CÁC «TAI NẠN VĂN CHƯƠNG» (16): «VỤ 79» (5)

THƯ ĐẦU NĂM VIẾT LÚC CUỐI NĂM

CHẾ LAN VIÊN

Văn Nghệ Tp.HCM., s. 155, ngày 9/01/1981

Văn Nghệ, Hà Nội, s. 2, ngày 10/01/1981

L.T.S. – Trong thời gian gần đây, trong văn học nghệ thuật có một số biểu hiện lệch lạc về mặt quan điểm, dẫn đến những suy nghĩ, những nhận định bối rối và dao động về những vấn đề có tính nguyên tắc trong đường lối văn nghệ của Đảng ta. Trên Tạp chí Cộng sản và báo Nhân dân mới đây đã đăng bài “Văn nghệ, vũ khí cách mạng” của đồng chí Trần Độ, phê phán các biểu hiện lệch lạc ấy. Để tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề trên, trong số báo nầy, chúng tôi đăng bài dưới đây của nhà thơ Chế Lan Viên.

TUẦN BÁO VĂN NGHỆ TP. HCM. (1)

Chị Kim Nga thân mến,

Tại chị đấy cả, chứ không phải tại tôi đâu nhá. Tại chị mà đáng lẽ viết cho chị một bức thư về “cây đời vĩnh viễn xanh tươi”, tôi lại phải bàn về “lý luận có thể xám màu”. Sắp vào xuân, chị gởi cho tôi bài “Về một đặc điểm…” của anh Hoàng Ngọc Hiến, và một bài khác chưa đăng, kiểu như một đề dẫn, đề cương, không ký tên, mà để cho dễ nhớ, tôi gọi là của anh X. Chị bảo là chị thích, rồi hỏi tôi có thích không, nếu không, trả lời vì sao cho chị rõ. Đáng lẽ rủ tôi đi xem hoa, hoa đầu năm, chị lại bắt tôi vào gai, vào các vấn đề gai góc cuối năm. Thế thì tôi phải xem đó là chuyện cần giải quyết cuối năm đi để vào năm mới ta còn bao việc khác. Xem ngày đề dưới bài anh Hiến, và bài anh X., thì không hai năm cũng mười tám tháng trời rồi. Đang sửa soạn trả lời cho chị, bỗng có anh bạn trẻ làm thơ đến chơi, một anh có tài và tôi cũng quý, anh ấy thấy các bài lý luận kia, liền bảo: “Ồ, mới lắm, phần triết học rất tuyệt. Anh ủng hộ mạnh vào cho bọn em nhờ. Kinh tế “bung” rồi, văn học cũng phải “bung” ra chứ!” Tôi hỏi: Chắc anh đọc kỹ rồi? − “Ấy, em bận quá, chỉ nghe anh em nói thôi, chưa đọc chữ nào”. − Thì ra người ta có thể là tín đồ một tôn giáo mà không cần biết tôn giáo ấy có kinh gì nữa. Chuyện vui thứ hai là tình cờ trong một hội nghị gần đây tôi gặp anh Hiến. Trước đó mấy ngày tôi có đọc Lê-nin, “Trong chính trị, quan trọng tuyệt nhiên không phải là xét xem “ai” là người đứng ra biện hộ trực tiếp cho những quan điểm nào đó. Điều quan trọng là xét xem những quan điểm ấy, những đề nghị ấy và những biện pháp ấy có lợi cho ai…”. Lê-nin dạy thế, nhưng đây không phải là trong chính trị như Lê-nin nói. Đây là trong văn nghệ, mà lại không phải với ai đâu, lại là với anh Hiến mà tôi rất quý. Tôi bảo anh: “Tiếc thật, lẽ ra tôi và anh cùng mặt trận chống giáo điều. Nhưng nay anh viết các “điều” này, thì tôi chống anh đã. Quyết liệt nữa. Sau đó rồi thì ta đi chơi với nhau một buổi”. Anh Hiến vui vẻ: “Anh thuyết phục được tôi thì tôi xin đãi anh một chầu”… Tôi dốt lý luận lắm, mấy mà thuyết phục được anh Hiến, anh X., chị, và anh bạn trẻ… Nhưng chị đã hỏi thì đâu dám chối từ.

Đầu tiên xin “báo cáo chị” là dầu sao cũng không phải chỉ có các anh ấy ở trong phái tìm tòi. Phải cho tôi ở trong phái ấy với chứ. Sau đây là “lý lịch” của tôi. Tuy câu thơ tôi hình thức cũng “mèng” thôi, nhưng tôi là người chủ trương phải tìm tòi về hình thức.

Hình thức cũng là vũ khí,

Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lý

Tôi cũng đòi tìm tòi về nội dung. Nội dung là do người làm ra chứ phải đâu do Thượng đế, cho một lần là cứ thế dùng mãi muôn đời.

Nội dung bể phải đâu muôn đời vẫn thế

Thay hình thức của thuyền đi, ta hiểu bể thêm mà

Quan điểm “sinh vật học” của tôi là có di truyền và biến dị, truyền thống là phải có cách tân.

Tạo ra một giống thơ như giống lợn nạc nhiều

Có đùi to, mông to, 16 cặp sườn, lắm vú

Hôn phối nhiều loại thơ để đẻ cho ra loại thơ ưu tú

Những F1 mượt lông nhiều sữa

Có nên chăng?

