Điệp tử thư trung và một số trao đổi với Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Nguyễn Hoa Lư[1]

1. Có một khảo cứu dài hơn 5 ngàn chữ viết về một bài thơ 60 chữ (kể cả đầu đề) của cụ Tố Như. Khảo cứu đưa ra lập luận chấn động, rằng đây là “một trong những bài thơ hay nhất, và kỳ lạ bậc nhất của Tố Như”. Tác giả lý giải thêm rằng “xưa nay nó mới chỉ được điểm qua, chưa hề được phân tích bình giải một cách thấu đáo… Có lẽ, bởi tính chất kỳ lạ và trừu tượng đến khó hiểu của nó?”. Khảo cứu có tên Điệp tử thư trung – Bài thơ kỳ lạ nhất của Nguyễn Du của Mai An Nguyễn Anh Tuấn (MANAT)[2].

Bài này được viết lên từ cảm hứng mà MANAT gợi lên, với mong muốn góp phần tìm hiểu thật “thấu đáo” bài thơ này.

2. Muốn hiểu được bài thơ, cần để ý hai yếu tố sau đây.

Thứ nhất, Điệp tử thư trung được viết trong khoảng 1802-1804, thời Nguyễn Du làm quan ở Bắc Hà. Từ năm lên 10 và liên tục suốt 20 năm, ông hứng chịu những mất mát nặng nề của số phận. Ở tuổi 30, từ quê vợ (mới mất) ở Thái Bình, ông về quê nội Nghi Xuân ở ẩn 6 năm. Sau đó, vị quan – nhà thơ 37 tuổi, giữ chức quan ở huyện nhỏ, nhất châu hà sự tiểu công danh (Ký hữu) với thể chất ốm yếu, tóc bạc, trong quán khách xa nhà ôm nỗi sầu vô hạn (Thanh minh ngẫu hứng).

Thứ hai, đất nước hàng chục năm liên tục chìm ngập trong khói lửa của chiến tranh. Trịnh Nguyễn phân tranh. Đằng ngoài thì vua Lê chúa Trịnh thối nát. Rồi cuộc nổi dậy của người anh hùng áo vải cờ đào Bình Định và Quang Trung lên ngôi hoàng đế. Cuộc bình định của Nguyễn Ánh, Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong (Long Thành Cầm giả ca). Đất nước vừa hết khói lửa chiến tranh, bắt đầu vương triều Gia Long. Sự tàn phá của thời gian và loạn lạc khiến Thiên niên cự thất thành quan đạo/ Nhất phiến tân thành một cố cung (Những ngôi nhà lớn nghìn xưa nay thành đường cái quan/ một tòa thành mới xóa đi cung điện cũ). Trong hoàn cảnh như thế, chốn quan trường chắc hẳn nhiều nhộn nhạo, hiểm ác và nhiều bất trắc.

Dễ hiểu, hai năm làm ông luôn có tâm trạng nhớ nhà, buồn nản. Ông than thở với bạn “Tôi như viên ngọc trong đá không giữ được nguyên vẹn cái chân diện mục. Tại một châu huyện xa này, sá kể gì chút công danh. Khi sinh ra vốn chẳng có cái cốt cách phong hầu, vậy nên rồi cũng có ngày tìm về kết bạn với hươu nai” (Ký hữu).

Hai năm làm quan, 18 bài thơ được sáng tác trong giai đoạn này, Điệp hữu thư trung là một trong số đó.

3. Một buổi chiều muộn, sau một ngày làm việc quan, Nguyễn về nhà, vô thư phòng đọc sách. Trời nhá nhem, lũ đom đóm đã bắt đầu lập lòe bên cửa sổ, không đọc được chữ. Không gian thinh lặng, tiếng mối đục nghe rõ. Từ trong cuốn sách Nguyễn nhìn thấy một con bướm bị chết khô. Ông ngồi trầm ngâm rồi rất nhanh, bài thơ viếng con bướm chết được viết lên. Ông viếng con bướm, an ủi nó và cũng bày tỏ nổi niềm của mình.

Này là con bướm nhỏ,

Sau cửa sổ thư phòng này, ngươi từng bao lần nhiễm hương thơm của sáh vở. Vậy nên việc ngươi từ bỏ đời phong lưu với cỏ cây hoa lá sao lại nói là ngông cuồng được?

Ngươi dù bạc mệnh nhưng còn chút duyên nên được lưu vào sách vở. Chỉ tiếc hồn tàn của ngươi không còn nước mắt để khóc cho những “cổ kim hận sự” được viết ra trong đó.

Con mọt sách có thể dễ khiến tỉnh mộng phồn hoa nhưng lũ đom đóm kia làm sao đốt cháy được mộng văn chương này?

