CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (21): VỤ “79” (10)

THỬ NHÌN LẠI MỨC ĐỘ CHÂN THỰC CỦA CÁC TÁC PHẨM VIẾT VỀ CHIẾN TRANH VÀ QUÂN ĐỘI

NGÔ THẢO

Quân đội nhân dân, 6/7/1980

I. Chiến tranh và quân đội − đề tài của văn học hôm nay

Trang cuối cùng của cuốn sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã gấp lại vào ngày 30-4-1975, sau 30 năm liên tục chống Pháp và Mỹ. Với một nhiệt tình không đổi, các tác phẩm viết về đất nước những năm tháng chiến tranh và người lính trong những năm tháng ấy vẫn xuất hiện đều đặn và được dư luận theo dõi. Sự tập trung chú ý vào những ngày kết thúc chiến tranh là một điều dễ hiểu, dễ cắt nghĩa. Các tập ký và ghi chép thơ, trường ca, truyện ngắn và tiểu thuyết về Chiến dịch Hồ Chí Minh, về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chiếm một số lượng nổi bật. Nhưng, không chỉ có thế. Những thời kỳ khó khăn, những chiến trường ác liệt, những mặt trận thầm lặng vì cần giữ bí mật trong chiến tranh đã được nói đến trong văn học.

Chúng ta tin rằng, thời gian không làm vơi cạn vấn đề và giảm bớt nhiệt tình của người viết về thời kỳ lịch sử huy hoàng ấy.

Nhưng nhìn nhận, đánh giá vị trí của đề tài văn học này thế nào cho đúng thì chưa dễ đã thống nhất.

Trong quan niệm, trong ý thức, trong các bài phát biểu, bài phê bình và nghiên cứu, không ít người coi đây là một đề tài lịch sử quan trọng hàng đầu. Cuộc kháng chiến thần thánh đã kết thúc. Trong quá trình chiến đấu, bằng thành tựu của mình, văn học đã góp phần vào thắng lợi. Nhưng theo họ, văn học nước ta chưa có những tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc. Các nhà văn hôm nay và mai sau sẽ còn phải tiếp tục phấn đấu để có những tác phẩm xứng đáng đền ơn đáp nghĩa đó.

Nhà văn sẽ phải tiếp tục hoàn thành phần việc mà trong chiến tranh họ chưa làm được. Đời sống hòa bình cung cấp cho nhà văn điều kiện vật chất và thời gian để hoàn thành tác phẩm.

Những kiến giải nghe như khách quan và vô tội đó, nhìn kỹ lại không hoàn toàn chính xác, và có phần nguy hiểm, khi nó chi phối cách viết, hướng tìm tòi của nhà văn.

Phải nói thẳng ra rằng, dù trong tương lai văn học sẽ có những tác phẩm lớn đến đâu, cũng không mang lại cho người đọc cũng như người viết, cảm giác về một sự thỏa mãn là đã đền ơn đáp nghĩa xứng đáng. Mỗi tác phẩm cũng như toàn bộ thành tựu của nền văn học, cũng chỉ ghi giữ một phần hình ảnh những hy sinh vô lượng mà dân tộc đã trả giá để giành thắng lợi và như thế đã là những thành tựu lớn. Hơn thế nữa, cuộc sống hôm nay còn đòi hỏi ở văn học rất nhiều nỗ lực, cố gắng để góp phần thiết thực vào việc tạo dựng cuộc sống mới, một cuộc chiến đấu không đổ máu nhưng cũng rất quyết liệt. Bản thân lịch sử cần được tiếp tục hơn là những lời ngợi ca và sự ca ngợi, khẳng định tốt nhất vẫn là đưa thắng lợi đã giành được lên một đỉnh cao mới.

Vậy lý do nào để xếp phần văn học viết về chiến tranh giải phóng vào trong số đề tài thời sự bức thiết và quan trọng nữa của văn học hôm nay?

Chỉ có thể cắt nghĩa điều đó bằng vai trò và vị trí của cuộc chiến tranh trong lịch sử hiện đại cũng như trong đời sống hôm nay của dân tộc.