Giữa lúc khẳng định cái tốt, thì tôi cũng đọc tham luận, tại Quốc hội đòi được ủng hộ trong việc phê phán cái xấu… “Chúng tôi phê phán cái xấu, cái thoái hóa, cái tha hóa, thì mới non tay và sợ sệt làm sao! Cho đến nay chưa có đến hai cán bộ cấp huyện xấu được phê phán ra trò trong văn xuôi Việt Nam. Khi có người báo cáo với đồng chí Sta-lin về một tác phẩm mà đồng chí ưa thích, rằng tác phẩm ấy bị địch lợi dụng, đồng chí Sta-lin trả lời: Cố nhiên sách nói về cái xấu thì địch sẽ lợi dụng. Nhưng phê phán cái xấu thì nhân dân sẽ phấn khởi. Và nhân dân phấn khởi thì nhân dân sẽ đánh và thắng địch” (1974). Và tôi kêu gọi chuyên chính với cái xấu, không phải chỉ bằng Viện Kiểm sát, Tòa án, báo Nhân dân, mà còn bằng văn học nữa kia. Gì nữa nhỉ? À, “nội tâm”, “cá nhân”, “số phận con người”. Thế thì trong lời chào mừng Đại hội Đảng năm 76 tôi đã viết: “Khoa học ngày nay nghiên cứu vật chất ở quy mô cực lớn, từ các thiên thể cho đến vũ trụ xét trên tổng thể. Khoa học cũng lại đi sâu vào cấu trúc bên trong, cấu trúc vô cùng nhỏ nhặt của vật chất. Khoa học chú tâm đến chất sống tế bào. Ai làm cái việc buồn cười để rập khuôn khoa học vào văn học? Nhưng đại loại ta có thể hỏi văn học đã có những bức tranh tả cái cực lớn, cái tổng thể, cái toàn đồ của lịch sử, của tổ quốc chưa? Và bên cạnh đó, thì một tâm lý, một tế bào, một con người có được ta quan tâm khám phá?” Vấn đề vĩ mô vi mô trong văn học ấy mà.

Với lực lượng trẻ cũng vậy. Nếu như anh Hoài Thanh đã giới thiệu một bài dài về Lưu Quang Vũ, anh Phạm Hổ phát hiện ra Nguyễn Duy, anh Bảo Đinh Giang đề cao Thu Bồn, anh Xuân Diệu đem hết nhiệt tình để viết về Trần Đăng Khoa, anh Tế Hanh, anh Huy Cận đã trân trọng Xuân Quỳnh, Thanh Thảo, Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Ý Nhi, Hữu Thỉnh. Thì tôi nhớ ra, mình cũng ở trong số các anh làm công việc đó. Ôi, chỉ mới đây thôi sự đoàn kết giữa các thế hệ là rất đẹp, đẹp từ hai phía, kia mà.

Đấy, thế thì tại sao bây giờ lại có một khuynh hướng được mệnh danh là tìm tòi, đến từ một số anh em nhân danh của lực lượng trẻ, tôi lại không ủng hộ? Trả lời câu hỏi này, thú vị lắm, chị Kim Nga ạ. Chính cái thú vị đó làm cho tôi chịu bỏ công ra, chịu mất đi xem hoa, mà gỡ đám gai này… Sợ chị sốt ruột, tôi xin tóm lại vấn đề. Tôi không thích hai bài lý luận chị thích. Cả hai tuy có đôi điểm khác nhau, nhưng cái lõi đều là “tuyệt đối hóa văn nghệ, tuyệt đối hóa cá nhân” . Mà cái gì chứ tuyệt-đối, tuyệt-đối, là tôi ngại lắm. Bọn bành trướng Bắc Kinh đang định cho ta bài học thứ hai, thằng đế quốc Mỹ vẫn còn nguyên là kẻ thù thứ nhất, trong nước thì tiêu cực thứ nọ, khó khăn thứ kia, mà quên phắt cái “thứ” ấy đi, chỉ thuần túy bàn về văn học, nghệ thuật, dẫn chứng từ bầy đàn hồng hoang đến sơ sinh nhân loại… thì dù “luận” đúng, tôi cũng không thích được, huống “luận” sai lầm. Hơn nữa, tuyệt đối hóa văn nghệ thì phảng phất màu vị Căng-tơ (Kant), tuyệt đối hóa cá nhân thì màu sắc Sác-trơ (Sartre), Ga-rô-đi (Garaudy), Ca-muýt (Camus).

Chị ạ, tôi yêu văn nghệ, tôi yêu cá nhân, yêu lắm, nhưng phải đặt sự vật này trong tương quan cùng bao sự vật khác, và có đòi hỏi gì lúc này thì cũng tương đối thôi. Trước mắt còn bao nhiêu khó khăn, bảo vệ tổ quốc đang còn là vấn đề, lo cho dân no ấm đang còn là vấn đề. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Không phải chỉ vì các lý do trước mắt (mười năm, hai mươi năm cũng là trước mắt, chớp mắt) mà quên mất chuyện muôn đời. Nhưng là dù lấy muôn đời mà tính đi nữa, thì sự vật bao giờ cũng nằm trong thế tương, tương quan, tương đối, chứ không bao giờ nằm trong thế tuyệt, tuyệt đối hóa như theo anh X., tuyệt đường bay từ phạm trù này qua phạm trù kia như anh Hiến. Vũ trụ vốn nằm trong thế inter (tương) chứ không nằm trong thế super (tuyệt, siêu).

