Đọc muộn sách Xuân Phượng

Lê Huyền Ái Mỹ

image

Khoảng những năm 2000, khi đang là phóng viên văn hóa, tôi tình cờ gặp bà – chủ phòng tranh, là đạo diễn phim tài liệu, hai mảng đều của các anh chị đồng nghiệp Diễm Chi, Tô Hoàng, Việt Nga nên đứng nghe – nhìn từ xa. Nhìn cung cách bà trân trọng tác phẩm của “ông già” – họa sĩ Phan Vũ (không phải vì phu nhân Diễm Chi hay ái nữ Việt Nga) tại phòng tranh rồi cả lối ứng xử nhẹ nhàng, tế nhị của bà trong một việc… riêng tư (có liên quan đến cậu cháu trai của bà), tôi thầm cảm phục. Rồi thôi.

Bẵng đi hơn hai chục năm sau, một ngày, hình ảnh bà tràn ngập trên báo chí, truyền thông. Lần này, từ xa, tôi lại nghe – nhìn. Để rồi, ký ức bà dẫn ký ức tôi, những khoảnh khắc trong đời bà dắt lấy đôi ba bận trong đời tôi, Gánh gánh… gồng gồng

. “…Tháng 7 năm 1989, tôi gặp mẹ mình và các em tại sân bay Charles de Gaulle Paris. Gia đình đã bay từ Mỹ sang thăm vì tôi chưa có thị thực vào Mỹ. Chúng tôi cười cười khóc khóc trong niềm vui đoàn viên. Trong một bữa cơm trưa, bỗng mẹ tôi chống đũa nhìn tôi: “Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình phải ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi!”… (Xuân Phượng)

Cũng năm này, ở Huế, một ngày, một ông Tây cao lớn xuất hiện với tấm bảng treo trước ngực “Tôi là người Pháp, không phải Liên Xô”, xuất hiện trước cổng nhà. Mụ cô tôi (bà cô, em/chị gái của ông nội), người chăm sóc, dưỡng dục anh chị em tôi, một Phật tử thuần thành bỗng bất ngờ nói… tiếng Pháp, Đâu chừng năm sau, cuộc hội ngộ của hai mẹ con bà (mụ tôi) sau 44 năm, cũng bằng với số năm mà cô Xuân Phượng gặp lại mẹ mình.

“Tôi vừa khóc, vừa ôm lấy má. Má như chợt tỉnh, vừa ôm vừa vuốt tóc tôi:“Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát! Con tôi đây rồi! Con tôi còn sống đây rồi!”. (Xuân Phượng)

Mụ cứ vỗ lưng con, nửa cười nửa mếu “răng mà đi lâu dữ rứa con, răng không về thăm me…”.

. Sau cái đêm “ma trơi” trên chiếc đò trở về Bạch Ngọc, đôi mắt ốc nhồi, mặt đỏ gay lắp bắp “em ngoan, để cho anh” của tay bác sĩ H.V.B cứ ám lấy bà. Khi về Nha nghiên cứu kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), được dượng Phan Tây hỏi “Con muốn vào Đảng không? Dượng sẽ là người giới thiệu cho con” – “Con sợ Đảng lắm”… Và bà đã kể cái đêm phải nhảy xuống sông để bảo toàn phẩm giá.

Lần thứ hai, sau khi đã về Ủy ban Liên lạc Văn hóa với Nước ngoài, với những cống hiến không mệt mỏi, bà lại được vị lãnh đạo cấp phòng uy tín đề nghị “Chị làm lý lịch xin vào Đảng đi, tôi sẽ là người giới thiệu cho chị”. Đêm ấy bà ngồi viết đơn, “nghĩ rằng sẽ sang trang mới cho cuộc đời mình. Bỗng vụt lên khuôn mặt đỏ gay, đôi mắt híp, nụ cười nhăn nhở và hơi thở nồng nặc rượu của H.V.B, bác sĩ – đảng viên ở Bạch Ngọc. Tôi rùng mình và đặt bút xuống”.

