Từ đạo thơ, thơ thành Đạo của Phan Huyền Thư

Như Quỳnh de Prelle

Image result for đạo thơ phan huyền thư amazon

Lần đầu tiên tôi đọc thơ của Phan Huyền Thư từ chính tuyển tập của chị, chứ không phải trên tạp chí hay phương tiện nào. Phải nói rằng hành trình gặp gỡ này rất dài dòng và lắt léo bởi tính lịch sử của nó, hay nói đúng hơn là thời đại của chúng tôi. Như tôi có viết Tôi đến từ tháp rùa, không phải vì tôi được sinh ra ở đó, Hà Nội hay thủ đô mà tôi được trưởng thành từ chế độ ấy, không gian khí hậu văn hoá ở đó. Tôi biết nhiều chuyện của gia đình Phan Huyền Thư từ những chuyện kể khác nhau, và tôi đọc thơ chị từ lúc tôi không có ý định làm nghề viết để sống. Hành trình ấy kéo dài giữa những lát cắt của biến cố, sự ngưng lại… nhìn thấy. Tất cả đều khác đi, thay đổi. Tôi cũng thế. Trở thành một người viết thơ hoàn toàn bằng thời gian sống của mình, không như mong đợi nhưng lại là từ chính bản thể của mình. Tôi viết từ nhỏ. Cho đến khi thấy chính mình từ những ấu thơ sinh thành của tôi, những đứa trẻ.

Tôi đọc Đạo thơ trong cảm thức ấy, không bộn bề suy nghĩ mà tối giản nó bằng sự dũng cảm. Dũng cảm từ chính tác giả, từ chữ của Thơ. Chữ của Thi ca. Đạo thơ.

Đạo thơ tên tập thơ hay phần đầu tiên của tập thơ với 11 bài. Chị tự bạch và dám nhận mình đã đạo thơ và thơ của Phan Huyền Thư đã thành đạo trong tâm trí và con người chị bởi viết, viết và viết. Sự nỗ lực để viết và viết. Chữ tràn trong tập thơ này của Phan Huyền Thư như sự thức tỉnh của đạo. Có lẽ sau những biến cố nghề nghiệp, sau những lặng im. Sau tất cả những gì số phận dành cho cô ấy. Cô ấy tìm mình ở chữ, khẳng định chết và sống với Chữ dù cô ấy làm những công việc đa dạng khác nhau. Thơ trong máu thịt trong đôi mắt, ánh nhìn, trong những mơ hồ.

Tôi thích Tập khóc, Buồn, Xa vắng… Có lẽ là phần nguyên sơ còn lại duy nhất của người đàn bà đủ nếm mùi vinh danh, định kiến và số phận. Chả lẽ đến lúc này mới tập khóc hay tập khóc như một sự giả vờ của đời, của những gương mặt trần gian. Đa phần thơ của Thư viết trong năm 2016, lác đác 2015 và 17. Thơ của Thư trong khối mâu thuẫn của một thế hệ giữa khát vọng quá lớn và những tìm kiếm chính mình giữa hư và thực, giữa những chế độ khác nhau, đời sống khác nhau. Thư thành danh sớm, ra ngoài sớm. Thư có gì? Cô có tất cả đời sống đa dạng và kết nối. Nhưng cô phải trở về, phải sống trong vũng lầy dù không phải việt cộng, không phải đảng viên nhưng cô trong bầu khí hậu ấy, sinh quyển ấy. Chất chứa chuyện đời, nỗi buồn, sự phân vân, định dạng. Cũ kỹ không nhiều đột phá và sáng tạo nhưng cô nhấn chìm mình trong đó, với chữ và buồn. Tôi đọc lại tập thơ này vài lần sau khi nhận được dù trong thời gian không nhiều. Tôi tìm thấy dòng tiểu sử của cô, cô sinh ngày 19/2, ngày cuối cùng của cung hoàng đạo Bảo Bình, bước sang một cung hoàn toàn khác Song Ngư. Một Bảo Bình của tự do và điên rồ ở giai đoạn kết thúc và một Song Ngư của những đa đoan, phân vân. Biểu tượng của cá. 2 con cá ngược chiều nhau. Hay thay đổi. Nguyên tố là Nước. Thơ của Phan Huyền Thư đủ đầy đặc tính này, nữ tính, lãng mạn và tiềm thức. Chữ của cô là tiềm thức.

