Từ “Vụ Nhã Thuyên” nghĩ về việc đổi mới tư duy trong dạy và học môn văn ở phổ thông

Quách Hạo Nhiên

1. Mới đây, một lần nữa việc đổi mới việc dạy học môn văn ở phổ thông lại được đại diện Bộ Giáo dục tuyên bố và hứa hẹn sẽ đổi mới “từ gốc và toàn diện”. Phát biểu trong buổi “Hội thảo Dạy học môn Ngữ Văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông” do trường Đại học Sư phạm TP HCM tổ chức ngày 25/4, PGS TS Đỗ Ngọc Thống – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng “Cụ thể là phải thay đổi tư duy của người làm chương trình, người dạy và người học. Đặc biệt là thay đổi chương trình đào tạo sư phạm trong các trường CĐ, ĐH để những thầy cô giáo tương lai không bị sa vào lối dạy truyền thống” [1].

Phải thừa nhận quan điểm này của ông Thống là đúng và cần thiết. Tuy vậy, trong bối cảnh và tình hình chính trị, xã hội nước nhà hiện nay, nhất là từ thực tế “vụ án Nhã Thuyên”; qua cách tư duy của lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội – nơi trực tiếp đảm nhận việc đào tạo giáo viên phổ thông – khi xử lý Nhã Thuyên, có thể thấy chuyện “đổi mới từ gốc và toàn diện” mà ông Thống nói có khi mãi mãi chỉ là một giấc mơ buồn.

2. Nhìn lại lịch sử lần phát động “thay đổi tư duy” của người Việt Nam mấy mươi năm qua (kể từ Đại hội Đảng 1986) và lần “đổi mới tư duy” trong kỳ thay sách giáo khoa môn Văn gần đây nhất, sẽ thấy vấn đề ông Thống nói là vấn đề cũ mèm,”biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Mấy mươi năm qua nếu người Việt Nam chịu “đổi mới tư duy” thật sự thì có lẽ đất nước Việt Nam đã “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” lâu rồi chứ không phải là một nước bị bè bạn quốc tế đánh giá là lạc hậu, nghèo nàn không tương xứng với tiềm lực về văn hóa, tiềm năng về con người cùng sự giàu có về tài nguyên do thiên nhiên ban tặng.

Cho nên, trên thực tế, từ lâu lắm rồi chuyện “đổi mới tư duy” là một khát vọng, mong mỏi và đòi hỏi chính đáng của nhiều thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, nhà nghệ sĩ chân chính đối với những người lãnh đạo đất nước, nhưng tiếc thay đến nay đây vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời. Thậm chí trong nhiều trường hợp những cá nhân nào hăng hái “thực hành” việc đổi mới nhận thức và tư duy có khi sẽ phải gánh lấy hậu quả rất thê thảm. Cứ đọc bản nhận xét đầy những “nghịch lý văn chương và thông điệp đẫm máu” [2] của ông PGS TS Phan Trọng Thưởng về luận văn khoa học của Nhã Thuyên thì tự khắc mọi người sẽ hiểu. Xin dẫn ra đây vài đoạn tiêu biểu từ bản nhận xét khoa học theo kiểu”cả vú lấp miệng em” [3] của ông Thưởng để thấy rõ hơn vấn đề này:

Với quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên cứu một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm không chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động.

Do tính chất nguy hiểm của những tư tưởng chính trị và học thuật sai lầm của luận văn, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nghiêm túc kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm từ khâu giao đề tài đến khâu tổ chức đánh giá luận văn, để bảo vệ uy tín cho cơ sở đào tạo và cho nhà trường.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra khá phức tạp hiện nay, nếu để lưu hành luận văn này sẽ gây tác hại không chỉ đến văn học, nghệ thuật mà còn gieo rắc những tư tưởng nổi loạn, chống đối, gây mất bình ổn trong đời sống chính trị, tư tưởng, tác động tiêu cực tới thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong nhà trường[4]

Thử hỏi ông Phan Trọng Thưởng là ai mà nhận thức và tư duy về một công trình khoa học như vậy? Tại sao, vấn đề đổi mới tư duy vốn đã được Đảng phát động từ năm 1986 đến nay nhưng kết quả thu về là bản nhận xét mang nặng cái nhìn định kiến và quy chụp chính trị tàn khốc kia? Lẽ nào ông Thưởng lại không biết mấy mươi năm trước các văn nghệ sĩ đã từng rầm rộ “thực hành” việc đổi mới tư duy về những vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật nói chung? Thật ra, làm sao mà ông Thưởng không biết chuyện này bởi ông nguyên là Viện trưởng Viện Văn học quốc gia kia mà. Và hiện tại theo những thông tin “tự thuật” trên trang web của Viện Văn học thì ông Thưởng là “nghiên cứu viên cao cấp, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu văn học, Trưởng Khoa Văn học – Học Viện KHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận phê bình VHNT Trung ương, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam” [4].

