh thới lúc dằn vặt – cùng Nàng thơ, vắt qua hai thế kỷ, nằm gọn trong cuộc đời ly hương thăng trầm, Nguyễn Đức Tùng cần được ghi nhận như một người làm thơ độc đáo đáng kể giữa thế hệ của mình trong tiến trình hoàn thiện của thi ca Việt Nam đương đại từ sau 1954, như một người thơ[46] ở ngoài hình chữ S luôn dự phần làm mới lạ, làm tốt lành văn chương tiếng Việt đầu thế kỷ 21.

Thi sĩ của chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn.

Thi tập Thơ buổi sáng đang “xuất hiện” trên tay trong mắt bạn đọc: “Hoặc là… hoặc là….”

Vancouver (Hoàn thành: 7/11/2012; tu chỉnh, cập nhật: 2013, 2016, 2019 & 2022 – Bản đầy đủ 18/10/2022)

Đỗ Quyên

———–

CHÚ THÍCH & TRÍCH DẪN

PHỤ LỤC

Phụ lục 1

Nhà nghiên cứu – phê bình Lê Hồ Quang (hồi tháng 5/2019, có dịp đọc bản thảo và nhận xét):

“Đây là một bài viết kỹ, công phu, thể hiện một tư duy và “bộ công cụ” đánh giá, phê bình thơ nhất quán.

Cách định danh thơ Nguyễn Đức Tùng của Đỗ Quyên rất độc đáo. Thoạt nhìn, một số thuật ngữ ông dùng có hơi lạ, hơi cá nhân hóa, ví dụ “thơ văn-kể”, tuy nhiên, đọc sâu vào bài, sẽ thấy ông rất có ý thức thuyết minh khái niệm và thuyết minh, luận giải một cách khá kĩ càng. Vì đặt thơ Nguyễn Đức Tùng trong bối cảnh sáng tác, tiếp nhận rộng, nên bài viết vừa chỉ ra được đặc điểm thơ, sự kế thừa và đóng góp, ưu-nhược một cách công bằng. (Dĩ nhiên khen nhiều hơn, vì người viết còn là một tác giả “cùng hội cùng thuyền” trong dòng-thơ-cần-giải- thích-giá-trị.)

Bài viết cũng bao quát nét chính trong bối cảnh văn hóa, sáng tạo của thơ Việt đương đại, ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt ở ngoài nước. Cách bám sát lịch sử vấn đề thi pháp và dùng thi pháp làm trục tọa độ để phân tích, xác định, đánh giá các hiện tượng thơ đương đại (bao gồm Nguyễn Đức Tùng, hiện tượng chính và những hiện tượng trong trục liên hệ, đối chiếu: ĐQ, MVP, NQT, T…) xác đáng, thấy rõ tính hiệu quả. Có nhiều thông tin phong phú, thú vị về mặt tư liệu, khảo cứu.

Tuy nhiên, vì tác giả đặt ra nhiều đích, mà đích nào cũng lớn, cũng đầy tham vọng (thể hiện ngay trong cách đặt vấn đề, trong hệ thống đề mục, có vẻ ông đang chuẩn bị cho một chiến lược viết tầm xa?); nên nhiều ý tưởng vẫn còn dang dở, theo kiểu nêu vấn đề, chứ chưa đẩy đến cùng sự phân tích, lý giải cần thiết.

Có khá nhiều yếu tố, chi tiết kể, tả, trữ tình ngoại đề mang tính cá nhân cùng giọng điệu tươi tắn, hài hước, nên bài không bị khô cứng. (Thú vị nhất là phần kể về cách góp ý của Đỗ Quyên, Mai Văn Phấn về thơ Nguyễn Đức Tùng. Chi tiết “bản thảo của Tùng thường bị nhẹ nhàng thay bằng một phiên bản khác!” khiến tôi cười mãi!). Đỗ Quyên thực sự rất am hiểu về đối tượng phê bình – thơ Nguyễn Đức Tùng. Và rộng hơn – Thơ nói chung.

