Trời long đất lở (kỳ 1)

Nam Dao

 

Kính cẩn cầu hồn những nạn nhân một thời phải nhớ để không bao giờ sẽ lặp lại

Trích Chương 9 và 10 về CCRĐ, tiểu thuyết Bể Dâu

 

GẬY TẦM VÔNG

 

… Xếp hàng một, vai khoác túi zết, tay xách bị, mặt nghiêm trang lạnh lẽo. Ðoàn người rẽ quặt xuống, đi vào thôn Bùi Chu. Hai bên đường làng, hàng loạt tượng bị treo cổ trên những cành cây. Bên trái, là bên lương. Có tượng Phật Quan Âm, tượng Thích Ca. Có cả tượng ba vị Phúc, Lộc, Thọ. Bên phải, bên giáo. Tượng Ðức Mẹ hằng cứu rỗi. Tượng Chúa Giê-su. Treo cổ thánh thần là Cách Mạng. Theo đồng chí Mác, tôn giáo là thuốc phiện. Thuốc phiện lại là âm mưu của thực dân Pháp lừa nhân dân ta hút vào cho hết ý chí đấu tranh. Giải thích đó đến từ Ðội đợt trước. Và để làm gương, Đội đã phải bắn ngay tại chỗ một lão già phản Cách Mạng ôm chân tượng Chúa ỉ eo khóc lóc trước giai cấp nông dân đang quyết liệt đấu tranh đòi quyền làm chủ. Sau đợt đó, dân bên giáo chạy ra Phát Diệm, khu tự trị của giáo dân do Linh Mục Lê Hữu Từ cai quản. Dân bên lương chạy lên thành phố. Có kẻ chạy vào tận trong Nam, có người vượt biên giới qua Lào. Ai ở lại, phải cụng đầu tố khổ. Với địa chủ hay cường hào ác bá bên lương, bắt bên giáo đấu. Và ngược lại. Phật co tay thử sức với Chúa qua những con người bắt đầu từ đợt Giảm tô Giảm tức.

Gia đình bà Ðồ Cửu nay chỉ còn có Xoan. Con bé Bình Minh theo một lớp cứu thương, sau tình nguyện đi phục vụ mặt trận Ðiện Biên Phủ từ tháng chạp. Xoan học được nghề nấu tương thời Tổng Khởi Nghĩa, bỏ mối trên Vinh, lần lần bán đến vùng Nông Cống ở Thanh Hóa. Cuối năm 48, Xoan tích được ít vốn. Bà Ðồ xuýt xoa “…có hai mẫu đất hương hỏa Vua ban cho ông ngày xưa, lại đem thế chấp, giá bây giờ chuộc được nhỉ!”. Xoan nghe, chuộc đất nhưng cho cấy rẽ, thêm được ít thu nhập. Năm 50, Xoan cho lợp ngói, xây thêm ba gian nhà. Chồng lén lút về, Xoan hí hửng, nhưng không hiểu sao Chính rất buồn. Có lúc Chính ngập ngừng như định nói, song lại thôi, nhìn trời thở dài thườn thượt. Ðược vài ngày, Chính lại trở về chiến khu Việt Bắc, chỉ dặn, lỡ mai sau có gì thì Xoan thương mà tha cho Chính cái lỗi không chu toàn được việc gia đình.

Sáu tháng sau, nhà cháy, nhưng hàng xóm đến dập được lửa. Xoan mím môi nhìn cột kèo nơi thần hỏa vào thăm, nhưng rồi cũng chẳng sửa chữa gì lại. Trong đợt giảm tô, Xoan cúng hai mẫu ruộng cho tập thể, được xếp vào hạng tiểu thương. Trước Cải Cách, bí thư xã trả lại ruộng. Nghe đâu Bác Hồ ngăn không cho thúc đẩy “thổ cải”, đã viết thư xin lỗi và giải thích cho đồng bào sau vụ nổi loạn ở Quỳnh Lưu. Gia đình bà Ðồ lại phải lấy lại hai mẫu ruộng thượng điền nhưng giao việc phát canh cho xã đội và dân quân. Xoan tiếp tục làm tương bỏ mối. Bình Minh hăng hái tham gia đấu tranh giai cấp chống địa chủ cường hào gian ác. Không được là “rễ” nhưng Bình Minh được ”xâu chuỗi”, sau xung phong xin ra chiến trường, mặc cho bà và mẹ khóc hết nước mắt.

Ðội lần này về chỉ có anh đội phó, tên Tị, kiêm nhiệm vụ phụ trách Tòa Án Nhân Dân. Ðội trưởng là đồng chí Khải Hoàn, hiện còn họp Ðoàn nên chưa thâm nhập cơ sở để “ ba cùng” với quần chúng. Tị xuýt xoa “ …Anh Đội lần này có tiếng là sáng suốt và kiên quyết, thằng “địa” có trốn đằng trời cũng lôi xuống đấu!”. Vốn thích nói chữ, Tị mất một đợt giảm tô và một đợt Cải Cách mới nói “sáng suốt” chứ không chệch ra “sống sít”, và “kiên quyết” chứ không “càn quét”. Người thấp nhưng to khổ, Tị bước chình chịch, chưa thấy người đã nghe tiếng chân. Mắt có viền hoa đỏ, trán vồ, da tái màu da trâu, gân xanh hai bên thái dương phồng lên co giật khi phải suy nghĩ, Tị thích bẻ chữ lái câu chọc cười, và cứ cất tiếng hì hì trước khiến mọi người chẳng muốn cũng phải há mồm cười chiếu lệ.

Công việc của anh Ðội vào khuôn phép theo đúng như đã học tập với Ðoàn từ đợt trước. Bắt đầu là “thăm nghèo hỏi khổ”. Muốn hỏi được, phải biết “khơi”. Khơi thì trước hết là nói mình xưa khổ thế nào. Và thế là mỗi anh Đội trước Cách Mạng đều khổ, chẳng hiểu là khổ thật hay dựng ra. Sau thăm nghèo hỏi khổ thì “ bắt rễ”. Rễ có cái thật, cái giả, cái ung, cái thối. Rễ cái, là thứ rễ khổ ba đời, nạn nhân của cường hào, ác bá. Là nạn nhân đấy, nhưng nhiều khi rễ không biết. Anh Ðội lúc đó có nhiệm vụ gây căm thù giai cấp, động viên rễ, rèn luyện lập trường Cách Mạng. Sau đó, cùng với Ðội, rễ phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giai cấp để giải phóng nông dân vô sản khỏi ách địa chủ phong kiến.

Tị đi vòng vòng trong thôn, nhìn quanh quẩn, tìm những túp lều phía ngoài che bằng liếp, bên trong họa hoằn mới có một cái trõng tre.

“Này, anh Ðội ơi! Anh đi bắt rễ phải không?”, có tiếng cất lên.

Tị giả tảng như không nghe thấy, tiếp tục bước.

“Này, em nói cho mà biết… ở đây có rễ cái nhé. Rễ sâu ba đời, đến đời này vẫn chưa ngóc lên được!”

Tị vẫn cứ đi. Chợt một bóng người xồ ra chặn đường.

– Ðội không nghe nhân dân à! Cười ngặt nghẽo, người đó tiếp, giọng chua như mẻ – Ðợt Giảm tô, anh bí thư không nghe nên phải kiểm điểm đấy! Vào nhà chơi, anh Ðội. Rồi xem có “ba cùng” với em được không?

Không nói không rằng, người đàn bà níu lấy túi zết, cứ thế lôi Tị đi.

– Ấy, để cho ông yên nào! Tị nổi cộc – không bỏ ra ông dộng cho một dộng bây giờ!

– A, a… Ðội chưa gì đã định đánh em à? Bảo cho đội biết, ai đánh chứ Ðội đánh thì em… cũng chiều. Vào đây. Thăm nghèo mà. Rồi em kể khổ cho mà nghe!

*

Người đàn bà có tên Ðơm, con gái ông Canh, đến mùa thì đi cấy rẽ, sau lại đi đánh dậm. Ðơm có một đứa con gái lên sáu, chồng bỏ đi đâu không ai biết từ lúc bụng mang dạ chửa. Ðơm kể, rồi văng:

– Cha tiên nhân thằng bố nó – tay chỉ con bé con, Ðơm ấm ức – bây giờ mà nó về đây thì em băm em vằm nó ra!

Nhìn bộ ngực lép kẹp của Ðơm, Tị hấp háy như cân đo. Ré lên cười, Ðơm nói:

– Ðội nhìn gì mà ghê thế!

– Ừ, thì để đánh giá sinh hoạt mà!

– Bảo cho Ðội biết, Ðơm trề môi, cứ mót lúa ăn no ba ngày là nó nây nẩy ra ngay í mà! Nhà em là rễ, khổ nhất thôn này, ai cũng biết…

Tị nhìn quanh, hỏi:

– Có độc một cái trõng thôi à?

