Chừng mực

(Tham luận tại Hội Thảo Hè, Porto, 18/19-7-2019)

Cao Huy Thuần

Các anh chị thân mến, trong 21 năm làm Hội Thảo Hè, chúng ta không ngớt bàn về dân chủ, mỗi năm một ý, mỗi người một vẻ, đua nở trăm hoa. Riêng tôi, chưa bao giờ tôi động đến cái chữ “tam quyền phân lập”, chẳng phải vì nó là ta-bu, mà vì tôi nghĩ là hãy còn quá sớm để đi vào chi tiết cụ thể khi điều kiện chưa hội đủ, đầu óc chưa sẵn sàng để bước… ngay cả cái bước đầu tiên. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn tự hạn chế chữ nghĩa vào mỗi cái bước đầu tiên ấy thôi, có lúc tưởng nó nhúc nhích được – dưới thời ông Võ Văn Kiệt – nhưng rồi đâu lại vào đấy, hai chân lễ phép nhường nhau. Năm nay, Hội Thảo nêu lên trọng tâm văn hóa, tôi nghĩ đây là dịp để tôi bộc bạch thêm về cái bước đầu tiên này, bởi vì, đúng vậy, bước ấy chính là bước đi văn hóa. Vả chăng, văn hóa là cái nghề của chúng ta, tán gẫu về văn hóa biết đâu dễ nghe hơn là phô diễn ngôn từ chính trị thời thượng. Vậy thì thế nào là “bước đi văn hóa” mà tôi nghĩ là phải đi trước cả những nguyên tắc nền móng đã dựng xây dân chủ, cả cái nguyên tắc nằm ở đầu môi chót lưỡi mà những người đi trước ta đã gọi là “tam quyền phân lập”? Tôi sẽ đặt cái danh từ ấy nằm trong ngoặc kép, bởi vì làm gì mà có “tam quyền”? Cái danh từ ấy là con ngoáo ộp không đáng sợ, vì nó không có!

Tôi sẽ đi từ nguồn gốc xa xôi của nguyên tắc ấy, từ ông tổ thứ nhất là Aristote, rồi mới nói dài hơn về ông tổ thứ hai đã khai sinh ra nó là Montesquieu. Tôi sẽ cắt nghĩa rằng: cái gì quan trọng trong bất cứ chính thể nào, dù dân chủ hay không, không hẳn là những nguyên tắc thành văn mà chính là những nguyên tắc bất thành văn, nghĩa là những yếu tố văn hóa. Hơn cả lý thuyết, học thuyết, chương trình, cương lĩnh giấy trắng mực đen, một thái độ, một đầu óc, một lối sống trong xã hội, một cách đối xử giữa người với người, những yếu tố văn hóa đã un đúc sẵn từ trước ấy, bàng bạc trong không gian chính trị, ảnh hưởng lên cách hành xử quyền lực khiến cùng một chế độ chính trị như nhau trên nguyên tắc, mà nơi này kết quả tốt xấu khác nơi kia, cùng khuôn mà khác dấu.

Ông tổ thứ nhất, Aristote, phân biệt ba chế độ chính trị mà ông suy ra từ các chính thể của các tiểu quốc trong Hy Lạp cổ: chế độ quân chủ, trong đó một người nắm hết quyền hành; chế độ quý tộc, trong đó một thiểu số nắm quyền; chế độ mà ông gọi là “cộng hòa”, trong đó số đông nắm quyền. Nhưng trước khi phân biệt như vậy, Aristote nhấn mạnh một điểm cốt tử, trọng tâm trong phân tích chính trị của ông: đâu là mục tiêu của quyền lực? Ông trả lời: mục đích của quyền lực là ích lợi chung. Chế độ chính trị nào nhắm đến việc thực hiện ích lợi chung thì đều là chế độ đúng đắn; chế độ chính trị nào chỉ nhắm đến ích lợi riêng của người cầm quyền thì đều là chế độ hư hỏng, thối nát. Tại sao? Tại vì, ông viết, “Nhà nước không có gì khác hơn là một đoàn thể gồm những con người tự do”.

