Nguyễn Thông
Hôm nay 27.7 lịch dương nhưng lại là ngày tưởng nhớ biết ơn liệt sĩ-thương binh, một dạng lễ kiểu lịch âm, tưởng nhớ người đã khuất. Dĩ nhiên không phải ai chết cũng được nhớ dù cuộc chiến tranh năm xưa, binh đao máu đổ làm chết biết bao người. Có rất nhiều hồn ma, người cụt người què khốn khổ bị chôn vùi, quên lãng, chỉ bởi họ bị xô đẩy vào trận huynh đệ tương tàn và bị thua cuộc. Đánh nhau do ý thức hệ thì sự phân biệt cũng từ ý thức hệ.
Xứ ta thời hậu chiến, lực lượng thương binh (của phe thắng cuộc) là một dạng vết thương xã hội, lâu lâu gặp khi trái gió trở trời lại sưng tấy, mưng mủ, đau nhức. Một loại đối tượng rất nhạy cảm, nếu không có chính sách đối xử hợp lý hợp tình sẽ dễ sinh chuyện. Điều ấy cắt nghĩa vì sao chính quyền phải có hẳn một bộ gọi tên “Lao động – Thương binh – Xã hội”, tức là thương binh được xem như một đơn nguyên ngang hàng với “lao động” và “xã hội”.
Cuộc chiến tranh tương tàn đã lùi hơn 46 năm, tuy nhiên vấn đề thương binh sẽ còn phải kéo dài vài chục năm nữa. Mai ngày từ “thương binh” sẽ chỉ còn trong quá vãng, những chiếc xe tự chế, những tổ hợp 27.7, nhưng cơ thể “tàn nhưng không phế”, những chính sách ưu tiên, và cả những phũ phàng trong sự đối xử với người có công với đảng, v.v.. sẽ thưa vắng và tắt dần. Cũng chưa biết rồi cuộc sống, xã hội không còn thương binh sẽ như thế nào, chi bằng lúc này đây, khi thương binh vẫn hiện diện như một thực thể bằng xương bằng thịt, hãy giải quyết sao cho có lý có tình.
Trước hết, nói về thương binh. Tôi luôn kính trọng những người đã đổ máu hy sinh. Vẫn hiểu rằng cuộc chiến tranh mà họ tham gia có rất nhiều phi lý, nhưng thời thế đã vậy, phận làm trai phải ra nơi chiến địa, "gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao". Người cộng sản giành được phần thắng, điều đương nhiên họ phải trả món nợ máu xương cho thương binh liệt sĩ của họ.
Phải công bằng nhận xét thế này: Nhà nước đã có khá nhiều ưu đãi cho thương binh, nhưng cũng còn rất nhiều sự đối xử phũ phàng. Không ít người từng bỏ lại phần thân thể ở chiến trường khi trở về quê nhà vẫn chịu cảnh đối xử bất công, cuộc sống cơ hàn, nghèo khó, phận dưới đáy xã hội. Nói đâu xa, một nhân vật mà nhiều người biết, nhà văn nhà thơ Hoàng Cát, tác giả truyện ngắn nổi tiếng “Cây táo ông Lành”, cụt chân ở chiến trường Quảng Đà, suốt mấy chục năm hậu chiến phải vất vưởng sống vỉa hè, mọi chế độ thương tật bị cắt bỏ, không được thừa nhận là thương binh, dù chỉ còn một chân. Mãi sau này, người ta mới phục hồi quyền lợi cho ông, lúc ấy cũng muộn rồi. Chả khác gì bê đĩa cơm sườn hoặc bát canh xương ống mời một ông rụng hết răng, bảo mời bác xơi cơm. Dạng được đối xử ân cần như bác thương binh nặng nhà văn Sơn Tùng (vừa mất hôm kia) hiếm lắm. Ai muốn biết cách nhà nước đền ơn thương binh thế nào, nên đọc những cuốn sách của cô Phan Thúy Hà, như "Tôi là con gái của cha tôi", "Những trích đoạn của các anh".
Ở một nước trải qua hết cuộc chiến tranh này tới cuộc đánh nhau khác, hết trong nhà nện nhau lại tới đánh với “bạn” ngoài, đội ngũ thương phế binh nhiều vô kể. Chỉ kể riêng cuộc nội chiến 1954-1975, khi chiến tranh kết thúc, bên thắng cuộc đương nhiên có chính sách đãi ngộ thương binh, còn thương phế binh phe bại trận tuyệt đối không chút gì. Nếu có chăng, chỉ là được vào trại tù học tập cải tạo, sau đó tự lang thang bến tàu bến xe kiếm sống bằng sự què cụt của mình. Nhiều năm sau “giải phóng”, ở miền Nam nhan nhản những hình ảnh thương phế binh quân đội Sài Gòn chịu thân phận sống dưới đáy xã hội như vậy. Tội của họ là để thua, vậy thôi. Được làm vua, thua chịu thiệt. Tới ngày 27.7, có lẽ họ là người ngậm ngùi thân phận nhất.
