Báo Thụy Điển viết về thơ Mai Văn Phấn

FB Mimi Bergström

Báo “Svenska Dagbladet”, nhật báo lớn nhất của Thụy Điển vừa có bài viết về tập thơ “Höstens hastighet” (Nhịp Mùa Thu) của Mai Văn Phấn đã phát hành rộng khắp vương quốc Bắc Âu này từ cuối tháng 11 năm 2017. Tôi dịch bài viết này sang tiếng Việt thay lời chúc mừng gửi tới nhà thơ Mai Văn Phấn cũng như thơ đương đại Việt Nam.

“Nhịp Mùa Thu”
MAI VĂN PHẤN KIẾN TẠO NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT THÀNH VŨ TRỤ

(Mimmi Diệu Hường Bergström dịch từ tiếng Thụy Điển)

Ghi chú dưới tấm ảnh: Nhà thơ Việt Nam Mai Văn Phấn, sinh năm 1955, từ tác phẩm trình làng năm 1992 đến nay đã có 14 tuyển tập, Năm 2017 ông được trao giải thưởng Cikada của Quỹ Văn hóa thành lập để tưởng nhớ nhà thơ Harry Martinson. Ảnh: Maja Thrane/Nhà Xuất bản Tranan.

Đạo Phật và thuyết luân hồi là nhận thức sâu sắc của người Việt và của nhà thơ Mai Văn Phấn. Có thể nói, lịch sử đau thương, những biến cải trên đất nước ông cũng ở trong đó. Thơ ông chứa đựng những khoảnh khắc thánh thiện của đời sống hàng ngày, đến nay, tuyển tập thơ đã được xuất bản bằng tiếng Thụy điển.

Nhịp Mùa Thu
Tác giả: Mai Văn Phấn
Thể loại: Thơ
Nhà Xuất bản Tranan, số xuất bản ISBN 9789188253217
Dịch giả: Erik Bergvist, Maja Thrane, 86 trang

Trên trang bìa của tập thơ là hình con ve sầu đang vươn về phía trước kiếm tìm, bên trong vỡ òa những bài thơ tuyệt hay và khá bí ẩn. Tuyển tập thơ Mai Văn Phấn ra mắt lần đầu bằng tiếng Thụy điển, nằm trong bộ sách thơ của các tác giả được trao giải Cikada. Quỹ giải thưởng Văn học Cikada được thành lập năm 2004 để tưởng nhớ nhà thơ Harry Martinson, trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống, ý tưởng phù hợp với thơ Mai Văn Phấn.

Theo lời nói đầu của hai dịch giả, Mai Văn Phấn yêu thích thơ của Tomas Tranströmer (nhà thơ Thụy Điển – ND), nhưng cũng có phong cách gần gũi với thơ của Bắc Đảo (Bei Dao, nhà thơ Trung Quốc – ND), người nhận giải Cikada năm 2014. Cả ba nhà thơ đều có nét chung về lối ẩn dụ bất ngờ và xáo loạn, cũng là cách họ phối ngẫu, đan xen giữa hiện thực và tưởng tượng, chớp bắt những khoảnh khắc thánh thiện của đời sống thường nhật. Mai Văn Phấn không lãng phí ngôn từ hình ảnh, những ẩn dụ của ông thường sâu sắc và chính xác – một ví dụ khi miêu tả cặp tình nhân trong lúc ái ân:

Con sâu đo em đu lên người anh
Thì thầm gặm hết những xanh non

Những bài thơ dài trong tuyển tập đặc trưng bởi những tình huống lô-gíc mơ mộng nhưng cũng nhường chỗ cho khoảng không thư thiền về thời gian và cuộc sống. Sự lấp lánh toát lên từ những hành vi giản đơn nhỏ lẻ, như cất chiếc túi sách du lịch, nhưng chính nó, có thể là nguyên nhân gây hiểm họa đến tính mạng con người. Trong thơ ông lưu dấu rõ nét Đạo Phật và sự luân hồi, có cả ánh sáng của Thiên-Chúa-Giáo, và những bí ẩn vượt qua biên giới các tôn giáo khác.

