Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?

Nguyễn Hoàng Văn

Lướt mắt qua mục “Tin thế giới” trên báo chí Việt ngữ thể nào tôi cũng có cảm giác ăn bánh chưng phải sạn với cách “Việt hóa” những chức danh công quyền Tây phương nhưng, nghĩ lại, với tiếng Việt của bộ máy công quyền Việt Nam thì, có khi, nói hơi quá, cái bánh ấy lại là một thứ bánh… sạn.

Với những chức danh nước ngoài thì, theo lý, khi dịch chúng ta phải căn cứ vào chức năng chứ không thể bám sát mặt chữ. Ngoại trưởng Mỹ là ông Antony Blinken và nếu bám thế có lẽ chúng ta phải gọi ông “Secretary of State” này là “Bí thư quốc vụ” hay, thoáng hơn một chút, là “Quốc vụ khanh” hoặc, cho có mùi Tân Hoa xã, là “Bí thư quốc vụ viện”. Thế nhưng ngoài chức năng quá rõ ràng của “The Secretary of State” thì, phần đông, các nhà báo của chúng ta chủ yếu bám trụ mặt chữ, tỷ như “Treasurer” mà họ, bữa tỉnh bữa say, lúc thì “Bộ trưởng Tài chính”, khi là “Bộ trưởng Ngân khố”.

Như ông Rishi Sunak, Thủ tướng Anh. Theo báo chí Việt Nam thì trước đây ông từng làm “Bộ trưởng Tài chính” nhưng trên thực tế vai trò “Treasurer” mà ông từng nắm giữ, hay danh xưng chính thức “Chancellor of the Exchequer”, là vai trò của nhà điều hành nền kinh tế quốc gia: cái “Treasury” mà ông từng cai quản là Bộ Kinh tế còn ông thì, dĩ nhiên, lúc đó phải là Bộ trưởng Kinh tế. [1]

Bộ Kinh tế Anh bao hàm cả lĩnh vực tài chính nhưng tại Úc thì khác, dù Úc có cấu trúc chính quyền tương tự Anh. Nội các Úc có cả Finance Ministry, tức Bộ Tài chính và, có lẽ, vì vướng điều này nên chức danh “Treasurer” của Úc không được các nhà báo chúng ta xem là “Bộ trưởng Tài chính” mà, sát mặt chữ hơn, là “Bộ trưởng Ngân khố”. Nhưng gọi thế cũng là hạ thấp vai trò của nhà điều hành nền kinh tế quốc gia khi chỉ cho đi giữ kho bạc, cũng giống như bà Marilynn Malerba, Bộ trưởng Kinh tế Mỹ, đều đều bị báo chí Việt Nam tùy hứng hạ bậc, khi thì cho nắm ngành tài chính, lúc thì cho đi giữ kho tiền.

Ông Merrick Garland, với chức danh “Attorney General”, được gọi là Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền liên bang Mỹ nhưng bà Letitia James, cũng cùng một chức danh như thế của chính quyền tiểu bang New York, chỉ được cho làm “Tổng chưởng lý”. Chỉ đơn giản mở trang web của bà, đọc lướt qua câu “As head of the Department of Law, the Attorney General is both the “People’s Lawyer” and the State’s chief legal officer” sẽ thấy ngay rằng bà là Bộ trưởng Tư pháp của tiểu bang chứ không phải là cái danh vị tương đương với “Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân” của Việt Nam ngày nay. [2]

Đó chỉ là chuyện dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Đáng nói hơn là cách mà bộ máy công quyền của chúng ta “dịch” tiếng Việt của dân tộc sang… tiếng Việt của riêng mình, vốn từng gây tranh cãi ầm ĩ với cách dụng từ buồn cười như “thu phí – thu giá” hay đều đều làm ngôn ngữ rối lên với những cách dụng từ khác thường, nào là “kỹ sư kinh tế” của một thời, nào là nào là “hành chánh sự nghiệp”, v.v.

Khi tiếng nói của dân tộc bị biến thái như thể thứ tiếng của riêng của một nhóm người thì, đầu tiên, có lẽ phải bàn đến ý niệm của họ về… dân tộc, một cái sai đã tràn lan suốt mấy chục năm nay. “Dân tộc” bị dùng sai trên các mẫu đơn hành chánh. “Dân tộc” bị hiểu sai trong các phát ngôn chính thức. Và “dân tộc” bị sai trong khẩu ngữ, trong ngôn ngữ báo chí và, thậm chí, còn đi vào cả từ điển, một cái sai đã được điển chế hóa!

