Tiếng thở dài

Trần Đình Sơn Cước

(tặng những ai còn tin…)

image

1.
Có người
Suốt đời dạy luật
Vẫn không tin “Tam Quyền Phân Lập”(1)
Cuối đời
Thương Việt Nam
Ông nói thật
“CHỪNG MỰC”

Tôi là sinh viên trường luật
                                             Huế
                                                    Sài Gòn 45 năm trước
Thử cùng ông lội ngược
                                       Từ khởi tổ ARISTOTE
                                                                            Đến cha sinh MONTESQUIEU
Cho đến tận bây giờ
                                 Thế giới gập ghềnh
                                                              những nhà dân túy bịp
Ông nói:
     “Làm gì có Tam Quyền”
     “Làm gì có Phân Lập”
Ông xác quyết:
              “Nó là con ngáo ộp”!

2.
Tôi thương tôi
Tội nghiệp
Tuổi trẻ tôi một thời trăn trở
Có phải
               “sách vở dối lừa
                                          hay
                                                cái đầu chọn lựa”(2)
Lửa nhiệt tình tắt ngúm
                                      Thần tượng đổ nhào
Tôi hỏi tôi
                  Đâu là sự thật?

3.
Bới tung lịch sử
Tôi tìm sự thật
Lục tìm góc khuất
Chính văn là mặt thật?

“Tam Quyền Phân Lập”
Không  phải dân tôi “thấp”
Khi đặt “bước chân đầu”
Hiến Pháp độc lập
         Là trò chơi nhu cầu
                 của người cộng sản
“HÀNH XỬ QUYỀN LỰC”
                       Dân chủ
                           Độc tài
                                        Khát máu
Chờ quyền lực đổi màu
             Phải chăng
                             “CHỪNG MỰC”?

4.
MONTESQUIEU đã dặn
             “Có quyền sinh lạm quyền
                         Quyền ngăn quyền
                         Nên cần
                             phân lập”.
Dù bước đi chập chững
Nửa nước tôi xưa
         đã có lần thực tập
                                                   Có đảng đối lập
                                                                                  Có tòa án công tâm
Dù ai  
         bỉu môi
                     hàng giả
Chút “hương” xưa
                              Vẫn còn lan tỏa…

5.
Chính trị Luật gia
Trí trá
          Thật thà
Nâng cốc
               cười khẩy
         “Quyền chặt khúc
         Chặt khúc quyền”
                 Chỉ là “huyền thoại”
Tam Quyền ư?
“Chớ dại”!

6.
Đất nước tôi
Nửa thế kỷ qua rồi
Vẫn như đứng lại

“CHỪNG MỰC”
Là giữ nguyên hiện tại
Tương lai là
          bóng đêm
         Đen mãi

“CHỪNG MỰC”
Là đổi thay
                 gác lại
         Bước khoan thai
                 Bước theo lề phải

Đã 45 năm
Trồng cây trồng người
Cây cao hay cỏ dại
Cây trái tự do
Chết trong sợ hãi

7.
“Chớ dại
Tam Quyền Phân Lập”
“CHỪNG MỰC CẦM QUYỀN”
Mới phải!

“Tiếng vạc kêu sương…?”
Không
Cả một dàn tụng ca
Ếch và Nhái
Nơi đó
Đêm dài
Đêm dài mãi…

8.
Hỡi quê hương nhìn lại
Với tôi
ngăn sao nỗi
Tiếng thở dài…

(Chicago 9/19)
(1) Phần lớn  những chữ trong ngoặc kép được trích từ bài viết “Chừng Mực” của giáo sư Cao Huy Thuần  https://vandoanviet.blogspot.com/2019/08/chung-muc.html#more
(2) Ý trong bài thơ của Nguyện,Văn Chương Việt
(3) Ảnh minh họa, được lấy từ google images.

