Vài lời hồi đáp cho “Vài nhận xét…” về việc dịch thuật cuốn Sự kiến tạo xã hội về thực tại

Trần Hữu Quang

Bản dịch tiếng Việt của công trình Sự kiến tạo xã hội về thực tại của Peter Berger và Thomas Luckmann1 từ khi được Nhà xuất bản Tri thức ấn hành đến nay đã được năm năm. Mới đây, tôi có dịp được đọc những ý kiến và nhận xét của ông Phạm Văn Bích về bản dịch này qua bài viết “Vài nhận xét về một dịch phẩm được Giải sách hay 2020”,2 trong đó, ông đã “vạch rõ rằng bản dịch mắc không ít lỗi”, theo lời ông, và đã tìm ra “nhiều chỗ sai”, vẫn theo lời ông, trong phần Nhập đề và phần 1 của bản dịch (tức tr. 7-72 trong bản dịch tiếng Việt, theo lời ông Bích là tương ứng với 46 trang bản gốc tiếng Anh, theo ấn bản mà ông Bích sử dụng). Bài viết sau đây nhằm hồi đáp lại những nhận xét của ông Phạm Văn Bích, và cũng nhân dịp này, nhằm giải thích rõ thêm một số cách thức dịch thuật của chúng tôi cũng như một vài ý tưởng của các tác giả Peter Berger và Thomas Luckmann cho ông Bích cũng như cho những độc giả có quan tâm.

Trước hết, tôi xin cám ơn ông Phạm Văn Bích đã dành thời gian để đọc, đối chiếu với bản gốc tiếng Anh và nhất là đã vạch ra cho tôi thấy một số sai lầm trong bản dịch tiếng Việt.

Với tư cách là người chủ biên dịch thuật và người hiệu đính của bản dịch, tôi nhận toàn bộ trách nhiệm về tất cả những sai sót trong bản dịch, chứ không phải nhóm tham gia biên dịch. Tôi xin minh định là tôi chưa bao giờ nghĩ rằng bản dịch này là một bản dịch hoàn hảo, tuyệt nhiên không có sai lầm hoặc thiếu sót. Ngay ở cuối bài giới thiệu cuốn sách, tôi đã viết như sau: “Cuốn sách này không thể tránh khỏi những điều sai sót hoặc lầm lẫn, và trách nhiệm về chuyện này lẽ tất nhiên hoàn toàn thuộc về chúng tôi. Chúng tôi thành thực mong độc giả lượng thứ và hy vọng được tận tình chỉ bảo để chúng tôi có dịp sửa chữa và bổ khuyết” (tr. xciii).

Trong bài nhận xét của ông Phạm Văn Bích, có những điểm phê phán mà tôi nhận thấy là xác đáng, tuy nhiên cũng có những điểm không xác đáng mà tôi nghĩ là cần trao đổi lại hoặc cần bác bỏ. Để thuận tiện cho ông Phạm Văn Bích và những người theo dõi câu chuyện này, tôi xin đề cập đến từng trường hợp (mà ông Bích gọi là “Ví dụ”) theo thứ tự mà ông Bích đã trình bày.

VÍ DỤ 1:

* Bản gốc tiếng Anh: “What is real?” (tr. 13).3 Bản dịch tiếng Việt: “Đâu là cái có thực?” (tr. 8).

Ông Phạm Văn Bích nhận xét về câu dịch trên như sau: “Nguyên văn câu hỏi trong tiếng Anh chỉ bao gồm vẻn vẹn ba từ, tưởng chừng đơn giản mà đã bị dịch sai hoàn toàn. Sách giáo trình – giáo khoa nào dạy, và từ điển nào giải nghĩa ‘what’ là ‘đâu’? Làm sao có thể dịch ‘what’ là ‘đâu’ được?” Và theo ông Bích thì cần dịch câu trên là: “Cái gì là có thực?

Tôi xin thưa với ông Phạm Văn Bích: theo từ điển Anh-Việt thì đúng là “what” không phải là “đâu”, nhưng trong tiếng Việt thì từ “đâu” (sử dụng trong một câu hỏi theo dạng “đâu là…?”) lại có thể được dùng theo nghĩa “what”.

Trong cuốn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, nghĩa thứ năm của từ “đâu” được ghi như sau: “5. Từ dùng để chỉ một cái, một điều nào đó không rõ, cần được xác định, là nguyên do hoặc kết quả, hay là điểm đạt tới, của sự việc nói đến (thường dùng để hỏi).”4 Ta có thể nghĩ tới vài ví dụ minh họa cho nghĩa này của từ “đâu” như sau, chẳng hạn: Đâu là giá trị của cuộc đời? Đâu là sự thật của vụ việc? Đâu là ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng? Đâu là điểm mới trong quan hệ đối ngoại của các nước Tây Âu hiện nay? Đâu là sự khác nhau giữa địa tô phong kiến và địa tô tư bản chủ nghĩa? Đâu là nguyên nhân của tình trạng bỏ học nơi trẻ em vùng nông thôn? Từ “đâu là” trong những câu hỏi vừa nêu chắc hẳn không thể được hiểu là “where”, mà phải được hiểu là “what” trong tiếng Anh.

Như vậy, mệnh đề “Đâu là cái có thực?” của chúng tôi không phải “đã bị dịch sai hoàn toàn” như lời ông Phạm Văn Bích, mà ngược lại, theo tôi, đây là một cách dịch chính xác.

VÍ DỤ 2:

* Bản gốc tiếng Anh: “…we have so far ignored developments that might theoretically be relevant to the sociology of knowledge but that have not been so considered by their own protagonists” (tr. 24). Bản dịch tiếng Việt: “… cho đến giờ, chúng tôi đã bỏ qua không nói đến những bước tiến triển có thể có liên quan về mặt lý thuyết đến môn xã hội học nhận thức nhưng lại không được những người chống đối chúng coi là như vậy” (tr. 25).

Về từ “protagonists”, ông Phạm Văn Bích nhận xét đúng: chúng tôi đã hiểu sai từ tiếng Anh, nên chúng tôi đã dịch phản nghĩa. Về cụm từ “their own protagonists”, ông Bích đề nghị dịch là “chính những người tán thành chúng”, nhưng tôi sẽ sửa lại là “chính những người chủ xướng chúng” thì mới đúng với nghĩa câu này hơn.

* Bản gốc tiếng Anh: “In other words, we have limited ourselves to developments that, so to speak, sailed under the banner ‘sociology of knowledge’” (tr. 24). Bản dịch tiếng Việt: “Nói cách khác, chúng tôi đã chỉ đề cập đến những bước tiến triển phải nói là chỉ mang trực tiếp nhãn hiệu ‘xã hội học nhận thức’” (tr. 25).

Tôi đồng ý với ông Phạm Văn Bích là chúng tôi đã hiểu sai cụm từ “so to speak”, do đó sẽ sửa lại là “tạm gọi”.

Đối với cụm từ “under the banner”, ông Phạm Văn Bích cho rằng theo từ điển Anh-Việt thì phải dịch là “dưới ngọn cờ”, và nhóm dịch chúng tôi “đã dịch hoàn toàn không theo nghĩa của từ điển”. Xin thưa rằng lúc dịch, vì chúng tôi e ngại rằng hình ảnh “dưới ngọn cờ ‘xã hội học nhận thức’” có thể gây khó hiểu hoặc gây hiểu lầm cho độc giả người Việt (vì cụm từ “dưới ngọn cờ” thường được dùng ở Việt Nam trong những trường hợp như dưới ngọn cờ của một tổ chức cách mạng, hay dưới ngọn cờ của một phong trào khởi nghĩa… chẳng hạn), cho nên chúng tôi đã cố tìm một thuật ngữ khác để thể hiện ý nghĩa này, và đó là “mang trực tiếp nhãn hiệu ‘xã hội học nhận thức’”. Đây là trường hợp mà chúng tôi dịch thoát đi, tức là không dịch nguyên văn từ này, mà sử dụng một từ khác tương đương trong tiếng Việt cho dễ hiểu hơn. Nếu ông Phạm Văn Bích phê phán chúng tôi là dịch không sát, thì tôi có thể đồng ý; nhưng với việc ông quy kết rằng chúng tôi đã “dịch sai”, dịch “hoàn toàn không theo nghĩa của từ điển”, và “biến nghĩa nó [tức từ này] theo cách hiểu riêng và kỳ quái như vậy”, thì sự phê phán của ông quả là nghiệt ngã (“dịch sai”), và lại võ đoán nữa (“kỳ quái”) vì cách dịch của chúng tôi không hề trái ngược với ý tưởng của bản gốc.

Dù sao đi nữa thì tôi cũng sẽ sửa lại cách dịch câu trên bằng một cách khác như sau để ý nghĩa được sáng sủa hơn: “Nói cách khác, chúng tôi đã chỉ đề cập đến những bước tiến triển tạm gọi là nằm dưới danh nghĩa ‘xã hội học nhận thức’.” (So sánh với câu đề nghị của ông Phạm Văn Bích là “Nói cách khác, chúng tôi tự giới hạn mình chỉ ở những bước tiến triển tạm gọi là dưới ngọn cờ ‘xã hội học nhận thức’”, thì tôi thiết nghĩ câu mà tôi vừa sửa lại trên đây sáng sủa hơn nhiều.)

Cũng ở Ví dụ 2 này, ông Phạm Văn Bích có nhắc tới cụm từ “xã hội học nhận thức” và cho rằng cách dịch này “có thể gây tranh cãi”, nhưng rất tiếc ông lại “tạm gác tranh luận [về việc này] sang một bên”, nên tôi không rõ ý kiến của ông và không thể thảo luận thêm về điểm này ở đây. Nhân đây, xin nói thêm với độc giả là tôi đã trình bày khá kỹ lưỡng những ý kiến của mình là vì sao lại cần gọi bộ môn “sociology of knowledge” là “xã hội học nhận thức”, chứ không phải là xã hội học tri thức, xã hội học hiểu biết, hay xã hội học kiến thức (xin xem tr. lxv-lxvi).

VÍ DỤ 3:

* Bản gốc tiếng Anh: “If this interpretation is correct, the sociology of knowledge takes up a problem originally posited by historical scholarship – in a narrower focus, to be sure, but with an interest in essentially the same questions” (tr. 17). Bản dịch tiếng Việt: “Nếu cách lý giải này là đúng, thì môn xã hội học nhận thức quả là đã tiếp nhận một vấn đề vốn lúc đầu từng được giới nghiên cứu sử học đặt ra – dĩ nhiên với một chủ điểm hẹp hơn, nhưng về cơ bản là quan tâm đến cùng những câu hỏi như nhau” (tr. 12).

