Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vuong*: ta là ai giữa nhân gian?

Nguyễn Hồng Anh

image

Những trang mở đầu và kết thúc tác phẩm hiện lên với hình ảnh đàn bướm di cư. Hàng năm, chúng lại bay về phương Nam, và đó là chuyến đi một chiều: những con bay đi mãi mãi không có cơ hội quay về phương Bắc, và nhường tấm vé khứ hồi cho thế hệ tiếp theo. Nói như tác giả: “chỉ có tương lai thăm lại quá khứ” (tr.17), còn quá khứ đã bị kẹt lại trong những kí ức kinh hoàng mang tên: chiến tranh.

Chiến tranh là nguyên nhân và bối cảnh chính cho câu chuyện, nhưng đúng hơn là một phông nền ở xa xa, hiện hình nhiều hơn qua ký ức của những người đã từng sống (và chết) với nó. Người mẹ và người bà trong tác phẩm đã không thể vượt thoát cái bóng của chiến tranh, nên nỗi ám ảnh vẫn hiện hình thành những cơn điên loạn trong đêm khi chợt nghe tiếng động mà ngỡ tiếng bom rơi, hay tệ hơn là trút bạo lực lên đứa con của mình. Nhân vật chính trong tác phẩm là đứa con ấy, tên gọi Chó Con. Chó Con nhỏ bé, tổn thương, và bị ghẻ lạnh, kì thị giữa nước Mỹ. Nhưng khi kể chuyện bằng góc nhìn riêng tư (qua hình thức lá thư gửi cho mẹ), Chó Con đã viết lại nhân dạng của mình – đầy yêu thương giữa bạo lực, nhiều tha thứ giữa hận thù.

Bạo lực sẽ tiếp nối bằng bạo lực. Cách để chặt đứt vòng lặp đau đớn đó là ứng xử bằng tình thương. Tình thương được Chó Con thể hiện cụ thể trong tác phẩm qua hai chiều kích: Tình yêu dành cho người bà, người mẹ và tình yêu đồng giới.

Những động chạm đầy nhục cảm trong tình yêu đồng giới được cảm nghiệm như một sự chữa lành tâm hồn. “Liệu pháp” này không lạ với văn học đương đại, nhưng điều tác giả muốn diễn tả có lẽ chạm đến phần sâu xa hơn: thân xác (và tính dục – hành động diễn tả chân thật nhất bản chất của thân xác) nói nhiều hơn về căn tính của con người. Dấu hiệu “con lai” của người mẹ, hay màu da châu Á của Chó Con, trở thành tín hiệu lai tạp của “nguồn gốc quái vật”. Và “pê đê” cũng vậy, cũng là một thứ “quái vật” – như cách nhìn nhận của số đông. Những nhãn mác thân xác đó dễ dàng định nghĩa ta là ai trong mắt người khác. Để đáp trả, Chó Con miêu tả mối tình nên thơ và sâu sắc với một cậu bạn da trắng. Yêu thương là được nhìn nhận. Với tình yêu này, Chó Con được nhìn thấy, từ chính sự khác biệt: “Cậu da trắng. Con da vàng. Hai màu sắc ấy thắp sáng lên trong khi bọn con ghì nhau xuống vào trong bóng đêm” (tr.144). Và cũng vì tình yêu ấy, Chó Con công khai bản dạng giới của mình. Sự chấp nhận của người mẹ mở ra khả năng được nhìn nhận, lần thứ hai.

Người đọc có thể nghĩ rằng sự công khai đó như một lời xác quyết “tôi là ai” một cách nổi loạn, khó dung hoà với truyền thống. Nhưng không phải vậy. Thế hệ 1,5 hay 2 lớn lên và hấp thụ văn hoá Mỹ, họ có thể giao tiếp bằng tiếng Mỹ và trở thành thông dịch viên cho gia đình mình với thế giới bên ngoài, như trường hợp của Chó Con – nhưng đồng thời, họ cũng lớn lên cùng nỗi đau đớn, mất mát, nỗi ám ảnh chiến tranh của thế hệ thứ nhất; nên sự tra vấn căn tính của mình diễn ra liên tục, trong mối liên hệ với cộng đồng và lịch sử. Lịch sử là con đường tạo nên sự tương tức giữa các thế hệ: bằng lịch sử, ta trở thành thành viên của cộng đồng dân tộc, kế thừa cả quá khứ và tương lai, cũng có nghĩa là cả hy vọng và chấn thương. Nếu tính đến những đại diện xuất sắc cho mối tương tức đó trong văn học di dân, thì Chó Con là một. Cậu đã tìm ra cách nối kết với mẹ, với bà thông qua hành động viết. Dưới hình thức viết thư gửi cho mẹ, lịch sử đã có một khoảng lùi bình tĩnh và nhẹ nhàng khi nhân vật nhìn lại những tổn thương; vì vậy mà chiến tranh đã được nhìn qua lăng kính cái đẹp thay vì chết chóc: “Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh – nhưng con đã nhầm rồi mẹ à. Mình sinh ra từ cái đẹp” (tr.283). Thế hệ này, họ không định nghĩa mình là nạn nhân của cuộc chiến, mà mình có quyền chọn lựa, mình có thể tự định danh: “Trong cuộc chiến đó, có một người phụ nữ tặng cho mình cái tên mới – Lan – và qua việc đó tuyên bố mình xinh đẹp, rồi khiến vẻ đẹp đó trở thành một thứ đáng giữ gìn” (tr.283). Phải, đó là lựa chọn. Chó Con chọn nhìn mẹ, nhìn bà, và nhìn chính mình với những màu sắc sặc sỡ do tự mình tô lên. Như khi nhớ về ngoại Lan là nhớ màu tím của bông hoa dại ven đường hai bà cháu liều mình đi hái, hay khi kể về cuộc làm tình: khi “lưỡi của cậu lướt trên tai con” là thấy “màu xanh rút ra từ lá cỏ”. Màu cũng là một dạng ngôn ngữ. Viết lại lịch sử bằng ngôn ngữ mang màu sắc là cách nhân vật trả lời cho câu hỏi “ta là ai?” – Ta là cái đẹp, và “chính cái đẹp là thứ chúng ta liều mình giành lấy” (tr.256).

Nếu thế hệ của người bà, người mẹ bị đóng dấu ấn trong cái nhìn vào cái đầu tiêu bản của con hươu treo trên tường: “Tiêu bản đó là hiện thân cho cái chết không bao giờ kết thúc, cái chết không ngừng chết thêm trong lúc chúng ta đi qua bên dưới nó để trút bỏ nỗi buồn” (tr.11), thì thế hệ tiếp nối muốn là con bướm của “tương lai thăm lại quá khứ” trong cái nhìn rực rỡ: “Nếu đời sống một cá thể là quá ngắn ngủi, so với lịch sử hành tinh này, chỉ một cái chớp mắt, như người ta nói, vậy thì được rực rỡ, cho dù suốt từ ngày ta sinh ra đến ngày ta chết đi, là rực rỡ chỉ trong một thoáng” (tr.291).

Ứng xử ấy, cái nhìn ấy là cách nhân vật hoà giải với quá khứ của thế hệ người mẹ, người bà; là cách mà tác giả hoà giải với căn tính dân tộc mình.

*Ocean Vuong. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Khánh Nguyên dịch). Nxb Hội Nhà văn, 2022.

Comments are closed.