Đỗ Quang Nghĩa
Sinh năm 1961 tại Hà Nội.
Hiện sống tại Berlin – Đức.
Đỗ Quang Nghĩa thuộc thế hệ những người Việt đi tìm tự do từ Đông Âu. Tuổi thơ và ký ức của những năm tháng lưu vong thể hiện trong thơ anh thường xuyên. Đó là một ngôn ngữ trữ tình, khá mới mẻ, có phẩm chất hiện đại. Nhiều bài thơ của anh pha lẫn yếu tố tường thuật, phản ảnh.
Là một người khá lặng lẽ, anh xuất hiện không đều trên báo chí, nhưng để lại dấu ấn đẹp ở người đọc thơ kén chọn. Đỗ Quang Nghĩa thích hợp với lối thơ ngắn, giàu khả năng mô tả, với những chi tiết đời thường, dòng chảy của hoài niệm.
Mặc dù đôi khi có một liên kết tự do được quan sát thấy, các hình ảnh trong thơ thường được sắp đặt ở tình trạng tự nhiên và độc thoại, không cố tình tạo ra thử thách khó khăn cho người đọc.
Không phải là một nhà thơ thể nghiệm ngôn ngữ, sự chọn lọc chữ trong nhiều bài vẫn đạt đến mức độ tinh tế. Nội dung xã hội, tiếng nói của lương tri, và tính tư tưởng, tuy vậy, vẫn là những đặc điểm căn bản của thơ anh.
Chúng ta mong đọc được nhiều hơn nữa những sáng tác của anh trong tương lai.
Văn Việt trân trọng giới thiệu.
NHỮNG ĐOẠN THƠ[i]
1.
Tiếng hát vang – những nỗi buồn đa sắc
miên man trôi miền ký ức không lời.
Có nhu cầu đứng giữa hào quang
và nhu cầu ngồi trong bóng tối.
Khát vọng được thăng hoa
và khát vọng vẫn giữ được chính mình
không chỉ trong câu hát
không chỉ một đêm nay.
2.
Một ngày ta xa Hà Nội
và xa em.
Một ngày ta xa Sài Gòn
và xa nước.
Một ngày
xa
những đôi tình nhân buồn thê thiết.
Chỉ mong đừng ước như người già
hẹn ngày về
của những nắm tro.
3.
Vì đã nở mấy hôm
vì mưa xuân
và gió xuân
những cánh đào phai
nhẹ nhàng rơi xuống đất.
Bên những gốc đào xưa: dòng-sông-thời-gian,
đi qua đời thật chậm,
như ngừng trôi.
4.
Ðã thấy trong gương tóc đen chen tóc bạc
bốn năm con xa nhà.
Này là nét của mẹ
này là nét của cha
này là mũi tẹt da vàng
(lẫn làm sao cho được).
Những ngày kiếm ăn quanh
những ngày gào thét hão
lý tưởng nào, tìm kiếm suốt đời con!
Bố ơi,
tóc bố không còn sợi đen
con còn phiêu bạt mãi
càng già con càng thương bố hơn.
5.
Ràng buộc với cái gì cũng sợ
đành ràng buộc với tự do.
6.
Sau dãy núi là mặt trời hoàng hôn
sau màu vàng thu là những cuộc đời lá.
Nước mắt có khi rơi, sau một lần hạnh phúc.
hay miệng cười như không,
sau năm tháng tơi bời.
Mai,
mặt trời lại lên,
phía bên kia dãy núi.
7.
Khi yêu đương đang thành mốt như chiếc quần jeans
em có còn chung thủy?
Anh trút hết mồ hôi trên chuyến xe khách
người và người ồn ào khó chịu
em có còn dịu dàng?
Cơn gió bụi tháng ngày
cuốn phăng đi bao niềm hoài ước
trôi nổi ngang đời bao nỗi hoài nghi
vận người đổi thay nào ai đoán trước.
Anh không tự hiểu mình
em không hiểu nổi anh.
Một lần xa hóa ra vĩnh viễn.
Chiếc quần jeans bạc gối
chuyến xe bus cuối cùng bỏ khách đợi ngang đường.
8.
Ilmenau
Bây giờ đã đến lúc viết về những bờ lau bên hồ thời xa vắng
sao quá bơ vơ trước hứa hẹn đầu đời.
Bây giờ đã đến lúc viết rằng khi ấy
máu trong người chậm lại lúc đôi nọ hôn nhau ngang dốc chiều, tuyết, mưa.
Bờ lau mọc lúc vào xuân
đứa bạn cùng đường nay đã chết
vẫn biết còn sống còn cơ hội bất tử
vẫn muốn dang tay vẫy lối bạn về.
Thời xa vắng không giữ được em,
khao khát quá nhiều – đời người quá hẹp.
Trở lại
20 năm sau
hồ
những bờ lau
dập dờ
xanh
lửa.
11.
Ta mang theo mùa thu
như một niềm mơ ước.
Em mang theo đời ta
lẽ nào em không biết.
Trên nỗi buồn lại thêm nỗi buồn nữa
trên lá vàng lại thêm lá vàng nữa
cuộc đời ta?
