Bản sắc Hồng Kông và gốc rễ kinh tế của cuộc biểu tình

Ngọc Ý

 

Sinh viên Hồng Kông quyết tâm tiếp tục biểu tình sau khi chính quyền từ chối yêu sách của họ đêm 30-9. Ảnh: ABCNEWS.COM

 

(TBKTSG) – Năm 1997, Hồng Kông là thuộc địa của Anh trước đây, được trao trả về lại Trung Quốc với thỏa thuận “một nhà nước, hai chế độ”. Theo đó, Hồng Kông được hưởng quyền tự chủ trong kinh tế và chính trị, được tự do ngôn luận, kinh doanh, tôn giáo và báo chí, nghĩa là có quyền tự trị cao trong 50 năm, và thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào năm 2047.

Năm 2004, Trung Quốc quy định những thay đổi trong luật bầu cử của Hồng Kông phải được Bắc Kinh phê duyệt. Ngày 31-8-2014, Trung Quốc nói sẽ cho phép cử tri bầu trực tiếp trưởng đặc khu cho năm 2017 nhưng từ một danh sách những ứng viên đã được Bắc Kinh chọn trước, từ đây dấy lên những cuộc biểu tình phản đối của người Hồng Kông. Từ ngày 22-9, sinh viên bắt đầu bãi khóa biểu tình, và được phong trào “bất tuân dân sự” của các trí thức, nhà dân chủ ở Hồng Kông tiếp nối. Người biểu tình đòi tự do bầu bất cứ ai vào chức vụ trưởng đặc khu, và sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp bằng hơi cay, còn có thêm yêu cầu ông Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hiện tại, phải từ chức.

Gốc rễ kinh tế

Báo chí quốc tế và Hồng Kông bình luận, cuộc biểu tình không đơn giản là phản ứng với quy định bầu cử mà Bắc Kinh đưa ra cuối tháng 8, mà nó đã bắt nguồn từ sự bức xúc và thiếu niềm tin của người Hồng Kông vào chính quyền Trung Quốc những năm gần đây.

Sinh viên cho rằng thế hệ trẻ Hồng Kông không được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế như các thế hệ trước đó. Kinh tế Hồng Kông hiện nay chỉ bằng 3% nền kinh tế của Trung Quốc, so với 18% ở thời điểm trao trả năm 1997. Làn sóng những người giàu Trung Quốc nhập cư vào Hồng Kông đã khiến giá nhà ở đây tăng gấp đôi kể từ năm 2009. Tiền lương thực tế cũng giảm rất nhiều do lạm phát, khởi nghiệp cũng không còn dễ dàng như trước. Đời sống công nhân ở Hồng Kông ngày càng khó khăn, cách biệt giàu nghèo ngày càng gia tăng lớn.

Từ năm 1997 đến nay, khoảng 1 triệu người Trung Quốc đã nhập cư vào Hồng Kông, trong tổng số 7,2 triệu dân số Hồng Kông. Người nhập cư từ Trung Quốc và phương cách làm ăn hay lối sống của họ cũng khiến người Hồng Kông lo ngại đang làm lãnh thổ này mất đi văn hóa và bản sắc riêng biệt của mình.

Vụ IPO của Alibaba tháng 9-2014 cũng gây tranh cãi ở Hồng Kông, khi công ty thương mại điện tử khổng lồ này chọn thị trường chứng khoán New York vì “không thích” quy định quyền biểu quyết của cổ đông (one share-one vote) của chứng khoán Hồng Kông. Giá trị thương vụ IPO quá lớn cũng khiến thị trường Hồng Kông phải băn khoăn có nên giữ những tiêu chuẩn kinh doanh hay bỏ qua để tìm kiếm lợi nhuận lớn.