– Ðể cho Ðội, trong kia thì lót ổ ngủ quen rồi. Cha em từ bé đến nay ngủ ở đó. Còn cái trái cạnh bếp, là mẹ con em…

Tị đứng dậy, giằng cái túi zết khoác lên vai, miệng nói:

– Ðể đi một vòng xem đồng bào “sinh hoạt” đã…

Ðơm níu cánh tay Tị, cười hinh hích:

– Ðội chê em hả?

Chưa kịp đáp, ông Canh ở đâu lù lù bước vào. Ðơm mau mắn:

– Cha ơi! Anh Ðội đến thăm nghèo đây!

Mắt toét nhèm, ông Canh ngước nhìn Tị, rồi vái:

– Lạy anh Ðội! Anh Ðội ở chơi thêm tí để nhân dân chúng tôi còn phục vụ.

Quay sang Ðơm, ông Canh quát nhỏ:

– Sao không nấu nước chè mời anh Ðội, hả?

Ðơm lại níu, nhưng Tị giằng ra:

– Tí tôi quay lại! Bây giờ thì phải “đi sâu đi sát” với quần chúng…

Ông Canh lại vái. Ðơm bước theo Tị, lấy giọng hờn dỗi:

– Ði sâu đi sát với em nhé! Sâu sát với em thì gọi là, gọi là… lên chín tầng mây. Chỉ sợ Ðội không có sức!

Tị quay nhìn, chớt nhả:

– Hừm… để xem! Lúc ấy nhà chị lại van thôi… Thôi đừng “phát động” nữa, mệt lắm rồi, hà hà…

Nghe Ðơm phá cười lên nắc nẻ, Tị nghĩ thầm, nhà chị này đúng là rễ, nhưng chắc thèm “quả thực” đợt này và nhất là cái thẻ gạo của mình. Tị lẩm bẩm, sau đợt Giảm Tô, cái thôn này nhất định phải đạt chỉ tiêu năm phần trăm kỳ Cải Cách này. Nhớ lại con số Ðội trưởng Khải Hoàn dặn, Tị thầm nhủ, cứ phát hiện hai địa chủ thì là đạt kế hoạch. Nhìn quanh, Tị rảo mắt tìm nhà ngói. Ðịa chủ, ắt phải ở nhà ngói. Nhất định thế, trốn cũng chẳng được. Thế tại sao quần chúng lại chưa phát hiện được?

Ðến trước một cái lều rách bươm, Tị đằng hắng:

– Có ai ở nhà không? Ðội đến thăm nghèo hỏi khổ đây!

Một người đàn bà tất tả chạy ra:

– Chào anh Ðội! Chúng em ở đây là Thung. Quay vào, người đàn bà réo – nhà nó ơi! Có anh Ðội đến thăm nghèo hỏi khổ này!

Phía cửa dậu dẫn ra một khoảnh đất ven sông, có tiếng chân thình thịch. Lát sau, Thung đi vào. Ðó là một người trạc ba mươi, cao gầy, mắt xếch, hàm răng xỉn khói thuốc lào. Tị hỏi:

– Nghèo thế này, sao đợt trước không là rễ?

– Ấy, bởi các bác Ðội đợt trước đánh giá là nhà em có tí liên quan – Thung ngần ngừ – nhưng sau cũng cho vào họp Nông hội…

– Liên quan thế nào? Tị hỏi.

– Thì em là em chú bác với nhà Thành, ban đầu xếp vào nhà “địa”! Nhưng sau thì đánh xuống trung nông.

– Nhưng liên quan thế nào? Tị lại gặng

– Hồi bé em mồ côi cả cha lẫn mẹ, bác thân sinh ra nhà Thành đem về nuôi. Bác em chết năm đói, em ở thêm hai năm rồi được nhà Thành bán cho mảnh đất này đây…

– Thế vợ chồng là thành phần gì?

– Chẳng nói giấu gì anh Ðội, chúng em là bần nông. Ðến mùa thì đi cấy đi rẽ. Sau, em làm gạch. Tay chỉ ra sau vườn – em có cái lò nung, mỗi vụ cũng làm được vài trăm viên, bán đi trang trải nợ nần.

Tị làm ra thân tình, lẩm nhẩm:

– Thế nhà anh chị cũng sinh hoạt riêng từ… coi nào… sáu bảy năm nay. Vậy thì “tách thành phần”, cần ba năm là xong rồi, có gì mà “liên quan” nữa!

Thung bóp tay:

– Anh Ðội nói đúng, chúng em tách thành phần rồi…

– Thế nợ nần là nợ nần gì? Nợ nần ai?

Vợ Thung chen vào:

– Thì nợ nhà Thành. Cái khoảnh đất này trả dần, chúng em hàng năm trả vừa công vừa tiền bán gạch…

Tị mở túi zết, lấy quyển sổ nhỏ, vừa ghi vừa hỏi:

– Thế nhà Thành ở đâu?

– Ở đầu thôn… cái nhà lợp ngói chỗ gần miếu Cây Sấu, Đội vào chắc đã thấy rồi!

– Thôn ta, có bao nhiêu nhà lợp ngói?

– Dạ, trước thì năm, sáu nhà. Nhưng bây giờ còn ba. Những cái kia bần cố đã vào rỡ ngói rồi!

– Ngoài nhà Thành, còn nhà ai là nhà ngói?

– Nhà bà đồ Cửu, và nhà phó Chước.

Tị vừa hỏi vừa ghi chép, khi đi dặn với lại:

– Ðợt này phải thủ tiêu toàn bộ giai cấp địa chủ. Ðội sẽ phát động đấu tranh, nông dân thôn ta nhất định lập thành tích để cả xã lấy được cái “điển hình”. Tối nay sẽ họp rễ, chuỗi nhé!

Nhìn vợ chồng Thum khúm núm, Tị cười:

– Không sợ liên quan nữa. Lần này thì phải kiên quyết “tách thành phần”, không thỏa hiệp gì với nhà “địa” nữa!

Tị tiếp tục cuộc thăm nghèo hỏi khổ, bắt rễ sâu chuỗi. Khi mặt trời chếch về Tây, Tị quay lại nhà Canh. Không thấy Ðơm, Tị giả giọng thản nhiên:

– Cái Ðơm ấy, để làm tổ trưởng tổ dân quân có được không bác Canh. Còn bác, Ðội đề nghị làm trưởng thôn đấy, bác nghĩ thế nào?

Canh dúm người lại, nhưng hả hê cười:

– Anh Ðội dạy quá lời, tôi có học qua một lớp quốc ngữ nhưng, nói anh bỏ qua, đầu óc mụ mẫm nên đọc còn chẳng biết, làm trưởng thôn thế nào được!

– Hừm… cốt cán thiếu gì người chữ không biết, nhưng quyết tâm cao thì làm gì chả được! Còn cái Ðơm đâu rồi?

– Thưa anh Ðội, tôi bảo cháu nó đi mò ít tép để cơm nước có tí “chất lượng” tối nay…

Tị cười, vỗ vai Canh, vui vẻ:

– Ờ… tối nay sẽ họp rễ chuỗi. Cũng phải ăn gì cho nó chắc bụng, bác Canh nhỉ!

*

Lên khỏi mặt ruộng, tầm mắt trải ra từ lũy tre cuối thôn cho đến dòng sông lấp lánh. Nước đồng chiều loang loáng trên những cuống mạ găm xuống đất như bao nhiêu mảng đời gắn vào đất đai một món nợ truyền đời. Tị bước chân lên kênh Sắt. Ðàn quạ đen ven bờ nước đồng loạt vỗ cánh. Chúng bay lên trời, chao một vòng kêu dọa dẫm rồi lại hạ xuống, gật gù bước, thỉnh thoảng xô đẩy lẫn nhau tranh một hạt lúa tép, một con giun quằn. Tị cất tiếng gọi:

– Ðơm ơi! Ðơm…

Văng vẳng một tiếng khúc khích mơ hồ. Tị quay lại. Nhưng không một ai. Chỉ có gió. Và bóng mặt trời đỏ ối trên những chân rạ ngập nước. Tị lại gọi.

– Em ở đây, anh Ðội!

Khuất sau mô đất, Ðơm lúi húi, tay xách nơm, tay vén quần lên đến bẹn. Khi Tị nhô ra, Ðơm bỏ cái nơm xuống, vẫy:

– Anh Ðội xuống phụ một tay nhá. Đơm tru miệng, “Ba cùng” mà! Nhưng cùng ăn cùng ngủ thì em tin, chứ cùng làm thì em chả… Các anh có lập trường, cứ bán nói lấy ăn mà!

– Ấy bậy nào, Tị cao giọng – để xem!

Nói xong, Tị xắn quần lội xuống nước, túi zết để lại ven đê. Tiếng chân dẫm ọc à ọc ạch trên bùn. Ðơm chờ, người ngả vào bờ đất, miệng cười, túm áo buộc cao quá rốn, một chân nhô lên, chân kia thõng xuống nước. Tị ngẩn người, bạo miệng:

– Chân đằng ấy trắng thế! Cứ như con gái hàng phố…

Ðơm lại khúc khích:

– Em bần nông ba đời, Ðội nói oan cho em…

Tị sấn lại, hai bàn tay gồ ghề áp lên đùi, rồi lần lên bẹn Ðơm, lắp bắp:

– Vừa trắng, vừa mịn…

Ðơm đẩy nhẹ tay Tị, hổn hển:

– Thôi, thôi Ðội ơi… Nhột lắm, không chịu được nữa!