Thôi thì, sáng nghe được đạo lý, chiều chết cũng cam lòng. Ngươi chìm trong sách vở, vẫn hơn bận lòng với hoa thơm, bướm nhỏ ạ.

Chúng tôi vừa thử hình dung bối cảnh và cả gan diễn nôm Điệp tử thư trung.

Nguyên văn bài thơ như sau:

蝶死書中

芸窗曾幾染書香,

謝卻風流未是狂。

薄命有緣留簡籍,

殘魂無淚哭文章。

蠹魚易醒繁華夢,

螢火難灰錦繡腸。

聞道也應甘一死,

淫書猶勝為花忙。

Điệp tử thư trung

Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương,

Tạ khước phong lưu vị thị cuồng.

Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch,

Tàn hồn vô lệ khốc văn chương.

Đố ngư dị tỉnh phồn hoa mộng,

Huỳnh hoả nan hôi cẩm tú trường.

Văn đạo dã ưng cam nhất tử,

Dâm thư do thắng vị hoa mang.

Chúng tôi muốn bình luận một số vấn đề liên quan đến chữ nghĩa từ bản dịch và những kiến giải trong bài viết của MANAT.

4. Bắt đầu với hai câu đề:

Thư phòng bao lâu nay nhiễm hương thơm của sách,

Từ bỏ vị phong lưu không thể cho là dại.

Câu dịch thứ hai có nhiều điều cần xem xét lại. Đầu tiên người đọc sẽ bối rối với cụm từ “vị phong lưu”, chẳng lẽ người dịch lại không biết trong nguyên văn, vị [未] có nghĩa là chưa, không…khác với vị [味] với nghĩa là vị (của cảm giác biết được nhờ đầu lưỡi, hay ý nghĩa, hứng thú. Tào Tuyết Cần có câu: “Mãn chỉ hoang đường ngôn, Nhất bả tân toan lệ, Đô vân tác giả si, Thùy giải kì trung vị?” (Đầy những trang giấy chuyện hoang đường, Một vũng nước mắt chua cay, Đều bảo tác giả ngây, Ai giải được cái ý vị ở trong đó?).

Hai chữ không thể trong Từ bỏ vị phong lưu không thể cho là dại không chính xác. Không thể là một khẳng định, nguyên bản dùng vị thị – chưa thể có sắc thái nhún nhường, bao dung hơn. Nguyên bản còn dùng tạ khước, thì tạ [謝] ngoài nghĩa từ chối còn có nghĩa nhận lỗi.

Chữ cuối của câu thơ, cuồng [狂] có nghĩa là cuồng, ngông, ngạo mạn… Nhiều bản (như bản dịch của Mai Quốc Liên) đều dịch nghĩa là dại. MANAT còn say sưa bàn về chữ khôn dại, dẫn cả Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong tiếng Việt, nghĩa của “cuồng” rất xa với “dại”. Càng bàn, càng xa với nguyên bản.

Để hiểu hai câu này, chúng ta cần nhớ, Nguyễn Du đang viếng con bướm chết, Nguyễn đang an ủi con bướm chết khô giữa tập sách. Chúng tôi đề xuất cách hiểu:

Sau cửa sổ thư phòng, [bướm] từng bao lần đượm hương thơm của sách

[Vậy nên việc ngươi] từ bỏ cảnh sống phong lưu chưa hẳn đã là cuồng.

Phong lưu chỉ một đời sống dễ chịu, đầy đủ của con bướm giữa hoa lá cỏ cây. Hai chữ “Phong lưu đã quá thông dụng trong tiếng Việt. Trong Kiều có câu: “Phong lưu rất mực hồng quần/ Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, hay gần kết “Phong lưu phú quý ai bì/ Vườn Xuân một cửa để bia muôn đời”. Trong ngôn ngữ chúng ta dùng đời sống/ cảnh sống phong lưu còn vị phong lưu là gì? MANAT giảng về hai chữ “phong lưu” với nhiều những lý lẽ trùng điệp viện dẫn cả Đào Duy Anh đến Kinh Thi.

Trong đà cảm hứng, MANAT dẫn câu thơ “Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không còn nghĩ đến chuyện rong ruổi, Đường danh lợi làm luỵ đến sự khóc cười. Người thì tiều tuỵ, nhưng xuân vẫn cứ đẹp (Anh hùng tâm sự hoang trì sính/ Danh lợi doanh trường luỵ tiếu tần/ Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo – Xuân tiêu lữ thứ) …” và cả quyết rằng tâm trạng Nguyễn Du khi viết câu thơ này là đã “hết nghiệp chướng mới thấy tấm lòng xưa nhẹ nhõm”. Chúng tôi lại cho rằng “danh lợi doanh trường lụy tiếu tần” là một trong những câu thơ đau đớn nhất của Tố Như. Trường danh lợi làm lụy đến cả cái cách khóc cười! Sau này, trước mộ Đỗ Thiếu Lăng, ông viết, mỗi lần đọc đến câu “áo mũ nhà nho thường làm lụy đến thân”, lại một lần khóc thương người đất Thiếu Lăng ngàn năm trước. Câu thơ của Đỗ Phủ ám ảnh suốt đời ông và “danh lợi lụy tiếu tần” đã chịu ảnh hưởng từ câu thơ và nỗi đau của Đỗ Phủ.