Ông Phạm Văn Bích nhận xét như sau: “‘Focus’ không hề mang nghĩa ‘chủ điểm’ như đã dịch sai, mà là ‘tiêu điểm’, ‘trung tâm’, ‘điểm trọng tâm’ (Từ điển Anh-Việt, tr. 640).” Chúng tôi không hề “dịch sai” như ông Bích quy kết một cách võ đoán, vì từ “chủ điểm” có nghĩa là “nội dung chủ yếu”,5 nội dung chính, hay điểm căn bản, và như vậy, nội hàm của từ “chủ điểm” không khác biệt chút nào so với những nghĩa mà ông Bích đã nêu.

VÍ DỤ 4:

* Bản gốc tiếng Anh: “Nietzschean ideas were less explicitly continued in the sociology of knowledge, but they belong very much to its general intellectual background and to the ‘mood’ within which it arose” (tr. 19). Bản dịch tiếng Việt: “Các ý tưởng của Nietzsche đã không tiếp tục dòng suy nghĩ xã hội học nhận thức một cách rõ ràng, nhưng chúng vẫn chủ yếu nằm trong bối cảnh tư tưởng chung của dòng suy nghĩ này vào ‘tâm trạng’ trong đó nó nảy sinh.” (tr. 15) (những chỗ nhấn mạnh ở hai câu tiếng Anh và tiếng Việt này là do ông Phạm Văn Bích).

Ông Phạm Văn Bích cho rằng câu này được “dịch sai hẳn ý tác giả: các ý tưởng (…) đã được tiếp tục (…) thì nhóm dịch thành ‘các ý tưởng (…) đã không tiếp tục’ – tức là một lần nữa dịch phản nghĩa.”

Nhưng xin thưa là chúng tôi dịch câu này hoàn toàn đúng. Trong câu nhận xét trên đây, sở dĩ ông Bích lầm tưởng rằng chúng tôi “dịch sai” và “dịch phản nghĩa” chính là vì ông Bích đã trích dẫn không đầy đủ các từ khiến cho mệnh đề của chúng tôi trở nên què quặt: ông Bích chỉ ghi là “các ý tưởng (…) đã không tiếp tục”, trong khi đó, câu đầy đủ của chúng tôi là “các ý tưởng (…) đã không tiếp tục (…) một cách rõ ràng”.

Cụm từ “đã không tiếp tục một cách rõ ràng” mang ý nghĩa giống như cụm từ “đã tiếp tục một cách không rõ ràng”. Tương tự như cách ta nói, chẳng hạn: “không nói một cách rõ ràng” thì cũng có nghĩa như “nói một cách không rõ ràng”; hay “không làm một cách kỹ lưỡng” cũng có nghĩa như “làm một cách không kỹ lưỡng”.

Sở dĩ cụm từ “were less explicitly continued” được chúng tôi dịch là “đã không tiếp tục […] một cách rõ ràng” (thay vì dịch là “đã tiếp tục […] một cách ít rõ ràng hơn”) là bởi vì dịch như vậy thì mệnh đề trước mới có ý nghĩa lô-gic với mệnh đề sau một cách sáng sủa hơn, cả hai mệnh đề vốn được nối kết bằng liên từ “nhưng” (“but”).6 Như vậy, trong câu đang bàn ở đây, nếu nối mệnh đề thứ nhất với mệnh đề thứ hai thông qua liên từ “nhưng”, thì người đọc sẽ hiểu rõ rệt hơn nghĩa của toàn bộ câu: “[…] đã không tiếp tục […] một cách rõ ràng, nhưng chúng vẫn chủ yếu nằm trong […].”

Nếu dịch nguyên văn từng chữ như ông Bích đề nghị: “[…] đã được tiếp tục một cách ít rõ nét hơn […], nhưng phần nhiều chúng vẫn nằm trong […]”, thì câu này không phải sai, nhưng về mặt lô-gic, người đọc sẽ khó mà hiểu tại sao lại có từ “nhưng” nằm giữa hai mệnh đề.

Giữa một giải pháp sáng sủa hơn và một giải pháp ít sáng sủa hơn, chúng tôi đã chọn giải pháp sáng sủa hơn, đó là dịch cụm từ “were less explicitly continued” là “đã không tiếp tục […] một cách rõ ràng”.

Còn về việc chuyển từ thể bị động sang thể chủ động trong mệnh đề này mà ông Phạm Văn Bích phê phán, thì tôi nghĩ rằng việc này là cần thiết vì nó có tác dụng làm cho câu văn tiếng Việt bớt nặng nề đi mà vẫn không hề làm trái với ý tưởng của các tác giả.

Ngoài ra, tôi cũng đã thêm vào cụm từ “dòng suy nghĩ” trước cụm từ “xã hội học nhận thức” nhằm làm cho ý tưởng của các tác giả được dễ hiểu hơn. Ông Bích cho rằng chúng tôi đã “tự tiện thêm vào cụm từ ‘dòng suy nghĩ’ mà nguyên ngữ không có” – ở đây, chúng tôi không “tự tiện” mà chủ động thêm vào một cách có ý thức nhằm làm cho nghĩa của câu được sáng sủa hơn. Điều sơ suất ở đây là đáng lý phải đặt “dòng suy nghĩ” vào trong hai dấu ngoặc đứng [ ], để độc giả biết là do dịch giả đưa thêm vào.

Dù đã nêu ra một số ý kiến như trên, nhưng tôi sẽ tiếp tục sửa lại câu trên (nhằm làm cho câu được sáng sủa hơn nữa) như sau: “Nietzsche đã không tiếp tục một cách rõ ràng [như trước đó] các ý tưởng của mình trong [dòng suy nghĩ] xã hội học nhận thức, nhưng chúng vẫn chủ yếu nằm trong bối cảnh tư tưởng chung của [dòng suy nghĩ] này và trong ‘tâm trạng’ mà trong đó nó nảy sinh” (những chỗ in đậm là những chỗ tôi mới sửa).

* Bản gốc tiếng Anh: “Nietzsche’s anti-idealism” (tr. 19). Bản dịch tiếng Việt: “xu hướng chống duy tâm của Nietzsche” (tr. 15).

Ở đây, ông Phạm Văn Bích nhận xét rằng chúng tôi “dịch không sát ý”, vì “ở tiếng Anh thuộc lĩnh vực triết học các đuôi từ ‘-ism’ mang nghĩa là ‘chủ nghĩa’, ‘học thuyết’, ‘chủ thuyết’, v.v., chứ không phải ‘xu hướng’ như đã dịch”, và ông Bích cho rằng phải dịch cụm từ trên đây là “chủ thuyết chống duy tâm của Nietzsche”.

Theo tôi, chúng ta chỉ nên dịch là “chủ nghĩa”, “học thuyết” hay “chủ thuyết” đối với những thuật ngữ nào nói về một học thuyết (doctrine) hay một lý thuyết (theory) mà thôi. Về trường hợp “anti-idealism” của Nietzsche: mặc dù bản thân “idealism” đúng là một học thuyết hay chủ thuyết,7 nhưng “anti-idealism” thì lại không phải là một học thuyết hay chủ thuyết, mà chỉ là một trong những quan điểm hay xu hướng tư tưởng của Nietzsche mà thôi (cho dù có thể là xu hướng quan trọng nhất); vì thế chúng tôi đã dịch là “xu hướng chống duy tâm” của Nietzsche.

Tôi nghĩ rằng trong lãnh vực triết học nói riêng và lãnh vực khoa học xã hội nói chung, những thuật ngữ có hậu tố “-ism” không nhất thiết phải dịch tất cả đều là “chủ nghĩa”, “học thuyết”, “chủ thuyết”, mà cần dịch một cách linh hoạt, tùy từng trường hợp và tùy từng văn cảnh. Tôi xin nêu ra sau đây một số thuật ngữ có hậu tố “-ism” (xuất hiện ngay trong cuốn sách này của Berger và Luckmann) mà tôi chia ra thành từng nhóm thuật ngữ có thể được dịch theo những cách thức khác nhau.

– Nhóm thuật ngữ có thể được dịch là “chủ nghĩa”, “học thuyết”, “chủ thuyết”: marxism (chủ nghĩa mác-xít, hay lý thuyết mác-xít, ví dụ tr. 14); capitalism (chủ nghĩa tư bản, ví dụ tr. 133); communism (chủ nghĩa cộng sản) (nhưng cũng có văn cảnh mà chúng tôi buộc phải dịch là “phong trào cộng sản”, ví dụ trong câu sau: “Sự chuyển hóa của những nhà trí thức cách mạng thành những nhà chính đáng hóa cho status quo [nguyên trạng] có thể được khảo sát dưới hình thức ‘thuần túy’ về mặt thực tiễn trong lịch sử phát triển của phong trào cộng sản ở Nga” (tr. 189) (bản gốc: “The transformation of revolutionary intellectuals into legitimators of the status quo can be studied in practically ‘pure’ form in the development of Russian Communism”, tr. 229)…

– Nhóm thuật ngữ có thể được dịch là “trào lưu”, “trường phái”, “thuyết”, v.v.: symbolic interactionism (“trường phái tương tác biểu tượng”, xem chú thích ở tr. 31); existentialism (“thuyết hiện sinh” của Jean-Paul Sartre, xem chú thích ở tr. 80)…

– Nhóm thuật ngữ có thể được dịch là “xu hướng”, “khuynh hướng”, “tư tưởng”, “quan điểm”, v.v.: historicism (tư tưởng duy sử luận, ví dụ tr. 16); economic determinism (quan điểm quyết định luận kinh tế, hay sự quyết định luận kinh tế, ví dụ tr. 14 [khó mà dịch là “chủ nghĩa quyết định kinh tế” hay “chủ nghĩa tất định kinh tế” được]); relativism (xu hướng tương đối luận, ví dụ tr. 17); positivism (quan điểm thực chứng luận, ví dụ tr. 272)…

– Nhóm những thuật ngữ có hậu tố “-ism” nhưng lại có thể được dịch một cách uyển chuyển tùy theo văn cảnh: pluralism8 (sự đa nguyên, tình trạng đa nguyên, v.v.), ví dụ: “Tình trạng đa nguyên thường xuất hiện sau những hoàn cảnh biến đổi xã hội nhanh chóng, [nhưng] trong thực tế bản thân sự đa nguyên cũng là một nhân tố thúc đẩy [sự biến đổi ấy]…” (tr. 186; bản gốc: “The pluralistic situation goes with conditions of rapid social change, indeed pluralism itself is an accelerating factor…”, tr. 143); pragmatism9 (óc thực dụng), ví dụ trong câu sau: “Có thể nói chính là theo cách thức này mà một thứ óc thực dụng trá hình xuất hiện trở lại” (tr. 178; bản gốc: “It is possible to say that in this manner a pseudo-pragmatism is reintroduced”, tr. 137); symbolism10 (lãnh vực biểu tượng, cấp độ biểu tượng, v.v.), ví dụ: “Lúc đó, ở cấp độ biểu tượng, sự tín hiệu hóa bằng ngôn ngữ đạt tới mức độ tách rời tối đa khỏi cái ‘ở đây và bây giờ’ của đời sống thường nhật…” (tr. 64; bản gốc: “On the level of symbolism, then, linguistic signification attains the maximum detachment from the ‘here and now’ of everyday life…”, tr. 55); scepticism11 (thái độ hoài nghi, xu hướng hoài nghi, v.v.), ví dụ: “Sự đa nguyên tạo điều kiện thuận lợi cho cả thái độ hoài nghi lẫn sự canh tân, và vì thế, tự nội tại, nó mang tính chất lật đổ đối với thực tại được-coi-là-đương-nhiên của status quo [nguyên trạng] truyền thống” (tr. 186, bản gốc: “Pluralism encourages both scepticism and innovation and is thus inherently subversive of the taken-for-grantXin lỗi là tôi đã nói hơi dài dòng về những thuật ngữ tiếng Anh có hậu tố “-ism”, nhưng tôi thiết tưởng là cũng nên làm rõ điểm ấy nhân dịp này.