Tôi nhận ra chàng thơ của Thư lảng vảng đâu đó giữa không khí xa xôi, mờ ảo, ẩn hiện không hình hài mà bằng tinh thần và phức cảm. Giữa những chơi vơi và chơi vơi. Thư có sự liên kết liên văn bản với nhiều người, nhiều chân dung. Sự nhạy cảm thiên phú ấy cho người đọc thấy cô sinh ra để sinh thơ và trần tình với thơ. Chỉ có thơ mới cho cô cái tình ấy, sự thấu rõ ấy giãi bày, thể hiện. Những bài nào cô viết trong cô độc và một mình, không có ghi chú nào cả ngoài thời gian, với tôi là những bài đạo nhất của Thư, những bài đậm chất riêng và đủ trầm tích, nỗi đau. Đọc thơ của Thư giữa một mùa thu đang rụng chín, tơi bời, tôi hình dung những khắc khoải, vỡ tan. Cô ấy đối diện, chìm ngập trong những không gian ấy, thời gian ấy, chao đảo. Thơ như một phần đời sống khác, hoàn toàn khác. Đó là niềm hạnh phúc của tâm hồn trí tuệ hay sự khổ đau của lịch sử, thời cuộc. Cô có tất cả trong một gia đình nghệ thuật, học hoàn toàn về nghệ thuật và văn chương, âm nhạc và phim. Hiếm một ai có cái cơ hội độc nhất ấy, toàn vẹn ấy trong những đổ nát tự thẳm sâu hay một sự rạng rỡ chói loà của bi kịch.

Nếu Thư đổi mới hình thức và cách thức, từ cách đặt tiêu đề của thơ, tôi tin thơ Thư hay hơn, ấn tượng nhiều hơn. Dù tất cả các tiêu đề của Thư đều đã đặc biệt với những dấu chấm. cạnh nhau, có khi sẽ nhầm và khó ai viết chính xác đến được. Hoặc chưa bao giờ ai nói với Thư rằng, Thư cần khác đi của viết, cần dừng lại để thanh lọc chính mình để thơ Thư thênh thang hơn, mới hơn như những gì cô sẵn có, tài năng và thiên bẩm, hoàn cảnh và số phận. Nhưng Thư bây giờ đã khác hoàn toàn tuổi đôi mươi trước đó, dù thơ của cô vẫn hay như thời đó, nhưng sau bằng đó năm, thơ ca Việt Nam đã đi đến đâu, hẳn bạn đọc là những người hiểu rõ nhất, đối tượng của mình, tình yêu thi ca của mình. Một thế hệ khác đã xuất hiện sau đó và Thư vẫn là chính Thư, một ngôi sao.

Một nỗ lực để trở lại, tiếp tục. Một sự dũng cảm. Đó chỉ có thể là tinh thần của thi ca. Vì thi ca. Tôi có cơ hội gặp Thư trong tập in chung Khát/Khác cùng với những bạn thơ khác. Tôi gặp chị chính thức ở đây, trong Đạo thơ tôi có may mắn đọc bằng bản giấy.

Thư

Cô ấy tập khóc

tự khai lý lịch

tự cười mình

Cô ấy tìm chữ giữa những chân dung

trong bầu khí quyển

những cột đèn

cờ đỏ sao vàng

Cô ấy buồn

trong vườn tao đàn của thi ca

nước mắt phù sa

giữa những chơi vơi và tan biến

giữa những kiếm tìm và sự thật

Cô ấy tồn tại

viết

như sự nương náu duy nhất

tinh thần của Nước

Hai con cá ngược chiều nhau

sự tự do có biên độ

giới hạn như những bắt đầu

Có những tập thơ như của Thư, thi ca của chúng ta nhìn thấy rõ gương mặt của nhau, tinh thần của nhau. Bởi chúng ta đang sống cùng thời đại nhìn về giá trị của bao dung, của những sửa chữa sai lầm, bế tắc. Chúng ta chỉ thành thật khi trái tim mở ra chứa trong đó tình yêu, sự vô hạn của chia sẻ và kết nối. Tôi nhìn thấy cả thời gian trưởng thành của mình khi có trong tay tác phẩm này. Tôi đã thành người khác của thời thanh xuân cùng bầu khí hậu đó và ở một chân trời khác luôn hướng về.

