Còn mãi với đất rừng phương Nam

 Hồ Anh Thái

clip_image002

Ở khía cạnh tiểu thuyết, “Đất rừng phương Nam” khiến cho người đọc dù ở đâu cũng như được sống với cảnh với người Nam bộ. Với phim ảnh, có thể tiểu thuyết này vẫn luôn là thách thức khó vượt qua với nhiều thế hệ đạo diễn.

Đầu những năm 1980, mỗi khi đến Hội Nhà văn Việt Nam ở 65 Nguyễn Du, Hà Nội, thảng hoặc tôi gặp một ông già dáng đậm, nét mặt quắc thước và cặp mắt hình như lúc nào cũng hơi vằn đỏ. Khó mà biết được đấy là cặp mắt của một ông già thường say sưa hay là nhiều nước mắt. Dung mạo anh chị và cặp mắt buồn quá đỗi của ông khiến tôi lần nào cũng phải từ bỏ ý định đường đột đến bắt chuyện.

Tôi biết đấy là nhà văn Đoàn Giỏi. Ông ở trên căn phòng nhỏ ngay đằng sau trụ sở của hội. Khoảng cách quá gần như vậy cũng không sao khích lệ được tôi bước lên mấy bậc cầu thang để hỏi chuyện ông. Vì tướng mạo của ông ư? Mãi sau này, những bạn bè thân thiết của ông đều nói rằng ông là một người hiền hậu. Vì sự quá nổi tiếng của ông với tiểu thuyết Đất rừng phương Nam? Có lẽ đúng là cái uy lực của tác phẩm làm mê mẩn bao thế hệ người đọc đã khiến tôi ngại ngùng đối diện với ông.

Thế hệ trên dưới bảy mươi tuổi ở phía Bắc bây giờ không mấy ai chưa đọc ít nhất một lần Đất rừng phương Nam. Cuốn sách đã cho các cô bé cậu bé, các chàng trai cô gái thế hệ chống Mỹ, một ấn tượng đẹp về vùng đất phương Nam mà họ đang khắc khoải thương nhớ, đang đổ mồ hôi và đổ máu để cho đất nước nối liền một dải, để được đến tận nơi, được thấy cảnh thấy người Nam bộ ruột rà. Con người trong tác phẩm của Đoàn Giỏi hầu hết đều hào hiệp phóng khoáng, đầy trắc ẩn, trước cả oán cả ân đều xử sự đàng hoàng nhất mực. Những nhân vật như ông tía nuôi, bà má nuôi, chú Võ Tòng, anh Ba thủy thủ, những người trong phường săn… đều đậm chất văn hóa Nam bộ cao khiết mà bình dị. Mà Đất rừng phương Nam đâu chỉ làm say lòng nhiều thế hệ người đọc Việt Nam khi ấy. Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ở nhiều nước, kể cả những nước có lượng người đọc rất lớn như Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…

Năm 1989, đang làm việc ở xa, qua một tờ báo đến chậm, tôi được biết tin nhà văn Đoàn Giỏi đã qua đời. Thế là nhỡ mất rồi cái cơ hội muộn màng được gặp ông một lần.

Đã đến Nam bộ nhiều lần, tôi đã tần ngần giữa chợ nổi Phụng Hiệp ở Cần Thơ, giữa vườn chim Bạc Liêu, hy vọng thấy lại những con người hồn hậu nghĩa hiệp trong tác phẩm của Đoàn Giỏi. Có người bảo tôi phải xuống tận Cà Mau mới thấy được đúng chất người như thế. Mãi tới gần đây, lần đầu tiên tôi mới đến tận cùng đất nước, mũi Cà Mau. Ngồi trên một chiếc vỏ lãi đi vòng quanh đồng nước trong rừng U Minh Hạ, vào sân chim bây giờ lọt giữa lòng thành phố, đi qua những rừng đước um tùm trên mặt nước… ở đâu cũng thấy bóng dáng chiếc xuồng đưa chú bé An đi trong Đất rừng phương Nam năm nào. Khi làm bộ phim truyền hình Đất phương Nam, người ta đã cắt bỏ mất phần quan trọng là Rừng phương Nam, chỉ còn Đất. Mà Đất đã bị phóng tác thêm thắt những chuyện đơn giản dễ dãi, xa rời chất Đoàn Giỏi. Người ta có thể làm một bộ phim riêng về bác Ba Phi, làm cho thật hay vào, chứ đừng gán ghép bác Ba Phi vào đó khi mà Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi không hề có nhân vật bác Ba Phi. Việc tạo dựng nhân vật cũng tỏ ra không hiểu tác phẩm: chẳng hạn nhân vật chú Võ Tòng hào hiệp nghĩa khí và có chút hào hoa Nam bộ, vào phim chỉ là một anh thổ dân phì nộn hoang dại… Tự thân tiểu thuyết Đất rừng phương Nam đã đầy tính điện ảnh và đã là tác phẩm trọn vẹn không thể thêm nếm. Phóng tác đến đâu cũng phải đúng tinh thần tác phẩm chứ không phải để cho nó xa rời văn bản gốc như vậy.

Kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1957, Đất rừng phương Nam liên tục được nhiều nhà xuất bản in lại, tính đến năm 2023 là hơn 40 lần. Tôi đã đọc lại Đất rừng phương Nam, cũng phải hơn chục lần đọc đi đọc lại trong suốt năm mươi năm. Còn nguyên cảm xúc đẹp ấm áp và đôn hậu như những lần đọc trước. Và tôi lại tiếc, như mãi mãi sẽ còn nuối tiếc vì đã để nhỡ mất cơ hội trò chuyện với Đoàn Giỏi ở ngôi nhà 65 Nguyễn Du ngày ấy.

 

——

* Đất rừng phương Nam, tiểu thuyết của Đoàn Giỏi, NXB Kim Đồng tái bản nhiều lần.

Comments are closed.