Nhấn mạnh mục đích của quyền lực như vậy rồi, Aristote mới phân biệt ba chế độ chính trị mà ông thấy, nhưng lập tức cả ba đều lại phân ra làm hai tùy theo mục đích nhắm đến. Chế độ quân chủ mà chỉ nhắm đến ích lợi riêng của ông vua thôi thì trở thành chế độ bạo quyền (tyrannie); chế độ quý tộc mà chỉ nhắm đến ích lợi riêng của nhà giàu thôi thì trở thành chế độ thiểu số cai trị (oligarchie); chế độ cộng hòa mà chỉ nhắm đến ích lợi riêng của đông đảo nhà nghèo thôi thì trở thành chế độ mà ông gọi là dân chủ.

Như vậy, có 6 chế độ trong phân tích của Aristote, mỗi 3 chế độ được phân làm hai tùy theo tốt hay xấu, lành mạnh hay hư hỏng. Không phải con số là quan trọng, không phải một người, thiểu số, hay đa số cầm quyền là quan trọng: quan trọng là cách hành xử quyền lực, đúng hướng hay chệch hướng với mục tiêu ích lợi chung.

Nhận lãnh gia tài của Aristote, Montesquieu làm phong phú thêm, mở rộng ra, cải cách để đáp ứng với hoàn cảnh mới của thế kỷ 18. Vừa dựa trên tiêu chuẩn “Ai cầm quyền”, vừa khám phá ra bản chất của mỗi chế độ, ông phân biệt 3 chế độ: cộng hòa, quân chủ, độc đoán. Trong chế độ cộng hòa, ta thấy lại sự phân biệt của Aristote giữa chế độ quý tộc (thiểu số cai trị) và chế độ dân chủ (tất cả cai trị). Cũng giống như Aristote, ông tách chế độ quân chủ ra làm hai, nhưng không phải dựa trên tiêu chuẩn ích lợi chung như Aristote, mà dựa trên một tiêu chuẩn khác: luật. Ông vua cai trị bằng luật, thì đó là chế độ quân chủ; ông vua cai trị bất cần luật mà chỉ bằng tùy tiện thất thường mưa nắng của ông thì đó là chế độ độc đoán (despotisme). Ta thấy lại điều mà tôi muốn nhấn mạnh: trong cả hai ông tổ của việc phân tích chế độ chính trị, ông nào cũng phân biệt hai tiêu chuẩn: cách tổ chức quyền lực (ai cầm quyền) và cách hành xử quyền lực (đúng đắn hay hư hỏng, tốt hay xấu). Xin nhường cho thế hệ sau tiếp tục hội thảo với tiêu chuẩn thứ nhất, thế hệ chúng tôi, cuối đời rồi, chỉ còn nuôi dưỡng cái mong ước được thấy tiêu chuẩn thứ hai hừng lên rạng đông ở chân trời.

Tôi vừa nói: Montesquieu đề ra bản chất của mỗi chế độ. Bản chất, ông định nghĩa, là “cái làm cho chế độ ấy là chế độ ấy”, là “cái tạo thành cấu trúc đặc thù của nó”. Vì vậy mà bản chất của chế độ quân chủ và chế độ độc đoán là khác hẳn nhau. Và bởi vì thời đại của ông là thời đại quân chủ, ông chia hẳn quân chủ ra làm hai để thấy đâu là quân chủ, đâu là độc đoán. Để rõ hơn nữa, ông phân biệt bản chất và nguyên tắc: bản chất của một chế độ là cái làm nó nó; nguyên tắc là cái làm nó hành động. Mỗi chế độ hàm chứa một nguyên tắc, nghĩa là cái tình cảm nung nấu sẵn trong mỗi thành viên của xã hội chính trị khiến cho mỗi chế độ hoạt động phù hợp với bản chất của nó. Trong chế độ cộng hòa dân chủ, nguyên tắc là đức hạnh, có thể hiểu là đức hạnh chính trị, lòng yêu đoàn thể, tính trọng luật của mỗi công dân. Ví dụ thêm để dễ hiểu hơn, “tiền đâu là đầu tiên” thì chắc chắn không phải là đức hạnh rồi. Trong chế độ quân chủ, nguyên tắc là danh dự, trọng danh dự nhiều khi hơn cả trọng tính mạng. Trong chế độ độc đoán, nguyên tắc là… sợ, cái sợ thường xuyên nó làm mình thành ra nô lệ.