Tóm lại, đây là một bài viết hay về thơ Nguyễn Đức Tùng, cũng là một bài viết đặt ra nhiều vấn đề đáng nghĩ, cần nghĩ tiếp về thơ hôm nay.”

Phụ lục 2

Trích lược và diễn giải bài của học giả Trần Văn Tích[47]

– Toàn văn bài thơ của Nguyễn Đức Tùng:

“Trên vỉa hè Sài gòn

(tặng Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Đặng Mừng)

Ba lần ánh mắt gặp nhau
Từ bàn bên kia

Một lần ngẫu nhiên
Một lần dò hỏi
Một lần ngạc nhiên

Ba lần ánh mắt gặp nhau

Ba lần ngã đầu lên

Hòn đá trên đường.”

– Các câu, ý của tác giả Trần Văn Tích:

“Sẽ có nhiều người không chia sẻ các suy nghĩ của tôi về thơ bởi lẽ đây toàn là suy nghĩ cổ điển, cổ hủ, lạc hậu, hủ lậu. Nhưng tôi tin tưởng rằng sẽ có nhiều người hơn nữa chia sẻ những suy nghĩ cổ điển, cổ hủ, lạc hậu, hủ lậu đó.”;

“Để thử phẩm bình bài thơ, tôi sẽ dựa vào các khía cạnh kinh điển (lại kinh điển!, vẫn kinh điển!): thể thơ, lời thơ, chữ thơ, ý thơ, tứ thơ, luật thơ, nhạc thơ và hồn thơ. Dẫu rằng Trên vỉa hè Sài gòn là một bài thơ có lẽ thuộc thể loại hiện đại, hậu hiện đại, hậu hậu hiện đại hay gì gì khác.”.

Sau khi nói về các thể thơ Việt truyền thống, về ca dao, dân ca “nương dựa vào lối gieo vần chọn thanh”, “vần chân, vần lưng xen kẽ”, “âm điệu, đầy nhạc tính”, Trần Văn Tích xác quyết:

“Những tiêu chuẩn vừa kể không có trong bài Trên vỉa hè Sài gòn. Chẳng biết nó gieo vần gì mà nhau rồi kia, rồi nhiên rồi hỏi, rồi lại nhiên rồi lại nhau, rồi nhảy qua lên với đường. Nó chế nhạo âm vận.”

Đến khi phân tích ý nghĩa của ngôn ngữ và cảm xúc thi ca bằng lý luận và ví dụ thơ truyền thống Việt, thơ Đường và thơ Pháp, Trần Văn Tích khẳng định:

Trên vỉa hè Sài gòn độc dụng ngôn ngữ thuần Việt, kể cả hai chữ ngẫu nhiên. Nhưng lời bài thơ không có chút tính cách thi nghệ nào cả.”; “Tìm đỏ con mắt chẳng thấy thi phẩm có được một chữ nào đưa được ngôn ngữ thơ lên điện đài mỹ học.”

Về ý và tứ, bằng thơ Alfred de Vigny và Đỗ Phủ, tác giả bảo: “Trên vỉa hè Sài gòn mang vỏ ngôn ngữ bình thường nếu không là tầm thường và không chứa đựng chút nhân tâm lý sâu sắc nào khả dĩ làm bàng hoàng kinh ngạc người đọc. Ngoại trừ nội dung bí hiểm ngã đầu lên hòn đá.”

Về luật thơ thì, “Trên vỉa hè Sài gòn quả có tự sự + trữ tình, tả cảnh + ngụ ý, phát triển + kết cục, nhưng Nguyễn Đức Tùng có vẻ “xăng phú“ luật thơ dẫu rằng anh dường như cũng là một vers-libriste.” Nhạc điệu: “Đố ai tìm được một nốt nhạc nào trong Trên vỉa hè Sài gòn.” Cảm hứng: “Làm thơ chỉ làm khi nào cần làm thơ, phải làm thơ; để cho bài thơ có hồn. Tình huống tâm sinh lý này không xảy ra cho tác giả Trên vỉa hè Sài gòn. Cho nên bài thơ liên hệ vô hồn.”

