Những nhận xét về cuốn PHỐ HOÀI của Trần Thị Trường

Chân dung TTT. Hải Kiên vẽ

Attachment-1 (1)1/ Cảm nhận sớm Phố Hoài của cố Nhà giáo Phạm Toàn (Ông viết bài này cho Lời tựa cuốn sách trước khi ông mất 3 tháng)

Bản thảo cuốn tiểu thuyết mới nhất năm nay 2019 của Trần Thị Trường có tên là Phố Hoài. Một tên sách ngắn gọn súc tích như một tứ thơ. Như một nét vẽ. Hoặc một hương vị du ca…

Trong tiếng Việt, ta có những từ Hán Việt yếu tố “hoài” đứng trước – hoài cổ, hoài niệm, hoài vọng, hoài hương … Là từ Hán Việt, nhưng nghĩa của những từ này thường không khó hiểu, rất dễ cảm nhận ngay cả với người ít học. Vì người Việt mình đã quen với yếu tố hoài thuần Việt… thương hoài, ngóng hoài, trông hoài, đợi hoài, mong hoài, nhắn hoài, nhắc hoài, nhớ hoài, gọi hoàiContinue reading “Những nhận xét về cuốn PHỐ HOÀI của Trần Thị Trường”

“Le petit pot de l’Espace” và vài trải nghiệm riêng về hợp tác văn hóa Pháp-Việt

Phạm Toàn

Để mở đầu …

Chuyện hợp tác văn hóa Pháp-Việt là công việc chung, to tát, nhưng lại được tiến hành qua những cá nhân cụ thể, với tính nết để nhớ hay để quên, với nét mặt và dáng người trộn không lẫn, để có những kết quả sờ nắn được.

Continue reading ““Le petit pot de l’Espace” và vài trải nghiệm riêng về hợp tác văn hóa Pháp-Việt”

Làm cách gì cho hoa nở?

Phạm Toàn

Ngày 26 tháng 4 năm 2005, tôi hân hạnh được tham dự Hội thảo tại Đại học Sư phạm Hà Nội về đề tài “Văn học Việt Nam từ sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy”. Tôi đã gửi báo cáo trước, nhưng đến cuộc họp lại thấy không tiện súng sính trên diễn đàn, nên đã chọn cách nói vo. “Bài nói” của tôi được một giáo sư tóc bạc ngồi trên đoàn chủ tịch khen là… đúng giờ. Sau đây là “biên bản” của bài nói đó.

Continue reading “Làm cách gì cho hoa nở?”

Một saga do Hoàng Minh Tường kể

Phạm Toàn

Nhà giáo dục, nhà văn hóa Phạm Toàn vừa về cõi siêu thoát lúc 6g42 sáng nay (26/6/2019). Vẫn biết trước việc ông ra đi từ hôm chúng tôi đến thăm ông cách đây hơn một tháng (12/5), nhưng vẫn bị hụt hẫng, ngậm ngùi.
Chúng tôi được chơi với ông từ những ngày tôi làm báo “Người giáo viên nhăn răng” (theo cách nói khôi hài của ông). Khi đó ông đang cùng GS Hồ Ngọc Đại bắt đầu làm giáo dục thực nghiệm. Nhóm phóng viên chúng tôi (Lê Khắc Hoan, Nguyễn Ngọc Chụ, Đinh Khắc Vượng, Hoàng Minh Tường và thêm Kim Dung – tức Kỳ Duyên bây giờ) ở báo Nhân Dân từng quần nát hàng tháng trời khu thực nghiệm, để cho ra thiên phóng sự điều tra nhiều kỳ: “Chiếc xe bò lắp động cơ” nói về công việc mà ông và GS Đại thực nghiệm ngày ấy…
Và chúng tôi quí ông suốt mấy chục năm như người anh thâm thúy, nhân hậu và “chơi” tới cùng.
Năm 2008 tôi in tiểu thuyết “Thời của thánh thần”, ông lặng lẽ đọc và viết bài: “Một Saga do Hoàng Minh Tường kể”. Hóm hỉnh mà đào bới đến cốt lõi. Tôi bảo: Sách bị cấm phát hành rồi. Cũng chẳng ai dám đăng bài này của anh đâu. Cho em làm kỷ niệm. Và mười một năm qua, tôi vẫn cất kín cho riêng mình.
Nay, anh đang đi xa… Xin chép lại, như một hồi quang của anh, cho riêng tôi, và cho những người thương nhớ nhà giáo, nhà văn Châu Diên – Phạm Toàn.

Hoàng Minh Tường Continue reading “Một saga do Hoàng Minh Tường kể”

Ngẫu hứng âm nhạc

Phạm Toàn

Chắc chắn ý tưởng bài viết này nảy sinh lúc mười giờ sáng hôm qua (ngày 23/5/2019) khi Phạm Xuân Nguyên đọc cho chúng tôi nghe diễn từ nhậm chức thật đẹp của vị Tổng thống mới nước Ukraina.