Vừa nói, Ðơm vừa khép chân lại. Tị xộc tay vào giữa, nhưng tự nhiên mắt dại đi, rùng mình, kêu nhỏ:

– Ối giời ôi…

Ðơm nhìn, hiểu ra, giọng hờn dỗi:

– Ðã bảo… có thèm đến em đâu!

Luống cuống, Tị ngượng ngùng:

– Ấy là tại… tại lo nhiều việc quá. Ðổi giọng, Tị tiếp – Ðơm làm tổ trưởng tổ dân quân nhé!

– Không, làm bà Ðội sướng hơn, Ðơm kéo tay Tị áp vào ngực mình. Em không làm tổ trưởng gì sất…

Thò tay xuống dưới, Ðơm vuốt ve mình, đầu ngật về phía sau, mắt lim dim. Tiếng quạ cất lên khi dăm con kên kên bay qua. Trời đất lịm dần vào một cơn hôn mê. Xa xa, bóng cò thấp thoáng điểm nét thủy mạc vào bức tranh nhìn ôi chao là bát ngát.

Bữa cơm chiều có tép rang và cà chấm mắm tôm. Đứa con gái của Ðơm và vội cơm, mắt cứ lấm lét nhìn Tị. Ðơm bảo:

– Còn tí gạo, ăn một bữa với anh Ðội cho sướng. Mai lại ngô với sắn đấy.

Biết ý, Tị móc túi zết đưa cho Ðơm cái thẻ gạo, cười hềnh hệch:

– Ðây! Phải bồi dưỡng thì mới có sức mà đấu tranh với nhà “địa” chứ!

*

Tối, họp rễ chuỗi. Chia ra bốn tổ. Tổ đấu quan trọng nhất, phải qui thành phần, vạch tội ác, chia thành hai ban, ban tịch thu và ban trưng mua. Sau đến tổ kiểm kê sục sạo đi đánh dấu “quả thực”. Rồi tổ vận chuyển ‘‘quả thực” lên một cánh đồng. Cuối “công đoạn” là tổ trật tự, có nhiệm vụ ghi chép xem bần nông “thu hoạch” gì, của ai. Dân quân phải canh gác, ngăn chặn những trận hôi của hỗn loạn. Ngoài ra, phải tổ chức. Sáng đánh trống ngũ liên. Trẻ con họp thành đoàn, giong cờ, diễu hành, đập trống ếch hô khẩu hiệu phát động tinh thần. Chiều thì Ðội gọi loa, phổ biến đến quần chúng bần cố những phấn đấu tích cực, và thông báo buổi họp xóm ban tối. Không khí thôn xã rạo rực như mở hội, ‘‘quả thực” càng nhiều, thành phần tích cực càng đông, và cuộc đấu tranh giai cấp một còn một mất với địa chủ, cường hào ác bá càng sôi nổi. Mọi liên hệ giữa người với người trong quá khứ đều mờ nhạt như chưa hề có. Dây mơ rễ má, cắt hết để tách thành phần, không liên quan gì với giai cấp bóc lột. Nếu có, chỉ là việc bần cố đi vận động phú nông và trung nông, vừa vận động vừa dòm dỏ, và ngon ngọt nói lại yêu cầu Cách Mạng là họ nên hiến ruộng hiến đất để mau chóng tiến lên “hợp tác”.

Tị trịnh trọng đọc chỉ thị của Ðoàn Ủy huyện Hưng Nguyên, rồi giới thiệu:

– Ðồng chí Khải Hoàn mai sẽ về trực tiếp chỉ đạo công tác Cải Cách Ruộng Ðất của xã ta, gồm tất cả bốn thôn kể cả thôn Bùi Chu này. Phải nói ngay, Ðoàn đã cách chức tay bí thư xã. Đồng chí Khải Hoàn kiêm nhiệm chức vụ này, và ai cũng biết, chỉ mai kia đồng chí sẽ còn lãnh những trách nhiệm to tát gấp bội. Theo đúng tiêu chuẩn của Ðoàn, tôi đã chọn đồng chí Canh vào vị trí Trưởng thôn, đồng chí Ðơm làm Tổ Trưởng tổ dân quân. Có ai có điều gì góp ý bổ túc thì xin cho tập thể rõ…

Tị im lặng, mắt đảo quanh. Tập thể cũng im lặng, ngơ ngác nhìn nhau. Bấy giờ Canh, miệng nuốt nước bọt ừng ực, giơ tay:

– Xin phép anh Ðội, xin phép các quan viên, các cụ, các ông các bà. Canh nhìn quanh một lượt, ngập ngừng…Tôi thì tài hèn sức mọn, chữ nghĩa mù tịt, ăn nói lơ ngơ, xin tập thể quan viên thứ cho…À, ừm… nhưng anh Ðội đã quyết định thế nào, thì tập thể thế vậy, tôi cũng không dám có ý gì khác. Chỉ có điều… là một ngày lên quan thế này, mà nhà lại chẳng có gì để khao cả làng… tôi sợ thế không phải…

Tị vội cắt ngang:

– Thôi được rồi! Nào tập thể vỗ tay hoan hô nào…

Thế là mọi người vỗ tay. Ðơm hắng giọng, thỏ thẻ:

– Còn tôi, vào chức Tổ Trưởng dân quân, tôi thề có ánh đèn – tay chỉ vào chiếc măngxông sáng chói treo trên xà – là tôi sẽ bảo vệ thôn ta, không cho người thôn khác đến hôi của và ăn cắp “quả thực” là cái thuộc về nhân dân trong thôn. Mắt ánh lên lửa một sự hả hê, Ðơm cao giọng – đứa nào lân la đến là dân quân sẽ đánh què, què hết!

Rồi như đã nhập tâm lời kể về bác Hồ hôm đọc Tuyên Ngôn Ðộc Lập, Ðơm thình lình hỏi:

– Ðồng bào có nghe tôi nói không?

Thế là mọi người hô “Có” rồi vỗ tay.

Nửa đêm, buổi họp rễ chuỗi tan. Về đến nhà, Ðơm nói khẽ vào tai Tị “Cùng ăn rồi, cùng làm rồi. Trong ba cái cùng thì còn cái cùng ngủ. Ðằng ấy vẫn còn nợ đấy nhé!”. Tắt đèn được một lúc thì Canh lủi ra túp lều cuối vườn. Tiếng chõng cứ cọt cà cọt kẹt. Lại có tiếng người rầm rì. Không hiểu thế nào, con bé Thìn cũng chui tọt vào túp lều, lay Canh:

– Ông cho cháu ngủ đây. Trong nhà, sợ lắm…

– Vẽ chuyện, sợ gì…

– Ông Ðội thì thở phò phò. Rồi bóp cổ mẹ cháu. Mẹ cháu cứ rên, ối giời ôi, Đội phát động nữa đi…

Canh chép miệng, tay sờ xuống quần. Con bé, giọng ngái ngủ, nói một mình:

– Còn cái chõng, nó cứ cọt cà cọt kẹt như đánh đu….Bảo thế thì ngủ thế nào được!

*

Sáng sớm hôm sau, tiếng trống đánh từ lúc gà gáy. Già trẻ lớn bé lục đục dậy, vơ cái quần cái áo rồi vội vã ra khỏi nhà, tiếng gọi nhau í ới đầu thôn cuối xóm. Đơm quát dân quân xếp hàng, hát Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phất phới, thuổng cuốc bồng trên vai như súng, ắc ê cứ như là lính pạc-ti-zăng. Khi đến gần đồng chiêm, có kẻ hò bài hò anh Đội Tị đã phổ biến “… đánh đổ địa chủ, hò lơ…”. Đám trẻ con chạy rầm rập theo sau đồng thanh:

Điạ chủ ta đánh đổ rồi… Đánh cho dập mặt, hò lơ…

Ba đời chúng bay… Hò lơ!

Đất cầy là của nông dân… Diệt hào diệt bá… hò lơ!

Một lần này thôi!

Không khí cứ như ngày hội, tiếng cười nói vui nhộn hơn cả ngày Tết.

Ðoàn người vừa đi vừa hò hét, lên đến bờ kênh thì bỗng nghe một tiếng nổ lớn. Ai nấy nhớn nhác nhìn lên trời, có kẻ nhanh chân lủi ngay vào bờ vào bụi. Nhưng ngửng lên, tuyệt nhiên không có bóng dáng máy bay Pháp đến dội bom. Hiện nay, chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã vào giai đoạn cuối. Phóng thanh ngày nào cũng báo tin chiến thắng, bộ đội ta chỉ còn chiếm căn cứ cuối cùng là xong. Và có ném bom, thằng Pháp chắc sẽ ném ở Ðiện Biên để cứu thằng Ðờ-cát-ti, có hóa dại nó mới bỏ xuống mảnh đất chỉ toàn những sỏi với đá này. Nghe ngóng không thấy gì khác, Tị bò khỏi bụi cây, đứng lên giương cao ngọn cờ sao vàng trên nền đỏ, hô:

– Nào… tiến lên. Hò lơ… ta là giai cấp bần nông.