Đây là tạm kết về hình thức: “Chung qui chỉ vì Trên vỉa hè Sài gòn là một poème sans poésie, một bài thơ không có chất thơ. Đó là chưa kể khi gọi nó là một bài thơ thì đã có sự lợi dụng quá đáng nội hàm ngữ nghĩa của hai chữ bài thơ.”

Sang phần nội dung, Trần Văn Tích “bàn về tính trí tuệ trong thơ”: “Trong số những phản hồi liên quan đến bài Trên vỉa hè Sài gòn, có độc giả cho rằng thơ Nguyễn Đức Tùng là thơ trí tuệ. Rất tiếc vị độc giả quá kiệm lời nên không chỉ giúp người khác chất trí tuệ nằm ở đâu, chất trí tuệ như thế nào. Bởi vì đọc một bài thơ trí tuệ rất mất công và tốn sức.” Ông dày công trích dẫn và phân tách tính trí tuệ qua thơ Hàn Mặc Tử, Đoàn Phú Tứ, Bùi Giáng, Saint John Perse, Valéry, Mallarmé, Nguyễn Công Trứ và ca dao, vè; mà không đả động đến bài thơ Trên vỉa hè Sài gòn.

Kết toàn bài: “Tác giả Trên vỉa hè Sài gòn vừa gặp may vừa không may. Anh gặp may vì chắc chắn anh có những người đồng hội đồng thuyền. Những người này sẵn sàng quây quần họp mặt với anh nhằm chia sẻ cung cách làm thơ riêng. Họ dụng công trí xảo sử dụng nghệ thuật thi ca nhiều khi ngoắt ngoéo. Thông thường họ thiên về tâm tình tâm lý khi sáng tác; đôi khi họ chú ý đến những vấn đề luân lý đạo đức. Thái độ của họ khiến liên tưởng đến những con người khiêu vũ trước một tấm kính. Họ tạo nên một tập thể những initiés, theo cách gọi của Mallarmé; có nghĩa là họ quần tụ thành một cộng đồng những cá nhân đã tự giác chấp nhận pháp lý, chủ động tiếp thu bí quyết. Họ nghĩ trước hết đến cái tôi của họ hoặc họ chỉ nghĩ đến cái tôi của họ mà thôi. (…) Không may cho họ, người đọc lại có thiên hướng bảo thủ, ít khi phóng khoáng khiến thành quả trí tuệ của họ dễ gây dị ứng nơi một số người.”

[Trần Văn Tích; Đ.Q. trích diễn]

Phụ lục 3

Về văn chương Việt Nam, nhân hai trường hợp khác nhau – thơ Nguyễn Đức Tùng và tiểu thuyết Thuận:

Thuận[48] là người có thể làm được (trong văn) nhiều điều mà Nguyễn Đức Tùng đang gặp khó (trong thơ) như đã phân tích.

Song lại ló cái khó khác: nữ tiểu thuyết gia vẻ như chưa thoát hết sự “bao cấp” về tâm thế hành nghề, chưa rũ hết “nỗi hờn” miền Bắc XHCN cũ. Âm hưởng dội ra sau nhiều trích đoạn của 4-5 tác phẩm, rõ nhất ở các năm 2010s, là nan đề giữa những người từng sống trong chế độ XHCN, cho dù nhân vật (có khi không là người Việt!) và đề tài đương đại. Ngờ rằng người gốc gác miền Nam hoặc ít dính líu đến chế độ đương thời và hiện hành, sẽ đọc Thuận gần như đọc truyện… nước ngoài, dẫu đề tài của tiểu thuyết Thuận phảng phất thời cuộc hay không. Nơi lòng kẻ này nể trọng tay bút đang chế ngự “cỗ máy cái của văn học” Việt Nam và có nhiều thuận lợi về tài lực, ý chí cá nhân và môi trường địa lý để tiến tới văn chương thế giới[49].

