Bài học từ những hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới

Amy S. Choi

Thắm Nguyễn dịch từ http://ideas.ted.com/2014/09/04/what-the-best-education-systems-are-doing-right/

 

50 năm trước, cả Hàn Quốc và Phần Lan đều có hệ thống giáo dục cực kì khủng khiếp. Phần Lan đứng trước nguy cơ trở thành đứa con riêng về kinh tế của châu Âu. Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề bởi cuộc nội chiến. Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ qua, cả Hàn Quốc và Phần Lan đã xoay chuyển hệ thống trường học của mình – và giờ đây, hai nước được cả thế giới ca ngợi về kết quả giáo dục xuất sắc. Các nước khác có thể học hỏi được những gì từ hai mô hình giáo dục thành công nhưng trái ngược nhau này? Dưới đây là cái nhìn tổng quan về những gì Hàn Quốc và Phần Lan đang làm đúng.

 

Mô hình Hàn Quốc: Bền bỉ và chăm chỉ, chăm chỉ, chăm chỉ

 

“Suốt hàng nghìn năm, ở một số vùng của châu Á, cách duy nhất để có được địa vị kinh tế xã hội và tìm được việc làm an toàn là tham dự một kỳ thi – trong đó giám thị là đại diện cho hoàng đế.” – theo ông Marc Tucker, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm quốc gia về Giáo dục và Kinh tế. Những kỳ thi này yêu cầu phải có kiến ​​thức toàn diện, khiến chúng trở thành một nghi thức mệt mỏi phải vượt qua. Ngày nay, nhiều nơi ở các nước Nho giáo vẫn coi trọng loại trình độ học vấn được phát triển bởi văn hóa thi cử.

Trong số các quốc gia này, Hàn Quốc là nước áp dụng triệt để nhất và có lẽ là thành công nhất. Người Hàn Quốc đã đạt được những thành công đáng chú ý: cả nước 100 % dân số biết chữ, dẫn đầu về thành tích trong các bài kiểm tra so sánh của quốc tế, bao gồm cả kiểm tra tư duy và phân tích. Nhưng thành công này cũng có cái giá của nó: Học sinh đang phải chịu một áp lực rất lớn và phải không ngừng thể hiện. Tài năng không phải là một vấn đề đáng quan tâm – vì nền văn hóa tin tưởng vào sự chăm chỉ. Trên tất cả là sự siêng năng, không có lý do cho sự thất bại. Trẻ em học quanh năm, cả ở nhà trường và với các gia sư. Nếu bạn học tập đủ chăm chỉ, bạn có thể đủ thông minh.

 

Các bà mẹ Hàn Quốc cầu khấn cho con mình đạt kết quả cao trong kỳ thi Đại học. Ảnh Chung Sung-Jun/Thinkstock

Các bà mẹ Hàn Quốc cầu khấn cho con mình đạt kết quả cao trong kỳ thi Đại học

 

“Về cơ bản, người Hàn Quốc tin rằng phải vượt qua giai đoạn học tập thực sự khó khăn này thì mới có được một tương lai tốt đẹp.” – ông Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục và kỹ năng tại PISA kiêm cố vấn đặc biệt về chính sách giáo dục tại các nước OECD nói. “Đây không chỉ là việc cha mẹ gây áp lực cho con cái của họ, mà là câu hỏi lớn về bất hạnh ngắn hạn và hạnh phúc lâu dài.” Nền văn hóa truyền thống của đất nước này tôn sùng các thứ bậc, xếp hạng. Do đó áp lực từ việc những học sinh khác học tốt hơn cũng có thể làm tăng kỳ vọng của phụ huynh vào kết quả học tập của con em mình. Tâm lý đám đông này thể hiện ngay từ trong giáo dục sớm ở trẻ em, ông Joe Tobin, chuyên gia giáo dục mầm non tại Đại học Georgia, chuyên ngành nghiên cứu quốc tế so sánh cho biết. Ở Hàn Quốc cũng như ở nhiều nước châu Á khác, quy mô lớp học rất lớn – đây là điều cực kỳ không mong muốn đối với phụ huynh Mỹ. Có thực tế này là bởi ở Hàn Quốc, mục tiêu của giáo dục là giáo viên dẫn dắt lớp học trở thành một cộng đồng, và phát triển các mối quan hệ giữa học sinh với nhau. Còn tại các trường mầm non ở Mỹ, giáo viên tập trung phát triển mối quan hệ cá nhân với học sinh, can thiệp thường xuyên trong mối quan hệ của các học sinh.

