In bóng mình trong Huế

Nguyễn Thị Tịnh Thy

image

 

Dù đã đọc bao nhiêu tản văn viết về Huế, dù chắc chắn rằng chuyện Huế chẳng còn chi mới mẻ, vẫn là thành quách rêu phong, người xưa cảnh cũ, hoài cổ thương kim…, bạn đọc cũng sẽ cảm thấy bị cuốn hút khi đọc tập tản văn Một thời Mạ Huế của Nguyễn Khoa Diệu Hà (Nxb. Lao động, 2024).

40 đoản văn trong Một thời Mạ Huế cho bạn đọc chiêm ngưỡng một Huế khác, một Huế mà đền đài, nhà cửa, con người, cỏ hoa, hương vị,… đều được nhìn nhận và cảm nhận qua lăng kính của người con gái Nguyễn Khoa nửa thế kỷ uống nước sông Hương và giờ đây in bóng mình trong Huế qua những dòng chữ thấm đượm ân tình.

Nguyễn Khoa Diệu Hà luôn có cái nhìn, góc nhìn khác về những điều thân thuộc, khiến người đọc nhận ra cái mới mẻ từ trong xưa cũ. Chị mang đến niềm hạnh phúc cho những ai đang sống trên mảnh đất thần kinh khi nhận ra rằng “vua, hoàng hậu, công chúa là có thật, ở ngay trên mảnh đất mà mình đang sống” chứ không phải trong truyện cổ tích (Trái tim phụng hoàng). Và trên mảnh đất ấy là người đẹp Kim Long, là những “con tinh yêu thương”, “con yêu bánh nậm”, mệ già “lút cút lui cui”, mắm ruốc chợ Nịu, cỏ tranh Thành Nội, lộng lẫy ngô đồng, chè hạt sen bọc nhãn lồng, màu thời gian trên vách bếp, lễ cúng thất thủ kinh đô ngày hai mươi ba tháng Năm và nghề trồng bông Tết, nghề may áo cho chùa,…

Huế của Nguyễn Khoa Diệu Hà gây ấn tượng bởi buổi dạy bình thơ văn ở ngôi chùa Huyền Không Sơn Thượng: “Cứ ngỡ đến chùa là kinh kệ, là tu hành nên nghe tiếng cười từ lớp học của sư Giới Đức vang lên khi một thầy trẻ bình bài ca dao nói về tình yêu, tôi bỗng thấy tu cũng gần, Phật cũng gần, kinh kệ cũng gần”. “Giữa trùng điệp chuông, mõ ướp đẫm mảnh đất này, các sư thầy được học những bài ca dao nói về tình yêu”. Tìm hiểu cách dạy bình thơ, làm thơ ấy, chị phát hiện ở nơi đây đã có người “Vịn câu thơ mà đứng dậy”, từ bỏ quá khứ lỗi lầm để trở về với thiên lương (Đường lên Huyền Không).

Thật thú vị khi Nguyễn Khoa Diệu Hà cho ta biết rằng với người Huế, Tết đến từ ngoài hàng chè tàu trước ngõ. “Khi tiếng kéo “xắp xắp” cắt tỉa hai hàng chè tàu chuẩn bị đón Tết vang lên từ nhiều ngôi nhà vườn Huế, cái mùi như là dịu ngọt, nhẹ thoảng của lá đẫm sương cũng mang một thông điệp báo Tết đang về” (Mùi Tết). Và đạo đức nghề nghiệp trong Người xưa may áo sao mà đáng quý đến thế khi ông Nguyễn Văn Song, chủ tiệm may áo dài Minh Tân ở Huế tâm sự: “Thầy tui dặn may áo cho người phải cẩn thận, đừng bắt chẹt khách hàng mà lấy tiền cao, nhất là những ngày cận Tết… Tui là đàn ông, may áo dài cho đàn bà, thầy tui dặn cách đo áo cũng phải ý tứ, đứng sau lưng hay một bên, tránh đụng chạm, đó là đạo đức của nghề”

Những tản văn Hương cau đáy chén, Món ruốc sả của mạ, Con ngồi nhớ món bún giấm nuốc của Mạ, Cuối mùa khoai từ, Màu thời gian trên vách bếp,… của Nguyễn Khoa Diệu Hà là sự đánh thức ký ức, khiến ký ức vang tiếng, dậy hương trong từng trang viết nhỏ. “Nghe trong hương vị một trời nhớ thương”, vậy nên tiếng “Mạ” mặn mòi, tha thiết, trĩu nặng một thời chưa xa cứ vang mãi trong tâm trí người đọc. Mạ mình, mạ bạn, mạ Huế,… mạ chân chất mà triết lý trong từng lời ăn tiếng nói; mạ khéo léo trong chén chè bông cau, tô bún giấm nuốc, tô canh cá cơm lá me; mạ lương thiện, bác ái và vị tha như một đấng hiền minh. Mạ ở chốn lầu son gác tía, nhà rường có cửa bàn khoa hay ở gian bếp đượm mùi khói ấm; mạ thong dong nhàn hạ hay tần tảo gióng triêng thì cũng là người mẹ có trái tim phụng hoàng yêu thương và chở che cả thế gian này. “Mạ là Phật của con!”.