Ngoài ra, báo cáo của các ngân hàng đặc khu này cho thấy những năm qua, tín dụng từ Trung Quốc tăng mạnh, và các ngân hàng đang phải đối mặt với nợ xấu từ Trung Quốc. Trong các khoản vay từ Trung Quốc, nợ xấu tại năm ngân hàng ở Hồng Kông chiếm 0,69% vào cuối tháng 6, so với mức nợ xấu chung là 0,31%.

“Trong vài năm tới, ngân hàng ở Hồng Kông sẽ gặp thách thức nhiều hơn”, Stephen Long, Trưởng ban tài chính khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Dịch vụ hỗ trợ đầu tư Moody’s, cho biết.

Chính những lo lắng, bất an về giá trị và tương lai kinh tế của Hồng Kông đã khiến nhiều sinh viên, trí thức, cả nghiệp đoàn giáo viên, thương mại… cũng tham gia hoặc ủng hộ cuộc biểu tình này, vì hiểu rõ việc bầu cử trưởng đặc khu quyết định trực tiếp đến sự phát triển kinh tế và bản sắc của Hồng Kông.

Người trẻ và bản sắc Hồng Kông

Giới bình luận quốc tế cho rằng, khó có chuyện ông Tập Cận Bình nhượng bộ những đòi hỏi của người biểu tình Hồng Kông. Tháng trước, Trung Quốc đã từ chối bất cứ yêu cầu thay đổi nào trong việc cải tổ chính trị và bầu cử ở Hồng Kông. Ông Tập đã gặp gỡ các doanh nhân hàng đầu ở Hồng Kông trong một cuộc họp kín ở Bắc Kinh tuần trước để tái khẳng định điều này, theo The New York Times. Tuy nhiên, có vẻ như chính quyền (Hồng Kông lẫn Trung Quốc) chưa tìm được cách nào tích cực để giải quyết cuộc biểu tình này.

Dường như cuộc biểu tình có nhiều điều khá mới mẻ về cảm hứng của một thế hệ trẻ và cách họ kết nối với nhau. Đây là cuộc biều tình mang dấu ấn “công nghệ” đậm nhất: những người biểu tình đã sử dụng một phần mềm riêng để chat và chia sẻ thông tin, hình ảnh với nhau và với thế giới ngay tại chỗ mà không cần kết nối Internet.

Dù đây không phải là lần đầu tiên có biểu tình lớn sau năm 1997, nhưng là lần đầu tiên cảnh sát chống bạo động Hồng Kông sử dụng hơi cay, điều gây sốc cho người biểu tình và người dân Hồng Kông (trong cuộc biểu tình khổng lồ ở Hồng Kông ngày 1-7-2003, có đến 500.000 người cũng chặn đường, phản đối những điều luật an ninh khắt khe của ông trưởng đặc khu Đổng Kiến Hoa, nhưng cảnh sát không hề phải “rút gậy khỏi thắt lưng”). Tuy nhiên, dù sốc và tức giận, nhưng người biểu tình đã bình tĩnh và ôn hòa trở lại, bày tỏ tính bất bạo động và sự thân thiện.

Phong trào “Chiếm trung tâm với tình yêu và hòa bình” với hàng ngàn chiếc dù chống đỡ hơi cay là hình ảnh đã trở thành biểu tượng. Người biểu tình, hầu hết là sinh viên, học sinh ăn mặc sành điệu, dọn sạch sẽ rác trên các con đường họ chiếm đóng; để lại những lời nhắn xin lỗi và hoa trên những chiếc xe buýt hay xe hơi phải bỏ lại trên đường; có cả hình ảnh một ban nhạc sinh viên biểu diễn trong giờ “giải lao”; hay cảnh người dân và các doanh nghiệp nhỏ tổ chức nướng thịt và hotdog cho các sinh viên… Báo chí quốc tế cho rằng đây chính thức là cuộc biểu tình lịch sự nhất, văn hóa nhất trong lịch sử.

