Vấn đề là mọi cấp đều có vấn đề

(Rút từ facebook của Chu Mộng Long)

Trước hết, các dự án đổi mới của Bộ rất có vấn đề. Dự án này chồng chất lên dự án kia, tiêu ngốn hàng ngàn ngàn tỉ nhưng gần như chưa có tổng kết, đánh giá đúng hiệu quả dự án. Cho nên dù thất bại mà vẫn không rút ra được điều gì, cứ nhắm mắt làm tới.
Thứ hai, các lãnh đạo Sở, Phòng giáo dục rất có vấn đề. Từ giám đốc Sở, Phòng đến chuyên viên Sở, Phòng cứ máy móc chỉ đạo áp dụng cái mới mà không phản biện, không sáng tạo, ép giáo viên làm theo mà không cần biết hiệu quả.

Thứ ba, các Hiệu trưởng rất có vấn đề. Trong các cuộc họp với cấp trên, Hiệu trưởng chỉ biết vỗ tay ngợi ca cấp trên sáng suốt, khi về trường cứ nhắm mắt triển khai, chỉ cần hiệu quả giữ yên cái ghế mà không cần biết hiệu quả dạy học ra sao.
Thứ tư, các giáo viên rất có vấn đề. Giờ chính thức trên lớp thì cứ dạy theo phương pháp mới như một cái máy, không cần biết chất lượng đạt được tới đâu. Nhưng khi kiểm tra, thi cử thì cứ chấm theo cách cũ, theo những bài dọn sẵn mà cô vẫn dạy cua ở nhà. Hiệu quả là em nào không học cua thì bị điểm kém để dọa chúng đi học cua.
Thứ năm, quý phụ huynh rất có vấn đề. Phụ huỵnh lập Hội ra chủ yếu để quà cáp, biếu xén giáo viên và chạy đua thành tích, không cần biết thực lực học con cái mình ra sao.
Thứ sáu, học sinh của chúng ta cũng rất có vấn đề. Khi được giao cho cái quyền “lấy học sinh làm trung tâm”, học sinh cứ ngơ ngơ ngác ngác như nó phải ngơ ngơ ngác ngác, vì khi nó dám lấy nó làm trung tâm ắt bị thầy cô mắng vì… hỗn. Nó phải hăng hái giơ tay phát biểu, thảo luận để chứng tỏ nó là trung tâm, nhưng nó phải ăn theo nói leo thầy cô để được điểm cao.
Tóm lại, với sáu vấn đề trên, có thể nói cả hệ thống rất có vấn đề chứ không phải chỉ khâu Hiệu trưởng. Muốn giải quyết hết vấn đề phải giải quyết cả hệ thống. Bộ trưởng làm nổi không?
Tôi tin, chỉ giải quyết khâu Hiệu trưởng mà Bộ trưởng nói đã là khó. Vì Bộ trưởng làm gì có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm Hiệu trưởng? Qua mặt Đảng ủy theo chiều dọc ở cấp dưới và cả Đảng ủy theo hàng ngang ở địa phương không chừng họ chụp mũ Bộ trưởng, rằng tư tưởng đang rất có vấn đề thì khổ thân!
Đến Phó Ban Tuyên giáo trung ương như ông Vũ Ngọc Hoàng, khi về trường nói chuyện về chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tôi từng đề xuất khâu then chốt là hãy dẹp ngay sự độc quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho phép đa dạng hóa Sách giáo khoa đi thì mới giải quyết được vấn đề, ông ấy cũng lắc đầu: Khó lắm! Tôi cũng không dám! Tôi bảo, nếu không dám thì đừng nói đổi mới nữa!

Comments are closed.