Cũng không chỉ vì, đất nước hôm nay đang phải nhận lãnh và giải quyết những tồn đọng của cuộc chiến tranh giải phóng và đứng trước nhiệm vụ thường trực của một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Một nền văn học tích cực và lành mạnh bao giờ cũng nhận lãnh nhiệm vụ tham gia vào cuộc sống hiện tại của đất nước, tìm hiểu, nhận thức, lý giải hiện thực. Bằng tác phẩm tác động vào thực tiễn, giúp giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong đời sống tinh thần của dân tộc, và đến lượt nó, tác phẩm văn học vừa cổ vũ, vừa đáp ứng yêu cầu đó của quần chúng.

Sự quan tâm của nền văn học chúng ta với đề tài chiến tranh nằm trong ý thức này.

Ba mươi năm chiến tranh, lại ở trên chặng đầu sự sinh thành chế độ mới, con người mới, cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do của dân tộc là một dòng thác lớn mà trong đà trôi của nó đã cuốn băng và nhấn chìm bao nhiêu kẻ thù – đã tạo ra những con người, những tổ chức, những nếp nghĩ, tập quán, những nguyên tắc xã hội và đi liền theo đó là những thước đo giá trị con người làm nên chiến thắng trong chiến tranh, mà ngày thắng lợi hoàn toàn không tạo thành một con đập lớn để ngăn giữ nó ở thượng nguồn thời gian hôm qua, đã ồ ạt đổ vào đời sống đất nước hòa bình, giữ nguyên luồng lạch, dòng trôi, hướng chảy, tuy tốc độ có ít nhiều đổi thay, đã chuyển nguyên cả tác động đa dạng của nó vào cuộc sống hòa bình. Thừa hưởng thắng lợi của cuộc chiến tranh, đất nước hôm nay đồng thời phải lãnh nhận, chịu đựng và giải quyết những hậu quả nặng nề của nó. Những điều đó không chỉ gia nhập vào cuộc sống hôm nay mà sẽ còn đi mãi và chi phối cuộc sống tương lai.

Quan tâm tới đề tài chiến tranh chính là tìm về ngọn nguồn để hiểu đúng, nhận thức đúng, khám phá đúng những vấn đề xã hội của đời sống hôm nay. Quan tâm tới đề tài chiến tranh là để tìm hiểu cái áp lực, cái xu hướng cùng những quy luật đang chi phối sự phát triển của xã hội và con người hiện nay. Quan tâm tới đề tài chiến tranh, còn là tìm chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đi vào thế giới tinh thần, tình cảm từng con người, từng thế hệ cũng như toàn thể xã hội mà văn học đang có ước muốn tích cực tham gia vào việc biến cải nó ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Trên đường hướng cơ bản đó, giá trị ghi nhận lịch sử, giá trị ngợi ca quá khứ hào hùng, để làm gương cho đời sau mới có cơ sở, điểm tựa và lý do tồn tại.

Chúng ta không chối cãi rằng, dù viết về bất cứ thời gian nào, không gian nào, thì đòi hỏi chính đáng của xã hội vẫn là xuất phát từ lợi ích của ngày hôm nay, góp phần vào tiến trình phát triển xã hội hiện nay.

Loại tác phẩm viết lúc nào cũng vậy, ra đời lúc nào cũng vậy, không có chân đứng ở một chốc lát trong lịch sử thì cũng sẽ không có tên trong bảng giá trị lâu dài, như người lính không chịu đứng ở một vị trí nhất định trong hàng quân thì không thể có tên trong danh sách đơn vị.

Nêu điều cổ điển lên trước, bởi vì quan niệm về chỗ đứng, tầm nhìn, mục đích phục vụ đó có ý nghĩa chi phối cách chọn đề tài cụ thể, chọn nhân vật, khai thác và sử dụng tài liệu, cách viết và bao quát hơn, cách chọn chủ đề tư tưởng cho tác phẩm. Cũng một hiện thực ấy, một cốt truyện ấy, một thời điểm lịch sử ấy, ngày hôm qua viết khác hôm nay và tất nhiên mai sau cũng không nhìn nhận như hôm nay.