Phải nói Thuận là tiểu thuyết gia đầy bản lĩnh văn học và nắm được… toán xác suất. Nữ văn sĩ hiểu phong cách thể nghiệm của mình ở thời tác giả cào cào tác phẩm châu chấu chỉ có thể được khẳng định bằng chiến lược “lấy sách đè bạn đọc”, vài năm lại “đẻ” một tiểu thuyết. Cứ vậy trong thập niên nữa, hẳn đó sẽ là một tác giả sống cùng thời gian, ngay cả có thể chưa thành đạt trong thể nghiệm. Ai mà chẳng thán phục kỷ luật lao động nhà văn ở chị: khác với những tác giả viết theo phương cách ổn định thường cần cảm hứng, các thể nghiệm gia không được phép dùng cảm hứng làm nguồn. Với khoản sau cùng, Nguyễn Đức Tùng cũng chẳng kém cạnh!

Là người trong cuộc, người viết mạnh dạn thưa thốt, tác giả Việt ở ngoài nước ra đi từ miền Bắc – thường gọi là người Việt Đông Âu (ngay cả khi sinh sống ở các nước phương Tây, Bắc Mỹ) – cực hiếm ai vượt thoát nổi cái đai này. Ở Phạm Thị Hoài truyện (tuyệt đa số hoàn thành trong nước), tiểu luận văn học, tản bút thời cuộc – với nghệ thuật đỉnh của tài ba và biến báo – thường là các khối bộc phá từ tâm thức trí thức, văn nghệ sĩ XHCN cũ, với không ít bí kíp phải “dịch” cho người miền Nam để thủng văn bản. Thế Dũng, Lê Minh Hà, Nguyễn Hoài Phương, Phạm Hải Anh… mỗi đai nằng nặng mỗi kiểu mà nhân vật sau cùng vẻ như được giảm thiểu hơn. Có 2 trường hợp ra ngoài đai, Nguyễn Văn Thọ và gần đây là Trương Anh Tú. Nói một câu cho vuông: dù ở thể tài nào, chữ nghĩa chảy ra từ chúng tôi, cũng rò rỉ từ nền của (ấm) ức.

Lụt, lụt cả làng! Gần như “tập thể đội ngũ tác giả văn học cách mạng và hiện thực XHCN Việt Nam” nằm trong khuôn viên/vành đai chuyện-giữa-người-Việt, mà từ Đổi mới 1986 đến nay đã dần dà được co giãn trên các diễn đàn chính thống và chuyên nghiệp nhất đất nước: viết về chuyện-con-người mà con người ấy là dân Việt sống trên đất Việt – Đó là từ chặng giữa đến cuối trong văn Nguyễn Minh Châu (nhân cách con người nói chung), là giai đoạn sau của văn Nguyễn Khải (sự phản biện của nhân tính), là truyện ngắn, tiểu luận Nguyễn Huy Thiệp (thú tính trong nhân tính, cái ác trong cái thiện)… Mới nhất là bộ sách chân dung ký sự của Phan Thúy Hà[50].

Trong ý nghĩa ấy, với dòng văn chương ngoài lề mang thi pháp văn học chấn thương, của đáng tội Việt Nam đương đại đã có vài tác phẩm hiếm hoi mang tư duy nhân loại, hai trong số đó là Chuyện kể năm 2000 và – ngay cả “hồi ký chính trị” – Đêm giữa ban ngày. Mà đó cũng là hai thành phẩm từ ký ức. Với Bùi Ngọc Tấn, đến sáng tác lớn sau đó và cũng là cuối cùng của ông ở dạng tiểu thuyết, Biển và chim bói cá không còn ở tâm thế văn học mới, theo quán tính nó trở lại phong cách “chuyện làng tôi” – giữa những người Việt, những người “đất Phòng”…