Tôi nhớ mình mấy lần kéo cánh tay áo cộc lau mắt. Mấy lần? Chắc không phải hai lần. Nhưng chắc không phải trên ba lần. Vì ba lần là vừa đủ. Continue reading “Ngẫu hứng âm nhạc”

Công nghệ giáo dục và việc áp dụng nguyên lý dạy học “đi từ trừu tượng đến cụ thể”

Phạm Toàn

Một trong những nguyên lý dạy học theo “Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại gây tranh cãi nhiều nhất là nguyên lý “đi từ trừu tượng đến cụ thể”. Là một người theo dõi nhiều năm quá trình phát triển phải nói là thành công của những trường “Thực nghiệm” ở Hà Nội và TPHCM (1978-1998), và mới đây là thành công của một trường tư thục vào loại lớn nhất Hà Nội trong hai năm 2015-2017 theo chương trình “Cánh Buồm” của nhà giáo Phạm Toàn, bản thân tôi cũng băn khoăn về nguyên lý này. Nhà giáo Phạm Toàn đã cố gắng giải đáp băn khoăn của tôi trong bài viết trả lời tôi sau đây, mà tôi xin chia sẻ với các bạn đọc Văn Việt, Bauxite Vietnam, Diễn Đàn, Tiếng Dân, để tham khảo. – Hoàng Hưng[i] Continue reading “Công nghệ giáo dục và việc áp dụng nguyên lý dạy học “đi từ trừu tượng đến cụ thể””

Số phận của một cung đàn

Vài lời giới thiệu “Hồi ký Lộc Vàng”

Cung đàn số phận

Kim Dung/Kỳ Duyên chấp bút

Phạm Toàn

1 –

cung-dan-so-phanMột bữa cách đây lâu lâu, tôi nhận được cú điện thoại của Nguyễn Văn Lộc tức Lộc Vàng. Giọng Lộc bao giờ cũng khẽ khàng, anh ơi Kim Dung cô ấy muốn viết hồi ký đời em đấy, anh có ý kiến gì không?

Câu trả lời của tôi ngay lập tức là: đó đúng là người để em đặt niềm tin vào một cuốn sách đẹp sẽ đóng góp giá trị tinh thần cho cuộc đời này.

Và tôi đã không nhầm khi giữa mùa đông năm nay vào ngày chủ nhật 20 tháng Giêng Tây năm 2018 tôi được nữ tác giả Kim Dung/Kỳ Duyên mời tới nhà để tặng một cuốn, với dòng chữ: Kính biếu anh Phạm Toàn iu quý!

Tôi mở ra, “đọc chéo” cả cuốn sách, rồi dừng lại đọc nhanh Lời giới thiệu, sau đó lật lại đọc tên từng chương sách. Và tôi bảo Kim Dung, sách hay đấy, em Kính Biếu là đúng, lẽ ra bỏ chữ Kính đi nữa càng hay! Continue reading “Số phận của một cung đàn”

Đôi ba lời vội vàng nhưng thận trọng về sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục

Nhà giáo Phạm Toàn

(GDVN) – Đầu đề bài viết này là vội vàng. Xin nói luôn, bài viết này đáp ứng nhanh, nó có vẻ vội vã, nhưng hoàn toàn không hồ đồ.

Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc “lách luật”?Bộ Giáo dục thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ vì thầy Hồ Ngọc Đại hay học sinh?Kết quả thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại

LTS: Tòa soạn nhận được bài viết của nhà giáo Phạm Toàn, một người thầy lớn tuổi, được nhiều người kính trọng vì dành cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục.

Bài viết này, ông nêu quan điểm riêng, phản biện một bài báo đã được đăng tải.

Tôn trọng tranh luận khoa học, đa chiều, Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này cùng độc giả.

Giữa đường thấy việc bất đằng …

Tôi bận không muốn viết gì hết cho tới hạn 16 tháng 12 năm nay, giới thiệu nốt ba bộ sách Tiểu học Cánh Buồm đã chỉnh sửa: Khoa học, Lối sống, Tiếng Anh.

Nhưng phải vội vàng nói ngay, vì thấy không yên tâm với bài báo “Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc “lách luật”?” [1]

Cần có bài viết này để giữ lấy sự cân bằng, đỡ vất vả cho những vấn đề khoa học vốn đã chênh vênh, lại càng dễ đổ vỡ hơn trong một xã hội như ở nước ta.

Đầu đề bài viết này là vội vàng. Xin nói luôn, bài viết này đáp ứng nhanh, nó có vẻ vội vã, nhưng hoàn toàn không hồ đồ.

Lý do chỉ có một: người viết bài này tin chắc mình hiểu đúng hoặc hiểu không sai Công nghệ giáo dục.