Nhìn thấy nhau, ở Thơ và Thơ.

Ôm

Những trái tim

Đạo thơ

Nhà xuất bản Nhân Ảnh, Hoa Kỳ và amazon, 2018

Trích thơ Phan Huyền Thư trong tập thơ Đạo thơ, Nhà xuất bản Nhân Ảnh và amazon, Hoa Kỳ, tháng 9/2018
2.    Đ.Ạ.O.T.H.Ơ

Dù bạn có đọc thơ tôi hay không,
dù bạn có hiểu thơ tôi hay không,
dù bạn có thích thơ tôi hay không

Tôi vẫn viết.

Dù bạn có ghét tôi đến đâu
dù bạn có chê bai tôi thế nào
dù bạn có dày vò, đay nghiến tôi ra sao

Tôi cứ viết.

Bởi vì tôi biết,
ngay cả mai sau 
chết đi rồi

Tôi vẫn sẽ viết.

Tro cốt tôi cũng là câu thơ
mộ chí tôi cũng là bài thơ
tên tôi cũng là tứ thơ

Tôi đã viết.

P/s: Khai bút. Ngày thơ 2017 – Nguyên Tiêu, Đinh Dậu

6.    T.H.I.Ê.N.H.À

Trong chữ của các anh
có cờ đỏ,
có liềm,
có búa,
có kim chỉ nam,
có mặt trời sáng tỏ,
có trái tim hồng
và rất nhiều lời hứa…

Trong chữ của bạn tôi
có chua cay,
có nức nở,
có đay nghiến
và nhiều đổ vỡ,
có không ít kim sa
và những khúc tự ru mình…

Trong chữ của tiền nhân
không có chứng nhân,
chẳng có lịch sử,
Không nhạc điệu,
cũng chẳng cần khí phách,
Chỉ thấy thân phận,
hạo nhiên
và dòng đời…

Còn tôi,
tôi không dám có chữ…
Chỉ có nước mắt,
máu
và sự im lặng
thiên thanh …

Những đám mây
bầm đen
màu huyết dụ.
Thỉnh thoảng
lại lác đác
vài hạt thuỷ tinh đỏ
phóng ngược lên thiên hà…

Thiên hà?
Chỉ dành cho những ai
thực sự muốn bay tới đó
Khi triệu triệu mặt trời
cũng chỉ là bụi lửa
rồi tàn tro….

Trò chuyện với Thủy tinh đỏ của thi sĩ Phan Đan 06.06.2015

8.    L.Ặ.N.G.

Một người lạ bảo tôi:
Đọc thơ chị nặng vì phải suy nghĩ.

Một người quen bảo tôi:
Đọc thơ bạn thấy đời vô thường.

Một người thân khẽ khàng:
Đọc em, chị thấy rõ cái ác đức hạnh.

Một tri kỷ ngậm ngùi:
Sao thấy sợ cái đúng lưu manh…

Bạn ơi,
Đọc hay không đọc đâu phải điều tôi cần.
Sợ hay không sợ đâu phải điều tôi muốn…
Thế giới hàng ngày tôi đang sống,
khiến tôi phải lặng người nghĩ suy.

Lặng.
Chọn việc thật cần và bắt tay làm
không bi bô như đứa trẻ con
khoe mình vừa làm được việc tốt.

Lặng.
Nhắc mình, bớt soi gương mỗi sớm
để tự nhìn vào chính mình chân thật,
xem nỗi buồn có tầm thường quá không,
kiến văn mình viển vông, vụn vặt…

Lặng. Và nhìn.
Ngoài kia biển Đông uất nghẹn.
Trên núi cao trẻ con rét mướt.
Trong góc tối người già bệnh tật.

Gần ngay đây những người mẹ ngất lịm
vì nhịn ăn đóng tiền học,
và nhịn mặc để đưa con đi thi.