Giới văn sĩ xứ Nam thời VNCH trước 1975 có nhiều cơ hội hơn với không ít tác giả thành tựu khi đã tự vượt thắng trở ngại tương tự đồng nghiệp ngoài đất Bắc. Nhưng không hiểu sao, đại đa số các văn sĩ hải ngoại ra đi từ miền Nam lại cũng ở tâm thế y chang các nhà văn miền Bắc trước thời Đổi mới. “Nụt, nụt cả nàng”; dù “nàng” đã “mu” sang làng khác! Dù cũng có ngoại lệ, như với văn thơ Đỗ Kh., truyện Trần Vũ… Tại sao 47 năm qua vẫn chưa hề có một tiểu-thuyết-Việt bằng tiếng Việt đáng kể theo đúng ý nghĩa thể loại của một tác giả hải ngoại nào đó? Môi trường tự do sáng tác đã là có thật chưa trong “làng Bolsa” giữa xứ Huê Kỳ cờ hoa bao la? Cảm hứng đau đớn và trải nghiệm hiện thực chan chứa: chiến tranh Việt Nam 1954-1975, tù đày, vượt biên, hội nhập… Chúng ta – đúng ra là chúng tôi – chỉ có truyện ngắn và truyện ngắn; thơ và thơ; hồi ký và hồi ký… Mà cũng trên nền của ký (tấm t)ức. Tháng Ba gãy súng với Cao Xuân Huy, dẫu là hồi ký, thật may đã làm một tự hào hy hữu về văn xuôi dài hơi hải ngoại Việt mang “tư duy tiểu thuyết”.

Đúng ra cũng chưa hẳn văn sĩ Việt Nam hiện đại yếu tư duy tiểu thuyết, thiếu trí tưởng tượng trong tiểu thuyết như giới phê bình từng lý giải. Cái khó ở đây, thiển ý chúng tôi, mục đích tiểu thuyết! Nhà văn Việt quen dùng tiểu thuyết về đề tài xa gần với chiến tranh như một phương tiện “nói chuyện phải trái” giữa những người Việt, giữa đối cực Bắc-Nam, Cộng sản-Quốc gia (cả khi đối cực ta-địch không còn tác động lớn); mà chưa chuyển hóa thành diễn đàn chung của con người, của nhân loại nơi mà người Việt chỉ nên sắm vai nhân vật văn học, chiến tranh chỉ nên làm hiện thực cho “diễn đàn” tiểu thuyết. Từ khi nhận thấy sự thất vọng về người Việt toát ra qua trả lời phỏng vấn của đạo diễn Trần Văn Thủy cho một tờ báo Việt kiều yêu nước ở Đức, hồi 1990, cá nhân tôi nuôi cái nỗi băn khoăn. Tới nay xin đặt vào nghi vấn: Văn sĩ Việt không thiếu tài văn, chỉ chưa đủ tâm văn[51]?

Phát biểu sau đây của dịch giả Thụy Anh đã minh họa cách xử lý vấn-đề-con-người từ một trong những thi sĩ tài hoa nhất qua việc nói về thời cuộc bất hạnh nhất của thế kỷ 20: “Giữa những lúc “hô khẩu hiệu”, nữ thi sĩ còn khắc họa những nỗi đau con người một cách giản dị mà thấm thía. Đằng sau cuốn sách, tôi [T.A.] có trích mấy câu của Olga: Nỗi đau của loài người giản đơn vô hạn/ đã trở thành niềm cay cực riêng tôi…”[52]

Về cả phương pháp sáng tác lẫn nhận thức, nếu đi từ “loài người” đến “riêng tôi” sẽ hiệu quả hơn là ngược lại. Và tránh ỷ thói cát cứ địa phương kiểu “Cứ viết cho hết Việt Nam sẽ gặp thế giới!” Có thể cách sau vẫn đúng, và là phải cách viết của kiệt tác. Nguyễn Du viết hết Truyện Kiều, gặp thế giới. Vũ Trọng Phụng viết hết Số đỏ, tới toàn cầu. Còn “hàng họ” của chúng ta – những cây viết văn thơ Việt hiện nay – không/chưa “kiệt tác” nhưng là từ tâm nguyện và tài năng nào đó để làm các tác phẩm bất-bình-thường. Nên chăng ta cứ dùng “thi pháp Olga” cho chắc ăn: cần hiểu biết Con người, cần tìm thấy thế giới trước khi nói bằng cái Tôi, trước khi rời khỏi bản thân mình, dân tộc mình. Nói đúng ra đó chính là luật sáng tạo chung; có điều các thiên tài đã thực hiện nó “giản đơn” một cách “vô hạn” mà thôi.