Những ai từng hì hục viết tay mẫu đơn “Sơ yếu lý lịch” kê khai họat động chính trị của tam đại nhà mình rồi nhẫn nhục mang ra công an địa phương chứng thực để “xin” đi học hay “xin” đi làm, ắt phải nhớ cái câu hỏi ngay sau phần thông tin cá nhân: “Quốc tịch: … / Dân tộc: …” mà, trong trường hợp của tôi, phải viết như máy, không thể khác: “Quốc tịch: Việt Nam / Dân tộc: Kinh”.

Câu hỏi thì dư thừa mà lời đáp theo quy định chính thức thì ngớ ngẩn. “Quốc tịch” gắn liền với “quốc gia”, mà “quốc gia” thì gắn liền với dân tộc, hỏi thế là thừa. Thừa nhưng vẫn tồn tại vì cái lời đáp vô nghĩa là “Dân tộc Kinh”.

Bây giờ người ta đang cãi nhau chuyện làm sao mà một “university” lại có thể bao hàm nhiều “university” thế nhưng cái logic kỳ khôi này đã tiếp diễn hơn nửa thế kỷ rồi bởi “dân tộc Việt Nam” mà lại có thể bao gồm những 54 “dân tộc” khác nhau, Kinh, Thái, Tày, Nùng, Pacoh, Katu, Hre, Sedang, Bahnar, Mnong, Stieng, v.v. Quả là một phép cộng kỳ quái nhưng càng kỳ quái hơn khi những “dân tộc” sống trên vùng núi như Tày, Thái, Bahnar mới được gọi là “người dân tộc” trong người thuộc “dân tộc Kinh” thì không được như vậy. Mà, nhìn xa hơn, nhân loại này có nhiều dân tộc khác nhau, dân tộc Nga, dân tộc Pháp, dân tộc Anh, v.v. thì tại sao không thể gọi công dân những quốc gia ấy là “người dân tộc”?

Trong ngôn ngữ dân tộc học thì những cộng đồng Kinh, Thái, Tày không phải là “dân tộc” mà là “sắc tộc”, “nhóm sắc tộc” hay “tộc người”, tiếng Anh là “ethnic group” hay “ethnicity”; và chính những “sắc tộc” hay “tộc người” như thế mới quần tụ thành “dân tộc” Việt Nam. Nói cách khác, nhiều “sắc tộc” hay “tộc người” cùng chia sẻ một lãnh thổ, một thiết chế chính trị, xã hội, kinh tế, một ngôn ngữ chính tạo thành một quốc gia – dân tộc. Hai khái niệm tách bạch đã bị nhập nhằng như thế và, còn lạ lùng hơn, tình trạng này lại được chính Viện Ngôn ngữ học Việt Nam điển chế hóa. Từ điển tiếng Việt (bản phát hành 2004) chú giải khái niệm dân tộc:

“1. Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hóa và tính cách. Dân tộc Việt. Dân tộc Nga.

2. Tên gọi chung cho những cộng đồng người cùng chung một ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế và văn hóa, hình thành trong lịch sử từ sau bộ lạc. Việt Nam là một nước có nhiều dân tộc. Đoàn kết các dân tộc để cứu nước.

3. Dân tộc thiểu số (nói tắt). Cán bộ người dân tộc

4. Cộng đồng người ổn định làm thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi quyền lợi chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung. Dân tộc Việt Nam.”

Việc gì cũng có cái đầu tiên của nó và phải có nhân vật đầy ảnh hưởng nào đó đi đầu nên tình trạng này mới tràn lan và, đến đây tôi chợt nghĩ đến cách hiểu “dân tộc”dị thường của ông Hoàng Xuân Nhị. Ông Nhị đến Pháp du học năm 1936, theo học ngành triết và văn chương, thông thạo nhiều ngoại ngữ, đã dịch Lưu Bình Dương Lễ, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều sang tiếng Pháp. Năm 1946 Hoàng Xuân Nhị về kháng chiến, năm 1956 tham gia lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm khoa Ngữ văn suốt từ năm 1957 đến năm 1982, hơn một phần tư thế kỷ.

Trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh kể lại:

“Trong Tập san Đại học sư phạm số 5 thì ông Hoàng Xuân Nhị lại cho rằng mãi đến năm 1930 với sự thành lập của Đảng Cộng sản Đông Dương ‘lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, trải qua mấy nghìn năm, dân tộc Việt Nam bắt đầu hình thành.’.” [3]

Đào Duy Anh không nói rõ năm tháng phát hành, tuy nhiên suy biện theo các thông tin trong hồi ký thì tập san này phát hành vào đầu năm 1956. Theo Đào Duy Anh thì năm 1913 Stalin viết cuốn sách mà bản dịch Anh ngữ là Marxism and the national question, các tài liệu tiếng Việt dịch tên cuốn sách này là Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc. Tiếng Nga “Нация” (natia), trong tiếng Anh, Pháp và Đức cũng là “nation”, nếu dịch sang tiếng Việt là có thể dịch là “quốc gia” và “dân tộc”, tuy nhiên đây là hai khái niệm khác nhau.

Khái niệm “dân tộc” thì đã có từ lâu, còn khái niệm “quốc gia” – như là sản phẩm của cuộc cánh mạng kỹ nghệ và dân quyền tại Âu châu – chỉ đến với Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Đào Duy Anh cho biết Stalin đã đưa ra nhiều cách giải thích mù mờ nên khiến nhiều người lẫn lộn. Đầu tiên Stalin cho rằng “nation” là cộng đồng hình thành sau khi chấm dứt đời sống bộ lạc. Thế nhưng trong phần chính, khi nói về lịch sử các nước Âu châu, Stalin cho rằng để gọi là “nation” thì phải hội đủ bốn yếu tố chung: kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, tâm lý, trong đó yếu tố kinh tế được xem quan trọng nhất. Nhận ra điểm sai này nên năm 1929 Stalin cho xuất bản cuốn The National Question and Lenism để giải thích tiếp, cho rằng có nhiều loại “nation” trên thế giới, và loại “nation” đã nhắc trong cuốn sách năm 1912 là nói về các “nation tư sản”.[4]

Đào Duy Anh cho biết ông Hoàng Xuân Nhị tiếp tục hiểu sai ý của Stalin: sau khi tham khảo Đại bách khoa toàn thư Xô viết, ông khẳng định “Theo sự nghiên cứu của khoa học viện Liên Xô… thì trên thế giới chỉ có hai loại dân tộc thôi”, là “dân tộc tư sản” và “dân tộc xã hội chủ nghĩa”.

Ông Hoàng Xuân Nhị thực tâm tin thế hay chỉ đóng vai Xúy Vân giả dại để vượt qua mặc cảm bất an về xuất thân trưởng giả của mình trong cái thời bần cố nông lên ngôi? Trong không khí chính trị ngột ngạt thời ấy thì, để sinh tồn, con người không những phải biết sợ như Nguyễn Tuân mà có khi còn phải biết dại, như Nguyễn Huy Tưởng đã từng giả dại bằng cách “quê mùa hóa” tiếng nói của mình khi phát âm tiếng ngoại quốc. [5] Quê mùa hóa cũng có nghĩa là bình dân hóa hay, đúng hơn là công nông hóa và, tiếng Việt chúng ta, có lẽ, cũng chịu cảnh tang hải tương tự với tình trạng đại chúng hóa để rồi bây giờ chuyển sang giai đoạn “trưởng giả hóa” mà hậu quả là tình trạng gần như phá sản của tiếng Hán-Việt khi chúng bị sử dụng bừa bãi, bừa bãi đến độ sai be, sai bét!