VÍ DỤ 5

* Bản gốc tiếng Anh: “While Merton concentrated on the work of Mannheim, who was for him the sociologist of knowledge par excellence, he stressed the significance of the Durkheim school and of the work of Pitirim Sorokin(tr. 23). Bản dịch tiếng Việt:Khi Merton quan tâm đến sự nghiệp của Mannheim, người mà ông coi là nhà xã hội học nhận thức par excellence [thượng thặng], ông cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trường phái Durkheim và sự nghiệp của Pitirim Sorokin (tr. 22).

Ở câu này, tôi đồng ý với sự phê phán của ông Phạm Văn Bích về việc đã dịch sai từ “while”. Còn động từ “concentrate” mà chúng tôi dịch là “quan tâm đến” thì thực ra không phải là “dịch sai” như ông Bích phán xét, mà là chưa sát nghĩa lắm. Tôi sẽ sửa lại như sau: “Tuy Merton tập trung vào sự nghiệp của Mannheim […], nhưng ông cũng đã nhấn mạnh đến…

Tuy nhiên, liên quan tới cụm từ “work of Mannheim” và “work of Pitirim Sorokin” mà chúng tôi dịch là “sự nghiệp của Mannheim” và “sự nghiệp của Pitirim Sorokin”, thì ông Phạm Văn Bích cho rằng phải dịch là “tác phẩm của Mannheim” và “tác phẩm của Pitirim Sorokin”, vì “[trong] (Từ điển Anh – Việt, trang 1941), […] không có nghĩa là ‘sự nghiệp’ như đã dịch”. Theo tôi, trong tiếng Việt, khi ta nói tới “sự nghiệp” (work) của một nhà văn hay một nhà nghiên cứu (ví dụ khi ta nói về “thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Du”), thì đương nhiên ta nghĩ tới toàn bộ những tác phẩm hay những công trình nghiên cứu của họ. Vả lại, trong từ điển tiếng Anh Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English, cũng có định nghĩa từ “work” theo nghĩa “sự nghiệp” mà tôi vừa nêu (xem nghĩa thứ bảy của từ “work”): “Product of work: 7. [uncountable] A thing or things that are produced as a result of work. [Ex.:] She’s an artist whose work I really admire”.12

Vì thế, theo tôi, việc chúng tôi dịch “work of Mannheim” và “work of Pitirim Sorokin” là “sự nghiệp của Mannheim” và “sự nghiệp của Pitirim Sorokin” là việc hoàn toàn đúng.

VÍ DỤ 6:

* Bản gốc tiếng Anh: “While I am capable of engaging in doubt about its reality, I am obliged to suspend such doubt as I routinely exist in everyday life” (tr. 37). Bản dịch tiếng Việt: “Nếu tôi có khả năng bắt đầu hoài nghi về thực tại này, thì tôi bị buộc phải gác lại sự hoài nghi đó vì tôi vẫn phải tồn tại theo nề nếp thông thường trong đời sống thường nhật” (tr. 42).

Tôi đồng ý với ông Phạm Văn Bích về việc dịch sai từ “while” trong câu này, nhưng ông Bích lại cho rằng “[c]ần dịch là ‘mặc dù’ (hoặc ‘tuy’) mới lột tả đúng ý tác giả”. Thực ra, nghĩa “mặc dù” hay “tuy” chỉ là một trong những nghĩa của từ “while” mà thôi, và nằm ở thứ tự thứ tư trong từ điển Oxford,13 tức không phải nghĩa quan trọng nhất. Trong tiếng Anh, liên từ “mặc dù” hay “tuy” là “although” hay “though”, và trong cuốn The Social Construction of Reality, Berger và Luckmann cũng đã rất nhiều lần sử dụng hai liên từ “although” và “though” này. Vậy tại sao trong câu trên, hai tác giả này lại không dùng từ “although” hay “though”, mà lại dùng từ “while”? Nếu ông Bích đồng ý với tôi là dịch thì phải trung thành với bản gốc, vậy tại sao ta buộc phải dịch là “tuy” hoặc “mặc dù”, trong khi ta có thể sử dụng từ “trong khi” hay “trong lúc” cho đúng với văn bản gốc?

Vì thế, theo tôi, tôi sẽ sửa lại câu trên như sau: “Trong lúc tôi có khả năng hoài nghi về thực tại này, thì tôi [vẫn] bị buộc phải gác lại sự hoài nghi đó…

Riêng về cụm từ “doubt about its reality” mà ông Phạm Văn Bích đề nghị sửa lại là “hoài nghi về sự có thật của nó”, thì thực ra, việc dịch “hoài nghi về thực tại này” như chúng tôi đã làm thì có lẽ chính xác hơn, bởi lẽ trước câu này ba dòng, Berger và Luckmann đã nói tới cụm từ “the reality of everyday life” (thực tại của đời sống thường nhật, tr. 42), do đó “its reality” ở đây có nghĩa là “reality of everyday life”: “thực tại này” có nghĩa là “thực tại của đời sống thường nhật” vừa được đề cập ở câu trên.

VÍ DỤ 7:

* Bản gốc tiếng Anh: “Put negatively, it is comparatively difficult to impose rigid patterns upon face-to-face interaction” (tr. 44). Bản dịch tiếng Việt: “Nhìn dưới góc độ âm bản, những khuôn mẫu cứng nhắc thường khó mà tồn tại được trong tình huống tương giao trực diện” (tr. 50).

Về câu dịch trên đây, ông Phạm Văn Bích nhận xét rằng cụm từ “nhìn dưới góc độ âm bản” của chúng tôi có thể khiến cho câu này “trở nên bí hiểm, khó hiểu”. Tuy nhiên, nếu dịch cụm từ “put negatively” là “diễn đạt dưới góc độ sự cấm đoán” như ông Bích đề nghị, thì tôi e là lại đi xa quá so với bản gốc (vì bản gốc là “negatively” nhưng lại được dịch là “sự cấm đoán”), và thực ra là ông Bích hiểu sai ý tưởng của hai tác giả Berger và Luckmann. Tôi sẽ lý giải nhận xét này của mình qua những dòng tiếp theo sau đây.

Trước hết, ở đây, để dịch từ “negative”, chúng tôi đã vay mượn từ “âm bản” trong lãnh vực nhiếp ảnh mà tôi nghĩ rằng đó là cách diễn đạt tương đối phù hợp nhất trong tiếng Việt đối với câu này, cũng như trong một số trường hợp khác tương tự (vả lại, các từ điển Anh-Việt cũng thường có nghĩa này khi nêu ra các nghĩa của từ “negative”). Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, âm bản là “ảnh chụp hay quay phim trên đó những chỗ sáng ứng với những chỗ tối trong thực tế, và ngược lại”,14 hiểu theo nghĩa đối lập với “dương bản”.15

Nhìn dưới góc độ âm bản” cũng tương tự như nhìn phía mặt trái (đối lập với mặt phải [của một đồ vật chẳng hạn]; phải và trái ở đây được hiểu theo nghĩa trung tính, chứ không phải theo nghĩa đúng/sai), hay là nhìn theo mặt sấp (đối lập với mặt ngửa; ngửa và sấp tương tự như hai mặt của một đồng xu), hay là nhìn từ góc độ tiêu cực (đối lập với tích cực; tích cực và tiêu cực [positive/negative] ở đây được hiểu theo nghĩa trung tính, chứ không phải theo nghĩa tốt/xấu, hay/dở), hay là nhìn dưới thể bị động (đối lập với thể chủ động [thuật ngữ ngôn ngữ học]; chủ động và bị động [active/passive] hiểu theo nghĩa trung tính, chứ không phải theo nghĩa năng động, tích cực / thụ động, tiêu cực).

Thực ra, cụm từ “put negatively” (cũng như “put differently” ở một đoạn sau) là cụm từ dùng để nối ý sắp nói ra với ý của câu đứng ngay trước đó. Hai câu này trong bản gốc tiếng Anh như sau: “It follows that relations with others in the face-to-face situation are highly flexible. Put negatively, it is comparatively difficult to impose rigid patterns upon face-to-face interaction” (tr. 44). Bản dịch tiếng Việt: “Hệ quả là những mối liên hệ với tha nhân trong tình huống trực diện thường hết sức linh hoạt. Nhìn dưới góc độ âm bản, những khuôn mẫu cứng nhắc thường khó mà tồn tại được trong tình huống tương giao trực diện” (tr. 50). Câu ngay phía trước thể hiện cách nhìn dưới góc độ dương bản (tiếng Anh: put positively) (“những mối liên hệ với tha nhân (…) thường hết sức linh hoạt”); còn câu sau thể hiện cách nhìn dưới góc độ âm bản (“put negatively”) (hay cũng có thể dịch là “nhìn dưới góc độ ngược lại”) (“những khuôn mẫu cứng nhắc thường khó mà tồn tại được…”).

Nhìn dưới góc độ âm bản, những khuôn mẫu cứng nhắc thường khó mà tồn tại được trong tình huống tương giao trực diện” (tr. 50): câu này có nghĩa là nhìn từ mặt trái (hay nhìn dưới thể bị động), thì trong hoàn cảnh gặp gỡ trực tiếp, mặt đối mặt giữa ta với một người khác, ta thường khó mà giữ được, khó mà duy trì được những cái khuôn có sẵn (trong đầu của ta) về người ấy (bao gồm cả những định kiến của ta về người ấy), và nhờ vào cơ hội gặp gỡ trực diện, ta thường buộc phải thay đổi hoặc từ bỏ cái “khuôn mẫu” sẵn có của ta về họ (hay “cách hiểu” cũ của ta về họ) bằng một cái nhìn mới hơn, sát với thực tại hơn. Sau câu mà tôi vừa trích dẫn trên đây, Berger và Luckmann đã giải thích rõ hơn ý tưởng (mà tôi vừa diễn giải) qua những dòng sau: “Lấy ví dụ, tôi có thể coi một người khác nào đó như một kẻ có ác cảm cố hữu đối với tôi và tôi cư xử với anh ta theo khuôn mẫu ‘quan hệ ác cảm’ theo cách hiểu của tôi. Tuy nhiên, khi gặp gỡ trực tiếp, người kia có thể đối xử với tôi bằng những thái độ và hành động trái ngược với khuôn mẫu ấy, có thể đến mức mà tôi đi đến chỗ từ bỏ cái khuôn mẫu ấy vì nó không thích hợp và tôi sẽ nhìn anh ta một cách thân thiện” (tr. 50, những chỗ nhấn mạnh là do tôi, T.H.Q.).

