Suy nghĩ về ‘trọc phú kiến thức’ của anh Đinh Đức Hoàng

Lê Học Lãnh Vân

Một người chia sẻ kinh nghiệm với bạn.

Nếu bạn là người bê tha, lời khuyên sẽ là: “người ta làm việc nhiều lắm, sao bạn phí thời gian quá!”. Nếu bạn là người suốt ngày lăn vào công việc, lời khuyên sẽ là: “bạn phải dành thì giờ đi chơi chứ!”

Hai câu nói nghe khác nhau được cùng một người nói với cùng thành ý giúp bạn. Sự khác biệt do người đối thoại khác nhau.

Bài nói của anh Đinh Đức Hoàng tại lễ khai giảng trường Đại học Fulbright năm 2022 cho tôi hiểu thông điệp sau:

1) Từ Trọc Phú Kiến Thức do anh Hoàng dịch từ tiếng Đức “Bildungsphilister”. Khái niệm về từ này trước đây đã được tôi diễn dịch bằng ‘thất phu có học’ sau khi nói chuyện với các bậc thầy tôi tin cậy về kiến thức trong lãnh vực triết học (tôi không biết tiếng Đức). Chúng ta sẽ không bàn sâu vào từ này vì sẽ rất rắc rối và ra ngoài phạm vi thảo luận. Để thảo luận về ý tưởng, thông điệp của anh Hoàng, tốt nhất nên dùng khái niệm của anh về từ “trọc phú kiến thức” của anh, đó “là cách mô tả dành cho những người đọc rất nhiều, báo chí, sách vở, ghi nhớ những kiến thức trong đó và tin rằng chúng là của mình

2) “Việc đọc, ghi nhớ, và nói lại những tri thức đã được viết thành sách vở không sai. Nhưng nó không bao giờ đúng. Bởi vì tri thức thực sự chỉ hình thành thông qua quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận

3) Dù chỉ mô tả những gì một “trọc phú kiến thức” thu thập được và hành động trong “thời đại của copy and paste” mà chúng ta đang sống, nhưng các câu như “bạn sẽ gặp những người như vậy ở rất nhiều nơi”, và “tôi may mắn nhớ được điều này vào năm 19 tuổi, để tránh trở thành một người như thế”, tôi hiểu tác giả muốn khuyên không nên trở thành một trọc phú kiến thức!

4) Tại sao không nên thành một “trọc phú kiến thức”? Vì hai lý do: Một là sự bền vững của tri thức tự thân. Hai, là di sản bạn mong muốn để lại.

a) Tri thức tự thân là tri thức sau khi đọc, ghi lại được hấp thụ qua quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận… Tri thức trọc phú chỉ được hình thành từ đường phản xạ có điều kiện ngắn hạn nên không tồn tại lâu, sẽ nhanh chóng bị làm mờ đi, bị xoá đi trước những làn sóng kiến thức đang xô tới. Chỉ tri thức tự thân mới có thể diễn biến, tiến hoá thích nghi với hoàn cảnh mới, thời đại mới. Thời đại của những cơn sóng kiến thức cuồn cuộn hiện nay rất chuộng năng lực thích nghi với thay đổi, chủ động với thay đổi, quản lý thay đổi. Đây là lý do của sự bền vững của tri thức tự thân, cũng là nguyên nhân của sự bền vững của sự nghiệp một người.

b) Di sản mong muốn để lại. “Di sản không phải là thứ gì to tát kiểu một cái tượng đài đâu… Thế giới nó chỉ cần tốt lên một chút khi bạn rời đi, so với khi bạn bước vào, là bạn đã để lại di sản rồi”. Đây chính là một mục tiêu quan trọng mà một sinh viên đại học, một trường như trường Đại Học Fulbright Vietnam nên và đang hướng tới.

Đáng tiếc là với thông điệp tích cực như vậy, bài viết được trình bày thiếu tươm tất, thậm chí có người cho là cẩu thả. Lỗi về tên người, như viết không chính xác tên của Nietzsche, của Zrathustra, là điều không nên có. Sự thiếu tươm tất khiến một số người quen với cách làm việc nghiêm cẩn phản ứng cho rằng không nêu gương tốt cho sinh viên.

Có thể điều này cũng góp phần gây mối quan ngại rằng bài nói khiến người theo dõi hoang mang, khiến họ hiểu anh truyền bá thông điệp coi rẻ sự đọc sách hay coi rẻ sự hấp thu kiến thức nói chung. Việt Nam có tỉ lệ đọc rất thấp, là 1 quyển/ngườ/năm, thấp hơn mười lần so với Mã Lai, cho nên bài nói của anh Hoàng có thể có tác động xấu thêm trên tỉ lệ đọc đã rất ít ỏi này. Trong bài ghi lại bài nói của anh Hoàng có một câu, “tôi may mắn học được một quan điểm từ Nietszche [sic!] , đấy chính là việc đọc nhiều sẽ chỉ khiến các bạn trở thành một loại trọc phú kiến thức, chứ không khiến bạn thành người giỏi hơn”. Có thể một câu đó gây nên mối quan ngại chăng? Với tôi, theo ngữ cảnh, câu đó không bài bác việc đọc mà hàm ý chính việc đọc mà không “chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận” sẽ khiến bạn thành trọc phú kiến thức!

Anh Đinh Đức Hoàng đang nói chuyện với sinh viên trường Đại học Fulbright, những người có trước mặt một hệ thống thư viện dồi dào với mạng liên kết rộng, những năm sắp tới sẽ phải đọc một số lượng sách, tài liệu không ít, chắc chắn không thuộc nhóm người một năm chỉ đọc một quyển sách. Việc lật ngược vấn đề của anh Hoàng có lẽ không thừa cho một cử toạ như thế.

Việc lật ngược vấn đề cũng không vô ích khi trên báo chí, trên mạng xã hội Việt có không ít “trọc phú kiến thức”, thậm chí “bần cố nông kiến thức” cũng phán như trời, phán lấy được!

Với đối tượng mà sự quan ngại của một số tác giả khác hướng tới, bài viết này nghĩ đại đa số không đọc, không nghe bài nói của anh Hoàng. Nếu số ít trong họ có nghe, sự ít đọc sách của họ không vì bài nói này tác động thêm mà vì một nguyên nhân khác tự thân do văn hoá, môi trường sống thẩm thấu dần vào. Để giải quyết vấn đề “tỉ lệ đọc” ở giới này, tôi nghĩ cần cách tiếp cận khác.

Và tại sao ta không tự hỏi biết đâu hoạt động ì xèo trên mạng xã hội của các “trọc phú kiến thức” kia, điều anh Hoàng cảnh báo, đang gây hiệu ứng âm tới tỉ lệ đọc sách vốn đã ít của người Việt?

Ngày 21 tháng 9 năm 2022

L.H.L.V

Comments are closed.