Rồi sau này lịch sử sẽ đánh giá lại những nguyên nhân cuộc chiến. Nếu chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống Trung cộng xâm lược biên giới phía bắc (1979-1989) thì chính nghĩa đã đi một nhẽ, đằng này nhiều khi chỉ vì để thực hiện ý chí nhất thời của một ai đó, một ý thức hệ sai lầm nào đó mà họ, người cộng sản, lôi cả dân tộc vào vòng binh đao, gây bao nhiêu mất mát, tang tóc đau thương, cuối cùng cũng chỉ để “góp thây trăm họ nên công vài người”, thì cần được bạch hóa dần, trả lịch sử về đúng sự thật của nó. Có những sự thật phải mất trăm năm, thậm chí vài trăm năm mới phô bày như nó vốn có. Rồi tới ngày dân xứ Việt sẽ cùng nhau ngẫm lại lời của một nhà lãnh đạo, ông vua nước láng giềng Thái Lan “Các ngài (Việt Nam) tự hào đánh thắng hai đế quốc to, còn chúng tôi thì tự hào không phải đánh nhau với đế quốc nào cả”.
Thời tôi sống, suốt nhiều thập niên, ngoài chuyện “ra ngõ gặp anh hùng” thì còn “ra ngõ gặp thương binh”. Không cần nói đâu xa, làng tôi trai tráng cứ vừa đủ tuổi 17 là lũ lượt ra trận, có năm vài ba lần bắt lính (còn gọi là đi nghĩa vụ quân sự). Chiến trường A, B, C, D đều khát lính. Bao nhiêu cũng không đủ. Ông Huy anh họ tôi từng ngậm ngùi bảo các bà mẹ đẻ con không kịp cho người ta bắt. Huyện đội về tuyển quân, khám qua loa xong rồi trai làng về chia tay gia đình, thịt con gà làm mâm cơm tiễn biệt rồi đi. Chia tay chỉ có khóc bởi biết tiễn nhau vào cõi chết. "Gió hiu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê". Nhiều người đi mãi không về, không bao giờ về nữa. Xã Thụy Hương quê tôi bé tí, chỉ vài ngàn khẩu nhưng nghĩa trang liệt sĩ hơn trăm ngôi mộ. Trong số những người may mắn thoát khỏi định mệnh “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (xưa nay ra trận mấy ai trở về), rất nhiều người thành thương binh.
Ông anh ruột tôi, học hết lớp 10, giấy gọi vào đại học có trước, giấy nhập ngũ tới sau nhưng “cái sau đè cái trước”, tháng 10.1969 hành quân vào nam. Bị thương ở mặt trận Nam Lào, sau đó vào sâu tiếp lại bị thương trên chiến trường Bình Định, năm 1975 ra bắc nhập trại thương binh bên huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chữa trị mấy tháng mới được hồi hương. Vết thương chìm trong người nên trông cơ thể vẫn lành lặn, may không bị què cụt. Giờ trong người ông anh vẫn còn một vài viên bi bom chưa lấy ra được. Tôi nhớ như in cái thẻ thương binh của anh tôi do trung tá Lương Tuấn Khang (quân khu 3) ký, sau khi anh tôi đi Liên Xô học giao cho tôi bảo quản, thỉnh thoảng nó được trưng dụng “bất hợp pháp” để mua vé tàu vé xe tuyến Hà Nội – Hải Phòng dịp tết, dịp hè. Dạo thập niên 1970, từ Hải Phòng đi Hà Nội thường phải mất ít nhất 1 ngày mới tới nơi. Có khi 2 ngày chỉ cho quãng đường 104 cây số. Tết năm Bính Thìn 1976, tôi đi chuyến tàu điện tinh mơ ra bến Nứa, chen chúc xếp hàng mua được cái vé ô tô khách thì đã 3 giờ chiều, chờ xe mất thêm cả tiếng nữa, xe về tới bến hồ Quần Ngựa Hải Phòng thì đã khuya, không còn xe về huyện. Ngủ vật vạ bến xe, sáng hôm sau lại xếp hàng mua vé về huyện Kiến Thụy, tới trưa mới đến nhà, tính ra hết đúng ngày rưỡi cho hơn 120 cây số (về tận nhà). Lúc quay lại trường, nhờ có bảo bối ưu tiên, chiếc thẻ thương binh, chỉ mất hơn nửa ngày. Giờ nghĩ lại, cũng biết mình sai, tham nhũng vặt, nhưng khổ quá nên làm “bậy”.