5. Hai câu thực:

Mệnh tuy bạc, nhưng cũng có duyên lưu lại với sách,

Hồn tàn không có nước mắt khóc văn chương.

Tác giả an ủi con bướm bằng lời lẽ giản dị, không có gì “hóc hiểm” như MANAT bình luận. Đời phong lưu mà phải chết, mệnh tuy bạc, nhưng được lưu lại cùng sách vở. Chết rồi thì còn đâu nước mắt khóc văn chương. “Văn chương” ở đây được hiểu là “những điều trong thấy mà đau đớn lòng” viết trong sách vở, hoàn toàn không phải là khóc “cho những khát vọng ông chưa thực hiện được cho văn chương cho đến giây phút ấy” như MANAT hiểu.

MANAT viết “Khóc (khốc) mà lại không thể ra nước mắt, đó mới là cái khóc đau đớn, cái khóc bi kịch”.

Trong tiếng Hán có khốc [哭] là khóc to thành tiếng, khác với khấp [泣] là khóc không thành tiếng. Hình thức khóc khác nhau, không liên quan gì đến mức độ bi kịch và sự đau đớn của người khóc. Chúng ta quá quen câu thơ “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, theo tiêu chuẩn “bi kịch” của MANAT, có nên sửa lại câu thơ thành “thiên hạ hà nhân khốc Tố Như?”

Hai câu thơ trên mang phong cách “tả thực” về con bướm chết, rất dễ hiểu vậy mà MANAT dành quá nhiều tâm huyết để “giải mã”. MANAT viết: “Điều ám ảnh lớn của Nguyễn Du bất chợt trở lại trước cái chết của con bướm vô tư lự, khiến ông phải một lần nữa tự vấn về ý nghĩa đời mình, về con đường văn nghiệp khổ ải mà ông đã lựa chọn, như chúng đã bao lần giày vò ông…”. Càng lý giải, càng đi xa, mịt mù trong chữ nghĩa.

Chúng tôi cho rằng, hai câu thơ tiếp theo mới gây bối rối cho người mới đọc.

6. Đó là hai câu luận:

Con mọt sách dễ tỉnh giấc mộng phồn hoa,

Lửa đom đóm khó đốt cháy được tấm lòng gấm vóc.

Nhiều câu hỏi được đặt ra ở đây. Ai tỉnh giấc mộng phồn hoa? (Theo bản dịch thì con mọt sách, nhưng con mọt sách thì liên quan gì với giấc mộng phồn hoa? Và dị tỉnh – dễ tỉnh là gì? Tấm lòng gấm vóc là của ai? Lòng gấm vóc vốn đẹp, vì sao lửa đom đóm lại [phải/ muốn/ cần] đốt cháy? Huỳnh hỏa dịch là lửa đom đóm đúng không? (Nếu đúng thì hai vế không đối xứng: con mọt sách không đối xứng với lửa [của] con đom đóm).

Trước hết ta có:

+ “Cẩm tú trường” có nghĩa là tài văn chương. Kiều có câu Xem thơ nức nở khen thần/ Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường.

+ “Huỳnh hỏa” có nghĩa là con đom đóm (chứ không phải là lửa đom đóm). Đỗ Phủ thời lưu vong làm quan làm bài thơ Thấy đom đóm, Kiến huỳnh hỏa (見螢火). Tâm trạng của Đỗ Phủ và của Nguyễn Du khá giống nhau:

巫山秋夜螢火飛,

簾疏巧入坐人衣。

忽驚屋裡琴書冷,

Vu sơn thu dạ huỳnh hoả phi,

Liêm sơ xảo nhập toạ nhân y,

Hốt kinh ốc lý cầm thư lãnh.

Ở núi Vu Sơn, đêm mùa Thu đom đóm bay/ Rèm thưa, đom đóm khéo vay vào đậu trên áo người ngồi/ Chợt sợ hãi vì trong phòng đàn sách lạnh giá.

+ Huỳnh hoả nan hôi cẩm tú trường. Chữ “hôi” nhiều người dịch là đốt cháy. Theo chúng tôi hôi ở đây có nghĩa làm lụi tàn. Cao Bá Quát có câu Phạm kiếp dục hồi quân khán thủ (Há Hạ Châu tạp ký), nghĩa là Kiếp Phật sắp tàn ông thấy đó.