II

Anh Hiến cũng ca tụng “những tác phẩm mang một nội dung tinh thần tuyệt vời”, “đó là ý chí quật cường bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Anh X. cũng nói văn học chúng ta có thể “so với bất cứ văn học nào”“ta có quyền vui mừng với sự đánh giá rất cao của Đảng ta”. Các anh nói có vế này và vế khác. Nhưng cái vế to tròn, mập bự đâu phải vế trên này. Vì vừa khẳng định xong thì anh X. bảo là 10 năm lại đây văn học thế “nghịch” hơn là “thuận”, “trì trệ”, thụt lùi”, “khủng hoảng”, “có sách mà không có tác phẩm”, “ta đành lòng làm ra một thứ văn chương “phải đạo” nhuốm đầy màu sắc chủ quan”. Anh Hiến thì gọi đó là thứ chủ nghĩa hiện thực “phải đạo”, − và trên cả một giai đoạn kia, thậm chí đó là đặc điểm chính. Thôi, không cần vào chi tiết; nhưng có phải là Đảng đánh giá văn học là từ 1976, thế thì tại sao lại bảo những sách vở từ 1976, 75, 74, 73, 72, 70 là “phải đạo” cả? Chỉ riêng về thơ tôi nhớ rằng năm 1964 khi tôi đề tựa, đề cao lực lượng trẻ, thì anh em “Ga-nê-phô” hồi đấy đang ở trong tình thế mà anh Xuân Diệu gọi là hiện tượng một bài. Chỉ ở trong giai đoạn đánh Mỹ trở đi, mới có tài năng nở rộ, nghĩa là 10 năm lại đây thôi. Văn chương “phải đạo”, “nhàng nhàng”, “không dở không hay” thời nào không có? Nhưng đấy có phải là giòng chủ lưu, chủ đạo của một thời hay không? Nếu 35 năm, ta có được 35 truyện ngắn hay, chừng ấy tiểu luận, bút ký tuyệt vời, độ 70 bài thơ cho các đời sau nhớ, thế là ta không thẹn với thời nào, với nước nào tất cả. Ta có hay không có? Theo tôi ta có thừa là đằng khác. Và trong ấy có cả phần đóng góp của các anh. Thế thì cau mặt làm gì? Chị Kim Nga này, tôi sắp vào thế “kẹt” rồi đây. Tôi sắp bênh vực các thứ văn chương dở! Điều thứ nhất là “phải đạo” thì cũng chả hay ho gì, nhưng dù sao nó cũng không phản đạo, phá đạo, phi đạo. Mà thứ này, nếu ta không ai làm ra nữa, thì đế quốc Mỹ cũng để lại khá nhiều. Trong hai bài các anh chả đả động gì cái thứ mà ta gọi là văn hóa thực dân mới ấy cả. Mà vội tập trung vào cái hỏng của ta.

Điều thứ hai… À, tôi kể chị nghe câu chuyện. Cùng một họa sĩ có tài, rất có tài của Liên Xô, năm ấy tôi đi thăm khu mỏ. Trên tường của thị trấn có khá nhiều tranh vẽ xấu và nhàng nhàng, cổ động tòng quân. Tôi ngượng, khi anh họa sĩ Liên Xô dừng lại, nhìn chằm chặp. Hình như anh đoán được mặc cảm của tôi hay sao ấy, tối đến anh tâm sự. “Này, Beethoven, Chopin, Mozart thì vĩ đại thật, nhưng các người lính chúng tôi đi đánh Đức, không phải với nhạc của các thiên tài ấy. Có khi là với các bài hát dưới trung bình. Những bức tranh trên tường này, tôi rất thích. Một là nó có ích cho các anh. Biết đâu có người sẽ tòng quân, làm một hành động đẹp chỉ vì nhờ đã ngắm một bức tranh xoàng xĩnh ấy. Hai là vì rất có ích cho các họa sĩ chúng tôi. Đầu tiên là người thợ, người nông dân biết gì về tranh. Nhưng rồi nhờ các họa sĩ địa phương kia họ mới làm quen nghệ thuật. Rồi từ đó Cézanne, Matisse có gì thì người ta mới liếc mắt cho. Trong tình yêu cũng vậy phải không? Những lầm lỡ đưa ta đến tình yêu chân chính”… Tôi lại ngượng. Nhưng lần này thì vì lẽ khác. Chị đừng cho tôi là phải bênh vực cái xoàng trong nghệ thuật, làm tôi lại ngượng lần thứ ba.

