NHÌN LẠI NHỮNG TÁC PHẨM VIẾT VỀ
CHIẾN TRANH CHỐNG ĐẾ QUỐC TRONG 35 NĂM QUA
(trích)
PHAN CỰ ĐỆ
Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, s. 11/1980
Chiến tranh nhân dân chống bọn đế quốc xâm lược là một trong những đề tài lớn của nền văn học hiện thực XHCN Việt Nam.
[………]
Vì thế mà Báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng tại ĐH lần thứ IV đã khẳng định: “Với những thành tựu đã đạt được chủ yếu trong việc phản ánh hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay”.
Nhưng gần đây, trong cách đánh giá tính chân thật của những sáng tác viết về đề tài chiến tranh, đã nảy sinh một số ý kiến không đúng.
Có người cho rằng nền văn học của chúng ta trong mấy chục năm qua thiên về miêu tả hiện thực như nó phải tồn tại chứ không phải như nó đang tồn tại, miêu tả cái lý tưởng hơn là miêu tả cái hiện thực, mới miêu tả cái cao cả chứ chưa miêu tả cái đẹp. (1) Họ cho rằng chủ nghĩa hiện thực XHCN trong văn học nghệ thuật chúng ta là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, do có “lối sống phải đạo” theo quy luật “thích nghi sinh tồn”, thực chất là muốn nói đến một lối sống tùy thời trong xã hội và một chủ nghĩa công thức, giáo điều nào đó trong văn học, muốn nói đến một nền văn học không thật sự có tự do, một nền văn học phi hiện thực vì phải viết theo ý muốn của lãnh đạo. Đây là một sự vu khống đồng thời là một sự miệt thị đối với nền văn học và các nhà văn của chúng ta, khiến cho nhiều nhà văn của chúng ta phẫn nộ một cách chính đáng.
Người đưa ra luận điểm này thực chất đã đối lập tính đảng với tính hiện thực và có khuynh hướng muốn bỏ qua một cách phi lý phạm trù cái cao cả, cái anh hùng, phủ nhận mặt mạnh nhất của nền văn học hiện thực XHCN VN là đã xây dựng được những tác phẩm giàu tính lý tưởng, xây dựng được những điển hình anh hùng cách mạng ngời sáng. Những điển hình văn học có phẩm chất trong sáng, có lý tưởng cao cả là hoàn toàn phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của con người Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện nay. Con người Việt Nam vốn có truyền thống coi trọng đời sống tinh thần, coi trọng những quan hệ cộng đồng, khát khao những lý tưởng đẹp đẽ. Trong mấy chục năm kháng chiến chống hai tên đế quốc xâm lược, không phải “lối sống phải đạo”, “lối sống tùy thời” mà chính là chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành nếp sống chủ đạo của nhân dân ta. Do đó, cái anh hùng, cái cao cả là mặt bản chất của hiện thực đấu tranh cách mạng. Do đó, nhiệm vụ trung tâm của nền văn học hiện thực XHCN VN là phải “phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những phẩm chất cao quý của nhân dân ta” (2)
Về mặt lý luận, người đưa ra luận điểm về “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” đã phạm sai lầm khi đối lập một cách siêu hình lý tưởng với hiện thực, cái phải tồn tại với cái đang tồn tại. Trong những xã hội có đối kháng giai cấp, nhà văn không có điều kiện khắc phục cái hố ngăn cách giữa lý tưởng và hiện thực. Trong những xã hội ấy, giữa lý tưởng của nhà văn mong muốn có một cuộc đời tốt đẹp và hiện thực xấu xa của xã hội là một cái vực thẳm, lý tưởng hoặc “chiến thắng” hiện thực xấu xa một cách ảo tưởng theo lối hài kịch, hoặc tan vỡ đau xót trước hiện thực phũ phàng theo lối bi kịch. Những lý tưởng thẩm mỹ của văn học nhân đạo chủ nghĩa quá khứ phần lớn là những mô hình về tính hoàn mỹ ở ngoài hiện thực được mô tả. Những hình tượng đẹp trong văn học dân gian, văn học quá khứ có khi chỉ là những khuôn mặt mờ ảo lung linh trong giấc mơ. Còn những hình tượng mang tính lý tưởng cao cả trong các tác phẩm của chúng ta ngày nay viết về đề tài chiến tranh cách mạng (như anh hùng Núp, chị Út Tịch, Kan Lịch, Nguyễn Văn Trỗi…) thì lại chính là hình ảnh chân thật của những người aanh hùng cầm súng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong xã hội XHCN hoàn toàn không có tình trạng đối lập tuyệt đối, không thể vượt qua, giữa lý tưởng và hiện thực, như Eret Fisher đã nêu lên. Dĩ nhiên là vẫn còn mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực: khi hiện thực vươn lên được một lý tưởng nào đó thì mục tiêu phấn đấu của con người lại càng muốn vượt cao hơn xa hơn. Quan hệ này cứ đổi mới thường xuyên nhưng ở đây không còn là tình trạng đối kháng giữa lý tưởng và hiện thực như trong xã hội cũ.
