Đôi ba lời vội vàng nhưng thận trọng về sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục

Nhà giáo Phạm Toàn

(GDVN) – Đầu đề bài viết này là vội vàng. Xin nói luôn, bài viết này đáp ứng nhanh, nó có vẻ vội vã, nhưng hoàn toàn không hồ đồ.

Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc “lách luật”?Bộ Giáo dục thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ vì thầy Hồ Ngọc Đại hay học sinh?Kết quả thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại

LTS: Tòa soạn nhận được bài viết của nhà giáo Phạm Toàn, một người thầy lớn tuổi, được nhiều người kính trọng vì dành cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục.

Bài viết này, ông nêu quan điểm riêng, phản biện một bài báo đã được đăng tải.

Tôn trọng tranh luận khoa học, đa chiều, Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này cùng độc giả.

Giữa đường thấy việc bất đằng …

Tôi bận không muốn viết gì hết cho tới hạn 16 tháng 12 năm nay, giới thiệu nốt ba bộ sách Tiểu học Cánh Buồm đã chỉnh sửa: Khoa học, Lối sống, Tiếng Anh.

Nhưng phải vội vàng nói ngay, vì thấy không yên tâm với bài báo “Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc “lách luật”?” [1]

Cần có bài viết này để giữ lấy sự cân bằng, đỡ vất vả cho những vấn đề khoa học vốn đã chênh vênh, lại càng dễ đổ vỡ hơn trong một xã hội như ở nước ta.

Đầu đề bài viết này là vội vàng. Xin nói luôn, bài viết này đáp ứng nhanh, nó có vẻ vội vã, nhưng hoàn toàn không hồ đồ.

Lý do chỉ có một: người viết bài này tin chắc mình hiểu đúng hoặc hiểu không sai Công nghệ giáo dục.

Vì sao?

Một là, như đã viết một vài lần đâu đó, này xin nhắc lại, Giáo sư Hồ Ngọc Đại là người đã thổi tinh thần phương pháp luận vào tâm hồn nồng nhiệt của kẻ ít học này.

Vì thế mà kẻ học trò này đã làm việc với giáo sư từ năm 1979 đến năm 2009, làm từ khi là Trường thực nghiệm, đến khi đổi thành Cơ sở thực nghiệm Giáo dục phổ thông, cho đến khi nâng cấp thành Trung tâm Công nghệ giáo dục – làm mọi việc to nhỏ không một lần nề hà, có Giời đất và những bè bạn trung thực chứng giám! [2]

Thứ nữa là, cùng với anh Lưu Nguyên giáo viên Toán Đại học Sư phạm Hà Nội chuyển về nghiên cứu Toán lớp 1 và Tiểu học, hai anh em từ năm 1984 đến cuối những năm 1990, từng đi phổ cập sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 ở hầu khắp 43 tỉnh và thành phố trong cả nước.

Việc lăn lộn này khiến tay nghề mình nâng cao chứ không chỉ là “phục vụ” bằng những điều lý thuyết nhặt nhạnh. 

Lách luật

Không rõ các nhà nghiên cứu Pháp lý thuần túy và Pháp lý chính trị và xã hội có những tổng kết gì về nền Pháp trị của đất nước Việt Nam chúng ta, nhưng dưới con mắt trong sáng và sự trải nghiệm tỉnh táo cùng sự cảm nhận tinh tế của một cá nhân, tôi có mấy tổng kết riêng như sau.

Nước ta tự khi tái lập quốc năm 1945 tới nay đã trải qua một giai đoạn dài Đức Trị.

Đất nước được duy trì “êm ả” trong một niềm tin sắt son. Đặc biệt là niềm tin vào Cụ Hồ.

Cụ Hồ bảo làm gì, thì cái đó là đúng. Tuyệt đối đúng.

Thực ra, Cụ Hồ đã có những Lời kêu gọi vừa giản dị, dễ hiểu, vừa thiết thực, khiến ai ai cũng thấy làm theo Cụ Hồ là kháng chiến và kiến quốc chắc chắn thành công.

Hũ gạo nuôi quân, Tiêu thổ kháng chiến, Quân với Dân như cá với nước, Công an là bạn dân, Mùa xuân là Tết trồng cây, Trẻ em như búp trên cành … đó chỉ là vài chân lý.

Nước Việt Nam sống khép kín đã quá lâu, Đức trị tồn tại song song với cuộc sống khép kín và đã có tác dụng điều chỉnh xã hội, đó là điều không khó hiểu.

Mỗi công dân hầu như luôn luôn biết tự giải đáp mọi thắc mắc.