Cái sợ ấy là căn bản trong phân tích của Montesquieu. Bởi vậy ông mới tách chế độ quân chủ ra thành hai rành rọt, trong khi ông không chia chế độ cộng hòa ra làm hai như Aristote. Với Aristote, có 6 chế độ trong thực tế. Với Montesquieu, chỉ có ba. Đây cũng lại là điểm mấu chốt để hiểu Montesquieu. Ông cũng phân biệt chế độ tốt và chế độ xấu, nhưng cái chế độ xấu nhất phải tách ra để xem như một chế độ riêng biệt là chế độ độc đoán. Tại sao? Tại vì đó là chế độ không biết chừng mực. Chừng mực (modération): đó là tiêu chuẩn để phân biệt tốt xấu. Chỉ cần chừng mực, chế độ cộng hòa và chế độ quân chủ không phải là xấu. Nhưng đã là độc đoán thì nhất quyết là xấu, tuyệt đối là xấu, xấu từ trong bản chất vì bất chấp chừng mực. Bất chấp chừng mực thì không có, và không thể có tự do. “Tự do chính trị chỉ có trong các chế độ chừng mực”, quả quyết không gì đanh thép hơn của Montesquieu, vì đó là căn bản trong phân tích của ông. Cho nên, tận căn bản, quyền lực đừng lạm dụng quyền lực thì tự do mới được đảm bảo. Tôi nhấn mạnh lần nữa, chắc không thừa: trong Aristote cũng như trong Montesquieu, điều quan trọng nhất là cách hành xử quyền lực. Với Aristote, hành xử quyền lực đúng đắn là nhắm đến ích lợi chung, thực hiện hạnh phúc cho dân chúng; với Montesquieu, hành xử quyền lực tốt là giữ quyền lực ở mức vừa phải, chừng mực. Aristote nhắm đến đức hạnh; Montesquieu nhắm đến tự do.

Từ đó mà nảy sinh ra cái nguyên tắc bỗng nhiên trở thành ta-bu. Nước Việt Nam của chúng ta đã hồ hởi rước nó vào Hiến Pháp đầu tiên ngay từ khi độc lập rồi mà! “Tam quyền phân lập” chỉ là một danh từ, gọi nó là tên gì khác cũng được, giống như gọi “hoa hồng” là “hoa hường”, thì mùi thơm cũng vậy thôi. Mùi thơm mới là thực chất; thực chất của cái danh từ tam quyền tứ quyền gì đó chẳng có gì khác hơn là cách hành xử quyền lực thế nào để cho quyền lực đừng trở thành quá lố đến mức độc đoán, bạo quyền. Đố ai cãi lại được Montesquieu khi ông viết: “Bất cứ người nào có quyền lực đều có khuynh hướng lạm dụng quyền lực“. Vậy thì, “để tránh lạm dụng quyền lực, quyền lực phải ngăn chận quyền lực“. Tự mình không ngăn chận mình được, chắc chắn như vậy và ai cũng vậy cả, thì phải nhờ ai đó ngăn chận giúp mình. Chỉ có thế thôi! “Ai đó” là ai, thiếu gì cách để suy nghĩ. Miễn là thành tâm tìm cách chừng mực hóa quyền lực. Ai cầm quyền cũng được, miễn là cầm quyền cho có chừng mực, thế là tốt. Thế là tự do được đảm bảo. Chừng mực là tiêu chuẩn; phân quyền là phương tiện. Là phương tiện thì chẳng có gì là cứng nhắc, rập mẫu một khuôn. Có thể tưởng tượng ra trăm thứ “tam quyền phân lập” chứ không phải một. Thậm chí ông Michel Debré, thủ tướng đầu tiên của De Gaulle, một trong những người làm ra Hiến Pháp 1958 của Pháp, đã viết trước đó đến mức này: “Không có phân quyền, bởi vì trách nhiệm tổ chức đời sống xã hội là bất khả phân chia. Những Hiến pháp chia quyền hành ra thành từng khúc sẽ đưa xã hội đến tình trạng vô tổ chức”(1). Nói đến thế để đừng xem cái tam quyền tứ quyền ấy là con ngoáo ộp. Nó chỉ là hình thức và có nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề là: ta xem công dân như là những người tự do hay những tên nô lệ. Nếu là tự do thì phải tránh lạm quyền.