Chúng ta không từng biết những tác phẩm được nhiều thời đại, nhiều dân tộc yêu thích mà không có dấu ấn một thời đại, một dân tộc. Bởi vì, chính nó làm nên một phần giá trị cho người ta yêu thích.

Công cuộc bảo vệ Tổ quốc mà dân tộc ta đang hằng ngày hằng giờ quan tâm đòi hỏi có sự soát xét lại kinh nghiệm chiến tranh giải phóng và phẩm chất người lính trong chiến tranh giải phóng, lại càng thêm một lý do làm cho đề tài văn học này thành một đề tài thời sự hàng đầu.

II. Thử nhìn lại mức độ chân thực của các tác phẩm viết về chiến tranh và quân đội

Hai cuộc kháng chiến, đặc biệt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thuộc loại ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh loài người từng biết.

Sự ác liệt thể hiện trên nhiều mặt:

– Tính chất và trình độ của xung đột. Đằng sau mâu thuẫn quốc gia và dân tộc là mâu thuẫn thời đại, quốc tế giữa hai hệ thống chính trị trên thế giới.

– Mật độ bom đạn cao nhất trong lịch sử chiến tranh.

– Tính chất hiện đại của các trang bị vũ khí được sử dụng.

– Thời gian đặc biệt dài: 30 năm liên tục, nhiều thế hệ tham gia.

Mặt khác, chiến tranh, dù là chiến tranh cách mạng cũng là một phương thức bắt buộc phải chấp nhận. Bởi vì, mục tiêu cơ bản của mọi cuộc chiến tranh không phải là sáng tạo ra những thành quả vật chất mới mà chỉ là bảo vệ và giành lại những giá trị đã có. Trong khi mục đích cơ bản của cách mạng là xây dựng một xã hội mới, trong đó, con người được bảo đảm hạnh phúc và điều kiện phát triển.

Vì thế, chiến tranh với người cách mạng có giá trị hai mặt: Giá trị tích cực là để giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lý tưởng, bảo vệ sự sống con người. Đồng thời trong chiến tranh, bao nhiêu tài nguyên, nhân lực bị tiêu phí, việc thực hiện lý tưởng phải bị kéo xa và con người bị kìm hãm sự phát triển toàn diện.

Trong chiến tranh, chúng ta bằng mọi cách, khẳng định phần tích cực của nó. Bởi vì, không có thắng lợi thì sẽ không còn Tổ quốc, lý tưởng, con người tự do. Văn học trong chiến tranh đã góp phần cổ vũ nhiệt tình ấy. Đó là một việc làm tất nhiên. Chúng ta tự hào được sự lãnh đạo của Đảng, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học đã có mặt với tư cách là một vũ khí sắc bén động viên tinh thần yêu nước, ý chí quyết thắng và khẳng định lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Ánh sáng và sức nóng của nguồn sáng ấy mãi mãi còn có sức động viên và cổ vũ đối với người viết.

Tuy nhiên, khi nhìn lại toàn bộ thành tựu văn học, với tư cách một tấm gương phản ánh hiện thực đất nước, chúng ta thấy lộ ra một mặt hạn chế là chưa phản ánh đầy đủ hiện thực chiến tranh và cách mạng của đất nước.

Đây không phải là một nhận định mới nhưng khi giải thích cụ thể, người ta nghĩ về những nội dung khác nhau. Thông thường, người ta cho rằng, văn học ta viết về chiến tranh còn ít nói đến phần mất mát, hy sinh, cái giá phải trả cho thắng lợi, văn học ta viết về chiến đấu và chiến thắng nhìn chung còn dễ dàng, thuận lợi. Phần viết về kẻ địch chưa thật sắc sảo và chưa nêu hết sự tàn bạo có ý thức của chúng. Phạm vi bao quát từng tác phẩm còn hẹp, còn thiếu bóng dáng những sự kiện lịch sử quan trọng trong văn học v.v…

Nói chung, đó là những nhận định dễ chấp nhận vì nó đúng. Nhưng trên một bình diện chung, đó vẫn là cách nhìn từ phía khái quát, từ bình diện lịch sử sự kiện. Trong văn học, có lẽ phải chú ý nhiều hơn đến bình diện quan hệ của cuộc chiến tranh đó với con người. Con người trong chiến tranh, con người với chiến tranh phải là bình diện chính của sự khảo sát văn học về chiến tranh.