Hình như “con sói cô độc” Dương Thu Hương cũng mang lấy một nỗi ám ảnh về một hay một số tay đồng chí như thế trong những năm tháng tuổi trẻ “máu và hoa”…

Đến thời mình, đời mình, trong những giây phút quyết định, xung quanh tôi toàn là những đảng viên – liền anh thì trắng phau, đỏ au, cổ áo sắc lẹm, giày tây bóng lưỡng; liền chị thì áo dài áo ngắn đoan trang, phấn son thấm nhẹ. Cả trong sự nín lặng hay cái cách họ lên tiếng đều đẩy mình đến lựa chọn “đặt bút xuống”!

. Nơi địa đạo Vĩnh Linh những năm tháng ác liệt nhất, “Tôi giữ mãi hình ảnh một bàn tay nhỏ bé cầm micro nhô ra khỏi cửa xe để ghi tiếng bom nổ. “Để ghi tiếng động thật cho phim”, Marceline (vợ của đạo diễn lừng danh Joris Ivens, một người bạn chí thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Hay câu chuyện cháu bé Phạm Công Đức (9 tuổi) ở Vĩnh Linh đã giúp bộ đội công phá được một sân bay trực thăng, khi đoàn phim về quay, vị phụ trách báo chí Vĩnh Linh đã bố trí cho cháu bé ngồi ghế ngay ngắn, dưới góc tre, sửa soạn tóc tai. “Ông Ivens bứt tóc, cau có quay lại vặc tôi: “Lại bố trí rồi, hãy để em bé tự nhiên ngồi như lúc chúng ta gặp”…

Và đó là hình ảnh cậu bé “trả lời dứt khoát và hồn nhiên, tay vẫn không ngừng mân mê khẩu súng… cháu bắt đầu mệt mỏi, ngáp một hơi dài… Sau này, cái ngáp của Đức lên màn ảnh vừa dễ thương vừa rất cảm động. Một bài học về cách quay phim của Ivens cho tất cả chúng tôi”.

Thật và… trung thực, chính là phẩm hạnh của nghệ thuật lẫn đời sống.

… Quê ngoại tôi bên bờ Nam sông Hương, Nguyệt Biều; quê bà ở bên bờ Bắc, Nham Biều. Chùa Huyền Không được cất trên phần đất hiến tặng của ông bà ngoại của bà, nơi lưu giữ một thời hoa niên tươi đẹp của tôi, được cô giáo dẫn lên chùa chơi đùa, ăn cơm chay. Bà mang theo tràng hạt bằng hổ phách đỏ sẫm của bà ngoại “Con đeo làm bùa hộ mệnh”. Tôi mang cả khu vườn thanh trà, dâu tiên, cái giếng nước của mệ ngoại theo. Đến thế hệ mình, thanh bình đã là thứ bùa hộ mệnh nhưng đời sống vẫn bất an mỗi ngày…

Một ngày tháng 10 (2023), tôi tình cờ thấy bà đến Đông Phố, cũng là nhà hàng Huế của bà chủ Việt kiều Pháp. Tôi nhìn từ xa, bà bước đi cùng cây gậy. Thoáng chốc tôi mường tượng đó là chiếc xe đạp bị quẳng lại ở bến đò Chợ Mai gần 80 năm trước, cô bé 16 tuổi thoát ly gia đình theo kháng chiến.

Đi qua hai mùa kháng chiến, cuốn sách chỉ làm được công việc “liệt kê chưa đầy đủ” nhưng từ cái phép liệt kê trung thực ấy, lại quá đủ và đầy cho một cuộc đời “tuổi nào cũng… dữ dội” của Xuân Phượng – tôi xin phép gọi trực tên như thế bởi gần như một ý niệm phi thời gian – không gian với Con Người này.

Cuốn sách như một cuộn phim tài liệu về đất nước, con người trong hai cuộc kháng chiến giữ nước, được ký thác lên trăm năm – đời người.

“Joris đặt tay lên vai tôi: “Các bạn hiểu tại sao tôi yêu suốt đời cái nghề làm phim chiến trường không? Giữa cái Chết và cái Sống, chúng ta có hạnh phúc, có may mắn ghi được sự sống ngay cả trong lòng đất, ngay cả khi cái chết cận kề”.

Và tôi chỉ ước mong một điều trong lúc này, khi khép lại cuốn sách Gánh gánh gồng gồng, ai sẽ là người hạnh phúc, may mắn để ghi lại những thước phim tự sự đời bà – đạo diễn Nguyễn Xuân Phượng.

Comments are closed.