Do đó, trở lại với đề nghị của ông Phạm Văn Bích là cần phải dịch cụm từ “put negatively” bằng cụm từ “diễn đạt dưới góc độ sự cấm đoán”, thì tôi nghĩ rằng cụm từ này của ông Bích diễn đạt sai ý tưởng của Berger và Luckmann. Cụm từ “put negatively” chỉ đơn giản là một cụm từ mang chức năng nối kết giữa câu trước (mang tính chất positive, dương bản) với câu sau (mang tính chất negative, âm bản), chứ chẳng hề liên quan gì tới nội dung của các mối liên hệ tương tác xã hội như ông Bích suy diễn và ngộ nhận. Sự ngộ nhận này được bộc lộ rõ rệt qua ý kiến sau đây của ông Bích: “Theo tôi, câu này hàm ý rằng xét dưới góc độ sự cấm đoán thì khó mà cấm thế này thế kia một cách nghiệt ngã trong giao tiếp mặt đối mặt. Nói cách khác, khó lòng bắt buộc sự tương giao trực diện phải tuân theo những khuôn mẫu cấm đoán khắt khe, cứng nhắc.” Ý kiến này của ông Phạm Văn Bích chứng tỏ rằng, rất tiếc, ông không hiểu gì về câu trên cũng như về ý nghĩa của cả đoạn văn bản này của Berger và Luckmann.

Ở đây, trong bối cảnh tương giao trực diện (tức là gặp gỡ trực tiếp mặt đối mặt), theo Berger và Luckmann, chẳng có gì là “cấm đoán” cả, cũng chẳng có chuyện “cấm thế này thế kia một cách nghiệt ngã”, và lại càng không hề có “những khuôn mẫu cấm đoán khắt khe, cứng nhắc” mà người ta phải tuân theo như ông Phạm Văn Bích suy diễn. Theo Berger và Luckmann, ở mệnh đề này, những “khuôn mẫu” ấy chính là những cách nhìn hay cách hiểu có sẵn trong đầu tôi về những người khác (kể cả những định kiến của tôi về họ), chúng thường “áp đặt” lên tôi (tr. 51; bản gốc: “to impose”, tr. 45), “định đoạt các hành động của tôi” (tr. 52; bản gốc: “determine my actions”, tr. 45), chi phối các thái độ và ứng xử của tôi đối với người khác – chứ chúng hoàn toàn không phải là “những khuôn mẫu cấm đoán”.

Với những lý do vừa nêu, tôi nghĩ là không thể đồng ý với giải pháp của ông Phạm Văn Bích là dịch cụm từ “put negatively” bằng cụm từ “diễn đạt dưới góc độ sự cấm đoán” được, vì làm như vậy thì sẽ trái hoàn toàn với ý tưởng của các tác giả Berger và Luckmann. Và do đó, theo tôi, dịch bằng cụm từ “nhìn dưới góc độ âm bản” thì hợp lý và chính xác.

Theo ông Phạm Văn Bích thì nên dịch mệnh đề trên như sau: “… so ra thì khó mà bắt buộc sự tương giao trực diện phải gò theo những khuôn mẫu cứng nhắc” (chỗ nhấn mạnh là do tôi, T.H.Q.). Nhưng theo tôi, cách dịch này cũng lại đi quá xa so với bản gốc, vì ở đây “sự tương giao trực diện” chỉ là một tình huống, một bối cảnh (trong đó diễn ra những mối liên hệ trực tiếp mặt đối mặt giữa tôi với người khác), chứ chẳng có gì “bắt buộc” nó cả. Như tôi vừa đề cập ở đoạn trên, ý niệm về sự “áp đặt” ở đây là sự áp đặt của những khuôn mẫu cứng nhắc (có sẵn trong đầu của tôi) vào các thái độ và ứng xử của tôi đối với người khác trong tình huống tương giao trực diện. Vì thế, nếu dịch là “… khó mà bắt buộc sự tương giao trực diện phải gò theo những khuôn mẫu cứng nhắc” thì câu này trở nên vừa khó hiểu, vừa không chính xác.

Cũng trong câu trên, động từ “to impose… upon…” quả là nếu dịch sát nghĩa thì đó là “áp đặt… vào…”, nhưng các tác giả Berger và Luckmann đã viết câu này một cách quá cô đọng, và họ mặc định hiểu ngầm một vài cụm từ cần thiết mà tôi ghi thêm vào trong dấu ngoặc đứng như sau (nếu dịch sát theo nguyên bản): “… tương đối khó mà áp đặt những khuôn mẫu cứng nhắc [sẵn có trong đầu tôi về người khác] vào [các thái độ và ứng xử của tôi đối với người khác trong] tình huống tương giao trực diện.” Vì thế, thay vì dịch theo sát từng từ, chúng tôi đã cấu trúc lại và viết lại mệnh đề này như sau: “…những khuôn mẫu cứng nhắc thường khó mà tồn tại được trong tình huống tương giao trực diện”, nhằm làm cho câu tiếng Việt trở nên sáng sủa và dễ hiểu hơn mà không hề phản lại ý nghĩa câu này của Berger và Luckmann; còn ý tưởng về sự “áp đặt” thì sẽ được chúng tôi sử dụng trong một mệnh đề sau (ở tr. 51, như sẽ đề cập ở phía dưới).

Ông Phạm Văn Bích còn phê phán chúng tôi rằng “[c]ùng cụm từ ‘face- to-face interaction’ nhưng ở trên thì dịch là ‘tình huống tương giao trực diện’, còn ở dưới lại là ‘sự tương giao trực diện’”, và từ đó đánh giá rằng cách dịch của chúng tôi là “tùy tiện”. Nhưng tôi xin thưa với ông Bích là ở câu này, sở dĩ chúng tôi sử dụng cụm từ “tình huống tương giao trực diện” là vì ở câu ngay trước đó, Berger và Luckmann đã viết như sau: “Hệ quả là những mối liên hệ với tha nhân trong tình huống trực diện thường hết sức linh hoạt” (tr. 50; bản gốc: “It follows that relations with others in the face-to-face situation are highly flexible”, tr. 44 – chỗ nhấn mạnh là do tôi, T.H.Q.), nên ở câu sau, chúng tôi đã tiếp tục sử dụng thuật ngữ “tình huống” cho phù hợp với văn mạch của đoạn này – nếu có thiếu sót thì đây là một sơ suất kỹ thuật của chúng tôi là không đưa từ “tình huống” vào trong hai dấu ngoặc đứng để độc giả biết rõ là do dịch giả thêm vào. Vả lại, suy cho cùng thì cả cụm từ “tình huống tương giao trực diện” lẫn cụm từ “sự tương giao trực diện” cũng không phải là hai thực tại khác biệt nhau, càng chẳng phải là đối nghịch nhau, nên ông Phạm Văn Bích cho rằng chúng tôi làm như thế là “tùy tiện” thì tôi e rằng sự đánh giá này có quá khắc nghiệt chăng.

Trong câu trên, dựa trên sự phê bình của ông Phạm Văn Bích, tôi sẽ sửa lại từ “khó” bằng cụm từ “tương đối khó” (“comparatively difficult”) cho sát với bản gốc. Rõ ràng đây không phải là do chúng tôi dịch sai, mà chỉ là một chi tiết mà chúng tôi vô tình dịch chưa sát với bản gốc. Vả lại, trong văn mạch của câu này, sự khác biệt giữa từ “khó” và cụm từ “tương đối khó” chỉ là một sự khác biệt không đáng kể (tức là không hề làm cho ý nghĩa của câu này có chút mảy may thay đổi nào), chứ không hẳn đấy là những “mức độ khác hẳn nhau” như ông Bích nói, và lại càng không phải là cơ sở để ông Bích đi đến lời chê trách “quả là tùy tiện !” đối với cách dịch của chúng tôi.

* Bản gốc tiếng Anh: “Put differently, while it is comparatively difficult to impose rigid patterns on face-to-face interaction, even it is patterned from the beginning if it takes place within the routines of everyday life” (tr. 45). Bản dịch tiếng Việt: “Nói khác đi, tuy tương đối khó áp đặt những khuôn mẫu cứng nhắc vào trong sự tương giao trực diện, nhưng sự tương giao này vẫn diễn ra theo khuôn mẫu ngay từ đầu nếu nó xảy ra trong khuôn khổ những nề nếp sinh hoạt của đời sống thường nhật” (tr. 51).

Ở câu trên đây, ông Phạm Văn Bích đề nghị thay thế mệnh đề “tuy tương đối khó áp đặt những khuôn mẫu cứng nhắc vào trong sự tương giao trực diện” của chúng tôi bằng mệnh đề “tuy so sánh thì khó bắt buộc sự tương giao trực diện phải gò theo những khuôn mẫu cứng nhắc”, nhưng tôi nhận thấy mệnh đề này của ông Bích dường như còn khó hiểu hơn (nhất là với cụm từ “tuy so sánh thì khó bắt buộc…”), và cũng không chính xác (xin xem lại ý kiến của tôi ở đoạn trên liên quan tới cụm từ “khó bắt buộc sự tương giao trực diện”).

VÍ DỤ 8:

* Bản gốc tiếng Anh: “The social construction of reality” (nhan đề cuốn sách). Bản dịch tiếng Việt: “Sự kiến tạo xã hội về thực tại” (nhan đề cuốn sách).

Trước tiên, tôi đồng ý với ông Phạm Văn Bích là tôi đã sử dụng không đúng những cụm từ “tựa đề”, “tựa chính” và “tựa phụ” (dựa trên một thói quen sai lầm) – đáng lẽ phải dùng từ “nhan đề” (title) mới đúng.

Về nhan đề của cuốn sách, ông Phạm Văn Bích cho rằng đây là “cách dịch không thỏa đáng đối với nhan đề của cuốn sách”, vì theo lời ông, “thực ra [nhan đề này] không nắm bắt được, càng không làm rõ, mà che mờ đi ý tưởng chủ đạo của sách”.