Các phản biện nghệ thuật ở văn Thuận rấm rức hiện thực từ miền Bắc bao cấp XHCN xa xưa vọng về. Những tác giả lớn của một dân tộc nên là kẻ – vô thức hay ý thức – biết đến các hệ lụy, ít nhất về nghệ thuật, từ toàn thể dân tộc. Trong thơ Việt hiện đại, có Bùi Giáng. Với sự thận trọng, người viết đoán (và thấy một phần qua các tự thuật, phỏng vấn) ngay cả các Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt những lúc tìm đọc thơ như là độc giả hình như không biết đến “một nửa kia” của độc-giả-Việt-Nam đang không đọc thơ giống mình, không biết đến “một nửa kia” của nhà-thơ-Việt-Nam đang không làm thơ giống mình, trong khi họ cũng là một nửa thân nửa hồn của chính Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt đang cùng thở khí trời Việt, cùng dòng máu Việt đổ xuống mỗi ngón tay thơ? (“Biết” ở đây không chỉ là thông tin, tri thức; mà là tâm thế.)

Khác với trường hợp Nguyễn Đức Tùng ở Canada, tôi lại cho rằng ở Thuận nếu ít liên đới với Việt Nam hơn, nữ văn sĩ sẽ trưởng thành như một tác giả thuần-Việt-Nam trên văn đàn Pháp và bốn phương thế kỷ 21. Độc giả thế giới là người hàng xóm, kẻ qua đường quá giang; ngay khi không nghiêng tai nghe đối thoại của “bố con nhà kia”, họ cũng biết trong đó đâu là chuyện nhà, đâu là chuyện làng, chuyện đời. Điều mà độc giả đại chúng cần, đấy là chuyện đời – cái đời xảy ra trên tâm trí và hình hài người Việt, ngay tại đất Việt càng hay. Chỉ lơ thơ giới chuyên nghiệp văn chương (hoặc khán thính giả bài ca Tôi yêu Việt Nam/ Bonjour Vietnam – Quỳnh Anh, Marc Lavoine!) mới thật tâm thích “chuyện làng” khi đọc văn học Việt. Thế nhưng – tệ hơn! – thơ văn Việt chúng ta thường chỉ ở tầm “chuyện nhà”. Các văn phẩm mang kích thước nhân loại, ít nhất, không thể là loại tự sự tình cảm chỉ để nói với nhau giữa các con dân trong một đất nước. Phụ họa Victor Hugo, “Chẳng có gì chán ngán bằng vô tình bị nghe cặp tình nhân thủ thỉ”; ta có thể nói, không có chi khổ sở như phải nghe anh chị em cãi cọ về gia tài của mẹ. Tiểu thuyết gia Việt, đa phần, không “Thủ thỉ gia” thì “Cãi cọ gia”! (Thi sĩ Việt cũng sêm sêm…)

Thơ Nguyễn Đức Tùng và văn Thuận có cái khuyết nơi này bù cho nơi kia: nơi thì lấy miền Bắc thay cả Việt Nam; nơi lại dùng hình thức văn chương Bắc Mỹ như thể của toàn cầu, với nội dung Việt Nam.

-HẾT-


 

[31] Thì vẫn, văn giới cho rằng Trung niên thi sĩ đã cảnh giới: “Đừng tưởng (…) Cứ âm là nhạc, cứ thơ là vần”!

[32] Đi hàng hai, hàng ba thi pháp là hình thức bắt buộc ban đầu và tạo ngay điểm yếu nhất cho các nhà thể nghiệm văn học nghệ thuật; từ sáng tạo, cách tân cho đến cải cách. Quý vị ấy hoặc chưa khả thủ một thi pháp sở trường, hoặc không thèm theo triết lý chính trị thủ đoạn “Nhất biên đảo” (Ngả hẳn về một bên) của Mao Trạch Đông. Khó!

[33] Nguyễn Hàn Chung; FB Văn học miền Nam 2/7/2022.

[34] Tk: Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức Hậu hiện đại Việt, tapchisonghuong.com.vn 30/7/2010. Một sơ kết của bài trên có ở bài Thi pháp Nguyễn Quang Thiều: Nhìn từ dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị.

