Trao đổi về “sự thức tỉnh” của Jean-Paul Sartre

Vũ Thành Sơn

Sau khi bài viết ngắn của tôi về Hạ Đình Nguyên và Jean-Paul Sartre (http://vanviet.info/thao-luan/ha-dnh-nguyn-v-jean-paul-sartre/) xuất hiện trên facebook và trên trang Văn Việt, tôi đã nhận được thư góp ý của anh Hoàng Dũng. Nhận thấy thư chỉ xoay chung quanh vấn đề đang trao đổi và không có tính chất riêng tư, tôi mạn phép anh Hoàng Dũng cho đăng lại ở đây để mở rộng thêm vấn đề.

Thư anh Hoàng Dũng:

Xin trao đổi với anh về một chi tiết. Anh viết: “Jean-Paul Sartre đã thức tỉnh khi những chiến xa của quân đội Liên Sô tấn công vào Budapest nhằm đè bẹp cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary năm 1956” và “Còn Jean-Paul Sartre, cảm tình của ông đối với cộng sản, trước hết, là một sự lựa chọn triết học và chỉ có kéo dài vỏn vẹn ba năm như một compagnon de route.”
Tôi nghĩ trường hợp Sartre có phức tạp hơn. Khi anh nói cảm tình của Sartre đối với cộng sản kéo dài chỉ ba năm thì tôi hiểu đó là sự ủng hộ của Sartre đối với Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1952 đến năm 1956, sau vụ Hồng quân xâm lược Hungary. Chứ tư tưởng thân cộng của Sartre thì có trước năm 1952 và kéo dài hơn cái mốc năm 1956 rất nhiều.
Chẳng thế mà ngay từ năm 1941, Sartre đã thành lập một nhóm kháng chiến mang tên “Chủ nghĩa xã hội và Tự do” (Socialisme et Liberté).
Năm 1954, Sartre thăm Liên Xô, trở về nói ở Liên Xô “hoàn toàn có quyền tự do phê bình”. Còn sau vụ đàn áp Hungary năm 1956, Sartre tuy phản đối Liên Xô nhưng vẫn tin vào chủ nghĩa xã hội. Cho nên Sartre ca ngợi lãnh tụ cộng sản Ba Lan Władysław Gomułka đã chủ trương tìm kiếm con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu Ba Lan. Tờ Les Temps Modernes của Sartre thậm chí dành nhiều số đặc biệt trong hai năm 1957 và 1958 viết về Ba Lan dưới sự lãnh đạo của Gomułka và ca ngợi những cải cách của ông này.
Năm 1960, Sartre đi thăm Cuba, gặp gỡ Fidel Castro và Che Guevara và viết một loạt bài trên France-Soir, công khai tán dương và tỏ lòng khâm phục cách mạng Cuba.
Cho đến cuối những năm 1960, Sartre còn ca ngợi Mao Trạch Đông là lãnh tụ của quần chúng bị áp bức của thế giới thứ ba; ông còn nhận một người có tư tưởng mao-ít là Benny Lévy làm thư ký riêng.
Anh Lê Phú Khải có dẫn hai câu của Sartre. Câu “Tous les anti-communistes sont des chiens” thì quá nổi tiếng; còn câu “Tous les communistes sont des chiens” thì tôi cho là không đáng tin, tôi không thấy ai, ngoài anh Khải, dẫn câu này và nói là của Sartre.

Thư trả lời của tôi:

Cám ơn anh Hoàng Dũng. Về trường hợp của Sartre, đúng như anh nói, khá phức tạp. Ngay nền tảng triết học của ông ta cũng đã chịu ảnh hưởng của Marxisme. Thái độ chính trị của ông ta, cũng vậy, là thái độ của một trí thức khuynh tả. Tôi không đề cập sâu về hành trạng của Sartre vì khuôn khổ của bài viết và một phần cũng vì mục đích của tôi chỉ là đính chính lại nhận định thiếu cơ sở của anh Lê Phú Khải. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh: anh Khải đã phịa câu nói “Tous les communistes sont des chiens” và gán nó cho Sartre. Tôi chỉ e rằng có trí thức Pháp nào theo dõi vụ này, biết được tiếng Việt, sẽ cười cho. Và chưa chắc câu chuyện sẽ chỉ dừng đến đó.

Comments are closed.