Nhân đây, tôi xin nói rằng cái nhan đề của cuốn sách này chính là điều đã khiến chúng tôi đau đầu và băn khoăn nhất trong toàn bộ cuốn sách, kể từ khi bắt tay vào việc dịch cho đến phút cuối cùng trước khi gởi bản thảo cho nhà xuất bản! Quả thực, từng có lúc tôi định chọn nhan đề cho cuốn sách là “Sự kiến tạo thực tại về mặt xã hội” (y hệt như ông Phạm Văn Bích đã đề nghị), hoặc “Sự kiến tạo mang tính xã hội đối với thực tại” (xin xem chú thích của tôi ở tr. 10).

Đúng như ông Phạm Văn Bích đã nói, hai tác giả Berger và Luckmann đã viết ngay ở những dòng đầu tiên của phần Nhập đề rằng “Các luận điểm căn bản của luận đề của tập sách này nằm hàm ẩn ngay trong cái tựa chính […] của cuốn sách, đó là: thực tại được kiến tạo về mặt xã hội” (tr. 7) (bản gốc mệnh đề này: “reality is socially constructed”, tr. 13). Thực ra, mệnh đề cuối cùng vừa nêu cũng chỉ là một cách dịch của chúng tôi mà thôi, bởi lẽ cụm từ “socially constructed” (“được kiến tạo về mặt xã hội”) còn có thể có những cách hiểu khác, chẳng hạn như: được kiến tạo “trên bình diện xã hội”, hay “mang tính chất xã hội”, hay “theo cách thức xã hội” (xin xem chú thích của tôi ở tr. xviii và tr. 7).

Hai tác giả Berger và Luckmann đã viết trong đoạn trích dẫn trên đây rằng ý tưởng (“reality is socially constructed”, tr. 13) chỉ “nằm hàm ẩn” (“implicit”, tr. 13) trong cái nhan đề chính mà thôi. Chính vì thế, chúng tôi không thể đưa cái ý tưởng “hàm ẩn” lên thành nhan đề cuốn sách (giống như ông Phạm Văn Bích đề nghị), mà buộc phải tìm cách chọn một cách dịch cái nhan đề, và cuối cùng giải pháp đó là: “Sự kiến tạo xã hội về thực tại”.

Cụm từ “sự kiến tạo xã hội” (social construction) lẽ tất nhiên là một thuật ngữ mới trong tiếng Việt, nhưng tôi hy vọng độc giả người Việt sẽ dần dà làm quen với thuật ngữ này, cũng tương tự như một số thuật ngữ khoa học xã hội khác đã từng được du nhập trước đây như “sự phân hóa xã hội” (social differentiation), “sự phân tầng xã hội” (social stratification), “sự tin cậy xã hội” (social trust), “sự tương tác xã hội” (social interaction), hay “sự tái sản xuất xã hội” (social reproduction)… (trong đó từ “xã hội” được sử dụng như một tính từ). Nếu cần phải diễn giải rõ ràng hơn và hơi dài dòng hơn, thì theo tôi, nhan đề “Sự kiến tạo xã hội về thực tại” có thể được hiểu là “Sự kiến tạo mang tính xã hội đối với thực tại”.

VÀI Ý CUỐI CÙNG

Vào cuối bản nhận xét, ông Phạm Văn Bích đã nêu ra cả một bản danh sách tựa như một bản kể tội của chúng tôi: “Các lỗi thuộc nhiều loại: dịch phản nghĩa, sai hẳn nghĩa lẫn sắc thái, nhiều lần không dựa vào từ điển mà tự tiện bịa đặt ra nghĩa khác theo cách hiểu riêng của nhóm dịch (đúng kiểu ‘một mình một chợ’), không nhất quán về chuyển nghĩa cùng một từ và cụm từ trong cùng văn cảnh v.v.

Rất tiếc là cho đến lúc này, tôi chưa thấy ông Phạm Văn Bích nêu ra được những chỗ nào là mâu thuẫn về cách dịch hoặc “không nhất quán về [việc] chuyển nghĩa cùng một từ và cụm từ trong cùng văn cảnh” (như lời ông nói) để tôi tiếp tục sửa chữa.

Ông Phạm Văn Bích còn tiếp tục nói rằng “mỗi loại sai sót đã xảy ra không chỉ một lần, và không phải những trường hợp đơn lẻ, mà lặp đi lặp lại”. Nhưng xin thưa: ông Bích chỉ tìm ra lỗi dịch sai từ “while” có hai lần, ngoài ra không có loại lỗi nào khác “lặp đi lặp lại” như ông Bích tưởng tượng.

Để cho thật khách quan, tôi xin thống kê lại dưới đây tất cả các trường hợp mà ông Phạm Văn Bích đã nêu, sau khi tôi đã trả lời và giải thích về từng trường hợp một trong bài hồi đáp này (theo đánh giá của tôi, tất nhiên):

– trường hợp lỗi phản nghĩa: 1 từ.

– trường hợp lỗi dịch sai từ: 4 từ.

– trường hợp sơ suất kỹ thuật: 2 cụm từ (không đưa cụm từ vào trong dấu ngoặc đứng để độc giả biết là do người dịch đưa thêm).

– trường hợp dịch không sát theo bản gốc (nhưng không sai): 2 từ hay cụm từ.

– trường hợp dịch thoát (tức dùng từ khác trong tiếng Việt để thay từ tiếng Anh): 2 từ hay cụm từ.

– trường hợp dịch đúng (tức hoàn toàn không sai): 10 từ, cụm từ hay mệnh đề.

Như vậy, tổng cộng chỉ có 5 trường hợp thực sự là “lỗi” (trong đó: 1 lỗi phản nghĩa, và 4 lỗi dịch sai từ) mà ông Phạm Văn Bích phát hiện trong tổng cộng 65 trang bản dịch của chúng tôi (tr. 7-72). Phần lớn những trường hợp mà ông Bích quy kết là “lỗi”, là “dịch sai” thì đều không phải như thế, như tôi đã giải thích trong bài này.

Ở cuối bài nhận xét, ông Phạm Văn Bích kết luận rằng nhóm dịch giả “nhiều lần không dựa vào từ điển mà tự tiện bịa đặt ra nghĩa khác theo cách hiểu riêng của nhóm dịch (đúng kiểu ‘một mình một chợ’)”. Tôi thực sự không ngờ là một người cùng làm việc trong giới học thuật khoa học xã hội lại có thể buông lời chê trách cay nghiệt như vậy đối với chúng tôi!

Những từ ngữ mà ông đã sử dụng trong bài nhận xét khi nói về nhóm dịch chúng tôi như “tùy tiện”, “tự tiện”, “bịa đặt”, “một mình một chợ” không khỏi khiến tôi có cảm giác rằng việc nhận xét của ông Phạm Văn Bích hình như đã vượt ra khỏi chuyện trao đổi học thuật để lấn sang chuyện phán xét chúng tôi về mặt đạo đức nghề nghiệp và nhân cách – hiển nhiên đây là điều mà chúng tôi không thể nào chấp nhận được. Ông Phạm Văn Bích có thể tìm ra một số lỗi trong bản dịch của chúng tôi, và cũng có thể ông không đồng ý với chúng tôi về phương pháp dịch thuật hay cách thức sử dụng từ ngữ tiếng Việt, nhưng rõ ràng là không thể từ đó mà cho rằng chúng tôi chỉ toàn là những kẻ làm việc cẩu thả chuyên “tự tiện bịa đặt ra nghĩa khác”, và ông là người duy nhất đúng về mọi điểm. Thông qua nội dung và ngữ điệu của bài nhận xét, tôi cảm thấy hình như chính ông Phạm Văn Bích mới là người hành xử theo kiểu “một mình một chợ”, chứ không phải chúng tôi.

Thực ra, theo tôi, nguyên cớ sâu xa của bài nhận xét của ông Phạm Văn Bích đối với chúng tôi có lẽ bắt nguồn từ chỗ quan niệm về công việc dịch thuật của ông khác biệt quá xa so với quan niệm của chúng tôi. Có thể nêu ra một vài điểm cụ thể bộc lộ ngay trong bài nhận xét của ông:

– Ông Bích cho rằng người dịch lúc nào cũng phải dùng từ ngữ có trong từ điển thì mới được. Tôi thì lại không nghĩ đơn giản như thế. Ông Bích nhắc tới chuyện “từ điển” rất nhiều lần trong bài nhận xét của ông; ông chê trách cách dịch của chúng tôi rằng “[t]ức là họ đã dịch hoàn toàn không theo nghĩa của từ điển” (chẳng hạn khi ông nói từ “banner” mà chúng tôi không dịch là “ngọn cờ”, mà lại dùng một từ khác), và ở phần cuối, ông kết luận là chúng tôi “nhiều lần không dựa vào từ điển”. Trong công việc dịch thuật, việc tra từ điển đương nhiên là chuyện cần thiết, nhưng cũng là chuyện quá sơ đẳng. Bởi lẽ, theo tôi, nếu người dịch lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào các nghĩa được nêu trong từ điển mà lại không chú ý hoặc bỏ quên bối cảnh (context) của văn bản cũng như cấu trúc tư tưởng của tác giả, và cũng không quan tâm tới lối diễn đạt trong tiếng Việt, thì điều này sẽ dễ dẫn tới một thảm họa dịch thuật. Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc chỉ dùng từ ngữ nào có trong từ điển, vì nếu làm như thế thì quá máy móc. Ta nên nhớ rằng mỗi ngôn ngữ đều có nhiều lối nói, lối diễn đạt hết sức phong phú và linh hoạt (dù là tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp thì cũng thế), do đó nếu cứ nhất nhất chỉ dựa vào từ điển để dịch thì dễ dẫn đến những câu khó hiểu hoặc ngô nghê.

– Ông Bích hình như cho rằng đã dịch là phải theo sát bản gốc từng câu từng chữ một. Tôi thì lại không nghĩ như thế: trong lãnh vực khoa học xã hội, dĩ nhiên, người dịch phải cố gắng trung thành tối đa với bản gốc, nhưng người dịch có thể dịch một cách uyển chuyển theo từng đoạn tùy vào văn mạch, và nhất là cần làm sao diễn đạt được theo văn phong của người Việt. Và một sản phẩm dịch thuật cũng còn phụ thuộc cả vào văn phong của cá nhân người dịch nữa. Vì thế, ở các nước phát triển, chuyện một công trình có thể có nhiều bản dịch khác nhau là hoàn toàn bình thường.

– Ông Bích cho rằng một mệnh đề tiếng Anh viết theo thể bị động (passive voice) thì nhất thiết phải dịch ra tiếng Việt theo thể bị động. Tôi thì lại nghĩ ngược lại: vì trong văn phong khoa học xã hội, người Anh hay người Pháp thường sử dụng thể bị động, nhưng người Việt thì lại thường dùng thể chủ động (active voice); cho nên, người dịch nên chuyển sang thể chủ động trong những trường hợp nào có thể làm được, nhằm làm cho bản dịch của mình trở nên xuôi chảy và sáng sủa hơn.