Vì sao?

Một là, như đã viết một vài lần đâu đó, này xin nhắc lại, Giáo sư Hồ Ngọc Đại là người đã thổi tinh thần phương pháp luận vào tâm hồn nồng nhiệt của kẻ ít học này.

Vì thế mà kẻ học trò này đã làm việc với giáo sư từ năm 1979 đến năm 2009, làm từ khi là Trường thực nghiệm, đến khi đổi thành Cơ sở thực nghiệm Giáo dục phổ thông, cho đến khi nâng cấp thành Trung tâm Công nghệ giáo dục – làm mọi việc to nhỏ không một lần nề hà, có Giời đất và những bè bạn trung thực chứng giám! [2]

Thứ nữa là, cùng với anh Lưu Nguyên giáo viên Toán Đại học Sư phạm Hà Nội chuyển về nghiên cứu Toán lớp 1 và Tiểu học, hai anh em từ năm 1984 đến cuối những năm 1990, từng đi phổ cập sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 ở hầu khắp 43 tỉnh và thành phố trong cả nước.

Việc lăn lộn này khiến tay nghề mình nâng cao chứ không chỉ là “phục vụ” bằng những điều lý thuyết nhặt nhạnh. 

Lách luật

Không rõ các nhà nghiên cứu Pháp lý thuần túy và Pháp lý chính trị và xã hội có những tổng kết gì về nền Pháp trị của đất nước Việt Nam chúng ta, nhưng dưới con mắt trong sáng và sự trải nghiệm tỉnh táo cùng sự cảm nhận tinh tế của một cá nhân, tôi có mấy tổng kết riêng như sau.

Nước ta tự khi tái lập quốc năm 1945 tới nay đã trải qua một giai đoạn dài Đức Trị.

Đất nước được duy trì “êm ả” trong một niềm tin sắt son. Đặc biệt là niềm tin vào Cụ Hồ.

Cụ Hồ bảo làm gì, thì cái đó là đúng. Tuyệt đối đúng.

Thực ra, Cụ Hồ đã có những Lời kêu gọi vừa giản dị, dễ hiểu, vừa thiết thực, khiến ai ai cũng thấy làm theo Cụ Hồ là kháng chiến và kiến quốc chắc chắn thành công.

Hũ gạo nuôi quân, Tiêu thổ kháng chiến, Quân với Dân như cá với nước, Công an là bạn dân, Mùa xuân là Tết trồng cây, Trẻ em như búp trên cành … đó chỉ là vài chân lý.

Nước Việt Nam sống khép kín đã quá lâu, Đức trị tồn tại song song với cuộc sống khép kín và đã có tác dụng điều chỉnh xã hội, đó là điều không khó hiểu.

Mỗi công dân hầu như luôn luôn biết tự giải đáp mọi thắc mắc.

Tiếp theo giai đoạn Đức trị là giai đoạn Pháp trị với rất nhiều non nớt yếu kém, chưa kể đã có sự mó tay vào nền Pháp lý của những nhóm lợi ích – điều ngày nay được nói thẳng hoặc nói uốn éo trên nhiều loại diễn đàn.

Dẫn đến việc người có tài muốn giúp nước nhiều khi phải lách luật.

Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, Bí thư thành ủy Đoàn Duy Thành là những người lách luật giỏi nên đều đã được tuyên dương.

Còn vô vàn người nhất là ở cấp cơ sở cũng đã lách luật nhưng chỉ âm thầm mỉm cười.

Và đã có ai thống kê được những máu và nước mắt của những người không biết tìm đường lách luật?

Và có ai đong đếm được nỗi buồn, thậm chí là nỗi nhục, nỗi đau của những cuộc lách luật bất thành?

Cho nên nếu như Giáo sư Hồ Ngọc Đại tìm được cách lách luật để thực thi Công nghệ giáo dục qua cuốn sách Tiếng Việt 1, thì cũng là điều không có gì khó hiểu.

Lách được luật (đặc biệt lách vô số luật không hoàn thiện như chúng ta từng chứng kiến) là điều thông minh, đáng khen chứ không đáng trách!

Chỉ khi nào lách luật để làm lợi cho riêng mình thì mới đáng trách.

clip_image003

Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đang gây ra nhiều tranh luận trong dư luận xã hội. (Ảnh cắt từ clip trên vtv.vn)

Như chương trình VNEN chẳng hạn: người nào nhập cái “nhà trường mới” đó về, xin đừng bỏ cuộc.

Hãy tiếp tục điều chỉnh cho nó mới hơn, hợp với thung thổ Việt Nam hơn, làm thế thì lách luật cũng đáng tuyên dương.

Nếu bỏ cuộc, chắc chắn là việc lách cái luật chưa được sửa, quy định chỉ có một chương trình một bộ sách sẽ bị nhìn nhận là động cơ không trong sáng.