Thì ra, vấn đề ở đây không phải ông Thưởng không biết gì về chuyện “đổi mới tư duy” mà vì lý do nào đó ông ta kiên quyết không chịu thay đổi mà thôi. Ở góc nhìn văn hóa, bản nhận xét luận văn của Nhã Thuyên cho thấy ông Thưởng rất không xứng đáng đại diện cho tiếng nói của những người đang tham gia vào việc”sản xuất và tuyên truyền văn hóa” ở Việt Nam trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Bởi lẽ theo tôi, ông Thưởng không được trang bị “hai đặc điểm cơ bản của văn hóa hiện đại” như cách nói của nhà nghiên cứu Bùi Văn Sơn Nam dưới đây:

Hai đặc điểm cơ bản của văn hóa hiện đại và cũng là hai điều kiện của công cuộc hiện đại hoá văn hoá là sự phi-trung tâm hoá và sự phản tỉnh toàn diện. Nếu phi-trung tâm hoá tạo điều kiện cho sự hình thành ý thức về tự do và tính chủ thể của con người hiện đại, thì phản tỉnh toàn diện sẽ củng cố thành quả ấy và là cơ sở cho năng lực phê phán và cách tân văn hoá”[5].

Như vậy, có thể thấy ông Thưởng và những người cùng quan điểm với ông vừa không có ý thức về”văn hóa hiện đại” vừa không có ý thức về “văn hóa phản tỉnh” nhưng lại là người có tiếng nói và sự tác động mạnh mẽ đến quyết định xử lý Nhã Thuyên, là người “kiểm duyệt” sau cùng tất cả những vấn đề liên quan đến nhận thức, tư tưởng, văn hóa của con người thì đó là một bi kịch cay đắng và xót xa, là nỗi hổ thẹn cho nền văn hóa, khoa học và giáo dục nước nhà.

3. Đến đây có thể nói, việc ông Thống cho rằng để cứu môn văn ở trường phổ thông thoát khỏi sự khủng hoảng hiện nay, nhất định phải “đổi mới từ gốc và toàn diện, nhất là thay đổi tư duy của người làm chương trình, của những người biên soạn sách, của việc đào tạo giáo viên văn ở các trường đại học sư phạm, của giáo viên phổ thông đang trực tiếp đứng trên bục giảng… tuy rất đúng nhưng rất tiếc là vẫn chưa trúng. Chưa trúng ở chỗ xác định “cái gốc” thật sự để thay đổi trước tiên.

Thử hình dung, hiện tại ông Thống là Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, thường trực Ban Biên soạn chương trình và SGK phổ thông, dẫu cho ông muốn thay đổi tư duy gì đi nữa thì liệu có vượt qua được “ải” kiểm duyệt mà ông Thưởng với tư cách là Phó Chủ tịch, thường trực Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương và những người cùng quan điểm với ông ta ở cấp cao hơn nữa (Hội đồng Lý luận Trung ương) đang ngày đêm “canh gác” không?

Một vấn đề nữa, việc ông Thống và nhiều người khác cho rằng vấn đề dạy văn ở phổ thông thời gian qua chủ yếu là do giáo viên dạy theo kiểu”truyền thụ kiến thức một chiều mà không chú trọng đến việc tiếp cận để hình thành năng lực, kỹ năng sống cho học sinh”. Cứ tạm cho nói như vậy là đúng đi vậy thì nguyên nhân nào đưa đến tình trạng này? Có phải lỗi này hoàn toàn do giáo viên phổ thông không? Đỗ hết lỗi này cho họ có liệu có công bằng không? Xin thưa, giáo viên suy cho cùng chỉ là một mắt xích nhỏ trong cả một hệ thống quan điểm giáo dục áp đặt một chiều, cả hệ thống quan điểm chính trị không cho người dân có cơ hội trao đổi, đối thoại, phản biện thẳng thắn mà ra. Giáo viên phổ thông chỉ là người thừa hành sự chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo (từ trung ương đến địa phương), từ Bộ Giáo dục, từ các ông bà giám đốc Sở Giáo dục thông qua các văn bản chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết, sách giáo khoa, sách hướng dẫn giáo viên do Bộ Giáo dục phát hành…