Chúng ta thấy, phần văn học về chiến tranh đã đề cập tới nhiều sự kiện lịch sử, các thời kỳ quan trọng. Nhưng số phận nhân vật chưa được chú ý đúng mức. Không nên ngộ nhận ý kiến cho rằng, thời đại chúng ta, nhất là trong chiến tranh, do quan hệ thường tập trung theo hướng đồng đại, theo công tác, tiểu thuyết sự kiện phải được thay cho loại tiểu thuyết kết cấu theo quan hệ gia đình, dòng họ, số phận cá nhân. Tiểu thuyết số phận và số phận nhân vật trong tiểu thuyết là hai khái niệm khác nhau. Không ít người viết tiểu thuyết sự kiện đã đánh mất tính chất văn học của tiểu thuyết. Bởi đã coi nhẹ việc thể hiện số phận nhân vật. Ở đây, nguy cơ của tính phiến diện, đơn giản, máy móc tính cách nhân vật và của tác phẩm luôn rình chờ người viết.

Nhân danh bám sát sự thật trong đời sống mà chỉ chạy theo sự kiện, coi thường con người trong sự kiện, là chiều hướng biến tiểu thuyết thành loại ký ghi sự kiện mà chúng ta thường gặp. Và ở tầng sự kiện, đôi khi sự thật đã bị giản đơn rất nhiều.

Vậy thì, trong văn học viết về chiến tranh, những gì thuộc về tính chân thực? Có thể có hai vấn đề chính mà văn học ta chưa tập trung thể hiện sâu sắc và sáng tạo, đó là trách nhiệm của từng người chiến sĩ đối với số phận của đất nước, xã hội và trách nhiệm của xã hội đối với số phận mỗi cá nhân.

Ở cấp độ chung, trong chiến tranh, sinh mạng của con người luôn bị đe dọa chấm dứt bất ngờ. Thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ tới. Thắng lợi từng trận đánh cũng có thể có bảo đảm. Nhưng sự sống của từng người thì không thể, vì không một ai dám bảo đảm. Chính từ cái đặc tính bi thảm và hào hùng này nảy sinh những cuộc đối thoại thường xuyên (tự đối thoại, đối thoại với đồng đội, đồng chí, đối thoại với kẻ thù).

Mọi vấn đề thuộc về phẩm chất, nhân cách và tư tưởng, tình cảm, hành động nhân vật phụ thuộc kết quả cuộc đối thoại liên tục và dai dẳng này.

Anh là người chiến sĩ sẵn sàng hy sinh để tiêu diệt kẻ thù hay coi mình chỉ là vật hy sinh? Ở trường hợp trên là một hành động thể hiện trình độ đạo đức cao cả, trên cơ sở nhận thức đúng và xử lý đúng quan hệ cá nhân với xã hội. Còn cũng là hy sinh mà tự coi mình là bị bắt buộc làm vật hy sinh là một điều vô đạo đức. Trong những người ra trận, có rất nhiều người trở về trong ngày toàn thắng và nhờ có họ mà có thắng lợi. Nhưng cũng có biết bao chiến sĩ ngã xuống không trở về và cũng nhờ sự hy sinh của họ, hay nói đúng hơn, nhờ họ không sợ hy sinh mà có chiến thắng. Nhà văn chọn ai làm nhân vật chính trong tác phẩm của mình? Sự quan tâm thể hiện chính, làm nên nỗi niềm thôi thúc cây bút là những người có mặt hay vắng mặt trong ngày toàn thắng, những người anh hùng vô danh đã lấy cả cuộc đời với những ước mơ và tình cảm cao rộng của mình làm một chiếc đinh nhỏ trên chiếc cầu dân tộc bước tới bờ thắng lợi?