– Ông Bích cho rằng những thuật ngữ triết học Anh ngữ nào có hậu tố “-ism” thì đều nhất thiết phải dịch là chủ nghĩa, chủ thuyết, học thuyết. Tôi nghĩ hoàn toàn khác với ông Bích, và về điểm này thì tôi đã trình bày trong bài này rồi.

Dịch không phải là sáng tác, dĩ nhiên, nhưng dịch cũng không phải là chuyện thuần túy kỹ thuật. Theo tôi, dịch là một công việc mang tính văn hóa.

Có một điều khiến tôi ngạc nhiên là như sau: ở đầu bài nhận xét, ông Phạm Văn Bích cho biết là ông đã sử dụng hai công cụ tra cứu cho bài nhận xét của mình, bao gồm hai cuốn từ điển là Từ điển Anh-Việt (của Viện Ngôn ngữ học) và The Concise Oxford Dictionary of Current English, nhưng tôi không thấy ông Bích nói là ông sử dụng cuốn từ điển tiếng Việt nào cho việc này. Tôi thiết tưởng là việc sử dụng từ điển tiếng Việt cũng hết sức thiết yếu trong việc dịch thuật, hiệu đính hay phê bình một bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (nếu có làm như vậy thì có lẽ ông Bích sẽ tránh được nhiều nhận xét sai lầm và vu oan đối với chúng tôi trong bài nhận xét).

Tôi xin mạn phép nhắc lại một ý đã nêu lúc ban đầu: tôi (cũng như cả nhóm dịch giả) không hề nghĩ rằng bản dịch này là hoàn hảo, không có sai sót, và lại càng không nghĩ rằng khả năng của mình là vẹn toàn, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết mức có thể có trong suốt quá trình làm việc.

Dựa trên tinh thần cầu thị khoa học và tinh thần hoài nghi khoa học, tôi cho rằng cái gì mình dịch sai thì phải nhận là sai, còn cái gì phải trao đổi thêm cho rõ nghĩa thì cần trao đổi thẳng thắn. Và tôi đã thực sự làm như vậy trong bài hồi đáp này. Đối với những điểm sai sót, nếu cuốn sách này có dịp được tái bản, thì tôi sẽ sửa chữa vào bản dịch; còn trước mắt, tôi sẽ đưa những điểm ấy vào một bản đính chính.

Cuối cùng, tôi xin nói rằng hoài bão của tôi và nhóm dịch giả khi nỗ lực làm công việc dịch thuật này cách đây hơn năm năm là chỉ mong muốn đưa một công trình có nhiều ý nghĩa học thuật trong lãnh vực khoa học xã hội của thế giới đến được với độc giả và giới nghiên cứu ở trong nước, ngoài ra không có bất cứ mục tiêu gì khác.

Sài Gòn, ngày 9-12-2020 T.H.Q.

1 Peter L. Berger và Thomas Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại. Khảo luận về xã hội học nhận thức (1966), Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải (nhóm dịch giả: Đinh Hồng Phúc, Huỳnh Thị Phương Mai, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trần Hạnh Minh Phương, Trần Hữu Quang, Trần Nguyễn Tường Oanh, Trương Thị Hiền, Vũ Ngọc Xuân Ánh, Vũ Thị Thu Thanh), Hà Nội, Nxb Tri thức, 2015 (những số trang ghi trong bài này đều là từ cuốn sách này).

2 Có thể đọc bài này tại đường dẫn sau đây: (PDF) Bản dịch tiếng Việt cuốn sách: SỰ KIẾN TẠO XÃ HỘI VỀ THỰC TẠI – KHẢO LUẬN VỀ XÃ HỘI HỌC NHẬN THỨC (Tác giả: Berger, P. và Luckmann, T. 1966) | Đỗ Thiên Kính – Academia.edu

3 Trong bài này, những số trang của bản gốc tiếng Anh là dựa trên ấn bản sau: Peter L. Berger, Thomas Luckmann, The Social Construction of Reality. A Treatise in the Sociology of Knowledge (1966), Harmondsworth, Penguin Books, 1971.

4 Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, in lần thứ bảy, có sửa chữa và bổ sung, Hà Nội, Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học, 2000, tr. 298.

5 Từ “chủ điểm” được Từ điển tiếng Việt định nghĩa như sau: “Nội dung chủ yếu của từng phần trong chương trình một môn học ở bậc phổ thông” (Hoàng Phê, sách đã dẫn, tr. 174).

6 Nhân đây, xin đọc lại nghĩa của liên từ “nhưng” trong Từ điển tiếng Việt: Nhưng = “Từ biểu thị điều sắp nêu ra ngược với ý do điều vừa nói đến có thể gợi ra. [Ví dụ:] Việc nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn. Muốn đi xem, nhưng không có vé” (Hoàng Phê, sách đã dẫn, tr. 728).

7 Xem Robert Audi (Gen. Ed.), The Cambridge Dictionary of Philosophy, New York, Cambridge University Press, 3rd edition, 2015, tr. 491.

8 Pluralism = “1. The existence of many different groups of people in one society, for example people of different races or of different political or religious beliefs. 2. The belief that it is possible and good for different groups of people to live together in peace in one society” (A. S. Hornby, Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English, sixth edition, edited by Sally Wehmeier, Oxford, Oxford University Press, 2000, tr. 971).

9 Pragmatism = “Thinking about solving problems in a practical and sensible way rather than by having fixed ideas and theories” (A. S. Hornby, sách đã dẫn, tr. 990).

10 Symbolism = “The use of symbols to represent ideas, especially in art and literature” (A. S. Hornby, sách đã dẫn, tr. 1318).

11 Scepticism = “An attitude of doubting that claims or statements are true or that something will happen” (A. S. Hornby, sách đã dẫn, tr. 1140).

12 A. S. Hornby, sách đã dẫn, tr. 1492.

13 A. S. Hornby, sách đã dẫn, tr. 1475.

14 Hoàng Phê, sách đã dẫn, tr. 16. Ở đây, có lẽ cũng cần tham khảo thêm ý nghĩa của từ “âm” trong tiếng Việt: âm (nghĩa thứ hai) là “2. Từ dùng để chỉ một trong hai mặt đối lập nhau (thường coi là mặt tiêu cực; mặt kia là dương), như đêm (đối lập với ngày), mặt trăng (đối lập với mặt trời), nữ (đối lập với nam), chết (đối lập với sống), ngửa (đối lập với sấp), v.v. [Ví dụ:] (…) Chiều âm của một trục” (Hoàng Phê, sách đã dẫn, tr. 16).

15 Dương bản = “Ảnh chụp trên đó những phần trắng, đen phản ánh đúng những chỗ sáng, tối trên vật” (Hoàng Phê, sách đã dẫn, tr. 272).

PHỤ LỤC

VÀI NHẬN XÉT VỀ MỘT DỊCH PHẨM ĐƯỢC GIẢI SÁCH HAY 2020 (*)

Phạm Văn Bích

Theo tin đã đưa trong bài “Tác giả 13 tuổi đoạt giải Sách hay 2020” của Thiên Anh (Báo Thanh niên on line, ngày 28/9/2020), thì dịch phẩm “Sự kiến tạo xã hội về thực tại” (tác giả P. Berger và T. Luckmann, dịch giả Trần Hữu Quang và nhóm dịch giả) được giải Sách hay 2020, hạng mục sách nghiên cứu của Viện giáo dục IRED. Tuy nhiên, cần vạch rõ rằng bản dịch mắc không ít lỗi. Bài viết này xin nêu ra và phân tích một vài trong số đó nhằm cung cấp thông tin nhiều chiều cho độc giả về dịch phẩm trên.

Sau khi sách in ra, năm 2016 tôi đã thử đọc đối chiếu một phần (tổng cộng 46 trang tiếng Anh) trong nguyên ngữ của hai học giả Mỹ (Berger, P. and Luckmann, T. 1966. The social construction of reality: a treatise in the sociology of knowledge. New York: A Doubleday Anchore Books) với bản dịch tiếng Việt (Berger, P. và Luckmann, T. 2015. Sự kiến tạo xã hội về thực tại – Khảo luận về xã hội học nhận thức. Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức).

image

Công cụ tra cứu ở đây gồm “Từ điển Anh – Việt” thông dụng của Viện ngôn ngữ (Hà Nội, 1992, Nhà xuất bản khoa học xã hội) và “The concise Oxford dictionary of current English” do D. Thompson chủ biên (Ninth Edition. 1995. Oxford: Oxford University Press). Kết quả cho thấy có nhiều chỗ sai, nên sửa chữa trong bản dịch. Sau đây xin nêu chỉ một vài ví dụ rút ra từ “Nhập đề” và phần I của bản dịch. Để tiện theo dõi, tôi trình bày mỗi ví dụ trong một hộp dưới dạng bốn mục: đầu tiên là nguyên ngữ tiếng Anh (viết gọn là Tiếng Anh, có nêu số trang viết tắt là p.), tiếp đến bản dịch tiếng Việt (viết gọn: Tiếng Việt, số trang – tr.), tiếp nữa là bình luận nhận xét về cách đã dịch ví dụ đó (viết gọn: Nhận xét), và cuối cùng là gợi ý sửa chữa (viết gọn: Gợi ý sửa). Những chữ đáng chú ý được in đậm làm nổi bật lên.

Ví dụ 1:

Tiếng Anh: What is real? (page 1)

Tiếng Việt: Đâu là cái có thc? (trang 8)

image

Nhận xét: Nguyên văn câu hỏi trong tiếng Anh chỉ bao gồm vẻn vẹn ba từ, tưởng chừng đơn giản mà đã bị dịch sai hoàn toàn. Sách giáo trình – giáo khoa nào dạy, và từ điển nào giải nghĩa “what” là “đâu”? Làm sao có thể dịch “what” là “đâu” được?

Gợi ý sửa: Cái thc?

Ví dụ 2:

Tiếng Anh: Furthermore, we have so far ignored developments that might theoretically be relevant to the sociology of knowledge but that have not been so considered by their own protagonists. In other words, we have limited ourselves to developments that, so to speak, sailed under the banner “sociology of knowledge” (considering the theory of ideology to be a part of the latter). (p. 12)

Tiếng Việt: Hơn nữa, cho đến giờ, chúng tôi đã bỏ qua không nói đến những bước tiến triển có thể có liên quan về mặt lý thuyết đến môn xã hội học nhận thức nhưng lại không được những ngưi chng đi chúng coi là như vậy. Nói cách khác, chúng tôi chỉ đề cập đến những bước tiến triển phi nói là chỉ mang trực tiếp nhãn hiệu “xã hội học nhận thức” (vốn coi lý thuyết về ý thức hệ là một phần của môn xã hội học nhận thức). (tr. 25)

image

Nhận xét: Nhóm dịch chuyển ngữ “sociology of knowledge” là “xã hội học nhận thức”, và tự coi cách làm của mình là “xác đáng nhất” (Trần Hữu Quang. “Một lý thuyết về xã hội theo lối tiếp cận hiện tượng học của P. Berger và T. Luckmann”. Trong: Peter Berger và Thomas Luckmann. 2015. Sự kiến tạo xã hội về thực tại – Khảo luận về xã hội học nhận thức. Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức, trang lxvi).