Ta vẫn yêu mối tình ấy thôi
ta vẫn đau nỗi buồn ấy thôi
thu nay có lại như thu trước?
non nước bây giờ: năm tháng trôi.
Biết không
trong hắn vẫn
một chiếc thuyền
đậu bến em.
12.
Tim ta đau vết thương gì không rõ
nên cần đâu trái gió với trở trời.
Nếu có thể vui được
tôi đã không buồn thế này.
Ràng buộc với cái gì cũng sợ
đành ràng buộc với tự do.
15.
Mùa xuân đến bằng những mầm cỏ nhỏ
mọc ngoài cánh đồng
từng tiếng chim cu gáy
êm và thiết tha.
Tháng ngày con lớn lên –
tháng ngày cha đánh mất.
Mùa xuân đến bằng những mầm cỏ sắc,
con gái ơi.
20.
Buổi chiều chạy đến cuối trời
bằng những dấu chân trần trên tuyết.
Trăng non!
Nhớ ơi những ngày gió bấc.
Em đã đến và đi
ta đã quên và xa
Từng không biết sẽ bay cao tới đâu
giờ không biết sẽ rơi sâu tới đâu
mười năm hơn, đời nào không lối rẽ?
Nhưng chiều nay
trăng non soi những dấu chân trần trên tuyết.
Tuyết đầy những dấu chân.
24. nhủ
Cũng đừng mãi băn khoăn về sứ mệnh đời này,
trong nắng chiều lãng đãng:
sông thu trôi.
Hãy ủ những chiếc lá vàng
dấu im trong miền ký ức
nếu có một mùa xa vắng
nhớ cho: độ ấy, ta yêu.
Lá đã thẫm, che khuất những bố già đang làm vườn
mây đã cao
nhớ xưa thời thơ ấu.
con chim nhỏ lại về
ăn quả nhả hạt
như những ngày chưa xa.
Có những ngày chưa bao giờ xa
mùa nở thầm theo hoa.
25.
Mùa đông
chiều
cánh chim rừng lạc gió.
Như mối tình của một con người
không bao giờ còn mong đáp lại.
Từ một quãng đời nào ta đánh mất niềm vui?
Từ một kiếp trước nào ta đã chọn kiếp này để sống?
Hỏi mãi để làm gì?
Những ý nghĩ không thành hình chìm trong man mác buồn
hay nỗi nhớ về hạnh phúc đã như cánh chim vừa bay đi khuất?
Em, hãy đi bên anh và đừng nói.
28. Chân dung
Sau dãy núi là mặt trời hoàng hôn
sau màu vàng thu là những cuộc đời lá.
Nước mắt có khi rơi, sau một lần hạnh phúc.
hay miệng cười như không,
sau năm tháng tơi bời.
Từng lang thang qua những trường đại học
từng lơ mơ trên những giảng đường
‘những hàng cây thẫm màu in hình lên nền trời ráng đỏ
đóa cúc vàng lộng lẫy mùa đang thu…'(*)
Giờ làm thợ không nên, làm thày không đắt
mãi thư sinh đến thuở bạc đầu (?)
Quen với nỗi buồn như khói thuốc
quen với suông tình như sương khuya.
Không tin ai trên đời, không tin ai trên trời.
Sống đã thôi là hạnh phúc
yêu đã thôi là đắm say
và thu đã thôi là quyến rũ.
_____________________
(*) Thơ thời sinh viên
40.
Hắn như
người Giao chỉ cuối cùng,
bàn chân đã hướng biển,
ngón cái còn vọng núi.
Ði xa chỉ nhớ về ngô lúa
đêm nằm mê lá chuối vỗ quanh nhà.
Nhọc nhằn như lũy tre,
chiều nghe đàn trâu bước.
Nhưng đôi khi hai gã Giao chỉ tránh nhau
ở xứ người.
41.
Tuổi đã ngoài bốn mươi
thấy đời toàn chắp vá.
Như mối tình đang say đắm này đây:
có thể nàng sẽ bỏ hắn để theo
người đàn ông khác
có thể hắn sẽ bỏ nàng để theo
người đàn bà khác.
Ðâu rồi những cuồng điên, đam mê, gào thét,
đâu rồi những vật vã chia ly, hoảng hốt lo âu?
Ðâu rồi tất cả đâu rồi,
những ngày cháy khát bên nhau?
*
Những mẩu vụn thơ
như những mẩu vụn bánh mỳ
không đủ nuôi ta sống
nhưng dù sao…
Tặng…
Tuổi đã ngoài bốn mươi
thấy đời toàn chắp vá.
Như mối tình đang say đắm này đây:
có thể nàng sẽ bỏ hắn để theo
người đàn ông khác
có thể hắn sẽ bỏ nàng để theo
người đàn bà khác.
Có thể
chỉ chán mà buông nhau,
xoàng xĩnh thế thôi.
* Xa bố
Bên Bến Xuân
Ước một ngày trở lại Bến Xuân
bến xuân như Văn Cao từng hát.
Mà nghiền ngẫm cuộc đời
và nghiền ngẫm cuộc tình.