Điều đó còn được quy định bởi lý tưởng sống của nhân vật.

Người có lý tưởng “thà chết đứng hơn sống quỳ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”… xác định đúng trách nhiệm xã hội, đặt Tổ quốc, nhân dân, quyền lợi chung lên trên cá nhân, không chỉ sẵn sàng cầm súng, sẵn sàng ra trận và sẵn sàng hy sinh mà còn sẵn sàng đối đầu với khó khăn, ác liệt.

Vẻ đẹp của họ chính là luôn luôn thắp sáng trong mọi hoàn cảnh ánh lửa của lý tưởng chiến đấu, không bị uy vũ, giàu sang, khó khăn làm đổi hướng lụi tàn; chính điều này xác định lối nhìn, lối viết về chiến tranh.

Phải nói, trong chiến tranh, để động viên, cổ vũ, ca ngợi, việc nhấn mạnh mặt anh hùng, phần thắng lợi là cần thiết. Nhưng như ý kiến nhà nghiên cứu Xô-viết Bo-tsa-rốp: “Mô tả chiến tranh mà chỉ giữ lại cái anh hùng, vứt bỏ tất cả những cái khác có nghĩa là bỏ rơi mất nhiều bài học của chiến tranh, một hiện tượng cực kỳ phức tạp… Không mô tả những chi tiết nặng nề bi thảm của chiến tranh là xuyên tạc bộ mặt của chiến tranh trong ý thức loài người” (Con người và chiến tranh, Nxb. Xô-viết Mát-xcơ-va, 1975, bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến, trang 147).

Chúng ta nhận thức rõ sức mạnh nghệ thuật hiện thực là năng lực tái hiện chân thực cuộc sống trong sự phức tạp của nó. Không nên nghĩ rằng, viết sự thật về chiến tranh sẽ làm cho người tham gia chiến tranh sợ sệt. Đã là không tránh khỏi thì tốt nhất là giáo dục cho người ta − ở đây là thế hệ trẻ − nhìn thẳng vào sự thực. Đã không thể tránh cho người lính khỏi đối mặt với sự thực khắc nghiệt, tại sao không giáo dục cho họ chấp nhận nó, sẵn sàng đối phó với nó? Kẻ nào mới gặp ác liệt trong trang sách mà đã thoái lui, sợ sệt thì cũng không đủ dũng khí thắng những cái đó trong cuộc đời. Xin được trích ở đây lời nhà văn cộng sản Xi-mô-nốp, tác giả lớn viết về chiến tranh của Liên Xô khi nhận định đặc điểm nổi bật nhất của văn học Xô-viết về chiến tranh: “Nói sự thật, sự thật và sự thật. Nói dối trong bất kỳ tác phẩm nào cũng là vô đạo đức, nói dối trong tác phẩm về chiến tranh là hai lần vô đạo đức. Mà dù không nói dối nhưng nói sai, bỏ qua không nói, tô hồng cũng là không thể chấp nhận được. Chiến tranh là đổ máu, là khắc nghiệt và viết về chiến tranh cũng phải khắc nghiệt”.

Trong việc thoái lui của một số thanh niên trước khó khăn, tôi nghĩ có trách nhiệm ở những cuốn sách tầm thường, thiếu lý tưởng, động viên người đọc bằng một thứ triết lý sống tầm thường kiểu ở hiền gặp lành, trời nào phụ kẻ có nhân.