Bao nhiêu lần tiếng “Mạ” vang lên trong sách là bấy nhiêu lần yêu thương và nhung nhớ dâng đầy. Từ cảm thức “nhớ mạ và những ngày xưa thân ái”, Nguyễn Khoa Diệu Hà khiến ta tiếc nhớ một âm thanh quê kiểng mà trĩu nặng ân tình, đó là tiếng gọi “Mạ” của người Huế. Tiếng gọi “Mạ” đang mất dần trong đời sống cả ở thành phố lẫn thôn quê. Rồi một ngày, tiếng “Mạ” chỉ còn trong sách vở, thơ ca, hò vè xưa; con cái chúng ta sẽ phải tra từ điển mới có thể hiểu nghĩa từ “Mạ”. Buồn, day dứt, cảm thấy có lỗi vì ta không vô can, đọc tản văn Mặn mà tiếng “Mạ” của Nguyễn Khoa Diệu Hà, có lẽ những người con xứ Huế sẽ thầm bật gọi “Mạ ơi!”.

Bàng bạc trong Một thời Mạ Huế là hình bóng, tâm tình, cảm xúc của thiên tính nữ. Tôi, bạn, chị, em, o, mạ, mụ, mệ, bà,… đều là người-nữ-vĩnh-hằng. Hầu như tất cả mọi điều trong tản văn đều được soi chiếu qua tâm tình của người nữ. Vì thế, mỗi cảm nhận và miêu tả của Diệu Hà về cảnh sắc và con người đều tinh tế, sâu sắc, đằm thắm và duyên dáng đến lạ. Tập tản văn Một thời Mạ Huế có đủ “Huế”. Huế từ đất trời, hoa cỏ, ăn uống, may mặc, lễ nghi cúng kiếng đến kiến trúc nhà cửa; cái đã tàn phai và cái đang hồi sinh, cái đã tận tuyệt lẫn cái đang tượng hình…

Lối viết nữ tính, chú trọng đến người phụ nữ và thường lấy họ làm tâm điểm để triển khai chủ đề; kết hợp cảm xúc đầy nữ tính với tư liệu và kinh nghiệm của người làm báo đã vô hình trung chi phối cách cấu tứ, cách kể chuyện, giọng kể chuyện của Nguyễn Khoa Diệu Hà.

Đặc biệt, tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà đã chọn góc nhìn từ nội tâm để thổi hồn cho Huế trong toàn cuốn sách. Vì thế, mỗi con chữ đều trĩu nặng tâm tình của tác giả: “Đời người đâu dễ để cuối đời làm một mặt hồ phẳng lặng. Nàng vương phi hai mươi xuân xanh tươi thắm, những buổi bên hiên nhà trong nắng chiều phai, hay những đêm thanh bình trong ngôi nhà cha mẹ, nàng có buồn không, nàng có khóc thầm không, nàng đã nghĩ những gì? Ôi, hậu thế làm sao biết được. Nàng không để lại gì ngoài những sự kiện được viết trong lịch sử và trong những chuyện kể theo trí nhớ của người thân. Tôi ngắm nhìn thêm lần nữa đôi mắt phượng của người con gái đẹp đất Kim Long, đôi mắt với ánh nhìn trang nghiêm và bình lặng, tôi không dám lấy lòng dân gian đo lòng chim phượng nhưng những câu hỏi cứ gợn lên: “Hơn sáu mươi năm giữ tròn chữ tiết hạnh, nàng Vàng của Vua Duy Tân, nàng có sợ gì không, nàng có khóc nhiều không, nàng cô đơn như thế nào?” (Nàng Vàng của vua Duy Tân).

“Bạn nhắc câu tục ngữ “Cơm với cá như mạ với con” làm mình bỗng sực nhớ, bao lâu rồi mình chưa nghe lại câu tục ngữ đó? Cũng khá lâu rồi, từ ngày mạ mất, không còn ai vào bữa ăn thường hay nói ca dao, tục ngữ để dạy dỗ con cháu như mạ. Tự nhiên bạn làm mình nhớ món cá nục của mạ” (Ký ức… Cá nục). Đọc những gì Nguyễn Khoa Diệu Hà viết, lòng ta “cứ thương phố, thương làng, thương những vàng son nay lầm lụi”, thương những kỷ niệm ngọt “thấu thiên đường” nay đã phôi pha.

Cứ thế, bằng giọng điệu thủ thỉ từ tốn của tâm hồn đa cảm và cái nhìn tinh tế đến da diết – nhìn từ bên trong, Nguyễn Khoa Diệu Hà là tôi, là chị, là em, là o, là nàng, là mạ. Đó chính là “cái tôi” tự sự rất độc đáo của chị. Chính “cái tôi” này đã góp phần làm nên chất Huế cho cuốn sách vốn đã rất Huế này.

Tất cả là vì Diệu Hà đã “in bóng mình trong Huế” – một Huế trong máu thịt châu thân và máu thịt tâm hồn – như một nhận định trong tập sách Một thời Mạ Huế của chị.

Comments are closed.