Tất cả lại nhao nhao.

Ba đời lao động, tay không có gì… hò là hò lơ.

Họ cứ thế đi. Mùi khăm khẳm tanh tanh đuổi theo đoàn người cứ cắm cúi bước. Ðến đầu kênh, Tị giơ tay:

– Ta sửa soạn đội hình, chào mừng anh Ðội Trưởng sắp về.

Lát sau, một bóng người từ xa hiện ra. Ðoàn thiếu nhi gõ trống um lên. Bác Canh trưởng thôn lẩm bẩm ôn lại bài diễn văn hoan hô Ðợt Cải Cách “quê ta”, thỉnh thoảng lại chau mày vì không nhớ được những từ ngữ của nền văn hoá công nông còn mới toanh. Bác hỏi thì Ðơm gắt, bảo nhớ gì nói nấy, cứ có nhiệt tình Cách Mạng là đủ.

Khải Hoàn mặc áo đại cán, đội mũ chào mào, tay xách cặp, mắt đeo một cặp kính dâm to bản, lững thững bước, cười nửa miệng.

– Hò nào… Ðơm thét lanh lảnh

Thôn Bùi Chu, bần cố nông

Chào mừng anh Ðội, bõ công anh về

Hò lơ…

Ðợt này, hạ một lời thề…

Ðánh tan địa chủ… hò lơ

chẳng nề …hò lơ… là quyết tâm!

Nghe hò, Khải Hoàn tươi tắn cười, nhưng thốt nhiên lặng đi. Chẳng nề quyết tâm là sao? Cái câu này thì không phải là của Ðội phó Tị. Hắn chẳng đủ trình độ. Nhưng thôi, cứ để đấy. Bác Canh trưởng thôn bị Tị đẩy ra. Lóng ngóng, không hiểu thế nào bác chắp tay vái Khải Hoàn, rồi lấy giọng đĩnh đạc:

– Kính thưa anh Ðội Trưởng, đồng bào thôn Bùi Chu chúng em mong mỏi đã lâu, nay mới được diện kiến long nhan anh Ðội, lòng vui tình yêu giai cấp, vì là bần cố đã khổ cao độ, được anh Ðội dẫn dắt kiên quyết đánh đổ địa chủ cường hào ác bá bóc lột, nên sớm muộn sẽ phiến diện đến miền cực lạc. Hoan hô anh Ðội!

Cả đoàn người vỗ tay hoan hô rào rào. Khải Hoàn nghe Canh nói như đọc bài, cố giấu vẻ bực bội, mở cặp rút ra một bài diễn văn. Khẽ nghiêng người, anh ta từ tốn đọc. Ðến đoạn cuối, cả đoàn người vẫn cứ đứng đực ra nhìn. Khải Hoàn cười. Tị phải nhắc, hoan hô. Thế là mọi người lại vỗ tay rào rào. Trẻ con gióng trống. Và đoàn người lại men lối cũ về thôn. Khi đi qua cái hố bom đào đầy máu me, ai nấy bịt mũi trừ Khải Hoàn. Anh Ðội Trưởng đi đầu vẫn thản nhiên như không, mặt nghếch lên, chân dậm mạnh kiểu bộ đội đi diễu hành.

*

Ngần ngừ ở ngã ba, Khải Hoàn thình lình mắm môi văng tục rồi đi thẳng về phía nhà bà đồ Cửu thấp thoáng sau rặng cây xanh. Con Mực xô ra sủa inh ỏi. Có tiếng suỵt, rồi tiếng chân hấp tấp chạy. Nghe máu rần rần bốc lên nóng mặt, Khải Hoàn đưa tay sửa cặp kính dâm, nuốt nước bọt. Xoan mở cổng, ngập ngừng:

– Mời anh Ðội vào chơi!

Khải Hoàn ngập ngừng hỏi:

– Không nhận ra tôi à? Tẹo đây…

Xoan lúng túng:

– Nhận ra… nhưng không dám nói. Mời anh vào xơi nước!

Bước theo Xoan, Khải Hoàn nhìn quanh. Xoan mở nắp ấm, tay nắm quai bình trà, vừa rót vừa nói:

– Mẹ tôi dạo này yếu lắm, chắc không ra chào anh… Ðội được!

– Tôi đến thăm nhà đây vì cái việc qui thành phần.

– …

– Nhà đây, tôi nói thẳng, dân thôn có người qui là địa chủ!

Xoan điếng người. Nàng thừa biết tai họa có thể ụp xuống bất cứ lúc nào. Ðã qua đợt Giảm Tô, Xoan hiểu những nhục nhằn của kẻ bị hàng xóm bu vào rỉa như một bày quạ đói. Một người nắm cái quyền tối thượng bây giờ lại là Tẹo, kẻ đã si mê nàng, ngày xưa đòi lấy nàng nhưng bị ông bà Ðồ từ chối. Giờ đây, Tẹo thành đồng chí Khải Hoàn, quần áo đại cán, túi dắt bút máy Trung Quốc hiệu Kim Tinh, ve áo cài huy hiệu đỏ chót hình Mao chủ tịch phương phi đường bệ.

Tiếng dép lẹt quẹt. Bà Ðồ chống gậy từng bước lần ra. Nay mắt đã lòa, nhưng trời lại đền bù bằng đôi tai bà vẫn còn bén nhạy tinh tường. Khải Hoàn không nói, đợi bà Ðồ chào. Bà ngồi xuống phản, tay quơ tìm cái ống nhổ, chậm rãi:

– Anh Ðội đến có việc gì?

Hoàn đáp và khi vừa hết lời thì bà Đồ thủng thỉnh:

– Tôi bây giờ gần đất xa trời, nói gì thì cũng chỉ biết mong rằng khôn không qua lẽ, khỏe chẳng qua lời. Anh Ðội xem, hai mẫu ruộng hương hỏa để lại cho ông cố chúng tôi là Nguyễn Trường Tộ từ thời Tự Ðức xưa nay chỉ đủ bù vào tế lễ trong thôn, đâu dư dật gì.Từ ngày cháu Xoan ăn nên làm ra, chúng tôi cho cấy rẽ nhưng lấy tô là lấy cho có lệ, chẳng bóc lột một ai. Ðợt Giảm Tô, chúng tôi cống hiến ruộng ngay, nhưng sau Ủy Ban lại trả lại, chúng tôi lại phải nhận.

Hoàn ngắt:

– Ðội biết. Có hồ sơ đầy đủ cả! Nhưng đợt trước làm sai chủ trương, chúng tôi về thôn để sửa cho đúng…

– Nếu anh Ðội muốn, chúng tôi lại xin hiến đất!

– Có đất thì mới hiến. Xin hiến đất, tức biết mình là thành phần địa chủ.

Bà Ðồ nhếch mép cười nhạt. Khải Hoàn quay sang nhìn Xoan, tiếp:

– Ruộng lại được Vua ban, tức là phong kiến. Thêm một tội!

– Chuyện Vua ban ruộng tính đến nay là hai đời rồi – bà Ðồ sẵng giọng.

Ho lên một tiếng, Khải Hoàn chậm rãi nói từng chữ:

– Phải ba đời! Ðến bần cố, cũng cứ ba đời mới được coi là thành phần cơ bản. Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước. Thế là có vay, có trả…

Xoan ngắt Khải Hoàn, nhẹ nhàng:

– Anh Ðội dạy thế nào, là dân chúng tôi phải nghe. Những đợt trước, nhà này được xếp là trung nông, rồi tiểu thương. Ăn ở với hàng xóm láng giềng, chúng tôi không có gì gọi là điều tiếng. Ruộng thì dạo trước đem hiến, chứ có tham lam giữ làm của riêng đâu…

Bỗng nhiên, Khải Hoàn cau mặt xua tay vẻ như không muốn nghe. Trán nhăn thành những vết cày, mép giật như động kinh, Khải Hoàn gằn:

– Có thật không điều tiếng gì không? Hơn hai mươi năm trước, điều tiếng gì không còn nhớ nữa à? Con bé Bình Minh đâu rồi?

Trước mắt Xoan, Khải Hoàn hiện nguyên trạng một Tẹo-chột si tình ngày xưa. Nghe giọng Tẹo ấm ức, Xoan nhớ lại nỗi cay cực mình phải gồng người lên chịu khi bụng mang dạ chửa. Nàng ghìm nước mắt, cắn môi nhìn xuống. Tẹo bực bội lại lập lại câu hỏi. Xoan gắng bình tĩnh, đáp:

– Cháu nó đang phục vụ trên chiến trường Ðiện Biên!