Charles Lalo trong khi nghiên cứu về thiên tài nghệ thuật, có phát hiện ra một điều thú vị, nhưng khá “tréo giò”. Là các thiên tài thường là những người thừa hưởng các sáng tạo dở dang của kẻ đi trước, xoàng hơn. Thiên tài, theo Lalo, tổ chức lại, hoàn chỉnh thêm, chứ không phải chỉ là sáng tạo! “Chất xúc tác cần thiết cho những hỗn hợp của nền hóa học thực tiễn không phải là khổng lồ Flaubert mà là người lùn Champfleury…” Chúng ta đều biết Champfleury xoàng, chả ai nhớ tên, nhưng mở đầu khuynh hướng hiện thực, và Flaubert vĩ đại đã thừa hưởng sự sáng tạo của người xoàng này. Cũng trên tinh thần ấy, họa sĩ André Lhote tài năng viết: “Trọng thị các tác phẩm dở và các tuyệt tác đều bổ ích”. Bernard Shaw và Anouilh viết về Jeanne d’Arc kỳ diệu, là nhờ bao tác phẩm thành công và thất bại trước kia. Nhưng ở đây đâu phải chỉ có vấn đề nghề nghiệp! Mà còn là tấm lòng nữa chứ. Nếu anh Hiến, anh X., ư hừm, nói sao đây nhỉ…, ừ, xin lỗi, nếu hai anh mà “yêu” các tác phẩm “phải đạo” được thì nó cũng bớt xấu đi, rồi nó đẹp lên cũng nên. Ta yêu ai họ liền hóa đẹp thôi mà.

Không phải cái lý luận “Lỗ mũi em tám gánh lông, chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho” đâu. Mà là luận điểm của Stendhal đấy. Stendhal nói “Những người yêu say mê một bản nhạc dở có thể họ gần khiếu thẩm mỹ tốt hơn là những người uyên bác khác chỉ yêu tỉnh táo và cầm chừng bản nhạc hay nhất trong đời”. Soljenitsyne, văn tên phản bội ấy hay ho gì, nhưng Tây Phương yêu thì bảo đó là Tolstoi. Họ yêu họ mà mình ít yêu mình. Ta phải làm cho văn học ta hay hơn, nhưng ta cũng phải độ lượng, có tình hơn, thể tất cho ai chưa hay như ta muốn. Anh Tố Hữu nói “Đói lòng ăn một quả sim, không hoa hồng ta có hoa sim” là vì thế. Cũng nói “năm mươi năm hạt gạo cháy cũng quý, huống đây là cục cơm”. Vì năm mươi năm qua, đâu có phải chỉ những thiên tài làm văn nghệ, vì văn nghệ mà làm văn nghệ! Văn nghệ nhân dân, những ai làm ra, ta đã biết rồi! “Thơ phải làm bởi mọi người chứ không phải bởi một người” như Lautréamont nói. Thế thì đem cái luận điểm tuyệt-đối-hóa văn nghệ của các vĩ nhân, tài tử muôn đời kiểu Kant, Thánh Thán vào đây là không hợp chỗ. Các vị ấy bàn về văn chương là văn chương của những thiên tài, họ lấy Hi-mã-lạp-sơn để định nghĩa núi, lấy “Hoàng Hà tự trời rơi xuống” mà đo các sông; thiên tài, thì một thế kỷ mới có vài người, vài thế kỷ mới có một người; người trần mắt thịt như chúng ta dùng lý luận các cụ thì sang trọng nhưng khó lắm…

Ngay Kant cho rằng chỉ thiên tài trong lĩnh vực văn nghệ mới thực sự thiên tài, vì chỉ nghệ sĩ mới thực sự độc đáo, thực sự tự do, còn trong khoa học thì có vĩ đại cũng chỉ là tài thôi, người thường có thể phấn đấu thành nhà khoa học, chứ không thành nghệ sĩ được. “Nghệ thuật là hoạt động tự do của thiên tài khắc phục sự phân cách giữa tự do và tất yếu”, v.v.

Bằng một con mắt tuyệt đối, nhìn vào cái học “tương đối” của chúng ta, các anh thấy nó “nhàng nhàng” là phải. Nhưng gọi gì thì gọi, đừng mỉa mai nó là “phải đạo”. Anh Anh Đức trong một cuộc họp đã nói: “Những năm 60 rời miền Bắc xông vào chiến trường, có anh hy sinh, đổ máu, cũng chỉ cốt viết được vài bài văn như vậy. Sao bảo nó là giả, là “phải đạo” cho đành?” Thế giới ngày nay đâu chỉ có mình với mình thôi, ta với ta thôi. Nói đến cái “đạo” văn chương của chúng ta, chớ nên quên những kẻ đang tấn công vào “đạo” ấy. Cho đến chủ nghĩa hiện thực trần, chủ nghĩa “hiện thực không thôi”, Camus cũng chế diễu, căm thù, nữa là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Camus nói “đó là một thư viện màu hồng bị cắt rời khỏi thực tại, phức tạp và sống động”. “Rốt cuộc thứ nghệ thuật đó chỉ có tính chất xã hội chủ nghĩa trong trường hợp rõ rệt nó không hiện thực”. Và “Riêng những ai không miêu tả thực tại mới được mệnh danh là hiện thực và được ca ngợi”. Không trách anh Trần Độ phải nhắc đến Camus khi phê phán các anh. Chị Kim Nga đã đọc bài anh Trần Độ chưa? Đó là một bài rất quý, quý ở chỗ một phát trúng hai cái đích, những lệch lạc ở đây, và những thô bạo-giáo điều tràn lan chỗ khác. Chính các điều thô thiển ấy làm các anh “giận thớt vứt cá”, “đổ chậu nước bẩn, đổ luôn cả đứa con”, giận cái “phải đạo” mà dỗi luôn “hiện thực”, hoặc vì dỗi “hiện thực” mà chém ngay cái “đạo” của chính mình. Cố nhiên là còn có những nguyên nhân khác nữa. Ví như ngán cái cao cả, yêu cái cá nhân mà sinh ra thế. Đó là tâm trạng thường thấy trên thế giới sau chiến tranh. Nhưng thôi, khoan chụp mũ vội cho nhau.