[35] Xem tiếp mục 8 Những lời tạm kết & Chú thích 48.

[36] Lại một tiểu kiệt tác (thứ thiệt) từ một thiên tài (thứ thiệt) rơi vào mạch nghĩ của người viết lúc này: bài Mùa thu của Rainer Maria Rilke (Herbst; Hoàng Ngọc-Tuấn phóng dịch từ nguyên tác, tienve.org 3/11/2012).

Trong cấu tứ hoàn toàn kinh điển, tạm hiểu có mở, diễn, luận, kết, với 4 khổ thơ, 9 dòng, 88 chữ (bản dịch), bài thơ dùng những bút pháp kinh điển để diễn dịch mùa thu bằng hình ảnh, giọng điệu và cảm xúc êm dịu, lãng mạn, thậm chí sáo. Vấn đề là ở khổ luận, với một so sánh cũng rất dễ nhận ra nhưng ở tầm thiên tài, bài thơ hóa kiệt tác: Lá thu rơi làm trái đất rơi, trái đất rơi làm chúng ta rơi, chúng ta rơi làm “Bàn tay này đang rụng/ Và hãy nhìn bàn tay kia: hoà một nhịp rơi chung”. Bài thơ buộc ta phải khóc, ở câu kết “đôi bàn tay ôm trọn nỗi thu không”. Kinh điển sở dĩ bất tử là nhờ nó mang trên mình cái hiện đại theo kiểu như vậy. Chứ không phải cái hiện đại làm bài thơ thành kinh điển. Qua thơ, một triết lý có tính bắc cầu đã giải thích sự hài hòa thiên-địa-nhân trong nỗi đau nhân sinh không thể tránh. (Mở ngoặc tiết lộ: có một kẻ chẳng thể thành thiên tài Rilke, cũng chưa được bất-bình-thường Nguyễn Đức Tùng, dẫu không hề biết bàn-tay-lá R. M. Rilke, thế mà mấy mùa thu trước đã may mắn có nửa câu thơ, “Mùa thu đến và đi theo những bàn chân lá”. Đóng ngoặc). Máy móc với trò chơi thi pháp, chúng tôi vẫn không cho rằng tác giả Rilke viết trong tâm thức ta gọi là hiện đại. Trung thành với phương pháp trường phái, chúng tôi cũng chỉ có thể đặt dấu hỏi sau các tên gọi chết cứng: Lãng mạn? Tượng trưng? Siêu thực? Hiện sinh? Dịch giả Hoàng Ngọc-Tuấn đã có lời giới thiệu nhiều thông tin và cảm động về ba nhân vật có thật trong việc sách tác, dịch và giới thiệu bài thơ, với hai chú ý: về ý tưởng Mùa thu là “một bài thơ về những bàn tay” và được làm trong khoảng 1902-1906.

[37] Phạm Thị Hoài; Ba loại nhà văn, procontra.asia 14/10/2012.

[38] Tk: Peter Zinoman; Liệu Nguyễn Huy Thiệp có khớp với nhãn hậu hiện đại, Mai Anh Tuấn dịch từ nguyên bản Declassifying Nguyễn Huy Thiệp, East Asia Cultures Critique 2: 2 (Fall), vannghequandoi.com.vn 21/3/2016.

[39] Thực ra không hề có thi pháp hậu hiện đại. Của đâu mà sộp!

[40] Nhã Thuyên; Những tiếng nói ngầm, damau.org 18-26/10/2012.

[41] Thường Quán; Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại (50): Nguyễn Đức Tùng (Chú thích 1).

[42] Võ đoán của người viết mươi năm trước trong bản thảo như thành hiện thực!? “Sau một số chính sách “nước Mỹ trên hết” phản toàn cầu hóa của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, thì đại dịch Covid-19 và tiếp theo là cuộc chiến Nga – Ukraine đã và đang làm thay đổi bộ mặt của toàn cầu hóa.” (Lê Thiên Hương: Toàn cầu hóa đang dần thay đổi?, Kinh tế Sài Gòn Online 30/5/2022).