Nhưng cách dịch này có thể gây tranh cãi. Dù tạm gác tranh luận sang một bên song người đọc không thể bỏ qua đoạn này. Từ “protagonist” được Tđin Anh Vit (trang 1316) giải nghĩa là “người tán thành, người bênh vực”, nhưng nó đã bị dịch là “người chống đối”. Như vậy quá trái ngược – tán thành bị hiểu là chống đối – tức dịch phản nghĩa! Thật đúng y câu “dịch là phản”!

– “So to speak” khi ví von không mang sắc thái quả quyết mạnh mẽ “phải nói là” như đã dịch, mà hàm ý nhẹ hơn nhiều. Theo từ điển Oxford (trang 1318), “so to say (or speak)” là “an expression of reserve or apology for an exaggeration or neologism etc.” (một thành ngữ thể hiện sự dè dặt hoặc xin lỗi về một sự phóng đại hay một từ mới được sáng chế ra v.v). Như vậy thành ngữ này hàm ý rằng điều người nói không hoàn toàn giống như đã ví von. Vì thế không thể dịch “so to speak” thành “phải nói là”. Cần dịch “tạm gọi là”, “có thể tạm coi như”.

– “Banner” là ngọn cờ (Tđin Anh Vit, trang 140), nên “under the banner” là “dưới ngọn cờ” nhưng nhóm dịch đã biến hóa nó thành “trực tiếp mang nhãn hiệu”! Tức là họ đã dịch hoàn toàn không theo nghĩa của từ điển. Nếu nhóm không nhận đây là dịch sai thì vì sao và dựa trên cơ sở nào mà họ biến nghĩa nó theo cách hiểu riêng và kỳ quái như vậy?

Gợi ý sửa: Hơn nữa, cho đến giờ, chúng tôi đã bỏ qua những bước tiến triển có thể có liên quan về mặt lý thuyết đến môn xã hội học nhận thức nhưng lại không được chính những người tán thành chúng coi là như vậy. Nói cách khác, chúng tôi tự giới hạn mình chỉ ở những bước tiến triển tạm gọi dưới ngọn cờ “xã hội học nhận thức” (vốn coi lý thuyết về ý thức hệ là một phần của môn xã hội học nhận thức).

Ví dụ 3:

Tiếng Anh: If this interpretation is correct, the sociology of knowledge takes up a problem originally posited by historical scholarship – in a narrower focus, to be sure, but with an interest in essentially the same questions. (p. 5)

Tiếng Việt: Nếu cách lý giải này là đúng, thì môn xã hội học nhận thức quả là đã tiếp nhận một vấn đề vốn lúc đầu từng được giới nghiên cứu sử học đặt ra – dĩ nhiên với một chđim hẹp hơn, nhưng về cơ bản là quan tâm đến cùng những câu hỏi như nhau. (tr. 12)

Nhận xét: “Focus” không hề mang nghĩa “chủ điểm” như đã dịch sai, mà là “tiêu điểm”, “trung tâm”, “điểm trọng tâm” (Từ điển Anh – Việt, trang 640).

Gợi ý sửa: Nếu cách lý giải này là đúng, thì môn xã hội học nhận thức quả là đã tiếp nhận một vấn đề vốn lúc đầu từng được giới nghiên cứu sử học đặt ra – dĩ nhiên với một tiêu đim hẹp hơn, nhưng về cơ bản là quan tâm đến cùng những câu hỏi như nhau.

Ví dụ 4:

Tiếng Anh: Nietzschean ideas were less explicitly continued in the sociology of knowledge, but they belong very much to its general intellectual background and to the “mood” within which it arose. Nietzsche’s anti-idealism, despite the differences in content not unlike Marx’s in form, added additional perspectives on human thought as an instrument in the struggle for survival and power. (p. 7)

Tiếng Việt: Các ý tưởng của Nietzsche đã không tiếp tục dòng suy nghĩ xã hội học nhận thức một cách rõ ràng, nhưng chúng vẫn chủ yếu nằm trong bối cảnh tư tưởng chung của dòng suy nghĩ này vào “tâm trạng” trong đó nó nảy sinh. Xu hướng chống duy tâm của Nietzsche – mặc dù có những khác biệt về nội dung, nhưng không phải là không giống với Marx về hình thức – đã đưa thêm những nhãn quan mới về tư duy của con người xét như một công cụ trong cuộc đấu tranh để sinh tồn và giành quyền lực. (tr. 15)

Nhận xét: Đoạn trích này gồm hai câu: – Câu đầu tiên thì dịch sai hẳn ý tác giả: các ý tưởng (…) đã được tiếp tục (…) thì nhóm dịch thành “các ý tưởng (…) đã không tiếp tục” – tức là một lần nữa dịch phản nghĩa. Chưa hết, về mặt ngữ pháp dạng câu thụ động đã bị chuyển thành dạng chủ động, và cụm từ “…trong xã hội học nhận thức…” vốn giữ vai trò trạng ngữ chỉ nơi chốn ở nguyên ngữ thì nhóm dịch lại biến hóa nó thành bổ ngữ: “các ý tưởng … đã không tiếp tục dòng suy nghĩ xã hội học nhận thức…”. Hơn nữa người dịch còn tự tiện thêm vào cụm từ “dòng suy nghĩ” mà nguyên ngữ không có. – Câu thứ hai dịch không sát ý: “chủ thuyết chống duy tâm” thì bị chuyển nghĩa thành “xu hướng chống duy tâm” (trong khi ở tiếng Anh thuộc lĩnh vực triết học các đuôi từ “-ism” mang nghĩa là “chủ nghĩa”, “học thuyết”, “chủ thuyết” v.v., chứ không phải “xu hướng” như đã dịch).

Gợi ý sửa: Các ý tưởng của Nietzsche đã đưc tiếp tc một cách ít rõ nét hơn trong xã hội học nhận thức, nhưng phn nhiu chúng vẫn nằm trong bối cảnh tư tưởng chung của bmôn này và trong “tâm trạng” nơi nảy sinh nó. Chthuyết chng duy tâm của Nietzsche – mặc dù có những khác biệt về nội dung, nhưng không phải là không giống với chthuyết chng duy tâm của Marx về hình thức – đã bổ sung thêm những nhãn quan coi tư duy của con người như một công cụ trong cuộc đấu tranh để sinh tồn và giành quyền lực.

Ví dụ 5:

Tiếng Anh: While Merton concentrated on the work of Mannheim, who was for him the sociologist of knowledge par excellence, he stressed the significance of the Durkheim school and of the work of Pitirim Sorokin. (p. 11)

Tiếng Việt: Khi Merton quan tâm đến sự nghiệp của Mannheim, người mà ông coi là nhà xã hội học nhận thức par excellence [thượng thặng], ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trường phái Durkheim và sự nghiệp của Pitirim Sorokin. (tr. 22)

Nhận xét: – Tđin Anh Vit giải nghĩa “while” là “trong lúc, trong khi, đang khi, đang lúc” (trang 1922). Nhưng theo Từ điển Oxford (trang 1596) “while” có nhiều nghĩa khác nữa: không chỉ “trong khi”, mà còn hàm ý “in spite of the fact that; although” (mặc dù). Vấn đề là nên chọn nghĩa nào. Chọn “khi” như đã dịch thì chỉ nói lên rằng Merton làm cả hai việc cùng một lúc, và không nói lên quan hệ giữa hai việc, do đó không đáng lưu tâm. Nên dịch là “tuy” hay “mặc dù” mới lột tả đúng ý tác giả, vì đây là câu có kết cấu hai vế nhằm nhấn mạnh sự khác biệt, thậm chí tương phản giữa hai vế đó (“tuy… nhưng…”; “mặc dù … nhưng…”). – Mặt khác, động từ “concentrate” ở ví dụ 5 nghĩa là “tập trung” (Tđin Anh Vit, trang 322), chứ không phải “quan tâm đến” như đã dịch sai. – Danh từ “work” mang nhiều nghĩa, trong đó thích hợp nhất ở đây là “tác phẩm” (Từ điển Anh – Việt, trang 1941), chứ không có nghĩa là “sự nghiệp” như đã dịch.

Gợi ý sửa: Tuy Merton tập trung vào tác phm của Mannheim, người mà ông coi là nhà xã hội học nhận thức par excellence [thượng thặng], nhưng ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trường phái Durkheim và tác phm của Pitirim Sorokin.

Ví dụ 6:

Tiếng Anh: While I am capable of engaging in doubt about its reality, I am obliged to suspend such doubt as I routinely exist in everyday life. (p. 23)

Tiếng Việt: Nếu tôi có khả năng bắt đầu hoài nghi về thực tại này, thì tôi bị buộc phải gác lại sự hoài nghi đó vì tôi vẫn phải tồn tại theo nề nếp thông thường trong đời sống thường nhật. (tr. 42)

Nhận xét: “While…” ở đây không được chuyển nghĩa là “khi” như ví dụ 5 ở trên nữa, mà bị nhóm dịch bịa đặt ra và gán cho nghĩa “nếu” (tức là nghĩa này hoàn toàn không có trong từ điển Anh – Việt và Oxford), còn phần đầu của câu bị biến dạng thành kết cấu “nếu…thì…”. Do đó ý nghĩa của phần này trong câu dịch đã sai hẳn với nguyên ngữ. Tương tự như đã nêu ở nhận xét trong ví dụ 5, theo từ điển Oxford trang 1596, “while” có nhiều nghĩa – không chỉ mang nghĩa “trong khi”, mà còn hàm ý “tuy”, “mặc dù”. Cần dịch là “mặc dù” (hoặc “tuy”) mới lột tả đúng ý tác giả, vì đây là câu có kết cấu hai vế nhằm nhấn mạnh sự khác biệt, thậm chí tương phản giữa hai vế đó (“mặc dù…nhưng…”).

Gợi ý sửa: Mặc dù tôi có khả năng hoài nghi về sự có thật của nó, nhưng tôi buộc phải gác lại sự hoài nghi đó vì tôi vẫn phải tồn tại theo nề nếp thông thường trong đời sống thường nhật.