III

Tìm nguyên nhân của thứ “văn chương phải đạo” này, anh Hiến cho là vì “trong đời sống thực tại cũng có tình trạng như vậy”. Giả. “Nói tóm lại, chúng ta viết văn như vậy, làm nghệ thuật như vậy và “thế thái” cũng phảng phất như vậy”. Anh X. thì đi xa hơn, anh cho vì lịch sử của nhân loại từ hồng hoang là lịch sử cá nhân “tự khẳng định mình”, lịch sử xã hội chủ nghĩa rốt cục cũng là giải phóng hoàn toàn, toàn diện cá nhân! Mà chưa làm được thế, nên nó phải “phải đạo”. Chuyện ấy còn xa, giờ hãy nói các nguyên nhân gần, mà hai anh phát hiện. Anh X. cho rằng văn chương ta “phải đạo” là vì đã “thô thiển”, “hiểu nhầm” chức năng văn học. “Đầu tiên là cái thô thiển “dung tục hóa” mối quan hệ giữa văn học và chính trị, tuyệt đối hóa sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học, mà quên rằng với tư cách là những hình thái ý thức xã hội, chính trị và văn học qua những khúc xạ gần nhau đều là hiện thực đấu tranh xã hội”.

Nghe mãi “văn nghệ phục vụ chính trị”, văn nghệ là “cái đinh”, là cái “bánh xe” trong bộ máy, nhà văn là “chiến sĩ”, v.v., giờ nghe thế này cũng khoái! Kinh điển cũng từng nói văn học nghệ thuật là tự trị, là độc lập, có những quy luật riêng trong những quy luật chung mà! Làm chiến sĩ thì cũng thích, nhưng làm tướng làm vua trong vương quốc tự trị mình thì lại thích hơn. Vậy thì văn nghệ chính trị “song song” nhé? Nhưng tôi bỗng giật mình. Đang “song song” tương đối với nhau như vậy, bỗng vụt một cái, văn nghệ tuyệt-đối-hóa mình, vút một cái bay lên mây, thế thì có ngang hàng bình đẳng nữa không? Anh X. lại nói thêm một thô thiển khác: “Trái với quan điểm đúng đắn của Đảng, quan niệm này đã dung-tục-hóa mối quan hệ giữa thực tại và văn học. Nó tuyệt-đối-hóa hiện thực và kết quả là buộc văn học phải khiếp nhược trước hiện thực, người nghệ sĩ phải khiếp nhược trước đời sống”. Chính chống quan điểm thô thiển ấy, cho nên hồi ấy (1966) tôi phải viết “Xây dựng một nền văn học cân đối và toàn diện”, bảo vệ hư cấu, bảo vệ tiểu thuyết, dẫn chứng lời Lê-nin nói,“Trong toán học rất cần tưởng tượng”, lời Sóng Hồng nhấn mạnh, “Trí tưởng tượng là kỳ diệu của thơ ca” . Tố Hữu rất có ý tứ đề trên một bài thơ lời của Lê-nin “Hãy mơ mộng” bên cạnh lời Goethe “Hãy hành động”. Nhưng xin hỏi các anh, hồi ấy Đảng thắng hay cái quan điểm thô thiển thắng? Mà các anh đay nghiến “nó hạ thấp văn học xuống thành một sự sao chép hiện thực, vì giá trị văn học cao nhất là làm sao cố chép đúng nguyên hiện thực, có thế thôi!” Các anh hiểu sai cái ý Đảng nói, hay ít ra là Ban Tuyên huấn nói lúc bấy giờ, “làm người thư ký của thời đại”. Của thời đại chứ phải của làng đâu mà bây giờ ta buồn! Rồi anh X. viết: “Quan niệm không mác-xít đó đã từng biểu hiện ở chỗ tuyệt-đối-hóa thể “người thật việc thật” trong văn học, muốn lấy làm dòng chủ đạo, thậm chí dòng duy nhất của văn học”.

Làm gì có cái việc chủ đạo, duy nhất đó. Chỉ có cái điều là hồi ấy rất đông anh chị em ta “ham” viết cái thể ấy. Thậm chí tôi nghĩ, “Không có thể loại này thì anh chị em biết làm gì. May quá”. Có người nghe xong một cuộc họp viết ngay một cuốn kia mà. Không có tài thì có tài liệu. Nhà xuất bản đang chờ. Tự anh em “ham” chớ ai bắt tay anh em ký vào các hợp đồng? Thế rồi bây giờ quay lại oán. Sao chúng ta không biết rằng đằng sau việc viết “người thực việc thực” – người thực việc thực Việt Nam, ở đây chứ không ở đâu, Bác lại dặn viết những điển hình muôn màu muôn vẻ, thực phong phú, cần những điển hình khác nhau, đằng sau những điều ấy là tinh thần đề cao dân tộc, là chống cái điển hình giả và bó vào một khuôn nghèo nàn, cứng nhắc của Lôi Phong Bắc Kinh. Buồn cười thực, cái việc chống mao-ít bây giờ được diễn dịch như là mao-ít!