Tờ The New York Times bình luận, sự giận dữ một cách điềm tĩnh, có trách nhiệm và văn hóa của người biểu tình cho thấy một Hồng Kông trưởng thành, và bất cứ sự đàn áp bạo lực nào với tinh thần biểu tình như thế cũng sẽ có tác dụng ngược, nhất là dưới con mắt quan sát của quốc tế.

Họ đã chứng tỏ là một thế hệ trẻ có tư tưởng độc lập và tự tin, có một tầm nhìn rõ ràng về Hồng Kông và về chỗ đứng của Hồng Kông trên thế giới. Chỉ riêng điều đó đã là một chiến thắng, bất kể họ có thành công trong việc đạt được những yêu cầu trước mắt hay không.

Tầm quan trọng của Hồng Kông

Số liệu và nhận định của các tổ chức tài chính, kinh tế thế giới cho thấy Hồng Kông vẫn là khu vực quan trọng mang tính toàn cầu về thương mại, tài chính, bảo hiểm, phần lớn do vị trí là cửa ngõ Trung Quốc và có hệ thống luật về thương mại, tài chính ổn định, đáng tin cậy. Giá trị hàng hóa giao thương qua đặc khu này là 977 tỉ đô la năm 2013, chiếm 5,2% trong tổng giá trị giao thương toàn cầu 18.800 tỉ.

Hồng Kông luôn giữ vững vị trí là trung tâm tài chính quan trọng thứ ba toàn cầu, chỉ sau London và New York và những năm gần đầy giữ một khoảng cách sát nút với các thành phố này về chỉ số kinh doanh thuận tiện, luật về thuế, nhân lực tài năng, theo các đánh giá tài chính toàn cầu.

Hồng Kông vẫn là cửa ngỏ chính cho đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Trung Quốc thu hút 124 tỉ đô la đầu tư từ nước ngoài trong năm 2013, và khoảng một nửa trong số đó chảy vào đất nước này qua Hồng Kông. Đặc khu này cũng là nơi đặt văn phòng khu vực của 3.700 công ty nước ngoài, hơn 80% trong số đó làm ăn với Trung Quốc, nhờ vào hệ thống luật vững chắc. Khoảng 60% đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc cũng thông qua kênh Hồng Kông, theo ước tính của chính quyền Hồng Kông.

Cửa ngõ Hồng Kông cũng cho thấy công nghiệp ngân hàng giá trị lớn, tài sản khoảng gấp tám lần GDP của đặc khu này. 40% trong tổng số 9.000 tỉ đô la Hồng Kông (khoảng 1.150 tỉ đô la Mỹ) tín dụng cho nước ngoài của các ngân hàng Hồng Kông là từ người vay ở Trung Quốc, tăng 5% so với cách đây 10 năm.

Đặc khu này cũng là nguồn thu kinh doanh quan trọng cho các ngân hàng đầu tư, với khoảng 502 tỉ đô la phí thu được trong sáu tháng đầu năm nay, theo Thomson Reuters, gấp đôi con số mà các ngân hàng điện tử kiếm được trong cùng kỳ ở Singapore, Hàn Quốc, và Malaysia.

Hồng Kông cũng là trung tâm thương mại lớn thứ năm trên thế giới, chi trả qua Hồng Kông chiếm 72% các chi trả tính bằng đồng nhân dân tệ, theo dữ liệu của hệ thống chuyển tiền toàn cầu Swift.

Tương tự, thị trường bảo hiểm Hồng Kông nằm trong nhóm 10 thị trường hàng đầu, đã chi trả 36 tỉ đô la năm ngoái, tăng 10% so với 2012, theo The Swiss Re. Còn cảng Hồng Kông cũng nằm trong nhóm năm cảng lớn nhất thế giới, khối lượng hàng hóa qua cảng này lớn gấp ba lần cảng lớn nhất của Mỹ là Los Angeles.

 

 

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/120767/Ban-sac-Hong-Kong-va-goc-re-kinh-te-cua-cuoc-bieu-tinh.html

Comments are closed.