Thí dụ tình trạng be bét của “hỗ trợ” trên báo chí, trên các nghị định hành chánh, thậm chí trên cả văn bản pháp lý: “nhà nước hỗ trợ nông dân”, “tỉnh hỗ trợ huyện”, “xã hỗ trợ thôn”, rồi “công cụ hỗ trợ”. Nhưng “hỗ” chỉ có nghĩa là “đắp đổi bên này lẫn bên kia”, là “lẫn nhau”: “hỗ trợ” có nghĩa là “giúp đỡ lẫn nhau”, mà nếu đã “giúp đỡ lẫn nhau” thì phải là quan hệ hai chiều hoàn toàn đồng đẳng. Trong tình thế hải quân ta chỉ nằm bờ và “diễn tập bắn đạn thật” thì các ngư dân chỉ biết trông cậy vào nhau. Ra khơi thì họ đi vài tàu gần gần nhau, tàu này bị tàu lạ húc chìm thì có tàu kia tới vớt, tàu kia bị húc thì tàu ngày giang tay, đó mới là hỗ trợ. Hay hai huyện A và B gần nhau. Năm nay huyện A bị hạn thì huyện B chở vài mươi tấn gạo đến để trợ giúp dân sở tại cầm hơi. Năm tới huyện B bị bão lụt thì huyện A chở vài chục tấn mì tôm và chăn màn, lều bạt đến giúp dân huyện B đắp đổi qua ngày. Đó là sự giúp đỡ qua lại hai chiều, là hỗ trợ. Nhưng khi chính quyền trung ương chở gạo đến thì đó là “cứu trợ” chứ không phải “hỗ trợ”!

Thậm chí sự ngớ ngẩn này còn trở thành luật pháp: “công cụ hỗ trợ”.

“Khoản 11, điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.

Trong đó, súng bắn điện, súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê, chất gây ngứa… là công cụ hỗ trợ.” [6]

Đã “giúp đỡ lẫn nhau” thì phải có yếu tố con người, súng bắn điện, súng bắn hơi cay mà có thể ngang hàng với con người hay sao? Cách dụng từ không thể hiểu nổi này đã lan tràn tới mức báo động, như một bệnh dịch và chúng ta chứng kiến tình trạng nói càn, viết càn ở tầm mức quốc gia, quốc tế.

Những khi Trung Cộng xâm phạm chủ quyền hay phá hoại sự ổn định trên Biển Đông thì Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng “bày tỏ sự quan ngại” mà, theo cách dùng này, “quan ngại” được hiểu như là “quan tâm và lo ngại” trong khi từ này, đúng ra, chỉ có nghĩa là “khó khăn, chướng ngại”.

“Quan” ở đây là… cửa ải, như quan trong “quan hà”, “quan sơn” hay cụ thể hơn là “Nam Quan”: đó là nơi xa xôi, hiểm trở, đến đó phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, chướng ngại.

Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích: “Quan ngại: trở ngại”.

Từ điển tiếng Việt của Lê Văn Đức giải thích: “Quan ngại: vướng víu khó khăn”.

Một hạt sạn khác rất thường xuất hiện là “chỉ đạo quyết liệt”, nhất là thời gian qua, khi bộ máy công quyền đối phó với dịch Covid-19. [7] Chỉ cần google “chỉ đạo quyết liệt” và “bệnh dịch Covid-19” sẽ thấy mỗi đảng bộ của một tỉnh là một guồng máy tràn trề khí thế “chỉ đạo quyết liệt” nhưng đây lại là cách dùng từ hoàn toàn phản logic.

“Chỉ đạo”, theo Đào Duy Anh, trong Hán Việt từ điển, là “Chỉ bảo bày vẽ. Chỉ dẫn”. Còn theo Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, trong Từ điển tiếng Việt (2004 ), là “Hướng dẫn cụ thể, theo một đường lối chủ trương nhất định.” Còn “quyết liệt” thì Đào Duy Anh giải thích là “thật ra mặt xung đột”. Và Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cũng giải thích trong bộ từ điển của mình: “Hết sức mạnh mẽ, tỏ ra kiên quyết đến cùng trong hoạt động đấu tranh, chống đối.”

Như vậy thì nếu “chỉ đạo” thì điều quan trọng là phải “chỉ đạo kịp thời”, “chỉ đạo cụ thể”, “chỉ đạo rành mạch”, “chỉ đạo thông suốt”, “chỉ đạo rõ ràng, đâu ra đó”, v.v. Tôi thực sự không hiểu “chỉ đạo quyết liệt” là chỉ đạo như thế nào nhưng, rõ ràng, nơi mà chúng ta cần “quyết liệt” lại là cuộc đấu tranh một mất một còn với một đối tượng hay thế lực nào đó, để đánh vào ý chí của nó, không cho nó được lấn tới, dù là nửa bước. Có thể đó là cuộc đấu tranh trên thực địa chiến trường, trên bàn hội nghị, trên trận địa kinh tế hay pháp lý. Chúng ta cần “quyết liệt” với trò lấn biển của Trung cộng là để cho nó thấy ta không dễ xơi, chẳng hạn. Chúng ta cần “quyết liệt” với bọn sâu dân mọt nước, chẳng hạn. Chỉ bằng cách “quyết liệt” như thế, chúng ta mới đánh vào ý chí của những kẻ đang sắp sửa dở trò tham nhũng hay phá hoại môi trường và tài nguyên, thậm chí dở trò bán nước.

