Thơ Đặng Tiến (Thái Nguyên)

CHÂN DUNG 38 – THÀNH CHƯƠNG

BÀI CA NHỮNG CON CHÓ ĐÁ

[Sáng nay bỗng nhớ bộ sưu tập chó đá trong không gian VIỆT PHỦ của

họa sĩ Thành Chương]

Này những con chó đá

Cho ta hỏi

Ai đã tác nên chúng mày?

Chúng mà đã ngồi, đã đứng, đã nằm ở những đâu

Trước khi được mang về đây?

Này những con chó đá

 

Có nghe thấy tiếng ta hỏi

Có hiểu nỗi lòng ta

Mỗi khi đến đây?

Một đàn chó đá

Con đứng, con nằm, con ngồi

Tất cả đều yên lặng

Thời gian làm biến dạng ít nhiều

Một vài con sứt mẻ

Một vài con nét tạc đã bị bào mòn

Nhưng dáng hình thì vẫn cứ vẹn nguyên

Vẹn nguyên dáng hinh. Nguyên vẹn…

Con ngồi trước cổng

Canh phòng hay đợi chủ về?

Con nằm thanh thản

Hình như sau một bữa thật no

Có con phủ phục dáng buồn so

Có phải chủ của ngươi đã chết?

Dáng nằm chó ấp mả gầy guộc

Dáng nằm bất động vẻ héo mòn

Có con đầu ngó ngó nghiêng nghiêng

Mày tìm bạn tình có phải?

Đúng vậy mày đang chăm chú liếc tìm bạn tình

Niềm hi vọng hiện rõ trên nét mặt

Có con nhe răng

Chó ơi mày đang hăm he ai?

Một tên kẻ trộm lớ xớ?

 

Hay một người ăn mày lỡ độ đường định ghé vô nhà xin độ nhật?

Có con như mũi tên lao thẳng

Như tên bắn mỗi chiều hè

Cùng cậu chủ thong dong lộng gió triền đê

Ơi những con chó đá

Chúng mày bị thờ ơ ghẻ lạnh khắp nơi nơi

Làng quê biến dạng

Người ta mang về những thú cưng sang chảnh

Những con chó từ đẩu từ đâu

Lông xù

Mắt trừng trợn

Răng nhe

Những con chó đá bỗng chốc ra rìa

Những con chó đá vô gia cư côi cút

Những con chó đá lăn lóc bên rìa

 

Người họa sĩ lang thang khắp thôn cùng xóm vắng

Xót thương những con chó đá bỗng chốc bị bỏ rơi

Mang về đây cho chúng được đứng được nằm được ngồi…

Này những con chó đá

Có nghe ta hỏi

Chúng mày có còn nhớ đường về

Quê hương bản quán?

Có còn nhớ?

Ơi những con chó đá!

 

CHÂN DUNG 39 – NGUYỄN ĐỨC SƠN

MỘT NÉT CHÂN DUNG

KÌ NHÂN SƠN NÚI

[Nhân hai năm thi sĩ đi xa…]

Phóng túng cực kì phóng túng

Hồn nhiên cực kì hồn nhiên

Làm thơ và trồng cây trên núi

Ông tên là Nguyễn Đức Sơn…

 

Với ông hình như thơ là

Lời nói hàng ngày giản dị

Thâm trầm nếu cần có thể

Rổn rảng vui tươi nhiều khi

 

Buột miệng thành thơ. Thật lạ

Không chia cao thấp sang hèn

Thăm thẳm cao xanh mây trắng

Hay người yêu đái bên đường…

 

Một mảnh trăng treo rừng thẳm

Hoặc ánh đèn khuya lều tranh

Đều hóa thành thơ. Tất cả

Thế gian muôn sự hữu tình

 

Ông có biệt danh Sơn Núi

Ngàn thông Phương Bối thơm hương

Vi vu tiếng thơ hòa điệu

 

Thấp thoáng bóng hình khói sương.

 

CHÂN DUNG 40 – TRỊNH CÔNG SƠN& KHÁNH LY

TẢN MẠN VỀ NHỮNG CHUYỆN KHÔNG ĐÂU

[Nhân đang rất ồn ào về những bộ phim về Trịnh…]

—-

Ta có quyền gì khi đòi Trịnh và những người đàn bà đã từng đi ngang

qua đời ông phải thế này hay thế nọ khi phim cũng chỉ là phim?

Ta có quyền gì khi lật lại những dòng chữ cũ, những ảnh hình cũ, những

chứng tích cũ để buộc tội Trịnh lá mặt lá trái, ăn ở hai lòng, hèn nhát và

này nọ?