Xã hội mới, thế giới quan mác-xít, phương pháp hiện thực XHCN giúp cho nhà văn miêu tả hiện thực một cách lịch sử cụ thể, trong quá trình phát triển cách mạng, giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa lý tưởng và hiện thực, giữa cái phải tồn tại và cái đang tồn tại. Sự kết hợp nhuần nhị giữa tính lý tưởng và tính hiện thực đã trở thành đặc trưng thẩm mỹ của những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh trong mấy chục năm qua. Vậy mà có người bất chấp sự thật này lại cho rằng đó là những “tác phẩm chỉ có 1 phần 2 sự thật”, mà “1 phần 2 sự thật đã là sự giả dối”. Đây là một sự đánh giá sai lầm. Hiện thực được miêu tả trong các tác phẩm của các nhà văn chúng ta viết về đề tài chiến tranh là một hiện thực phong phú, phức tạp và đa dạng về màu sắc thẩm mỹ. Đảng kêu gọi văn nghệ sĩ chúng ta đến các mũi nhọn của cuộc sống, đến những nơi mà ngọn lửa kháng chiến, ngọn lửa anh hùng cháy sáng nhất, đến những nơi đầu sóng ngọn gió của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc đang diễn ra dữ dội và ác liệt nhất. Chính vì thế mà văn học ta không những không tránh né mà đi thẳng vào trung tâm mâu thuẫn, không chỉ miêu tả cái anh hùng, cao cả vốn là mặt bản chất của hiện thực, mà còn lên án cái ti tiện, thấp hèn, không chỉ ca ngợi những chiến công rực rỡ mà còn nói những tổn thất, hy sinh, những khó khăn phức tạp mà nhân dân ta đã phải trải qua để đi đến thắng lợi ngày hôm nay.
[…..]
Có người bối rối, bi quan trước những khó khăn to lớn trong quá trình phát triển của cách mạng hiện nay, đưa ra những nhận định sai lầm về bản chất của hiện thực đời sống chúng ta, về nhiệm vụ của văn học trong tình hình mới. Khi đánh giá những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, họ muốn thu hẹp hiện thực về phái những “mặt trái”, mặt tiêu cực, những tổn thất hy sinh, những đau thương mất mát – mà họ gọi chung một cái tên “hiện thực dữ dội, khốc liệt”. Họ chỉ trích nền văn học ta không tập trung miêu tả những con người bất hạnh mà chỉ miêu tả những “con người may mắn”, không miêu tả “những con đường đau khổ” và “những kẻ đi lang thang” ngoài lề của chủ nghiã xã hội, không miêu tả những con người bé nhỏ, bình thường, trung gian mà lại tập trung miêu tả những con người tiên tiến, anh hùng của xã hội.
Hiện thực là một tồn tại khách quan, đa dạng, phức tạp và luôn luôn vận động. Thấy hiện thực toàn màu hồng là một cách nhìn sơ lược, công thức, nhưng nếu cho rằng phải tập trung miêu tả cái tiêu cực, cái tổn thất hy sinh, cái khốc liệt mới là hiện thực, thì lại sa vào một công thức khác. Bởi vì trong mấy chục năm qua, chúng ta đã đánh thắng hai tên đế quốc đầu sỏ, đã xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nửa nước, rồi trong cả nước, hiện nay chúng ta lại đang bước vào một cuộc chiến đấu mới nhằm bảo vệ độc lập tự do của tổ quốc và xây dựng thành công chủ nghãi xã hội. Thành tích của chúng ta vô cùng to lớn. Nếu chỉ thấy mặt tiêu cực, chỉ thấy mất mát hy sinh thì sẽ không đánh giá đúng hiện thực, lẫn lộn hiện tượng và bản chất, do đó rơi vào tình trạng bi quan thậm chí khiếp nhược, mất phương hướng trong sáng tác và phê bình.
[…………..]
Trước đây các tác phẩm viết về chiến tranh đã tập trung tố cáo tội ác của kẻ thù và ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quần chúng. Điều đó là hoàn toàn đúng. [………..] Trong hoàn cảnh chiến tranh, do ý thứ trách nhiệm trước vận mệnh cua tổ quốc, có những điều chúng ta chưa nói hết; trong những điều đó có những tổn thất hy sinh to lớn mà nhân dân ta đã phải chịu đựng cũng như những chiến công anh hùng thầm lặng chưa được công bố của các đơn vị đặc công, an ninh, không quân…Bây giờ đây, trong những điều kiện mới, chúng ta đặt vấn đề nâng cao chất lượng hiện thực của tác phẩm là hoàn toàn đúng. [………..] Tuy nhiên, muốn đặt vấn đề nâng cao chất lượng hiện thực của văn học một cách chính xác thì cần phải hiểu đúng tình hình chính trị của đất nước hiện nay. Một số người rơi vào ảo tưởng là hiện nay chúng ta đã hoàn toàn ở trong thời kỳ hòa bình, không còn có sự tiến công của kẻ thù ở bên trong và bên ngoài, cho nên bây giờ là lúc văn học có thể nói mọi chuyện, nêu mọi vấn đề. […..] Nhưng cũng cần thấy rằng chúng ta đang đứng trước nguy cơ xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc. Nhân dân ta vừa tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới tây nam và biên giới phía bắc chống bọn bành trướng Bắc Kinh và bè lũ tay sai là bọn Pôn-pốt – Iêng Xa-ry. Nhưng đến hôm nay chiến sĩ ta vẫn còn phải đánh địch xâm lấn biên giới, còn phải chịu tổn thất thương vong, còn phải tiếp tục đối phó với những thủ đoạn phá họai rất thâm độc của tập đoàn phản bội Bắc Kinh câu kết với bè lũ đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ. Văn học phải tiếp tục động viên ý chí chiến đấu của nhân dân để bảo vệ độc lập tự do của tổ quốc, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng làm thất bại mọi âm mưu xảo quyệt mọi thủ đoạn chiến tranh tâm lý của kẻ thù. Văn học cũng phải góp phần kiên định ý chí của nhân dân ta trong việc phấn đấu thực hiện đường lối CM XHCN, nhằm xây dựng một nền sản xuất lớn XHCN, chế độ làm chủ tập thể XHCN, nền văn hóa và con người mới XHCN.