Những trạng huống trong thơ ông đôi khi biểu lộ sự u sầu, có lúc bàng hoàng khiếp sợ, hoặc lặng lẽ ngơ ngác. Đặc biệt là những bài thơ ba câu – thực tế là thơ bốn câu, vì nó được bắt đầu từ tiêu đề bài thơ; ở đây, chứa đựng những vần thái tĩnh lặng, khiến ta liên tưởng đến thơ haiku của các đại thi hào Nhật bản như Basho (Matsuo Bashō, 1644 – 1694, ND) hay Issa (Kobayashi Issa, 1763 – 1827, ND). Ở đây những khoảnh khắc vũ trụ và toàn cảnh chân dung được phác vẽ bằng đường nét tối giản:

Năm chén trà
Bốn chiếc đĩa
Cha thường nhận chiếc chén thiếu đĩa

Trong hoàn cảnh chính trị và ngôn luận ở Việt Nam, thơ của ông thường ám chỉ, hoặc nhiều khi thái độ được biểu lộ trực tiếp trong những hoàn cảnh cụ thể. Một bài thơ đầy ám ảnh với cảm xúc mạnh mẽ, là nhà thơ mải đi pha trà mời khách, nhưng khi quay ra thì căn phòng của mình đã trống vắng. Đó dường như đơn giản là một câu chuyện ma, nhưng khi những hình ảnh mất tích mang tính ẩn dụ được khêu gợi ẩn hiện thì mùi của xác chết đã bốc lên từ căn phòng trống rỗng kia. “Luồng tử khí cao chừng một mét sáu mươi” của người khách – tức chiều cao trung bình của người Việt.

Và trong tình huống khác, thơ Mai Văn Phấn còn biểu đạt sự chán nản, thất vọng trong cơn mộng mị:

Sau lúc 0 giờ, nhà bên
một trí thức tỉnh dậy cười hềnh hệch
thú nhận những câu nói ban ngày là chuyện đùa
Đùa dai thật!

Thời cuộc và lịch sử thường xuất hiện trong cốt lõi các bài thơ: ghi nhớ và quên lãng. Đó là ngôi mộ của ký ức được mở ra trong lồng ngực – một ngôi mộ của ai đó đang gõ vào nắp quan tài đòi được giải thoát. Một gian phòng đầy trí nhớ, nhan nhản những hình nhân bị đóng băng bởi thời gian. Giọng nói thì thầm từ quá khứ vang lên cho đến khi tan ra. Ký ức kể chuyện những con chim hạc bị săn đuổi, bị ăn thịt trong chiến tranh, và những đứa trẻ già nua trước tuổi. Ký ức con người dù đau đớn nhức nhối, nhưng qua sự thú nhận, nó sẽ ngấm đọng sâu hơn:

Cội rễ giữ đất
Con đường bầu vú vương thơm
Nối khuôn mặt với bao hộp sọ
Trên tay chuyền một chuyền hai

Hiện còn hiếm các dịch giả văn học có thể chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Việt sang tiếng Thụy điển. Hai dịch giả Erik Bergvist và Maja Thrane dựa trên văn bản tiếng Anh nhưng đã tham khảo kỹ lưỡng với tác giả và nhờ những chuyên gia biết tiếng Việt đọc kỹ và hiệu đính. Nhờ có sự hỗ trợ nỗ lực này mà bạn yêu thơ Thụy điển có thể đến được và thưởng thức thơ Mai Van Phấn. Đặc biệt, vào thời điểm năm mới bắt đầu, khi những câu hỏi đặt ra cho chúng ta về những điều cần ghi nhớ và quên lãng.

Sebastian Lönnlöv
Svenska Dagbladet

Mai Van Phan gör vardagens små stunder till universum

RECENSION. Buddhism och reinkarnation är självklara referenser för vietnamesiske Mai Van Phan. Likaså hemlandets politik och smärtsamma historia. Nu ges hans poesi, fylld av vardagens upphöjda ögonblick, ut på svenska.

SVD.SE

https://www.facebook.com/mimmi.bergstrom.71/posts/907727549400918

Comments are closed.