Lý tưởng sống và nguyên tắc phân phối xã hội là hai thứ khác nhau. Người cách mạng chiến đấu cho một nguyên tắc phân phối xã hội công bằng chứ không phải cho mình được hưởng trước hết những nguyên tắc đó. Vấn đề đặt ra là: Biết chắc không gặp lành anh có ở hiền không? Biết chắc sẽ bị thiệt thòi, bất hạnh, hy sinh, anh có dám chiến đấu cho công bằng, chân lý, lẽ phải không? Hàng triệu đảng viên, chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ quân đội chúng ta đã trả lời dứt khoát câu hỏi đó khi tham gia cách mạng và nhờ thế, chiến tranh và cách mạng đã toàn thắng. Và đó là thước đo người chiến sĩ cách mạng với những ai sống và tận hưởng những nguyên tắc phân phối xã hội, đòi hỏi thực hiện những nguyên tắc đó trước hết là áp dụng cho mình.

Nét rõ nhất có thể thấy là trong văn học chúng ta, hiện thực chiến tranh còn được phản ánh hạn chế trong cuộc chiến đấu giữa hai lực lượng đối địch, không dừng lại ở mức độ mục đích chiến đấu, nhưng cũng chưa đi sâu vào phương diện đạo đức, trong hành vi những người chiến đấu.

Mức độ ác liệt còn bị né tránh khá rõ.

Nhưng, điều cơ bản nhất, trong kết cấu bố cục hầu hết tiểu thuyết, các tác giả còn nghiêng về phía những người may mắn. Không thể chỉ ra trong các tác phẩm đó những điều không có thực. Hầu như mọi thứ đều có nguyên mẫu trong thực tế, kể cả những trường hợp kỳ ngộ, những mối tình lý tưởng nhất. Nhưng sau khi lắp ghép tất cả những chi tiết thật ấy vào trong một cuốn tiểu thuyết, khi để nó đối diện với thực tế, cảm giác chung, đó chưa phải là toàn bộ thực tế: Phần nào thường bị tuột khỏi sự quan tâm thể hiện của nhà văn? Phần khó khăn gay cấn, thua thiệt, không như ý. Người ta nói: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối”. (Dẫn theo Ni-cô-lai Gri-bát-sép: “Về chiến tranh và về con người”-phát biểu ở Hội nghị Văn học và Quân sự Liên Xô 1970).

Những tác phẩm một nửa sự thật như vậy, không thể nói gây ấn tượng giả dối, nhưng vẫn chưa phải là sự thật chiến tranh như nó vốn có. Cảm giác không thỏa mãn với một số tác phẩm cũng từ đó mà ra và đó không là lý do để một số sáng tác được đánh giá cao.

Để có một ý niệm rõ rệt về hai loại sáng tác, xin được nêu hai tác phẩm thí dụ: Kịch “Tiền tuyến gọi” và tiểu thuyết “Dấu chân người lính”.

Mô-típ “Tiền tuyến gọi”: Chiến tranh là sự tiếp tục cần thiết của tuổi trẻ, chiến trường với nhà trường là hai quá trình nối tiếp, kế tiếp, liên tục về khoa học, về cách sống, về tình yêu. Chiến trường và nhà trường là hai cực, ở giữa chiến trường, mỗi vùng tuyến lửa, có một cô gái xinh đẹp, đợi chờ quan tâm đến những chàng trai ra trận, mỗi bệnh xá có hàng loạt đề tài cho người nghiên cứu khoa học. Chiến trường là thước đo, là lò luyện con người. Những bậc làm cha mẹ có thể yên tâm khi được gửi con cái mình tới cái trường học tổng hợp đó…

Toàn bộ tình tiết ấy, không có gì bịa đặt, tô hồng, không có gì quá đáng trong quá trình phát triển vở kịch. Tác giả đã sắp xếp hợp lý đến không thể bắt bẻ được. Nhưng, khi đặt ở một bình diện rộng hơn, theo lối tư duy so sánh bình thường, chúng ta thấy các nhân vật ấy là những người cực kỳ may mắn. Trong chiến tranh họ chỉ được mà không mất mát gì. Không mất ai và cũng không ai mất gì. Nhưng hàng vạn, hàng chục vạn học sinh, sinh viên ra trận trong chống Mỹ không tiếp tục nghề nghiệp chuyên môn ở mặt trận, không có một cô thanh niên xung phong nào đón đợi ở một góc rừng Trường Sơn, có đi mà không có về, khi về không còn lành lặn, không được thêm gì cho đời sống ngoài việc tham gia chiến đấu, thậm chí có thể mất mát ở hậu phương… So với số đông đó, tác giả vở kịch viết về một số người may mắn. Có thể có một số người ra trận ước ao số phận của họ. Nhưng số phận họ không có trong tác phẩm nghệ thuật đó. Vị trí những tác phẩm đó nằm ở tuyến nào trong cuộc chiến đấu chắc mọi người đã rõ, mô-típ đó tiêu biểu cho khá nhiều tiểu thuyết về chiến tranh.

