Nhiều sách Tự Lực Văn Đoàn bị CSVN cắt, sửa khi in lại; viện Việt Học ra mắt kỷ yếu Tự Lực Văn Đoàn, hội thảo…

Phan Tấn Hải

 

Đối với những người quan tâm về văn học Việt Nam, buổi Thuyết trình và Ra mắt Kỷ yếu Tự Lực Văn Đoàn đã để lại nhiều thông tin rất đáng quan tâm.
Trong khi Giáo sư Nguyễn Văn Sâm nêu ra một bước ngoặt và là những bước nhảy vọt lớn của Nhất Linh sau hai tác phẩm đầu tay là Nho Phong và Người Quay Tơ, nhà văn Phạm Phú Minh đưa ra những chứng cớ vể hiện tượng nhà nước CSVN khi in lại Tự Lực Văn Đoàn đã cắt xén và sửa đổi nhiều tác phẩm — điển hình, cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng khi được CSVN in lại đã cắt bỏ phần gặp nhau ở Chùa Long Giáng; cũng như nghiên cứu của học giả Nhật Bản về TLVĐ và khám phá của sinh viên tiến sĩ Tanaka Aki rằng cuốn “Đời Mưa Gió” của Khái Hưng và Nhất Linh trong bản do Hội Nhà Văn xuất bản năm 2010 so với ấn bản do NXB Đời Nay in trước 1975 đã có nhiều khác biệt — điều mà nhà văn họ Phạm nói là CSVN có tội phá hoại văn hóa khi bóp méo văn bản cổ.
Buổi Triển lãm và Thuyết trình về Tự Lực Văn Đoàn hôm Chủ Nhật 28 tháng Chín năm 2014 tại Viện Việt Học đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu và nghệ sĩ, trong đó có GS Trần Ngọc Ninh, GS Lê Xuân Khoa, GS Lê Văn Khoa, Bùi Bỉnh Bân, Võ Thắng Tiết, hai nhà thơ Thái Tú Hạp – Ái Cầm, nhạc sĩ Trần Chí Phúc…
Cô Nguyễn Kim Ngân, viên chức Viện Việt Học, đã giải thích về diễn tiến về bước đường dò tìm tài liệu về báo Phong Hóa, báo Ngày Nay, tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn, dữ kiện về áo dài Le Mur Nguyễn Cát Tường… trong đó có nỗ lực nhiều người, không những từ hậu duệ TLVĐ, mà còn từ học giả Việt Nam và Nhật Bản, cũng như từ nỗ lực của GS Phạm Lệ Hương liên lạc với nhiều thư viện quốc tế để xin các vi phim những tác phẩm TLVĐ.
Diễn giả Nguyễn Trọng Hiền, con trai của họa sĩ Nguyễn Cát Tường, kể rằng chặng đường tìm hiểu của ông y hệt chuyện thần thoại, như có các cụ phù hộ — và đã kể lại một cách linh động với các slide phim và hình minh họa.
Khi bố bị bắt cóc, ông mới 3 tuổi, nên chẳng có ký ức gì. Cơ duyên là năm 2000, khi ghé Little Saigon, ông thấy cuốn Các Họa Sĩ Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, và thấy hình bố ông (tức họa sĩ Cát Tường) trong này.
Ông Hiền nói, trường mỹ thuật lúc đó may mắn có Hiệu Trưởng, tuy là người Pháp, nhưng biết cái nhìn cấp tiến, thí dụ, thay vì dạy vẽ phụ nữ khỏa thân như truyền thống Châu Âu, đã yêu cầu học trò tập vẽ phụ nữ VN cấy lúa, gánh lúa…
Ông Hiền nói, trong 4 tấm tranh sơn dầu của sinh viên mỹ thuật được đưa vào bảo tàng có một tấm của Nguyễn Cát Tường. Nguyễn Trọng Hiền về VN nhiều lần để tìm tài liệu về bố, tới tận nhà may có tên Cát Tường ở Hà Nội năm 2006, nhưng chủ tiệm may đã nói thật rằng không phải thân tộc với cụ Cát Tường, về quê Sơn Tây gặp nhiều họ hàng, gặp người mẫu đầu tiên là cụ bà Nguyễn Thị Hậu, liên hệ được với chị Phạm Thảo Nguyên (con dâu Thế Lữ) để cùng tìm các số báo cũ, may mắn gặp Thành Tôn giúp về kỹ thuật số hóa (Digitization) để lưu trữ văn bản và hình ảnh vào máy tính và Internet, và rồi năm 2013 đã góp sức thực hiện cuộc triển lãm và hội thảo về TLVĐ ở báo Người Việt, cũng như cuộc trình diễn áo dài Le Mur ở Viện Việt Học, trong đó người đầu tiên mặc áo dài Le Mur ở hải ngoại là MC Kim Ngân của Viện Việt Học. Đặc biệt, một chi tiết được Nguyễn Trọng Hiền giải thích là ông đã chọn các người mẫu cho áo dài Le Mur năm 2013 là các chị cựu học sinh Trưng Vương, vì trường Trung Học Trưng Vương (Hà Nội) là nơi bà Hiệu Trưởng Thục Oanh đầu tiên bắt buộc học sinh phải mặc áo dài Cát Tường.

blank

Hình ảnh trong buổi hội thảo, ra mắt kỷ yếu Tự Lực Văn Đoàn.

