Giáo sư Nguyễn Xuân Thu

Nguyễn Hưng Quốc

Trong lãnh vực giáo dục Việt Nam, một trong những người tôi khâm phục nhất là giáo sư Nguyễn Xuân Thu.

310242504_3449471458662475_396019815775962501_n

Tác giả Nguyễn Hưng Quốc và giáo sư Nguyễn Xuân Thu (hình chụp ở Melbourne năm 2021)

Phục, trước hết, ở cái nghị lực phi thường của ông. Sinh ra trong một gia đình nghèo, ở một địa phương được xem là nghèo nhất của Việt Nam (Vĩnh Linh, Quảng Trị), mồ côi cha từ năm 5 tuổi, mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi; từ năm 14 tuổi, ông đã bỏ nhà ra đi, trôi giạt vào tận Huế, làm đủ thứ nghề lặt vặt để kiếm sống. Rồi, nhờ người quen giới thiệu, ông được vào học ở trường Thiếu Sinh Quân. Lúc ấy đã 19 tuổi, ông làm giấy tờ lại, khai tụt xuống đến 6 năm để đủ tuổi vào học lớp 6, chung với các trẻ em 12, 13 tuổi. Vậy mà, cuối cùng, ông cũng học xong trung học. Chưa thoả mãn, ông thi đậu vào trường Đại Học Sư Phạm. Ngoài ra, ông còn ghi danh vào trường Văn Khoa. Bốn năm sau, ông tốt nghiệp với hai bằng Cử Nhân và được bổ làm giáo viên cấp 3. Vẫn chưa thoả mãn, mấy năm sau, ông xin được học bổng sang Mỹ du học. Ông là một trong vài người có bằng tiến sĩ chuyên ngành về quản trị đại học đầu tiên ở miền Nam thuở ấy.

Sau năm 1975, ông bị học tập cải tạo. Ra tù, ông tìm cách vượt biên. Sang Úc với hai bàn tay trắng, ông bắt đầu lại từ đầu, một cách vất vả như bao nhiêu người tị nạn khác. Hơn 10 năm sau, ông trở thành một trong những người Việt Nam hiếm hoi được phong hàm giáo sư ở một trong những trường đại học lớn và có uy tín nhất của Úc, trường RMIT.