Những người ông, người bà
đi xin sữa, nhặt lon nuôi cháu.
Người cha bán nhà xuống ống cống ngủ qua đêm
chờ ngày các con xin được việc.

Lặng. Để thấy.
Mọi khổ đau đều hiện thực,
họ mưu sinh bằng những việc cần nhất,
không cần giả vờ ngây ngô thắc mắc:
“Đất nước mình lạ quá phải không anh?”

Lặng. Để hành động.
Bạn ơi, khi uống một cốc bia,
hút một điếu thuốc, mua một bó hoa đẹp,
như chiếc vé số cảm xúc vô thưởng vô phạt…
Bạn đừng quên thưởng thức nó
trong vị đắng cay của khổ đau và tuyệt vọng
từ hàng triệu cặp mắt đang lặng nhìn…

Cũng như
khi đối diện với trang giấy trắng,
tôi luôn tự nhắc mình điều rất thật:
Ẩn sau mỗi câu thơ đẹp
cẩn có một khoảng lặng
đủ để nghe thấy
tiếng nhân sinh thở dài.

1.    T.Ậ.P.K.H.Ó.C.
Tập khóc trong mưa xuân
Nước mắt bay bay bụi
Nụ hoa trễ nải chúm chím nhủ thầm
Làm sao gian dối được xuân?

Tập khóc giữa cơn dông
Nước mắt mịt mù gió lốc
Sám hối trút lá cuống quýt về  quanh thân gốc
Cớ gì hạt bụi trách cứ sầu đông!

Tập khóc với dòng sông
Nước mắt ngược thượng nguồn hoá thân
Giễu nhại gì giọt sương trên đỉnh phù vân 
long lanh hư ảo…

Tập khóc
Tập khóc
Tập
để khóc thật
Khóc thật
Khóc
Thật

Vẫn không thể khóc!
Ơn trên
Lâu nay người cho con hình hài giọt lệ
Hoá thạch nỗi buồn
Nên bất hạnh kim cương.

29. March. 2016

4.    L.Ụ.Y.T.Ì.N.H.

Suốt cả trăm năm…

Sợ anh bất hạnh
Sợ anh tự dày vò
Sợ anh bị cô lập
Sợ anh vướng dị nghị
Sợ anh sẽ nản chí
Sợ anh dễ thất vọng
Sợ anh sớm dao động
Sợ anh đành bỏ cuộc…

Những nốt sợ hãi căng lên
hợp âm say đắm và thất vọng mỗi ngày
Không kém gì nỗi sợ hãi được toại nguyện
để rồi nhận lại vô ơn, bạc bẽo…

Em nấp vào thản nhiên
Quang hợp những nhịp lá đêm
Thức theo trăng thượng tuần, bạch lộ.
Trên cành huyền La Hán
nằm tương tư bảng lảng
Rút ruột nhả những sợi ngôn tình
Dệt chiếc kén “dạ cổ hoài lang”

Trong suốt một bất lực
Luỵ tình
U minh…

08.Sept.16

7.    Đ.Ư.Ờ.N.G.V.Ề.N.H.À.

Nhà của em
là nơi bàn tay anh mở từng nút áo
cho bóng hoàng hôn vỡ oà ngực đêm

Nhà là nơi tiếng thì thầm anh gọi
tên em nằm sâu trong cuống họng
lặng câm

Là nơi núm vú em
xoay chiếc chìa khoá không cùng của tuổi
Chẳng cần say đắm thêm
Khi đam mê xác thân đang tự ăn chính mình
Kẻ thù siêu hình của chúng ta
là sự thông minh vô nghĩa.

Là nơi anh đem giọt tình cuối cùng
đến cuối đường hầm ẩm ướt
để nhận ra một hạt mầm cô độc, trong em.
Xác thân anh ở đâu thì nhà em ở đó.

Về nhà
là khi em giữ đứa trẻ băng giá trong lòng
nằm dưới thân hình anh nóng bỏng
như chiếc chăn ấm 
ẩn nấp trong máu và da thịt anh
bằng giấc ngủ vùi.