Montesquieu chỉ nói thế, và ta hãy hiểu vấn đề cho đúng. Ông phân biệt ba quyền – ba chức năng – nhưng đó không phải là điểm khởi đầu trong suy luận của ông. Ông không bắt đầu bằng chức năng (lập pháp, hành pháp, tư pháp) rồi từ đó phân ra thành ba quyền. Ông bắt đầu bằng việc suy nghĩ làm thế nào để bảo đảm an ninh cho công dân và ông thấy an ninh đó được bảo đảm nếu quyền lực được thăng bằng: từ đó mà ông tưởng tượng ra giả thuyết phân biệt giữa các chức năng. Vậy thì, bây giờ, theo gót Montesquieu, ta cũng có thể tưởng tượng: nếu ta có cách gì làm thăng bằng quyền lực mà không cần phải chặt quyền lực ra thành ba khúc, mỗi khúc hành xử một quyền, thì ai mà chẳng vỗ tay hoan nghênh!

Mà chặt khúc làm sao được! Chặt khúc là chẳng hiểu quyền lực là cái gì. Quyền lực trong nước là chỉ có một thôi! Đó là gì? Là cai trị. Mà cai trị bằng cái gì trong một nước không phải là độc đoán? Bằng luật. Do đó, làm luật là cái chức năng quan trọng nhất. Nhưng đâu có phải chặt khúc cái lập pháp ấy ra rồi giao nguyên xi cho một cơ quan gọi là Quốc hội! Ấy là cái hiểu lầm tai hại nhất sinh ra con ngoáo ộp. Ai mà chẳng biết rằng ngày nay, cơ quan chính yếu đề nghị ra luật là cơ quan mà ta quen gọi là “hành pháp” để chỉ Chính phủ. Chính phủ đâu có phải chỉ làm cái chức năng “hành” luật. Chính phủ còn tham gia vào việc “lập”, mà lại tham gia tích cực hơn cả Quốc hội. Hai cơ quan, nhưng chỉ một chức năng. Chức năng ấy, đâu có chặt nó ra được. Nhưng hai cơ quan cùng tham gia vào một việc thì cơ quan này thăng bằng hóa cơ quan kia, tránh độc đoán, giữ chừng mực.

Bởi vậy, không thiếu gì nhà luật học danh tiếng ở Pháp, quê hương của Montesquieu, gọi “tam quyền phân lập” là huyền thoại. Tôi chỉ trích một tên tuổi thôi ở thế hệ hàng thầy của chúng tôi, Georges Vedel, trích câu này thôi, viết cách đây đã hai mươi năm: “Hãy coi chừng những quan điểm đẹp đẽ về sự phân quyền, chấp nhận mà không xét trước. Montesquieu có con mắt thực tế và biết quan sát sắc bén về đời sống chính trị cụ thể, chắc ông sẽ trở mình dưới mộ nếu ông biết những tín điều mà những người tự xưng là đồ đệ gọi là do ông làm ra. Sự phân quyền, hiểu theo nghĩa đen, là không có. Cách đây hơn bốn chục năm, giáo sư Woodrow Wilson (sau này là tổng thống) đã miêu tả rõ cái quá trình không ngừng gồm những mặc cả, những dung hòa, những thương thuyết ngoài hành lang mà tổng thống Mỹ phải làm để đối phó với Quốc hội”(2).