Đơn giản vậy thôi.

Nói thêm một câu để kết thúc mục nhỏ này: tôi tin, có ông xuất thân bình thường, nhưng sau vài chục năm có vài ba bốn tỷ đô-la Huê Kỳ, nếu không lách luật xin cứ xử nghiêm người viết bài này!

Vì vậy chỗ nào lách luật để tư túi thì đã có nơi xử lý, còn với bản thân công trình đó, thì xã hội cần xem xét nó bên ngoài phương diện lách luật.

Tức là cần xem xét sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục có giá trị tự thân tới đâu.

Tính khoa học của Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục

Bây giờ, bàn đến sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, việc làm lành mạnh là xem xét bộ sách đó dưới góc độ khoa học và xem xét tác dụng thực của nó trong các em học sinh.

Tức là phải trả lời mấy câu hỏi:

(1) Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đúng ở chỗ nào, thậm chí hơn hẳn sách CT-2000 ở chỗ nào?

(2) Đối với giáo viên, việc dùng sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục có dễ dàng không?

(3) Học sinh lớp 1 học sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục có những phẩm chất gì mà các cách học khác không có, thậm chí không thể có?

Tại sao bài viết này lại nêu vấn đề sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đúng ở chỗ nào chứ không nói nước đôi sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đúng hay sai ở chỗ nào?

Thậm chí không nói chung chung nước đôi như Hội đồng thẩm định mới long trọng hạ bút ký:

Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục thể hiện rõ nhiệt huyết và công phu của nhóm tác giả trong việc biên soạn và thể nghiệm một hướng dạy học tiếng Việt cho học sinh lớp 1.

Tài liệu được tạo ra một số nét khác biệt đáng ghi nhận trong phương pháp dạy học tiếng Việt.” [3]

Lẽ ra Hội đồng thẩm định, thay vì nói “một số khác biệt đáng ghi nhận”, nên nhận xét như sau thì sẽ đúng với bản chất sự việc hơn:

Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục hoàn toàn khác về nguyên lý so với tất cả các sách Tiếng Việt lớp 1 đã có từ xưa tới nay.

Các sách đã có dạy cho học sinh biết đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ bằng mọi giá, còn sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục tổ chức cho trẻ em thực hành ngữ âm học để các em tự tìm ra cách ghi tiếng Việt và do đó mà tự đọc được tiếng Việt.

Nhiều người hiểu nhầm Công nghệ giáo dục và dùng nhận thức chưa đầy đủ của minh để kết án sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục về nhiều chi tiết.

Thế nhưng, kết quả học sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục rất rõ.

Năm 2004 trước khi bị buộc ngừng sử dụng, sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã lan tỏa ở hơn 60 phần trăm số lớp 1 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Con số 600 nghìn học sinh lớp 1 hiện thời dùng sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cũng cho thấy đó không là kết quả của riêng một chiêu trò lách luật! 

Xin hé lộ thêm một điều này: năm 1985, chúng tôi phải huấn luyện dùng sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cho những giáo viên 7+3 (lớp 7 học ba tháng sư phạm), ở những trường không chỉ nằm ở Quận 1, mà cả ở Bình Chánh, Hóc Môn…

Học sinh học sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục có phẩm chất khác hẳn khi được tiếp nối lên lớp trên cũng theo hệ thống đó.

Các em thích tự học, có đầu óc phản biện.

Vậy thì cũng giống như chuyện lách Nghị quyết để khoán chui ở hợp tác xã thở nào, hình như việc lách luật để đưa sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vào cuộc sống cũng có tác dụng rõ rệt? 

Tính cách cá nhân

Chúng ta không nên đánh đồng một công trình khoa học với tính nết tác giả.

Nhà sinh lý học Ivan Pavlov khi còn sống thường thích công khai phô trương cả nhà đi lễ nhà thờ mỗi sáng chủ nhật. Chơi ngông thế đấy xem Cách mạng có làm gì nổi?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng từng có những điều bị chê là ngông.

Thực ra, chỉ vì nhiều điều nói thẳng nói thật của ông đã khiến những người ghét ông coi ngay cả những việc làm bình thường của ông cũng thành “ngông” nốt.

Việc bị chê ngông nhất là mở trường thực nghiệm. Xưa nay cả nước ta có ai mở trường thực nghiệm đâu!

Có ai biết trường Jean-Jacques Rousseau của Piaget đâu! Có ai biết trường số 91 ở Moskva đâu!

Những người lao vào trăm phần trăm nhà trường bắt trăm phần trăm trẻ em học chương trình mới và sách mới theo lối cuốn chiếu đâu cần đến thực nghiệm! 

Với tư cách một người đã biết giáo sư Hồ Ngọc Đại từ năm 1978 cho tới nay, tôi thấy mấy năm nay Hồ Ngọc Đại vô cùng nền nã.