Tuyệt đối hóa chính trị, tuyệt đối hóa hiện thực, dễ gây ra các điều giản đơn, thô bạo. Nhưng tuyệt đối hóa cái tai vạ do các điều giản đơn, thô bạo đó gây ra thì được cái gì? Chúng ta có lúc làm sai, cái nọ, cái kia, thì ta lập tức kịp thời uốn nắn. Làm gì có cái việc như anh X. đã viết, “những định kiến xã hội đơn giản, dung tục ấy đã xói mòn năng lực thẩm mỹ của người đọc, xói mòn ý chí sáng tạo, dũng khí của người cầm bút, tạo nên sự cản trở vừa ở ngoài họ, vừa ở quanh họ, vừa ở trong chính họ”. Thế thì họ biết làm gì và chạy đi đâu?

IV

Anh X. viết:

“Trước đây chúng ta cùng nhau xác định một số chức năng giáo dục, chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ. Bây giờ ta có thể tìm hiểu sâu thêm”.

Chị Kim Nga ạ, chị là người giỏi triết, thế “phản ánh” là chức năng hay nhiệm vụ nhỉ? Nếu vì các chức năng mà quên mất nhiệm vụ “phản ánh” thì cũng không ổn. Mình là nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa, phải phản ánh kia mà. Nhưng nếu bóp méo nhiệm vụ của các chức năng, thì cũng không xong.

Anh X.: “Điều mà nhà văn muốn phản ánh sinh động trong tác phẩm của mình, nói cho thực đúng ra, không phải là những “hiện tượng” của hiện thực, mà là những “quy luật” sâu xa của hiện thực”.

Nói thế thì bất lợi cho nghệ thuật chụp ảnh và tạo hình, vì chỉ cần quy luật thôi, chứ ảnh chứ hình gì nữa. Nhưng mà tôi quên, nói thế rất trúng ý các trường phái non-figuratif (không hình trừu tượng) của hội họa Tây Phương ngày nay mà Malraux ca ngợi hết lời. Theo họ, con chim lạc trên trống đồng, đừng có hình Chim, chỉ vẽ cái Bay thôi, thì mới là tuyệt đỉnh. Riêng tôi thì nó vừa phải là Bay vừa phải là Chim. Mà ai mới học vẽ thì cứ vẽ Chim đi đã. Bay sau, vội gì. Thôi, mỗi nghệ thuật có một đặc điểm riêng, ở văn học nói như anh X. đã nói kia thì cũng được. Miễn ta cố hiểu cái ý tốt đằng sau câu nói ấy, ví như anh đòi cho văn học phải có ý tứ sâu xa, v.v. Miễn ta kèm câu đó với một câu này của Lê-nin, một câu mà anh X. (là người hay đề cao nhận thức) phải nên đọc, mà anh Hiến và các ông thầy hiện tượng luận (hay khoe mình là người đã lôi triết học xuống hiện thực trực tiếp) nên đọc. Lê-nin viết: “Thực tiễn cao hơn nhận thức. Vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến mà còn của tính hiện thực trực tiếp”. Nói cho rõ ra, Lê-nin không đặt thực tiễn dưới nhận thức (cá nhân) như anh X., và cũng không đối lập hiện thực trực tiếp với phổ biến, cho là phổ biến đang lấn như anh Hiến.

Giá như anh X. dừng lại đó. Nhưng anh lại viết: “Song văn học phản ánh cái gì vậy trong đời sống mà đến nỗi sự có mặt của nó lại cần thiết bức thiết như thế đối với con người”. “Cái mà nó bắt chước (nếu có thể nói như thế) không phải chính đời sống ấy. Cái mà nó bắt chước là sự sáng tạo ra đời sống. Nó luôn luôn cố gắng tìm học lấy bằng những quy luật “kỳ diệu” nào mà đời sống đã được sáng tạo ra đẹp đẽ lạ lùng như vậy”.

Và anh quay lại nói với chúng ta: “Cái mà văn học cố gắng phản ánh chính là sự sáng tạo ra đời sống chứ không phải chính đời sống như ta đã hiểu nhầm. Học lấy những cách thức, những quy luật “huyền diệu” do dó mà đời sống được sáng tạo, nương theo những quy luật ấy, trong những tác phẩm của mình, nhà văn lại sáng tạo ra một thế giới khác tương đương với cái thế giới có thực bên ngoài”.

Viết như thế này thì không “phải đạo” nhưng lại “cụ đạo” đấy! Chả thấy đâu là quy luật giai cấp đấu tranh, quy luật xã hội, quy luật chiến tranh giải phóng đất nước, đánh Pháp đánh Mỹ đánh bành trướng Bắc Kinh. Mà chỉ thấy hét quy luật kỳ diệu, lại quy luật huyền diệu, rồi thì quy luật bí ẩn kia. Anh X. viết đâu phải chỉ một lần. Vế nọ, vế kia, nhưng vế này mới là vế mập bự: “Người nghệ sĩ luôn có khát vọng muốn nhận ra, chỉ ra, bằng những quy luật bí ẩn nào mà cuộc sống lại sáng tạo ra được những điều kỳ diệu đến thế”. Cuộc sống tạo ra được Hitler, Polpot, Đặng Tiểu Bình, kỳ diệu đấy chứ?