Lệ đương mùa, rơi lá chan hòa (*).
Ðời trần trụi không còn gì che lấp
tình cằn cội không còn gì e ấp.
* Như là để hát
Thương ngọn gió chiều
thổi dọc triền sông
những lá sẫm màu
đau đáu nhìn nhau.
Thương ngọn gió chiều
thổi trên trời cao
trắng mây hững hờ
tình thu ra đi.
Ngọn gió chiều thương
vai xuôi
hồn gầy.
Mình còn đứng đó
hờn xanh, chơi vơi.
3-97
* Hà Nội
Nơi ta sống
‘áo chăn chưa ấm thân mình‘(*)
đêm mất điện đạp mò xe trên phố
và em, lặng thinh.
Nơi ta sống
mưa đêm nước ngập
bụi hoang nắng suông.
Cây đa vẫn một trời xanh lá.
Nơi ta yêu
dâu da xoan lan hương
trong làn sương buổi sớm.
Nắng lấp lóa trên vòm cây cơm nguội
lá non tươi như tiếng khóc chào đời.
Sống chi chút những giờ êm ấm
hạnh phúc nào không qua gian nan.
Nơi ta sống
thành phố nửa tỉnh nửa quê
thành phố dở cũ dở mới
cứ mỗi lần ‘kỷ niệm’
lại cót ép tượng đài, tụng công đức ngàn năm.
Thành phố cả tin và khờ khạo
bỏ bình yên đi tìm phú quý
chuốc về lắm nhố nhăng.
Rồi một ngày bỏ Hà Nội ta đi
thành phố ấy có gì lưu luyến nữa?
Rồi một ngày bỏ Hà Nội ta đi
quanh ta: mênh mông là quạnh vắng.
‘MỘT NGÀY NHƯ MỌI NGÀY’
Một cựu tù vĩnh viễn ra đi
một ông già từng đột quỵ ngồi xe lăn đi thăm một tù nhân nếu ở ngoài tù thì đi đâu cũng chống gậy
đâu mà ngờ được lại là như thế ở Việt nam đầu thế kỷ 21
ô nếu đầu thế kỷ 22 lại vẫn thế?
GỬI MỘT NGƯỜI QUEN QUEN
(bỗng dưng nghĩ đến khi đọc thơ tình Nguyên Sa)
mình gặp gã cách nay 10 năm
ngày ấy bố mẹ mình còn sống
mình gặp lại gã cách đây 5 năm, gã đang chăm bà mẹ già đã lẫn
gã người Việt rất Mỹ
tiếng Việt nói phải nghĩ, còn tiếng Mỹ thì không?
mình ngờ gã hồi trẻ rất đẹp và tác phẩm của gã thì phải đợi vài chục năm sau để suy xét
gã khuyên mình bỏ máy ảnh làm thơ, nhưng chính gã chụp ảnh rất nhiều và cái chính là rất tài
hơn hẳn mình gã còn biết kinh doanh
mà kinh doanh ở một xứ như ở Việt Nam
thì điều kiện cần và đủ là không biết thế nào là đủ
nghệ sĩ thì kinh doanh làm gì
mình gặp gã trong tadioto của gã
mấy cô trẻ măng ngồi rượu và thuốc lá, laptop và vi vút tiếng Anh
gã còn muốn làm sự kiện
còn muốn làm show
trong cái hoang toàng xác xơ gã tìm ra được điều gì để chăm nom, để vun xới?
cho đến khi cái zone 9 kia buộc phải đóng cửa
nhớ ánh đèn chiếu qua cái chao vốn là chiếc lồng gà.
bây giờ gã ở đâu
có ở Hà Nội đổi thay chóng mặt mà chừng như đang thụt lùi?
có ở Ba Vì để vĩnh cửu xơi món su su?
hay lại đi Mỹ liếm lành muôn vết thương?
trên sân khấu đời mình
gã đóng vai chính không?
KHÔNG ĐỀ
Ở phía đối diện mặt trời
vẫn là đối diện nỗi buồn
cũng tự hỏi lòng
suốt đời chỉ mãi thế thôi sao?
Ở phía đối diện mặt trời
đỉnh tháp nhà thờ nhỏ
vạch lên trời một chữ thập dài.
***
Nghĩ những bước chân chệch choạch của mình
cũng làm cho con đường mòn thêm chút nữa
mà thương cho con đường.
***
Bên bờ biển, chiều tối
Có một người dắt một chiếc diều
và một con chó nhỏ.
Đứt dây diều bay đâu,
đứt dây chó chạy đâu?
Bên bờ biển, chiều tối
Một người không mang theo gì cả
đeo đẳng một nỗi buồn.
***
Không biết gió bắt đầu từ đâu
trên biển xanh rộn sóng.
Nhưng biết gió kết thúc chỗ nào
một nơi nào xa vắng…
***
Những đứa trẻ con tôi
chưa gặp nhau bao giờ
nhìn nhau qua ảnh
quen nhau qua băng hình
Chưa bao giờ được ôm nhau vào lòng
chưa bao giờ chơi đùa cùng nhau.
… Những đứa trẻ con tôi
Chúng biết nhớ nhau không?