Amanda Ripley, tác giả của cuốn The smartest kids in the world: And How that got that way” nói: “Tôi nghĩ rằng, rõ ràng là có những cách tốt hơn và tồi tệ hơn để giáo dục con em chúng ta. Cùng một lúc, nếu tôi phải lựa chọn giữa một nền giáo dục tầm trung của Mỹ và một nền giáo dục tầm trung của Hàn Quốc cho con tôi, tôi sẽ chọn, miễn cưỡng, mô hình của Hàn Quốc. Thực tế là, trong thế giới hiện đại, những đứa trẻ sẽ phải biết cách học, cách làm việc chăm chỉ và cách tồn tại sau khi thất bại. Mô hình Hàn Quốc dạy điều đó”

 

Mô hình của Phần Lan: Các học phần tự chọn và động lực từ bản thân học sinh

 

Ở Phần Lan, ngược lại, học sinh học với cả sự nghiêm khắc và sự thoải mái. Mô hình Phần Lan, theo các nhà giáo dục, là điều không tưởng.

Ở đất nước này, trường học là trung tâm của cộng đồng, ông Schleicher nhấn mạnh. Nhà trường không chỉ cung cấp dịch vụ giáo dục, mà còn các dịch vụ xã hội. Giáo dục là tạo nên bản sắc.

Văn hóa Phần Lan đánh giá cao động lực nội tại và mưu cầu lợi ích cá nhân. Phần Lan có ngày học tương đối ngắn, phong phú với các chương trình ngoại khóa được nhà trường tài trợ. Bởi về mặt văn hóa, người Phần Lan tin rằng, những điều quan trọng học được ngoài lớp học. (Có một ngoại lệ, đó là thể thao, không được tài trợ bởi trường học mà bởi ban quản lý địa phương.) Một phần ba các môn học mà học sinh tham dự ở trường trung học là tự chọn, và họ thậm chí có thể chọn kỳ thi sẽ thi. Đó là một nền văn hóa ít áp lực, và đề cao kinh nghiệm học tập phong phú.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ở Phần Lan không có sự nghiêm khắc trong học tập, điều này bắt nguồn từ lịch sử của đất nước bị mắc kẹt giữa các cường quốc châu Âu, ông Pasi Sahlberg, nhà giáo dục Phần Lan – tác giả của cuốn Bài học từ Phần Lan: Những gì thế giới có thể học được từ sự thay đổi giáo dục ở Phần Lan cho biết.

“Chìa khóa để cứu thoát dân tộc chính là giáo dục. – ông Sahlberg nói. “Người Phần Lan không tồn tại ở đâu khác nữa ngoài Phần Lan. Điều đó khiến mọi người ý thức một cách nghiêm túc hơn về giáo dục. Ví dụ như không ai nói thứ ngôn ngữ hài hước này mà chúng tôi đang nói. Ngôn ngữ Phần Lan là song ngữ, học sinh học cả tiếng Phần Lan và Thụy Điển. Và mỗi người Phần Lan muốn thành công phải làm chủ ít nhất một ngoại ngữ nữa, thường là tiếng Anh, nhưng cũng có thể là tiếng Đức, Pháp, Nga và nhiều tiếng khác. Ngay cả đứa trẻ nhỏ nhất cũng hiểu rằng không có dân tộc nào khác trên thế giới nói tiếng Phần Lan, và nếu họ muốn làm bất cứ điều gì khác, họ cần phải học ngoại ngữ. “

 

Học sinh ở một trường ở Phần Lan biểu diễn đồng ca ca khúc "The Time is Now" trong ngày Hành động chống biến đổi khí hậu. Ảnh Aapo-Lassi Kankaala/Flickr.

Học sinh ở một trường ở Phần Lan biểu diễn đồng ca ca khúc “The Time is Now” trong ngày Hành động chống biến đổi khí hậu. Ảnh Aapo-Lassi Kankaala/Flickr.

 

Người Phần Lan chia sẻ một điều với người Hàn Quốc: họ cùng kính trọng giáo viên và học vấn của giáo viên. Ở Phần Lan, chỉ có 1 trong 10 ứng viên vào các vị trí giảng dạy được chấp nhận. Sau khi đóng cửa hàng loạt 80% các trường  cao đẳng sư phạm trong những năm 1970, chỉ có các chương trình đào tạo Đại học tốt nhất được giữ lại, nâng cao vị thế của các nhà giáo dục trong nước. Giáo viên ở Phần Lan giảng dạy 600 giờ trong một năm, phần còn lại dành để phát triển nghiệp vụ, gặp gỡ đồng nghiệp, học sinh và gia đình. Còn tại Mỹ, giáo viên đứng lớp 1100 giờ một năm, ít thời gian để hợp tác, phản hồi hoặc phát triển nghề nghiệp.

 

Làm thế nào để người Mỹ có thể thay đổi văn hóa giáo dục?

