Đặng Thân
PHẦN GIỚI THIỆU: QUÁ KHỨ ĐÁNG KÍNH NỂ
Có thể nói văn học Việt Nam trong khoảng gần trăm năm qua cũng đã trải qua những “công cuộc hiện đại hóa” đáng tự hào so với các nền văn học khác trên thế giới. Trước hết, xin khái quát tình hình văn học đầu thế kỷ trước bằng cách trích lời Đặng Thai Mai:
Cái mà ta gọi là tư trào văn học do chế độ phong kiến và chế độ thực dân để lại chỉ là những hình thái hết sức gày còm bạc nhược. Nền văn học bình dân chưa được phát triển. Bản sắc của dân tộc luôn luôn bị bóp chẹt dưới tư tưởng bản xứ xưa kia nghĩa là kẻ học trò của tư tưởng phong kiến Trung Hoa và sau đó là tôi đòi của chủ nghĩa thực dân Pháp nhặt được trong văn học cổ điển Pháp đã hoàn toàn biến chất trên tập chương trình các trường Pháp Việt khắp các cấp. Công tác nghiên cứu văn học cổ không có cơ sở không có phương pháp. Bắt chước người ngoài chỉ đi đến chỗ hy sinh tất cả bản ngã. Cho nên trong công cuộc sáng tác, so với người ngoài thì nhà văn Việt nam là những lực sĩ đi dự một cuốc chạy việt dã mà phải bắt đầu chạy sau người ta đến mấy thế kỷ.[1]
Từ thực trạng èo uột mất bản ngã đó, văn học Việt Nam đã có những bước đi “một năm đã có thể kể như ba mươi năm của người”[2] như Vũ Ngọc Phan đã nhận định. Tất cả có thể nói là nhờ: sự thúc bách của thời đại; sức sống mãnh liệt của tiếng Việt; tác động mạnh của các cuộc vận động cách mạng mang tinh thần dân chủ từ đầu thế kỷ; đóng góp của các tài năng và tầng lớp trí thức; viết văn trở thành một nghề kiếm sống.
Bây giờ, người viết xin được điểm lướt qua các thành tựu của quá khứ.
I/ Những làn sóng đổi mới trong thơ.
Làn sóng thứ nhất cuồn cuộn từ đầu những năm 1930, mang tên “Phong trào Thơ Mới”. Khi chủ nghĩa tư bản thâm nhập vào Việt Nam cùng với làn gió văn hóa phương Tây tràn vào nước ta, giới trí thức nhanh chóng tiếp thu văn hóa Pháp và nhận ra vần luật, niêm luật của Nho gia quá gò bó trong việc thể hiện tiếng thơ của con người. Từ tận năm 1917, Phạm Quỳnh nổi tiếng là người bảo thủ, cũng phải thú nhận sự gò bó của các luật thơ cũ. Sau đó, Phan Khôi cũng viết nhiều bài báo chỉ trích những trói buộc của thơ văn cũ và đòi hỏi cởi trói cho sáng tác thơ ca. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, họ đã là những nhà tiên phong của nghệ thuật mới. Phong trào này đã để lại những tên tuổi làm sáng rực thi ca Việt nửa đầu thế kỷ trước: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương…
Làn sóng sau đó mang đậm tính hiện đại chủ nghĩa xuất hiện từ thời chống Pháp với các tên tuổi quan trọng của Trần Dần, Văn Cao, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Nguyễn Đình Thi cùng một số người khác trong “Phong trào Nhân văn Giai phẩm”. Họ đã để lại cuộc cách tân mãnh liệt, có những người còn tiếp tục sáng tạo đến tận thế kỷ XXI.
Song song với làn sóng này là sự bật lên trong những sáng tạo độc đáo và tự do đến vô cùng của các nhà thơ lớn miền nam Việt Nam thời kỳ từ 1954 cho đến 1975 với các đại diện là Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, Viên Linh… cùng nhiều nhà thơ lớn khác khai triển thành công tạo ra không gian mới cho các thể thơ cũ.
Làn sóng tiếp là sự vươn mình của các nhà thơ giai đoạn chống Mỹ với khuynh hướng mở rộng, tăng cường chất hiện thực, cùng với cái tôi trữ tình và sự nâng cao chất trí tuệ và chính luận trong thơ. Chúng ta đã biết các đại diện như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm…
Tiếp theo là sự bứt phá tung hoành của làn sóng thơ “Đổi Mới”: Dư Thị Hoàn, Hoàng Hưng, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… Nhà thơ Hoàng Hưng đã viết về họ:
[…] Mai Văn Phấn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang Thiều, đều là những người có vốn ngoại ngữ Anh/ Pháp vững vàng và kinh nghiệm giao lưu văn hóa với Âu Mỹ. Chính họ đã đưa những yếu tố siêu thực, phi lý, phi tuyến tính, hình thức thơ văn xuôi của thơ hiện đại và hậu hiện đại phương Tây vào những bài thơ bộc lộ những mảng khuất lấp của đời sống chưa quen được khai thác trong truyền thống văn chương Việt Nam. Khác với họ, Nguyễn Lương Ngọc chinh phục người đọc ở nỗi đau thầm kín, sự ám ảnh và nỗi tuyệt vọng ẩn chứa trong những bài thơ đầy dự cảm về sự mong manh của kiếp người, của cái đẹp, trong khi Nguyễn Bình Phương có tài nói về những điều mơ hồ, rối rắm trong lòng người, bằng những đoạn thơ mơ hồ, rối rắm.
Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, thuộc thế hệ mới nhất của Thơ VN, chỉ mới xuât hiện từ cuối thế kỷ trước. Họ không chú ý bứt phá thi pháp bằng khai thác đến cùng tâm trạng thực, khát khao thực của cá nhân mình. Họ dễ nhận được sự đồng cảm của thế hệ trẻ mà nhu cầu “nổi loạn” của “cái tôi” – chủ yếu trong lĩnh vực tình yêu, tình dục – đang đánh dấu sự chuyển mình lớn lao của xã hội Việt Nam. […][3]
II/ Về văn xuôi, văn học Việt Nam cũng đã có những bước đi quan trọng và những thành tựu to lớn trong công cuộc hiện đại hóa.
Đầu thế kỷ XX là giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công cuộc hiện đại hóa khi chữ quốc ngữ ngày càng phổ biến cùng với báo chí và dịch thuật phát triển. Thành tựu thì chỉ có ở một số truyện ký với trình độ nghệ thuật còn hạn chế.
Làn sóng đầu tiên có thể nói bắt đầu từ những năm 1920, tuy chỉ có tính quá độ nhưng đã đạt được nhiều thành tựu lớn với các tên tuổi: Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình, Vũ Đình Long, Nam Xương… Tiểu thuyết Tố Tâm ra đời giữa những năm 1920 của Hoàng Ngọc Phách như một cái mốc đánh dấu sự ra đời của tiểu thuyết và văn chương lãng mạn Việt Nam, đặc biệt có truyện ký rất hiện đại của Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp. Thời kỳ này đã có dấu hiệu phân chia khuynh hướng sáng tác theo lãng mạn và hiện thực.
Làn sóng tiếp theo là giai đoạn 1930 – 1945 khi văn học được hiện đại hóa và cách tân trên mọi lĩnh vực, các thể loại phát triển mạnh mẽ. Song hành với “Thơ Mới” là những cây bút hiện thực chủ nghĩa thực sự tài năng: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… Trong đó, chúng ta đã có hai kiệt tác là Số đỏ và Chí Phèo. Tiểu thuyết lãng mạn vang lên tên tuổi các nhà văn xuất sắc: Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyễn Tuân…
Làn sóng văn học kháng chiến kéo dài hơn ba mươi năm cũng để lại dấu ấn khác thường với lối diễn ngôn “người chiến thắng”. Nhà phê bình Lã Nguyên đã viết:
Từ những năm 1960, khi những dấu hiệu giải quy phạm bắt đầu xuất hiện trong văn học Nga – xô viết, thì văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam bước vào thời kỳ hoàng kim của quá trình quy phạm hoá… Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Đường chúng ta đi của Nguyên Ngọc, Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm của Đào Vũ, Bão biển, Đất mặn của Chu Văn, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng, Sông Đà của Nguyễn Tuân, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu,Đồng bạc trắng hoa xoè, Vùng biên ải của Ma Văn Kháng, Hòn đất của Anh Đức, Người mẹ cầm súng, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi…chính là những tác phẩm đỉnh cao, thể hiện đầy đủ nhất tinh thần của một hệ thống nguyên tắc nghệ thuật đã được định hình, hoá thành “bộ mã ngôn ngữ” có khả năng tự động chi phối cách thức hành ngôn của người sáng tác.[4]
Cùng thời kỳ, một làn sóng to lớn mang tên “văn học đô thị miền Nam” nổi lên dữ dội với những tên tuổi cũ và mới của Vũ Bằng, Vũ Hạnh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Vương Hồng Sển, Bùi Giáng, Nhất Hạnh, Giản Chi, Hồ Biểu Chánh, Nhất Linh, Lê Văn Trương, Nguyễn Vỹ, Tạ Tỵ, Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn, Sơn Nam, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh, Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Thế Vinh… Họ đầy khát vọng đổi mới, trẻ trung, năng động, cởi mở. Trên diễn đàn văn chương xuất hiện nhiều từ ngữ mới: hiện sinh, siêu thực, ẩn ức tính dục, vô thức cá nhân, dòng ý thức, phản tiểu thuyết, phản nhân vật… Rồi là chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực, lý thuyết vô thức của Freud, tinh thần sáng tạo của Tiểu thuyết Mới… Văn học đô thị miền Nam tiếp nối tinh thần sáng tạo của văn học thời tiền chiến, nhờ vậy mà hành trình phát triển của văn học không bị đứt đoạn bởi chiến tranh với những quy luật bất thường áp đặt lên nghệ thuật. Câu chuyện sau đã thể hiện sự thành công của tiểu thuyết đô thị miền Nam:
Người ta kể trường hợp ông NL, một cán bộ vào tiếp thu văn hoá miền Nam có dịp đọc cuốnLoan mắt nhung của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Ông thích cuốn sách đó, mang về Bắc trình ông Tố Hữu. Ông Tố Hữu đọc xong nói: “Miền Bắc đã không thể có người viết văn như thế này.”[5]
Tiếp theo, là làn sóng “Đổi Mới” oanh liệt. Hãy xem Lã Nguyên viết:
[K]huynh hướng đổi mới của văn học Việt Nam từ giữa những năm 1980 tới nay […] được tạo thành bởi sự xuất hiện của một chủ thể lời nói hoàn toàn khác. Đọc cả một loạt tác phẩm, ví như Khách ở quê ra, Bến quê, Phiên chợ Giát, Chiếc thuyền ngoài xa, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Tướng về hưu, Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp,Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, hay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, ta không còn nhìn thấy cái chủ thể lời nói đầy hân hoan, phới phới một niềm tin vào tương lai phía trước, mà chỉ bắt gặp một chủ thể phát ngôn đầy hoài nghi trong hình tượng những con người bị chấn thương, thất bại, vong thổ, vong thân, lạc loài giữa một thế giới ảo giác, vô nghĩa, vô hồn.[6]
Văn học thời “Đổi Mới” là sự thể hiện những cái “tôi” một cách mạnh mẽ, đội ngũ sáng tác lên đường “đi tìm cái tôi đã mất”. Họ có cách nhìn đa chiều hơn, có nhiều giọng nói mới, tinh thần mới. Đời sống văn học sôi động, nhiều tác phẩm phong phú, hấp dẫn, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Nhà văn không còn e ngại lắm các đề tài nhạy cảm, tự do lựa chọn bút pháp, ngôn ngữ biểu đạt. Có hai hướng đổi mới trên nền truyền thống và theo hướng nghệ thuật hiện đại phương Tây.
Tiếp dòng chảy “Đổi Mới” sang đến thế kỷ XXI có sự phát triển rất phong phú đa dạng trong văn học Việt Nam, và đã có nhiều người gọi tên giai đoạn này là “Văn học Hậu Đổi Mới”. Xin được trình bày những quan sát của người viết như sau đây về những phương pháp thực hành mới của nhiều tác giả trong và ngoài nước, tạo sức sống kỳ vĩ rất mới cho thơ văn Việt 15 năm qua. Nội dung bài này phần lớn chỉ có tính chất giới thiệu là chính, chưa thực sự bàn sâu; như thể, chỉ đưa ra bức tranh khỏa thân mà chưa phân tích thật là kỹ xem nó là tuyệt tác mỹ thuật hay chỉ là tranh khiêu dâm. Tuy nhiên, ai nghe/nhìn xong cũng có thể cảm nhận được.
(còn tiếp)
……………………………………………………………
[1] Đặng Thai Mai, “Văn học bình dân và văn học cao cấp” (1948).
Nguồn: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/thoi_hu_tat_xau_cua_nguoi_viet_58-7.html
[2] Nguồn: https://sites.google.com/site/the9pers/van-hoc-viet-nam-dau-the-ki-xx-toi-nam-1975
[3] Hoàng Hưng, “Một cái nhìn lướt về thơ Việt Nam hiện đại” (2010).
Nguồn: http://vietvan.vn/vi/bvct/id3231/Mot-cai-nhin-luot-ve-tho-Viet-Nam-hien-dai/
[4] Lã Nguyên, “Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hệ hình giao tiếp nghệ thuật” (2011); Nghiên cứu văn học”, 2012, số 8.
Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=3444%3Avn-hc-hin-thc-xa-hi-ch-ngha-nh-mt-h-hinh-giao-tip-ngh-thut-&catid=94%3Aly-lun-va-phe-binh-vn-hc&Itemid=135&lang=vi
[5] Nguyễn Văn Lục, “Nhật ký ghi lại, sau 30 tháng Tư” (2004), Giao Điểm 7-2004.
Nguồn: http://www.art2all.net/tho/tho_nvl/ditimthoigiandanhmat.htm
[6] Lã Nguyên, “Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hệ hình giao tiếp nghệ thuật” (2011); Nghiên cứu văn học”, 2012, số 8.
Nguồn: FB Đặng Thân