Nhưng thôi, dù thế nào thì giáo viên phổ thông cũng ít nhiều phải chịu trách nhiệm, bởi suy cho cùng họ là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Vì thế sắp tới đây, theo ông Thống, giáo viên phổ thông nhất định phải thay đổi tư duy trong cách dạy nhằm nhằm hướng đến việc phát triển năng lực tư duy, năng lực phản biện, cá tính sự sáng tạo, kỹ năng sống cho học sinh… Thực lòng mà nói, rất hoan nghênh và hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của ông Thống, tuy vậy cũng xin được mạo muội hỏi một câu: liệu trong bối cảnh hiện nay các ông có dám đặt ra mục tiêu trong tương lai việc dạy văn ở phổ thông phải làm sao tạo ra nhiều Nhã Thuyên như hôm nay không? Bởi luận án Thạc sĩ của Nhã Thuyên là gì nếu không phải là một cái nhìn thể hiện tư duy độc lập và sáng tạo; cho thấy năng lực phản biện trong nghiên cứu văn chương nghệ thuật của cá nhân cô? Đó là chưa nói đến bản lĩnh, sự dũng cảm của một cô gái dám lựa chọn một đề tài gay góc, nhạy cảm trong “bối cảnh đấu tranh tư tưởng đang diễn ra rất phức tạp” như cách nói của ông Phan Trọng Thưởng.

Hay cụ thể hơn, sắp tới đây nếu biên soạn mới chương trình sách giáo khoa môn văn ở phổ thông các ông có dám đưa vào những bài thơ như: Tạ lỗi Trường Sơn của Đỗ Trung Quân, Nhìn từ xa Tổ quốc, Đánh thức tiềm lực… của Nguyễn Duy, hay những câu thơ trong bài Ai? Tôi của Chế Lan Viên dưới đây để dạy cho học sinh nhằm rèn luyện và phát triển năng lực và tư duy phản biện của các em không?

Mậu Thân hai ngàn người xuống đồng bằng
Sau một đêm chỉ còn có ba mươi
Ai chịu trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó?
Tôi!
Tôi – người viết những câu thơ cổ vũ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia từ mặt trận trở về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ
Ai chịu trách nhiệm vậy? Lại chính là tôi

Người lính cần một câu giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tối xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười!

***

4. Tóm lại, nói gần nói xa không qua nói thật, chính những bộ óc lãnh đạo không chấp nhận quan điểm và triết lý giáo dục “khai phóng”; chỉ muốn mượn giáo dục để nhào nặn ra những “con người công cụ” hơn là “con người tự do” (như cách nói của TS Giáp Văn Dương); chính những bộ óc không thừa nhận và không tôn trọng sự đa dạng của con người trong khi thưởng thức, nghiên cứu, thẩm định giá trị của những tác phẩm văn chương nghệ thuật mới là “cái gốc” cần phải triệt để thay đổi trước tiên. Đây mới thực sự là “cái gốc” quyết định và chi phối toàn bộ quan điểm và mục tiêu giáo dục nói chung, chi phối quan điểm và mục tiêu dạy học môn văn nói riêng ở xứ ở này từ cấp tiểu học cho đến cấp sau đại học (và không chỉ môn văn mà còn với các môn khoa học xã hội và nhân văn khác như: lịch sử, đạo đức, triết học…).

 

Nói cách khác, nếu không thay đổi tận gốc thói quen nhận thức cùng lối tư duy chính trị hóa văn chương nghệ thuật nói chung (vốn ăn sâu vào máu, vào tận xương tủy) của những người lãnh đạo và trực tiếp quản lý văn hóa văn nghệ từ trung ương đến địa phương hiện nay thì đừng bàn đến chuyện đổi toàn diện việc dạy và học môn văn làm gì cho mất công.

 

Q.H.N.

———————-

Chú thích:

[1]: Xem tại http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-se-do-i-mo-i-toa-n-die-n-vie-c-da-y-va-ho-c-mon-van-2983078.html

[2] Xem tại http://vanviet.info/thu-ban-doc/hien-tuong-ca-vu-lap-mieng-em-cua-ong-psg-ts-phan-trong-thuong/

[3] Xem tại http://vanviet.info/phe-binh-gioi-thieu/nghich-ly-van-chuong-va-thong-diep-dam-mau/

[3]: Xem tại http://vanviet.info/phe-binh-gioi-thieu/pgs-ts-phan-trong-thuong-de-hieu-ro-hon-thuc-chat-cua-mot-luan-van/

Tác giả gửi Văn Việt.

[4] Xem tại: http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/gioithieu/Lists/PhongTapChiNghienCuuVanHoc/View_Detail.aspx?ItemID=3

[5] Xem tại: http://www.tinmoi.vn/van-hoa-phan-tinh-01678928.html

 

Comments are closed.