Khải Hoàn buông thõng:

– Hừm! Thế là tốt. Nhưng cái chuyện qui địa chủ thì vẫn đấy, chạy trời không khỏi nắng…

Nói xong, Khải Hoàn giữ vẻ lạnh lùng, quay người đi không chào bà Ðồ. Xoan theo ra cổng. Khải Hoàn lúc đó quay lại, ỡm ờ:

– Kể thì muốn không bị đánh lên địa chủ cũng chẳng khó, nhưng… phải biết qui phục giai cấp nông dân!

– …

– …và phải thành khẩn quay về với Cách Mạng. Như Xoan, tôi biết là thành phần nông dân. Nhưng về ở nhà này thì là “liên quan” đấy! Khải Hoàn dịu giọng – Nói cho cùng, liên quan thì cũng năm bảy đường liên quan, nặng nhẹ khác nhau, cứ thành khẩn là được…

– Dạ… cứ thành khẩn!

Giọng Khải Hoàn chợt vui hẳn lên:

– Ðúng thế! Và phải quyết tâm …Thình lình, Khải Hoàn đổi giọng, ngọt ngào – có bao giờ Xoan đoán được hôm nay Tẹo này là Khải Hoàn không? Vật đổi, nhưng sao không dời. Xưa tôi với Xoan thế nào, nay tôi với Xoan vẫn vậy, trước sau như một!

Khải Hoàn dứt lời, Xoan biết sớm muộn nàng sẽ phải đương đầu với những oái oăm tai họa. Chao ôi, đó là thứ tai họa của đàn bà trước những người đàn ông quen đồng hóa tình yêu vào chiếm đoạt.

*

Ðợt Cải Cách này không phải không có khó khăn. Trước tiên, nhà Thạch, anh họ của Thung, đợt “thổ cải” trước chỉ xếp vào trung nông, với số không đủ hai trăm bốn mươi công trên năm mẫu ruộng nhưng chỉ có hai mẫu ba sào là cày cấy được. Thạch có hai đứa con trai thì một đã hy sinh cho Cách Mạng ở mặt trận Nà Sản, một đang chiến đấu ở Ðiện Biên Phủ. Thứ đến là nhà bà Ðồ Cửu. Thuở sinh tiền, ông Ðồ vừa dạy học, vừa bốc thuốc nam chẳng phải chỉ thôn Bùi Chu mà còn cho cả xã. Ăn ở thuận hòa với cả người lương lẫn người giáo, ông Ðồ được tiếng tử tế, trừ có một dạo người ta bêu Xoan là có chửa với bố chồng. Vả lại, bà Ðồ cũng đã hiến ruộng, buộc vào thành phần địa chủ không phải dân người ta ai cũng thuận. Về phần bá Chước, nay góa bụa, con cái ở vùng tề, ngày xưa cha làm Chánh Tổng, ân oán không phải ít.

Phân tích lực lượng rễ chuỗi cũng phát hìện những yếu điểm. Bác Canh trưởng thôn là rễ cái, nhưng học tập mãi bác vẫn chưa thấm nhuần, lại có cái tật sính nói chữ mà không hiểu gì. Ðơm thì rốt ráo, dẫn bọn dân quân đi rình, chưa bắt đầu tố nhưng đã để ý ghi lại ‘‘quả thực” của ba đối tượng đấu tranh giai cấp trong thôn. Ðơm liên hệ ra mặt với Ðội phó Tị, một hôm đã cào rách mặt cái Lựu vì nghi nó có tình ý với Tị. Vợ chồng Thung cũng có vấn đề. Vợ quyết tâm, nhưng anh chồng ề à ba phải, chưa vào thực tế thì chẳng biết được.

Khải Hoàn duyệt lại cơ sở với Tị, quyết định đặc biệt bồi dưỡng cho đội đấu tố, chủ lực gồm từ bốn đến tám người, phổ biến cho cốt cán phương thức ba bước tiến hành:

1 – Lấy khổ gợi khổ, khổ từ riêng đến chung, từ việc ít biết đến việc ai cũng biết;

2- Ðưa từ khổ đến căm thù, cứ mỗi tội ác của địa chủ, tố đi tố lại, càng tố càng đào sâu, đi từ căm thù một địa chủ đến căm thù cả giai cấp của nó;

3- Kết hợp tố riêng đến tố tập thể, dùng bần cố “gây men”, sau mới để trung nông tố, cùng phát động một hướng đấu để mọi người qui về, truy bức đến tận cùng xong mới đổi qua hướng khác.

Sau khi đả thông về phương thức, là phân công. Người chửi, kẻ khóc, người dọa đánh, kẻ nhổ nước bọt hay đập váy vào mặt địa chủ. Khải Hoàn gằn giọng, tay giơ nắm đấm:

– Giai cấp bần nông một còn một mất với giai cấp địa chủ. Cuộc đấu giữa ta và địch là thế, và ta phải chiến thắng. Bần cố đấu đến gốc rễ, tố nhiều, tố mạnh, tố sâu sắc và chặt đứt “ liên quan”. Bây giờ, chỉ có tình yêu giai cấp trong tranh đấu. Không bè bạn, làng xóm, ơn huệ, tình nghĩa nữa. Bây giờ, chỉ có bần cố phóng tay khai sinh một đời mới, có làm có ăn, người không bóc lột người. Bây giờ, không trước sau, trên dưới, không ruột thịt gì nữa… Nếu cứ mãi nô lệ vào quá khứ như thế, là đầu hàng giai cấp, là phản Cách Mạng… Và tập thể quần chúng sẽ “đánh lên” thành phần, quá mức trung nông thì không cho họp, không cho học tập, và bị đình chỉ sinh hoạt.

Lập hồ sơ tố giác, bản gốc có “chữ ký” của bần cố, thường chỉ gạch chữ X. Anh Ðội cũng ký vào, chứng nhận những tố giác có cơ sở và hỗ trợ của quần chúng nhân dân. Nhất anh Đội, nhì mới đến Trời, anh có thể tùy ý ban phát thưởng phạt, hướng dẫn giai cấp, đi tiên phong trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa bần cố và giai cấp địa chủ, cường hào ác bá. Cả thôn như đang lên đồng, tối nào cũng học tập đấu tố. Khi đấu, hỏi “Có đúng không?” Tập thể đồng thanh “Đúng rồi!”. Ðúng rồi! Bần cố phát hiện. Anh Ðội mang lên Ðoàn xin chính quyền xác nhận, tất đúng! Không có tội, không liên quan… do anh Ðội định đoạt. Bây giờ, nhì mới đến Trời, số mệnh nằm trong tay Ðội. Ở thôn Bùi Chu, nhất đội là đồng chí Khải Hoàn đeo kính đen. Ông Thiên La, đội phó Tị. Và bà La Sát, tên Ðơm, dạo này béo ra, vú đã xệ xuống, mặt vênh lên khi phổ biến đường lối đấu tranh. Cái Lựu bây giờ sợ, tiếp tục liếc tình nhưng đổi đối tượng là Ðội trưởng Khải Hoàn. Anh ấy chột, nó nói, nhưng “lập trường” vững nên em có “thái độ tích cực giai cấp”! Bọn trẻ trong đội dân quân lại hò lên “… Đúng rồi!”.

Tối họp cụng đầu tố khổ bá Chước, Lựu được phân công nhiệm vụ là đánh vào khâu đạo đức. Vợ Thung gợi ý:

– Mày thỉnh thoảng đến dọn dẹp nhà lão Chước, nó có làm gì mày không?

– Làm gì là làm thế nào?

Lựu hỏi lại. Ðội đấu tố cười ồ cả lên. Vợ Thung chu mỏ:

– Làm gì… thì chẳng hạn nó có… hiếp mày không?

– Có chứ!

– Mấy lần?

– Nhiều lần, vừa hiếp vừa mắng…

Ðội đấu tố ồn lên:

– Mắng thế nào?

– Mày là gái lớn tồng ngồng rồi mà đểnh đoảng!

Vợ Thung gặng:

– Mày đểnh đoảng thế nào?

– Nó kêu cháu lau cái của quí nhất của nó mà mãi không sạch…

– Cái gì là của quí của nó, nói cho rõ?

– Cái lư đồng mắt cua ấy mà.

Mọi người lại ôm bụng cười bò ra, mặc cái Lựu mặt cứ đuồn đuỗn, chẳng hiểu gì nhưng cũng gượng gạo hi hí cười theo.

Khải Hoàn giơ tay, ngưng mọi người lại, chuyển mục tiêu tố sang khâu thi công. Ðến khuya, khi tan họp, Khải Hoàn bảo cái Lựu ở lại học tập thêm. Lúc tiếng chó sủa đã bặt đi, Khải Hoàn kéo Lựu ngồi xuống cạnh mình, nhẹ nhàng:

– Này, thế ra em chẳng biết hiếp là gì à?

Cái Lựu nghe tiếng gọi em ngọt xớt, chớp mắt nhìn lắc đầu.