Hai câu này, Nguyễn Du đang nói về chính mình. Thời mười năm gió bụi, ông từng viết:

Cao hứng cử vô hoàng các mộng/ Hư danh vị phóng bạch đầu nhân.

Đã lâu rồi không còn cao hứng với những giấc mộng giàu sang phú quý, vậy nhưng hư danh vẫn chưa buông tha người đầu bạc.

Vậy là rõ, và chúng tôi tạm đưa ra lời dịch nghĩa:

Mọt sách dễ làm [ta] tỉnh giấc mộng phồn hoa

[Nhưng] đom đóm khó làm tàn [khát vọng] văn chương [trong ta].

Giấc mộng phồn hoa chỉ cần nghe tiếng một con mọt sách là bừng tỉnh. Nhưng cái mộng cẩm tú trường (dẫu biết hư danh) vẫn lẽo đẽo không chịu buông tha, lũ đom đóm khó làm lụi tàn được.

7. Hai câu kết:

Được nghe đạo lý rồi chết cũng cam,

Ham mê sách còn hơn mải miết đắm đuối vì hoa.

Câu thứ nhất dễ hiểu, tác giả nói với con bướm chết và cũng là câu tự răn mình. Câu thơ lấy ý từ Luận ngữ, cuốn kinh sách quan trọng nhất của các nhà nho. Sự đắc sắc, tuyệt bút nằm ở câu cuối, Dâm thư do thắng vị hoa mang. Viếng con bướm chết và bày tỏ nỗi lòng của người viết. Dâm [淫] có nhiều nghĩa nhưng trong bài thơ có nghĩa là chìm đắm, say đắm. Chìm đắm là để tả thực con bướm chết trong sách và với nghĩa say đắm nói lên một nét quan trọng trong tính cách của Nguyễn Du. Về bản chất, trước hết ông là một người rất sách vở.

Mang [忙] đơn giản chỉ có nghĩa là bận rộn. Sau này, trên đường đi sứ, Nguyễn Du viết Tiếu ngã bạch đầu mang bất liễu (Cười cho ta đầu bạc bận rộn mãi chưa xong. Đông A sơn lộ hành). Vị hoa mang trong nguyên bản được không hề đề cập nhiều ý tứ như MANAT say sưa suy diễn “mải miết đắm đuối vì hoa”.

Câu dịch Ham mê sách còn hơn mải miết đắm đuối vì hoa vừa không sát nghĩa vừa làm mất đi cái thần diệu trong cách dùng từ của Tố Như. Chúng tôi đề xuất cách hiểu:

Nghe được đạo lý cũng đành cam chịu chết

Đắm say trong sách vở còn hơn bận rộn vì hoa.

8. Bài thơ đơn sơ viếng con bướm chết trong sách, qua đó cũng nói về nỗi lòng dù ít ham phú quý vẫn lẽo đẽo giấc mộng văn chương và vẫn cố sống đời sống chính thống, theo đúng kinh sách của một nhà nho.

Quá nhiều lý luận cổ kim được dẫn ra trong bài viết của MANAT. Từ giấc mộng hóa bướm của Trang Chu và tâm thức phương Đông đến các biểu tượng của Ki tô giáo và Kinh Thánh, từ Aristotle và G. W. F. Hegel đến những tư tưởng “mới mẻ” của Charles Mauron với “những huyền thoại cá nhân”, từ Nhà tiên tri của thi hàoAlexander Pushkin đến các mâu thuẫn xúc động của nhà khoa học L. S. Vygotsky… tất cả những tư tưởng đồ sộ đó chồng chất lên một con bướm mong manh giữa hai trang sách có thể không công bằng và xa lạ với Tố Như chăng?

Liên quan đến con bướm, có một học thuyết khoa học nổi tiếng, xuất hiện đầu những năm 70 của thế kỷ trước với tên gọi Hiệu ứng bươm bướm. Tác giả của nó, nhà khoa học E.N. Lorenz đã tóm tắt học thuyết đó bằng một câu nói trở thành kinh điển: Chỉ cần một con bướm vỗ cách ở Brazil có thể gây nên một trận cuồng phong ở Texas. Con bướm trong trang sách của cụ Tố Như hơn 200 trước, với đôi cánh mong manh tàn lụi cũng khiến hậu thế xôn xao mê đắm! Đó chẳng phải là điều kỳ diệu sao!

Nha Trang, tháng 1 năm 2022.

[1] nguyenchinh.math@gmail.com

[2] http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/diep-tu-thu-trung-bi-tho-ky-la-nhat-cua-nguyen-du/

Comments are closed.