Tôi còn phục nữa, ở Nguyễn Xuân Thu, một con người đầy viễn kiến. Nói chuyện với ông, cả hàng chục năm nay, bao giờ tôi cũng nghe ông kể về dự án này dự án nọ, dự án nào cũng mang tính chiến lược. Điều đó có thể thấy rõ qua các công việc ông làm ở Úc. Thường, với người trưởng thành, để tự lập, ai cũng xin việc. Chữ “xin việc” ấy bao hàm ý nghĩa: công việc đã có sẵn, với những mục tiêu và yêu cầu nhất định, người nào đủ tiêu chuẩn sẽ được thu nhận. Khi đã được nhận, người ta cứ việc theo cái khuôn ấy mà làm. Như chiếc xe lửa chạy theo đường ray. Nguyễn Xuân Thu thì khác. Hầu hết các công việc ông nhận đều chưa có tiền lệ. Khi được các trường đại học Úc thu nhận, ông phải sáng lập nên một chương trình Cử nhân hoàn toàn mới: Cử nhân Việt Nam học. Đó là chương trình Cử nhân đầu tiên trên thế giới (trừ Việt Nam). Chưa hết. Đầu thập niên 1990, ông quyết định về hưu sớm. Cầm số tiền hưu bổng ít ỏi, ông về Việt Nam làm cố vấn không lương cho Bộ Giáo dục. Sau đó, thấy ông làm được nhiều việc, trường đại học RMIT mời ông làm giám đốc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Trong thời gian này, ông vận động thành lập trường đại học RMIT-Việt Nam. Sau mấy năm vận động vất vả, cuối cùng, trường được ra đời. Đó là trường đại học quốc tế đầu tiên được thành lập tại Việt Nam và đến nay, được xem là một trong những trường đại học có uy tín nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, điều tôi phục nhất ở Nguyễn Xuân Thu là cái tâm của ông. Chưa bao giờ tôi gặp một người tốt đến như vậy. Ông giúp đỡ hết người này đến người khác. Chính bản thân tôi cũng từng chịu ơn ông. Tôi gặp ông lần đầu tiên vào năm 1989 ở Chicago, Hoa Kỳ. Lúc ấy tôi đang sống ở Pháp, được Hội Giáo dục Việt – Mỹ mời sang thuyết trình về văn học Việt Nam. Nguyễn Xuân Thu lúc ấy là chủ nhiệm ngành Đông Dương học tại một trường đại học Úc sang dự thính. Sau phần thuyết trình của tôi, ông đứng lên phát biểu, chủ yếu là khen ngợi. Sau, trong giờ giải lao, ông đến chuyện trò tiếp và xin địa chỉ của tôi ở Pháp để, ông hứa, khi có dịp sang Pháp, ông sẽ ghé thăm. Tôi cho một cách hờ hững, không hy vọng sẽ có cơ hội gặp lại. Thế nhưng, hơn một năm sau, ông sang Pháp thực. Tôi mời ông về nhà ăn tối. Suốt bữa ăn, ông kể về sự phát triển vượt bậc của ngành Việt học tại Úc. Số sinh viên, Việt Nam cũng như ngoại quốc, ghi danh học rất đông. Nhưng tiếc, theo ông, không tìm ra người nào có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ học và văn học Việt Nam để giảng dạy. Ông hỏi tôi có muốn sang Úc dạy học không. Lúc ấy tôi đang làm việc trong toà soạn tạp chí Quê Mẹ và đã bắt đầu chán nghề làm báo. Tôi nghĩ việc dạy đại học sẽ hợp với mình hơn. Sau khi hỏi thêm một số chi tiết, tôi đồng ý. Về lại Úc, ông bắt đầu ngay thủ tục bảo lãnh. Công việc hành chính tiến hành nhanh hơn tôi tưởng. Chỉ vài tháng sau, Đại sứ quán Úc tại Paris mời tôi lên trao cho visa thường trú. Trước khi mua vé máy bay cho cả nhà, thú thực, trong lòng tôi hết sức phân vân. Đang có việc làm khá ổn định ở Pháp, bây giờ cả nhà sang một quốc gia lạ hoắc không có bà con bạn bè gì cả, quả là một cuộc phiêu lưu. Nhưng, không hiểu sao, tôi lại tin ông. Ánh mắt của ông, giọng nói của ông, cả con người của ông, toát lên vẻ gì rất chân thật. Tôi linh cảm mọi chuyện đều tốt đẹp. Mà, quả thực, mọi chuyện đều tốt đẹp. Ông giúp tôi một cách thành tâm. Sang Úc, nhà cửa ông đã thuê sẵn. Trong nhà, có đầy đủ giường mền, bàn ghế, chén bát. Đủ tất cả.

Không phải chỉ với mình tôi. Tại Úc, ông cũng giúp đỡ nhiều người như thế. Ông sáng lập chương trình Cử nhân Việt học tại trường Footscray Institute of Technology rồi sau đó, giao cho người khác phụ trách. Ông vận động thành lập chương trình Cử nhân Thông ngôn – Phiên dịch ở trường Victoria College, sau đó, cũng giao cho người khác giảng dạy. Rồi ở trường chính, Phillip Institute of Technology, ông cũng giao cho người khác. Sau này, về Việt Nam, ông thành lập nhiều trung tâm tư vấn du học, một số rất thành công, ông cũng giao hẳn cho người khác.

Đôi khi lòng tốt của ông bị trả lại bằng quả đắng. Khi dự án Đại học RMIT Việt Nam được chính phủ Việt Nam chính thức cấp giấy phép, ông lại bị trục xuất khỏi Việt Nam và bị cấm nhập cảnh trong vòng bốn năm vì công an nghi ngờ ông là… CIA. Vậy mà ông vẫn không thù hận. Tại Úc, qua trường RMIT, ông tiếp tục làm cố vấn cho các chương trình giáo dục ở Việt Nam. Khi lệnh cấm nhập cảnh hết hiệu lực, ông lại vẫn về Việt Nam giúp đỡ cho các trường đại học. Không lương.

Bây giờ, về hưu, ông sống chủ yếu bằng tiền trợ cấp cho người già của chính phủ. Tôi biết ông nghèo. Nhưng gặp ông, lúc nào tôi cũng thấy ông vui vẻ và nhiệt tình hừng hực. Gần 90 tuổi, ông vẫn ấp ủ nhiều dự án giáo dục và xã hội to lớn. Hầu hết, ông gợi ý cho người khác thực hiện. Một cách đầy say mê.

Trong Lời giới thiệu cuốn hồi ký “Hành trình từ trường làng đến Đại học RMIT Việt Nam” (2014) của ông, tôi khen ngợi ông là người có tâm, “một cái tâm rất có tầm”.

Tầm cỡ đó hiếm người có được.

Nguồn: FB Nguyễn Hưng Quốc

Comments are closed.