Ví dụ 7:

Tiếng Anh: – Put negatively, it is comparatively difficult to impose rigid patterns upon face-to-face interaction. (p. 30) – Put differently, while it is comparatively difficult to impose rigid patterns on face-to-face interaction, even it is patterned from the beginning if it takes place within the routines of everyday life. (p. 30)

Tiếng Việt: – Nhìn dưới góc độ âm bản, những khuôn mẫu cứng nhắc thường khó tồn tại được trong tình huống tương giao trực diện. (tr. 50) – Nói khác đi, tuy tương đối khó áp đặt những khuôn mẫu cứng nhắc vào trong sự tương giao trực diện, nhưng sự tương giao này vẫn diễn ra theo khuôn mẫu ngay từ đầu nếu nó xảy ra trong khuôn khổ những nề nếp sinh hoạt của đời sống thường nhật […]. (tr. 51)

Nhận xét: – Vẫn theo từ điển Oxford (trang 911), thì “negative” mang nhiều nghĩa, và dùng để thể hiện sự phủ định (denial), cấm đoán (prohibition) hay từ chối (refusal) v.v. Dịch là “nhìn dưới góc độ âm bản” khiến câu trở nên bí hiểm, khó hiểu. Âm bản có liên quan gì tới sự tương giao trực diện và những khuôn mẫu cứng nhắc đang bàn ở đây? Vì sao nhìn dưới góc độ âm bản? Nhìn như thế nghĩa là gì???

Theo tôi, câu này hàm ý rằng xét dưới góc độ sự cấm đoán thì khó mà cấm thế này thế kia một cách nghiệt ngã trong giao tiếp mặt đối mặt. Nói cách khác, khó lòng bắt buộc sự tương giao trực diện phải tuân theo những khuôn mẫu cấm đoán khắt khe, cứng nhắc. Vậy nên sửa thành “diễn đạt dưới góc độ sự cấm đoán”.

– Cùng một động từ “to impose” được dùng trong hai câu trích, mà ở câu trên thì nó đã bị dịch thành “tồn tại”, còn ở câu dưới – dịch là “áp đặt”.

– Cùng cụm từ “face-to-face interaction” nhưng ở trên thì dịch là “tình huống tương giao trực diện”, còn ở dưới lại là “sự tương giao trực diện”.

– Cùng cụm từ “comparatively difficult” song ở câu trên thì dịch là “khó”, còn ở dưới là “tương đối khó” – tức là mức độ khác hẳn nhau.

Thiết nghĩ ba trường hợp trên đã đủ để rút ra nhận xét về cách dịch: quả là tùy tiện! Tình trạng này có lẽ phần nào là hậu quả khó tránh khỏi của việc một cuốn sách được chia ra cho tới 9 người dịch (còn xé lẻ hơn là “chia năm sẻ bảy), khiến cùng một từ nhưng mỗi người lại dịch theo cách riêng. Tuy nhiên người chủ biên dịch thuật cần cùng cả nhóm bàn luận và đi đến thỏa thuận thống nhất càng nhiều càng tốt, và chịu trách nhiệm chung, chứ không thể để quá tùy tiện như trên. Chính những chỗ này cần đến vai trò của người điều phối (chủ biên dịch thuật), nhưng ông Trần Hữu Quang đã thể hiện rất mờ nhạt. Và vì nhiều người tham gia, một cách hữu hiệu để gia tăng sự thống nhất và nhất quán trong khi dịch là tránh tình trạng mỗi người dùng một từ điển riêng, mà nên cùng tra cứu một từ điển thông dụng – ví dụ Tđin Anh Vit của Viện ngôn ngữ. Cần lưu ý điều này, đặc biệt trong bối cảnh thị trường sách xuất hiện nhan nhản đủ mọi loại từ điển khác nhau hiện nay.

Gợi ý sửa: – Diễn đạt dưới góc độ sự cấm đoán, so ra thì khó mà bt buc sự tương giao trực diện phải gò theo những khuôn mẫu cứng nhắc.

– Diễn đạt một cách khác đi, tuy so sánh thì khó bắt buộc sự tương giao trực diện phải gò theo những khuôn mẫu cứng nhắc, nhưng ngay từ đầu sự tương giao này đã diễn ra theo khuôn mẫu nếu nó xảy ra trong khuôn khổ những nề nếp sinh hoạt của đời sống thường nhật.

Ví dụ 8: Đây là ví dụ được nêu ra cuối cùng nhưng hiện diện ở ngay tờ đầu tiên của sách, tức tờ bìa, và bao trùm lên hết thảy. Đó là cách dịch không thỏa đáng đối với nhan đề của cuốn sách.

Tiếng Anh: “The social construction of reality […]”

Tiếng Việt: “Sự kiến tạo xã hội về thực tại […]”

Nhận xét: Nếu nhìn vào mặt chữ của nhan đề mà không đọc kỹ sách và không nghiền ngẫm chủ đề sách thì người ta dễ thấy cách dịch trên xem ra có vẻ ổn. Nhưng thực ra nó không nắm bắt được, càng không làm rõ, mà che mờ đi ý tưởng chủ đạo của sách. Ý tưởng này không lẩn khuất đâu xa, mà đã được hai tác giả trình bày ngay ở câu đầu tiên: “The basic contentions of the argument of this book are implicit in its title […], namely, that reality is socially constructed […]” (p. 1). Nhóm dịch đã chuyển nghĩa câu trên thành: “Các luận điểm căn bản của luận đề của tập sách này nằm hàm ẩn ngay trong cái tựa chính […] của cuốn sách, đó là: thực tại được kiến tạo về mặt xã hội […]” (tr. 7). Khoan hãy nói về cách chọn từ trong lời dịch, trước hết chúng ta cần nêu rõ điều sau đây. Bằng những chữ mà tôi in đậm, các tác giả đã đưa ra một sự tóm tắt cực kỳ cô đọng, súc tích cho luận điểm cơ bản của sách; cuốn sách là một nỗ lực để chứng minh rằng thực tại không tồn tại độc lập với con người tới mức người ta không thể rũ bỏ nó, mà thực tại được kiến tạo ra. Ý tưởng chủ đạo của sách không phải “sự kiến tạo xã hội về thực tại”, mà là sự kiến tạo thực tại về mặt xã hội. Nhan đề sách chính là một cách diễn đạt khác của câu mà tôi in đậm trên đây. Tuy nhiên khi dịch “cái tựa chính” (từ mà nhóm dịch dùng để chỉ nhan đề sách) họ đã hoàn toàn không nhận ra mối liên hệ giữa lời khẳng định mở đầu này với nhan đề sách, và không tính tới câu trên, tức là không tận dụng được cái manh mối sẵn có và hữu ích ấy. Cách dịch của họ không nói lên sự kiến tạo thực tại, tức là không thể hiện được luận điểm căn bản đó. Đấy là chưa kể một vấn đề nữa như sau. Nhóm dịch chuyển ngữ “title” (p. 1, vừa dẫn ở trên) thành “cái tựa chính” (tr.7, vừa dẫn trên); trong khi đó họ cũng dịch “Preface” (p. v) thành “Lời tựa” (tr. 3). Tức là hai từ tiếng Anh khác nhau đều bị họ dùng chung “tựa” để chuyển nghĩa, bất chấp thực tế rằng Từ điển tiếng Anh (trang 1750) giải nghĩa “title” là “tên (sách), nhan đề”, và chỉ riêng “preface” (trang 1287) mới mang nghĩa “lời tựa, lời nói đầu (sách); lời mở đầu (bài nói)”. Cứ theo cách dịch dễ gây lẫn lộn của họ thì độc giả khó mà phân biệt được nhan đề sách ở bìa với “Lời tựa” đặt ở đầu sách.

Gợi ý sửa: “Sự kiến tạo thực tại về mặt xã hội […]”.

Tóm lại, tôi đối chiếu chỉ 46 trang – chứ không phải toàn bộ – nguyên ngữ với bản dịch và nhặt ra những ví dụ trên (chắc còn sót). Khuôn khổ bài báo không cho phép đưa thêm ví dụ, nhất là những trường hợp mang tính quá chuyên sâu, đậm chất học thuật (chẳng hạn sự không thỏa đáng trong cách dịch tên chuyên ngành “sociology of knowledge”). Các lỗi thuộc nhiều loại: dịch phản nghĩa, sai hẳn nghĩa lẫn sắc thái, nhiều lần không dựa vào từ điển mà tự tiện bịa đặt ra nghĩa khác theo cách hiểu riêng của nhóm dịch (đúng kiểu “một mình một chợ”), không nhất quán về chuyển nghĩa cùng một từ và cụm từ trong cùng văn cảnh v.v. Trong số đó thì dịch phản nghĩa thuộc loại lỗi nặng, cần tuyệt đối tránh trong dịch thuật. Hơn nữa, những chỗ vừa đối chiếu cho thấy rằng mỗi loại sai sót đã xảy ra không chỉ một lần, và không phải những trường hợp đơn lẻ, mà lặp đi lặp lại. Điều đó khiến khó mà tin rằng phần còn lại của cuốn sách sẽ không mắc lỗi.

Đây là một cuốn sách khó, khiến “[…] có người chê là khó đọc […]” – như vị chủ biên dịch thuật đã nêu ra trong bài giới thiệu ở đầu sách (trang xvi). Với nguyên ngữ, ngay cả chuyên gia trong ngành và thuộc những nước nói tiếng Anh, có nền xã hội học phát triển cao hơn chúng ta cũng nhận xét tương tự. Một nhà nghiên cứu từ Anh thừa nhận: “Cuốn sách này hơi khó đọc, có lẽ chỉ dành cho độc giả thật sự chuyên tâm” (Bruce, S. 2016. Dẫn luận về xã hội học. Hà Nội: Nhà xuất bản Hồng Đức – Văn Lang, trang 179). Nhưng trái ngược với cảm tưởng nhọc nhằn, khó đọc của nhiều người, ông Trần Hữu Quang nhận xét: “Đây là một cuốn sách tương đối dễ đọc […] so với nhiều cuốn lý thuyết xã hội học khác, đáng chú ý là được lồng vào rất nhiều thí dụ minh họa cụ thể dễ hiểu, và nhất là được viết với lối văn phong khá hài hước ở nhiều đoạn” (trang xvi). Cũng khá hài hước là trong khi sách được mô tả bằng những từ như “tương đối dễ đọc”, “dễ hiểu” thì bản dịch đã mắc lỗi như trên.

Vì vậy, thật đáng kinh ngạc là bản dịch mắc lỗi đó đã được trao giải Sách hay 2020. Trong trường hợp này người ta không khỏi băn khoăn rằng làm thế nào và theo tiêu chuẩn gì mà dịch phẩm này được giải? Những người xét trao giải có đối chiếu bản dịch với nguyên ngữ không? Nếu không đối chiếu, thì vì sao không, và vì sao không đối chiếu mà trao giải? Nếu đối chiếu, thì họ có nhận ra sai sót không? Hay họ thấy sai, nhưng cho là “chuyện vặt”, không đáng kể và bỏ qua được?

(*) Nguồn: (PDF) Bản dịch tiếng Việt cuốn sách: SỰ KIẾN TẠO XÃ HỘI VỀ THỰC TẠI – KHẢO LUẬN VỀ XÃ HỘI HỌC NHẬN THỨC (Tác giả: Berger, P. và Luckmann, T. 1966) | Đỗ Thiên Kính – Academia.edu.

Comments are closed.