Về nhà
Tóc em sẽ cháy bùng
ngọn lửa hoang dại trên gương mặt anh
Em sẽ rút thật sâu hơi khói
bằng ngọn nến cháy rực trong ánh mắt anh.

Em đang trên đường
Về với anh
người đàn ông
tâm trí
sức mạnh
chỉ thuộc về riêng em.

Nhà của anh
là nơi anh ở
sâu trong em.

25,August,2017

3.    T.I.N.Đ.Ồ.N.

Đi qua cánh đồng chỉ thấy gió thì thào
ngan ngát tin đồn.

Đi qua dòng sông chỉ thấy ì oạp mạn thuyền
lao xao tin đồn.

Đi qua văn phòng công sở chỉ thấy mặt nạ vô hồn
khúc khích tin đồn.

Đi qua chiếc giường thấy gối chăn bơ phờ
nhầu nhĩ tin đồn

Đi qua thành công của một hiền nhân
chan chứa tin đồn.

Đi qua thất bại của kẻ ngã ngựa
hả hê tin đồn

Đi quanh quan tài lần cuối của người vừa khuất
khảo dị tin đồn.

Ở xứ sở thị phi
những đứa bé khóc chào đời trong tin đồn
khi cha mẹ chúng hát ru khe khẽ dưới huyệt mộ
bằng khói của những nén hương…

April, 8th, 2017 (13.03.Đinh Dậu)

5.    X.A.V.Ắ.N.G.

Nàng xuống phố với chiếc váy xoè bay bay lời xin lỗi.
Những con chữ nhảy nhót trong nắng theo tiếng cười giòn.
Ánh mắt nàng lấp lánh niềm vui của người chiến thắng.

Những bài thơ đã bục chỉ, ố vàng được là lượt phơi phóng,
thơm lên mùi băng phiến tài năng.

Mỗi ngày,
nàng lại đứng trước gương
và khoác lên mình những bộ trang phục khác nhau của chữ.
Tất cả đều được tự tay nàng cắt may từ những lời thoá mạ và rao giảng
trong dòng thác thịnh nộ của đám cuồng tin.
Vì họ tung hô nàng như một nạn nhân thánh thiện.
Vì nàng đã đau khổ cả một dòng sông đợi chờ, ly biệt.
Vì nàng đã buộc được lời xin lỗi của ai đó
cho con thuyền thơ mình neo lại bến thanh danh.

Mỗi ngày,
nàng lại gầy hơn với những bộ cánh
may bằng lời xin lỗi.
Khi ngắm mình trong gương
nàng ngạc nhiên
vì đã lâu rồi
không có chiếc váy mới nào
được nàng cắt may từ sự bao dung mẫn tiệp.
Những con chữ cay nghiệt cứ héo hon dần
vì không thể nhởn nhơ tươi thắm.
Có hận thù nào khoả lấp nổi thời gian?

Những chiếc váy của nàng như bị đốt cháy
thành những lỗ thủng khét lẹt của văn nhân.

Nàng chợt buồn khi tao đàn đã ném
chiếc váy miệt thị của nàng vào quên lãng.
Đám đông đã rầm rộ tuần hành
về phía những giọt nước mắt
còn đang sắp sửa nóng lạnh.
Họ cần phải trút
những cơn trầm uất tập thể và sự thất vọng
xuống một đại dương hoảng loạn chơi vơi…

Một ngày,
ban mai êm dịu nghẹt thở,
tiếng chim lảnh lót
gọi thơ của nàng dưới vòm cây như nức nở.

Phải biết khóc vì không có bụi mận gai.

Không mặc vào chiếc váy xin lỗi
Không còn những con chữ nhảy nhót
Không thoa lên chút son phấn của người thắng trận.
Nàng tìm mình mãi trong gương mà không thấy mặt
Nàng xoay vòng mấy lần không thấy hình hài thi nhân
Nàng vô hình,trong suốt.

Nhận ra mình là một làn khói ảo vọng.
Những vần thơ của nàng chảy lênh láng
dưới nền gạch đá của thi đàn.
Chiếc váy
may bằng lời xin lỗi băng giá đã tan…

Không khoác lên mình “những hận thù xa vắng”
Nàng
chỉ là một cơn gió hoang mang…

8.August.2016

Comments are closed.