Hai cơ quan, một chức năng: làm luật. Tùy theo sáng kiến của mỗi nhà lập hiến, sự hợp tác giữa hai cơ quan diễn ra trên thực tế thế nào thì cái mà ta gọi là “phân quyền” sẽ cứng nhắc hay mềm dẻo thế ấy tùy trường hợp, không có tín điều.

Đúng như ông Debré nói, tuy nói hơi quá lời, những hiến pháp tổ chức phân quyền chặt chẽ đều không thể áp dụng được. Hiến pháp đầu tiên 1791 của Cách Mạng Pháp mực chưa ráo đã bị hủy bỏ. Hiến pháp của nước Mỹ, bền bỉ dẻo dai cho đến bây giờ, nhưng thực tế hành xử quyền lực đưa đến một chế độ không mấy phù hợp với ý định ban đầu. Hoặc các nhà làm hiến pháp phải tìm cách thông thái nhất để làm giảm bớt tính chặt chẽ của nguyên tắc phân quyền, hoặc họ định nghĩa lại sâu sắc hơn khái niệm chức năng, hoặc họ làm nhẹ bớt khái niệm quyền lực, tất cả không ngoài mục đích chứng minh rằng sự phân biệt giữa các chức năng không làm cản trở gì sự hợp tác giữa các cơ quan. Nghĩa là, nguyên tắc phân quyền vẫn có thể điều tiết để thích hợp với nhu cầu của thời đại hiện nay là phải có một chính quyền mạnh và hữu hiệu.

Đúng, ở thời đại của Montesquieu, một “chính quyền mạnh” là đáng sợ, bởi vì quyền lực là đáng sợ, và cái đích mà ông nhắm là quyền này ngăn chận quyền kia. Đúng, dưới ảnh hưởng của ông, của Locke, của Blackstone, các nhà lập hiến ở Mỹ đã nghĩ ra cái biện pháp checks and balances ” để các cơ quan (tổng thống, Quốc hội) hãm phanh lẫn nhau. Nhưng thời đại ấy đã qua rồi, nghi kỵ quyền lực không phải là không còn chính đáng, nhưng nghi kỵ đến cái mức bóp chặt không cho chính quyền hành động nữa, vây Nhà nước vào trong một vòng vây càng chật càng tốt, để mọi sáng kiến dành cho cá nhân và xã hội, cái thời đại ấy đã thuộc về quá khứ rồi. Cái còn lại, và còn lại muôn đời, là tự do hay nô lệ của công dân.

Chính vì cái ấy mà Montesquieu tán dương chế độ chính trị ở Anh. Việc làm ra luật, từ khi đề nghị đến khi ban hành, là do cả ba cơ quan cùng tham gia: Vua, Viện quý tộc, Viện dân biểu. Không phải chỉ ba cơ quan thăng bằng nhau, mà cả ba thế lực chính trị lúc ấy cũng thăng bằng nhau, tránh được lạm dụng quyền lực, tiêu chuẩn để phân biệt tốt xấu. Đó là cai trị mà biết tuân giữ chừng mực, triết lý mà truyền thống sống của ta gọi là trung dung. Tác giả mác xít danh tiếng Althusser cười mỉa Montesquieu, cho rằng ông đồng tình chia Quốc hội ra thành hai cơ quan như thế là để bảo vệ thành phần giai cấp của chính ông, giai cấp quý tộc. Cũng đúng thôi: thế lực quý tộc đang xuống, thế lực tư sản đang lên, thăng bằng hai thế lực cũng chính là để ngăn chận quyền lực, thể hiện tự do.