Ta có quyền gì khi lên tiếng chê bai giọng hát Khánh Ly rồi nhân tiện

giễu cợt dự án trở lại lưu diễn khắp ba miền nước Việt?

Ta có quyền gì….

Hình như không ai dám trả lời…

 

Ồn ào, dữ dội

Loạn xà ngầu

Hình như người Việt mình luyến tiếc chiến tranh, luyến tiếc Mậu Thân,

luyến tiếc mùa hè đỏ lửa, luyến tiếc Xuân Lộc…nên có cơ hội là xông vào

nhau cắn xé bõ hờn rộng miệng cả tiếng tàn bạo ngang tiếng xe tăng đại

bác

Người Việt mình vẫn vậy

 

Vẫn hung hăng vẫn tàn bạo vẫn quyết giành giật lẽ phải về mình một thứ

lẽ phải chỉ có ta mà không có người.

 

Phần tôi

Tất nhiên cũng không thể thờ ơ đến mức

Bỏ ngoài tai

Hay giả vờ bỏ ngoài tai

Tôi chỉ thấy tiếc

Thực lòng tiếc…

Giá như Trịnh Công Sơn vì lí do nào đó mà chết trước ngày – ba – mươi –

tháng – tư

Giá như Trịnh Công Sơn không có bài “Nối vòng tay lớn”…

Giá như Trịnh Công Sơn không viết những bài báo a,b,c gì đó… rồi đây

trở thành vật chứng cho vô số những đay nghiến chua chát

Giá như ông đừng kín đáo thái quá (sự kín đáo mà tôi đồ rằng có rất

nhiều toan tính cũng có thế chỉ là một thói quen sợ hãi đã ngấm vào máu

thịt ông…) mà cứ vung tay hô hét ồn ào vui nhộn tưng bừng và ông trở

thành dễ hiểu chặn đứng những ai ham huyền thoại hóa

Giá như và giá như

 

Giá như Khánh Ly đừng kể lại những kỉ niệm riêng tư, rất đỗi riêng tư về

Trịnh

Những lời kể của Khánh Ly, ôi những lời kể biết đâu lại trở thành nguồn

cội cho vô số những dèm pha vốn luôn sẵn trong cõi ta bà

 

Giá như Khánh Ly không xem những gì người ta làm thành phim về

Trịnh

Và nếu có xem giá như Khánh Ly cũng im lặng mỉm cười

Giá như Khánh Ly không có dự án trở về Việt Nam lưu diễn ở tuổi xưa

nay hiếm

Giọng hát thời còn đi chân đất với giọng hát của người phụ nữ sắp bát

tuần thượng thọ hẳn là chênh nhau quá trời

Giá như giá như…

Dù tôi vẫn biết

Trịnh Công Sơn dẫu thiên tài thì ông vẫn là người

Khánh Ly dẫu có nhất đẳng cầm ca thì bà vẫn là người

Không thoát khỏi vòng tục lụy lợi danh

Cũng như tất cả chúng ta sợ chết

Cũng như tất cả chúng ta bấp bênh

Cũng như tất cả chúng ta ảo tưởng

Cũng như tất cả chúng ta lầm lối lạc đường

Cũng như chúng ta không thiếu khi tầm thường, hoang tưởng và rất có

thể là bệnh hoạn

Biết làm sao được cả Trịnh Công Sơn cả Khánh Ly đều là những con

người sống trên mặt đất

Ta có quyền gì để Phán xét?

Chả ai cấm ta Phán xét

Và giá như không có những phán xét

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly chắc chắn đã bị lãng quên…

 

CHÂN DUNG 41 – HOÀNG HƯNG

HOÀNG HƯNG

[Một phác thảo đơn sơ…]

Có quá nhiều thứ để nhớ

Thành ra lại dễ bị quên…

Một nhà thơ

Một dịch giả có hạng

Một nhà báo một thời tài danh

 

Một diễn giả hài hước

Một – tù – nhân – lương – tâm

Xuất thân danh gia vọng tộc thế phiệt trâm anh

Một thầy giáo được trò quý trọng và không ít đồng nghiệp ganh ghét

Ông là “n trong 1” thành ra dễ bị lãng quên…

Ông là công dân

Cái xứ sở tạo vật đố tài

Hồng nhan đa truân

Được mặc định là chân lí ngàn năm!

 

Nhưng

Giữa cái thủ đô ngàn năm văn hiến im lìm

Im lìm và có phần u ám có phần ảm đạm

Bỗng nổ tung tiếng thở phì phào, tiếng thở hào hển, tiếng thở ngựa biển

Cường tráng sung mãn

Thở như bật ra máu lửa

Thở như bật ra sinh lực

Ngựa biển ngựa biển tung bờm trắng xóa

Mắt long lanh nhìn đăm đắm trời xa

Ngựa biển ngựa biển khiến ngôi đền thơ ca thâm u trầm mặc run rẩy và

đổ sụp

Ngựa biển ngựa biển hí vang lừng sung mãn

Sắc màu đung đưa

Phố ngả nghiêng theo nhịp thở hổn hển

Ngựa biển ngựa biển

Không – ai – quên!