Mô-típ “Dấu chân người lính”: Giá trị “Dấu chân người lính” đã được đánh giá khá thống nhất. Nhưng lý giải nó thì cũng không hoàn toàn thống nhất. Người khen quy mô, phạm vi bao quát. Người khen địa điểm và thời điểm chiến trường, người khen bút pháp hiện thực và văn chương trau chuốt… Người khen là dựng được mấy nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình…

Theo tôi, lòng trân trọng của người đọc với tác phẩm này là sự khẳng định lý tưởng cách mạng và cuộc chiến tranh giải phóng được thể hiện qua số phận hàng loạt nhân vật.

Như mọi mô-típ cổ điển, các nhân vật chiến sĩ cách mạng của Nguyễn Minh Châu trong “Dấu chân người lính” đều không thuộc số những người may mắn. Đối với riêng cá nhân họ, không được (lợi lộc) gì trong chiến tranh, mà đều có mất mát, hy sinh, những mất mát hy sinh từ cả chiến trường và hậu phương:

– Lữ: Rời ghế nhà trường, trong sáng, có triển vọng. Hy sinh đột ngột trong chiến đấu.

– Chính ủy Kinh: Nếu ở chiến trường, có một cái gì riêng tư ông sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ, đó là Lữ, đứa con trai. Vậy mà không thể bảo vệ.

– Khuê, Nết: Hai chị em tan nát gia đình trước ngày vào trận.

– Lượng: Nếu theo đúng triết lý “Ở hiền gặp lành” và có một phần thưởng xứng đáng nhất cho người chiến sĩ thì Lượng phải lấy được Xiêm. Nhưng vì phải cứu vớt Kiếm, anh đành làm ngơ trước mối tình đó. Mối tình ngang trái là sợi chỉ mỏng manh thử thách phẩm chất người lính.

Và có những người được hưởng hạnh phúc của sự giải phóng thì đó là cụ Phang: Nhờ giải phóng, gia đình đang tan nát được đoàn tụ, thằng con đáng phải chết được trở về.

Sự hy sinh vô điều kiện của các chiến sĩ có số phận cá nhân không may mắn tạo nên vầng hào quang đặc biệt hấp dẫn cho “Dấu chân người lính”, và mỗi người đọc thấy tự hào mình đứng cùng đội ngũ những người chiến sĩ. Tư tưởng lạc quan cách mạng của tác phẩm nằm ở hiệu quả tâm lý đó.

Ghi nhận thêm: Càng ngày những nhân vật kiểu không may mắn càng thấy xuất hiện nhiều trong các tiểu thuyết. Nó là một dấu hiệu chứng tỏ sự xích gần của mô-típ văn học tới hiện thực đời sống. Trong các tác phẩm về chiến tranh, không thể không miêu tả về chết chóc, thương vong. Nhưng âm hưởng bi đát của số phận cá nhân chỉ càng làm tăng thêm ý chí chiến đấu, nhiệt tình yêu nước, khát vọng lập công, và xu hướng vươn lên thành những con người chân chính, vượt thắng những bất hạnh trong cuộc đời riêng. Dân tộc ta đã lựa chọn cuộc chiến đấu và vì thắng lợi của nó chúng ta không sợ bất cứ sự hy sinh nào. Hứa hẹn hão huyền với người ra trận là hạ thấp lý tưởng của người chiến sĩ, và ở chiến trường, không ít trường hợp, khi cần sự hỗ trợ của văn học, người ta nhận ra nhà văn đã lừa dối mình vì thể hiện một cuộc chiến tranh không thực và vì thế một số nhà văn dần dần đã đánh mất lòng tin của người ra trận.