Sau này, thiếu gì hiến pháp cũng tưởng tượng ra một “Viện quý tộc” như vậy – một Thượng Viện – để thực hiện sự chuyển mình từ một chế độ thiếu tự do đến một chế độ tự do hơn cho người dân. Trong những tưởng tượng như vậy, Hạ Viện là do dân bầu, Thượng Viện duy trì một số quyền lợi, một số ảnh hưởng của thế lực đã biết đến lúc mình không còn, mà cũng không nên, nắm giữ tất cả quyền lực trong tay nữa. Cái biết đó mới là khó, làm ra hiến pháp để thể hiện cái biết ấy chẳng có gì khó. Thậm chí ở Anh, cũng chả cần phải viết ra hiến pháp nữa, cứ lấy tập tục bất thành văn mà ứng xử. Cách hành xử quyền lực quyết định tất cả.

Bây giờ đây, ai cũng thấy, cũng lo lắng trước hiện tượng biến thể của chế độ dân chủ trong các nước dân chủ Tây phương. Cũng “tam quyền phân lập” cả trên giấy tờ, nhưng Viktor Orban ở Hung đang gây ra một dây chuyền biến thể độc tài trên thực tế trong các nước Đông Âu. Còn ôi thôi, tại quốc gia đầu tiên xây dựng được một hiến pháp dân chủ, nước Mỹ, một ông tổng thống đang bị tố cáo là làm hủ hóa ngay cả lý tưởng dân chủ. Cái gì làm một chế độ dân chủ thực hiện được dân chủ? Yếu tố văn hóa là quan trọng hàng đầu. Mà hai đặc điểm căn bản trong đó là khoan dung và chừng mực. Tôi mượn lời của hai tác giả Mỹ vừa xuất bản sách ở Mỹ: “Tất cả mọi hệ thống chính trị đều dựa trên những nguyên tắc bất thành văn. Trong chế độ dân chủ, hai yếu tố ấy là quan trọng hơn cả. Khoan dung bao hàm ý nghĩa rằng ta phải tôn trọng đối thủ của mình, không xem đối thủ là kẻ thù. Nếu đối thủ được bầu, ta không được phản đối tính chính đáng của người ấy. Và sự chừng mực thì quá trọng yếu trong chính thể tổng thống. Nếu tổng thống, tuy tuân thủ luật, nhưng dùng quyền hành của mình đến mức quá đáng, điều đó có thể làm lũng đoạn nguy hiểm chế độ”(3).

Đó là điều mà ông Trump đang làm. Ông nói dối như Cuội, ông lừa đảo, ông tiền hậu bất nhất, ông suy nghĩ không dài quá mười câu trong tweets, ông khoái khẩu vị của fake news, cứ thế ông làm mưa làm gió, độc diễn trên sân khấu. Cách ông hành xử quyền lực không phải là cách mà dân chúng quen nhìn. Nhưng ông đang là mẫu mực của các tay dân chủ giả hiệu ở Đông Âu. Ông đánh mất hình ảnh dân chủ của nước Mỹ.

Hình ảnh và lý tưởng đó, các nước Tây Âu đang cố giữ trước bão tố của các thế lực cực hữu. Vấn đề nổi cộm hiện nay vẫn là vấn đề mà tôi nhấn mạnh từ đầu, tôi mượn thêm câu nói của một triết gia hàng đầu vừa mất ở Pháp: Không phải là nguyên tắc dân chủ, mà là làm cách thế nào để thể hiện nguyên tắc ấy. “Các định chế – triết gia Marcel Gauchet ấy nói – trước sau gì cũng luôn luôn chỉ là do những người sử dụng nó hình thành ra. Sử dụng nó thế nào thì nó là thế ấy trên thực tế. Tất cả đều do ở sự khôn ngoan minh triết của các nhà chính trị và ở khả năng của họ biết kiềm chế ảo tưởng của quyền lực”(4). Ông Marcel Gauchet muốn ám chỉ tổng thống Macron đang vất vả với cơn khủng hoảng “áo vàng”. Tôi xin dài dòng nói thêm vài câu, không ra ngoài đề.