Tôi thường hay ngờ các anh ấy chịu ảnh hưởng Kant là chỉ vì thấy Kant hay dùng các cặp phạm trù. Kant đối chọi đẹp cao cả; anh Hiến cũng đối chọi cao cả cái đẹp bằng các phạm trù; Kant hay nói nhu cầu cái đẹp là bức thiết, tài năng là phải độc đáo; thì độc đáo, bức thiết là chữ anh X. hay dùng. Thấy thế thì tôi cũng có ý ngờ. Nhưng đến cái món kỳ diệu, bí ẩn, huyền diệu này thì tôi tin các anh lấy từ Kant thực.

Số là Kant có cái thuyết bí ẩn, huyền bí, và bí về finalité, về “mục đích”, thuyết ấy theo Kant không phải chỉ chi phối đời sống tinh thần, mà điều khiển cả sự hài hòa vũ trụ kia. Hài hòa giữa thiên nhiên và tinh thần, giữa tưởng tượng và nhận thức, giữa xúc động và ý chí… Và nghệ thuật theo Kant “là sự sáng tạo ra các sản phẩm… học theo thiên nhiên”, bắt chước cái hài hòa huyền bí ấy. Còn nếu như đây không phải là Kant, thì lại là Flux vital (nguồn sống), Force Montrien (động lực) là Khí hạo nhiên hay Thượng đế cũng nên.

Tôi nhớ một lần xem triển lãm ở một nước Tây phương, tranh vẽ hình vòng xoáy lốc, rối bời. Tôi hỏi: “Đây là cái gì? Cơn bão? Cơn bão trong lòng? Con rồng cuộc khúc? Guồng cơ khí thời nay?” Người giới thiệu bảo: “Đừng hỏi, có thể là tất cả cái đó. Nhưng chính sự sống kỳ diệu đã đẻ ra các cái đó. Anh gọi đây là núm ruột của sự sống cũng tốt”. Tôi đùa: Gọi nó là ổ giun huyền diệu hoặc nhà máy huyền vi nhé. “Hàm hồ” ấy mà, “đa nghĩa” ấy mà! Các chức năng anh X. đề cao là chức năng nhận thức, sáng tạo. Nào là “nghệ thuật chính là một hành động của con người tự nhận ra chính mình”. Nào là “chức năng tập trung nhất của văn học, tác dụng cuối cùng và độc đáo của nó là tấm gương sáng về sự sáng tạo”… “Phản ánh” không được nhắc đến nhiều, “giáo dục” cũng không. Nhưng vì ai mà chúng ta nhận thức? vì giáo dục cái gì mà sáng tạo? “Ta vì ai” phải lấy “ta vì ai” mà nhận thức mình. Chính cái đối tượng ta giáo dục, ta phản ánh vừa giúp ta nhận thức, vừa là mục đích nhận thức của ta.

Các anh dẫn lịch sử nhân loại, làm như các việc đầu tiên con người làm, là suy nghĩ, là tư tưởng, là“nhận thức mình”, “khẳng định mình”, và nghệ thuật giúp vào việc đó. Mác bảo khác. Mác bảo “việc đầu tiên không phải là tư tưởng mà là tạo ra các phương tiện để sống”. Cái bức thiết đầu tiên là tồn tại đã chứ phải đâu nghệ thuật. Mác cũng nhấn mạnh “Điều đầu tiên ta cần nhận xét là việc tổ chức vật chất của những cá nhân ấy tương quan với phần còn lại của thiên nhiên, mà việc tổ chức ấy đòi hỏi”. Xã hội đã, quần thể đã, chứ phải đâu cá nhân, chị Kim Nga, dù cá nhân ấy có “long lanh”, “độc đáo” đến mức nào.

Và làm sao mà cá nhân “tự”, tự nhận thức được? Chính nhờ “người khác” mà ta mới nhận thức ra ta. Nhà xã hội học thô thiển nào nói câu ấy? Chính Husserl, một tổ sư hiện tượng luận khi phê phán Descartes (Descartes của cái tôi suy tư, “Tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại”) đã nói: “Sự hiển nhiên của “cái anh” là có trước sự hiển nhiên của bản thân “cái tôi”. Có người bảo đâu phải chàng Thủy Tiên Narcisse ngắm mình trong giếng. Chính Narcisse ngắm kẻ khác đấy, rồi từ kẻ khác ấy, từ cái bóng trong giếng ấy khám phá ra nhận thức đấy là mình.

Chúng ta có đi xa quá không, chị Kim Nga? Đi xa thế thì vào gai ta vẫn ngỡ đi xem hoa chứ. Thực ra các điều ngỡ xa, ngỡ như của khoa học cơ bản này đều ứng dụng cả, ứng dụng đến khóc… Có người khóc khi đọc bài của các anh, bảo rằng đấy là các bài chọi lại nhiều nguyên lý cơ bản, và khóc vì mình già không ra bảo vệ được. Cảm ơn lòng tốt đó, nhưng đâu phải thế. Nghe nói lại có người khi đọc các bài ấy lại khóc, nhưng khóc thế này, “Chết rồi, lâu nay mình theo Đảng làm văn học sai rồi, mao-ít hay không thì khong biết, nhưng mình phí một đời văn rồi”. Đâu phải thế! Tôi nay vào tuổi “hạt lệ như sương”, nhưng cũng hay cười hay khóc vô duyên, nhưng không tán thành hai lối khóc đó, nhất là lối khóc thứ hai.