Và có lẽ cũng cần phải quyết liệt với những kẻ sống bằng ngòi bút mà thản nhiên phá hoại tiếng Việt. Bởi nếu máy móc tin theo họ thì xã hội Việt Nam hiện xảy ra rất nhiều sự việc lạ lùng: những chiếc xe hơi mới toanh nhưng bị lỗi có thể trở thành những ông đại sứ; con người có thể dùng nước sông, nước ao, nước hồ hay nước biển để cắt cổ mình!

Do trục trặc ngoài ý muốn trong dây chuyền sản xuất, thỉnh thoảng các hãng xe hơi như Toyota hay Ford phải ra thông báo “thu hồi” các đời xe mới xuất xưởng nhưng bị lỗi ở đâu đó, ở bộ thắng hay túi khí an toàn, v.v. Thế nhưng khi lên báo Việt Nam thì các chiếc xe này đã trở thành những ông hay bà đại sứ: “Hãng Ford / Toyota triệu hồi (sic) xe bị lỗi.”

Đọc tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa thỉnh thoảng gặp cảnh viên tướng trấn ải biên cương nhận tin gian thần tạo phản nên hối hả kéo quân về kinh cứu nguy, nhưng mới hành quân được nửa đường thì nghe tin chúa thượng đã bị giết, thế là tướng quân ngửa mặt lên trời tự trách mình chậm trễ rồi rút gươm cứa ngang cổ để tỏ lòng trung. Hành động này được gọi là “tự vẫn” vì trong tiếng Hán Việt, “vẫn” có nghĩa là cắt cổ.

Lịch sử đã ghi danh những anh hùng như Hai Bà Trưng: cùng đường hai bà gieo mình xuống sông Hát để “tự trầm”, hoặc một anh hùng khác như Hoàng Diệu: Hà Nội thất thủ, ông đến Võ Miếu dùng sợi dây để kết liễu đời mình, gọi là “tự ải”. Thế nhưng trên báo chí Việt Nam ngày nay chúng ta toàn thấy toàn cảnh treo cổ và nhảy sông “tự vẫn”!

Cũng trong truyện chương hồi Trung Quốc, thỉnh thoảng lại thấy một nhân vật nghĩa hiệp tạo phản bị bắt, bị ép phải đầu hàng nhưng cười gằn, khinh bỉ: “Ta là người tráng sĩ đầu đội trời, chân đạp đất, há chịu khuất tất trước cường quyền!”. Khi dõng dạc như vậy, nhân vật này ngụ ý rằng sẽ không bao giờ đầu hàng, luồn cúi: “khuất” là cong, “tất” là cái đầu gối, “cong cái đầu gối” thì có nghĩa là quỳ lạy, là quy hàng, là tuân phục. Thế nhưng bây giờ người ta văn hoa với “khuất tất” mà nghĩ rằng đó là “khuất khúc” hay “khuất lấp”!

Một trong những cái sai có tần số cao là “nguyên” với nào là “nguyên thủ tướng”, “nguyên tổng bí thư”, “nguyên chủ tịch” thậm chí “nguyên thiếu tướng” thay vì “cựu” và, suy diễn rộng ra, đây là một hành vi giẫm đạp lên quá khứ!

Hành vi “bắn súng lục vào quá khứ” đối với các di tích lịch sử, trong các dự án phát triển hạ tầng và, thậm chí, cả các dự án “trùng tu – bảo tồn – bảo tàng” chúng ta đã nghe nhiều rồi. Nay thì nhắc đến thái độ này trong ngôn ngữ. Từ “nguyên”, khi đứng trước một danh từ chỉ một chức vụ nào đó, phải gắn liền một hành vi “đang xảy ra trong quá khứ”, một thứ “hiện tại trong quá khứ” thế nhưng hầu như toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam, các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam không đếm xỉa gì đến quy tắc này, cứ lộn sòng giữa “nguyên” và “cựu”.