Cùng một hiến pháp cả (1958, tu chính 1962), và cùng một ông tổng thống ấy thôi, vậy mà ông Macron, mới được bầu chưa đầy hai năm, bắt buộc phải đưa ra hình ảnh một ông tổng thống khác, không ở trên thượng tầng chín bệ như Jupiter nữa, mà bay là là xuống đất, cầm micro giao lưu ngang ngửa với bàng dân thiên hạ, chất vấn không ngừng, trả lời không ngừng, từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối, hết nơi này đến nơi khác, tự do, bình đẳng. Đâu có phải hiến pháp làm ông thành khác. Quyền lực của ông vẫn thế. Nhưng cách hành xử quyền lực không thể tiếp tục như trước được nữa. Ông không ngự trên trời, ông không đậu dưới đất, ông thừa thông minh để biết giữ thái độ vừa phải.

Tôi không phải đồng chí đồng rận gì với ông Macron khi đem ông vào đây; tôi biết tôi đang nói chuyện về Montesquieu. Chính vì Montesquieu mà tôi xin thêm vài hàng nữa về ông Macron. Để đối phó với khủng hoảng “áo vàng”, ông mở một mặt trận “đại thảo luận” khắp nước Pháp như tôi vừa nói, và ông kết thúc bằng “đại thảo luận” với ai? Với trí thức. Đại trí thức đủ mọi ngành, văn học, triết học, xã hội học, sử địa học, phân tâm học, kinh tế học, khí hậu học… chất vấn ngang xương, trả lời đâu vào đấy, suốt 8 giờ 10 phút không ngừng, cho đến 2g30 sáng. “Khó mà tưởng tượng một cuộc gặp gỡ như thế ở tòa Bạch Ốc”, đó là câu bình phảm của một đại trí thức không phải của phe ta (5). Ủa, hay thế, cùng là “tam quyền phân lập” cả mà! Mà sao ván cờ của một tay bợm vô văn hóa, vô trí thức, khác với cách chiếu tướng của một chàng trí thức đến thế! Đâu phải chỉ nguyên tắc dân chủ là làm nên dân chủ! Bao nhiêu “tam quyền phân lập” trên thế giới chỉ cốt để làm nên dân chủ giả cầy.

***

Trở về lại với Hội Thảo của ta. Trong 21 năm làm hội thảo, tôi đã nói là tôi chưa bao giờ động đến chữ “tam quyền phân lập”, không phải vì sợ cái chữ ấy có chứa ngòi thuốc nổ gì, mà chỉ vì mọi nguyên tắc đều phải được hiểu đúng đắn trong quá trình lịch sử của nó để áp dụng cho thích hợp trong một thời đại khác, tại một thửa đất văn hóa khác. Trong 21 năm, tôi đã mơ ước có ngày không khí chính trị thông thoáng hơn, cởi mở hơn, tin cậy hơn, mở đầu cho những thảo luận thực sự trí thức, thực sự khoa học, trong sáng như gương. Không khí chính trị ấy là bước đầu. Bước đầu không phải là để cãi nhau về nguyên tắc, học thuyết, tam quyền tứ quyền, điều này điều nọ trong hiến pháp, cương lĩnh hay gì gì đó. Bước đầu là một thái độ văn hóa. Khoan dung là văn hóa. Chừng mực là văn hóa. Đừng coi những người tỏ bày ý kiến xây dựng với mình là kẻ thù. Đừng coi trí thức là kẻ thù. Thế là văn hóa. Hãy coi bất cứ cực đoan nào cũng đều là phản văn hóa. Nói như vậy có gì mới chăng? Đâu có! Ấy là văn hóa truyền thồng của nước ta.

Dù có những lúc đạo Nho là thống trị, nước ta chưa bao giờ có tôn giáo độc tôn. Mà ngay trong đạo Nho, trung dung là tinh yếu. Giữ thái độ vừa phải, không thái quá, không bất cập, ấy là an lạc cho bản thân, điều hòa trong xã hội. Đạo Phật xây dựng cả một triết lý sâu thẳm về trung đạo mà chỉ cần một hình ảnh tầm thường thôi là cũng đủ để tu: chơi đàn thì phải căng dây đàn vừa phải, tiếng nhạc mới tròn.

