(Rút từ facebook của Lê Minh Hà)
Nhờ có FB mà mình quen một phụ nữ. Quen rồi thân. Thân nên ngay trước lần gặp nhau đầu tiên ở Sài Gòn đã cho cô ấy một danh sách những việc cần làm ngay: đón nhau đêm hôm trước, đưa nhau đến trường sáng hôm sau.
Hai mươi năm có lẻ tưởng chừng đã dứt hẳn được mình khỏi nghề giáo. Nhưng vẫn bối rối, day dứt trước những gì đọc và nghe được hàng ngày về giáo dục ở Việt Nam. Khác quá những gì đã biết thời đi học và đi dạy. Đành rằng ở đâu cũng có người dở người hay, nhưng mà cảm giác kính sợ tính tình tài của đôi ba thầy cô, của đôi ba học trò thời đi học và đi dạy đủ để làm vững mạnh trong mình ý nghĩ nghề giáo nói gì thì nói không dành cho kẻ tính cào cào châu chấu như mình. Thế mà, vô khối câu chuyện dạy và học thời nay lại cho phép nghĩ… Và phải nói rằng đó là những ý nghĩ chẳng vui gì.
Thế nên, mười năm trước, ngay sau hôm trở về đến thăm nhà văn Nguyên Ngọc mình đã không hề hỏi ông về chuyện đời văn nghề văn. Vẫn là chuyện chữ nghĩa, nhưng bốn tiếng đồng hồ mình đã chỉ hỏi và nghe nhà văn say sưa nói về những khao khát, những dự dịnh của ông về trường đại học Phan Châu Trinh trên đất Hội An. Phải, giáo dục Việt cần sự thay đổi để tạo ra một lớp nhân lực mới cho công cuộc khai dân trí chấn dân khí mới của chúng ta và điều đó phải bắt đầu từ bậc đại học.
Nhưng đầu vào của bậc học ấy lại là những học sinh có mười mấy năm được đào luyện từ mẫu giáo qua trung học phổ thông theo một cung cách ta khác tây (nếu giáo dục phương tây thật sự là một hệ giá trị cần được phổ quát), cũng ta khác ta (ở thời buổi dẫu nhiều ngớ ngẩn nhưng việc dạy và học vẫn giữ được độ nghiêm cẩn nhất định.)
Một thế hệ sinh viên mà xuất phát điểm là đạo đức và học lực được văn bản hóa toàn là xuất sắc, giỏi, tốt nhưng trong thực tế thì không thể nào phân loại nổi và có thể nhận ngay ra là thiếu nguyên tắc cũng như kinh nghiệm ứng xử xã hội thông thường sẽ trở thành động lực mới cho giáo dục Việt như thế nào? Cụ thể hơn, hẹp hơn: họ sẽ là những thầy những cô như thế nào khi chí ít cho tới năm mười bảy tuổi họ được dạy, được ép thành hình đồng dạng. Nếu so sánh thành quả của giáo dục Việt và giáo dục ở một vài nước phương tây mà người ta đang rao giảng như là một khuôn mẫu mới, ở lứa tuổi này, thấy ngay sự khác biệt: học sinh phương tây được dạy / bị đòi hỏi / được đánh giá qua khả năng lắng nghe và cãi lại, học sinh Việt Nam được dạy / bị đòi hỏi / được đánh giá qua khả năng vâng lời (qua lời). Nhấn mạnh điều này để nói tới một hệ lụy kinh hoàng của sự vâng lời qua lời: tính cơ hội, khả năng đạo đức giả của vô số người trẻ tuổi đã được bồi luyện qua đó.
Dông dài thế để được quyền kể tại sao mình dám đòi hỏi một người bạn lần đầu gặp mặt rằng cho tôi đi thăm trường cô, sau hai mươi năm đoản mạch với nghề giáo.