Như đã nói, việc gì cũng có cái đầu tiên của nó và phải có nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu rộng nào đó khởi đầu cho những cái sai tràn lan như thế. Trong ý nghĩ đó, tôi mơ hồ nghĩ đến viễn cảnh từ một bản tin đăng trên báo Nhân Dân ngày 18/5/2021: “Kết luận của Bộ Chính trị về [việc] tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị ‘Về [việc] đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’." Tôi nghĩ đến cảnh mai này các ông bà hiệu trưởng sẽ hành xử như những bậc thầy bói trong các buổi lễ khai giảng khi đứng ra “kết luận”, “tổng kết”, hay “sơ kết” về năm học sắp tới.

“Kết” là tiếng Hán Việt, có nghĩa là “buộc lại”, “thắt lại”, “tụ lại”, “thu lại”, “rút lại”; “kết luận” là “cái sự bàn luận sau cùng, sau khi đã thắt buộc toàn bộ những vấn đề đã bàn”. Giữa lúc việc “học tập và làm theo…” đang được “tiếp tục” và “đẩy mạnh” mà, thay vì “cho ý kiến” hay “đưa ra nhận định”, “nhận xét” hay “chỉ thị”, lại dõng dạc tung ra “kết luận” thì tại sao các ông bà hiệu trưởng không thể làm điều tương tự cho cái năm học chỉ mới bắt đầu?

Và tôi nghĩ đến câu nói để đời “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn.” của Phạm Quỳnh. Không nói về chính trị, chỉ trên phương diện văn hóa thôi thì học giả này đã bị đối xử đầy oan khuất mà, trong đó, độc miệng nhất, có lẽ là Đặng Thai Mai, khi miệt thị rằng Phạm Quỳnh chỉ “đủ tiếng Tây để lòe người An Nam” và “đủ chữ Hán để lòe người Tây”. [9] Bây giờ thì, dẫu chưa chính thức, tư cách học thuật và đóng góp văn hóa của Phạm Quỳnh đã phần nào được nhìn nhận trong khi tình trạng “lòe” nhau bằng ngôn ngữ mà ông bị chụp mũ ngày nào thì lại tiếp tục ở một mức độ tệ hại hơn ra nhưng chỉ với tiếng Việt, giữa chính người Việt với người Việt, mà lại hoàn toàn chính thức. Từ tình trạng đại chúng hóa ngày nào, ngôn ngữ công quyền đã chuyển sang trạng thái trưởng giả hóa khi những điều bình thường nhỏ nhặt cũng có thể bị nghiêm trọng hóa hay khái quát hóa bất kể lề luật, phép tắc; chỉ là lái xe ra đường thôi cũng là “tham gia giao thông”; chỉ là hành hung người khác thôi lại là “gây tác động vật lý”, v.v.

Chúng ta hay nói đến “vận” hay “thế nước” và Phạm Quỳnh đã nhìn vận thế ấy qua tiếng nói, qua giá trị của Truyện Kiều và, khi làm như thế, ông đã có một đóng góp tầm vóc khi xác định một giá trị trung tâm cho ngôn ngữ của dân tộc. Chính với một nỗ lực như thế nên Truyện Kiều của Nguyễn Du với tiếng Việt mới đóng vai trò tương tự tác phẩm của William Shakespeare với tiếng Anh qua công năng duy trì một chuẩn mực ổn định: ngôn ngữ có thể thay đổi theo sự phát triển của thời đại nhưng không thể xô lệch quá xa chuẩn mực trung tâm. Nếu những đóng góp văn hóa của Phạm Quỳnh đã bị chà đạp từ lâu thì, đến bây giờ, tiếng nói của dân tộc đã bị chà đạp để biến dị quá xa so với chuẩn mực “trung tâm” ấy.