Không có gì để ta lo sợ là sẽ có một nền văn nghệ “phải đạo” ở đây. Không có gì ở đây để ta lo xa về “một thứ tập thể vô danh, nặng nề, đồng loạt” cả.

Nguyên nhân vì đâu có những lệch lạc trên?

Có thể có những thô thiển mà ta phạm phải. Anh Tố Hữu có nói: “Nếu trong cuộc sống có cái gì vi phạm sáng tạo, vi phạm cá nhân thì ta cùng sửa với nhau”. Có thể là không có gì sai cả, tất cả đều tốt lành, nhưng làm văn nghệ là ta vẫn cứ phải tìm tòi. Nhưng cũng có thể là sau một cuộc kháng chiến lâu dài, mệt mỏi, giờ người ta ngán các điều cao cả ! Sau những năm cá nhân quên mình đi trong tập thể, vì nghĩa lớn, giờ Narcisse ra khỏi chiến tranh, ra khỏi đơn vị, nhìn xuống giếng và thấy cái long lanh gương mặt của mình.

Cũng có thể là ta không có những vấn đề của các vĩ nhân, nhưng các vĩ nhân nói thì ta vay mượn vậy.

Kant rất là vĩ đại. Nhưng Engels cũng từng nói: “Trong khi biện chứng đã ở mức độ phát triển rồi mà còn học ở biện chứng của Kant là một công việc nặng nhọc, vô ích mà chẳng bõ công” . Lê-nin cũng phê bình Kant ở nhiều điểm khác. Tôi nói về Kant là cũng nói luôn về các tên tuổi lừng danh khác, chứ biết đâu các anh không đọc Kant cũng nên? Còn anh vĩ đại hơn Hugo? Còn gì vĩ đại hơn Himalaya? Nhưng có người phê bình là “Bête comme Hymalaya” – Khỉ như Hy-mã-lạp-sơn;“Victor Hugo là một người điên ngỡ mình là Victor Hugo”. Kant cũng nhiều lúc ngỡ mình là Kant vậy. Và anh em ta cũng có lúc ngỡ mình là … đúng như Kant vậy. Những năm gần đây, tiếp xúc với một số nhà văn vĩ đại Tây phương, có người là thần tượng của tôi xưa, tôi có cái buồn này. Là có những nhà văn lúc thiếu thời là siêu thực, là tượng trưng, lớn lên vào quãng 30, 40 tuổi, họ từ bỏ để đi theo nhân dân cách mạng, và có người theo Đảng… Bây giờ về già họ ngán các điều cao cả ấy. Và họ hồi ức các thuở xa xưa, của họ, tân trang nó lại, cách tân nó lên, nhưng vẫn là thứ đồ cũ ấy. Có lần anh Tố Hữu bảo: “Cơ khổ, cái cũ các anh phải tốn bao công sức mới rời bỏ được, bây giờ “chui” vào lại làm gì.

Tôi đã từng học Kant ngày nhỏ, và trước khi học Kant thì cũng nghe các lời huyền diệu, huyền vi, huyền bí nọ kia. Ở tựa Điêu tàn (1937) cũng như ở tuyên ngôn Trường thơ Loạn (1937), tôi đã viết: “Làm thơ là say, là điên, là làm sự phi thường. Nhà thơ là Yêu, là Ma, là Quỷ, là Tiên, là Tạo hóa…”.

Hú vía! Nhờ có Đảng mà chúng tôi, những Xuân Diệu ấy, Lưu Trọng Lư ấy, Huy Cận ấy, Tế Hanh ấy, sung sướng được từ là Tạo hóa giả trở lại làm người thực, làm công dân, làm chiến sĩ, làm cán bộ viết văn. Mặc cho các cụ già
Tây phương sắp về chầu Tạo hóa, ngỡ mình là Tạo hóa cấp II, các cụ mã hồi, hồi ức, hồi xuân, những cái đã vứt đi rồi, nên lại “chui” vào mũ áo cũ xưa để sánh vai cùng Thượng đế… Còn chúng tôi “chui” vào một lần ngày xưa thế đủ lắm rồi. Nhường các vị.

Chị Kim Nga ơi, thư chưa hết đâu. Chị sẽ đọc phần tái bút – tái bút ít ra cũng dài bằng bức thư này. Bởi vì tôi đã hứa với anh Hiến là trước khi tôi cùng anh ấy đi chơi hay anh ấy đãi tôi một chầu thì anh ấy sẽ chịu khó trả lời cho tôi độ 10 câu hỏi. Và với anh X. ta còn bàn cùng nhau cái vấn đề cá nhân tự thuở hồng hoang.

Cuối năm 80

C.L.V.

Nguồn :

Văn nghệ T.p.HCM., s. 155 (9.01.1981), tr. 2-3, 14-15.

Văn nghệ, Hà Nội, s. 2 (10.01.1981), tr. 2-3.

Chú thích

(1) Lời tòa soạn chỉ có ở bài đăng Văn nghệ Tp.HCM. ; văn bản bài đăng cả hai báo đều như nhau (có đôi chỗ dị biệt là do lỗi in) ; bài được chia thành 4 đoạn, nhưng số thứ tự chỉ được ghi cho các đoạn II, II, IV, không ghi cho đoạn I.

Comments are closed.