Nhà khoa học nào thì cũng biết rõ chân giá trị của chính mình hơn ai hết.

Nên càng nhiều tuổi càng thấy một sự nghiệp lớn với triết lý và kỹ thuật thực thi chuẩn không cần chỉnh thì cũng không làm xong nổi chỉ trong một kiếp người. 

Hiểu điều đó thì đỡ bị chế “đồng chí rất tốt nhưng còn có khuyết điểm là có cá tính”.

Năm 1950 vào thời Đức trị còn mạnh, bản thân tôi từng được nhận xét “đồng chí rất tốt rất tích cự nhưng còn có khuyết điểm là còn thanh niên tính”.

Kết luận

Nhờ các bạn rút ra hộ. Mình vẫn còn thanh niên tính lắm!

Xin cám ơn.

Chú thích

(1)  Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc “lách luật”?

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tham-dinh-Tieng-Viet-1-Cong-nghe-giao-duc-chi-de-hop-phap-hoa-viec-lach-luat-post181220.gd

(2)  Ba mươi năm theo Công nghệ giáo dục, mình là tổ viên tổ Tiếng Việt và Văn, còn có lúc hoạt động trong tổ Toán-Tin trong 7 năm làm được cả bài tập Tiếng Việt trên máy tính cá nhân, và cố vấn kỹ thuật cho các vị thi bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ về tư liệu … còn là cố vấn của nhiều nhóm nghiên cứu trong đó có nhóm Đạo đức.

Mình cũng để lại kha khá sách viết và dịch, như Dạy Tiếng Việt lớp 1 (2 quyển, cho các nhà nghiên cứu, cho phụ huynh học sinh), Cơ cấu trí khôn (sách dịch, 1987, 1988), Nghề dạy văn (1991), Công nghệ dạy văn (2000), Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục (2004)…

Mình đặc biệt có tài dạy mẫu các môn học ở bậc Tiểu học, thật đấy!

(3) Bộ Giáo dục thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ vì thầy Hồ Ngọc Đại hay học sinh?

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-Giao-duc-tham-dinh-Tieng-Viet-1-Cong-nghe-vi-thay-Ho-Ngoc-Dai-hay-hoc-sinh-post181089.gd

Nhà giáo Phạm Toàn

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Doi-ba-loi-voi-vang-nhung-than-trong-ve-sach-Tieng-Viet-1-Cong-nghe-Giao-duc-post181255.gd

Mục đích của chúng tôi là thấy được một tâm hồn Việt ở từng tế bào xã hội

NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN

(GDVN) – Các nhà giáo dục chúng ta hãy nghĩ đến mục tiêu bất biến này: làm sao tạo dựng được một tâm hồn Việt Nam cho đến tận mỗi tế bào của xã hội.

LTS: Hiện nay đang có cuộc “tháo chạy” khỏi chương trình VNEN ở nhiều địa phương (cũng tương đương với cuộc tháo chạy khỏi việc “nhập” chương trình Giáo dục phổ thông cho vùng núi xa xôi nước Columbia để làm “nhà trường mới Việt Nam”).

Chính điều đó đã thúc giục nhà giáo Phạm Toàn viết bài báo này với hi vọng đưa đến các nhà chuyên môn, nhà quản lý những gợi ý để tháo gỡ khỏi tư duy “nhập ngoại” như vậy.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà giáo Phạm Toàn.

Khi các bạn ở nhóm Cánh Buồm – cả những bạn non tuổi và những bạn già lão – đặt cho tôi câu hỏi:

Suy cho đến kiệt cùng, mục đích và mục tiêu hành động của nhóm Giáo dục này là gì?”.

Tôi đã trả lời rất nhanh một điều mình đã ngẫm nghĩ không biết đã bao lâu rồi:”Mục đích và mục tiêu của chúng ta là được thấy một tâm hồn Việt Nam ở từng tế bào xã hội“. 

Một người bạn cùng họ, anh Phạm Ch. có lần cũng nói với tôi:“Đọc bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm anh, tôi có cảm giác anh đang lo sợ ta bị mất nước. Có đúng vậy không?

Tôi đã không ngần ngại trả lời ngay: “Ông đoán đúng!?”. Và tôi diễn giải thêm “Không đưa được một tâm hồn Việt Nam vào từng tế bào xã hội thì cải cách giáo dục bao nhiêu cũng uổng công”.

Thực vậy, Việt Nam ta đã nhập chương trình Giáo dục nước ngoài từ bao giờ nhỉ?

Rõ ràng, chúng ta đã nhập ít ra là từ thời các “bạn” hai chữ vàng đô hộ có tên Tích Quang, Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp sang làm thái thú đất Việt ngon lành và ngoan ngoãn này chứ còn gì nữa!

Việc nước ta có một thời đại gọi là Nhà Triệu hay không, chuyện đó đang còn tranh cãi, không bàn ở đây.