Tiếp theo giai đoạn Đức trị là giai đoạn Pháp trị với rất nhiều non nớt yếu kém, chưa kể đã có sự mó tay vào nền Pháp lý của những nhóm lợi ích – điều ngày nay được nói thẳng hoặc nói uốn éo trên nhiều loại diễn đàn.

Dẫn đến việc người có tài muốn giúp nước nhiều khi phải lách luật.

Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, Bí thư thành ủy Đoàn Duy Thành là những người lách luật giỏi nên đều đã được tuyên dương.

Còn vô vàn người nhất là ở cấp cơ sở cũng đã lách luật nhưng chỉ âm thầm mỉm cười.

Và đã có ai thống kê được những máu và nước mắt của những người không biết tìm đường lách luật?

Và có ai đong đếm được nỗi buồn, thậm chí là nỗi nhục, nỗi đau của những cuộc lách luật bất thành?

Cho nên nếu như Giáo sư Hồ Ngọc Đại tìm được cách lách luật để thực thi Công nghệ giáo dục qua cuốn sách Tiếng Việt 1, thì cũng là điều không có gì khó hiểu.

Lách được luật (đặc biệt lách vô số luật không hoàn thiện như chúng ta từng chứng kiến) là điều thông minh, đáng khen chứ không đáng trách!

Chỉ khi nào lách luật để làm lợi cho riêng mình thì mới đáng trách.

clip_image003

Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đang gây ra nhiều tranh luận trong dư luận xã hội. (Ảnh cắt từ clip trên vtv.vn)

Như chương trình VNEN chẳng hạn: người nào nhập cái “nhà trường mới” đó về, xin đừng bỏ cuộc.

Hãy tiếp tục điều chỉnh cho nó mới hơn, hợp với thung thổ Việt Nam hơn, làm thế thì lách luật cũng đáng tuyên dương.

Nếu bỏ cuộc, chắc chắn là việc lách cái luật chưa được sửa, quy định chỉ có một chương trình một bộ sách sẽ bị nhìn nhận là động cơ không trong sáng.

Đơn giản vậy thôi.

Nói thêm một câu để kết thúc mục nhỏ này: tôi tin, có ông xuất thân bình thường, nhưng sau vài chục năm có vài ba bốn tỷ đô-la Huê Kỳ, nếu không lách luật xin cứ xử nghiêm người viết bài này!

Vì vậy chỗ nào lách luật để tư túi thì đã có nơi xử lý, còn với bản thân công trình đó, thì xã hội cần xem xét nó bên ngoài phương diện lách luật.

Tức là cần xem xét sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục có giá trị tự thân tới đâu.

Tính khoa học của Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục

Bây giờ, bàn đến sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, việc làm lành mạnh là xem xét bộ sách đó dưới góc độ khoa học và xem xét tác dụng thực của nó trong các em học sinh.

Tức là phải trả lời mấy câu hỏi:

(1) Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đúng ở chỗ nào, thậm chí hơn hẳn sách CT-2000 ở chỗ nào?

(2) Đối với giáo viên, việc dùng sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục có dễ dàng không?

(3) Học sinh lớp 1 học sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục có những phẩm chất gì mà các cách học khác không có, thậm chí không thể có?

Tại sao bài viết này lại nêu vấn đề sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đúng ở chỗ nào chứ không nói nước đôi sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đúng hay sai ở chỗ nào?

Thậm chí không nói chung chung nước đôi như Hội đồng thẩm định mới long trọng hạ bút ký:

Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục thể hiện rõ nhiệt huyết và công phu của nhóm tác giả trong việc biên soạn và thể nghiệm một hướng dạy học tiếng Việt cho học sinh lớp 1.

Tài liệu được tạo ra một số nét khác biệt đáng ghi nhận trong phương pháp dạy học tiếng Việt.” [3]

Lẽ ra Hội đồng thẩm định, thay vì nói “một số khác biệt đáng ghi nhận”, nên nhận xét như sau thì sẽ đúng với bản chất sự việc hơn:

Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục hoàn toàn khác về nguyên lý so với tất cả các sách Tiếng Việt lớp 1 đã có từ xưa tới nay.

Các sách đã có dạy cho học sinh biết đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ bằng mọi giá, còn sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục tổ chức cho trẻ em thực hành ngữ âm học để các em tự tìm ra cách ghi tiếng Việt và do đó mà tự đọc được tiếng Việt.

Nhiều người hiểu nhầm Công nghệ giáo dục và dùng nhận thức chưa đầy đủ của minh để kết án sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục về nhiều chi tiết.

Thế nhưng, kết quả học sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục rất rõ.