– Bây giờ, phải học tập thực tế nhé! Thò tay lần qua giải yếm Lựu, Khải Hoàn vừa mân mê, vừa hỏi – Thế lão Chước nó có làm thế này không?

Lựu lắc, đầu vú cong cứng, giẫy lên:

– Làm gì mà nhột em thế…

Nghe tiếng Lựu cười, Khải Hoàn bảo, để yên, rồi thò tay giựt giải rút quần, đưa xuống lách vào giữa hai bắp đùi Lựu. Lựu rên, người nhũn ra, hốt hoảng hỏi:

– Anh làm gì thế anh Ðội?

Khải Hoàn không đáp, rút tay ra, tủm tỉm “chưa chi đã ướt nhem nhép thế này…”. Bất thình lình, hắn lồng lên người Lựu như nhẩy lên mình trâu, con mắt sáng bốc ánh ma trơi trên cánh đồng nhấp nhổm những nấm mồ u lên như nấm mọc mùa mưa. Con mắt chột căng ra trắng nhợt, Khải Hoàn một tay kéo cho Lựu dạng hẳn chân ra, tay kia tụt quần. Miệng hừ hự “yên nào, yên nào…”, Khải Hoàn nghiến răng thúc hạ bộ vào.

– Ối giời ơi! Anh Ðội ơi, đau quá!

Như không nghe thấy, Khải Hoàn dập dềnh lên xuống, mặc cho Lựu khóc nấc lên. Khải Hoàn vừa thúc vừa lặp đi lặp lại, thế này là hiếp đấy, hiểu chưa?

Lát sau, Khải Hoàn đổ gập người xuống như một phiến gạch nện xuống sân. Lựu lách mình, tay đẩy, mũi hít hơi, miệng vẫn kêu, anh Ðội ơi, đau quá. Khải Hoàn lồm cồm ngồi dậy:

– Ðấy, hiếp là vậy. Ðịa chủ nó hiếp, còn đau gấp mười!

Lựu bỗng rú lên, cái gì ướt nhèm nhẹp ở chỗ này. Khải Hoàn bật đèn pin, soi vào tay Lựu đỏ lòm. Thản nhiên, Khải Hoàn bảo:

– Máu! Ðịa chủ nó hiếp là đổ máu đến năm, bảy lần hơn vậy!

Giơ tay kéo Lựu đứng dậy, Khải Hoàn dìu đi, tiếp:

– Máu đổ ra nên phải căm thù thằng địa chủ, nhất định thế!

Vịn tay Khải Hoàn, Lựu bước khập khễnh, miệng thốt:

– Nhất định thế!

Hai người men chân ruộng đi vòng nghĩa địa thôn Bùi Chu. Ma trơi từ đất bốc lên mặt ruộng những quả cầu đỏ, có cái to bằng cái thúng, chập chà chập chờn, lừ lừ lượn là trên mặt đất. Khải Hoàn kéo Lựu nhanh chân, buột miệng lẩm bẩm:

– Không siêu thoát, đám ma trơi này chỉ có thể là hồn oan của giai cấp nông dân bị thằng địa chủ ức hiếp … Ðấy, có thực tế rồi thì cứ thế mà tố bá Chước, biến đau thương thành căm thù!

Hạ bộ Lựu đau nhói lên. Gió thốc vào khoảng đồng trống khiến ma trơi đồng loạt bay lên chập chờ. Lựu sợ, nhưng nghiến răng:

– Ðúng rồi! Máu đã đổ thì địa chủ phải đền nợ máu!

Khải Hoàn véo vào mông Lựu, giọng phấn khích:

– Không cho chúng nó thoát!

*

Dân quân đến điệu bá Chước, nhà Thạch và bà đồ Cửu đi “phân hóa”, mỗi người nhốt trong một cái buồng con ở ngôi chùa nay thành trụ sở hành chính của Ðội Cải Cách. Ngay sau đó, đội sửa soạn xông vào nhà, kiểm kê rồi lấy vôi đánh dấu “quả thực”, ghi sổ toàn bộ tài sản địa chủ, từ cái bát cái chén cho đến bàn ghế, giường phản. Ở bước thứ nhì cuộc Cải Cách, không khí đấu tranh sôi động lên. Sáng, trống ngũ liên đánh thì thùng. Chiều chiều, tiếng loa làm bằng những quả bầu trắng phơi khô ra rả nhắc đi nhắc lại nhiệm vụ đấu tranh giai cấp của nông dân. Cơm nước qua loa, bắt đầu lại họp. Bần cố phải “thái độ” Cách Mạng. Không “tố” mạnh, tất bị tập thể đồng tình coi là “liên quan” thành phần. Trong buổi cụng đầu tố khổ, một người ê a phát biểu rằng nhất định không nên “tố điêu”, hàng xóm láng giềng rồi ra cũng phải nhìn mặt nhau. Thế nào là điêu, đội phó Tị quát? Cách Mạng “thái độ” liền, đánh kẻ ngoan cố kia lên trung nông, đuổi không cho tham dự học tập. Ðồng chí Ðơm, nay được phát một khẩu Mút-cơ-tông, giương súng như thể sắp bóp cò, nhưng bụng cứ tiếc rẻ vì Ðội chỉ phát súng mà không phát đạn. Khải Hoàn dõng dạc:

– Sửa soạn tiến hành triệt để cuộc Cải Cách sắp đến, giai cấp nông dân chúng ta kiên quyết hơn nữa, không để tình cảm gia đình, ân nghĩa riêng tư làm lung lạc tinh thần tiến công, nhất định tiêu diệt địa chủ, cường hào, ác bá, tàn dư phong kiến và bọn phản động Quốc Dân Ðảng… Nào, hò lên, không cho chúng nó thoát…

Mọi người hò:

Không cho chúng nó thoát!

Nông dân là quân chủ lực

Tre đực làm gậy tầm vông…

Tiến công!

Con người bạo gan không tham dự “tố điêu” len lén đi ra, đến ngưỡng cửa thì bị ai đó đạp cho một đạp, chửi:

– Tiên sư cha thằng “liên quan”!

Thằng “ liên quan” sợ, về đến nhà móc thòng lọng lên xà ngang treo cổ. Sáng hôm sau, vợ anh ta phát hiện, vừa khóc vừa tru tréo chửi cả làng. Tối đến, Khải Hoàn giơ nắm đấm, gằn giọng:

– Thế là giai cấp ta tổn thất một bần cố vì thiếu ý thức cách mạng. Bà con thấy địa chủ gian ác ly khai nhân dân chúng ta chưa?

Mọi người hò:

– Thấy!

Khi đó vợ thằng “liên quan” ở đâu xồ ra, tay chỉ miệng hét:

– Cha tiên nhân bọn đến phá làng phá xóm, chồng tao chết oan, kiện Diêm Vương, sẽ về móc họng chúng bay…

Tổ trưởng dân quân Ðớm đến cạnh rồi bất ngờ vả vào miệng chị ta, quát:

– Câm mồm con đĩ phản bội giai cấp, bà nhét cứt vào miệng giờ!

Thế là nhốn nháo, người can kẻ kéo, loạn đến độ Khải Hoàn ra dấu cho đánh kẻng tan họp.

*

Nghe tiếng kẻng, Xoan đứng dậy bước ra cổng, nhìn tứ phía xem động tịnh. Nàng biết một vài ngày nữa, khi đã tập xong đấu “thử”, cuộc đấu thật sẽ diễn ra trên bãi đấu nằm cạnh con kênh Sắt. Cánh đồng bên trái con kênh là nơi chia “quả thực”. Mấy hôm rày, đã nghe đến chuyện ăn cắp. Và những cuộc ẩu đả vì, chẳng hạn, người này nhận cái cối đá này là của mẹ tôi gán nợ, người kia lại bảo không, nó là cái cối bá Chước đã đi cướp về để bồi hoàn việc trâu nhà họ đã dẫm nát lúa trên khoảnh ruộng cao tám năm về trước. Tổ trật tự can thiệp và chỉ khi đội phó Tị quyết định cái cối đá là của cả giai cấp, tập thể sẽ chỉ định sở hữu sau thì “hòa bình” bề mặt mới được vãn hồi trên những đợt sóng ngầm đầy toan tính.

