Cơ quan lập pháp bằng rút thăm

Nguyễn Quang A

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ 63 của tủ sách SOS2,* cuốn CƠ QUAN LẬP PHÁP BẰNG RÚT THĂM: Những Thiết kế Biến đổi cho Cai quản Thảo luận cân nhắc (LEGISLATURE BY SORTITION: Transformative Designs for Deliberative Governance) do John Gastil và Eric Olin Wright biên tập, được VERSO xuất bản trong năm 2019.

Đây là cuốn thứ hai trong tủ sách này về việc xây dựng các cơ quan lập pháp bằng rút thăm sau cuốn thứ 62 của David Van Reybrouck.

Cuốn sách này gồm 17 chương do hàng chục học giả hàng đầu về lĩnh vực này viết, phản ứng lại tiểu luận dẫn đề của John Gastil và Eric Olin Wright đề xuất một viện rút thăm bên cạnh một viện được bầu trong một hệ thống lập pháp lưỡng viện. Tiểu luận dẫn đề được viết trước và được gửi cho những người tham dự để bình luận trong các tiểu luận riêng của họ và được trình bày trong một hội thảo tháng Chín 2017. Các tác giả và những người đóng góp đã thảo luận, bình luận về tiểu luận dẫn đề và các tiểu luận của nhau. Sau hội thảo họ đã sửa đổi, trau chuốt các tiểu luận của mình và chúng tạo thành các chương của cuốn sách này.

Đề xuất của John Gastil và Eric Olin Wright về cơ quan lập pháp lưỡng viện, được họ tóm tắt như:

  • Cơ quan lập pháp sẽ có hai viện, một gồm các đại diện được bầu và viện kia là một “hội đồng rút thăm” của các công dân được chọn ngẫu nhiên.
  • Hai viện sẽ có các quyền lực ngang nhau, mỗi viện có khả năng khởi xướng luật và bỏ phiếu về luật được viện kia thông qua.
  • Các thành viên của viện rút thăm sẽ được đền bù tốt để làm cho sự tham gia là hấp dẫn cho những người được chọn ngẫu nhiên cho công vụ.
  • Các sự chỉ định rút thăm sẽ là cho một số năm, với một nhóm mới được chọn mỗi năm khi nhóm có thâm niên nhất hoàn thành nhiệm kỳ của nó. Những người được chọn sẽ nhận được sự huấn luyện rộng rãi và đội ngũ nhân viên hỗ trợ chuyên nghiệp.

Lý lẽ của tác tác giả cho đề xuất trên được nêu ra trong phần I gồm 2 chương, chương 1 của cả hai tác giả, còn chương 2 như phụ lục của chương 1 do Eric Olin Wright viết ủng hộ đề xuất nhìn từ quan điểm Marxist.

Những người đóng góp phản ứng với đề xuất, cũng như đưa ra những kinh nghiệm lịch sử, hiện đại, thực tiễn, các lập luận lý thuyết, kinh nghiệm thực tiễn và các đề xuất thay thế trong các chương từ 3 đến 16, rồi John Gastil và Eric Olin Wright đáp lại trong chương cuối của cuốn sách.

Những ý kiến của những người đóng góp là rất khác nhau với đề xuất nêu trên của Gastil và Wright từ ủng hộ cho đến phản đối mạnh mẽ đối với một số điểm hay toàn bộ trong số bốn đặc điểm lớn nêu trên của đề xuất, bên cạnh việc làm rõ các khái niệm, kinh nghiệm lịch sử và đương đại và đưa ra các đề xuất thay thế của riêng họ.

Tuy nhiên, có rất nhiều điểm họ thống nhất với nhau và quan trọng nhất là sự rút thăm có vai trò quan trọng trong việc cải thiện các chế độ dân chủ; các công dân thường được chọn bằng rút thăm có thể đưa ra các quyết định chính sách am hiểu giúp cải thiện hiệu quả của các nền dân chủ; và cần phổ biến rộng những khái niệm, những kinh nghiệm về sự rút thăm trong đời sống chính trị; cũng như khuyến khích các thử nghiệm như vậy ở nhiều mức (địa phương, vùng, quốc gia, khu vực gồm nhiều quốc gia [như EU]); và trên cơ sở đó cần thể chế hóa các định chế rút thăm.

Tôi chân thành giới thiệu với quý vị cuốn sách rất đáng đọc và phổ biến này của John Gastil và Eric Olin Wright.

19-03-2023


Có thể download tại đây:

https://tapchidantri.org/download/co-quan-lap-phap-bang-rut-tham/?wpdmdl=699&refresh=64183fc803ec61679310792

Comments are closed.