Hai thương binh khác ở làng tôi, hơn tôi 1 tuổi, học trước tôi 1 năm, cùng vào Nam năm 1971, là Nguyễn Minh Trí (gọi tôi bằng chú) và Nguyễn Đức Vê. Bọn hắn cùng đi và cùng trở về, cùng bị cụt một tay, cùng nhập trại Vĩnh Bảo. Chỉ khác tí xíu: Trí thuận tay phải thì cụt ngay tay phải, cưa tới gần vai; anh Vê thuận tay trái thì mảnh bom xơi béng ngay tay trái. Cùng về học sư phạm 10 + 3 Kiến An, ra làm thầy giáo. Còn mỗn tay, lại không thuận, học và sinh hoạt rất vất vả. Trí làm tới hiệu trưởng nhiều trường cấp 2, về hưu vẫn tham gia vào các hoạt động xã hội. Trí mỗi lần mua vé tàu xe, đưa thẻ thương binh ra, thấy nhân viên bán vé ngắm nghía soi mói nghi ngờ có phải thương binh thật không, liền thò cánh tay cụt vào ô cửa ngoáy ngoáy. Khỏi cần giải thích. Anh Vê từng nổi tiếng với vụ cùng một số thương binh “nhảy dù” chiếm nhà trong khu tập thể mới xây ở đường Trần Nguyên Hãn nội thành. Đầu đuôi là việc thương binh bị đối xử thậm tệ, không nơi ăn chốn ở, làm đơn xin nhà mãi không được, trong khi cán bộ lành lặn trốn ở hậu phương thời chiến tranh lại được cấp hết nhà này tới nhà khác. Các chiến sĩ què cụt nhà ta bèn tập hợp nhau lại hơn chục vị, thấy khu nhà kia vừa xây xong bèn tiền trảm hậu tấu. Nghe đâu chính quyền Hải Phòng của ông Đoàn Duy Thành hồi đó phải xử lý mãi mới ổn vụ này.
Một ông bạn khác của tôi, cùng lớp suốt thời cấp 3, cũng thương binh. Y tên Vũ Trường Thành, người xã Minh Tân, cùng huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Học toán rất giỏi, cỡ… Ngô Bảo Châu bây giờ, hì hì. Năm 1972, tháng 3, đang học dở lớp 10, chuẩn bị thi tốt nghiệp thì y và nhiều bạn trong lớp, cùng cả thầy Mễ chủ nhiệm, bị gọi nhập ngũ bổ sung cho chiến trường Quảng Trị, nơi được mệnh danh là cối xay thịt, mỗi ngày mất hẳn một đại đội. Đánh trận thành cổ xong, cùng chiến hào với những tên tuổi sau này như Đinh Thế Huynh, Lê Duy Ứng, Nguyễn Quốc Triệu…, y còn bị đưa vào tận mặt trận Quảng Đà, bị thương rồi mới ra bắc. Cũng học sư phạm 10 + 3 Kiến An, dạy toán ở nhiều trường, khi An Đà, khi Anh Dũng, có tiếng, học trò rất quý. Tính thẳng thắn, ngang như cua, gặp điều gì vướng tai trái mắt quật luôn, chửi luôn, ban giám hiệu cũng phải sợ và phục. Điều đáng nói, hầu như năm nào dịp 27.7 y cũng lần mò vào tận chiến trường xưa, tới thành cổ, tới nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 thắp hương cho đồng đội trận vong. Cứ mỗi lần kể cho tôi nghe những chuyến về nguồn, y đều chảy nước mắt, làm tôi cũng khóc theo. Y thường kết luận, đéo mẹ chúng nó, bao nhiêu người chết vùi thân nơi rừng xanh núi đỏ, bao nhiêu thằng què cụt, thương tật như tao, để bây giờ chúng nó gây ra cái xã hội khốn nạn như thế này, mày thấy có tức không. Năm nay 27.7 ngày trận vong, bạn tôi không thể vào các đại nghĩa trang thắp hương và khóc nữa, bởi vết thương đã nổi cơn tàn phá và đưa bạn đi gặp đồng đội cõi âm vào cuối năm ngoái ta mất rồi.
Nguồn: FB Nguyễn Thông