Buổi nói chuyện trở nên trầm lắng và ưu tư hơn, khi Phạm Phú Minh nói về nỗ lực khôi phục văn học TLVĐ không đơn giản chỉ vì để giúp người nghiên cứu văn học sử sau này, mà còn để giữ trung thực các văn bản TLVĐ đã và đang bị các nhà xuất bản CSVN hiện nay cắt xén tự tiện.
Ông nói, do vậy, nhìn từ khía cạnh văn học, hành động các nhà xuất bản hải ngoaị như Xuân Thu, Đại Nam in lại tác phẩm cũ, cho dù có thể vi phạm tác quyền và có khi trả tiền tác quyền không hợp lý vẫn là một công lớn vì gìn giữ văn học trước 1975 nguyên bản, không sửa đổi.
Nhà văn Phạm Phú Minh nói, đã có nhiều người khám phá ra chuyện các nhà xuất bản CSVN in lại và cắt xén văn bản các tác phẩm văn học trước 1975, dù là tác phẩm thuần túy văn học, không liên hệ chính trị.
Như trường hợp nhà văn Ngự Thuyết khi nghiên cứu về Khái Hưng đã thấy các bản in ở VN gần đây có nhiều sai lạc, nên cuối cùng phải mua bản in ở Tự Lực ở hải ngoại.
Nhiều sách khác cũng bị cắt xén, như “Tuấn Chàng Trai Nước Việt” của Nguyễn Vỹ, hay như “Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê.”
Nhà văn họ Phạm cũng nói, cắt xén thậm chí thô bạo tới mức, khi một nhà xuất bản trong nước xin in lại bài của nhà phê bình văn học Thụy Khuê phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn, và họ nói rõ là xin cắt một số đoạn. Thụy Khuê đồng ý, với điều kiện các chỗ cắt xén phải để ba chấm trong ngoặc, và nhớ phải ghi nguồn bài phỏng vấn từ Hợp Lưu.

blank

Hình ảnh trong buổi hội thảo, ra mắt kỷ yếu Tự Lực Văn Đoàn.

 

Nhà xuất bản trong nước hứa là sẽ làm y thế, nhưng rồi họ chẳng để dấu ba chấm, và chẳng ghi nguồn… và lại thêm thắt những lời ca ngợi ông Hồ, mà nguyên thủy cụ Hoàng Xuân Hãn không hề nói.
Cắt thô bạo tới mức học giả quốc tế cũng thấy. Nhà văn họ Phạm kể về trường hợp nhà nghiên cứu Nhật Bản Tanaka Aki, học ở Đaị Học Ngoại Ngữ Tokyo và được GS Kawaguchi hướng dẫn nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn. Khi cô Aki dịch tác phẩm “Đời Mưa Gió” của Khái Hưng và Nhất Linh, mới khám phả ra nhiều dị biệt trong ấn bản cô mua ở TPHCM do Hội Nhà Văn xuất bản năm 2010 so với ấn bản do NXB Đời Nay in tại Sài Gòn trước 1975 mà Thầy Kawaguchi có trong tay.
Tiếp theo, GS Nguyễn Văn Sâm nói về hai tác phẩm Nho Phong (NP) và Đời Quay Tơ (NQT), hai tác phẩm đầu tay của Nhất Linh, người mà GS Sâm nói là thán phục từ tài năng tới nhân cách, từ lựa chọn đi Pháp du học cho tới việc lập văn đoàn, từ hoạt động đảng phái cho tới việc bỏ ngang hội nghị 1946 với Pháp trong cương vị Ngoại Trưởng trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, cho tới lựa chọn cuối đời là tự sát để phản đối việc chính phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo.
GS Sâm nói, người ta thấy hai cuốn NP và NQT có văn phong rất khác với văn phong Nhất Linh sau naỳ ở Đoạn Tuyệt hay nhiều cuốn khác. Hai cuốn NP và NQT xuất bản năm Nhất Linh rất trẻ, 20 tuổi (1926) và 21 tuổi (1927), và sau đó Nhất Linh sang Pháp du học, từ đó văn phong biến đổi. Đặc biệt, cuốn NP là cuốn duy nhất ký tên Nguyễn Tường Tam, có thể lúc đó chưa quyết định sẽ đi theo con đường sáng tác, và trong này yếu tố làm văn chương ít hơn yếu tố bày tỏ tư tưởng.
GS Nguyễn Văn Sâm nói, sách này in năm 1926 trong khi lúc đó VN đã có Hồ Biểu Chánh viết cuốn U Tình Lục (ký tên thiệt là Hồ Văn Trung), theo thể truyện thơ lục bát. Cả Nho Phong và U Tình Lục đều nói về đời một người con gái, vì tình yêu mà gian nan: Nguyễn Tường Tam viết bằng văn xuôi, ít tình tiết; Hồ Văn Trung viết văn vần, nhiều chi tiết nhỏ nhặt.
Nhưng nhìn laị, lựa chọn viết văn xuôi của Nguyễn Tường Tam là lựa chọn sáng suốt, rất quan trọng đối với sự nghiệp nhà văn của ông và tạo đà lớn mạnh cho văn học VN thế hệ 1913-1932.
Viết văn xuôi sau 1920 không phải phát kiến của Nguyễn Tường Tam, nhưng giả sử nếu NTT viết truyện dài bằng thơ như cụ Phan Chu Trinh viết Giai Nhân Kỳ Ngộ Diễn Ca (1915-1917) thì sau này chắc chắn không có phong trào đổi mới văn chương và đổi mới sáng tác của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và văn học VN sẽ thiệt thòi rất nhiều.