GHI CHÚ CỦA VĂN VIỆT

Bài trên đây của anh Trần Đình Sơn Cước thực ra là một bài thảo luận với giáo sư Cao Huy Thuần dưới hình thức thơ. Để bạn đọc hiểu hơn, chúng tôi xin đăng dưới đây thư từ trao đổi giữa người biên tập với tác giả.

————————————————————-

Thưa chị:

Vừa qua có một vài sự kiện mà tôi quan tâm: Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Nhà báo Phạm Đoan Trang được tổ chức Phóng viên không biên giới trao giải thưởng 2019 về những hoạt động của bà nhằm quảng bá kiến thức phổ thông luật pháp cho quần chúng. Và bài tham luận trong hội thảo hè 2019 của nhóm trí thức hải ngoại của giáo sư Cao Huy Thuần đã được Văn Việt đăng lại, bài “Chừng Mực”.

Là người làm thơ có chút hiểu biết về pháp luật, tôi thấy không yên tâm trước những khẳng định (cho dù là học thuật) của gs.Thuần áp dụng cho hoàn cảnh Việt Nam hiện tại. Từ thời của gs. Nguyễn Mạnh Tường, ông đã nhận định: “…như thế, việc chia làm ba ngành (LP, TP, và HP) đã ngăn chặn những kẻ độc tài có cơ hội tập trung mọi quyền lực trong tay một người. Nguy cơ tổn hại về kinh tế, xã hội từ những thảm họa gây nên bởi sự độc quyền về chính trị, nói một cách chính xác, bởi những tay chóp bu, có thể được tránh khỏi, hay có thể giảm đến mức tối thiểu” (trích theo bài viết của Nguyễn Khắc Mai đăng trên báo Tiếng Dân. com ngày 16-9-2019).

Hoặc đơn giản như Phạm Đoan Trang xuất bản sách “Chính trị bình dân” để quảng bá cho quần chúng hiểu biết thêm về chính trị, quyền hạn của công dân hầu tạo ra một xã hội dân sự căn bản cho việc xây dựng nền dân chủ…

Thế nhưng, nói như gs. Thuần: “ai cầm quyền cũng được, miễn là cầm quyền chừng mực…” thì vẫn có điều gì cần được thảo luận thêm.

Xin lỗi phải dài dòng với chị như vậy để gởi đến chị bài thơ “Tiếng Thở Dài” của tôi, viết như để góp phần thảo luận với gs. Thuần. Nếu chị đăng được, tôi xin cảm ơn chị.

Chúc chị và ban biên tập sức khỏe.

Kính,

tđsc

————————————————————-

Kính anh,

Chúng tôi nghĩ anh nên đọc bài của Cao Huy Thuần (xin xem http://vanviet.info/van-de-hom-nay/chung-muc/), chứ không nên qua Nguyễn Khắc Mai.

Theo Cao Huy Thuần, “Montesquieu nhắm đến tự do”, cho nên theo Montesquieu, chế độ độc đoán là “chế độ không biết chừng mực” và vì thế “nhất quyết là xấu, tuyệt đối là xấu, xấu từ trong bản chất”. Chuyện “chừng mực” chỉ đặt ra đối với chế độ cộng hòa và chế độ quân chủ, chứ  không phải đối với chế độ độc đoán như chế độ cộng sản.

Sau khi đọc xong, mà anh vẫn giữ nguyên bài thơ của mình, thì chúng tôi sẽ đăng cùng với một chapeau nói rõ ý kiến của anh Cao Huy Thuần.

Tình thân,

Ban Biên tập

————————————————————-

Kính thưa Ban Biên Tập:

Tôi xin cảm ơn Ban Biên Tập đã trả lời.

Tôi xin được trình bày như sau:

1. Tôi làm bài thơ từ những cảm xúc và suy nghĩ không phải qua đọc bài viết của ông Nguyễn Khắc Mai. Tôi nhắc đến ông trong thư gởi nhà thơ Ý Nhi là do tôi trích dẫn đoạn văn ông Mai trích lại từ tác phẩm của cố giáo sư Nguyễn Mạnh Tường.