 

CHÂN DUNG 42 – PHẠM VĂN VŨ

PHẠM VĂN VŨ

[Nhìn gần…]

Cái thời buổi này

Buộc y phải già trước tuổi

Giữa lúc bậc cha chú hớn hở vui

Vui hớn hở

Khoe một bài thơ không nên viết

Khoe một tập thơ không nên in

Khoe một giải thưởng kiểu chia phần khi đến lượt

Khoe một người bà con xa lơ xa lắc thành đạt

Rưng rưng xúc động trên ngôn từ bóng loáng

Rưng rưng

Y lặng lẽ

Và ngơ ngác

Không ngạc nhiên mà chỉ khẽ lắc đầu

Hình như thở dài ngán ngẩm…

 

Vạn sự nhãn tiền quá

Như hình trên chiếc đèn cù

Quẩn quanh đến thành vô nghĩa

Vô nghĩa hóa thành linh hồn thời đại

Ngấm vào thi ca

Ngấm vào giọng nói

Ngấm vào tiếng cười

Ngấm vào những hội hè yến ẩm sang trọng giả vờ

Ngấm vào yến ẩm chè chén vỉa hè chân thật

 

Vạn sự nhãn tiền quá

Y phát hoảng

Khi nhìn lại ngôi nhà nơi đã sinh ra

Bầu bí dường như đã biến dạng

Biến dạng cả gốc đa già

Biến dạng cả tiếng gà báo sáng

Biến dạng ruộng đồng biến dạng núi rừng biến dạng bản làng biến dạng

câu hát ân tình xưa cũ

Y thấy sợ…

 

Thơ

Thơ

Thơ…

Cũng biến dạng

Trở thành những sáo ngữ

Sáo ngữ của những cây đa cây đề ủ rũ

Sáo ngữ của những ai ai

Y thấy muộn phiền…

Thì vẫn cứ phải sống

Vẫn cứ phải bắt tay

Vẫn cứ phải chúc mừng

Vẫn cứ phải…

 

Nhiều đêm

Chong đèn

Nhìn bóng im lặng trên tường

 

Bài thơ nào cho riêng mình?

 

CHÂN DUNG 43 – VÕ NGUYÊN GIÁP

ĐẠI TƯỚNG

Ông, một Đại tướng huyền thoại

Huyền thoại về ông rất nhiều

Lung linh cầu vồng bảy sắc

Ông, một Đại tướng huyền thoại

Thời hiện đại có những huyền thoại mới

Bảy sắc cầu vồng lung linh

Cầu vồng hiện ra khi trời chuẩn bị trút những cơn mưa lớn

Chuẩn bị bão giông

Bảy sắc cầu vồng tan biến

Đầy trời mây xám chớp xé rách sấm hãi hùng

Ông là Đại tướng của Đảng

Ông là Đại tướng của một nửa Việt Nam

Ông là Đại tướng của Nhân dân, một nửa

Ông là Đại tướng của vô số binh sĩ ngày chiến thắng trở về

Ông là Đại tướng của vô số binh sĩ đã nằm dưới ba thước đất suốt từ

Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam và cả bên kia biên giới…

Ông là Đại tướng của rất nhiều Sĩ quan huân huy chương đầy ngực

Ông là Đại tướng của vô số tướng về hưu, tá về hưy, úy về hưu bơm xe,

bán chè, buôn gà, theo đít con trâu, xuôi ngược tầu chợ cùng chiếc ba lô

sờn bạc

 

Ông là Đại tướng của ngàn pho sách trang nghiêm, của vô số bài thơ,

khúc ca hình như đã nằm trọn vẹn trong trí nhớ và lãng quên

Ông hóa thân vào sân khấu, điện ảnh, điêu khắc, tượng đài và cũng hóa

thân vào tiếu lâm cười ra nước mắt

Những chính khách nói về ông, trang trọng

Những sử gia nói về ông, lạnh lùng

Nhà thơ nào nói về ông giọng vẫn run run

Nhà thơ nào nói về ông giọng tưng tửng

Nơi vỉa hè đường phố nhà thơ dân gian giễu nhại Đại tướng không

quân…

Ông chết rồi vẫn là Đại tướng

Cái chết của ông cũng trở thành huyền thoại

Và hình như cũng gây tranh cãi.

 

Đ.T

Comments are closed.