Cô bạn này, nhắc lại, quen rồi thân trên FB. Nhưng mình đã cho chồng gặp cô ấy cả một năm trước. Sau đó thì bị cô ấy chấn chỉnh rằng cẩn thận, lắc vòng đi, tập yoga đi, má phấn môi son đi, là tóc cho phẳng không thì mì tôm xoắn như dây trói đi. Là một trong các cổ đông (hình như chính) của trường, mê nghề giáo dù chưa từng học sư phạm, hành trang cô ấy mang tới công cuộc kinh doanh mới này ngoài tiền bạc là một xuất thân không từng khó nhọc, những năm tháng học nhạc viện và một trường đại học tiếng tăm bậc nhất khác, một công việc ổn định ở hàng không Việt Nam, và, đáng kể nhất, là tinh thần dám từ bỏ cái mình không thật đam mê dẫu nhiều hứa hẹn để tận hiến cho công việc mình thích. Trong trường hợp này, đấy là việc bỏ nhạc viện và trường đại học.
Không khó để hình dung ra những khó khăn mà những người mở trường phải trải qua buổi đầu. Về tiển bạc? Hẳn rồi! Nghe nói dễ thu lãi nhất hoặc chí ít là giảm thiểu rủi ro dễ nhất chỉ có cách mở quán ăn tầm tầm, hoạt động theo nhịp co bóp của dạ dày con người. Về chuyện thủ tục hành chính? Hẳn rồi. Đâu phải vì thích chơi chữ mà người Việt ta xoay ra chiết tự hành chính thành hành là chính! Những ràng buộc về chương trình, phương pháp rất đáng khảo cổ của / với ngành giáo dục? Hẳn rồi! Mở trường? Trẻ trồng na già trồng chuối, coi như xong một đời, vì hạnh phúc mười năm. Trồng người? Chẳng phải là chuyện trăm năm vì kiếp khác đó ư! Mình hiểu đúng lời cụ Hồ dạy không nhỉ? Tóm lại, nếu có tiền, nếu muốn có thêm tiền, ngay cả khi tạm coi là nghề xưa còn một xíu này, mình cũng không chơi dại đi mở trường trồng người. Chữ nghĩa là thị trường kinh doanh khó nhằn ở Việt Nam, nếu định làm thật, vì không nhiều hứa hẹn ví dụ như buôn ngực và mông, buôn cá, buôn đất, buôn quyền hay buôn lung tung khác.
Cũng vì thế mình không kể lại ở đây câu chuyện dài, tạm coi là một cuộc phỏng vấn chưa kết thúc dành cho hội đồng quản trị nhà trường, trong đó, cô bạn là một, và hai nữa, đồng nghiệp cũ của cô ở Vietnam Airline, một cặp vợ chồng được đào tạo bài bản về sư phạm ở Liên bang xô viết một thuở. Không vì chủ nghĩa xã hội nơi đó sụp đổ mà ta được quyền cho rằng giáo dục con người ở đó kém Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ta nhé, dù có thể thế, trong một tương quan khác với giáo dục ở một nước khác tự do hơn.
Cái mình quan tâm, là những gì được nghe, ví dụ như quan niệm về trẻ em như một con người hoàn chỉnh đồng đẳng với chúng ta – những người lớn (hi vọng cũng hơn ít nhất ở phương diện hình thù) có thực sự trùng khớp với cái mình nghe nhìn và ngửi tại chỗ.
Đến thăm một nhà, có hai nơi chỉ cần bước vào là biết nếp ăn ở của gia chủ: ấy là bếp và nhà vệ sinh. Đến thăm ngôi trường tư này cũng vậy.
Trường, đến tận lúc bị giục xuống xe mình vẫn tưởng được vào siêu thị hay khách sạn hay công ti nào đó ở Việt Nam do nằm trong một ngôi nhà lớn mặt tiền kính sáng choang, trên một phố người xe rộn ràng. Không cần bước chân vào từng toilett ở từng tầng cũng biết nơi này được giữ vệ sinh như thế nào. Dù là trường tư, không đông, nhưng là không gian công cộng dành cho một số người lớn hơn rất nhiều một gia đình, nếu thiếu vệ sinh thì chỉ cần đi ở hành lang cũng biết. Dù sao, đã đến thì phải thấy, mình đã mở cửa, nhìn ngó, hỉnh mũi hít ngửi, và yên tâm: giả dụ thằng con mình học ở đây thì cũng không đến nỗi nhịn tè vì toilett bẩn. Như bố mẹ nó từng, thuở chưa mấy người quen cái tiếng tây chỉ chỗ giải buồn này.