Nhưng giả sử như nước ta từng có giai đoạn Nhà Triệu, thì ở giai đoạn đó các bạn thượng thư bộ Học vẫn chỉ cho dân ta “ăn chữ Nho, ngủ chữ Nho, thở chữ Nho” mà thôi.

Giữa chừng công cuộc đô hộ nghìn năm, cụ Lý Nam Đế xưng vương, thì ngay từ cái tên nhà vua cũng theo từ pháp Hán.

Chữ Nho được phát âm theo tiếng bản địa Việt càng dễ len lỏi vào từng gia đình, tạo thành một nền văn hóa Nho… một nền văn hóa giáo điều, khước từ mọi dấu hiệu toàn cầu hóa…

Đến độ các nhà ngôn ngữ học người ta làm cho bộ chữ Quốc ngữ thuận lợi bao nhiêu cho sự phát triển và hiện đại hóa dân tộc này, vậy mà vẫn bị chối đây đẩy.

clip_image001

Theo nhà giáo Phạm Toàn, không đưa được một tâm hồn Việt vào từng tế bào xã hội thì cải cách sẽ uổng công (Ảnh: Thùy Linh)

Giá mà sang đầu thế kỷ thứ 20 người Pháp không ra lệnh cho dùng chữ Quốc ngữ, thì có lẽ đến tận hôm nay “chữ Thánh Hiền” vẫn đang nằm gọn trong ba lô các em học sinh đang cưỡi xe điện đến trường!

Cá nhân ông Khổng Tử là một nhân vật đáng kính. Ông thực lòng muốn khai hóa. Ông ăn đói nhịn khát để đi “phổ cập giáo dục” khắp vùng Trung Nguyên. Ảnh hưởng của “Chương trình Giáo dục Khổng Tử” hoàn toàn không nhỏ. Nhưng việc du nhập chương trình học của nước ngoài đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta cũng cho thấy điều này: nguy cơ mất gốc văn hóa Việt Nam.

Để có một sự so sánh, hãy nhìn công trình của vua Thế Tông (Sejong) nước Hàn Quốc.

Từ cách đây năm trăm năm, Vua Thế Tông xứ Hàn đã nghiên cứu ngữ âm tiếng Hàn và soạn ra bộ chữ ghi âm tiếng Hàn ngày nay đang hiện diện trên khắp thế giới từ gói kẹo, đến lọ thuốc và củ sâm, cho tới những “con” iphone, smartphone gọn xinh và đầy quyền lực… [1]

Người Hàn quật cường nhờ có bộ Huấn dân chính âm của Vua Thế Tông, hay công trình ngữ âm thực hành của Ngài đã khiến người Hàn quật cường, nhờ từ rất sớm đã thoát khỏi vành đai Hán Ngữ?

Thử tưởng tượng nếu người Hàn vẫn bám khư khư chương trình giáo dục nhập từ Trung Hoa xưa, thì ngày nay họ sẽ ra sao?

Trăm năm Pháp thuộc, Việt Nam lại đã nhập chương trình giáo dục từ đâu?
Một cách tình cờ của Lịch sử, chương trình Giáo dục phổ thông thời thuộc Pháp chính là chương trình nhập từ nước Pháp.

Đầu thế kỷ 20, thế hệ cụ Trần Tế Xương còn cố đi thi vét vài bốn khoa khi Nhà nước ba năm mở một khoa / Trường Nam thi lẫn với trường Hà … để tàn lụi dần…

Thoắt cái, đến năm 1930, đã hình thành hệ thống trường phổ thông do người Pháp thiết lập:

Với tổng số 390.076 học sinh phân bố trong 7852 trường các loại, trong đó có:

42 trường theo chương trình thuần Pháp (trong đó có 3 trường Phổ thông cấp 2 cho dân Tây hoặc dân Việt đã “vào làng Tây” và 6 trường Cao đẳng tiểu học cho người bản xứ),

7.810 trường Pháp-Việt (2 trường Tây, 21 trường Cao đẳng tiểu học theo chương trình bản xứ, 397 trường Tiểu học Pháp Việt, 2.835 trường Sơ học, 13 trường học nghề, 11 trường cao đẳng).

Các trường này có đội ngũ giáo viên gồm 688 người Pháp (trong đó có 28 giáo sư thạc sĩ, 160 giáo sư có bằng cử nhân hoặc có chứng chỉ tương đương), 12.014 giáo viên bản xứ …” [2].

Ngay từ thời thuộc Pháp, nhìn ra sự thiếu thốn tâm hồn Việt Nam trong chương trình và sách học, đã có nhiều tiếng nói đòi thay đổi hoặc cải tiến chương trình giáo dục phổ thông do người Pháp nhập vào Việt Nam.