Từ Montesquieu, tôi thường tự hỏi: tại sao cùng một chế độ quân chủ cả, quyền lực không khác, mà chế độ chính trị thời nhà Trần khác với nhà Lê hay nhà Nguyễn? Phải chăng cả Lê lẫn Nguyễn đều đưa Nho giáo lên địa vị thống trị, trong khi nhà Trần áp dụng thật đẹp tôn chỉ “tam giáo đồng nguyên”? Một bên là thái quá, một bên là dung hợp? Thế chẳng phải là vì cách hành xử quyền lực khác nhau? Dung hợp giữa ba tôn giáo chưa đủ, dung hợp cả trong cách tu: “thiền tịnh đồng tu”. Chưa hết đâu: cả Lê lẫn Nguyễn, và cả trong cái văn minh quân chủ mà Lê Nguyễn học thuội từ cái đại quốc thiên triều kia, ở đâu thấy có, dù chỉ là một ý nghĩ thoáng qua thôi, về một Hội Nghị Diên Hồng? Vẫn chưa hết, cái này thì Montesquieu ở dưới mồ chắc sẽ he he lên một tiếng khoan khoái: ở đâu, trên khắp thế giới quân chủ, và nhất là quân chủ ở thiên triều, ngay cả cơ quan và chức năng Vua cũng chia hai, có Vua và có Thái Thượng Hoàng? Ở đâu, trên khắp thế giới quân chủ, có một ông vua lỡ say rượu, phải quỳ trước sân rồng để tạ tội như vua Trần Anh Tông? Tổ tiên ta đã tưởng tượng đến thế, sao ta không tưởng tượng tiếp để đưa thành hiện thực trên giấy tờ mà cứ học thuộc như vẹt? Chính vì chấm dứt tưởng tượng mà bạo chúa làm tiệt nòi minh quân. Thế nào là minh quân, thế nào là bạo chúa? Nếu không phải vì cách hành xử quyền lực khác nhau thì là gì?

Vậy thì xin miễn cho tôi làm chiến tranh nguội, hẩm, hay nóng với những câu hỏi về nguyên tắc trong lúc này. Văn hóa hãy bắt đầu, hãy đi trước chính trị. Bước đầu hãy là bước đi văn hóa. Hãy từ bỏ cực đoan trước đã. Hãy nhắm ích lợi chung trước đã. Hãy biết yêu tự do, ghét nô lệ trước đã. Hãy có tinh thần trọng luật trước đã. Hãy tạo thăng bằng trong nội bộ và nội tâm trước đã. Hãy sáng kiến, hãy tưởng tượng. Hãy biết làm người gãy đàn trước đã, căng dây vừa phải. Dân vừa phải với quyền lực. Quyền lực vừa phải với dân. Hai bên cùng chừng mực đối xử với nhau để đi đến nguyên tắc thành văn. Ấy là văn hóa.

Mong rằng đây không phải là tiếng vạc kêu sương trong đêm dài.

Chú thích:

(1) Michel Debré, La République et ses problèmes, Plon, 1952, tr. 38.

(2) Georges Vedel, La Constitution de 1958, Comité national chargé de la publication des travaux préparatoires des institutions de la Vè République, Document pour servir à l’histoire de l’élaboration de la Constitution du 410-1958, Vol. 5. Commentaires sur la Constitution (1958-1959), La Documentation française, 2001, tr. 345.

(3) Steven Levitsky & Daniel Ziblatt, How Democracies Die, Phỏng vấn trong Le Monde des livres, 8-3-2019. (4) Marcel Gauchet, Phỏng vấn trong Le Monde, 12-3-2019. (5) Michel Wieviorka, Xem tường thuật trong Le Monde, 20-3-2019, trang 8 và trang 29.

© Thời Đại Mới

Nguồn: https://viet-studies.net/

Comments are closed.