Đi dọc hành lang, ngó vào các lớp học, thêm một ngạc nhiên nữa: mỗi lớp học chỉ có độ chừng hơn chục học sinh. „Mười lăm cháu.“ – Cô bạn thông tin. Không thấy đứa trẻ nào ngồi khoanh tay trên bàn. Cả lũ đang nhao nhao chất vấn gì cô giáo, chịu không nghe được vì vướng cửa kính.
Giờ nghỉ, chỗ cửa thang máy thấy có mấy tà áo vàng tha thướt luấn quấn quanh đám trẻ. Lũ trẻ chào râm ran. Cái làm tôi để ý không phải là sự lễ độ mà chả cứ trường này, học sinh Việt Nam trường nào cũng thừa tiêu chuẩn. Nhìn lũ trẻ tiểu học ôm chầm lấy cô bạn đi cùng, hình như cô cũng có dạy nhạc ở đây, kể lể đủ thứ chuyện ngây ngô, có thể tin là ngày đến trường với chúng không phải là khổ nạn.
Thế việc đóng học cho con ở đây có phải là khổ nạn đối với cha mẹ chúng?
Rất biết, một mô hình như thế này không thể nhân bản như VNEN hiện đang được bộ Giáo dục triển khai áp dụng, chí ít vì chẳng có tài trợ nào từ nguồn nọ nguồn kia, có bị cắt xén làm thất thoát kiểu gì thì cũng vẫn đủ trả lương như vẫn trả cho đội ngũ giáo viên nguyễn y vân (mà thực tế thì lẽ ra cần phải có thêm ít ra là hai giáo viên hoặc trợ giảng nữa cho một tiết học lấy học sinh làm trung tâm như bộ Giáo dục đang phổ biến và thuyết phục thực hiện đi thực hiện đi cho tới khi nào người ta thôi tài trợ). Mô hình trường tư này cũng không thể dành cho đa số trẻ em ở Việt Nam ở khắp mọi vùng. Song với mức học phí hiện giờ, trường hoàn toàn có thể là chọn lựa của nhiểu bậc cha mẹ có nghề nghiệp được đào tạo nghiêm chỉnh, công việc và thu nhập ổn định ở mức trung và ý thức sâu sắc rằng đầu tư cho việc học của con cái là rẻ nhất và lãi nhất. Học phí dao động từ 200 tới 450 đô / tháng tùy theo bậc học, học sinh được đưa đón hàng ngày bằng xe bus, học tại lớp có sĩ số giới hạn (còn ít hơn lớp đặc biệt con mình học tại Đức), học chương trình song ngữ và quan trọng nhất là được chỉ bảo hàng ngày một cách sống với nhau và vì nhau, và ba bữa ăn /ngày. Sẽ không phải là quá nặng nếu so với mức học phí hai ba chục ngàn đô mà bạn mình đóng cho con ở một trường quốc tế tại Hà Nội. Càng không nặng so với các chi phí có nghĩa và vô nghĩa như cơm áo sách vở cho con, thăm thầy cô, học thêm, rèn luyện kĩ năng sống mấy tuần hè trên chùa hay trong doanh trại bộ đội hay oách hơn nữa là ở Mỹ. Không biết chính xác tổng chi cho tất cả các dịch vụ ngoài chương trình phổ thông công lập này tại Việt Nam là bao nhiêu, nhưng chỉ cần nghĩ tới giá vé cho ông con bà con bay qua Huê Kì hay Singapur để người ta rèn dập thì cũng biết là tầng lớp người Việt nào có thể chi trả cho những khóa học này. Đừng có nói với mình đó toàn là các bậc cha mẹ giỏi ghê lắm đấy nhé. Nếu đứng chân trong nhà nước, dù ở bất kể vị thế nào mà ve ve ve hè về lại cho con đi học làm người ở nước người được thế này thì, nói gì thì nói, mình chỉ nghĩ tới những cái lưng đang oằn xuống vì cơm áo cho con của đa số bậc cha mẹ khác tại Việt Nam ta.