Trong những tác phẩm dễ dãi, trung bình, xuất hiện khá rõ cảm giác thỏa mãn của người viết về quá trình rèn luyện của nhân vật. Phần kết thúc, ta thường gặp một con người ngã ngũ, xấu ra xấu, tốt ra tốt. Người được rèn luyện đã là chất thép được tôi già, không sợ bất kỳ thử thách nào và chúng ta yên trí chia tay nhân vật. Kết cấu tròn trặn này gợi nhớ tới lối kết cấu truyền thống đặc biệt rõ trong truyện nôm: Tác giả dắt ta cùng nhân vật đi qua một chặng đường có chông gai, hoạn nạn, tới lúc nào đó, tác giả mở cửa cho nhân vật vào nhà, cổng kín tường cao, cửa đóng then cài, để người đọc ở ngoài nhìn cảnh an nhàn kết thúc. Nhưng cuộc sống là một quá trình liên tục. Tiểu thuyết hiện đại phải gắn với đời sống cả trong quá trình phát triển của nó. Tính trọn vẹn, cắt rời số phận nhân vật là đáng suy nghĩ.

Cảm giác yên tâm, bằng lòng này, khi chúng ta đọc tiểu thuyết, không dự báo được cho nhân vật và người đọc khả năng biến động trong hoàn cảnh mới. Con người được tôi luyện trong chiến đấu và thực tiễn cách mạng. Nhưng điều vừa may mắn vừa bất hạnh cho con người ở chỗ nó không phải là kim loại, để tôi bao nhiêu lần, thì yên trí sẽ mãi mãi không bị han gỉ; khả năng bị ô-xy hóa của con người rất lớn và thường xuyên. Nên việc rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên là rất cần thiết. Ở đâu và bao giờ quan hệ riêng chung, lý tưởng cá nhân và yêu cầu xã hội không được xác định rõ, thì con người lại có thể chao chạnh, mất phương hướng, thậm chí sa ngã.

Hơn thế, thử thách của hoàn cảnh chiến tranh tuy quyết liệt cũng chỉ tập trung trên một vài vấn đề và trong những sự lựa chọn thường là rõ ràng. Tính cách còn lại, được quy định giản đơn vào một vài sơ đồ quen thuộc. Lối viết, vì thế, dễ tạo cảm giác đơn điệu, một chiều. Chỉ có thể vượt thoát khỏi tình trạng đó, những nhà văn biết đặt tính cách trong môi trường thực tế, biến động và đa dạng của chiến tranh. Trong văn học ta, tác phẩm về chiến tranh phải chú ý tác động của thời gian. Nó là một mặt của sự thật, một yêu cầu của tính chân thực.

Bấy nhiêu ghi nhận, không thể nói là đủ, nhưng cần được ý thức để tìm những hướng viết mới cho văn học về chiến tranh hiện nay.

Nguồn:

– Quân đội nhân dân, Hà Nội, ngày 06/7/1980

– Tham luận đọc tại hội thảo “35 năm văn học yêu nước và xã hội chủ nghĩa” do Viện văn học và Hội nhà văn tổ chức (Hà Nội, 30/6 đến 2/7/1980)

Đăng tải lần thứ hai:

Báo giấy: Thử nhìn lại các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh và quân đội // Quân đội nhân dân, Hà Nội, ngày 13/7/2014; 14/7/2014; 15/7/2014

Có bản online:

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van-hoa-the-thao-giai-tri/nhin-lai-cac-tac-pham-viet-ve-chien-tranh-va-quan-doi/311340.html

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van-hoa-the-thao-giai-tri/nhin-lai-cac-tac-pham-viet-ve-chien-tranh-va-quan-doi/311482.html

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van-hoa-the-thao-giai-tri/nhin-lai-cac-tac-pham-viet-ve-chien-tranh-va-quan-doi/311705.html

Comments are closed.