Năm 2004 trước khi bị buộc ngừng sử dụng, sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã lan tỏa ở hơn 60 phần trăm số lớp 1 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Con số 600 nghìn học sinh lớp 1 hiện thời dùng sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cũng cho thấy đó không là kết quả của riêng một chiêu trò lách luật! 

Xin hé lộ thêm một điều này: năm 1985, chúng tôi phải huấn luyện dùng sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cho những giáo viên 7+3 (lớp 7 học ba tháng sư phạm), ở những trường không chỉ nằm ở Quận 1, mà cả ở Bình Chánh, Hóc Môn…

Học sinh học sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục có phẩm chất khác hẳn khi được tiếp nối lên lớp trên cũng theo hệ thống đó.

Các em thích tự học, có đầu óc phản biện.

Vậy thì cũng giống như chuyện lách Nghị quyết để khoán chui ở hợp tác xã thở nào, hình như việc lách luật để đưa sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vào cuộc sống cũng có tác dụng rõ rệt? 

Tính cách cá nhân

Chúng ta không nên đánh đồng một công trình khoa học với tính nết tác giả.

Nhà sinh lý học Ivan Pavlov khi còn sống thường thích công khai phô trương cả nhà đi lễ nhà thờ mỗi sáng chủ nhật. Chơi ngông thế đấy xem Cách mạng có làm gì nổi?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng từng có những điều bị chê là ngông.

Thực ra, chỉ vì nhiều điều nói thẳng nói thật của ông đã khiến những người ghét ông coi ngay cả những việc làm bình thường của ông cũng thành “ngông” nốt.

Việc bị chê ngông nhất là mở trường thực nghiệm. Xưa nay cả nước ta có ai mở trường thực nghiệm đâu!

Có ai biết trường Jean-Jacques Rousseau của Piaget đâu! Có ai biết trường số 91 ở Moskva đâu!

Những người lao vào trăm phần trăm nhà trường bắt trăm phần trăm trẻ em học chương trình mới và sách mới theo lối cuốn chiếu đâu cần đến thực nghiệm! 

Với tư cách một người đã biết giáo sư Hồ Ngọc Đại từ năm 1978 cho tới nay, tôi thấy mấy năm nay Hồ Ngọc Đại vô cùng nền nã.

Nhà khoa học nào thì cũng biết rõ chân giá trị của chính mình hơn ai hết.

Nên càng nhiều tuổi càng thấy một sự nghiệp lớn với triết lý và kỹ thuật thực thi chuẩn không cần chỉnh thì cũng không làm xong nổi chỉ trong một kiếp người. 

Hiểu điều đó thì đỡ bị chế “đồng chí rất tốt nhưng còn có khuyết điểm là có cá tính”.

Năm 1950 vào thời Đức trị còn mạnh, bản thân tôi từng được nhận xét “đồng chí rất tốt rất tích cự nhưng còn có khuyết điểm là còn thanh niên tính”.

Kết luận

Nhờ các bạn rút ra hộ. Mình vẫn còn thanh niên tính lắm!

Xin cám ơn.

Chú thích

(1)  Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc “lách luật”?

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tham-dinh-Tieng-Viet-1-Cong-nghe-giao-duc-chi-de-hop-phap-hoa-viec-lach-luat-post181220.gd

(2)  Ba mươi năm theo Công nghệ giáo dục, mình là tổ viên tổ Tiếng Việt và Văn, còn có lúc hoạt động trong tổ Toán-Tin trong 7 năm làm được cả bài tập Tiếng Việt trên máy tính cá nhân, và cố vấn kỹ thuật cho các vị thi bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ về tư liệu … còn là cố vấn của nhiều nhóm nghiên cứu trong đó có nhóm Đạo đức.

Mình cũng để lại kha khá sách viết và dịch, như Dạy Tiếng Việt lớp 1 (2 quyển, cho các nhà nghiên cứu, cho phụ huynh học sinh), Cơ cấu trí khôn (sách dịch, 1987, 1988), Nghề dạy văn (1991), Công nghệ dạy văn (2000), Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục (2004)…

Mình đặc biệt có tài dạy mẫu các môn học ở bậc Tiểu học, thật đấy!

(3) Bộ Giáo dục thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ vì thầy Hồ Ngọc Đại hay học sinh?

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-Giao-duc-tham-dinh-Tieng-Viet-1-Cong-nghe-vi-thay-Ho-Ngoc-Dai-hay-hoc-sinh-post181089.gd

Nhà giáo Phạm Toàn

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Doi-ba-loi-voi-vang-nhung-than-trong-ve-sach-Tieng-Viet-1-Cong-nghe-Giao-duc-post181255.gd

Comments are closed.