blank

Hình ảnh trong buổi hội thảo, ra mắt kỷ yếu Tự Lực Văn Đoàn.

 

GS Nguyễn Văn Sâm nói, tuy NQT chỉ in sau NP một năm, nhưng văn phong đã rất mới, đổi nhiều.
Nho Phong là văn ước lệ, kiểu “dáng liễu thanh tân… man mác trong lòng… nết thu ngại ngùng… làn thu ba như nhuộm vẻ sầu… cảnh song trăng quanh quẽ…”
Nhưng Người Quay Tơ là bước tiến vĩ đại của Nguyễn Tường Tam để chuyển snag thành Nhất Linh, và là chuyên sang văn học chủ đề, văn phong trực tiếp hơn…
GS Nguyễn Văn Sâm so sánh Nhất Linh với Hồ Biểu Chánh, nói rằng HBC viết “Ai Làm Được” có văn phong mới hơn “Nho Phong” nhưng HBC không tạo ra được một nhóm nhà văn cùng sống chết cho lý tưởng cứu nước và đổi mới văn học, và làm được như thế lại là công trình lớn của Nhất Linh.
Tiếp theo, nhà văn Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng) nói về Sách Hồng của TLVĐ — trong đó có nhiều sách cho thiếu nhi nhưng đầy cuốn hút với thế hệ lão niên như ông — như Ông Đồ Bể (của Khái Hưng), Hạt Ngọc (của Thạch Lam).
Trong khi GS Đỗ Quý Toàn nói, GS Phạm Lệ Hương chiếu slide show hình bìa các tác phẩm Sách Hồng.
Phần thảo luận điều hợp bởi cô Lâm Dung.
GS Trần Ngọc Ninh kể những kỷ niệm về thập niên 1940s, khi GS còn là sinh viên y khoa Hà Nội. Năm 1944, GS Ninh là sinh viên năm thứ 2 hay thứ 3 Trường Thuốc, làm báo Văn Học, có viết một truyện cho trẻ con, tưạ đề “Cuộc Phiêu Lưu của Thằng Tý, con Tẹo,” cho nhân vật phiêu lưu trong cơ thể người.
Một hôm, một người gầy cao tới tìm tác giả bài này, tự giới thiệu là Khái Hưng, nói rằng mỗi lần Khái Hưng viết truyện trẻ em là phải đưa cháu Thiết đọc trước, thấy ưng bụng mới đăng. Khái Hưng chuyển lời “cháu Thiết” tới tác giả Trần Ngọc Ninh rằng, cách nào để nhân vật thoát ra thân thể người…
Sau đó là phần Ra mắt Kỷ yếu Tự Lực Văn Đoàn và bộ 3 đĩa DVD. Giá bán: Kỷ yếu + bộ DVD giá $30.
Tất cả bộ báo đã sô hóa của Tự Lực Văn Đoàn đã và đang đưa lên mạng của Viện Việt Học để độc giả toàn cầu đọc tự do và miễn phí– http://www.viethoc.com/ — và đây là văn bản gốc, không hề bị cắt xén hay sửa đổi.

 

Nguồn: https://vietbao.com/p114a227613/nhieu-sach-tu-luc-van-doan-bi-csvn-cat-sua-khi-in-lai-vien-viet-hoc-ra-mat-ky-yeu-tu-luc-van-doan-hoi-thao

Comments are closed.