Xoan vào nhà, lẳng lặng nhìn những đồ vật quen thuộc nay được đánh số, buộc lạt, quàng dây như bị trói, xếp lại để đội vận chuyển nay mai khuân lên bãi chia. Riêng cái tủ sách của ông Ðồ, sách nay quăng xuống đất, nhưng tủ thì đội sục sạo đã bưng ra gian ngoài. Lạ một điều, Xoan thấy mình vẫn dửng dưng. Nàng dửng dưng như người ngoại cuộc. Như kẻ bên lề. Và ngẫm lại, nàng tự hỏi đống đồ vật của cải do chính tay nàng tảo tần từ bốn năm nay có khác chi chính cái số phận nàng, một đời cũng bị chia thành mảnh. Mảnh cho cha mẹ chồng, mảnh cho đứa con gái không bố, và chút rạn vỡ còn lại cho chính nàng, sống kiếp góa phụ hai mươi năm qua tuy biết chồng mình nào đã chết. Bốn năm trước, Xoan đã ao ước, giá Võ chết và chết thật, không thể đội mồ sống lại với cái tên Phan Thượng Chính. Ðó là một hôm mưa phùn rỉ rả. Về từ Thanh Hóa sau một chuyến giao hàng chục chum tương cho người bán lẻ, Xoan hí hửng bước vào nhà, ngạc nhiên thấy một thiếu phụ lạ mặt với hai đứa bé nhìn giống hệt nhau. Bà Ðồ, mỗi tay nắm một đứa, miệng nhếch như cười. Bà kêu:

– Chị Cả đã về…

Người thiếu phụ đứng bật dậy, quì phục xuống chân Xoan, miệng thốt:

– Lạy chị, em mang hai đứa con anh ấy về chào bà!

Xoan sững sờ, người lạnh đi, mắt hoa lên. Nàng vịn tay vào cột nhà, nghiến răng, môi mím chặt, thứ phản ứng đã thành nếp từ bao nhiêu năm nay. Nghiêng người sang một bên tránh cái lạy của thiếu phụ, nàng đi thẳng vào nhà trong, không chào hỏi, không nhìn ai. Vơ vội giỏ quần áo, nàng lẳng lặng bước ra cửa, mặc con chó quấn quít chạy theo đến cổng. Nàng đi. Ði vật vờ lên huyện. Rồi bắt chuyến xe lửa ra Vinh. Nàng xuống ga, lại đi. Vô hồn. Ði hết một ngày. Hai ngày. Ðầu óc nàng rỗng tuếch. Nhưng nỗi đau ngấu nghiến, cào xé. Nỗi đau của kẻ bị phản bội. Nàng hỏi đi hỏi lại, hy sinh hết thanh xuân cho một người chồng đi làm Cách Mạng, nuôi con, nuôi em chồng, phụng dưỡng cha mẹ chồng, để ra nông nỗi thế ư? Thế là hết! Nàng nghĩ đến cái chết khi đi đò qua sông. Nhưng còn Bình Minh. Nó tội tình gì? Xoan cắn môi đến bật máu.

Khi Xoan về, bà Ðồ Cửu chỉ còn biết khóc. Giọng nghẹn ngào, bà thì thào:

– … cũng là dòng máu anh ấy. Chị cho mẹ xin. Đây – Bà chìa tay – Cô Huyền để lại một bức thư!

Xoan cười nhạt, thẳng tay xé bức thư không thèm đọc. Nàng vẫn im lặng. Ngay với Bình Minh, đứa con gái ngơ ngác trước một sự đã rồi như lời bà Ðồ, Xoan cũng không hé môi. Và từ đó trở đi, nàng thành một chiếc bóng. Một thời gian sau, Bình Minh không chịu nổi nữa. Nó lao vào đội đấu tranh giảm tô – giảm tức. Sau đó, nó bỏ nhà đi học một lớp cứu thương rồi vào chiến trường. Bà Ðồ, cũng thành một chiếc bóng, nhưng là một chiếc bóng biết khóc. Sự trừng phạt bằng im lặng tiếp tục xói mòn cuộc sống không lời, lở loét như khối u, sưng phồng, nhức nhối, máu mủ rỉ ra chẳng cách gì cầm giữ được. Năm sau, Chính về Bùi Chu. Xoan trừng trừng nhìn, im lặng. Chính kể lại sự tình. Cuộc chiến ở Hải Phòng. Cái chết kề cạnh. Và xác thịt vùng lên như chống trả lại sự hủy diệt. Xoan vẫn trừng trừng nhìn, im lặng, lạnh buốt.

*

Nghe tiếng gọi cổng, Xoan tất tả từ bếp đi lên. Nhìn ra, anh Ðội Khải Hoàn đứng đấy, cặp kính dâm sùm sụp trên mắt. Khải Hoàn vào, tay chìa cho Xoan một cái phong bì, dáng nghiêm trọng. Xoan xởi lởi:

– Chuyện gì thế anh … Đội?

Không đáp, Khải Hoàn ra dấu nhắc Xoan đọc. Nàng mở phong bì, mắt chớp chớp, rồi thình lình ngật ra, ngã chúi xuống. Vội vàng Khải Hoàn đỡ Xoan lên, kéo cho ngồi trên chiếc trõng. Xoay lưng dựa vào vách, Xoan kêu nho nhỏ, Giê Su Ma chúa tôi ơi, thế này là thế nào. Xoan gục đầu vào hai bàn tay, mặt tái mét, nước mắt ròng ròng, cố kìm không khóc thành tiếng. Nhưng chính cái thanh âm ậm ực như bị chẹn họng nó mới thê lương làm sao. Khải Hoàn vẫn im lặng, mặt cúi xuống, để tay lên vai Xoan. Lát sau, Khải Hoàn ngập ngừng:

– Cháu hy sinh cho Tổ Quốc, đấy là một vinh dự…

Kìm tiếng nức nở, Xoan gằn giọng:

– Ừ thì vinh dự… Nhưng tôi nay còn gì, hả…

Không, nàng biết mình không còn gì, ngoài một sự căm hận tràn ra như lũ mùa lụt. Tất cả những cái nàng mất đều đến từ hai chữ độc lập. Mất hết thanh xuân để chồng đi Cách Mạng đòi độc lập, rồi vì Cách Mạng mất chồng vào tay đứa đàn bà mang về xã Đoài hai đứa bé lậy bà Đồ Cửu. Và nay, mất Bình Minh ở trận đánh cuối cùng tít tắp Điện Biên, cái lòng chảo đầy xương máu của đám tuổi còn xanh ngây thơ hả miệng gào quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Xoan hực lên. Nàng bỗng thèm đập phá cho tan nát hết, cả quá khứ lẫn tương lai. Cả cái giống người tàn ác chà đạp lên những cuộc sống đáng ra là phải công bằng. Cả thánh cả thần, cả Chúa cả Phật… Vì tại sao lại để bao nhiêu mất mát dồn lên thân phận một Xoan đã chẳng hề làm điều gì nên tội?

Khải Hoàn đứng lên, lúng túng xoa tay, chỉ dặn sẽ quay trở lại. Ngay hôm đó, làng nước đến chia buồn nhưng Xoan đóng cửa không tiếp bất cứ ai. Khải Hoàn ra lệnh cho đám dân quân nấu nướng đem cơm cho Xoan, vẻ lo lắng hiện ra mặt. Chống chế, Khải Hoàn bảo chính sách qui định phải chiếu cố đến gia đình những người hy sinh trong chiến đấu.

Vài ngày sau, khi Khải Hoàn đến, Xoan bảo cứ để thế, đừng báo hung tín cho bà Đồ hiện vẫn bị biệt giam trước ngày đấu tố. Ngần ngại, Khải Hoàn nhìn quanh, nói nhỏ:

– Việc con cháu nó hy sinh và chuyện phải đấu là hai chuyện tách bạch. Nếu Xoan không muốn mất của, thì phải vào đội đấu Ðồ Cửu… Phải khẳng định thôi liên quan, tách thành phần!

– …

– Với lại… Khải Hoàn đến gần, bất ngờ đặt tay lên vai Xoan, giọng nhỏ lại – … chẳng nhẽ không bao giờ Xoan nghĩ đến tôi sao?

Lùi lại, Xoan dựa vào cột. Một ngọn lửa bốc lên. Ðầu nàng bùng cháy. Như đống rơm bén vào, lửa bốc lên, nóng đến độ não bộ chảy ra. Khải Hoàn khẽ ép người vào Xoan, tay quơ lên, biến thành Tẹo, Tẹo-chột si tình, hơi thở nóng rát mang tai. Ngọn lửa bây giờ cháy bừng bừng một cơn thịnh nộ. Khải Hoàn thì thào:

– Bây giờ, Xoan phải thuộc về tôi… Thế là hết liên quan, nhà cửa này giữ được! Nhá…

Ngọn lửa bốc lên, quay một vòng rồi chụp xuống cái thân người mang khuôn mặt một Phan Thượng Chính đã phản bội hai mươi năm tình nghĩa. Xoan đẩy Khải Hoàn ra, mím môi:

– Cái điều tiếng xưa anh hỏi hôm nọ, có phải là chuyện đồn tôi chửa với cha chồng không? Chuyện đó không có, nhưng muốn, tôi sẽ “tố điêu”! Nhưng anh có biết ai là cha con bé Bình Minh không?

Khải Hoàn ngẩn người ra vì ngạc nhiên. Xoan nhắc lại. Khải Hoàn gật đầu. Lại mím môi, Xoan thì thào, nước mắt ứa ra. Khải Hoàn bất ngờ gỡ cặp kính dâm, tay chỉ vào con mắt chột kéo màng trắng, quát:

– Cái thằng chọc con mắt này chết rồi cơ mà?