“Tiếng ta còn, nước ta còn”, thì nước ta và và tiếng ta vẫn còn nhưng cũng chỉ là còn như thể nàng Kiều trong cái cảnh đời bầm dập:

Khi sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

Bi kịch của Thúy Kiều bắt đầu từ khi thằng bán tơ “dở giói”, nói theo chữ của Nguyễn Khuyến, rồi biến thành thảm kịch với sóng nước Tiền Đường khi Hồ Tôn Hiến “trọng thần” trổ tài “kinh luân”. Trong ý nghĩ cực kỳ bi quan về tương lai đất nước tôi lại nghĩ đến những kẻ “dở giói” và “trổ tài” như thế hòng lòe cả dân tộc mà không hề ý thức được sự thiếu thừa của mình: thiếu thừa ngôn ngữ khi mang tiếng Việt ra lòe người Việt, thiếu thừa năng lực kinh luân hay viễn kiến khi lòe cả dân tộc về một tương lai xa xôi và mơ hồ mà họ đang độc quyền vạch hướng.

Và như thế, khỏi cần phải đợi tiền nhân từ cõi hư trở về báo mộng, chỉ nhìn vào những gì đang được phơi bày trên đất nước, bất cứ ai thực lòng quan tâm đến vận nước cũng không thể không chia sẻ cái tâm trạng của Thúy Kiều sau khi chạm mặt Đạm Tiên, trong mộng:

Một mình lưỡng lự canh chầy,

Đường xa, nghĩ nỗi sau này mà kinh!

Chú thích:

[1] Kinh tế học bao hàm hai ngành chính là kinh tế vĩ mô (macro economics) và kinh tế vi mô (micro economics) và Treasury của các quốc gia Tây phương như Anh, Úc, Mỹ điều tiết nền kinh tế trên cả hai khía cạnh này. Đối tượng của kinh tế vĩ mô là tác động qua lại giữa thuế suất, lãi suất ngân hàng, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát thì chính bộ máy này đứng ra ấn định mức thuế vào cuối tháng Sáu mỗi năm khi công bố ngân sách, Ngân hàng quốc gia trực thuộc thì sẽ ấn định lãi suất căn bản mỗi tháng theo tính toán dựa vào tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp (tại Úc là thứ Ba đầu tiên của tháng). Cũng trong ngân sách công bố hàng năm đó, bộ này sẽ phân bổ mức chi cho những lĩnh vực khác nhau của xã hội, từ giáo dục đến khoa học, văn hóa nghệ thuật, quốc phòng, môi sinh, v.v.; nghĩa là điều tiết kinh tế vi mô qua tác động cung-cầu, tác động qua lại giữa các thành phần kinh tế.

[2] https://ag.ny.gov/bureaus#:~:text=As%20head%20of%20the%20Department%20of%20Law%2C%20the,New%20York%2C%20its%20organizations%20and%20its%20natural%20resources.

Theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức thì “Chưởng lý” là “Một chức quan tư pháp thay mặt xã hội (prcoureur général)”, còn theo bộ từ điển cùng tên của Lê Văn Đức thì đồng nghĩa với “biện lý” và là “viên quan tư pháp cầm đầu Công tố viện, cáng đáng mọi việc truy tố, điều tra, đưa các vụ kiện đăng đường và buộc tội “bị cáo”.

[3] Đào Duy Anh (2002), Nhớ nghĩ chiều hôm, NXB Văn nghệ TPHCM, trang 150.

[4] Đào Duy Anh, sđd, tr.154 – 155.

[5] “Còn đọng trong tôi là cách phát ấm cố làm ra nhà quê những tiếng nước ngoài như A-lếch-xít Tôn-tôi-y, Đốt-xi-tôi-ép-xi-ki của Nguyễn Huy Tưởng…”

Bùi Ngọc Tấn (2007), Một thời để mất, NXB Hội Nhà văn, trang 25

Theo Tô Hoài, tôi đọc đâu đó đã lâu, có một thời người Hà Nội thường “hãnh diện” khoe tổ tiên ba đời đi ở đợ của mình để rồi, đến khi không khí chính trị thay đổi, vào thập niên 1990, lại chuyển hướng với niềm tự hào về tộc mấy đời hiễn đạt.

[6] https://tuoitre.vn/khi-nao-duoc-dung-cong-cu-ho-tro-20200909070511399.htm

[7] http://quocphongthudo.vn/thoi-su-chinh-tri/trong-nuoc/chi-dao-quyet-liet.html

[8] https://nhandan.com.vn/…/ket-luan-cua-bo-chinh-tri-ve…/

[9] https://tuoitre.vn/roi-lich-su-cung-se-cong-bang-232900.htm

Comments are closed.