Phạm Quỳnh rõ ràng muốn “lên lớp” cho dân Pháp về nền văn hóa Việt! Ông còn muốn đưa tiếng Việt vào các bậc học [3].

Còn Hoàng Xuân Hãn thì công phu chuẩn bị một chương trình Giáo dục phổ thông mới cho Việt Nam độc lập không dùng tiếng Tây nữa, chỉ có tiếng Việt là chuyển ngữ [4].

Vào cái thời mới được độc lập, những năm 1950 thế kỷ trước, những lời phê phán hệ thống chương trình “ngu dân”, “đô hộ”, “đào tạo tay sai” đó thật đầy rẫy vào những kỳ chỉnh huấn hoặc học tập chính trị.  

Cái chương trình nhập từ Pháp qua Việt Nam ấy nhiều “tội” lắm! Toán Số học ư? Cái vòi chảy vào cái vòi chảy ra học để làm gì? Tây nó nấu rượu nó mới cần chứ ta có nấu rượu đâu mà cần học cái thứ đó? Tổ tiên chúng ta là người Việt, đâu có là người Gaulois, sao phải học theo sách Lịch sử của họ như thế?  Lại nữa, chương trình của Pháp (dùng ở Đông Dương) dạy theo lối đồng tâm – đúng là một “âm mưu” chia rẽ người học thành hai loại, loại chỉ cần có trình độ tiểu học rồi dừng lại, và loại có điều kiện học lên cao, tham gia vào tầng lớp thống trị! 

Tiếc thay, vừa mới phê phán cách người Pháp bắt ta nhập chương trình và sách giáo dục phổ thông xong, thì đã kịp xảy ra việc ta tự nguyện nhập chương trình và sách Liên Xô!

Có thể nói mà không sợ sai, việc chuyển đổi chương trình Giáo dục phổ thông 12 năm thời Pháp sang hệ 9 năm, sau đó là hệ 10 năm, thực chất là “nhập” hệ thống giáo dục theo mô hình Liên Xô. Dĩ nhiên, việc nhập khi đó mang động cơ tốt, không có chuyện lợi ích nhóm gì sất.

Các thày cô ngồi chật ngôi nhà số 6 phố Lê Thánh Tông ở Hà Nội, vừa cùng nhau tự học tiếng Nga (bỗng dưng được tuyên gọi thành “tiếng của Lê Nin”) vừa dịch sách môn Toán và các môn khoa học tự nhiên Lý., Hóa, Sinh vật,… và cả nhiều chương của môn Địa Lý nữa! May mà chưa dịch sách Lịch Sử! Nhưng cái tinh thần của Pi-ốt Đại đế, của Lomonosov, … dường như đã được kéo dài sang thời sau trong những bài học “có tính lịch sử”. Ngay sách Ngữ văn tiếng Việt cũng “vinh dự” được học cách soạn kiểu Liên Xô.

Ông Nguyễn Kỳ, trước khi lên làm thứ trưởng Giáo dục, trong cuộc giới thiệu sách mới tại trường Chu Văn An cuối những năm 1950, đã hào hứng giới thiệu cách dạy Ngữ văn theo kiểu chuyện kể với minh họa là chuyện con dơi đi dự cả Đại hội loài chim và Đại hội loài chuột. Và các nhà giáo Việt Nam thông minh đã kịp hưởng ứng và lục tìm ngay được trong kho tàng dân tộc về cách đặt tên các loài rau. Giời gọi các loài rau lại và đặt cho mỗi cây một tên, đến cây cuối cùng Giời còn mải nghĩ chưa ra, “mày thì lên là … thì là … à thì là mà … thì là …” thế là có cái tên rau thì là!

Đó là những năm 1950 chuyển sang những năm 1960 của thế kỷ trước. Đó là những năm mối quan tâm chiến tranh được đặt lên cao hơn mọi điều. Đó là những năm mối quan tâm thiếu đói cũng được đặt lên cao hơn mọi điều. Đó là những năm không chỉ đói lương thực mà đói cả thông tin là cái đói nguy hiểm vô cùng.

Người viết bài này còn nhớ, trong một cuộc nghe phổ biến nghị quyết, một vị có chức vụ cao ở Ủy Ban Khoa Học Nhà Nước đã nói đến tia la de kèm theo lời bình ngắn gọn và khinh miệt cái tia la de ba gie gì đó. (“Ba gie” là một từ miền Trung người ta không bao giờ dùng để khen nhau hết).

Ấy vậy mà, đó cũng chính là thời điểm máy bay Mỹ vượt tọa độ lửa dùng tia la de điều khiển bom trúng cái vòm chính của Ga Hàng Cỏ Hà Nội.

Nhưng, đó cũng là thời điểm, tuy người ta chưa một ai dám nghi ngờ sức mạnh của Liên Xô – càng tuyệt nhiên chưa ai dám nghĩ Liên Xô có ngày tan vỡ song trong lĩnh vực giáo dục, đã có những “sáng kiến” nhìn sang Cu Ba, rồi nhìn sang Đức, và cuối cùng là nhìn cả sang Nhật nữa.