 

Là diễn giả của TED, ông Ken Robinson đã từng nói trong bài nói chuyện của ông năm 2013 (Làm thế nào để thoát khỏi thung lũng chết của giáo dục), khi nói đến khủng hoảng giáo dục đương đại của Mỹ: “Khủng hoảng bỏ học chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Điều không được tính đến đó là tất cả những đứa trẻ đang ở trường học nhưng đầu óc thực sự không ở đó, không thích và không nhận được bất kỳ lợi ích nào.” Mọi chuyện đáng ra không phải như vậy.

Bà Amanda Ripley lưu ý: “Văn hóa là điều có thể thay đổi. Nó dễ uốn hơn so với chúng ta nghĩ. Văn hóa gần như có tất cả mọi thứ xoáy quanh nó, một số thứ có thể nhìn thấy rõ và một số là tiềm ẩn. Ví dụ như việc đưa ra một mệnh lệnh kinh tế, thay đổi lãnh đạo hoặc tai nạn của lịch sử, là những điều có thể nhìn thấy.” Tin tốt là, “Người Mỹ có rất nhiều điều trong văn hóa có thể hỗ trợ cho một hệ thống giáo dục hùng mạnh, chẳng hạn như cách nhìn nhận đã có từ lâu về sự bình đẳng giữa cơ hội và chế độ đãi ngộ nhân tài mạnh mẽ, hợp pháp.” bà Ripley nói.

Một lý do mà người Mỹ đã không đạt được nhiều tiến bộ trong giáo dục trong hơn 50 năm qua, đó là vì với trẻ em Mỹ, sống trong nền kinh tế quốc gia hùng mạnh, việc phải làm chủ các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phê phán sắc sảo để tồn tại không phải là vấn đề sống còn với chúng. Nhưng điều đó không còn đúng nữa. Bà Ripley nhận định: “Luôn có độ trễ để văn hóa có thể bắt kịp với nền kinh tế đương đại, và ngay bây giờ đây người Mỹ đang sống trong khoảng thời gian trễ đó. Vì vậy, trẻ em của Mỹ lớn lên hầu như không có kỹ năng hoặc sự cần cù để làm việc hiệu quả trong nền kinh tế toàn cầu.”

 

Một lớp học của Mỹ năm 1899: Học sinh đang học về sự đặt chân của nhà thám hiểm Pilgrims đến thị trấn Plymouth, bang Massachusetts. Ảnh The Library of Congress

Một lớp học của Mỹ năm 1899: Học sinh đang học về sự đặt chân của nhà thám hiểm Pilgrims đến thị trấn Plymouth, bang Massachusetts. Ảnh The Library of Congress

 

Ông Tony Wagner, chuyên gia tại Trung tâm đổi mới giáo dục Đại học Harvard và tác giả của cuốn The global achivement gap  nói: “Chúng ta là những tù nhân của những hình ảnh và kinh nghiệm giáo dục mà chúng ta có. Chúng ta muốn các trường học cho con em của mình phản ánh kinh nghiệm của riêng chúng ta, hoặc những gì chúng ta muốn. Điều này làm hạn chế nghiêm trọng khả năng suy nghĩ sáng tạo về một loại hình giáo dục khác. Nhưng không có cách nào điều chỉnh từng chút một để đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của thế giới thế kỷ 21. Cần có một cuộc đại phẫu lớn”

Thật vậy, ngày nay, văn hóa chọn lựa của Mỹ đặt nhiệm vụ cho cha mẹ là tìm các trường học “phù hợp” cho con của mình, chứ không phải tin tưởng rằng tất cả các trường đều có khả năng chuẩn bị cho con cái chúng ta trưởng thành. Nỗi ám ảnh về tài năng khiến nhiệm vụ đặt lên vai trẻ em là phải “thông minh”, chứ không phải là khả năng dạy dỗ của người lớn. Và cơ chế tài chính cho trường học đã lỗi thời khiến cho giá trị được tính theo mức đầu tư trên từng học sinh chứ không phải những giá trị thực sự mà các em nhận được.

Văn hóa giáo dục Mỹ sẽ trở thành như thế nào trong tương lai? Ở các nền văn hóa giáo dục thành công nhất trên thế giới, đó là hình thành nên một hệ thống chịu trách nhiệm về sự thành công của học sinh, ông Schleicher nói – không chỉ phụ huynh, không chỉ học sinh, không chỉ giáo viên – Nền văn hóa tạo ra hệ thống. Hy vọng rằng người Mỹ có thể tìm thấy sự đam mê và sẽ thay đổi văn hóa của mình – từ cả phụ huynh, học sinh và giáo viên, cùng một lúc.

 

Nguồn: http://www.dadien.net/bai-hoc-tu-nhung-he-thong-giao-duc-tot-nhat-tren-the-gioi/

Comments are closed.