Xoan lắc đầu. Con mắt sáng còn lại của Khải Hoàn lồi ra, đỏ au lên, trợn trừng trừng. Con mắt đó rừng rực lửa, đồng lõa với cái miệng trô ra rít lên:

– A… ra nó còn sống!

Không kìm được, Tẹo lẩm bẩm, nó phải đền tội. Nó ở đâu? Nó phải trả Tẹo này một con mắt.

Xoan lấy lại bình tĩnh, giọng đóng băng:

– Nếu nó sống, thì Xoan này không thuộc về ai khác cả!

Ðẩy Khải Hoàn ra cửa, Xoan đi vào. Con chó sau vườn tru lên sủa, mặc dầu bóng Khải Hoàn đã khuất trong đêm đen. Chó sủa ma như thế cho đến sáng. Tinh mơ, Xoan lên nhà Chung Xã Ðoài báo cho Văn, em Nguyễn Trường Võ, rằng bà Ðồ sẽ bị đấu. Và bảo Văn đi gọi Võ, nay mang tên Phan Thượng Chính, đang nằm bệnh ở Quân y viện Liên Khu 4 về cứu mẹ.

*

Quàng thòng lọng vào cổ bá Chước, dân quân giong lên bãi đấu như bắt một con nghé đi lạc. Xung quanh, trẻ con ném đá làm trò vui, hò hét ỏm tỏi. Có đứa quất roi tre vào khoảng không, tiếng vút gió nghe sởn gai ốc. Bần cố đã tụ họp, xếp vòng trong vòng ngoài, ngồi xệp dưới đất. Lão Manh đóng độc một cái khố lươn, mình trần, xương sườn giơ ra đếm được từng đốt. Hỏi, lão đáp:

– Bắn nó, là tao xô lại cướp cái quần địa chủ, mặc vào thì chẳng thằng nào con nào lột được! Cho hết cái cảnh người bóc lột người!

Nói xong, lão giương đôi mắt lèm nhèm, hò:

– Nông dân là quân chủ lực! Tre đực làm gậy tầm vông. Nào, bần cố tiên phong! Tiến công…

Bọn trẻ con hò theo, tiến công…

Anh Ðội Khải Hoàn, chánh án tòa án nhân dân Tị, Đội trưởng đội dân quân Ðơm, trưởng thôn Canh đều có mặt. Vẻ nghiêm nghị, nhà Thung được chỉ định làm chủ tịch. Tuyên bố khai mạc tòa án, Tị đọc cáo trạng trên cơ sở tố giác của quần chúng. Mặt bá Chước vô hồn, mắt thất thần, ngửng lên lẩm bẩm, trời cao đất dầy ơi! Ðơm quát:

– Im! Còn kêu Trời kêu Ðất thì bà vả cho gãy răng!

Báng súng Mút-cơ-tông giơ cao, Ðơm làm như sắp dận xuống khiến bá Chước co người lại, đầu rúc vào cổ, kêu ôi ối.

Bị đẩy cho quì xuống, bá Chước kêu:

– Anh Ðội ơi, anh cho tôi ngồi, quì thế này đau lắm!

Ðơm gầm ghè:

– Mày gọi ai là anh, hả thằng địa chủ. Mày là ai mà dám xưng tôi… Quì đau hả? Mày có biết giai cấp nông dân chúng tao quì ba đời đau thế nào không?

– Dạ dạ… ông Ðội cho con ngồi, con biết, bà dân quân thương cho…

Mặt bá Chước co rúm lại, búi tóc bạc lúc lắc rồi đổ tuột xuống vai, xõa ra như lông một con nhím trắng. Khải Hoàn đưa tay ra dấu. Cuộc đấu bắt đầu bằng một loạt kê khai của giai cấp bần cố đã từng bị bá Chước bóc lột. Vợ Thung tru tréo:

– Mày có nhớ không, bà cấy thì cấy như mọi người, nhưng khi tính công thì mày cứ trừ chỗ này, chỗ kia, có bao giờ trả đủ đâu…

Bá Chước ngước lên:

– Bà cấy không như mọi người, ra đồng lắm lúc không thấy, tìm thì bà đang dựa bờ bà ngủ.

– A, a thằng địa chủ ngoan cố. Vợ Thung chạy xô đến tát vào mặt bá Chước, chồng chạy kéo lại, cũng bị vợ tát, mồm chửi – Lại bênh nó hả…

Chánh án Tị để cái loa lên mồm, kêu:

– A-lô, a-lô. Ðồng bào có nghe tôi nói không! Trật tự, trật tự…

Lão Manh giơ tay phát biểu, giọng phẫn nộ:

– Ðịa chủ Chước cứng cổ, để tôi tiêu diệt ý chí nó. Lột quần nó ra, cho nó biết thế nào là giai cấp bần cố nhé!

Bọn trẻ con nghe, thích thú đánh trống ếch vang lừng. Lão Manh bước đến, đẩy cho bá Chước ngã ngửa, tay nắm hai ống quần, vừa kéo vừa thở hồng hộc. Tị lại quát, trật tự, trật tự, ra dấu cho dân quân cản Manh lại. Lão Chước mếu máo kéo quần lên. Ðúng lúc đó, Lựu nhảy tới, xỉa xói:

– Mày có nhận ra bà không, hả thằng địa chủ?

– Dạ, có… Bà là con Lựu tôi mang bà với mẹ bà về nuôi năm đói!

– Ðúng, cả nhà bà chết đói! Mày có biết vì sao không? Vì giai cấp địa chủ chúng mày làm mưa làm gió cho mất mùa nên mới đói…

– Thưa bà nông dân, mưa gió thì trời làm chứ con làm thế nào được!

Bần cố ồ lên:

– Lại ngoan cố…

Lựu hăng tiết, gào:

– Im miệng! Ðói nên mày mới mang bà về được nhà mày. Về nhà mày để mày hiếp bà!

Bá Chước giơ tay lên trời, phân bua:

– Lúc ấy bà mới bốn, năm tuổi, chỉ còn da bọc xương, phải đổ cháo cho tỉnh…

Lựu thình lình nhổ vào mặt bá Chước, hét:

– Mày còn chối à! Ôm mặt khóc rưng rức, Lựu kể lại cái cảnh Khải Hoàn nay thành nhân vật bá Chước vật Lựu xuống, và chồm lên thế nào, và… kể đến lúc Lựu thò tay xuống hạ bộ, tay nhơ nhớp máu, thì Lựu rít lên – Mày làm cho bà đau đớn thế, mày có biết vậy là hiếp không? Vậy là tội ác không?

Bần cố đồng loạt vỗ tay đứng lên:

– Ðúng thế là tội ác!

Bá Chước ôm mặt, rên rỉ:

– Dạ biết!

Trẻ con nhảy quẫng lên nhao nhao:

– Ðịa chủ nhận tội rồi!

Lão Manh lại hò:

– Lột quần nó ra!

Tị chõ miệng vào chiếc loa, kêu trật tự, trật tự. Sau khi mọi người đã ngồi xuống, chánh án tòa án nhân dân thôn Bùi Chu đọc bản tuyên án đã viết sẵn, kết tội tử hình địa chủ Chước. Dân quân lôi lão đến một cái cọc đóng trước cái lỗ đã đào sẵn, nông tèm, đủ rộng đủ dài cho cái thân lão ốm o gầy gò. Lão vẫn chưa hiểu, cứ tay vái Trời, rồi xin ông bà nông dân mở lượng hải hà. Ðơm đi đầu đội dân quân, phất tay cho đám trẻ con hát. Lại nông dân là quân chủ lực. Tiếng hát nay có cả tiếng trống ngũ liên thùng thình điểm vào, nghe như trống trận.

Bá Chước bị trói giật cánh khuỷu, người nhũn ra. Ðơm được phát một viên đạn. Tị lắp đạn vào cho Ðơm, nháy mắt. Ðơm quì gối theo tư thế bắn mới được học, nheo mắt nhắm lão Chước rồi bóp cò. Nông dân ồ lên. Nhưng viên đạn bay đâu không biết. Bá Chước ngửng lên sửng sốt, miệng nửa cười nửa mếu, ngu ngơ. Tị tái mặt nhìn Khải Hoàn. Anh đội trưởng rút khẩu súng lục ra tiến về phía bá Chước, kề súng vào thái dương.

Tiếng nổ ngắn, đục và chắc như tiếng chày nện vào cối đá.

Lão Manh ào đến lột quần Chước. Dân quân đạp cho xác bá Chước rơi xuống lỗ huyệt, trong khi bần cố đua nhau chạy lên bãi chia ‘‘quả thực”. Lão Manh vừa kéo cái quần mới cướp được, vừa ba chân bốn cẳng chạy theo. Lên đến mặt kênh Sắt bần cố ùa vào, xô đẩy và chí chóe, rồi ẩu đả.

Xác bá Chước cởi truồng nằm sấp, mặt úp xuống. Dân quân quên phủ đất vùi xác, nên chỉ lát sau một đàn chó hoang ở đâu đã sục đến.

Comments are closed.