Cũng là một thứ đầu óc vọng ngoại, mà về sau này, nếu có thêm những Dự án này nọ, thì chẳng qua chỉ là những biến dị không trông đợi trên một cơ thể đang có những cơ hội hữu cơ cho sự ra đời những biến dị.

Điều quan trọng ta cần phân tích với nhau là ở câu hỏi này: làm sao nên nỗi?

Và câu hỏi này được đặt ra chỉ cho các nhà nghiên cứu giáo dục mà thôi, người khác ai quan tâm thì quan, không thì thôi.

Các nhà giáo dục chúng ta hãy nghĩ đến mục tiêu bất biến này: làm sao tạo dựng được một tâm hồn Việt Nam cho đến tận mỗi tế bào của xã hội. Mục tiêu bất biến đó đòi hỏi nhà giáo dục quan tâm đến chỉ một đối tượng phục vụ bất biến là những em bé Việt Nam. Tạo ra những em bé Việt Nam khác hẳn sẽ thay đổi dần dần cả cái gia đình hiện thời của các em và những tế bào xã hội do chính các em nhân bản sau này mà thành.

Với một phương tiện chỉ nhà trường mới có là chương trình học, sách giáo khoa và phương pháp học thì xin các nhà giáo dục hãy nghiên cứu cách trao vào tay các em những điều bất biến thay vì những kiến thức xổi.

Tóm lại, bài viết này muốn những nhà khoa học giáo dục Việt Nam hãy tự hào đảm đương trách nhiệm cho dân tộc.

Điều chúng ta làm đúng hay gần đúng là vì chúng ta làm chính công việc đó trên mảnh đất văn hóa Việt chứ không vì cái đúng ấy phù hợp với Columbia hoặc Liên Minh châu Âu hoặc Phần Lan hoặc Singapore. Nó đúng cho văn hóa Việt vì nó là Việt Nam, đơn giản vậy thôi.

Các nhà giáo dục hãy tiếp tục công việc mình đang làm dở. Ai làm VNEN cứ làm tiếp VNEN [5]. Nơi nào bỏ, cho bỏ, còn lại cứ củng cố cho đẹp. Ai Công nghệ Giáo dục cứ Công nghệ Giáo dục.

Dĩ nhiên Cánh Buồm cứ là Cánh Buồm! Ở nơi chúng tôi có điều kiện thực hành, vào bữa ăn trưa tập thể của học sinh, chúng tôi cũng dạy các em mời nhau bằng câu ca dao “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, để dạy các em sống Việt Nam, sống tiết kiệm.

Nói ví von cho vui, ngày xưa anh Phạm Tuân lên vũ trụ với súp bắp cải Nga. Ngày nay nếu anh trở lại chuyến đi, đó sẽ là típ súp từ cây rau má lá rau muống cuộng rau đay…

Sao lại không thể?

Có thể kiên nhẫn chờ một trăm năm nữa cái mầm văn hóa non nớt được gieo hôm nay sẽ đi vào từng tế bào của xã hội, và ta cứ hy vọng…  

Mỗi nhóm tác giả hãy thể hiện sứ mệnh Tự do đóng góp cho Dân tộc. Nhưng đừng nghĩ đến thành công chóng vánh. Chính vì thế mới là chuyện trăm năm trồng người!

Tài liệu tham khảo:

[1] Xin coi Nguyễn Thị Minh Chung về bộ chữ Hangul của người Hàn quốc trong sách Tiếng Việt 6 Cánh Buồm, được cung cấp miễn phí trên mục Sách Mở trang Canhbuom.edu.vn

[2] L’Instruction publique en Indochine en 1930 (Giáo dục quốc dân ở Đông Dương năm 1930, tiếng Pháp) Đại học Hoa Sen: http://gas.hoasen.edu.vn/fr/gas-page/linstruction-publique-en-indochine-en-1930

[3]  Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp 1932-1942 bản dịch do Phạm Toàn chọn, hiệu đính, giới thiệu, Trung tâm Đông Tây và Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội 2004.

[4]  Hoàng Xuân Hãn người khai sinh nền Trung học Việt Nam, (tr. 105-109) cuốn Suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam, Nxb Trẻhttp://www.sachhay.org/cao-thom/ChiTiet/49/giao-su-hoang-xuan-han-nguoi-khai-sinh-nen-trung-hoc-viet-nam.

[5] Ai chủ trương công bố khảo sát của Ngân hàng Thế giới về tiếp nhận VNEN thế nhỉ?

Nhà giáo Phạm Toàn

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Muc-dich-cua-chung-toi-la-thay-duoc-mot-tam-hon-Viet-o-tung-te-bao-xa-hoi-post179588.gd