[43] Ngoài phiên bản đầy đủ gần 20 ngàn từ này, còn có bản cô đọng (đã in trong sách – cập nhật 7/3/2023) và hai bản rút gọn 10-15 ngàn từ.

[44] Thật lòng và khiêm tốn mà nói, không kể hướng thơ dài có tính trường ca, các sáng tác của nhà thơ trong 5-7 năm nay – chệch khỏi “tầm đón đợi” của chúng tôi (kẻ tự nhận và cũng được coi là “độc giả số 1” của tác giả).

[45] Diễn ngôn tương tự cũng dùng cho một số kiểu thơ mới-lạ trên nền thi ca Việt đương đại hơn 30 năm qua và chưa được giới nghiên cứu, phê bình quan tâm: “Thơ âm bồi” của Dương Tường (khuynh hướng cải cách, có luận thuyết và thực hành; Tk: Sông Hương tháng 6/1990, và Hoàng Hưng, sách Mea Culpa và những bài thơ khác, 2004), “Thơ đa đề” của Khải Minh (khuynh hướng cải cách, có lý thuyết bài bản và thực hành phong phú suốt 25 năm nay; Tk: FB Đa Đề, talawas.org 28/11/2009), “Thơ thực hiện” của Nguyễn Tôn Hiệt (có tuyên ngôn và thực hành; Tk: tienve.org 2005), “Thơ phụ âm” của Đặng Thân (Tk: Inrasara, tienve.org 2009), “Thơ Namkau” của Trần Quang Quý (Tk: Du Tử Lê, baovannghe.com.vn 27/10/2017), “Thơ 1-2-3” do Phan Hoàng đề xướng và được phát triển bởi đông đảo tác giả khác (Tk: Hồ Xuân Đà, vanchuongphuongnam.vn 9/9/2020)…

Theo đánh giá chủ quan, khi so sánh với thơ văn-kể kiểu Nguyễn Đức Tùng, những thể thơ thử nghiệm nêu trên do thi pháp hình thức/thể loại rất khai phá và kỳ khu, nên khó đạt hiệu quả nghệ thuật hơn.

[46] Chắc còn phải dành riêng một cuốn sách về những gì thi sĩ, biên luận gia, dịch giả, ký giả Nguyễn Đức Tùng đã gần gụi với thơ, trong đó có những ấn phẩm “độc nhất vô nhị” (Thơ đến từ đâu – 2010; Đối thoại văn chương (với Trần Nhuận Minh) – 2012; Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn 2007; Tuyển tập 40 năm thơ Việt hải ngoại – 2017). Thú vị, người viết vẫn tích tụ 25 năm nay Hồ sơ Nguyễn Đức Tùng từ nguồn chính là hàng ngàn email bình bàn giữa hai chúng tôi hoặc nhóm bạn thơ, về hàng trăm bài thơ của anh cùng các việc thơ lân cận.

[47] Trần Văn Tích; Tôi đọc Trên vỉa hè Sài gòn”, damau.org 11 & 19/2/2010.

[48] Tk: Nhà văn Thuận: Tôi bị sự khôi hài quyến rũ, tuoitre.vn 24/10/2012, và Thuận: “Chỉ có viết và viết thật nhiều, mới hy vọng làm được cái gì đó” – Một cuộc trò chuyện, zzzreview.com 30/6/2020. –

[49] Mới nhất, theo như viet-studies.net 8/7/2022 giới thiệu: “Tuần báo văn chương hàng đầu "Times Literary Supplements" điểm cuốn "Chinatown" của Thuận: Chinatown by Thuân book review(TLS 8-7-22).

[50] Tk: Nguyễn Lương Hải Khôi; Văn học chấn thương – Đọc “Gia đình” của Phan Thúy Hà, usvietnam.uoregon.edu 3 kỳ 6-21/1/2021.

[51] Lần đầu cách nói này được đưa ra tại: Đỗ Quyên; Chỉ là đợt thử mắt bên phải, damau.org 23/12/2006.

[52] Thụy Anh; Olga Berggoltz cho tôi bài học về sự chân thành, Văn Nghệ Trẻ, phongdiep.net 11/3/2012.

Comments are closed.