2. Cảm xúc và suy nghĩ của tôi sau khi đọc, và đọc rất kỹ, bài viết “Chừng Mực” của giáo sư Cao Huy Thuần (CHT) được dăng lại trên Văn Việt. Ghi chú số 1 trong bài thơ của tôi đã ghi rõ đường dẫn của bài viết. Như vậy, bài thơ của tôi bắt nguồn từ khi đọc bài của giáo sư CHT chứ không phải thông qua bài của ông Mai.

3. “Tiếng thở dài” của tôi là tâm trạng của một sinh viên trường Luật cũ khi được đọc bài tham luận của một giáo sư dạy luật, chính trị học lâu năm và danh tiếng. Ông còn là một nhà văn hóa, một nhà văn mà tôi ngưỡng mộ từ rất lâu. “Tiếng thở dài ” của tôi là vì:

a. Ngay từ sinh thời của cố giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, ông đã từng công khai nêu lên cần phải có một chế độ chính trị có phân quyền: Lập Pháp, Tư Pháp, Hành Pháp để tránh họa độc tài. Hậu quả suy nghĩ và việc làm của ông như thế nào thì lịch sử đã cho thấy!

b. Từ trước đến nay, trải qua bao nhiêu là thăng trầm, giới luật học, trí thức, nhân sĩ, đã kiên trì tranh đấu cho một thể chế dân chủ có mô thức “Tam quyền phân lập”. Mới đây, năm 2013, 72 nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước đã “Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp 1992” (gọi tắt là Kiến nghị 72). Nội dung Kiến nghị này có đề cập đến “Tam quyền phân lập”… (theo Wikipedia.org). Trong số người ký kiến nghị này có cả nhà văn Nguyên Ngọc, người chủ trương Văn Đoàn Độc lập hiện nay.

c. Thế nhưng, khi đọc tham luận của giáo sư CHT, là một sinh viên trường luật cũ, lòng tôi hoang mang, không hiểu vì sao thảo luận cho hoàn cảnh Việt Nam hiện tại, giáo sư CHT, 21 năm qua, lại không bao giờ muốn đụng tới mấy chữ “Tam quyền phân lập”? Bằng học thuật, ông chia “cầm quyền” và “hành xử quyền lực”. Ông gác lại “Ai cầm quyền” cho thế hệ mai sau, ông chỉ mong “cầm quyền chừng mực”, “ai cầm quyền cũng được”! …

Là một người làm thơ xa quê hương, luôn ước mơ những điều tốt đẹp cho tương lai đất nước, đọc giáo sư CHT, tôi hoang mang là vì thế! Tôi thở dài là vì thế!

4. Về học thuyết của Montesquieu, là một sinh viên nhiều năm trong giảng đường đại học, và qua sách vở, tôi nghĩ rằng tôi có thể lĩnh hội những kiến thức mà các giáo sư khả kính của chúng tôi, cũng như giáo sư CHT dày công giảng dạy cho tôi và bao thế hệ sinh viên trường Luật trước và sau tôi.

5. Tôi xin cảm ơn Ban Biên Tập nếu bài thơ của tôi được xuất hiện trên Văn Việt. Tôi đồng ý cách xử lý của Ban Biên Tập. Tôi mong rằng bạn đọc sẽ đọc “Tiếng Thở Dài” của tôi như một ý kiến nhỏ góp thêm trong phần thảo luận tham luận của giáo sư CHT. Với tinh thần tôn trọng đối thoại, tôi nghĩ một khi tham luận của giáo sư CHT đã được công bố trên nhiều trang mạng, thì một tiếng thở dài của tôi được vọng lên chắc cũng là điều bình thường.

6. Cuối cùng, cho phép tôi được cảm ơn nhà thơ Ý Nhi về sự làm việc cẩn trọng, lương tâm của chị đối với người cộng tác.

Lần nữa, xin cám ơn và chúc sức khỏe Ban Biên Tập.

Kính trọng,

Trần Đình Sơn Cước

Comments are closed.