Điều duy nhất làm mình băn khoăn trong lúc nghe ngửi nhìn ở ngôi trường này là không gian vui chơi rèn luyện thể chất của học sinh. Có phòng nghỉ cho các cháu. Nhưng nhiều giờ học thể dục thì trường phải thuê địa điểm ngoài, đưa học sinh đi bằng xe bus. Những chi phí cho đội ngũ giáo viên và những người làm ở bộ phận hành chính, phục vụ, cùng những dịch vụ mà các trường công lập không phải lo tính này chắc chắn là gánh nặng đối với những người bỏ vốn. Chẳng biết giờ họ đã có lãi chưa sau gần mười năm mở trường? Với số lượng học sinh hạn chế có chủ đích ở mỗi lớp thế này thì sao nhỉ? Nếu chỉ tính tới việc thỏa mãn đam mê dạy học thì họ đã thỏa. Đấy! Bao nhiêu là việc để làm. Cũng có thể hài lòng về kết quả công việc nữa. Nghe nói năm ngoái trường có một học trò tốt nghiệp trung học là thủ khoa kì thi đại học của Đại học Kĩ thuật Sài Gòn … Nhưng trên hết và quan trọng nhất: là những đứa trẻ đang thực hiện quyền đến trường từ lúc bắt đầu học chữ một cách vui vẻ và yên tâm thế ở nơi này. Phải vì thế mà các cháu có phong thái ngoan, tự tin, mà không hỗng huyễnh?
Trên hết và quan trọng nhất với cô bạn lần đầu mình gặp: „Hai đứa con em học ở đây. Em cùng bạn mở trường để cho con em theo học.“
Nói thực, mình không biết phải vui hay buồn khi được nghe quan điểm phát triển giáo dục như thế này từ một công dân đồng bào. Lại nhớ tới cái ngày vợ chồng mình toan tính cho thằng con sinh ra trong lúc phấn hứng với tuổi già đi học. Định cho vào trường tư của nhà thờ trong khi cả nhà không cầu Chúa, cũng chẳng giàu gì. Nhưng theo luật: mỗi năm trường vẫn phải dành 5 % chỉ tiêu tuyển sinh cho học sinh xuất thân từ các gia đình theo tôn giáo khác, và việc đóng góp phụ thuộc vào thu nhập. Bởi vì trường hoạt động có sự kiểm soát và tài trợ của nhà nước. Nhà giàu à? Học phí khủng đã đành. Thích thì còn tha hồ quyên góp. Nhìn trên danh sách ở cửa trước trường, thấy tên một tay luật sư chắc hàng top vừa quyên ba chục ngàn Euro cho trường trong mùa hè. Giả dụ con thích ngôn ngữ và mơ ước thành luật sư như cái ông ấy thì yên tâm đủn nó vào trường đó, nhà mình nghèo, nó sẽ được tiêu tiền quyên góp của ông cựu học trò thân sinh đứa trẻ kia.
Mình nhìn những đứa trẻ trong ngôi trường Việt Nam kia và tưởng tượng những đứa trẻ Việt Nam hớn hở như thế ở mọi ngôi trường. Đấy là lúc giáo dục của chúng ta được xã hội hóa thật sự, với sự tham gia của nhà nước, không theo nghĩa dân muốn con được giáo dục với chất lượng không phải phàn nàn thì móc túi bỏ tiền ra mua dịch vụ, mà là nhà nước sử dụng thuế của dân để làm việc này, còn dân là người kiểm soát. Có nghĩa là!!! Bạn nghĩ xem? Đây là chuyện tiền bạc vật lực hay trước hết là chuyện ngành giáo dục muốn trao cho xã hội những con người như thế nào? Hay nói khác đi, nhà nước là chủ hay là đối tác trong công cuộc đào tạo con người, mà đối tác kia là cha mẹ học sinh, là học sinh, là xã hội mà các học sinh ấy sẽ sống, xây dựng và phát triển?
PS: Những ý nghĩ này bắt đầu từ sự quan sát nhanh ở một ngôi trường Việt của một người từng làm nghề giáo. Tên, địa chỉ của ngôi trường ấy là gì mình thú thực không biết. Để hỏi nhé!
Berlin 16. 12. 2015