Không nhận đúng bản chất của hiện thực cách mạng 35 năm qua và những nhiệm vụ hiện nay của văn học sẽ dễ dàng rơi vào những luận điểm mơ hồ, thậm chí lệch hướng.
Cho rằng văn học ta chỉ miêu tả “những con người may mắn” theo một công thức nào đó là một ý kiến sai lầm. Các nhân vật trung tâm trong các tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh như Kha (Xung kích), Lương (Trước giờ nổ súng), chị Tư Hậu (Một chuyện chép ở bệnh viện), chị Sứ (Hòn Đất), Nguyễn Văn Trỗi (Sống như Anh), Sáu Thắm (Đất Quảng), Mẫn (Mẫn và tôi), Lữ (Dấu chân người lính),… đã chịu bao nhiêu mất mát trong cuộc đời riêng của họ và có những người đã hy sinh cả tính mệnh của mình cho lẽ sống cao cả của dân tộc. Họ là những điển hình tiêu biểu cho cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc ta trong mấy chục năm qua. Tất nhiên những kẻ phải trải qua “con đường đau khổ” mới đi được đến với cách mạng, “những kẻ lang thang” ngoài lề của chủ nghĩa xã hội, những con người bé nhỏ, trung gian cũng có thể là đối tượng miêu tả của văn học. Nhưng đó không phải là những con người tiêu biểu cho bản chất thời đại chúng ta. Hướng văn học vào những tấn bi kịch quằn quại của những kẻ phản bội, đầu hàng, những kẻ dao động, cơ hội chủ nghĩa, những “con người đau khổ”, “bất hạnh”, đi “ngoài lề” của chủ nghĩa xã hội để làm gì?
[….] Một nền văn học hiện thực mang tính đảng cộng sản phải xem nhiệm vụ xây dựng những điển hình anh hùng cao cả là nhiệm vụ chiến lược của mình, là lý do tồn tại của mình trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Chúng ta không loại trừ việc miêu tả nhân vật tiêu cực trong văn học. Miêu tả nhân vật tiêu cực là để làm nổi bật nhân vật tích cực, để nêu cao lý tưởng cách mạng sáng ngời của chúng ta. Cho rằng văn học ta phải hướng vào việc miêu tả những người “bất hạnh”, những người “lang thang”, những người “ngoài lề”, thậm chí những tên đầu hàng, phản bội, là sai lầm.
[…..] Cho rằng văn nghệ ta đi theo “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” bởi vì nó chỉ miêu tả cái hiện thực phải tồn tại chứ chưa miêu tả cái hiện thực đang tồn tại, là sao chép luận điệu của An-be Ca-muýt hơn hai chục năm về trước khi ông ta nói xấu nền văn nghệ hiện thực XHCN của Liên Xô.
Trong lý luận cũng như trong thực tiễn văn học, cái mới không đồng nhất với cái lạ, càng không đồng nhất với cái phi lý. [……..] Cái mới chân chính không thể nảy sinh trên một miếng đất trống, nảy sinh từ lối suy nghĩ tư biện và hình thức chủ nghĩa, thoát ly truyền thống dân tộc và thực tiễn đấu tranh chính trị của nhân dân ta hiện nay.
[…….]
Nguồn:
Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, s. 11 (tháng 11/1980), tr. 51-56.
Chú thích
(1) Xem bài “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” của Hoàng Ngọc Hiến đăng trên báo Văn nghệ số 23 ngày 9-6-1979.
(2) Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 121.
Ghi chú của người sưu tầm:
Bài này tương đối dài, vì vậy người sưu tầm chỉ trích ra để giới thiệu lại ở đây một số đoạn chính, nhất là những đoạn có phê phán trực tiếp một số ý kiến trong một số bài cụ thể (ví dụ phê phán các ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến, hoặc những câu chữ từ các bài của Nguyễn Minh Châu, Ngô Thảo, Nguyên Ngọc. Những phần lược đi được người sưu tầm đặt trong ngoặc vuông.